Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 60

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Richard từ Texas cũng đã từng kết hôn. Anh có hai con trai, cả hai giờ đã thành đàn ông, cả hai đều gần gũi với bố. Đôi khi Richard nhắc đến vợ cũ trong vài câu chuyện vặt này khác, và dường như anh luôn nói về cô ấy với niềm yêu mến. Tôi có đôi chút ghen tị mỗi khi nghe thế, và hình dung Richard may mắn ra sao khi vẫn là bạn bè với vợ cũ, ngay cả sau khi chia tay. Đây là một tác dụng pụ kỳ cục từ vụ ly dị khủng khiếp của tôi; mỗi khi nghe chuyện những đôi vợ chồng chia tay một cách thân ái, tôi lại ghen tị. Còn tệ hơn thế – tôi dần dần thực sự nghĩ rằng thật lãng mạn khi một cuộc hôn nhân kết thúc một cách ôn hòa. Kiểu như, “Ôi… ngọt ngào làm sao… họ chắc hẳn đã thật sự yêu nhau…”

Nên một ngày nọ tôi hỏi Richard về chuyện này. Tôi nói, “Có vẻ như anh có những cảm tình trìu mến dành cho vợ cũ. Cả hai người vẫn còn thân nhau chứ?”

“Không,” anh nói tự nhiên. “Cô ấy nghĩ tôi đã đổi tên thành Thằng Đểu.”

Việc Richard không bận tâm đến điều ấy để lại một ấn tượng trong tôi. Tình cờ thế nào chồng cũ của tôi cũng nghĩ tôi đã đổi tên, và điều đó làm tin tôi tan nát. Một trong những điều nặng nề nhất về cuộc ly dị này là chồng cũ của tôi chưa bao giờ tha thứ việc tôi ra đi, rằng bất luận bao nhiêu giạ xin lỗi hay giải thích tôi đặt dưới chân anh, bao nhiêu trách cứ tôi nhận lãnh, hay bao nhiêu tài sản hay hành động ăn năn tôi đã sẵn lòng dâng cho anh để đổi lại việc ra đi – anh chắc chắn không bao giờ chúc mừng tôi và nói, “Này, tôi rất ấn tượng vì sự rộng rãi và thành thật của cô và tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất hân hạnh được ly dị với cô.” Không. Tôi không được đền bù. Và cái hốc tối đen không được đền bù này vẫn còn bên trong tôi. Ngay cả trong những phút giây hạnh phúc và phấn khích (nhất là những giây phút hạnh phúc và phấn khích) tôi cũng không thể quên được điều đó trong một chốc lát. Mình vẫn bị anh ta thù ghét. Và điều đó có vẻ như sẽ không bao giờ thay đổi, không bao giờ giải tỏa.

Một hôm tôi nói về tất cả những điều này với bạn bè tôi ở Ashram – thành viên mới nhất trong họ là một thợ ống nước từ New Zealand, một anh chàng tôi quen vì anh nghe nói tôi là nhà văn và anh tìm tôi để nói anh cũng là nhà văn. Anh là một nhà thơ vừa mới xuất bản cuốn hồi ký tuyệt vời ở New Zealand là Một tiến bộ của thợ ống nước về hành trình tinh thần của riêng anh. Người thợ ống nước/nhà thơ từ New Zealand, Richard từ Texas, người nông dân sản xuất bơ sữa Ireland, Tulsi thiếu nữ Ấn tinh nghịch như con trai và Vivian, một phụ nữ lớn tuổi với mái tóc bạc lưa thưa và cặp mắt hóm hỉnh tinh anh (người đã từng là một nữ tu ở Nam Phi) – đó là nhóm bạn thân của tôi ở đây, một đám đông những tính cách sôi nổi nhất tôi chưa từng ngờ có thể gặp tại một Ashram ở Ấn Độ.

Vậy là, một ngày trong giờ cơm trưa, tất cả chúng tôi có cuộc trò chuyện về hôn nhân này, và người thợ ống nước/nhà thơ từ New Zealand nói, “Tôi xem hôn nhân là cuộc phẫu thuật may hai người lại với nhau, và ly dị là một kiểu thủ thuật chia cắt có thể mất nhiều thời gian để bình phục. Đời sống hôn nhân càng lâu, hay thủ thuật chia cắt càng nặng nề, bình phục càng khó khăn hơn.”

Điều đó có thể giải thích các cảm giác sau ly dị, sau thủ thuật chia cắt của tôi đã phải trải vài năm nay, tôi vẫn cảm thấy cái chi ma quỷ đó đu đưa bên mình, liên tục hất hết đồ đạc ra khỏi các ngăn kệ.

Richard từ Texas thắc mắc tôi có định cho phép chồng cũ sai khiến tôi cả phần đời còn lại phải cảm thấy thế nào về chính mình không, và tôi nói thực sự, tôi không rõ lắm về điều đó – đến nay, chồng cũ tôi dường như vẫn có một lá phiếu khá mạnh, mà thành thật mà nói tôi vẫn nửa như đợi chờ người đàn ông đó tha thứ cho mình, để phóng thích tôi và cho phép tôi tiếp tục sống trong thanh thản.

Nhà nông sản xuất bơ sữa từ Ireland nhận xét, “Chờ đợi ngày đó đến thì đúng là không sử dụng thời gian của cô một cách lý trí.”

“Tôi có thể nói gì, mấy anh? Tôi xoay xở rất nhiều với tội lỗi. Gần như cách những phụ nữ khác xoay xở rất nhiều với màu be.”

Cựu nữ tu Thiên chúa giáo (người suy cho cùng thì hẳn là biết về tội lỗi) không chấp nhận ý kiến đó. “Tội lỗi chỉ là cách bản ngã cô lừa cho cô nghĩ rằng mình đang có những tiến bộ đạo đức. Đừng bị nó chơi xỏ, bạn thân mến.”

“Điều tôi ghét về cách cuộc hôn nhân của mình chấm dứt,” tôi nói, “là nó chẳng đâu vào đâu. Nó chỉ là một vết thương há miệng không bao giờ lành.”

“Tùy cô thôi,” Richard nói. “Nếu đó là điều cô quyết định nghĩ về nó, đừng để tôi làm hỏng buổi tiệc của cô.”

“Chuyện này phải chấm dứt vào một trong những ngày này,” tôi nói. “Tôi chỉ ước mình biết nó kết thúc ra sao.”

Hết giờ ăn trưa, người thợ ống nước/nhà thơ từ New Zealand đẩy cho tôi một mẩu giấy. Trong đó anh yêu cầu tôi gặp anh sau bữa tối; anh muốn cho tôi xem cái gì đó. Vậy là sau bữa ăn tối hôm đó tôi đến gặp anh gần các động thiền, anh bảo tôi theo anh, anh có một món quà cho tôi. Anh dẫn tôi đi qua Ashram, rồi dẫn tôi vào một tòa nhà tôi chưa từng đến trước đây, mở một cánh cửa và đưa tôi lên một cầu thang phía sau. Anh biết được chỗ này, tôi đoán, vì anh sửa tất cả các bộ điều hòa nhiệt độ, một số được lắp đặt trên đó. Ở tận cùng cầu thang có một cái cửa mà anh phải mở với một dãy số; anh làm mau lẹ theo trí nhớ. Rồi chúng tôi ở trên một mái nhà lộng lẫy, lát bằng những mảnh gốm lấp lánh trong ánh hoàng hôn như đáy hồ phản chiếu. Anh dẫn tôi bằng qua mái nhà đó đến một tháp nhỏ, một tháp giáo đường Hồi giáo thật sự, và chỉ cho tôi một cầu thang hẹp khác, dẫn đến đỉnh chót vót của tháp. Anh chỉ về phía cái tháp và nói, “Giờ tôi sẽ để cô lại đây. Cô sẽ lên trên đó. Cứ ở trên đó cho đến khi xong xuôi.”

“Cho đến khi cái gì xong xuôi?” tôi hỏi.

Người thợ ống nước chỉ cười, trao tôi một cái đèn pin, “để đi xuống an toàn khi xong xuôi,” và còn đưa tôi một mẩu giấy gấp lại. Rồi anh bỏ đi.

Tôi trèo lên đỉnh tháp. Giờ tôi đang đứng ở nơi cao nhất của Ashram, với một tầm nhìn ra toàn cảnh thung lũng sông này ở Ấn Độ. Những ngọn núi và cánh đồng trải dài đến tận chân trời. Tôi có cảm giác đây không phải là một nơi thông thường các môn sinh được phép la cà, nhưng trên này quả là đẹp đẽ. Có lẽ đây là nơi Sư phụ ngắm mặt trời lặn, khi bà ở lại đây. Và ngay lúc này mặt trời đang lặn. Ngọn gió ấm áp. Tôi mở mẩu giấy người thợ ống nước trao.

Anh ấy đã đánh máy:

CHỈ DẪN VỀ TỰ DO

Những ẩn dụ của cuộc đời là chỉ dẫn về Thượng Đế. Cô vừa mới trèo lên và đang ở trên mái nhà. Không có gì giữa cô và Vô Tận. Giờ thì, không nghĩ đến điều này nữa. Ngày đang tàn. Đã đến lúc để cái gì đó đã đẹp biến thành cái gì khác cũng thật đẹp đẽ. Giờ thì, không nghĩ đến điều này nữa. Ước muốn tìm một cách giải quyết của cô là một lời cầu nguyện. Hiện diện của cô nơi đây là lời đáp của Thượng Đế. Không nghĩ đến nữa và hãy nhìn những vì sao xuất hiện – ngoại giới và nội tâm. Bằng cả trái tim mình, hãy cầu xin ân huệ, và không nghĩ đến nữa. Bằng cả trái tim mình, hãy tha thứ cho anh ấy, THA THỨ CHÍNH MÌNH, và không nghĩ về anh ấy nữa. Hãy để mục đích của cô là không khổ đau vô ích. Rồi thì, không nghĩ đến điều này nữa. Hãy nhìn hơi nóng của ngày chuyển thành đêm lạnh. Không nghĩ đến nữa. Khi nghiệp của một quan hệ đã xong, chỉ tình yêu còn lại. Nó an toàn. Không nghĩ đến nữa. Khi cuối cùng quá khứ trong cô đã qua, không nghĩ đến nữa. Rồi hãy trèo xuống và bắt đầu quãng đời còn lại của mình. Với niềm hân hoan lớn lao.

Trong ít phút đầu, tôi không thể nhịn được cười. Tôi có thể nhìn khắp toàn thể thung lũng qua những tán cây xoài, và ngọn gió thổi tóc tôi phất phơ như một ngọn cỏ. Tôi ngắm mặt trời lặn, và rồi tôi nằm ngửa ngắm những vì sao mọc. Tôi hát một bài cầu nguyện nhỏ bằng tiếng Phạn, và lặp lại mỗi khi thấy một vì sao nữa ló dạng trên nền trời thẫm dần, gần như tôi đang làm các vì sao hiện lên, nhưng rồi chúng bắt đầu vọt ra quá nhanh và tôi không thể theo kịp chúng. Chẳng mấy chốc cả bầu trời là một màn trình diễn hào nhoáng của các vì sao. Thứ duy nhất giữa tôi và Thượng Đế là… không có gì cả.

Rồi tôi nhắm mắt và nói, “Thượng Đế thân yêu, hãy chỉ cho tôi tất cả những gì tôi cần để hiểu về sự tha thứ và từ bỏ.”

Điều tôi đã muốn từ lâu là có một cuộc chuyện trò thật sự với chồng cũ của mình, nhưng rõ ràng chuyện này không bao giờ xảy ra. Điều tôi vẫn mong muốn là một giải pháp, một hội nghị thượng đỉnh hòa bình, từ đó chúng tôi có thể bước ra với một sự thấu hiểu hòa hợp về những gì đã xảy ra trong hôn nhân của chúng tôi, và tha thứ cho nhau về sự tồi tệ trong vụ ly dị của chúng tôi. Nhưng nhiều tháng tư vấn và hòa giải chỉ làm chúng tôi thêm chia rẽ và khóa chặt chúng tôi trong vị trí của mình, biến chúng tôi thành hai người tuyệt đối không thể giải thoát cho người kia. Nhưng đó lại chính là cái cả hai chúng tôi cần, tôi chắc chắn điều ấy. Và tôi cũng chắc chắn điều này nữa – những người tắc siêu nghiệm khẳng định là ta sẽ không tiến đến gần Thượng Đế dù chỉ một inch chừng nào còn vương vào dù chỉ một chút cám dỗ được đổ lỗi cho người khác. Cũng như hút thuốc đối với phổi, niềm phẫn hận cũng vậy đối với tâm hồn; dù chỉ một hơi của nó cũng không tốt cho ta. Ý tôi là, loại cầu nguyện này là để hấp thụ lấy điều gì vậy – “Hôm nay hãy cho chúng con sự đố kỵ hàng ngày của mình”? Chi bằng ta thôi đi và hôn giã từ Thượng Đế nếu ta thật sự cần tiếp tục trách cứ ai khác vì những giới hạn đời sống của riêng mình. Vậy nên điều tôi hỏi Thượng Đế tối đó trên mái Ashram là – dựa trên thực tế là có lẽ tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với chồng cũ của mình nữa – có thể có một tầng bậc nào đó ở đấy chúng tôi có thể tương thông? Tầng bậc nào đó ở đấy chúng tôi có thể tha thứ?

Tôi nằm trên đó, cao bên trên thế gian, và tôi hoàn toàn một mình. Tôi rơi vào trạng thái thiền và đợi xem mình được dạy phải làm gì. Tôi không biết bao nhiêu phút hay giờ trôi qua trước khi mình biết phải làm gì. Tôi nhận ra mình đã suy nghĩ tất cả những điều này theo nghĩa đen. Tôi đã muốn trò chuyện với chồng cũ ư? Vậy thì cứ nói với anh ấy. Nói với anh ấy ngay lúc này. Tôi đã chờ đợi để được tha thứ ư? Vậy thì cứ tự mình dâng lời tha thứ. Ngay lúc này. Tôi nghĩ rằng bao nhiêu người đã về nơi an nghỉ mà chưa được tha thứ và không tha thứ. Tôi nghĩ nhiều người có anh chị em hay bạn bè, con cái hay người yêu biến mất khỏi đời họ trước khi được nghe những lời khoan dung quý giá hay xá tội. Những người sống sót từ những mối quan hệ đã kết thúc chịu đựng nỗi đau của một điều dở dang ra sao? Từ nơi thiền ấy, tôi đã tìm thấy câu trả lời – tự ta có thể chấm dứt việc này, từ bên trong ta. Nó không chỉ là có thể mà còn là thiết yếu.

Và rồi, tôi rất ngạc nhiên, vẫn còn trong thiền định, tôi làm một điều kỳ lạ. Tôi mời chồng cũ vui lòng tham gia với mình trên mái nhà này ở Ấn Độ. Tôi hỏi anh ấy có vui lòng gặp tôi ở trên đó cho sự kiện chia tay này không. Rồi tôi chờ đến khi tôi cảm thấy anh ấy đến. Và anh đã đến. Sự hiện diện của anh đột nhiên xác thực và hữu hình. Thực tế tôi có thể cảm thấy anh.

Tôi nói, “Chào, anh yêu.”

Lúc đó tôi chực khóc, nhưng nhanh chóng nhận ra mình không cần phải vậy. Nước mắt là một phần của sự sống thể xác, và nơi hai linh hồn này đang gặp nhau đêm đó ở Ấn Độ không liên quan gì đến thể xác. Hai con người cần nói chuyện với nhau ở trên mái nhà đó thậm chí o phải là người nữa. Thậm chí họ không trò chuyện. Thậm chí họ không trò chuyện. Thậm chí họ không phải là vợ chồng, không phải là một người vùng trung tâm Bắc nước Mỹ bướng bỉnh và một Yankee dễ xúc cảm, không phải một gã ở độ tuổi bốn mươi và một phụ nữ ở độ tuổi ba mươi, không phải hai con người hữu hạn đã tranh cãi hàng năm trời về tình dục và tiền bạc và đồ dùng trong nhà – chẳng có gì trong những thứ này là tương xứng. Vì mục đích của buổi gặp gỡ này, ở tầng mức tương giao này, họ chỉ là hai linh hồn xanh lạnh đã hiểu hết mọi điều. Không còn bị ràng buộc bởi thân xác mình, không còn bị ràng buộc bởi lịch sử quan hệ phức tạp trong quá khứ của mình nữa, họ đến với nhau trên mái nhà (thậm chí trên cả tôi nữa) trong sự sáng suốt vô tận. Vẫn tham thiền, tôi nhìn hai linh hồn xanh lạnh này đi vòng quanh nhau, hợp nhất, lại tách ra và xem xét độ hoàn hảo cũng như tương đồng của nhau. Họ biết tất cả. Họ đã biết tất cả mọi điều rất lâu từ trước và họ sẽ luôn biết mọi thứ. Họ không cần phải tha thứ cho nhau; họ sinh ra đã tha thứ cho nhau.

Bài học họ đang dạy tôi trong vòng quay đẹp đẽ của mình là, “Hãy ở ngoài chuyện này, Liz. Phần của cô trong mối quan hệ này đã xong rồi. Từ đây trở đi hãy để chúng tôi giải quyết mọi điều. Cô cứ tiếp tục cuộc đời mình đi.”

Rất lâu sau đó tôi mở mắt và tôi biết đã xong rồi. Không chỉ hôn nhân của tôi và không chỉ ly dị của tôi, mà toàn bộ buồn đau rỗng tuếch ảm đạm dở dang của nó… đã xong rồi. Tôi có thể cảm thấy rằng mình đã tự do. Cho phép tôi nói rõ – không phải là tôi sẽ không bao giờ nghĩ về chồng cũ của mình nữa, hay không bao giờ có cảm xúc nào gắn liền với ký ức về anh ấy. Chỉ là cái nghi thức trên mái nhà này cuối cùng đã cho tôi một nơi để tôi có thể đón tiếp những ý nghĩ và cảm xúc mỗi khi chúng trỗi dậy sau này – và chúng sẽ luôn trỗi dậy. Nhưng khi chúng xuất hiện trở lại, tôi có thể chỉ cần gửi trả chúng về đây, về mái nhà ký ức này, trả lại cho hai linh hồn xanh lạnh đó chăm nom, những người đã và luôn luôn hiểu mọi điều.

Đây là mục đích của các nghi thức. Chúng ta như những con người thực hiện các nghi lễ tâm linh để tạo ra một nơi yên nghỉ an toàn cho những cảm giác hân hoan hay tổn thương phức tạp nhất của mình, để chúng ta không phải kéo lê những cảm giác đè nặng lên ta đó theo mình mãi mãi. Tất cả chúng ta đều cần những nghi thức làm nơi cất giữ an toàn như thế. Và tôi tin rằng nếu văn hóa hay truyền thống của ta không có nghi thức đặc biệt của chính mình, sửa chữa các hệ thống cảm xúc hỏng hóc của chính mình với tất cả tài tháo vát của một thợ ống nước/nhà thơ hào hiệp. Nếu ta thành tâm đúng mực trong nghi lễ tự tạo ấy, Thượng Đế sẽ ban ân sủng. Và đấy là lý do chúng ta cần Thượng Đế.

Rồi tôi đứng dậy và trồng cây chuối trên mái nhà Sư phụ mình, để kỷ niệm ý tưởng giải phóng. Tôi cảm nhận được sàn gốm bụi bặm dưới bàn tay tôi. Tôi cảm thấy sức mạnh và cân bằng của chính mình. Tôi cảm thấy ngọn gió nhẹ ban đêm thanh thản trên lòng bàn chân trần của mình. Loại việc này – tư thế trồng cây chuối ngẫu hứng – không phải là thứ gì đó một linh hồn xanh lạnh đã thoát ra ngoài thể xác có thể làm, mà chỉ một con người mới có thể làm. Chúng ta có hai tay; chúng ta có thể đứng trên hai tay nếu muốn thế. Đó là đặc ân của chúng ta. Đó là niềm vui của xác thân hữu hạn. Và đấy là lý do Thượng Đế cần chúng ta. Vì Thượng Đế muốn cảm thấy mọi điều qua bàn tay chúng ta.

Bình luận