Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 49

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Hồi tôi chín tuổi, sắp lên mười, tôi đã thật sự trải qua một cuộc khủng hoảng siêu hình. Có lẽ lứa tuổi đó còn quá sớm đối với một chuyện như vậy, nhưng tôi đã luôn là đứa trẻ sớm phát triển. Tất cả xảy ra vào mùa hè giữa lớp bốn và lớp năm. Tôi sắp lên mười tuổi vào tháng Bảy, và có gì đó trong sự chuyển tiếp từ chín lên mười – từ một chữ số lên hai chữ số – đã làm tôi thật sự bị sốc, một cơn hoảng loạn về tồn tại, thường thường vẫn dành cho những người bước sang tuổi năm mươi. Tôi nhớ đã nghĩ rằng cuộc đời lướt qua tôi nhanh quá. Có vẻ như mới hôm qua đây thôi tôi ở trường mẫu giáo, và giờ thì tôi đã sắp lên mười. Tôi sẽ sớm là một thiếu niên, rồi một trung niên, một người lớn tuổi, rồi chết. Và tất cả mọi người khác cũng già đi siêu tốc độ. Tất cả mọi người sẽ sớm chết đi. Bố mẹ tôi sẽ chết. Bạn bè tôi sẽ chết. Con mèo của tôi sẽ chết. Chị gái tôi đã gần vào trung học, tôi có thể nhớ dường như chỉ một giây phút trước đây thôi chị vào lớp một, mang đôi với dài tới đầu gối, mà giờ chị đã học trung học rồi ư? Rõ ràng sẽ không bao lâu nữa chị sẽ chết, mục đích của tất cả những chuyện này là gì?

Điều kỳ lạ nhất về cuộc khủng hoảng này là chẳng có gì cụ thể để khơi gợi nó cả. Không có bạn bè hay người thân chết để tôi lần đầu tiên nếm trải về chết chóc, tôi cũng không đọc hay thấy bất cứ điều gì đặc biệt về cái chết; tôi vẫn chưa đọc cuốn Charlotte’s Web 1. Nỗi hoảng sợ tôi cảm thấy ở tuổi lên mười này không gì hơn là một nhận thức tự phát và đầy đủ về bước đi không thể tránh khỏi của chết chóc, và tôi đã không có vốn từ tâm linh để giúp chính mình xoay xở. Chúng tôi là những tín đồ Tin lành, mà thậm chí còn không phải là những tín đồ sùng đạo. Chúng tôi chỉ đọc lời cầu nguyện trước bữa ăn tối Giáng sinh và lễ Tạ ơn và thảng hoặc mới đi lễ. Bố tôi chọn ở nhà vào các buổi sáng Chủ nhật, tìm thấy thực hành tín ngưỡng trong việc làm nông. Tôi hát trong dàn dồng ca vì tôi thích hát; cô chị xinh xắn của tôi là một thiên thần trong đám rước Giáng sinh. Mẹ tôi dùng nhà thờ như một tổng hành dinh để từ đó tổ chức các việc thiện với các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng. Nhưng ngay cả trong nhà thờ đó, tôi nhớ đã không có nhiều thảo luận về Thượng Đế. Dù sao, đây là New England, và từ Thượng Đế thường làm người Yankee bực dọc.

Cảm giác bất lực khiến tôi choáng ngợp. Điều tôi muốn làm là kéo một cái phanh khẩn cấp đồ sộ nào đó trên vũ trụ, như mấy cái phanh tôi thấy trên chiếc xe điện ngầm trong chuyến đi của toàn trường đến thành phố New York. Tôi muốn gọi một khoảng lặng, để yêu cầu mọi người DỪNG cho đến khi tôi có thể hiểu ra mọi chuyện. Tôi cho rằng cái thôi thúc buộc cả vũ trụ dừng trong đường đi của nó cho đến khi tôi hiểu thấu bản thân mình này, có lẽ là điểm khởi đầu của cái mà anh bạn thân Richard từ Texas của tôi gọi là “những vấn đề về kiểm soát” của tôi. Dĩ nhiên, những cố gắng và lo lắng của tôi là vô ích. Tôi càng nhìn thời gian nhiều hơn, nó càng quay nhanh hơn, và mùa hè đó trôi qua nhanh đến nỗi làm tim tôi đau nhói, tôi nhớ và cuối mỗi ngày tôi đã nghĩ, “Một ngày nữa lại trôi qua,” rồi òa lên khóc.

Tôi có một người bạn hồi học trung học giờ đang làm việc với người khuyết tật trí tuệ, anh ấy nói các bệnh nhân mắc chứng tự kỷ có một nhận thức đặc biệt thương tâm về thời gian trôi qua, như thể họ chưa bao giờ có tấm màng lọc tinh thần cho phép tất cả những người bình thường chúng ta thỉnh thoảng quên đi sự chết chóc và cứ sống. Một trong các bệnh nhân của Rob mỗi đầu ngày lại hỏi anh ngày tháng, và cuối mỗi ngày lại hỏi, “Rob – khi nào thì lại đến mùng bốn tháng Hai?” Và trước khi Rob có thể trả lời, gã lắc đầu buồn bã và nói, “Tôi biết, tôi biết, đừng bận tâm… phải đến sang năm, đúng không?”

Tôi biết cảm giác này thân thuộc với tôi lắm. Tôi biết nỗi khát khao u buồn làm chậm lại cái chấm hết của một ngày mồng bốn tháng Hai nữa. Nỗi buồn này là một trong những thử thách lớn lao trong thử nghiệm trên con người của tạo hóa. Như chúng ta đều biết, chúng ta là loài duy nhất trên hành tinh được trao món quà – hay có lẽ là tai họa – ý thức về sự chết chóc của chính mình. Tất cả mọi thứ ở đây cuối cùng rồi sẽ chết; chúng ta chỉ là những kẻ may mắn có thể nghĩ về thực tế này mỗi ngày. Ta sẽ đương đầu với thông tin này như thế nào? Lúc chín tuổi, tôi đã không thể làm gì khác ngoài khóc lóc. Về sau, qua nhiều năm, ý thức quá nhạy cảm của tôi về tốc độ thời gian dẫn tôi đến chỗ buộc mình nếm trải cuộc sống với một nhịp độ tối đa. Nếu tôi phải có một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến vậy trên trái đất, giờ tôi phải làm tất cả những gì có thể để trải nghiệm nó. Tất cả chu du, tất cả lãng mạn, tất cả tham vọng, tất cả mì ống là vì thế. Chị tôi có một người bạn vẫn tưởng Catherine có hai hay ba cô em gái, vì cô ấy luôn nghe chuyện về cô em gái ở châu Phi, cô em gái đang làm việc tại một nông trại ở Wyoming, cô em gái đang làm phục vụ quầy rượu ở New York, cô em gái đang viết sách, cô em gái đã lập gia đình – chắc chắn đây không thể cùng là một người? Thực vậy, nếu tôi có thể phân thân thành nhiều Liz Gilbert, tôi sẽ sẵn sàng làm vậy, để không bỏ lỡ một giây phút nào của cuộc sống. Tôi đang nói gì vậy? Tôi đã chẻ mình thành nhiều Liz Gilbert rồi, tất cả họ đều đồng loạt sụp xuống vì kiệt quệ trên sàn phòng tắm ở ngoại ô một đêm, đâu đó tuổi ngoài ba mươi.

Ở đây tôi phải nói là tôi biết không phải tất cả mọi người đều trải qua loại khủng hoảng siêu hình này. Một số người trong chúng ta được kiểm soát bằng mạch điện điện tử để khắc khoải về chết chóc, trong khi một số khác hoàn toàn có vẻ thoải mái hơn với tất cả điều này. Dĩ nhiên, ta gặp rất nhiều người thờ ơ trong thế giới này, nhưng ta cũng gặp những người dường như có thể khoan hòa chấp nhận các nguyên lý vận hành của vũ trụ và thật tình không có vẻ buồn phiền vì những nghịch lý và bất công của nó. Bà của một người bạn tôi từng bảo cô ấy, “Trên thế gian này chẳng có rắc rối trầm trọng nào mà không thể được chữa lành bằng một chầu tắm nước nóng, một ly whisky và quyển Sách Cầu nguyện Chung.” Với một số người, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Với những người khác, cần có những biện pháp quyết liệt hơn.

Và giờ tôi sẽ đề cập đến người bạn nông dân sản xuất bơ sữa từ Ireland của tôi – nhìn bề ngoài, anh là một tính cách khó có khả năng gặp nhất ở một Ashram Ấn Độ. Nhưng Sean là một trong những người giống tôi, sinh ra với một khao khát, một giận dữ và thôi thức không ngừng muốn hiểu được vận hành của tồn tại. Vì giáo xứ nhỏ bé của anh ở Quận Cork dường như không có bất kỳ câu trả lời nào trong những câu trả lời này, vào những năm 1980 anh rời nông trại để rong ruổi khắp Ấn Độ, tìm kiếm sự thanh thản nội tâm qua Yoga. Vài năm sau, anh trở về nông trại quê nhà ở Ireland. Anh ngồi ở bếp trong căn nhà bằng đá cũ với cha mình – một người suốt đời là nông dân và rất ít lời – và Sean kể cho cha về tất cả những khám phá tâm linh ở phương Đông kỳ lạ. Bố Sean lắng nghe không mấy quan tâm, nhìn ngọn lửa trong lò sưởi, hút tẩu thuốc. Ông chẳng nói gì cho đến khi Sean nói, “Bố à – chuyện thiền định này, nó là cái quyết định trong việc chỉ dạy sự thanh thản. Nó có thể thật sự cứu rỗi đời ta. Nó dạy ta an định tâm trí mình.”

Bố anh quay sang anh và ân cần nói, “Bố có một tâm trí tĩnh lặng rồi, con trai,” rồi tiếp tục đăm đăm nhìn ngọn lửa.

Nhưng tôi không có. Sean cũng không có. Nhiều người trong chúng ta không có. Nhiều người trong chúng ta nhìn vào ngọn lửa và chỉ thấy địa ngục. Tôi phải tích cực học cách làm cái mà bố Sean, hình như sinh ra đã biết – làm sao để, như Walt Whitman từng viết, “đứng tách riêng khỏi lôi và kéo… mà vui thú, mãn nguyện, bi mẫn, nhàn nhã, toàn vẹn… vừa ở trong và ở ngoài cuộc chơi, vừa ngắm nhìn và ngạc nhiên với tất cả.” Thế nhưng, thay vì vui thú, tôi chỉ bất an. Thay vì ngắm nhìn, tôi điều tra và can thiệp. Mới đây khi cầu nguyện tôi đã nói với Thượng Đế, “Người hãy nghe – tôi hiểu là một cuộc sống không suy xét thì chẳng đáng sống, nhưng ngài có nghĩ một ngày nào đó tôi có thể có một bữa ăn trưa mà không phải kiểm tra không?”

Truyền thuyết Phật giáo có một câu chuyện về những phút giây ngay sau khi Đức Phật đắc đạo. Đó là khi – sau ba mươi chín ngày tham thiền 2 – bức màn ảo giác cuối cùng rơi xuống và sự vận hành chân thật của vũ trụ tỏ lộ trước Đức Thế Tôn, người ta kể lại ngài đã mở mắt và nói ngay lập tức, “Điều này không thể giáo huấn.” Nhưng rồi cuối cùng, ngài đổi ý, quyết định là ngài sẽ nhập thế, và thử dạy hành thiền cho một nhóm nhỏ đệ tử. Ngài biết rằng chỉ có một phần trăm nhỏ nhoi số người sẽ được lợi lạc từ (hay có quan tâm) giáo huấn của ngài. Đa số nhân loại, ngài nói, có con mắt bị bụi mê lầm che phủ đến nỗi họ sẽ không bao giờ nhìn thấy chân lý, bất luận ai cố gắng giúp họ. Một số ít người khác (như bố của Sean, có lẽ) đã có con mắt sáng rõ và thanh thản tự nhiên đến nỗi họ không cần hướng dẫn hay trợ giúp nào cả. Nhưng rồi cũng có những người mà mắt họ chỉ phần nào bị bụi bặm che phủ, và những người này có thể, với sự giúp đỡ của những bậc chân sư, được giáo huấn để rồi đây sẽ thấy được rõ ràng hơn. Đức Phật đã quyết định ngài sẽ trở thành một người thầy vì lợi ích của thiểu số đó – “cho những người chỉ bị ít bụi che mắt.”

Tôi tha thiết mong mình là một trong số những người bị bụi bít kín mắt ở mức vừa phải đó, nhưng tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết là mình đã bị hoàn cảnh dồn vào thế phải tìm ra thanh thản nội tâm với những phương pháp có thể có vẻ hơi quyết liệt trong mắt mọi người. (Ví dụ, lúc còn ở New York, khi tôi bảo một người bạn của mình là tôi sắp đi Ấn Độ để sống trong một Ashram và tìm kiếm sự thiêng liêng, anh ấy thở dài rồi nói, “Ôi chao, một phần trong tôi khát khao gì điều đó.”) Dù sao, tôi không biết rằng mình có nhiều chọn lựa. Tôi đã điên cuồng tìm kiếm sự mãn nguyện trong rất nhiều năm bằng rất nhiều cách, và tất cả những sở đắc và thành tựu này – cuối cùng chúng làm ta kiệt sức. Cuộc sống – nếu ta cứ đuổi theo nó quá, nó sẽ chi phối ta tới tận khi chết. Thời gian – khi bị săn đuổi như một tên cướp – sẽ xử sự như tên cướp; luôn ở một thành phố hay một căn phòng phía trước ta, thay đổi tên và màu tóc để lẩn tránh ta, lẻn ra cửa sau nhà trọ vừa khi ta nện gót giày dọc hành lang với cái lệnh khám xét mới nhất của ta, chỉ để lại một điếu thuốc cháy dở trong cái gạt tàn để trêu chọc ta. Một lúc nào đó ta phải dừng thôi vì sẽ không thể. Ta phải thú nhận là ta không thể tóm nó. Rằng ta lẽ ra không nên tóm nó. Một lúc nào đó, như Richard vẫn nói với tôi, ta sẽ phải buông ra, phải ngồi yên để sự mãn nguyện đến với ta.

Buông ra, tất nhiên, là một sự táo bạo đáng sợ đối với những ai tin rằng thế giới đang xoay chỉ vì nó có một cái tay quay trên đầu mà ta có thể tự mình vặn, và rằng nếu chúng ta đánh rơi cái tay quay này dù chỉ một giây phút, thì ôi thôi – đó sẽ là ngày tận thế của vũ trụ. Nhưng cứ thử thả nó ra, Hàng Tạp Hóa à. Đây là thông điệp tôi đang nhận. Giờ thì ngồi yên tĩnh và dừng sự tham gia không ngừng nghỉ của ta lại. Nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Suy cho cùng, chim chóc sẽ chẳng đâm sầm từ trên trời xuống chết giữa đường bay. Cây cối sẽ không khô héo rồi chết, những dòng sông không chảy máu đỏ ngầu. Cuộc sống tiếp diễn. Ngay cả khi bưu điện Ý cứ rề rề làm việc của nó mà không có ta – tại sao ta cứ quá xác quyết rằng sự quản lý vi mô của ta đối với mỗi giây phút trong toàn thể thế giới này là thiết yếu đến thế? Tại sao ta không để mặc nó?

Tôi đã nghe thấy lập luận này và thấy lôi cuốn. Lý trí tôi tin điều này. Tôi thật sự tin. Nhưng rồi tôi tự hỏi – với tất cả khát khao không nguôi của mình, với tất cả nhiệt tình kích động của mình và với bản chất đói khát ngu ngốc này của mình – thay vì thế, mình phải làm gì đây với năng lượng của mình?

Câu trả lời ấy vẫn thường đến:

Tìm kiếm Thượng Đế, Sư phụ tôi khuyên. Hãy tìm kiếm Thượng Đế như một người đàn ông với cái đầu bốc cháy tìm nước.

— —— —— —— ——-

1 Đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề Charlotte và Wibur.

2 Bốn mươi chín ngày. Có lẽ ở đây tác giả nhầm.

Bình luận
× sticky