Hay, đúng hơn – tôi đây rồi. Tôi đang ở Roma, và tôi đang gặp rắc rối. Mấy tên khủng bố thuê Trầm Cảm và Cô Đơn đột nhập vào đời tôi lần nữa, mà tôi thì chỉ mới uống viên Wellbutrin cuối cùng ba ngày trước. Còn nhiều viên nữa trong ngăn kéo dưới cùng của tôi, nhưng tôi không muốn chúng. Tôi muốn thoát khỏi chúng mãi mãi. Nhưng tôi cũng không muốn hai gã Trầm Cảm và Cô Đơn xung quanh, nên tôi không biết phải làm gì, và tôi lại đang bị cuốn vào cơn hoảng loạn, như vẫn luôn vậy khi không biết phải làm gì. Vậy nên điều đêm nay tôi làm là tìm quyển sổ tay riêng tư nhất vẫn để cạnh giường phòng khi gặp rắc rối khẩn cấp. Tôi mở sổ ra. Tôi tìm được trang trắng đầu tiên. Tôi viết:
“Tôi cần sự giúp đỡ của ngài.”
Rồi tôi chờ đợi. Một lát sau, một lời đáp xuất hiện, bằng chính chữ viết tay của tôi:
Ta ở ngay đây. Ta có thể làm gì cho ngươi?
Và thế là cuộc chuyện trò lạ lùng nhất và bí ẩn nhất của tôi lại bắt đầu. Ở đây, trong cuốn sổ tay riêng tư nhất này, là tôi trò chuyện với chính mình. Tôi nói với chính tiếng nói tôi gặp đêm ấy trên sàn phòng tắm khi lần đầu tiên khóc lóc cầu xin Thượng Đế giúp đỡ, khi một cái đó (hay một ai đó) đã nói, “Đi ngủ lại đi, Liz.” Những năm về sau, tôi lại gặp giọng nói ấy vào những thời khắc hiểm nghèo cấp độ da cam, và tôi biết rằng cách tốt nhất để tiếp cận giọng nói đó là bút đàm. Tôi cũng đã ngạc nhiên nhận ra rằng mình có thể gần như luôn luôn tiếp cận giọng nói đó, bất luận nỗi thống khổ của tôi ảm đạm thế nào. Cả trong nỗi buồn tồi tệ nhất, giọng nói điềm tĩnh, cảm thông, thương yêu và vô vàn sáng suốt đó (mà có lẽ là tôi, hay cũng có thể không đúng là tôi) luôn luôn sẵn sàng cho một cuộc chuyện trò trên giấy và bất kỳ thời điểm nào ngày hay đêm.
Tôi đã quyết định giải thoát mình khỏi lo ngại là độc thoại trên giấy có nghĩa là mình là một kẻ tâm thần phân liệt. Có thể tiếng nói tôi đang hướng đến là của Thượng Đế, cũng có thể là Sư phụ tôi đang nói qua tôi, hay có thể đó là thiên thần được chỉ định cho trường hợp của tôi, hay đó cũng có thể là Bản Ngã Tối thượng của tôi, hay có thể đó thực ra lại chỉ là một ý niệm tiềm thức của tôi, được tôi bày vẽ ra để tự bảo vệ khỏi nỗi giày vò của chính mình. Thánh Teresa đã gọi những tiếng nói nội tâm thần thánh đó là “những cách phát biểu” – những từ ngữ siêu nhiên đi vào tâm thức một cách tự phát, được diễn dịch ra ngôn ngữ của chính ta và đem lại cho ta nguồn an ủi siêu phàm. Tôi biết rõ Freud có thẻ sẽ nói về những an ủi tinh thần đó ra sao, đương nhiên – là chúng vô lý và “không đáng để tin tưởng. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng thế giới này không phải là nhà trẻ.” Tôi đồng ý – thế giới không phải là một nhà trẻ. Nhưng chính vì thế giới đầy thử thách đến thế mà tại sao thật sự đôi khi ta phải vượt ra khỏi quyền hạn của nó để tìm giúp đỡ, khẩn khoản yêu cầu một uy quyền cao hơn để tìm thấy nguồn an ủi cho mình.
Trong thế giới đầu thử nghiệm tâm linh của mình, không phải lúc nào tôi cũng có đức tin như vậy vào tiếng nói nội tâm minh triết này. Tôi nhớ đã từng tìm cuốn sổ riêng trong sôi trào cuồng giận và buồn phiền cay đắng, rồi nguệch ngoạc một thông điệp cho giọng nói nội tâm của mình – cho niềm an ủi bên trong thiêng liêng của mình – bằng chữ in tràn một trang giấy:
“TA CÓC TIN NGƯƠI!!!!”
Một lát sau, vẫn còn thở khó nhọc, tôi đã cảm thấy một chấm sáng rõ ràng thắp lên trong mình, và rồi tôi tháy mình viết lời đáp buồn cười và hết-sức-bình-tĩnh:
Vậy thì ngươi đang nói chuyện với ai?
Từ đó tôi không còn hoài nghi sự tồn tại của giọng nói ấy nữa. Vậy nên đêm nay tôi lại tìm đến giọng nói ấy. Đây là lần đầu tiên tôi làm điều này từ khi đến Ý. Tối hôm ấy tôi viết trong nhật ký là tôi đang yếu đuối và đầy sợ hãi. Tôi phân trần là hai gã Trầm Cảm và Cô Đơn đã xuất hiện, và tôi sợ chúng sẽ không bao giờ bỏ đi. Tôi nói là tôi không muốn dùng thuốc nữa, nhưng tôi khiếp đảm rằng sẽ phải làm vậy. Tôi kinh hãi là tôi sẽ không bao giờ thật sự làm cuộc sống mình ổn định lại được nữa.
Để đáp lại, đâu đó từ trong tôi trỗi dậy một sự hiện diện giờ đã thân thuộc, đem lại cho tôi tất cả vững tâm tôi vẫn hằng ước một người khác sẽ nói với tôi khi tôi lo âu. Và tôi thấy mình viết cho chính mình trên mặt giấy thế này:
Ta đây. Ta thương yêu ngươi. Ta không cần biết ngươi có cần thức có cần thức và khóc cả đêm không, ta vẫn sẽ ở lại với ngươi. Nếu ngươi lại cần thuốc, cứ đến lấy mà dùng – ta cũng sẽ yêu thương ngươi kể cả điều đó. Nếu ngươi không cần thuốc, ta cũng sẽ yêu thương ngươi. Ngươi sẽ chẳng bao giờ làm điều gì có thể khiến người đánh mất tình yêu của ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi cho đến khi ngươi chết, và sau khi ngươi chết ta sẽ vẫn ở bên ngươi. Ta mạnh hơn Trầm Cảm, dũng mãnh hơn Cô Đơn và sẽ chẳng có gì có thể làm ta ngã gục.
Đêm nay, cử chỉ tình bạn bên trong lạ lùng này – cánh tay giúp đỡ từ tôi chìa ra cho tôi khi mà chẳng có ai xung quanh mang lại niềm an ủi – nhắc tôi về một cái gì đó đã từng xảy ra với mình ở thành phố New York. Một buổi chiều tôi vội vã bước vào một tòa nhà văn phòng, xông vào một thang máy đang chờ. Khi chen vào, tôi chợt thoáng thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong một tấm gương an ninh. Trong giây phút ấy não tôi làm một điều kỳ quặc – nó gửi cấp tốc một thông điệp trong chớp mắt thế này, “Ơ, mình biết cô ta! Đó là một người bạn của mình!” Và tôi quả đã chạy tới phản chiếu của mình với một nụ cười, sẵn sàng chào đón cô gái mình đã quên mất tên nhưng khuôn mặt thì rất thân quen ấy. Trong chớp mắt, dĩ nhiên, tôi nhận ra mình lầm và bối rối cười nhạo sự nhầm lẫn như con mèo nhầm chức năng của một cái gương. Nhưng vì lý do nào đó sự việc ấy lại hiện về trong tâm trí tôi khi tôi đang sầu muộn ở Roma, và tôi thấy mình viết nhắc nhở dỗ dành này ở cuối trang giấy:
Đừng bao giờ quên rằng ngày xửa ngày xưa ấy, trong một phút giây bất ngờ mình đã thừa nhận chính mình là một người bạn.
Tôi ngủ thiếp đi với cuốn sổ ghì trên ngực, mở lòng ra với sự trấn an gần nhất. Buổi sáng khi thức giấc, tôi vẫn còn ngửi thấy một thoảng khói thuốc phảng phất của gã Trầm Cảm còn rơi rớt lại, nhưng bản thân gã thì biến đâu mất. Đâu đó trong đêm, gã đứng lên và bỏ đi. Và tay bạn thân Cô Đơn của gã cũng cút đi.