Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 27

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Tuần trước tôi gặp một cô gái trẻ người Úc đang vác ba lô du lịch khắp châu Âu lần đầu tiên trong đời. Tôi chỉ đường cho cô ấy đến ga xe lửa. Cô ấy đang tiến về Slovenia, chỉ để xem nó ra sao. Khi nghe thấy kế hoạch của cô, tôi bỗng chết lặng vì ghen tị mà nghĩ rằng: Mình muốn đến Slovenia! Thế nào mà mình chưa bao giờ có thể đi du lịch đâu cả?

Lúc này, trong cái nhìn vô can thì có vẻ như tôi đang đi du lịch. Và ao ước du lịch khi ta đang du lịch, tôi thừa nhận, là một kiểu điên rồ tham lam. Kiểu như mơ tưởng chuyện ái ân với ngôi sao điện ảnh ưa thích khi đang ái ân với một ngôi sao điện ảnh ưa thích khác của mình. Nhưng việc cô gái này hỏi đường tôi (rõ ràng là, trong suy nghĩ của cô ấy, tôi là một người dân bản địa) ngầm chỉ ra rằng tôi không phải đang du lịch ở Roma mà đang sống ở đây. Dù tạm thời đến đâu đi nữa, tôi vẫn là một thường dân. Thật ra, khi tình cờ gặp cô gái, tôi đang đi thanh toán hóa đơn điện, không phải là điều những du khách bận tâm. Sinh lực du-lịch-đến-một-nơi và sinh lực sống-ở-một-nơi là hai sinh lực khác nhau cơ bản, và điều gì đó từ việc gặp cô gái Úc đang trên đường đi Slovenia đã cho tôi một khát khao để lên đường.

Và đấy là lý do tôi gọi cho cô bạn Sofie và nói, “Mình xuống Naples trong ngày và ăn pizza đi!”

Ngay lập tức, chỉ vài giờ sau, chúng tôi đang trên xe lửa, và rồi – như có phép lạ – chúng tôi đã ở đó. Tôi thích Naples ngay lập tức. Naples hoang dại, hỗn loạn, ầm ĩ, dơ bẩn, quá khích. Một khu dân cư đông đúc như một tổ kiến, với tất cả cái vẻ ngoại lai của một khu chợ Trung Đông và nét tà thuật vùng New Orleans. Một nhà thương điên hớn hở, nguy hiểm và lộn xộn. BạnWade của tôi đến Naples vào những năm 1970 và đã bị chặn cướp… trong một viện bảo tàng. Cả thành phố được trang hoàng bằng quần áo mắc khắp các cửa sổ và tòng teng khắp mọi phố; áo lót và nịt ngực mới giặt của tất cả mọi người phần phật trong gió như phướn cầu nguyện Tây Tạng. Không có một con phố nào ở Naples mà không có mấy đứa trẻ du côn mặc quần cộc và mang hai chân hai vớ khác nhau hò hét từ lề đường về phía đám trẻ du côn khác trên mái nhà gần bên. Trong thành phố này cũng không tồn tại tòa nhà nào không có ít nhất một bà già lưng còng ngồi bên cửa sổ, soi mói nghi hoặc những gì diễn ra bên dưới.

Dân ở đây cực kỳ bối rối khi xa Naples, và sao họ lại không nên làm như vậy chứ? Đây là thành phố đem lại cho cả thế giới pizza và kem. Phụ nữ Naples nói riêng là một đám người béo mập, giọng the thé, ba hoa, thóc mách, tất thảy đều hoạnh họe, khó chịu, nói quang quác vào mặt ta và luôn chỉ cố giúp đỡ vì Chúa, còn ta là đồ ngốc – sao họ lại phải làm mọi thứ quanh đây? Giọng ở Naples thì cứ như cái tát thân thiện vào tai. Giống như đi qua một thành phố có những đầu bếp làm món ăn nhanh, tất cả đều hò hét cùng một lúc. Ở đây họ vẫn còn có thổ ngữ của riêng mình và một từ điển tiếng lóng địa phương luôn thay đổi, nhưng không hiểu sao tôi thấy dân Naples nói dễ hiểu nhất ở Ý. Tại sao? Vì họ muốn ta hiểu, khốn kiếp. Họ nói to và dứt khoát, và nếu ta không thể hiểu miệng họ đang thật sự nói gì, thông thường ta có thể suy ra từ cử chỉ của họ. Như cô học sinh tiểu học bé nhỏ du côn ngồi sau xe máy ông anh họ kia, búng ngón tay với tôi và cười quyến rũ khi chạy ngang, chỉ để tôi hiểu, “Này, đừng có giận, cô à. Ngoài chuyện tui chỉ mới bảy tuổi, và tui đã biết ngay cô là một kẻ ngốc hoàn toàn, và ngoài chuyện như thế cũng tuyệt – tui nghĩ dù thế nào thì cô cũng tàm tạm và tui cũng khá là thích khuôn mặt đần độn của cô. Tất cả chúng ta đều biết cô muốn được như tui, nhưng xin lỗi nghen, cô không thể đâu. Dù gì, ngón giữa của tui nè, cứ vui vẻ ở Naples nghen, và ciao!”

Cũng như mọi không gian công cộng khác ở Ý, tại đây luôn có mấy cậu bé, thanh thiếu niên và đàn ông trưởng thành chơi đá bóng, nhưng ở Naples này còn có một thứ khác nữa. Ví dụ, hôm nay tôi thấy mấy đứa nhỏ – ý tôi là một nhóm các cậu bé chừng tám tuổi – đang tập hợp mấy cái thùng cũ của nhà bếp để làm những cái ghế và một cái bàn tạm bợ, rồi chúng đang chơi xì phé ở nơi họp chợ một cách căng thẳng đến nỗi tôi sợ một trong số chúng có thể bị bắn.

Giovanni và Dario, anh em sinh đôi Giao lưu Xe đạp đôi của tôi, sinh trưởng ở Naples. Tôi không thể hình dung được điều ấy. Tôi không thể tưởng tượng nỏi anh chàng Giovanni nhút nhát, siêng năng và đáng mến là một cậu bé con trong – và tôi không dùng từ một cách khinh suất – bọn du thủ du thực này. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, anh là người Naples, vì trước khi tôi rời Roma anh cho tôi tên một tiệm bánh pizza ở Naples mà tôi nhất định phải thử, vì, Giovanni cho tôi biết, ở đó bán pizza ngon nhất Naples. Tôi thấy đó là một triển vọng phấn khích kinh khủng, vì rằng pizza ngon nhất ở Ý là từ Naples, và pizza ngon nhất trên thế giới là từ Ý, có nghĩa hiệu bánh pizza này hẳn phải đem đến… tôi gần như quá mê tín mà nói là… pizza ngon nhất trên thế giới? Giovanni đã trao cái tên tiệm bánh với vẻ nghiêm túc và trầm trọng đến nỗi tôi cảm thấy gần như được giới thiệu vào một hội bí mật. Anh giúi địa chỉ vào lòng bàn tay tôi và nói, với sự cương quyết long trọng nhất, “Xin hãy đến hiệu pizza này. Gọi margherita pizza với phần đúp pho mát mozzarella. Nếu ở Naples chị không ăn pizza này, về sau hãy nói dối với tôi là chị đã ăn rồi nhé.”

Nên Sofie và tôi đã đến Pizzeria da Michele, và những miếng bánh chúng tôi vừa gọi này – mỗi người một cái – đang làm chúng tôi quẫn trí. Quả thật, tôi mê cái pizza của mình đến nỗi dần dần tin một cách mê sảng là đến lượt cái pizza của mình, có lẽ cũng thích mình. Tôi đang có một quan hệ với cái pizza này, gần như một chuyện tình. Trong lúc đó thì Sofie gần như đang giàn giụa nước mắt với cái bánh của cô, cô đang có một cuộc khủng hoảng siêu hình về nó, cô cứ hỏi tôi, “Sao ở Stockholm họ lại còn nghĩ đến chuyện cố làm pizza cơ chứ? Tại sao chúng ta còn nghĩ tới chuyện ăn thức ăn ở Stockholmlàm gì cơ chứ?”

Pizzeria da Michele là một nơi nhỏ với chỉ hai phòng và một cái lò hoạt động liên tục. Nơi đây cách ga xe lửa chừng mười lăm phút đi bộ dưới mưa, thậm chí đừng bận tâm chuyện đó, cứ đi đi. Ta cần phải đến đó khá sớm trong ngày vì đôi khi họ hết bột nhào, và tim ta sẽ tan nát. Đến một giờ trưa, những con phố bên ngoài tiệm pizza đã chật như nêm dân Naples đang cố chen vào quán, xô đẩy nhau để vào như thể người ta cố giành một chỗ trên phao cứu sinh. Ở đây không có thực đơn. Họ chỉ có hai loại pizza – loại thường và loại có thêm pho mát. Cả hai đều không phải thứ nhảm nhí cảnh vẻ như pizza ô liu và cà chua phơi nắng Nam California thời đại mới. Bột nhào, phải đến nửa bữa ăn tôi mới nhận ra, có vùi vị giống nan 1 của Ấn hơi giống bất kỳ bột nhào pizza nào tôi đã từng thử. Nó xốp và dai và dẻo, nhưng mỏng không thể tin được. Tôi luôn nghĩ với vỏ bánh pizza chúng ta chỉ có hai chọn lựa trong đời – mỏng và giòn, hay dày và mềm. Làm sao tôi lại biết được trên thế giới này có một loại vỏ bánh mỏng và mềm? Vật linh thiêng trong những vật linh thiêng! Thiên đường pizza mỏng, mềm, chắc, dính, dai, mặn, ngon tuyệt. Bên trên là nước xốt cà chua ngọt sủi bọt như kem khi nó làm tan chảy pho mát trâu mozzarella tươi, và thế nào đó mà nhánh húng quế ở giữa toàn thể ấy làm cả cái pizza ngạt ngào mùi thảo dược rất giống như một ngôi sao điện ảnh tỏa sáng giữa một buổi tiệc đem lại một tiếp xúc rất quyến rũ cho mọi người quanh nàng. Về kỹ thuật thì không thể nào ăn thứ này, tất nhiên. Ta thử cắn một miếng và vỏ bánh dính gập lại, rồi pho mát nóng chảy ra như tầng đất mặt trong một trận lở đất, làm ta và xung quanh rối tinh, nhưng cứ thưởng thức đi.

Mấy anh chàng đã tạo nên phép lạ này đang đổ bột rồi xúc bánh pizza ra từ cái lò đun bằng củi, trông hệt như những người thợ lò trong bụng một con tàu lớn đang xúc than vào lò lửa phừng phừng. Ống tay áo xắn cao trên khuỷu tay mồ hôi mồ kê, mặt đỏ bừng vì ráng sức, nheo một mắt hướng về hơi nóng của lửa và điếu thuốc trễ trên môi. Sofie và tôi mỗi người gọi thêm một miếng bánh nữa – mỗi người cả một cái pizza – và Sofie cố tỉnh trí lại, nhưng thực ra, bánh pizza tuyệt đến nỗi chúng tôi hầu như không còn đối phó nổi.

Nói một lời về cơ thể tôi. Tôi đang tăng cân mỗi ngày, tất nhiên. Ở Ý đây tôi đang mạnh tay với cơ thể mình, ăn những lượng khủng khiếp pho mát và mì ống rồi bánh mì và rượu rồi sô cô la và bột nhào pizza. (Ở một nơi khác tại Naples, người ta bảo tôi, ta thực sự có thể kiếm được thứ gì đấy như là pizza sô cô la. Kiểu ngớ ngẩn gì vậy chứ? Ý tôi là, về sau tôi có đi tìm thử, và nó thật ngon, nhưng thực lòng mà nói thì – pizza sô cô la ư? Tôi không tập luyện, không ăn đủ chất xơ, không dùng vitamin. Trong đời sống thực của tôi, mọi người biết là tôi ăn điểm tâm sữa chua làm từ sữa dê hữu cơ rắc thêm mầm lúa mì. Những ngày sống thực của tôi đã qua lâu rồi. Hồi còn ở Mỹ, cô bạn Susan của tôi nói với mọi người là tôi đang trong chuyến du lịch “Không chừa lại chất Carb 2”. Nhưng cơ thể tôi quả là đang độ lượng với mọi thứ này. Cơ thể tôi đang nhắm mắt làm ngơ với những việc làm tai hại và buông thả quá trớn này của tôi, như thể nó nói, “Được, nhóc, cứ tận hưởng đi. Ta biết là chuyện này chỉ tạm thời. Cho ta biết khi nào thì thí nghiệm nhỏ về thú vui thuần túy của mi chấm dứt, rồi ta sẽ xem có thể làm gì với chuyện kiểm soát thiệt hại không.”

Nhưng mà, khi nhìn lại mình trong chiếc gương của hiệu bánh pizza tuyệt nhất ở Naples, tôi thấy một gương mặt lành mạnh, vui vẻ, da dẻ mịn màng và mắt sáng. Đã lâu rồi tôi chưa được thấy gương mặt mình như vậy.

“Cám ơn,” tôi thầm thì. Rồi Sofie và tôi chạy ra ngoài mưa để tìm bánh ngọt.

— —— —— —— ——-

1 Bánh mì Ấn.

2 Viết tắt của carbohydrate.

Bình luận