Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 29

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Việc chị tôi đến Roma vài ngày sau đó đã lái chú ý của tôi ra khỏi nỗi buồn dai dẳng về chuyện David và đưa tôi trở lại nhịp điệu. Chị làm tất cả mọi chuyện rất nhanh, và sinh khí quanh chị xoáy lên như những cơn lốc thu nhỏ. Chị lớn hơn tôi ba tuổi và cao hơn tôi ba inch. Chị là một vận động viên, một học giả, một người mẹ, một nhà văn. Suốt thời gian ở Roma, chị tập luyện cho một cuộc chạy đua maratông, nghĩa là chị thường thức dậy vào lúc bình minh và chạy mười tám dặm trong khoảng thời gian thông thường tôi đọc được một bài báo và uống hai tách cappuccino. Khi chạy, trông chị thực sự như một con nai. Lúc đang mang thai đứa con đầu lòng, một đêm chị đã bơi hết chiều dài một cái hồ trong bóng tối. Tôi không thể theo chị, và thậm chí tôi cũng không có thai. Tôi đã quá sợ hãi. Nhưng chị tôi thực sự không sợ hãi. Khi chị có thai đứa con thứ hai, một bà đỡ hỏi liệu Catherine có bất kỳ lo lắng nào chưa nói ra về bất kỳ điều gì có thể không ổn với đứa bé không – như các khiếm khuyết di truyền hay biến chứng khi sinh. Chị nói, “Tôi chỉ sợ duy nhất một điều là thằng bé lớn lên thành một người của đảng Cộng hòa.”

Đó là tên chị tôi – Catherine. Tôi chỉ có mình chị. Khi chúng tôi lớn lên ở vùng nông thôn Connecticut, chỉ có hai chị em sống trong nông trại với bố mẹ. Chẳng có trẻ con nào khác gần đó. Chị rất kiêu ngạo và độc đoán, vị chỉ huy của cả đời tôi. Tôi sống trong sợ hãi và kính sợ chị ấy; chỉ có ý kiến của chị ấy là quan trọng. Tôi chơi bài gian lận với chị để thua, để chị sẽ không nổi khùng với tôi. Không phải lúc nào chúng tôi cũng là bạn. Chị bực mình vì tôi, còn tôi thì sợ chị, tôi nghĩ vậy, cho đến khi tôi được hai mươi tám tuổi và đã trở nên chán chuyện đó. Đó là năm tôi cuối cùng đã dũng cảm phản kháng chị, và phản ứng của chị đã kiểu như, “Sao giờ này mi mới làm vậy?”

Khi chúng tôi chỉ mới bắt đầu nghĩ ra những điều khoản mới cho tương quan giữa chúng tôi thì cuộc hôn nhân của tôi trượt dốc. Có thể đã quá dễ dàng để Catherine giành được thắng lợi từ cuộc bại trận của tôi. Tôi đã luôn là kẻ được yêu thương và là kẻ may mắn, kẻ được cả gia đình và số phận cưng chiều. Thế giới đã luôn là một nơi dễ chịu và cởi mở đối với tôi hơn là với chị tôi, người đã chà xát cuộc đời thật mạnh và đôi khi bị nó làm tổn thương lại khá nhiều. Có lẽ đã quá dễ dàng để Catherine đáp lại cuộc ly hôn và phiền muộn của tôi bằng một câu, “ha! Nhìn Mary Tia Nắng Bé Nhỏ xem!” Thay vì vậy, chị giúp tôi đứng dậy như một nhà vô địch. Chị trả lời điện thoại giữa đêm bất cứ khi nào tôi đau buồn và nói những lời an ủi. Và chị đến với tôi khi tôi tìm kiếm câu trả lời cho việc tại sao mình buồn đến vậy. Trong một thời gian rất dài, chị ấy gần như cùng chia sẻ việc trị liệu với tôi. Sau mỗi buổi tôi đều gọi cho chị kể lại tất cả mọi thứ tôi đã nhận ra trong văn phòng bác sĩ trị liệu của mình, và chị bỏ bất cứ gì đang làm để nói, “A… điều đó giải thích được nhiều đấy.” Nghĩa là giải thích được rất nhiều về cả hai chúng tôi.

Giờ chúng tôi trò chuyện với nhau qua điện thoại gần như mỗi ngày – hay chí ít chúng tôi đã làm vậy, trước khi tôi tới Roma. Giờ thì trước khi một trong hai chúng tôi lên máy bay, chị luôn gọi cho tôi (hoặc ngược lại) và nói, “Chị biết vậy bệnh hoạn, nhưng chị chỉ muốn nói là chị yêu em. Em biết đó… phòng khi…” Và tôi luôn đáp, “Em biết mà… chỉ là phòng khi.”

Chị đã chuẩn bị trước khi đến Roma, luôn vậy. Chị mang theo năm quyển sách hướng dẫn đã đọc cả rồi, và chị đã có sẵn bản đồ thành phố trong đầu. Chị đã hoàn toàn có định hướng thậm chí từ trước khi chị rời Philadelphia. Và đây là một ví dụ cổ điển về sự khác nhau giữa chúng tôi. Tôi là người mất cả những tuần đầu ở Roma lang thang khắp nơi, chín mươi phần trăm lạc lối và một trăm phần trăm vui sướng thấy tất cả mọi thứ xung quanh mình là một bí ẩn đẹp đẽ không thể cắt nghĩa được. Nhưng thế giới gần như luôn có vẻ như thế đối với tôi. Trong mắt chị tôi, không có gì là không thể giải thích được nếu người ta tiếp cận được một thư viện tham khảo chính xác. Đây là người phụ nữ thường để cuốn Từ điển Bách khoa Columbiatrong bếp kế bên những cuốn sách nấu ăn – để đọc, cho vui.

Có một trò chơi đôi khi tôi thích chơi với bạn bè gọi là “Xem Đây!” Mỗi khi bất kỳ ai thắc mắc về vài dữ liệu mơ hồ nào đó (ví dụ, “Thánh Louis là ai?”) tôi sẽ nói, “Xem Đây!” rồi vớ lấy chiếc điện thoại gần nhất và quay số của chị tôi. Đôi khi tôi bắt được chị trong xe, đang chở bọn trẻ từ nhà đến trường ở Volvo, và chị sẽ đăm chiêu, “Thánh Louis… ờ, ngài là một vị vua Pháp mặc áo vải tóc, thật ra, điều ấy thú vị vì…”

Thế là chị tôi đến Roma thăm tôi – trong thành phố mới của tôi – và rồi chỉ cho tôi. Đây là Roma, phong cách Catherine. Đầy đủ các dữ kiện và ngày tháng và kiến trúc mà tôi không thấy được vì đầu óc tôi không làm việc theo cách đó. Điều duy nhất tôi muốn biết về bất kỳ nơi nào hay bất kỳ ai là câu chuyện, đây là điều duy nhất tôi để ý xem – chứ không bao giờ là những chi tiết thẩm mỹ. (Sofie tới căn hộ của tôi một tháng sau khi tôi chuyển đến và nói, “Một phòng tắm màu hồng xinh xắn”, và đấy là lần đầu tiên tôi nhận thấy quả thực, nó màu hồng. Màu hồng sáng, từ sàn đến trần, gạch men hồng sáng khắp nơi – thực tình là trước đó tôi đã không thấy điều ấy). Những cặp mắt tinh tường của chị tôi nhặt được những chi tiết Gothic, Roman hay Byzantine của một tòa nhà, những hoa văn của nền nhà thờ, hay một phác họa lờ mờ trong một bức bích họa dang dở khuất sau bàn thờ. Đôi chân dài của chị sải bước khắp Roma (chúng tôi thường gọi chị là “Catherine-Xương-Đùi-Dài-Ba-Feet”) và tôi hấp tấp theo sau chị, như tôi vẫn vậy từ thuở còn chập chững, bước hai bước hăm hở sau mỗi bước chân chị mình.

“Thấy không, Liz?” chị nói. “Xem họ vừa đập cái mặt tiền thế kỷ mười chín trên công trình bằng gạch đó chưa? Chị cá nếu mình rẽ qua góc thì sẽ thấy… đúng rồi!… thấy chưa, họ đã dùng đá nguyên khối La Mã nguyên thủy để làm cột chống, chắc vì họ không có nhân lực để dời chúng… ừ, chị khá là thích đặc điểm thập cẩm của nhà thờ này…”

Catherine mang theo cái bản đồ và quyển Hướng dẫn Michelin Green, còn tôi mang theo bữa ăn trưa dã ngoại (hai khúc bánh mì lớn cỡ bóng softball, xúc xích đậm đà gia vị, cá mòi ngâm với ô liu xanh dày cơm, patê nấm có mùi như một khu rừng, những viên mozzarella xông khói, rau arugula nướng tiêu, cà chua bi, pho mát pecorino, nước khoáng và một phần rượu trắng ướp lạnh), và khi tôi thắc mắc khi nào thì chúng tôi sẽ ăn, chị lại thắc mắc thật to, “Tại sao mình không nói thêm về Hội đồng xứ Trent nữa?”

Chị dẫn tôi đến hàng tá nhà thờ ở Roma, và tôi không thể nhớ hết – Thánh Này và Thánh Nọ, và rồi Thánh Nào đó trong Những người Sám hối Chân trần Khổ hạnh Công chính… nhưng tôi không thể nhớ tên hay chi tiết của tất cả những trụ tường và mái đua thì không có nghĩa là tôi không thích ở bên trong những nơi này với chị mình, người có đôi mắt xanh thẫm chẳng bỏ sót thứ gì. Tôi không nhớ tên của nhà thờ có những bức bích họa nom tựa như những bức bích họa khoa trương. Chính sách mới WPA 1 của Mỹ, nhưng tôi nhớ là Catherine đã trỏ chúng và nói với tôi, “Em phải thích mấy Đức Giáo hoàng Franklin Roosevelt trên kia…” Tôi cũng nhớ buổi sáng chúng tôi dậy sớm và đến lễ Mét ở nhà thờ St. Susanna, cùng nắm tay nhau lắng nghe các xơ ở đấy hát thánh ca Gregoria buổi sớm mai, cả hai chúng tôi đều khóc vì lời cầu nguyện vang vọng ám ảnh của các xơ. Chị tôi không phải người sùng đạo. Không ai trong gia đình tôi thực sự sùng đạo. (Tôi đã quen coi mình là “con ngoan” của gia đình). Chị quan tâm đến những tìm hiểu về tâm linh của tôi chủ yếu từ góc độ của sự tò mò mang tính trí tuệ. “Chị nghĩ kiểu dức tin đó là rất đẹp đẽ,” chị thì thầm với tôi trong nhà thờ, “nhưng chị không thể làm thế, chỉ là chị không thể….”

Còn đây là một thí dụ khác về sự khác biệt trong thế giới quan của chúng tôi. Một gia đình hàng xóm nhà chị tôi vừa mới đây chịu hai thảm kịch khi người ta chẩn đoán cả người mẹ trẻ và đứa con trai ba tuổi của cô ấy đều bị ung thư. Khi Catherine kể cho tôi nghe chuyện ấy, tôi chỉ có thể nói, choáng váng, “Lạy Chúa, gia đình ấy cần được phù hộ.” Chị trả lời chắc nịch, “Gia đình đó cần món thịt hầm,” và rồi bắt đầu tổ chức cả khu xóm giềng nhà chị mang bữa tối cho gia đình này, thay phiên nhau, tối nào cũng vậy, trong cả một năm. Tôi không rõ liệu chị tôi có hoàn toàn công nhận rằng đây là ân sủng hay không.

Chúng tôi bước ra khỏi nhà thờ St. Susanna, và chị nói, “Em có biết vì sao các Giáo hoàng cần quy hoạch thành phố vào thời Trung cổ không? Vì về cơ bản mỗi năm ta có hai triệu người hành hương Công giáo từ khắp thế giới phương Tây đến để bước từ Vatican tới St. John Lateran – đôi khi lết đến bằng đầu gối – và ta phải có những tiện nghi cho những người này.”

Đức tin của chị tôi là học hỏi. Kinh Thánh của chị là Từ điển tiếng Anh Oxford. Khi chị chúi đầu vào sách vở, mấy ngón tay lật nhanh các trang, chị đang ở cùng Chúa của mình. Tôi thấy chị đang cầu nguyện lần nữa cũng trong ngày hôm ấy – khi chị quỳ xuống giữa Roma Forum, phủi sạch mấy thứ rác rưởi trên mặt đất (như thể xóa bảng đen), rồi lượm một hòn đá nhỏ lên và vẽ trên mặt đất cho tôi xem bản vẽ một nhà thờ Roma cổ điển. Chị chỉ trỏ từ hình vẽ của mình đến đống đổ nát trước mặt, hướng dẫn tôi hiểu rằng (thậm chí rõ ràng thách tôi hiểu!) tòa nhà đó đã từng trông ra sao mười tám thế kỷ trước. Chị dùng ngón tay phác trong hư không những cổng vòm bị thiếu, gian giữa giáo đường, những cánh cửa sổ từ lâu đã không còn. Như Harold với Bút Chì Tím của mình, chị lấp đầy vũ trụ vắng bóng bằng trí tưởng tượng của chị và hoàn thiện cái đã điêu tàn.

Trong tiếng Ý có một thì ít khi dùng là passato remoto, quá khứ xa. Ta dùng thì này khi đang thảo luận những điều trong quá khứ đã xa xôi, những điều đã xảy ra lâu lắm về trước đến nỗi chúng không còn ảnh hưởng cá nhân nào đối với ta nữa – ví dụ, lịch sử cổ đại. Nhưng chị tôi, nếu chị nói tiếng Ý, sẽ không dùng thì này để thảo luận lịch sử cổ đại. Trong thế giới của chị, Roman Forum không phải xa xôi, cũng không phải là quá khứ. Nó hiện diện và gần bên chị cũng như tôi vậy.

Ngày hôm sau chị đi.

“Nghe này,” tôi nói. “Nhớ gọi cho em khi máy bay hạ cánh an toàn, OK? Không phải bệnh hoạn, nhưng…”

“Chị biết rồi, cưng,” chị nói. “Chị cũng yêu em.”

— —— —— —— ——-

1 Works Progress Administration: Cơ quan Cải thiện Việc làm.

Bình luận