Trong mọi thành phố lớn ở Thế giới phương Tây, có một số thứ vẫn luôn luôn như vậy. Cũng những người đàn ông châu Phi luôn bán túi xách tay và kính mắt nhái hàng hiệu, và cũng những nhạc công Guatemala luôn chơi “Tôi thà một con chim sẻ hơn là một con ốc sên” bằng những chiếc kèn hơi của họ. Nhưng có một số thứ chỉ có ở Roma. Như người bán sandwich ở quầy hàng rất thoải mái gọi tôi là “người đẹp” mỗi khi chúng tôi nói chuyện. Cô muốn món panino 1 này nướng hay lạnh, bella? Hay những cặp hôn hít vuốt ve nhau khắp mọi nơi, như thể có một cuộc thi cho chuyện ấy vậy, xoắn lấy nhau trên những chiếc ghế dài, vuốt tóc và đũng quần nhau, ấp vào nhau và xoay mông liên tục…
Và rồi đến những đài phun nước. Pliny the Elder đã từng viết: “Nếu ai đó xem xét sự dồi dào trong việc cung cấp nước công cộng của Roma, cho bồn tắm, bể chứa, mương, nhà cửa, vườn tược, biệt thự; và có chú ý đến cái khoảng cách mà nó đi, vươn lên những nhịp cầu xuyên qua những núi non, trải dài những thung lũng – anh ta sẽ thừa nhận là trên khắp thế giới chưa từng có gì phi thường hơn.”
Rất lâu sau, tôi đã có một vài đối thủ cho đài phun nước ưa thích của mình ở Roma. Một là ở Villa Borghese. Ở giữa đài phun nước này có một gia đình bằng đồng đang vui đùa. Ông bố là một thần đồng áng còn bà mẹ là người bình thường. Họ có một cậu con trai thích ăn nho. Bố và mẹ ở trong tư thế kỳ lạ – đối mặt nhau, nắm lấy cổ tay nhau, cả hai cùng ngả người. Khó mà phân biệt được là họ đang vùng ra khỏi nhau vì bất hòa hay đang nhảy vòng quanh vui vẻ, nhưng ở họ tràn đầy sinh khí. Dù thế nào thì, cậu con trai ngồi trên cổ tay họ, ngay giữa hai người họ, vẫn thản nhiên trước vui đùa hay xung đột của họ, nhai tóp tép một chùm nho. Mấy cái móng guốc nhỏ chẻ đôi của cậu toòng teng phía dưới khi cậu ăn. (Cậu giống bố cậu.)
Lúc này là đầu tháng Chín năm 2003. Thời tiết ấm áp và uể oải. Đến lúc này, ngày thứ tư của tôi ở Roma, bóng tôi vẫn chưa in trên lối vào một nhà thờ hay viện bảo tàng nào, thậm chí tôi cũng chưa xem sách hướng dẫn. Nhưng tôi cứ đi liên tu bất tận không mục đích, và cuối cùng đã tìm ra một nơi nhỏ xíu mà một người lái xe buýt thân thiện cho biết có bán Kem Ngon nhất ở Roma. Chỗ đó gọi là “Il Gelato di San Crispino”. Tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ có thể dịch là “kem của vị thánh khô lạnh”. Tôi đã ăn thử loại kết hợp bưởi chùm và dưa. Rồi, sau buổi ăn chiều cũng tối ấy, tôi lặn lội cả quãng đường đến đó một lần cuối, chỉ để ăn thử một cốc quế-gừng.
Mỗi ngày tôi cố gắng đọc hết một bài báo, bất luận mất bao lâu thời gian. Cứ khoảng ba từ là tôi phải tra từ điển một lần. Báo chí thời nay thật hấp dẫn. Khó mà hình dung được cái tít nào ấn tượng hơn “Obesità! I Bambini Italiani Sono i Più Grassi d’Europa!” Lạy Chúa! Béo Phì! Tôi nghĩ, bài báo tuyên bố trẻ con Ý là những đứa trẻ mập nhất ở châu Âu! Đọc tiếp, tôi biết rằng trẻ con Ý mập hơn trẻ con Đức nhiều và mập hơn trẻ con Pháp rất nhiều. (Thật nhân từ, không thấy họ so sánh với trẻ con Mỹ.) Bài báo nói ngày nay trẻ em Ý ở độ tuổi lớn hơn cũng đang béo phì một cách nguy hiểm. (Ngành mì ống đã tự bào chữa.) Những thống kê báo động về chứng béo phì của trẻ em Ý được “una task force internazionale” – không cần phải dịch ở đây – công bố hôm qua. Tôi mất gần một giờ mới giải mã được cả bài báo này. Trong thời gian đó, tôi ăn một cái pizza và nghe một đứa trẻ Ý chơi đàn phong cầm bên kia đường. tôi thấy đứa bé không mập lắm, nhưng có lẽ vì cậu là dân gypsy. Tôi không rõ mình có hiểu sai dòng cuối của bài báo không nhưng hình như có vài thảo luận từ phía chính phủ cho rằng cách duy nhất để đối phó với cơn khủng hoảng béo phì ở Ý là đánh thuế trên số cân thừa…? Chuyện này có thể nào là thật không? Sau một vài tháng ăn kiểu này, liệu họ có truy đến tôi không?
Điều quan trọng nữa là đọc báo mỗi ngày để xem Giáo hoàng đang ra sao. Ở Roma này, người ta ghi lại sức khỏe của Giáo hoàng trong báo hàng ngày, giống như với thời tiết, hay chương trình truyền hình. Hôm nay Giáo hoàng đang mệt. Hôm qua, Giáo hoàng đỡ mệt hơn hôm nay. Ngày mai, chúng ta hy vọng Giáo hoàng sẽ không mệt như hôm nay.
Đối với tôi nơi đây gần như một thiên đường của ngôn ngữ. Với một người luôn muốn nói tiếng Ý, còn gì có thể hơn được Roma? Như thể ai đó dựng nên cả thành phố chỉ để phù hợp các đặc điểm của tôi, nơi mọi người (ngay cả trẻ con, ngay cả tài xế taxi, ngay cả diễn viên các tiết mục quảng cáo!) đều nói thứ ngôn ngữ có ma lực này. Cứ như cả xã hội đang chung sức dạy tôi tiếng Ý. Thậm chí họ còn in báo chỉ bằng tiếng Ý khi tôi đang ở đây nữa chứ; họ không phiền! Ở đây họ có những hiệu sách chỉ bán sách viết bằng tiếng Ý! Tôi đã tìm thấy một hiệu sách như vậy sáng hôm qua và cảm thấy như mình bước vào một cung điện bị bỏ bùa mê. Tất cả đều bằng tiếng Ý – thậm chí cả Dr.Seuss. Tôi thơ thẩn khắp nơi, sờ vào mọi quyển sách, bất kỳ ai đang nhìn tôi sẽ nghĩ tôi là một người bản ngữ. Chao ôi, tôi muốn tiếng Ý rộng mở cho tôi biết chừng nào! Cảm giác này gợi nhớ chuyện hồi tôi bốn tuổi, còn chưa biết đọc nhưng đã khát khao học hỏi. Tôi nhớ là đã ngồi trong phòng đợi ở phòng mạch với mẹ, tay cầm tờ tạp chí Good Houskeeping trước mặt, chậm rãi lật các trang báo, nhìn chằm chằm vào bản văn với hy vọng người lớn trong phòng đợi sẽ nghĩ là mình đang đọc thực sự. Từ đó đến nay tôi vẫn chưa cảm thấy thèm khát lĩnh hội đến thế. Tôi tìm được vài tác phẩm của các nhà thợ Mỹ ở hiệu sách đó, với nguyên bản tiếng Anh in ở một mặt và phần dịch tiếng Ý ở mặt kia. Tôi mua một cuốn của Robert Lowell, một cuốn của Louise Glỳck.
Ở đây khắp nơi đều có những khóa đàm thoại tự phát. Hôm nay, khi tôi đang ngồi trên một chiếc ghế trong công viên thì một phụ nữ lớn tuổi nhỏ bé mặc một đồ đen đến gần, ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu hăm he tôi về một điều gì đó. Tôi lắc đầu, nín thinh và bối rối. Tôi xin lỗi bằng tiếng Ý rất lịch sự, “Tôi xin lỗi, nhưng tôi không nói tiếng Ý,” và có vẻ như bà sẽ quất tôi bằng một cái thìa gỗ, nếu bà có. Bà khăng khăng: “Cô hiểu mà!” (Thật thú vị, bà ấy nói đúng. Câu nói đó thì tôi có hiểu.) Giờ bà muốn biết tôi từ đâu đến. Tôi bảo bà tôi từ New York rồi hỏi bà từ đâu đến. Rõ rồi – bà ấy từ Roma. Nghe thấy thế, tôi vỗ tay như trẻ con. A, Roma! Roma xinh đẹp! Tôi thích Roma lắm! Roma dễ thương! Bà lắng nghe sự khoa trương thô thiển của tôi một cách hoài nghi. Rồi bà tỏ ra thích thú điều đó và hỏi tôi lập gia đình chưa. Tôi nói tôi đã ly dị. Đây là lần đầu tiên tôi nói điều này với bất kỳ ai, và giờ thì tôi đang vậy, nói bằng tiếng Ý. Dĩ nhiên là bà hỏi: “Perché?” Ôi… “Tại sao” là một câu hỏi khó trả lời trong bất kỳ ngôn ngữ nào. Tôi lắp bắp, rồi cuối cùng cũng nói được là “L’abbiamo rotto” (chúng tôi đã đổ vỡ).
Bà gật đầu, đứng lên, bước ra đường đến trạm xe buýt, leo lên xe và thậm chí không quay lại nhìn tôi lần nữa. Bà ấy giận mình sao? Thật lạ, tôi đã ngồi trên ghế công viên đó đợi bà trong hai mươi phút, nghĩ một cách vô lý là bà có thể trở lại và tiếp tục chuyện trò, nhưng bà chẳng bao giờ trở lại. Tên bà là Celeste, phát âm phụ âm điếc ch, như trong cello.
Trong ngày hôm đó lúc muộn hơn, tôi tìm thấy một thư viện. Trời ơi, tôi mê thư viện làm sao. Vì chúng ta đang ở Roma, thư viện này là một thứ cổ kính xinh đẹp, bên trong có một sân vườn mà ta sẽ không bao giờ có thể đoán được nó tồn tại nếu chỉ nhìn từ ngoài đường. Khu vườn vuông vức điểm xuyết bằng những cây cam vào ở giữa có một đài phun nước này sắp sửa là một đối thủ với những thứ ưa thích của tôi ở Roma, dù nó không giống bất kỳ thứ gì tôi từng thấy từ trước đến nay. Trước hết là, nó không được chắc chạm bằng đá cẩm thạch tráng lệ. Đây là một đài phun nước tự nhiên nhỏ, màu xanh đầy rêu. Nó giống như một bụi dương xỉ tua tủa đang rỏ nước. (Thực ra nó giống y như tán lá cây dại mọc ra từ đầu người cầu nguyện trong bức hình ông thầy mo già ở Indonesia vẽ cho tôi.) Nước phun ra từ trung tâm cây bụi đang trổ hoa này, rồi tưới trở lại trên lá, tạo nên một âm thanh u buồn và dễ chịu khắp cả sân.
Tôi tìm thấy một chỗ ngồi dưới một cây cam rồi mở một trong những cuốn thơ đã mua hôm qua. Louise Glỳck. Đầu tiên tôi đọc bài thơ bằng tiếng Ý, rồi bằng tiếng Anh, rồi sững lại ở dòng này:
Dal centro della mia vita venne una grande fontana…
“Từ tâm cuộc sống tôi, một đài phun nước tuyệt vời xuất hiện…”
Tôi đặt cuốn sách vào lòng, lắc đầu khuây khỏa.
— —— —— —— ——-
1 Bánh mì nhỏ, bánh sandwich Ý.