Giờ đây, tôi là loại người mà, khi một thầy mo Indonesia đời thứ chín phán rằng mi có số phận phải đến Bali và sống với ông ta trong vòng bốn tháng, nghĩa là mi phải làm tất cả để thực hiện điều đó. Và cuối cùng, toàn bộ ý tưởng về chuyện du hành năm này của tôi bắt đầu thành hình như vậy đấy. Nhất định thế nào tôi cũng phải trở lại Indonesia lần này bằng tiền túi của mình. Chuyện này là hiển nhiên. Dù rằng tôi vẫn chưa thể hình dung ra làm sao để thực hiện việc đó, dựa trên đời sống hỗn loạn và lo âu của mình. (Không những tôi vẫn còn một vụ ly hôn tốn kém phải lo, và những-rắc-rối-với-David, mà vẫn còn một công việc ở tạp chí không cho phép tôi đi đâu liền ba hay bốn tháng.) Nhưng tôi phải trở lại đó. Phải không? Không phải ông ấy đã báo trước chuyện này rồi sao? Vấn đề là ở chỗ, tôi cũng muốn đi Ấn Độ để viếng thăm Ashram của Sư phụ tôi, và đi Ấn cũng là một chuyện tốn kém thời gian và tiền bạc. Để vấn đề còn rối tinh rối mù hơn, gần đây tôi cũng khát khao được sang Ý, để có thể thực hành tiếng Ý ngay trong khung cảnh đó, mà cũng vì ý tưởng sống một thời gian trong một nền văn hóa mà thú vui và cái đẹp được trọng vọng đã cuốn hút tôi.
Tất cả những mong muốn này dường như mâu thuẫn nhau. Đặc biệt là mâu thuẫn Ý/Ấn. Cái gì quan trọng hơn? Cái phần trong tôi muốn ăn thịt bê ở Venice? Hay cái phần trong tôi muốn thức dậy thật sớm trước rạng đông trong sự khổ hạnh của một Ashram để bắt đầu một ngày dài tham thiền và cầu nguyện? Nhà thơ vĩ đại Sufi và nhà hiền triết Rumi đã từng khuyên môn đệ của mình ghi ra ba điều họ muốn nhất trong đời. Rumi cảnh cáo, nếu bất kỳ điều gì trong danh sách này mâu thuẫn với điều khác, các người chỉ chịu bất hành thôi. Ông dạy, tốt hơn nên sống một cuộc sống nhất tâm. Nhưng còn những ích lợi khi sống hài hòa giữa những thái cực thì sao? Nếu ta có thể bằng cách nào đó tạo ra một cuộc đời đủ khoáng đạt để có thể đưa tất cả những trái ngược có vẻ phi lý khớp vào một thế giới quan không loại trừ điều gì cả thì sao? Sự thật của tôi đúng là điều tôi đã nói với ông thầy mo ở Bali – tôi muốn nếm trải cả hai. Tôi muốn cả thú vui trần thế lẫn siêu nghiệm thiêng liêng – những vinh quang đối ngẫu của một kiếp người. Tôi muốn cái mà người Hy Lạp gọi là kalos kai agathos, sự cân xứng đặc biệt giữa thiện và mỹ. Tôi đã bỏ lỡ cả hai trong suốt những năm nặng nề đã qua, vì cả thú vui và lòng sùng đạo đều đòi hỏi một không gian yên bình để đơm hoa kết trái mà tôi thì lại sống trong một cái máy ép rác khổng lồ của tâm trạng bất an triền miên. Còn làm sao để cân bằng thôi thúc tìm kiếm thú vui và khát khao sùng tín… thôi được, thế nào cũng có một cách để học được bí quyết này. Và ngay từ chuyến lưu lại ngắn ngày ở Bali, tôi đã thấy dường như mình có thể học được điều này từ người Bali. Thậm chí có thể từ chính ông thầy mo.
Bốn chân trên mặt đất, một cái đầu đầy lá cây, nhìn thế gian bằng trái tim…
Vậy là tôi thôi cố gắng chọn lựa – Ý? Ấn Độ? Hay Indonesia? – và cuối cùng chỉ thừa nhận là mình muốn đến tất cả những xứ sở này. Bốn tháng ở mỗi nơi. Một năm cả thảy. Tất nhiên giấc mơ này có chút xíu tham vọng hơn. Nhưng đây là điều tôi muốn. Và tôi biết rằng mình muốn viết về nó. Cũng chẳng có gì là quá đáng khi tôi muốn khám phá thấu đáo chính những nước này; và điều này tôi đã làm. Hơn thế nữa tôi là muốn thăm dò thấu đáo một khía cạnh của chính mình trong khung cảnh của mỗi nước nơi có truyền thống làm điều ấy rất tốt. Tôi muốn khám phá nghệ thuật hoan lạc ở Ý, nghệ thuật sùng tín ở Indonesia là nghệ thuật cân bằng cả hai. Chỉ mãi về sau khi thú nhận ước mơ này, tôi mới nhận thấy sự trùng hợp tài tình là cả ba nước này đều bắt đầu bằng chữ I 1. Dường như đây à một dấu hiệu khá tốt lành trên hành trình tự khám phá.
Giờ nếu bạn đồng ý thì hãy hình dung xem tất cả những cơ hội chế giễu mà ý tưởng này tung ra giữa đám bạn bè láu cá của tôi. Tôi muốn đến Ba Chữ I, phải không? Vậy sao không ành một năm ở Iran, Ivory Coast 2 và Iceland? Hoặc còn hay hơn – sao không hành hương đến Ba Tiểu bang Lớn bắt đầu bằng chữ I: Triumvirate of Iclip, I-95 và Ikea? Cô bạn Susan của tôi gợi ý có lẽ tôi nên thành lập một tổ chức cứu trợ phi lợi nhuận gọi là “Phụ nữ ly dị không biên giới”. Nhưng tất cả những trò đùa này đều chỉ là trên tranh luận thôi vì “tôi” vẫn chưa tự do để đi đâu hết. Vụ ly dị đó – rất lâu sau khi tôi ra khỏi hôn nhân – vẫn chưa diễn ra. Tôi đã bắt đầu phải gây sức ép pháp lý với chồng, làm những điều khủng khiếp vì cơn ác mộng ly dị tồi tệ nhất của mình, như tống đạt giấy tờ và viết những cáo buộc quỷ quai (theo đòi hỏi của luật tiểu bang New York) viện dẫn sự tàn nhẫn tinh thần của anh ấy – những tài liệu không có chỗ cho phẩm chất tinh tế, hoàn toàn không thể nói với thẩm phán, “Nghe này, đó là một mối quan hệ thực sự phức tạp và tôi cũng đã phạm những lỗi lầm to lớn, và tôi rất lấy làm tiếc về điều đó, nhưng tất cả những gì tôi muốn là được phép ra đi.”
(Ở đây tôi dừng để dâng lời cầu nguyện cho bạn đọc cao quý của tôi: cầu mong các bạn không bao giờ phải có một vụ ly dị ở New York.)
Mùa xuân năm 2003 ấy mọi việc đến điểm sôi. Một năm rưỡi sau tôi ra đi, cuối cùng chồng tôi cũng đã sẵn sàng thảo luận các điều khoản thỏa thuận. Phải, anh ấy muốn tiền mặt và căn nhà và tiền cho thuê căn hộ Manhattan – tất cả mọi thứ tôi đã đề nghị trong suốt thời gian này. Nhưng anh ấy còn đòi những thứ thậm chí tôi chưa từng nghĩ đến (một quyền lợi trong nhuận bút sách tôi viết trong thời gian hôn nhân, một phần bản quyền đối với phim có thể được dựng trong tương lai trên tác phẩm của tôi, một phần chia các tài khoản lương hưu của tôi, vân vân…) và đến đây thì cuối cùng tôi phải lên tiếng phản đối. Nhiều tháng trời thương lượng đã diễn ra giữa các luật sư của chúng tôi, một thỏa hiệp linh tinh đủ thứ nhích từng bước một đến bàn thương lượng và bắt đầu có vẻ như chồng tôi có thể sẽ thực sự chấp nhận một thỏa thuận đã sửa đổi. Điều đó sẽ khiến tôi trả giá đắt, nhưng một tranh chấp tại tòa án sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc hơn rất nhiều, chưa kể là làm mục ruỗng tâm hồn. Nếu anh ta ký thỏa thuận, tất cả những gì tôi phải làm là thanh toán và bỏ đi. Mà điều ấy thì ổn với tôi vào thời điểm đó. Quan hệ giữa chúng tôi giờ đây đã hoàn toàn sụp đổ, thậm chí cả phép lịch sự giữa chúng tôi cũng đã không còn, tất cả những gì tôi muốn thêm nữa chỉ là một cánh cửa.
Vấn đề là – anh ta sẽ ký hay không? Thêm nhiều tuần trôi qua vì anh ta còn tranh luận nhiều chi tiết nữa. Nếu anh ta không đồng ý dàn xếp này, chúng tôi sẽ phải ra tòa. Một phiên tòa gần như chắc chắn có nghĩa là mọi xu còn lại sẽ mất hết cho tòa án phí. Tệ hơn hết, một phiên tòa sẽ có nghĩa là một năm nữa – ít nhất – với tất cả tình trạng hỗn độn này. Nên bất cứ điều gì chồng tôi quyết định (và xét cho cùng, anh vẫn còn là chồng tôi), cũng sẽ quyết định một năm nữa của đời tôi. Tôi sẽ một thân một mình du lịch Ý, Ấn Độ và Indonesia? Hay tôi sẽ bị chất vấn tại một cuộc thẩm cung đâu đó trong tầng hầm phòng xử án?
Mỗi ngày tôi gọi luật sư của mình mười bốn lần – có tin gì mới không? – và mỗi ngày bà ấy đều đoan chắc với tôi rằng bà đang làm hết sức mình, rằng bà sẽ gọi ngay lập tức khi thỏa thuận được ký. Cảm giác bồn chồn tôi cảm thấy lúc này nửa giống như chờ đợi bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng nửa như phỏng đoán các kết quả sinh thiết. Tôi muốn kể là tôi vẫn bình thản và Thiền, nhưng không phải vậy. Một vài đêm, trong cơn giận dữ dâng trào, tôi đập nhừ tử cái ghế dài của mình bằng cái gậy softball 3. Phần lớn thời gian tôi chỉ trầm cảm đau đớn.
Trong khi ấy, David và tôi lại chia tay. Lần này, dường như là mãi mãi. Hay cũng có thể không – chúng tôi không thể thôi nhau hoàn toàn. Thường thì khát khao hy sinh tất cả cho tình yêu dành cho anh ấy xâm chiếm tôi. Nhưng những lúc khác, tôi có bản năng ngược lại hoàn toàn – dựng lên càng nhiều càng tốt những lục địa và đại dương giữa tôi và người đàn ông ấy, hy vọng tìm thấy thanh thản và hạnh phúc.
Giờ thì trên mặt tôi xuất hiện các nếp nhăn, những rãnh sâu thường trực giữa hai lông mày, vì khóc và vì lo âu.
Và giữa tất cả những thứ ấy, người ta xuất bản một cuốn sách bìa mềm tôi viết vài năm trước và tôi phải thực hiện một chuyến quảng cáo nhỏ. Tôi đưa cô bạn Iva của mình theo cho có bạn. Iva bằng tuổi tôi nhưng lớn lên ở Beirut, Lebanon. Điều đó có nghĩa là, khi tôi đang chơi thể thao và thử giọng trong các vở nhạc kịch tại một trường trung học cấp hai ở Connecticut, thì cô ấy rúm mình trong hầm trú bom năm đêm một tuần, cố để không chết. Tôi không rõ toàn bộ việc tiếp xúc sớm với bạo lực này đã tạo ra một con người giờ đây cứng rắn đến thế sao, nhưng Iva là một trong những người điềm tĩnh nhất tôi biết. Hơn nữa, cô có cái mà tôi gọi là “Số điện thoại riêng đến vũ trụ” gần như một kênh đặc biệt, chỉ-của-Iva, mở thường trực nối với thiêng liêng.
Vậy là chúng tôi đang chạy xe ngang qua Kansas, và tôi đang trong tình trạng thường lệ của mình là bị xáo trộn đến vã mồ hôi vì vụ thỏa thuận ly dị đó – anh ta sẽ ký hay là không? – và tôi nói với Iva, “Tớ không nghĩ mình có thể chịu đựng một năm nữa ở tòa án. Ước gì tớ có thể viết một thỉnh nguyện cho Thượng Đế, cầu xin vụ này chấm dứt.”
“Vậy sao cậu không làm?”
Tôi giải thích với Iva những ý kiến cá nhân về cầu nguyện. cụ thể là tôi không thấy thoải mái khi thỉnh nguyện Thượng Đế những điều cụ thể, vì với tôi điều đó giống với một kiểu kém cỏi về đức tin. Tôi không thích hỏi, “Ngài làm thay đổi điều khó khăn này hay điều hó khăn nọ trong đời tôi được không? – Vì – ai biết được – có thể Thượng Đế muốn tôi đối mặt thử thách đó là có lý do. Thay vì vậy, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi cầu xin có dũng khí để thanh thản đối diện bất kỳ điều gì xảy ra trong đời mình, bất luận mọi chuyện sẽ ra sao.
Iva lịch sự lắng nghe rồi hỏi, “Cậu đào đâu ra cái ý nghĩ ngu ngốc đó vậy?”
“Ý cậu là sao?”
“Cậu lấy đâu ra cái ý nghĩ rằng cậu không được phép thỉnh nguyện vũ trụ bằng cầu nguyện? Cậu là một phần của vũ trụ này, Liz à. Cậu là một phần tử – cậu hoàn toàn có quyền tham dự vào những hành động của vũ trụ và bộc bạch những cảm nhận của mình. Vậy nên cứ đưa ý kiến của cậu ra ngoài thinh không kia. Cứ trình bày trường hợp của mình đi. Tin tớ đi – chí ít điều đó sẽ được xem xét.”
“Thật chứ?” Tất cả những điều này đều lạ lùng đối với tôi.
“Thật! Nghe này, ví dụ cậu phải viết một thỉnh cầu cho Thượng Đế ngay lúc này, cậu sẽ nói gì?”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi rút ra một cuốn sổ và viết lời thỉnh nguyện này:
Thượng Đế thân mến,
Xin hãy can thiệp và giúp chấm dứt vụ ly dị này.
Chồng tôi và tôi đã bất thành trong hôn nhân và giờ đây lại thất bại trong ly dị. Quá trình độc hại này đang đem đến khổ đau cho chúng tôi và những ai quan tâm đến chúng tôi.
Tôi biết là ngài rất bận bịu với chiến tranh và thảm kịch và những xung đột lớn lao hơn rất nhiều so với những tranh chấp đang diễn ra của một đôi bất ổn. Nhưng theo tôi hiểu thì thì sự lành mạnh của hành tinh chịu ảnh hưởng bởi sự lành mạnh của mỗi cá nhân sống trên nó. Chỉ cần hai con người bị giam cầm trong mâu thuẫn, toàn thể thế giới cũng bị ô uế vì điều đó. Cũng vậy, nếu một hay hai người có thể thoát khỏi bất hòa, sức khỏe chung của toàn thế giới sẽ tăng theo, giống như một số tế bào khỏe mạnh trong một cơ thể có thể nâng cao sức khỏe chung của cơ thể đó.
Vậy thì, đây là yêu cầu hèn mọn nhất của tôi, xin ngài giúp chúng tôi chấm dứt xung đột này, để hai con người nữa có thể có cơ hội trở nên tự do và lành mạnh, và vậy là thù địch và cay đắng trong một thế giới đã quá khổ đau sẽ giảm đi được chút ít.
Tôi xin cám ơn Ngài đã để tâm.
Trân trọng,
Elizabeth M.Gilbert.
Tôi đọc thỉnh cầu cho Iva nghe, và cô ấy gật đầu tán thành.
“Tớ sẽ ký,” cô nói.
Tôi trao tờ thỉnh nguyện cùng với cây bút cho cô, nhưng cô ấy quá bận lái xe nên nói, “Không, giả dụ là tớ đã ký rồi đó. Tớ ký trong tâm mình.”
“Cảm ơn, Iva. Tớ rất cảm kích ủng hộ của cậu.”
“Giờ thì, ai sẽ ký nữa?” cô hỏi.
“Gia đình tớ. Mẹ tớ và bố tớ. Chị tớ.”
“Được rồi,” cô nói. “Họ vừa ký rồi đó. Hãy xem là đã có thêm tên họ rồi. Tớ thực sự cảm thấy họ ký. Giờ thì họ có tên trong danh sách rồi. Tốt, còn ai sẽ ký nữa nào? Bắt đầu nêu tên đi.”
Vậy là tôi bắt đầu nêu tên của tất cả những người tôi nghĩ có thể ký tờ thỉnh nguyện. Tôi nêu tên tất cả bạn thân của mình, rồi một số thành viên gia đình và một số đồng nghiệp. Sau mỗi tên, Iva nói quả quyết, “Rồi. Anh ấy vừa ký,” hay “Cô ấy vừa ký.” Thỉnh thoảng cô chen vào tên những người ký của chính cô, ví dụ, “Bố mẹ tớ vừa ký rồi đó. Họ nuôi dạy con mình trong chiến tranh. Họ ghét xung đột vô ích. Bố mẹ tớ sẽ rất vui thấy vụ ly dị của cậu chấm dứt.”
Tôi nhắm mắt đợi xem còn nhớ ra tên nào nữa không.
“Tớ nghĩ Bill và Hillary Clinton vừa mới ký,” tôi nói.
“Tớ không nghi ngờ điều đó,” cô nói. “Nghe này, Liz, ai cũng có thể ký tờ thỉnh nguyện này. Cậu có hiểu điều đó không? Cứ kêu gọi bất kỳ ai, người sống hay kẻ đã chết, và bắt đầu thu thập chữ ký.”
“Thánh Francis xứ Assisi vừa ký!”
“Dĩ nhiên là ngài ấy đã ký!” Iva vỗ lên tay lái vẻ chắc chắn.
Giờ thì tôi đang bịa ra:
“Abraham Lincoln vừa ký! Rồi Gandhi, rồi Mandela và tất cả các sứ giả hòa bình. Eleanor Roosevelt, Mẹ Teresa, Bono, Jimmy Carter, Muhammad Ali, Jackie Robinson và Đạt Lai Lạt Ma… rồi bà tớ mất hồi năm 1984 và bà nội vẫn còn sống… rồi thầy dạy tiếng Ý của tớ, bác sĩ trị liệu của tớ, rồi người đại diện của tớ… rồi Martin Luther King Con và Katharine Hepburn… rồi Martin Scorseve (bạn không nhất thiết yêu cầu, nhưng ông ấy vẫn tử tế)… rồi Sư phụ của tớ, dĩ nhiên… và Joanne Woodward, rồi nữ thánh Joan d’Arc, rồi cả cô Carpenter, cô giáo lớp bốn của tớ, và Jim Henson…”
Những cái tên cứ tràn ra. Trong gần một giờ, chúng không ngừng tràn ra khi chúng tôi chạy xe qua Kansas và thỉnh nguyện hòa bình của tôi kéo dài hết trang giấy vô hình này đến trang giấy vô hình khác với tên những người ủng hộ. Iva tiếp tục xác nhận – rồi, ông ấy đã ký, rồi, cô ấy đã ký – và trong tôi mênh mang một cảm giác được che chở, được bao bọc trong thiện chí tập thể của biết bao tâm hồn vĩ đại.
Cuối cùng danh sách cạn dần, và bất an của tôi cũng vơi theo. Tôi buồn ngủ. Iva nói, “Chợp mắt chút đi. Tớ sẽ lái.” Tôi nhắm mắt lại. Một cái tên cuối cùng hiện ra. “Michael J. Fox vừa ký,” tôi thì thào rồi trôi vào giấc ngủ. Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu, có lẽ chỉ mười phút, nhưng rất sâu. Khi tôi tỉnh dậy, Iva vẫn đang lái xe. Cô hát một khúc hát cho chỉ mình cô nghe. Tôi ngáp.
Điện thoại di động của tôi reo.
Tôi nhìn cái telefonino nhỏ khùng điên ấy đang rung phấn khích nơi chiếc gạt tàn trong chiếc xe thuê. Tôi cảm thấy mất phương hướng, gần như bị mê sau giấc ngủ ngắn, bất thần không thể nhớ ra cái điện thoại hoạt động ra sao.
“Cứ nghe đi,” Iva nói, đã biết điều gì. “Trả lời chuyện đó đi.”
Tôi nhấc máy, chào thì thào.
“Tin tốt lành đây!” luật sư của tôi thông báo từ thành phố New York xa tít. “Anh ta vừa ký!”
— —— —— —— ——-
1 Trong tiếng Anh, Ý là Italia, Ấn Độ là India.
2 Bờ Biển Ngà.
3 Trò chơi tương tự như bóng chày, chơi trên sân nhỏ hơn với quả bóng mềm to hơn.