Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 4

Tác giả: David Benioff

“Mũi To. Tôi thích cái tên đó. Cha cậu là ai vậy, Mũi To?”

“Anh không biết ông ấy đâu.”

“Ông ấy mà là một nhà thơ có tác phẩm đã xuất bản thì kiểu gì tôi cũng biết.”

“Đừng nhắc đến chuyện đó nữa.”

“Cậu là người khó tính phết nhỉ?”

Bọn ta lại đi qua cầu Kamennoostrovsky, lần này là đi bộ. Kolya dừng lại ở giữa cầu, hai bàn tay đi găng đặt trên thành cầu, nhìn xuống dòng sông về phía dinh thự Dolgorukov. Con gái viên đại tá không còn trượt vẽ hình nữa, nhưng Kolya mặc kệ cứ đứng nhìn một lúc, hy vọng có màn biểu diễn lại.

“Cô ấy đã mỉm cười với tôi,” anh ta nói.

“Cô ấy không hề cười với anh. Anh đang nói chuyện gì vậy? Cô ấy thậm chí còn không nhìn chúng ta nữa.”

“Có lẽ cậu đang ghen thôi, bạn của tôi, nhưng chắc chắn là cô ấy đã cười với tôi. Tôi nghĩ tôi đã từng gặp cô ấy rồi, ở trường đại học. Tôi nổi tiếng lắm.”

“Với tư cách là kẻ đào ngũ à?”

Kolya quay người lại khỏi thành cầu và gườm gườm nhìn ta. “Tôi sẽ nện gãy răng cậu nếu cậu còn gọi tôi là kẻ đào ngũ lần nữa.”

“Tôi sẽ cắm con dao vào mắt anh nếu anh định làm thế.”

Kolya nghĩ ngợi một lúc rồi quay lại với khung cảnh dòng sông.

“Tôi sẽ ập vào cậu trước khi cậu kịp rút dao ra. Lúc cần là tôi nhanh cực luôn.”

Ta đã định rút dao ra ngay lúc đó, chỉ để chứng tỏ là anh ta đã nhầm, nhưng anh ta không có vẻ gì là vẫn đang tức giận còn ta thì muốn đi tiếp.

Bọn ta băng qua cầu, về lại đất liền, và hướng về phía Nam theo đường Pesochnaya, dòng sông ở phía tay phải bọn ta, đường ray han gỉ của tuyến đường sắt Phần Lan ở bên trái. Không có đoàn tàu nào chạy từ tháng Chín, khi bọn Đức bao vây thành phố và cắt đứt mọi tuyến đường Phần Lan, Moscow, Vitebsk, Warsaw, Baltic tất cả bị cắt đứt và vô dụng. Giờ đây sự kết nối duy nhất của thành phố với phần còn lại của nước Nga là đường hàng không, mà rất ít máy bay có thể lọt qua được sự tuần tra của Luftwaffe.

“Tất nhiên là chúng ta có thể bỏ trốn. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu không có tem phiếu.” Anh ta ngẫm nghĩ vấn đề. “Đám NKVD thì không đáng lo lắm. Trong quân đội người ta bảo bọn cảnh sát có vào nhà thổ cũng không tìm được ả điếm nào. Nhưng không có sổ tem phiếu thì… gay go phết.”

“Chúng ta phải tìm được trứng,” ta bảo anh ta. Bọn ta đang được bước đi trong ánh mặt trời và hít thở không khí là nhờ lệnh của viên đại tá; nếu cái giá phải trả cho sự phóng thích này là một tá trứng thì bọn ta sẽ tìm bằng được cái tá trứng khốn kiếp ấy. Không có chỗ cho sự mặc cả hay xoay xở.

“Tìm được trứng là kết quả tốt nhất, tôi đồng ý. Không có nghĩa là tôi không được cân nhắc các lựa chọn của mình. Có thể trong thành phố chẳng còn quả trứng nào cả. Thế thì sao đây? Cậu vẫn còn gia đình ở Piter chứ?”

“Không.”

“Tôi cũng không. Thế lại hay đấy. Chỉ phải lo cho thân mình thôi.”

Những tấm biển được dán lên tường các gian nhà kho cháy nham nhở. ĐỒNG CHÍ ĐÃ GIA NHẬP LỰC LƯỢNG NHÂN DÂN TÌNH NGUYỆN CHƯA? Không có tòa nhà dân sinh nào ở khu vực này và đường phố vắng tanh, không một ai khác đi lại dưới bầu trời nhợt nhạt. Bọn ta chẳng khác gì hai người cuối cùng sống sót sau cuộc chiến, hai người bảo vệ cuối cùng của thành phố, chỉ có con dao ăn cắp của ta và những nắm đấm được khoe là nhanh nhẹn của Kolya để đẩy lùi quân phát xít.

“Khu Chợ Giời là cơ hội tốt nhất của chúng ta,” Kolya nói. “Cách đây mấy tháng tôi đã ở đó. Người ta vẫn có bơ và pho mát, ít trứng cá, biết đâu.”

“Thế tại sao người của đại tá lại không tìm được quả trứng nào?”

“Đó là chợ đen mà. Một nửa hàng ở đó là đồ ăn cắp. Ở đó cậu thấy người ta đổi chác sổ tem phiếu, tất cả các loại phạm pháp. Họ sẽ không bán cho bất kỳ ai mặc quân phục, nhất là quân phục của NK.”

Đó có vẻ là một lập luận hợp lý. Kolya huýt sáo một bài hát không ra âm điệu nào đó anh ta tự nghĩ ra và bọn ta bước theo hướng Nam về phía Chợ Giời. Mọi việc đang khá khẩm hơn. Án hành quyết không còn ngay trước mặt. Ta có nhiều thức ăn trong dạ dày hơn những gì ta đã có suốt mấy tuần, và món nước trà đen đậm đặc khiến người ta thêm hăng hái. Hai chân ta có cảm giác đủ mạnh mẽ để đưa ta đến bất kỳ đâu ta cần đến. Ai đó, ở đâu đó, có một tá trứng, và sớm muộn bọn ta sẽ tìm ra chúng. Còn trong lúc này ta sung sướng tưởng tượng ra cảnh con gái viên đại tá đang khỏa thân trượt băng trên sông Neva, cặp mông trắng mịn của cô ta lấp lánh trong nắng.

Kolya đập vào lưng ta và trao cho ta một nụ cười nhăn nhở đầy dâm đãng như thể anh ta đã nhìn thấu cái hộp sọ bằng thủy tinh của ta vậy.

“Một cô em quá đỉnh nhỉ? Cậu có muốn làm thử một nhát không?”

Ta không nói gì, nhưng Kolya có vẻ quá dạn dày kinh nghiệm tiếp tục những cuộc trò chuyện một chiều.

“Bí quyết để chinh phục phụ nữ là phớt lờ có toan tính.”

“Gì cơ?”

“Ushakovo. Đó là một dòng trong Con chó săn trong sân. Ồ chờ chút, cậu chưa bao giờ đọc Con chó săn trong sân mà.” Kolya thở dài, chán nản vì sự dốt đặc của ta. “Cha cậu là một thành viên trong giới văn chương, vậy mà ông ấy lại để cậu mù chữ. Kể cũng hơi buồn.”

“Tại sao anh không câm mồm lại đừng có nhắc đến cha tôi?”

“Radchenko, nhân vật chính, là một người tình tuyệt vời. Người ta từ khắp Moscow tìm đến để xin lời khuyên của chàng ta về tán tỉnh. Chàng không bao giờ rời khỏi giường, chàng chỉ nằm đó, uống trà…”

“Giống Oblomov.”

“Không hề giống Oblomov! Tại sao mọi người lúc nào cũng nói ‘Giống Oblomov’ vậy nhỉ?”

“Bởi vì nghe đúng là giống hệt Oblomov mà.”

Kolya dừng bước và nhìn xuống ta. Anh ta cao hơn cả một cái đầu và vai rộng gấp đôi, và anh ta lừng lững trước mặt ta lúc này, ánh mắt đầy đe dọa.

“Tất cả mọi thằng ngốc học đại học đều biết rằng Goncharov không bằng một nửa Ushakovo trên cương vị nhà văn. Oblomov chẳng là gì hết. Oblomov chỉ là một bài học luân lý cho giới tư sản, một thứ vớ vẩn người ta bắt bọn trẻ đọc để chúng lớn lên không lười nhác. Còn đây nhé, Radchenko – Radchenko là một trong những người hùng vĩ đại của thứ tiếng này. Chàng ta và Raskolnikov và Bezukhov cùng với… tôi không biết nữa, có thể là Chichikov.”

“Anh đang phun nước bọt vào tôi đấy.”

“Hừm, cậu bị phun nước bọt là đáng lắm.”

Ta tiếp tục bước về phía Nam còn Kolya, dù rất tức giận, chẳng mấy chốc cũng sải bước theo. Số phận đã xô đẩy bọn ta lại với nhau, điều đó dường như không thể bàn cãi gì được nữa. Từ lúc đó đến thứ Năm, bọn ta là một cặp vợ chồng.

Bên kia mặt băng phủ tuyết trên sông Neva bức tượng thiên thần vàng vẫn ngự trên đỉnh chóp mạ vàng của Thánh đường Peter và Paul cho dù người ta kể là quân Đức đã hứa hẹn trao Huân chương Chữ thập Sắt cho tay pháo binh nào bắn rụng được nó. Kolya hất hàm ra hiệu về mạn Petrograd.

“Tôi đang đóng quân trong pháo đài khi vườn thú bị ném bom.”

“Tôi nghe kể là lũ khỉ đầu chó chạy quanh thành phố, và một con hổ Siberia…”

“Đó chỉ là chuyện cổ tích thôi,” anh ta nói. “Không con nào thoát ra được.”

“Biết đâu một vài con ra được. Làm sao mà anh biết?”

“Không con nào thoát ra được hết. Nếu cậu muốn tự huyễn hoặc bằng thứ gì đó ngọt ngào để giúp cậu ngủ được, xin cứ việc, nhưng đó là một lời dối trá.” Anh ta nhổ nước bọt xuống đất. “Bọn Đức đốt trụi toàn bộ chỗ đó. Con voi Betty… Tôi yêu con voi đó. Hồi còn bé bao giờ tôi cũng đi ngắm nhìn nó. Cái cách nó tắm rửa, lấy vòi hút nước và tự phun lên thân mình… Nó thật duyên dáng. Cậu sẽ không cho là thế đâu, nó to khủng khiếp luôn, nhưng đúng thế đấy.”

“Nó chết rồi à?”

“Thế tôi vừa nói gì với cậu hả? Tất cả chúng đều chết hết. Tuy nhiên Betty thì phải nhiều giờ sau. Cái kiểu rên rỉ của nó… Tôi đang gác và tất cả những gì tôi muốn làm là chạy tới bắn vào tim nó. Chấm dứt phăng đi. Cậu sẽ không bao giờ muốn nghe tiếng một con voi hấp hối đâu.”

Phải mất một chặng cuốc bộ dài mới đến được Chợ Giời, có khi phải sáu cây số, qua cầu Liteiny, qua Vườn Mùa hè nơi những cây du và sồi đã bị đốn hạ bằng rìu, qua Nhà thờ Thượng Huyết, với mặt tiền là những mảnh ghép pháp lam cùng các mái vòm hình củ hành vươn cao, được xây chính tại nơi Hryniewiecki đã cho nổ banh xác chính mình và Nga hoàng. Bọn ta càng bước xa về phía Nam, đường phố càng thêm đông đúc; mọi người đều lèn chặt ba lớp áo, cúi rạp mình vào gió mà bước, khuôn mặt họ nhăn nhúm, thảm hại và xanh rớt vì thiếu sắt. Trên Nevsky Prospekt tất cả các cửa hàng đã đóng cửa từ mấy tháng nay. Bọn ta nhìn thấy hai người phụ nữ tầm hơn sáu mươi tuổi đang bước sát bên nhau, vai chạm vai, mắt dán trên vỉa hè cảnh giác với mảng băng trơn có thể giết họ. Một người đàn ông với bộ ria mép hải mã hoành tráng xách một cái xô trắng đựng đầy đinh màu đen. Một thằng bé, không quá mười hai tuổi, nắm dây thừng kéo một chiếc xe trượt. Một thân hình nhỏ quấn trong chăn nằm trên cái xe trượt, một bàn chân nhợt nhạt kéo lê trên mặt tuyết đông cứng. Các ụ bê tông răng rồng rải đầy trên phố, chúng là những khối bê tông chịu lực được xếp thành hàng để ngăn chặn bước tiến của xe tăng địch. Một thông báo in trên bức tường viết CẢNH BÁO! PHÍA BÊN NÀY PHỐ LÀ NƠI NGUY HIỂM NHẤT TRONG THỜI GIAN NÉM BOM.

Đại lộ Nevsky trước chiến tranh là trái tim của thành phố, được xây để sánh vai cùng những đại lộ lộng lẫy của London và Paris, những ki ốt trên vỉa hè bày bán hoa anh đào và sô cô la, những người đàn ông lớn tuổi đeo tạp dề đứng sau quầy ở của hàng Eliseyev thái cá tầm và cá than hun khói, tháp đồng hồ của tòa thị chính vươn cao lên trên tất thảy mọi ồn ào, cho mọi người biết họ đã bị muộn bất kể là có đi đâu chăng nữa. Những chiếc Packard đen vụt qua, nhấn còi inh ỏi, chở các đảng viên từ cuộc họp này sang hội nghị khác. Ngay cả khi cháu chẳng có tiền để mua thứ gì và chẳng có chỗ nào quan trọng để đi thì Nevsky vẫn luôn là một chốn tuyệt vời để dạo bước. Vào tháng Sáu mặt trời mãi đến tận nửa đêm mới lặn và không ai muốn bỏ phí ánh sáng. Cháu có thể ngắm nhìn những cô gái xinh đẹp nhất Piter đang chằm chằm nhìn qua cửa sổ sáng trưng của những cửa hàng lộng lẫy, săm soi những chiếc váy mới nhất đang bày bán, nghiên cứu đường cắt để họ có thể tự may chiếc váy ở nhà nếu họ xoay xở xoáy đủ vật liệu ở chỗ làm. Ngay cả khi cháu chẳng bao giờ nói gì với những cô gái đó, ngay cả khi cháu bao giờ cũng ngắm nhìn từ xa…

“Cậu là trai tân, đúng không,” Kolya nói, cắt đứt dòng suy nghĩ của ta đúng lúc một cách ma mị khiến ta giật mình.

“Tôi á?” ta hỏi, ngơ ngẩn. “Anh đang nói cái gì vậy?”

“Tôi đang nói về sự thật là cậu chưa bao giờ quan hệ với cô gái nào.”

Nhiều khi ta biết có nói dối cũng chẳng để làm gì; trò chơi đã kết thúc trước khi nó bắt đầu.

“Anh quan tâm làm gì?”

“Nghe này, Lev, giả sử chúng ta cố gắng làm bạn thì sao nào? Cậu nghĩ thế nào về điều đó? Đằng nào chúng ta cũng sẽ đi cùng nhau đến khi nào tìm được chỗ trứng đó, nên thôi thì cứ cố mà hòa thuận nhỉ? Thế này nhé, cậu có vẻ là một anh chàng thú vị, hơi cộc cằn, hơi cáu bẳn theo kiểu Do Thái, nhưng tôi thích cậu. Và nếu cậu không phải lúc nào cũng ương bướng bỏ mẹ kiểu đấy thì có khi tôi có thể dạy dỗ cậu chút gì đó.”

“Về gái gú à?”

“Về gái gú, đúng thế. Về văn chương. Về cờ vua.”

“Anh bao nhiêu tuổi, mười chín à? Làm sao mà lúc nào anh cũng làm như thể anh là chuyên gia về tất cả mọi thứ vậy?”

“Tôi hai mươi tuổi. Và tôi không phải là chuyên gia về tất cả mọi thứ. Chỉ có gái gú, văn chương và cờ vua.”

“Tất cả đấy.”

“Ừm. Và khiêu vũ nữa. Tôi khiêu vũ đỉnh luôn.”

“Anh muốn đặt cược gì cho một ván cờ nào?”

Kolya liếc nhìn ta và mỉm cười. Anh ta thở ra, hơi thở của anh ta bốc thành khói trên đầu.

“Tôi sẽ lấy con dao Đức đó của cậu.”

“Vậy tôi sẽ được cái gì?”

“Cậu sẽ không được gì hết. Cậu sẽ không thắng được.”

“Nhưng cứ cho là tôi thắng đi.”

“Tôi còn chắc khoảng một trăm gam xúc xích loại đó…”

“Một trăm gam xúc xích đổi lấy một con dao Đức? Tôi không nghĩ thế.”

“Tôi có mấy bức ảnh…”

“Ảnh kiểu gì.”

“Ảnh các cô nàng. Gái Pháp. Cậu sẽ học được những thứ cậu cần phải học.” Ảnh những cô nàng Pháp nghe có vẻ là một phần thưởng đáng để chơi. Ta không lo chuyện thua mất con dao. Có nhiều người ở Piter có thể thắng ta về cờ vua, nhưng ta biết hết tên của họ. Cha ta từng là vô địch thành phố khi ông còn ở trường đại học; vào những ngày thứ Năm và Chủ nhật ông thường đưa ta đi cùng tới Câu lạc bộ Cờ vua Spartak ở Cung Tiền phong. Năm ta lên sáu, huấn luyện viên câu lạc bộ tuyên bố ta là một tài năng. Mấy năm liền ta là một trong số những kỳ thủ trẻ hàng đầu, giành được những tấm ruy băng và huy chương nhỏ tại các giải ở khắp tỉnh Leningrad. Điều đó khiến cha ta rất tự hào, mặc dù ông quá khác người nên không sao thừa nhận mình quan tâm đến chuyện thi thố và ông chẳng bao giờ để ta trưng bày những giải thưởng của mình trong căn hộ của gia đình.

Năm mười bốn tuổi, ta bỏ câu lạc bộ. Ta đã nhận ra rằng mình là một kỳ thủ giỏi nhưng sẽ không bao giờ là kỳ thủ vĩ đại. Những người bạn của ta ở Spartak, vốn bị ta hạ đo ván thường xuyên khi bọn ta còn nhỏ hơn, đã bỏ ta lại phía sau, tiến lên một đẳng cấp khác mà ta không thể với tới cho dù ta có chơi bao nhiêu ván đi nữa, có đọc bao nhiêu sách, có nghiền ngẫm bao nhiêu thế tàn cuộc trên giường khi đêm về. Ta giống một người chơi piano được tập tành bài bản biết phải đánh nốt nào nhưng không thể biến thứ âm nhạc đó thành của riêng mình. Một kỳ thủ xuất chúng hiểu được ván cờ theo một cách mà anh ta không tài nào diễn giải nổi; anh ta phân tích bàn cờ và biết phải làm thế nào để cải thiện vị trí của mình trước khi bộ não của anh ta nghĩ ra được lời giải thích cho nước đi đó. Ta không có được bản năng đó. Việc rời bỏ câu lạc bộ khiến cha ta thất vọng, nhưng ta không buồn về điều đó.

Cờ vua trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều khi ta không còn phải lo lắng về thứ bậc của mình trong thành phố.

Kolya dừng lại ở quán Kvissisana và chăm chú nhìn qua một cửa sổ kính tấm lớn phủ những chữ thập dán băng dính. Nhà hàng bên trong trống trơn, tất cả bàn ghế bị dọn đi, chẳng còn gì ngoài sàn nhà vải sơn linoleum và một tấm bảng phấn trên tường vẫn còn ghi những món đặc biệt của tháng Tám.

“Có lần tôi đưa một cô nàng đến đây. Món cừu nướng cốt lết ngon nhất thành phố.”

“Và sau đó anh đưa cô ấy về nhà và làm tình với cô ấy à?” ta hỏi, cực kỳ châm biếm nhưng ngay lập tức lại sợ rằng anh ta đã làm chính xác như thế.

“Không,” Kolya nói, ngắm nhìn hình phản chiếu của mình trong cửa sổ và gạt mấy sợi tóc vàng lòa xòa dưới vành mũ lông màu đen. “Bọn tôi làm tình trước bữa ăn tối. Sau bữa ăn bọn tôi đi uống ở Europa. Cô ấy phát cuồng vì tôi, nhưng tôi thích một cô bạn của cô ấy hơn.”

“Vậy tại sao anh không đưa cô bạn kia đi ăn tối?”

Kolya mỉm cười, một nụ cười bao dung kể cả cho tên bộ hạ đầu óc đơn giản của anh ta.

“Phớt lờ có tính toán. Cậu cần được dạy dỗ.”

Bọn ta tiếp tục bước dọc Nevsky. Lúc đó là một giờ chiều, nhưng mặt trời mùa đông đã xuống thấp trên bầu trời phía Tây, những chiếc bóng của bọn ta dài ngoằng ra trước mặt.

“Vì vậy hãy bắt đầu chậm rãi thôi,” anh ta nói, “hãy bắt đầu từ những kiến thức cơ bản. Có cô nàng nào mà cậu thích không?”

“Không có ai đặc biệt.”

“Ai nói là cô ta cần phải đặc biệt chứ”? Cậu là trai tân, Cậu cần những cặp đùi ấm sực và một nhịp tim, chứ không phải Tamara Karsavina[8].”

“Có một cô gái tên là Vera sống trong tòa nhà của tôi nhưng cô ấy lại thích người khác.”

“Tốt lắm. Bước đầu tiên, đừng có lo về người nào khác. Hãy lo về Vera ấy. Cô ta có điều gì đặc biệt nào? Tại sao cậu lại thích cô ta?”

“Tôi không biết. Cô ấy sống trong cùng tòa nhà với tôi.”

“Đó là một lý do. Còn gì nữa nào?”

“Cô ấy biết chơi cello.”

“Nhạc cụ tuyệt vời. Mắt cô ấy màu gì?”

“Tôi không biết.”

“Cậu không thích cô nàng. Cậu không biết mắt cô ta màu gì, nghĩa là cậu không thích cô ta.”

“Tôi có thích cô ấy, nhưng tất cả những gì cô ấy quan tâm là Grisha Antokolsky, vậy nên biết để làm gì chứ?”

“Tốt,” Kolya nói, rất kiên nhẫn với gã đệ tử tẻ ngắt của mình, “cậu nghĩ là cậu thích cô ta chỉ vì cô ta không thích cậu thôi. Điều đó cực kỳ dễ hiểu, nhưng tôi nói cho cậu biết, cậu không hề thích cô ta đâu. Hãy quên Vera đi.”

Quên Vera không có vẻ gì là quả khó khăn. Ta đã dành cả ba năm nay cố gắng mường tượng trông cô ta khỏa thân sẽ như thế nào, nhưng chỉ là vì cô ta sống dưới ta hai tầng và một lần, ở bể bơi tại trung tâm thanh thiếu niên, ta đã nhìn thấy núm vú của cô ta khi dây áo bơi của cô ta bị tuột ra. Nếu không vì cô ta sợ hãi trượt chân trước cổng Kirov, lúc này ta đã không phải lang thang qua các đường phố của Piter với một tay đào ngũ chập mạch, đi tìm trứng. Cô ta không hề ngoảnh lại khi đám lính tóm được ta. Có lẽ cô ta đang sờ soạng với Grisha trong một hành lang tối om của Kirov trong lúc ta bị giam trong Chữ Thập.

“Con gái viên đại tá rất xinh. Tôi thích cô ta.”

Kolya liếc nhìn ta, thích thú.

“Ừ, con gái viên đại tá rất xinh. Tôi thích sự lạc quan của cậu. Nhưng cô nàng đó không phải dành cho cậu.”

“Cô ấy cũng đâu phải dành cho anh.”

“Cậu có thể sai về điều đó đấy. Giá cậu nhìn thấy ánh mắt cô ấy trao cho tôi.”

Bọn ta đi qua một đám choai choai khiêng thang ghế và những xô vôi trắng đang bận bịu sơn đè lên những biển tên đường phố và số nhà. Kolya dừng lại và chằm chằm nhìn chúng.

“Ê này!” Anh ta quát thằng bé gần nhất, nó ních nhiều lớp áo len đến nỗi hẳn cháu sẽ phải tưởng là nó béo, trừ phi cháu nhìn thấy lớp da mặt chảy xệ của nó, mắt nó sáng rực màu đen phía trên những hốc thâm sâu như hốc mắt một ông già. Rất ít trẻ con còn bé như thế này bị bỏ lại trong thành phố; hầu hết đã được sơ tán từ hồi tháng Chín. Những đứa ở lại thường là con nhà rất nghèo, nhiều đứa là trẻ mồ côi vì chiến tranh và không có gia đình người thân nào ở phía Đông.

“Chúng mày đang làm cái quái gì vậy hả?” Kolya hỏi. Anh ta quay sang ta, sững sờ vì hành động bất kính này. “Bọn ranh con vô lại đang phá hoại Prospekt. Ê! Thằng ranh!”

“Mút chim tao đây này rồi ước gì thì ước,” thằng nhóc mắt đen vừa nói vừa sơn trắng số nhà trên cánh cửa của một tiệm sửa đồng hồ. Ngay cả Kolya cũng phải bất ngờ trước mệnh lệnh này. Anh ta bước lại gần thằng bé, túm lấy vai nó, và xoay người nó lại. “Mày đang nói với một chiến sĩ đấy, thằng ranh…”

“Kolya,” ta cất lời.

“Mày nghĩ đây là lúc để quậy phá chắc? Mày và lũ ranh con Gypsy bạn mày muốn chạy loăng quăng và…”

“Anh nên bỏ tay khỏi người tôi,” thằng bé nói.

“Mày còn dọa tao nữa cơ à? Tao đã bắn bọn Đức suốt bốn tháng nay mà giờ mày còn muốn dọa tao à?”

“Kolya,” ta nhắc lại, lần này thì lớn giọng hơn. “Chúng làm theo lệnh đấy. Nếu lọt vào bên trong thành phố, thì quân Đức cũng sẽ không biết mình đang đi đâu.”

Kolya nhìn từ thằng bé mắt đen đến mấy tấm biển tên phố sơn trắng rồi đến ta.

“Làm sao mà cậu biết?”

“Vì cách đây hai hôm tôi cũng đã làm thế rồi.”

Kolya thả thằng bé ra, nó hầm hầm nhìn anh ta một lúc nữa rồi mới quay lại công việc.

“Ừm, thông minh phết đấy,” Kolya nói, và bọn ta đi tiếp về phía Chợ Giời.

Bình luận