Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 6

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Ồ, nhưng những năm đó không hoàn toàn tệ đến thế…

Vì Thượng Đế không bao giờ đóng sầm cửa trước mặt ta mà không mở một hộp bánh quy của Nữ Hướng Đạo Sinh, (hay như câu ngạn ngữ cổ có nói) một vài điều tuyệt vời đã xảy đến với tôi trong bóng tối của toàn bộ buồn phiền đó. Đầu tiên, rốt cuộc thì tôi đã bắt đầu học tiếng Ý. Ngoài ra, tôi đã tìm thấy một Sư phụ Ấn Độ. Cuối cùng tôi được một ông thầy mo cao tuổi mời đến sống với ông ở Indonesia.

Tôi sẽ giải thích tuần tự.

Đầu tiên, mọi việc bắt đầu sáng sủa đôi chút khi tôi dọn ra khỏi chỗ David vào đầu năm 2002 và lần đầu tiên trong đời, tôi tìm được một căn hộ cho riêng mình. Tôi không thể trả nổi tiền cho căn hộ vì vẫn đang phải trả tiền căn nhà lớn ở ngoại ô đã không có ai ở nữa mà chồng tôi thì cấm tôi bán, và tôi vẫn đang cố giữ cho những chi phí luật sư và tư vấn trong tầm kiểm soát… nhưng có Một Phòng Ngủ của riêng mình là cốt tử cho sự sống còn của tôi. Tôi xem căn hộ gần như một viện điều dưỡng, một bệnh viện cho kẻ cận tử để mình bình phục. Tôi sơn tường bằng những màu sắc ấm áp nhất có thể tìm được và mua hoa cho mình mỗi tuần, như thể tôi đang đi thăm chính mình ở bệnh viện. Chị tôi tặng tôi một bình nước nóng như một món quà tân gia (vậy là tôi sẽ không phải hoàn toàn một mình trên chiếc giường lạnh lẽo) và tôi đặt nó trên ngực hàng đêm khi ngủ, như thể săn sóc một chấn thương thể thao.

David và tôi đã chia tay mãi mãi. Hay có thể là không. Giờ đây thật khó mà nhớ chúng tôi đã chia tay rồi lại đến với nhau bao nhiêu lần trong những tháng đó. Nhưng có một mô thức xuất hiện: tôi tách khỏi David, lấy lại sức mạnh và tự tin, và rồi (như anh vẫn luôn bị sức mạnh và sự tự tin của tôi lôi cuốn) đam mê của anh dành cho tôi lại bùng lên. Một cách tôn trọng, đúng mực và thông minh, chúng tôi bàn chuyện “cố gắng lần nữa”, luôn với một kế hoạch mới lành mạnh nào đó để giảm thiểu những xung khắc rành rành giữa chúng tôi. Cả hai đã rất dốc lòng tháo gỡ điều này. Vì làm sao hai người đã từng yêu nhau đến vậy lại không có một kết cục sống hạnh phúc mãi mãi? Nó phải có kết quả, phải không? Tái hợp với những hy vọng mới mẻ, chúng tôi chia sẻ ít ngày hạnh phúc tột cùng bên nhau. Hay đôi khi thậm chí nhiều tuần. Nhưng cuối cùng rồi David lại rút lui và tôi bám lấy anh (hay tôi bám vào anh rồi anh rút lui – chúng tôi chưa bao giờ có thể hình dung được điều đó khởi sự ra sao) và tôi đã bị tàn hoại mọi thứ. Còn anh ấy thì cuối cùng cũng ra đi.

David là cây bạc hà mèo và là điểm yếu của tôi.

Nhưng trong những giai đoạn chúng tôi đã phân ly, cũng khó khăn như mọi khi, tôi tập sống một mình. Và trải nghiệm này đã đem đến một chuyển biến nội tâm mới mẻ. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng – dù cuộc sống của tôi vẫn giống như một tai nạn dồn đống đủ loại xe trên đường cao tốc. New Jersey trong giao thông ngày lễ – tôi đang chập chững gần trở thành một cá thể tự trị. Khi không cảm thấy muốn tự sát vì vụ ly dị, hay tự sát vì bi kịch của mình với David, tôi đã thật sự cảm thấy gần như hài lòng về tất cả ngăn ô thời gian và không gian xuất hiện trong những lúc sáng sủa của mình, khi tôi có thể tự hỏi một câu hỏi mới quyết liệt, “Mi muốn làm gì hả, Liz?”

Phần lớn thời gian (trong khi vẫn còn phiền muộn về chuyện cứu mình ra khỏi cuộc hôn nhân) tôi thậm chí không dám trả lời câu hỏi đó mà chỉ âm thầm phấn khích về sự tồn tại của nó. Và cuối cùng khi bắt đầu trả lời, tôi đã trả lời một cách dè dặt. Tôi chỉ cho phép mình nói lên những ước muốn nhỏ nhoi chập chững. Ví dụ:

Mình muốn đến một lớp Yoga.

Mình muốn rời buổi tiệc này sớm để có thể về nhà và đọc một cuốn tiểu thuyết.

Mình muốn mua cho mình một hộp bút chì mới.

Rồi vẫn luôn là một câu trả lời kỳ lạ đó, lần nào cũng như nhau:

Mình muốn học nói tiếng Ý.

Từ nhiều năm, tôi ước mình có thể nói tiếng Ý – ngôn ngữ mà tôi thấy đẹp đẽ hơn cả hoa hồng – nhưng tôi chưa bao giờ tìm được một biện minh cụ thể nào về việc học tiếng Ý. Tại sao không học gạo tiếng Pháp hay tiếng Nga như mình đã học nhiều năm trước? Hay học nói tiếng Tây Ban Nha, cách tốt hơn giúp mình giao tiếp với hàng triệu đồng bào Mỹ của mình? Mình sẽ làm gì với tiếng Ý? Không những thế mình sắp chuyển đến đó. Sẽ thực tế hơn nếu học chơi đàn phong cầm.

Nhưng tại sao mọi thứ phải luôn có một ứng dụng thực tế? Tôi đã làm một tên lính mẫn cán nhiều năm rồi – làm việc, tạo dựng, không bao giờ trật một hạn chót nào, quan tâm đến những người thân yêu, đến nướu răng của tôi, đến hồ sơ tín dụng, bầu cử v.v… Đời sống này chỉ bao hàm nghĩa vụ thôi sao? Trong giai đoạn mất mát tối tăm này, tôi có cần bất kỳ thanh minh nào cho việc học tiếng Ý ngoài việc đó là thứ duy nhất tôi có thể tưởng tượng sẽ đem lại cho mình chút vui thích nào đó ngay lúc này? Và dù sao, muốn học một ngôn ngữ cũng không phải là mục tiêu quá đáng. Nó không như điều tôi nói ở tuổi ba mươi hai, “Tôi muốn trở thành diễn viên vũ ba lê chính cho đoàn Ba lê New York.” Học một ngôn ngữ là một cái gì đó ta thật sự có thể làm. Nên tôi ghi danh học tại một trong những điểm giáo dục thường xuyên (hay Trường Đêm dành cho Quý cô Ly dị). Bạn bè tôi thấy chuyện này vui nhộn. Bạn tôi là Nick hỏi, “Tại sao bồ học tiếng Ý? Để – phòng khi Ý xâm lược Ethiopia lần nữa, và lần này thành công thực sự – bồ có thể khoác lác là biết một thứ tiếng được sử dụng ở cả hai xứ sở à?”

Nhưng tôi thích nó. Với tôi mỗi từ là một con chim sẻ líu lo, một trò ma thuật, một cái kẹo mềm sô cô la. Tôi thường lõm bõm dưới mưa về nhà sau giờ học, pha một bồn nước nóng, rồi nằm đó trong bọt xà phòng đọc to cuốn từ điển tiếng Ý cho mình nghe, làm sao lãng tâm trí mình khỏi những áp lực của vụ ly hôn và nỗi buồn tan nát. Mấy con chữ làm tôi cười thích thú. Tôi bắt đầu gọi chiếc di động của mình là il mio telefonino (“chiếc di động bé xíu xiu của tôi”). Tôi đã trở thành một trong những người rầy rà luôn nói Ciao! Chỉ có điều tôi còn quá rầy rà, vì tôi luôn giải thích từ ciao là từ đâu. (Nếu bạn cần biết, nó là viết tắt của một cụm từ dân Venice thời Trung cổ dùng như một lời chào thân mật: Sono il suo schiavo! Nghĩa là, “Tôi là nô lệ của anh!”) Chỉ nói những từ này thôi cũng khiến tôi cảm thấy mình gợi tình và hạnh phúc. Luật sư lo vụ ly dị của tôi bảo tôi không phải lo; bà nói bà từng có một thân chủ (người Hàn Quốc theo huyết thống), sau một vụ ly dị gớm guốc, đã hợp pháp đổi tên thành một tên Ý nào đó, chỉ để cảm thấy mình gợi tình và hạnh phúc trở lại.

Rốt cuộc có lẽ tôi sẽ chuyển đến Ý…

Bình luận