Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 23

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Chiều qua tôi đi xem một trận bóng đá với Luca Spaghetti và các bạn anh. Chúng tôi đến đó để xem đội Lazio chơi. Ở Roma có hai đội bóng – Lazio và Roma. Sự tranh đua giữa các đội và những người hâm mộ của họ rất dữ, và còn có thể chia rẽ những gia đình êm ấm cùng xóm giềng thanh bình thành những vùng nội chiến. Điều quan trọng là ta phải chọn làm một cổ động viên của Lazio hay Roma từ đầu đời, vì việc này sẽ quyết định, phần lớn, ta sẽ đàn đúm với ai mỗi chiều Chủ nhật trong suốt phần đời còn lại của mình.

Luca có một nhóm chừng mười người bạn thân thương yêu nhau như anh em. Chỉ có điều một nửa trong số họ là cổ động viên của Lazio và một nửa còn lại là cổ động viên của Roma. Thực sự họ không thể tránh được điều đó; tất cả họ đều sinh ra trong những gia đình nơi lòng trung thành đã được thiết lập. Ông của Luca (người tôi hy vọng mọi người biết là Nonno Spaghetti) đã cho cậu cái áo nịt len Lazio xanh da trời đầu tiên khi cậu bé mới chập chững biết đi. Như thế Luca sẽ là một cổ động viên của Lazio cho đến chết.

“Chúng tôi có thể thay vợ,” anh nói. “Chúng tôi có thể đổi việc, đổi quốc tịch và thậm chí tôn giáo của mình, nhưng chúng tôi không bao giờ có thể đổi đội bóng của mình.”

Nhân đây, từ “cổ động viên” trong tiếng Ý là tifoso. Có gốc từ typhus – bệnh sốt Richkettsia. Nói cách khác – người bị sốt dữ dội.

Đối với tôi trận bóng đầu tiên tôi xem với Luca Spaghetti là một đại tiệc tiếng Ý cuồng nhiệt. Trong sân vận động đó tôi đã học được mọi loại từ mới và thú vị mà người ta không dạy ta ở trường. Một người đàn ông lớn tuổi ngồi cạnh tôi đang xâu một vòng hoa lộng lẫy đầy lời chửi rủa khi ông ta gào thét xuống phía các cầu thủ trên sân. Tôi không biết nhiều lắm về bóng đá, nhưng dĩ nhiên tôi không phí thời gian hỏi Luca những câu hỏi ngớ ngẩn về chuyện gì đang xảy ra ở sân bóng. Tôi cứ hỏi mỗi một điều là, “Luca, gã bên cạnh tôi vừa nói gì vậy? Cafone là gì?” Và Luca – không hề rời mắt khỏi sân bóng – đáp, “Đồ khốn. Nghĩa là đồ khốn.”

Tôi ghi lại từ đó. Rồi nhắm mắt và lắng nghe thêm chút nữa bộc bạch của ông già, nó đại loại thế này:

Dai, dai, dai, Albertini, dai… va bene, va bene, ragazzo mio, perfetto, bravo, bravo… Dai! Dai! Dai! Via! Nella porta! Eccola, eccola, eccola, mio bravo ragazzo, caro mio, eccola, ecco – AAAHHHHHHHHH!!! VAFFANCULO!!! FIGLIO DI MIGNOTTA!! STRONZO! CAFONE! TRADITORE! Madonna… Ah, Dio mio, perché, perché, perché, questo è stupido, è una vergogna, la vergogna… Che casino, che bordello… NON HAI UN CUORE, ALBERTINI! FAI FINTA! Guarda, non è successo niente… Dai, dai, ah… Molto migliore Albertini, molto migliore, sì sì sì, eccola, bello, bravo, anima mia, ah, ottimo, eccola adesso… nella porta, nella porta, nell – VAFFANCULO!!!!!

Tôi có thể thử dịch ra thế này:

Lên, lên, lên nào, Albertini, lên nào… OK, OK, chàng trai của ta, hoàn hảo, xuất sắc, cừ lắm… Tiếp đi! Tiếp tục đi! Lên! Lên! Vào gôn đi! Đây rồi, đây rồi, tới rồi, chàng trai tài giỏi của ta, cưng ơi, đó đó, đó rồi, đó – AHHHH! CHẾT ĐI CHO RỒI! THẰNG CHÓ! THẰNG ĐẦN! ĐỒ KHỐN! ĐỒ PHẲN BỘI!…Lạy Đức Mẹ… Ôi trời ơi, tại sao, tại sao, tại sao, thật ngu ngốc, xấu hổ, xấu hổ quá… Thật là lộn xộn… 1 MÀY KHÔNG CÓ TIM, ALBERTINI!!!! MÀY LÀ MỘT KẺ LỪA ĐẲO! Nhìn coi, chẳng có gì xảy ra cả… Đi đi, đi nào, này, đúng rồi… Khá hơn nhiều rồi, Albertini, khá hơn nhiều rồi, đúng rồi, đúng rồi, ừ, thế thế thế, đẹp lắm, xuất sắc, ôi trời, cừ lắm, giờ thì nó đây rồi… nhắm vào gôn, nhắm vào gôn vô – MEJEEEEEE KIEESPPPPPPPP!!!

Ôi chao, được ngồi ngay trước mặt người đàn ông này quả là giây phút tuyệt vời và may mắn trong đời tôi. Tôi thích mỗi từ thốt ra từ miệng ông. Tôi muốn ngả đầu vào lòng ông và để ông xối những tiếng nguyền rủa hùng biện của ông vào tai mình mãi mãi. Mà không chỉ có ông! Cả sân vận động cũng đầy những độc thoại như vậy. Trong cơn sốt cao đến thế! Mỗi khi trên sân có một vụ xử oan trầm trọng nào đó, cả sân vận động nhỏm dậy, người đàn ông nào cũng khoát tay tức giận và chửi rủa, như thể tất cả 20.000 người họ đang trong một cuộc cãi lộn do va chạm trên đường. Các cầu thủ Lazio cũng không kém phần kịch tính như cổ động viên của mình, lăn lộn trên sân đau đớn như những cảnh chết chóc trong phim Julius Caesar, hoàn toàn bị đẩy về tuyến sau, thế rồi hai giây sau chồm lên thực hiện một đợt tấn công mới vào khung thành.

Dù sao thì đội Lazio cũng đã thua

Luca Spaghetti, vì cần lên tinh thần sau trận đấu, đã hỏi bạn bè, “Chúng ta đi chơi chứ?”

Tôi tưởng điều đó có nghĩa là, “Chúng ta đến quán rượu chứ?” Đó là điều các cổ động viên thể thao ở Mỹ thường làm nếu đội họ vừa thua. Họ đến một quán rượu rồi ăn uống. Mà không chỉ người Mỹ làm vậy – người Anh, người Úc, người Đức… cũng thường làm thế, tất cả mọi người, đúng không? Nhưng Luca và các bạn anh không đến quán rượu để lên tinh thần. Họ đến một hiệu bánh mì. Một hiệu bánh mì nhỏ, vô thưởng vô phạt khuất bên trong một tầng hầm tại một quận ẩn khuất ở Roma. Đêm Chủ nhật đó ở đây rất đông người. Mà ở đây vẫn luôn đông sau các trận đấu. Cổ động viên Lazio luôn dừng ở đây trên đường từ sân vận động về nhà để đứng hàng giờ giữa phố, ngả người tựa trên xe máy của họ, bình luận về trận đấu, trông như những bậc trượng phu hết sức, và rồi ăn bánh xốp kem.

Tôi yêu nước Ý.

— —— —— —— ——-

1 Ghi chú của tác giả: không may là không có cách nào hay để dịch sang tiếng Anh cái từ Ý thật hoang đường che casino và che bordello mà nghĩa đen là “quả là một cái sòng bạc”, và “quả là một cái nhà thổ,” nhưng về cơ bản có nghĩa là “quả là một lũ ma lanh chết tiệt.”

Bình luận
× sticky