Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 17

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Tôi chỉ mới ngừng uống thuốc vài ngày trước. Uống thuốc chống suy nhược ở Ý quả có vẻ điên rồ. Làm thế nào tôi lại có thể trầm cảm ở đây?

Lúc đầu tôi chưa hề muốn dùng thuốc. Tôi đã vật lộn với chuyện dùng thuốc trong một thời gian dài, chủ yếu vì một danh sách dài những phản đối cá nhân (ví dụ: người Mỹ lạm dụng thuốc; chúng ta vẫn chưa biết những tác dụng về lâu dài của thứ này trên não người; việc ngày nay ngay cả trẻ con Mỹ cũng dùng thuốc chống suy nhược là một tội ác; chúng ta đang điều trị các triệu chứng chứ không phải nguyên nhân của trường hợp khẩn cấp sức khỏe tâm thần quốc gia…) Dù sao, suốt mấy năm vừa qua của đời mình, không nghi ngờ gì rằng tôi đã trong tình trạng rắc rối trầm trọng và rắc rồi này không sớm chấm dứt. Khi cuộc hôn nhân của tôi tan rã và biến cố với David diễn ra, tôi đã dần dần có tất cả các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng – mât ngủ, mất cảm giác thèm ăn và dục tình, khóc không tự chủ được, đau lưng và đau bao tử kinh niên, xa lạ và thất vọng, khó tập trung trong công việc, thậm chí mất khả năng bực bội chuyện những đảng viên đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử tổng thống… cứ liên miên như thế.

Khi bị lạc trong những đám rừng này, đôi khi phải mất một thời gian ta mới nhận ra là mình đang lạc. Trong một thời gian rất dài, ta có thể tự thuyết phục mình là ta chỉ mới lang thang khỏi con đường vài feet, rằng ta sẽ tìm thấy đường về điểm xuất phát ngay thôi. Rồi màn đêm buông xuống không biết bao lần, và ta vẫn không hình dung được mình đang ở đâu, và đã đến lúc phải thú nhận là ta đã lạc quá xa con đường đến nỗi ta không còn biết hướng mặt trời mọc nữa.

Tôi gánh vác tình trạng trầm cảm của mình như thể nó là trận chiến của đời mình, mà dĩ nhiên, nó là vậy. Tôi trở thành một học trò của trải nghiệm trầm cảm của chính mình, thử lần mò những nguyên nhân của nó. Gốc rễ của tất cả tuyệt vọng này là gì? Phải chăng là nguyên nhân tâm lý? (Lỗi của bố mẹ?) Phải chăng chỉ là tạm thời, một “thời gian tồi tệ” trong đời mình? (Khi vụ ly hôn kết thúc, trầm cảm có chấm dứt theo không?) Phải chăng là do di truyền? (Sầu Muộn, được gọi bằng nhiều tên khác nhau, đã thấm qua gia đình tôi từ nhiều thế hệ, cùng với cô dâu buồn bã của nó, Chứng Nghiện Rượu.) Văn hóa? (phải chăng đó chỉ là hệ quả của việc một đứa con gái Mỹ có nghề nghiệp thời hậu phong trào nữ quyền cố gắng tìm thấy cân bằng trong một đời sống thành thị ngày càng căng thẳng và vong thân?) Hay nguyên nhân tử vi? (Tôi buồn đến vậy vì tôi thuộc cung Cự Giải quá nhạy cảm vốn có các biểu hiện chính đều do cung Song Sinh hay thay đổi chi phối?) Nguyên nhân nghệ thuật chăng? (Không phải những người sáng tạo luôn bị trầm cảm vì chúng ta quá nhạy cảm và đặc biệt sao?) Hay là nguyên nhân tiên hóa? (Tôi có mang trong mình nỗi hoảng hốt còn lại từ nhiều thiên niên kỷ khi loài của mình cố gắng sống sót trong một thế giới bạo tàn không?) Nghiệp ư? (Phải chăng tất cả những bộc phát sầu não này rõ là hậu quả của hành vi xấu ở những kiếp trước, những chướng ngại cuối cùng trước khi giải thoát?) Do hormone chăng? Chế độ ăn uống? Triết học? Mùa? Môi sinh? Hay vì tôi đang thăm dò vào nỗi khát khao Thượng Đế mọi người đều có? Hay tôi bị thiếu cân bằng hóa học? Hay tôi chỉ cần có quan hệ tình dục?

Thật quá nhiều yếu tố tạo thành chỉ một con người! Sao chúng ta hoạt động trên nhiều tầng đến thế, và sao chúng ta phải chịu nhiều ảnh hưởng từ trí óc ta, cơ thể ta, lịch sử ta, gia đình ta, thành phố ta, tâm hồn ta và những bữa ăn trưa của ta đến thế! Tôi bắt đầu cảm thấy chứng trầm cảm của mình có lẽ là một sự đa dạng luôn thay đổi nào đo gồm tất cả các yếu tố này, và có lẽ cũng bao gồm cả một số thứ tôi không thể kể tên hay khẳng định. Vậy nên tôi đối mặt cuộc chiến ở mọi bình diện. Tôi mua tât cả những quyển sách tự thực hành có những cái tựa rối rắm ấy (luôn chắc chắn là đã bọc chúng trong tờ Hustler số mới nhất, để người lạ sẽ không thể biết tôi đang thật sự đọc gì). Tôi bắt đầu tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn của một bác sĩ trị liệu vừa tốt bụng vừa sâu sắc. Tôi cầu nguyện như một người mới tu. Tôi ngừng ăn thịt (dù sao cũng chỉ trong một thời gian ngắn) sau khi ai đó bảo tôi là tôi đang “ăn nỗi sợ hãi của con vật vào thời điểm nó chết”. Một nhà trị liệu xoa bóp phong trào thời đại mới lập dị bảo tôi nên mặc quần lót màu cam, để làm cân bằng những luân xa tình dục của mình, và, bạn ơi – tôi thực sự đã làm vậy. Tôi uống cái loại trà cỏ Saint-John chết tiệt mà cũng không thấy hiệu quả nào rõ rệt. Tôi tập luyện. Tôi tiếp xúc với những môn nghệ thuật làm phấn chấn và cẩn thận tránh xa những phim ảnh, sách vở và bài hát buồn (thậm chí nến ai đó nhắc đến những từ Leonard và Cohen trong cùng một câu, tôi có thể phải rời khỏi phòng).

Tôi cố hết sức để kiềm chế những thổn thức vô tận. Tôi nhớ đã từng tự hỏi một đêm nó, khi đang cuộn mình trong cũng cái góc cũ kỹ của cũng chiếc ghế dài cũ mèm của mình, khóc lóc vì cũng một điệp khúc những ý nghĩ sầu muộn cũ rích, “Có gì đó mi có thể làm thay đổi tình hình này không, Liz?” và điều tôi chỉ có thể nghĩ ra là đứng lên vừa khóc nức nở vừa cố đứng thăng bằng một chân giữa phòng khách. Chỉ để chứng minh là – khi tôi không thể thôi khóc hay thay đổi cuộc độc thoại âm thầm ảm đạm, tôi vẫn chưa hoàn toàn mất kiểm soát: chí ít tôi có thể khóc lóc điên cuồng mà vẫn giữ thăng bằng trên một chân được. Này, đó là một khởi đầu.

Tôi băng qua đường để dạo trong nắng. Tôi dựa vào mạng lưới hỗ trợ của mình, yêu thương gia đình mình và nuôi dưỡng những tình bạn sáng láng nhất của mình. Và khi mấy tờ tạp chí phụ nữ nhiễu sự cứ nói với tôi rằng sự kém tự trọng của tôi chẳng giúp giải quyết được phiền muộn, tôi đi làm một kiểu tóc mới xinh đẹp, mua ít đồ trang điểm đắt tiền và một chiếc đầm đẹp. (Khi một người bạn khen vẻ ngoài mới của tôi, tôi chỉ có thể nói được, một cách dứt khoát, là, “Chiến Dịch Tự Trọng – Ngày Một Khốn Kiếp”).

Điều cuối cùng tôi thử, sau khoảng hai năm chiến đấu với nỗi sầu muộn này, là thuốc. Nếu tôi có thể áp đặt ý kiến mình ở đây, tôi nghĩ đó luôn nên là thứ bạn thử cuối cùng. Với tôi thì, quyết định đi con đường “Vitamin P” đến sau một đêm tôi ngồi giữa sàn phòng ngủ hàng giờ, cố hết sức thuyết phục mình không khía tay mình bằng một con dao bếp. Tôi đã thắng cuộc tranh luận với con dao đêm đó, nhưng phải khó khăn lắm. Vào khoảng thời gian ấy tôi còn có vài sáng kiến khác hay hơn – là nhảy từ một tòa nhà xuống hay thổi bay óc bằng một khẩu súng, sẽ có thể chấm dứt sự chịu đựng này ra sao. Tuy nhiên điều gì đó như ngồi suốt đêm với một con dao trong tay cũng đã là thực hiện ý tưởng.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên tôi gọi cô bạn Susan, van xin cô ấy giúp đỡ. Tôi không tin cả trong lịch sử gia đình mình trước đây từng có một phụ nữ làm việc này, và có lúc ngồi giữa ngả đường, giữa đời mình như thế này, và nói, “Tôi không thể bước thêm một bước nào nữa – phải có ai đó giúp tôi.” Điều đó cũng sẽ không khiến những phụ nữ ấy dừng bước. Chẳng có ai sẽ có thể, hay đã có thể, giúp họ. Điều duy nhất sẽ không thể xảy ra là họ và gia đình sẽ chết đói. Tôi không thể thôi nghĩ về những phụ nữ này.

Và tôi sẽ không bao giờ quên gương mặt của Susan khi cô ấy lao vào căn hộ của tôi khoảng một giờ sau khi tôi gọi cuộc gọi cấp cứu, và thấy tôi ngồi thu lu trên chiếc ghế dài. Hình ảnh nỗi đau của tôi phản chiếu lại rõ ràng trong vẻ lo lắng mà cô dành cho tính mạng của tôi vẫn là một trong những ký ức rùng rợn nhất đối với tôi về những năm kinh hoàng đó. Tôi cuộn trò như một trái banh khu Susan gọi mấy cuộc điện thoại và tìm ra một chuyên gia tâm thần sẽ tư vấn cho tôi ngay hôm ấy để bàn bạc khả năng kê đơn thuốc chống suy nhược. Tôi lắng nghe cuộc trò chuyện của Susan với bác sĩ qua điện thoại, lắng nghe cô ấy nói, “Tôi e rằng bạn tôi sắp làm tổn thương bản thân trầm trọng.” Tôi cũng e vậy.

Chiều hôm đó khi tôi đến gặp chuyên gia tâm thần, ông ấy hỏi điều gì đã khiến tôi chờ lâu đến vậy mới yêu cầu giúp đỡ – như thể tôi đã không cố tự cứu mình trong một thời gian dài đến thế. Tôi cho ông biết những phản đối và cân nhắc của mình về thuốc chống suy nhược. Tôi đặt ba cuốn sách đã xuất bản của mình trên bàn ông và nói, “Tôi là một nhà văn. Xin đừng làm bất cứ gì tổn hại đến cái đầu của tôi.” Ông ta nói, “Nếu như cô có bệnh thân, cô sẽ không ngần ngại dùng thuốc để chữa – vậy tại sao cô lại do dự chuyện này?” Nhưng mà, thật ra, điều đó chỉ chứng tỏ là ông ấy không biết gì về gia đình tôi; một người dòng họ Gilbert rất có thể sẽ không điều trị bệnh thận, bởi vì chúng tôi là một gia đình xem bất kỳ bệnh tật nào cũng đều là dấu hiệu của thất bại cá nhân, đạo đức và tinh thần.

Ông ta chỉ định tôi dùng một vài thuốc khác nhau – Xanax, Zoloft Wellbutrin, Busperin – cho đến khi chúng tôi tìm thấy một phối hợp không làm tôi buồn nôn hay biến ham muốn tình dục của tôi thành một ký ức xa xăm. Rất nhanh, trong vòng chưa đầy một tuần, tôi đã có thể cảm nhận thêm một tia ánh sáng ban ngày trong tâm trí mình. Ngoài ra, cuối cùng tôi đã có thể ngủ được. Và đó là một món quà thật sự, vì khi ta không thể ngủ, ta không thể thoát ra được khỏi cái vũng lầy – không thể nào. Mấy viên thuốc trả lại cho tôi những giờ ngủ ban đêm có khả năng làm hồi phục và cũng làm tay tôi không run rẩy nữa, giải tỏa cái áp lực đè nặng lên ngực tôi và cái nút báo động trong tim tôi.

Thế nhưng, tôi chưa từng thoải mái khi dùng mấy thứ thuốc đó, dù chúng giúp tôi tức thì. Tôi chưa bao giờ quan tâm ai đã bảo mình mấy thứ thuốc men này là một ý kiến hay và hoàn toàn an toàn; tôi luôn cảm thấy mâu thuẫn trong chuyện này. Không nghi ngờ gì nữa, mấy thứ thuốc đó là chiếc cầu đưa tôi qua bờ bên kia, nhưng tôi muốn thoát khỏi chúng càng sớm càng tốt. Tôi bắt đầu dừng thuốc vào tháng Một năm 2003. Đến tháng Năm, tôi đã giảm liều lượng xuống một cách đáng kể. Dù sao đi nữa, đó là những tháng khó khăn nhất – những tháng cuối cùng của vụ ly dị, những tháng dây dưa cuối cùng với David. Nếu chỉ cầm cự thêm chút nữa, tôi có thể chịu đựng được thời gian đó mà không dùng thuốc không? Tự mình, tôi đã có thể qua khỏi không? Tôi không biết. Đó là vấn đề về sinh mệnh một con người – không có nhóm kiểm soát, tuyệt đối không thể nào biết bất kỳ ai trong chúng ta sẽ ra sao nếu có một biến số nào đó đã thay đổi.

Tôi biết rõ mấy thứ thuốc đó làm cho nỗi bất hạnh của tôi có vẻ bớt thê thảm. Vậy nên tôi biết ơn về điều ấy. Nhưng tôi vẫn hết sức bán tính bán nghi về những dược phẩm thay đổi tâm trạng. Tôi kinh sợ sức mạnh của chúng, nhưng lo lắng khi chúng được sử dụng tràn lan. Tôi nghĩ các dược phẩm này cần được kê toa và sử dụng một cách dè dặt hơn nữa ở đất nước này, đồng thời không bao giờ được thiếu sự điều trị tư vấn tâm lý song song. Chỉ những người phương Tây cổ điển liều lĩnh mới nghĩ rằng điều trị triệu chứng mà không khảo sát tỉ mỉ nguyên nhân sâu xa của bênh sẽ khiến cho bệnh nhân nào đó có thể thật sự trở nên khá hơn. Những viên thuốc đó có thể đã cứu đời tôi, nhưng chỉ cùng chung với chừng hai mươi cố gắng khác tôi đã làm đồng thời trong thời gian đó để cứu mình, và tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng đến những thứ thuốc như vậy nữa. Nhưng một bác sĩ đã nói rằng tôi có thể phải dùng thuốc chống suy nhược dai dăng nhiều lần trong đời vì “khuynh hướng u sầu” của tôi. Tôi cầu Chúa là ông ấy lầm. Tôi định làm tất cả những gì có thể để chứng minh là ông ấy lầm, hay ít ra là chống chọi với khuynh hướng u sần đó bằng mọi biện pháp. Tôi không thể nói được điều này biến tôi thành một kẻ cứng đầu chỉ để tự chuốc lấy thất bại hay chứng đầu để tự bảo tồn.

Nhưng tôi là thế rồi.

Bình luận
× sticky