Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 82

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Về vợ của Ketut, phải mất một thời gian tôi mới hòa giải được với bà. Nyomo, như ông gọi bà, là một người to lớn mập mạp và bị chứng cứng liền khớp, răng nhuốm đỏ vì nhai trầu. Mấy ngón chân bà co quắp đau đớn vì chứng viêm khớp. Bà có một cặp mắt sắc sảo. Tôi thấy bà đáng sợ ngay từ lúc mới gặp. Bà có thần thái của một bà già ác liệt đôi khi ta thấy ở những góa phụ Ý và những bà mẹ da đen đi lễ nghiêm cẩn. Ba trông như sẽ phết mông ta vì một biểu hiện hạnh kiểm xấu nhỏ nhặt nhất. Rõ ràng ban đầu bà nghi ngờ tôi – cái con hạc thơ thẩn khắp nhà ta mỗi ngày này là ai vậy? Bà thường nhìn tôi chằm chằm từ bóng tối đầy mồ hóng trong bếp, băn khoăn về cái quyền hiện diện của tôi. Tôi thường mỉm cười với bà còn bà vẫn cứ nhìn chằm chằm, cân nhắc xem có nên dùng chổi đuổi tôi ra hay không.

Nhưng rồi có gì đó đã thay đổi. Đó là sau toàn bộ sự việc photocopy.

Ketut Liyer có cả đống sổ có kẻ hàng cũ và sổ cái, đầy những chữ viết tay nhỏ chi chít về các bí quyết chữa bệnh bằng tiếng Phạn-Bali cổ. Ông đã chép những ghi chú này vào những cuốn sổ đó từ những năm 1940 hay 1950, một lúc nào đó sau khi người ông mất, để ông có thể có tất cả những thông tin y học đã được ghi chép. Những thứ này còn hơn cả vô giá. Có những chương dữ liệu về những cây lá và cỏ quý hiếm với các dược tính của chúng. Ông có khoảng sáu mươi trang sơ đồ tướng tay, và nhiều sổ tay nữa đầy dữ liệu tử vi, chú, bùa và cách chữa bệnh. Vấn đề duy nhất là, những sổ tay này đã trải qua hàng chục năm mốc meo và chuột bọ, chúng gần như vụn thành từng mảnh. Vàng ố, bở ra và mốc meo, chúng trông như những đống lá mùa thu rã nát. Mỗi khi lật một trang là ông làm rách toạc trang đó.

“Ketut,” tuần trước tôi nói với ông, giơ lên một trong những cuốn sổ nát của ông, “Tôi không phải là một bác sĩ như ông, nhưng tôi nghĩ cuốn sổ này đang hấp hối.”

Ông cười, “Cô nghĩ nó đang hấp hối à?”

“Thưa ngài,” tôi nói một cách nghiêm trọng, “đây là ý kiến nghề nghiệp của tôi – nếu cuốn sách này không được giúp đỡ sớm, nó sẽ chết trong vòng sáu tháng tới.”

Rồi tôi hỏi ông tôi có thể lấy cuốn sổ vào thị trấn và sao chụp lại trước khi nó chết không. Tôi phải giải thích sao chụp nghĩa là thế nào, và hứa là tôi sẽ chỉ giữ cuốn sổ trong hai mươi bốn giờ và rằng tôi sẽ không làm gì hư hại đến nó. Cuối cùng, ông đồng ý để tôi mang nó ra khỏi khuôn viên cái hiên cùng với cam kết nhiệt tình nhất của tôi là tôi sẽ cẩn trọng với vốn tri thức uyên thâm của người ông của ông. Tôi đạp xe vào thị trấn đến một cửa hàng có máy tính kết nối Internet và máy photo, tôi rón rén sao chụp mỗi trang làm ba bản, rồi cho đóng những trang photo mới và sạch trong một cái bìa nhựa đẹp đẽ. Ngày hôm sau trước buổi trưa tôi mang các bản cũ và mới của cuốn sách lại. Ketut sững sờ và thích thú. Ông rất hạnh phúc vì đã có cuốn sổ đó, ông nói, trong năm mươi năm. Điều đó có nghĩa đúng là “năm mươi năm” hay có khi chỉ là “một thời gian thật sự dài”.

Tôi hỏi tôi có thể sao chụp những cuốn sổ còn lại của ông không, để bảo quản an toàn những thông tin đó nữa. Ông giơ ra một tài liệu hấp hối, mềm rũ, rách nát đầy chữ Phạn Bali và các bức phác họa rối rắm.

“Một bệnh nhân nữa!” ông nói.

“Để tôi chữa cho!” tôi đáp.

Đây là một thành công lớn nữa. Đến cuối tuần, tôi đã sao chụp được một vài bản thảo cũ. Mỗi ngày, Ketut gọi vợ đến cho bà ấy xem các bản sao mới, và ông quá sức vui mừng. Vẻ mặt bà không hề thay đổi, nhưng bà xem xét những bằng chứng ấy thật kỹ lưỡng.

Và khi tôi đến thăm vào hôm thứ Hai sau, Nyomo mang đến cho tôi một suất cà phê nóng, dọn trong một cái bình thủy tinh. Tôi nhìn bà mang thứ đồ uống đó trên một cái đĩa sứ qua sân, ì ạch chậm chạp trên một hành trình dài từ bếp sang hiên Ketut. Tôi tưởng cà phê là làm cho Ketut, nhưng, không – ông đã có cà phê của mình rồi. Đây là dành cho tôi. Bà đã pha nó cho tôi. Tôi cố cám ơn bà nhưng bà có vẻ khó chịu vì lời cảm ơn của tôi, gần như xua tôi đi như xua con gà trống cứ cố đậu trên bàn bếp ngoài trời của bà khi bà chuẩn bị bữa trưa. Nhưng ngày hôm sau bà lại mang cho tôi một ly cà phê và một chén đường bên cạnh. Và ngày tới nữa là một ly cà phê, một chén đường và một phần khoai tây luộc nguội. Mỗi ngày trong tuần đó, bà lại thêm vào một món thết đãi mới. Chuyện này bắt đầu giống như một trò chơi chuyến xe chữ cái luyện trí nhớ của trẻ con, “Ta đang đến nhà Bà, và ta đang mang một trái táo… Ta đang đến nhà Bà, và ta đang mang một trái táo và một trái banh… Ta đang đến nhà Bà, và ta đang mang một trái táo, một trái banh, một tách thủy tinh cà phê, một chén đường và một phần khoai tây nguội…”

Thế rồi, hôm qua, khi tôi đang đứng trong sân, nói lời từ biệt Ketut, Nyomo cầm cái chổi lê bước ngang qua, quét và vờ như không chú ý đến mọi chuyện đang diễn ra trong tầm kiểm soát hoàn toàn của mình. Tôi đan hai tay sau lưng khi đang đứng đó, và bà đến sau lưng tôi, nắm một tay tôi trong tay bà. Bà lần mò khắp bàn tay tôi như bà đang cố lần tìm dãy chữ số trên một cái khóa và lần ra ngón tay trỏ của tôi. Rồi bà nắm cả bàn tay to, nặng của mình quanh ngón tay ấy và siết thật chặt, thật lâu. Tôi có thể cảm thấy tình thương của bà rung động xuyên qua cái nắm tay mạnh mẽ của bà, truyền thẳng vào cánh tay tôi và lan đến tận bụng. Rồi bà thả tay tôi và bỏ đi, những bước chân nặng nề vì chứng viêm khớp, không nói một lời, tiếp tục quét như thể không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó tôi đứng đấy âm thầm chết đuối trong hai dòng sông hạnh phúc cùng một lúc.

Bình luận