Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 3

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Bấy giờ, đó là lần đầu tiên đối với tôi. Và vì đây là lần đầu tiên tôi đưa từ gay go ấy – THƯỢNG ĐẾ – vào quyển sách của mình, và vì đây là từ sẽ xuất hiện lặp lại nhiều lần trong suốt các trang sách này, có lẽ là đúng đắn nếu tôi dừng ở đây giây lát nhằm giải thích chính xác ngụ ý của mình khi dùng từ này, để mọi người có thể quyết định ngay mình có cần cảm thấy khó chịu thế không.

Để dành tranh luận liệu Thượng Đế có tồn tại hay không về sau (mà không, tôi có một ý kiến hay hơn: ta hãy bỏ qua luôn tranh luận đó), cho phép tôi trước tiên giải thích tại sao tôi dùng từ Thượng Đế khi có thể chỉ đơn giản dùng các từ như Jehovah, Allah, Shiva, Brahma, Vishnu hay Zeus. Hoặc giả, tôi có thể gọi Thượng Đế là “Đó” là cách gọi của kinh Phạn cổ mà tôi cho là sát với thực thể bao trùm vạn vật và không thể gọi tên từng được tôi đôi lần chứng nghiệm. Nhưng tôi cảm thấy từ “Đó” có vẻ phi nhân cách – một vật, không phải một sinh thể – và bản thân tôi không thể cầu nguyện với một Đó. Tôi cần một cái tên riêng, để cảm nhận trọn vẹn một sự hiện diện cá nhân. Cũng vì lý do này, khi cầu nguyện, tôi không hướng lời nguyện cầu đến Vũ Trụ, Đại Không, Sức Mạnh, Bản Thể Tối Thượng, Toàn Thể Tính, Đấng Sáng Tạo, Ánh Sáng, Quyền Năng Cao Cả, hay ngay cả lối biểu thị tên gọi Thượng Đế nên thơ nhất, tôi tin là từ sách Phúc âm phái Ngộ đạo, “Bóng của Vần Xoay”.

Tôi chẳng chống đối bất cứ thuật ngữ nào trong những thuật ngữ này cả. Tôi cảm thấy chúng như nhau vì chúng đều là những miêu tả tương xứng và không tương xứng như nhau về cái không thể tả được. Nhưng mỗi người chúng ta cần một cái tên thiết thực cho cái không thể tả được đó, và “Thượng Đế” là cái tên với tôi có vẻ ấm áp nhất, vậy nên tôi dùng từ này. Tôi cũng nên thú nhận là tôi thường nghĩ Thượng Đế là “Ông” mà không áy náy vì theo tôi, đó chỉ là một đại từ cá nhân hóa tiện dụng, không phải một miêu tả cơ thể học chính xác hay một động cơ cách mạng. Tất nhiên, tôi không phiền nếu mọi người gọi Thượng Đế là “Bà”, và tôi hiểu sự thôi thúc khi người ta làm vậy. Lần nữa, với tôi, những từ này ngang bằng nhau, tương xứng và bất xứng như nhau. Tuy nhiên tôi thực sự cho rằng viết hoa bất kỳ đại từ nào cũng đều là một nét hoa mỹ, một sự lễ phép nho nhỏ với sự hiện diện của thiêng liêng.

Về mặt văn hóa, dù không phải thần học, tôi là một tín đồ đạo Cơ đốc. Tôi xuất thân là một người da trắng Anglo-Saxon theo đạo Tin lành. Và trong khi vẫn yêu kính vị thầy vĩ đại của hòa bình là Jesus, trong khi vẫn bảo lưu quyền tự hỏi trong những tình huống thử thách rằng quả thực Ông có thể làm gì, tôi không thể chấp nhận cái nguyên tắc bất di bất dịch của đạo Cơ đốc cứ khăng khăng Chúa là con đường duy nhất đến với Thượng Đế. Vậy thì, nói đúng ra, tôi không thể nhận mình là tín đồ Cơ đốc. Hầu hết những tín đồ Cơ đốc tôi biết đều chấp nhận những cảm nhận của tôi về điều này với lòng khoan dung và đầu óc cởi mở. Nhưng ngược lại, hầu hết tín đồ Cơ đốc tôi biết không phân định khắt khe. Đối với những người phân định (và nghĩ) khắt khe, tất cả những gì tôi có thể làm ở đây là xin lỗi nếu có gì xúc phạm và giờ thì xin cáo lui khỏi công việc của họ.

Theo truyền thống, tôi hưởng ứng những nhà thần học siêu việt của tất cả mọi tôn giáo. Tôi đã luôn hưởng ứng với niềm phấn khích đến nghẹt thở bất kỳ ai nói rằng Thượng Đế không ở trong kinh sách giáo điều hay ngự trên một ngai vững cách biệt trên trời mà thật ra ở rất gần chúng ta – gần hơn chúng ta tưởng rất nhiều, hít thở ngay qua chính tim của chúng ta. Tôi hưởng ứng với lòng biết ơn bất kỳ ai đã từng du hành đến tận tâm của trái tim ấy, và rồi trở lại thế gian cho tất cả những người còn lại chúng ta biết, Thượng Đế là một chứng nghiệm tình yêu cao cả. Mọi truyền thống tôn giáo trên trái đất đều luôn có những vị thánh thần bí và những con người siêu việt truyền đạt lại chính xác chứng nghiệm này. Rủi thay là nhiều người trong số họ cuối cùng đã bị bắt và bị giết. Dù vậy, tôi vẫn đánh giá rất cao về họ.

Cuối cùng, điều tôi dần dần tin về Thượng Đế rất đơn giản. Nó như thế này – tôi từng nuôi một con chó rất tuyệt vời. Nó vốn đến từ nơi nhốt chó, mèo lạc. Con chó ấy là sự pha trộn của hoảng mười giống khác nhau, nhưng dường như nó thừa hưởng những ưu điểm trội nhất của tất cả các giống ấy. Bộ lông của nó màu nâu. Khi mọi người hỏi, “Nó là chó gì vậy?” tôi luôn trả lời cùng một câu, “Nó là con chó màu nâu.” Tương tự, với câu hỏi đặt ra, “Cô tin vào Thượng Đế nào?”, câu trả lời của tôi rất đơn giản, “Tôi tin vào Thượng Đế cao cả.”

Bình luận