Sáng hôm sau bọn ta đứng bên ngoài một tòa nhà cách Khải hoàn môn Narva hai khối phố, ngước nhìn lên một tấm áp phích lừng lững của Zhdanov.
“Nhất định là chỗ này rồi,” Kolya vừa nói vừa giậm chân cho ấm mặc dù dường như điều đó là không thể, trời lạnh hơn cả ngày trước đó. Chỉ có một đám mây mỏng hình xương cá giăng trên bầu trời xanh bất tận. Bọn ta bước về phía cửa trước của tòa nhà. Cửa được khóa chặt, tất nhiên rồi. Kolya nện rầm rầm lên cửa, nhưng không ai ra. Bọn ta đứng đó như những thằng ngốc, vỗ hai bàn tay đi găng vào nhau, vùi cằm vào dưới những nếp khăn quàng cổ.
“Vậy bây giờ chúng ta làm gì đây?”
“Thế nào cũng phải có người ra hoặc vào. Hôm nay cậu bị làm sao đấy? Cậu có vẻ hơi cáu bẳn.”
“Tôi chẳng bị làm sao hết,” ta nói, nhưng ngay chính ta cũng nghe thấy vẻ cáu bẳn trong giọng mình. “Mất cả tiếng đồng hồ mới đến được chỗ này, lại phải đợi cả tiếng đồng hồ nữa mới vào được trong, và sẽ chẳng có ông già với cái lồng đầy gà nào cả.”
“Không, không, có điều gì đó đang đeo đẳng cậu. Cậu đang nghĩ đến Kirov à?”
“Tất nhiên là tôi đang nghĩ về Kirov rồi,” ta gần lại, tức giận với anh ta vì đã hỏi câu đó trong khi không phải ta đang nghĩ gì về Kirov cả.
“Dạo mùa thu bọn tôi có một tay trung úy tên là Belak. Chất lính tráng thấm đến tận xương tủy, cả đời mặc quân phục, chiến đấu chống bọn Bạch vệ, đủ cả. Rồi một đêm ông ấy thấy cái thằng nhóc Levin ấy khóc vì một lá thư cậu ta vừa nhận được. Đó là tại một chiến hào bên ngoài Zelenogorsk, ngay trước khi quân Phần Lan chiếm lại nó. Levin không nói được, cậu ta nấc nghẹn ghê lắm. Có người chết, bị quân Đức giết. Tôi không nhớ là mẹ, hay bố cậu ta, mà có khi là cả nhà, tôi không biết. Nhưng trở lại câu chuyện, Belak cầm lá thư, gấp nó lại rất chỉn chu, nhét vào túi áo khoác của Levin, và nói, ‘Được rồi, cứ xả ra đi. Nhưng sau lần này tôi không muốn thấy cậu khóc nữa đến khi nào Hitler treo lủng lẳng dưới sợi dây thừng.’”
Kolya đăm chiêu nhìn xa xăm, ngẫm nghĩ những lời nói của trung úy. Chắc hẳn anh ta cho là chúng thâm thúy lắm. Với ta thì chúng nghe thật gượng gạo, kiểu nói mà cha ta vẫn ghét, câu đối thoại giả tạo do một tay nhà báo nào đó bịa ra cho một trong các bài báo sôi nổi “Những anh hùng trên mặt trận!” mà tờ Sự thật Thiếu niên Tiền phong lần nào cũng đăng.
“Thế là cậu ta thôi khóc?”
“Ừm, cậu ta ngừng ngay lúc đó. Chỉ thút thít một chút thôi. Nhưng đêm ấy cậu ta lại bắt đầu. Đó không hẳn là vấn đề chính.”
“Vấn đề chính là gì?”
“Không có thời gian để than khóc. Bọn Quốc xã muốn chúng ta chết. Chúng ta có thể khóc bao nhiêu tùy thích, nhưng điều đó cũng không thể giúp chúng ta đánh bại chúng.”
“Ai khóc nào? Tôi có khóc đâu.”
Kolya không nghe ta nói. Có gì đó kẹt giữa hai cái răng cửa của anh ta và anh ta cố lấy móng tay cạy nó ra.
“Vài ngày sau Belak giẫm phải một quả mìn. Ghê gớm vô cùng, lũ mìn ấy. Những gì chúng gây ra cho cơ thể người ta…”
Giọng anh ta lạc đi, hồi tưởng đến thi thể nát bấy của người chỉ huy cũ, và ta cảm thấy thật tồi tệ vì ta đã xúc phạm người trung úy trong suy nghĩ của mình. Có thể những lời của ông ta nghe thật sáo rỗng, nhưng ông ta chỉ đang cố giúp người chiến sĩ trẻ, làm anh ta tạm nguôi ngoai bi kịch ở quê nhà, và điều đó còn quan trọng hơn là cách diễn đạt chân thực.
Kolya lại nện rầm rầm vào cửa tòa nhà. Anh ta chờ một hồi, thở dài, đăm đăm nhìn vào đám mây đơn độc đang trôi ngang bầu trời.
“Tôi muốn được sống ở Argentina một hai năm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đại dương. Cậu thấy chưa?”
“Chưa.”
“Cậu cấm cảu quá, anh bạn Do Thái của tôi. Nói cho tôi biết tại sao nào.”
“Đi mà tẩn một con lợn ấy.”
“À. Có thế chứ!” Anh ta khẽ đẩy ta một cái, nhảy lùi ra xa, vung hai tay như một võ sĩ, làm ra vẻ đang so găng với ta.
Ta ngồi xuống bậc cửa. Ngay cả một chuyển động nhỏ như vậy cũng làm ta hoa hết cả mắt. Bọn ta đã uống thêm trà ở chỗ Sonya khi thức dậy, nhưng không có thức ăn, và ta đang để dành chỗ kẹo thư viện còn lại của mình. Ta ngước nhìn lên Kolya, lúc này anh ta đang đứng nhìn ta với vẻ quan tâm.
“Đêm qua anh đã nói gì vậy?” tôi hỏi anh ta. “Lúc anh đang, anh biết đấy, lúc anh ở cùng cô ấy đấy.”
Kolya nheo mắt, ngơ ngác với câu hỏi.
“Với ai cơ? Với Sonya ấy à? Tôi đã nói gì ấy à?”
“Anh nói với cô ấy suốt từ đầu đến cuối còn gì.”
“Khi bọn tôi làm tình ấy à?”
Bản thân cụm từ đó nghe cũng đủ xấu hổ rồi. Ta gật đầu. Kolya nhăn trán.
“Tôi không biết là mình đã nói gì nữa.”
“Anh nói suốt từ đầu đến cuối mà!”
“Thì vẫn những thứ mọi khi thôi, tôi đoán thế.” Một nụ cười chợt làm rạng bừng mặt anh ta. Anh ta ngồi cạnh ta trên bậu cửa. “Nhưng tất nhiên rồi, nếu cậu chưa bao giờ đến một nước, có lẽ cậu không thể biết phong tục ở đó thế nào. Cậu muốn biết phải nói những gì.”
“Tôi chỉ hỏi một câu thôi mà.”
“Ừ, nhưng cậu đang tò mò. Tại sao cậu lại tò mò? Vì cậu hơi hồi hộp một chút. Cậu muốn làm mọi việc thật bài bản khi cậu có cơ hội. Cậu làm vậy là khôn ngoan lắm. Tôi nghiêm túc đấy! Bỏ cái trò cấm cảu của cậu đi. Cậu nhận lời khen kém hơn bất kỳ ai khác mà tôi biết. Giờ thì nghe này: phụ nữ không thích người tình im thin thít đâu. Họ đang trao cho cậu một điều quý giá và họ muốn biết là cậu trân trọng nó. Gật đầu cho tôi một cái xem nào để chứng tỏ là cậu đang nghe.”
“Tôi đang nghe đây.”
“Người phụ nữ nào cũng có một người tình trong mơ và một người tình ác mộng. Thằng người tình ác mộng, hắn cứ thế nằm đè lên trên cô ấy, lấy bụng đè bẹp cô ấy xuống, thì thụt thằng nhỏ của hắn ra ra vào vào đến khi xong việc. Hắn nhắm tịt mắt, không nói năng một lời nào; cơ bản thì hắn chỉ phọt tinh vào trong cô gái tội nghiệp đó. Còn người tình trong mơ thì…”
Bọn ta nghe thấy tiếng xìn xịt của cáng xe trượt trên mặt tuyết đóng cứng và quay ra nhìn thấy hai cô gái đang kéo một cái xe trượt chở nặng những xô băng lấy từ sông. Họ đang đi hướng thẳng về phía bọn ta nên ta đứng lên, phủi áo khoác, nhẹ nhõm vì bài giảng của Kolya đã bị gián đoạn. Kolya đứng cạnh ta.
“Các quý cô! Các cô có cần giúp một tay khiêng chỗ băng đó không?”
Mấy cô gái liếc nhìn nhau. Cả hai đều tầm độ tuổi ta, chị em ruột hoặc chị em họ, với cùng khuôn mặt to bè và môi trên có lông tơ. Họ là gái Piter, không tin tưởng người lạ, nhưng nói gì thì nói, leo cầu thang lên căn hộ của mình với bốn xô băng thì…
“Các anh đến đây tìm ai?” một người hỏi, với vẻ nghiêm trang trịnh trọng của một người thủ thư.
“Bọn tôi đến nói chuyện với một quý ông về những con gà của ông ấy,” Kolya nói, lựa chọn sự thành thật vì lý do gì không rõ. Ta chắc mẩm các cô gái sẽ cười bọn ta, nhưng không hề.
“Ông ấy sẽ bắn các anh nếu các anh lên trên đó, cô gái thứ hai nói. “Ông ấy không để bất kỳ ai lại gần mấy con gà ấy đâu.”
Kolya và ta nhìn nhau. Anh ta liếm môi và quay lại với hai cô gái, khoe ra nụ cười quyến rũ nhất của mình.
“Tại sao các cô không để chúng tôi xách xô nhỉ. Chúng tôi sẽ lo chuyện về ông già đó.”
Đến tầng năm, vã mồ hôi qua tất cả những lớp len, hai cái cẳng chim của ta run lẩy bẩy vì quá sức, ta bắt đầu hối hận vì quyết định đó. Chắc chắn phải có một cách dễ dàng hơn để vào bên trong tòa nhà. Bọn ta nghỉ những đợt dài ở mỗi chiếu nghỉ, ta vừa thở hổn hển vừa thả lòng bàn tay, tháo bỏ cả găng để săm soi những vết hằn sâu mà quai của những chiếc xô cứa vào lòng bàn tay mình. Kolya dò hỏi các cô gái về thói quen đọc của họ và khả năng họ đọc thuộc được những khổ mở đầu của Eugene Onegin. Ta thì thấy mấy cô gái có vẻ nhạt nhẽo, đù đờ, chẳng có gì là hoạt bát trong ánh mắt hay sôi nổi trong lời nói, nhưng chẳng có ai làm Kolya thấy chán. Anh ta tán chuyện với họ như thể họ là những kẻ vui nhộn nhất từng tô điểm cho một buổi vũ hội từ xưa đến giờ, hết nhìn vào mắt người này lại sang người kia, không lúc nào để cho có khoảng lặng. Đến tầng năm thì đã quá rõ là cả hai cô gái đều phải lòng anh ta, và ta có cảm giác là lúc này họ đang cố xác định xem ai trong hai người nắm thế thượng phong.
Một nỗi ghen tị lại trào lên trong ta, cái cảm giác bất công ấy trộn lẫn với tức giận và căm ghét chính mình – tại sao họ lại thích anh ta? Cái đồ ba hoa khoác lác ấy! Và tại sao ta lại đi cay cú với anh ta vì sự chú ý của họ chứ? Xét cho cùng thì ta cũng đâu có đếm xỉa gì đến những cô gái này. Không một ai có tí gì đáng gọi là hấp dẫn đối với ta. Người thanh niên kia đã cứu mạng ta hôm qua và hôm nay ta nguyền rủa anh ta bởi vì mấy cô gái trở nên bẽn lẽn trước mặt anh ta, máu dồn lên mặt họ, mắt dán xuống sàn nhà và nghịch nghịch cúc áo khoác?
Nhưng Sonya thì ta thích. Sonya với cái lúm đồng tiền hình trăng lưỡi liềm và sự thân tình của cô, chào mừng ta vào nhà mình, mời trao cho ta một chỗ ở bất kỳ lúc nào ta cần, mặc dù chỉ một tuần nữa không có thức ăn là cô sẽ chết – quá dễ để đọc được hình dáng hộp sọ của cô dưới làn da gần như trong suốt. Có lẽ ta thích cô đến thế là vì ta gặp cô ba mươi phút sau khi chứng kiến những bia mộ của Kirov. Có thể gương mặt cô giữ cho ta khỏi đắm chìm quá sâu vào những người hàng xóm của mình bị mắc kẹt dưới những tảng bê tông đổ nát.
Thậm chí ngay cả khi những hình ảnh đó lọt vào tâm trí ta, chúng cũng không có ngạnh, chui tuột đi, và ta nhận ra mình lại đang nghĩ đến con gái viên đại tá, hoặc chính viên đại tá, hoặc gã hộ pháp đuổi theo bọn ta xuống cầu thang với cái ống thép của gã, hoặc người phụ nữ ở Chợ Giời bán những cốc đất Badayev. Giả sử như ta có nghĩ gì đến Kirov thì tòa nhà mới là thứ mà ta nhớ, sân chơi tuổi thơ của ta, với những hành lang dài được thiết kế quá lý tưởng cho trò đuổi bắt, những cầu thang có các khung cửa sổ kính chì phủ dày bụi đến nỗi người ta có thể tự họa chân dung của mình bằng đầu ngón tay, khoảnh sân nơi mà năm nào tất cả bọn trẻ cũng tụ tập sau đợt tuyết rơi dày đầu tiên cho trận ném tuyết thường niên, từ tầng một đến tầng ba – đấu với từ tầng ba đến tầng sáu.
Chưa gì mà cảm giác như đám bạn và hàng xóm của ta – Vera và Oleg cùng Grisha với Lyuba Nikolaevna và Zavodilov đã trở thành hư ảo, cứ như thể cái chết đã xóa sạch cuộc đời trước kia của họ vậy! Có lẽ ta vẫn luôn biết là một ngày họ sẽ biến mất, và thế là ta giữ khoảng cách với họ, cười khi nghe họ nói đùa và lắng nghe những kế hoạch của họ nhưng không bao giờ thực sự tin vào chúng. Ta đã học được cách tự bảo vệ mình. Khi cảnh sát bắt cha ta đi, ta như một thằng đờ đẫn, không sao hiểu nổi làm thế nào mà một con người – con người ương ngạnh và thông minh ấy lại có thể không hề tồn tại nữa, như thể ông chẳng qua chỉ là một làn khói thuốc mà một người lính gác buồn chán phả ra trong một tháp canh ở Siberia, một người lính gác đang băn khoăn không biết người bạn gái ở nhà có lừa dối anh ta không, mắt anh ta nhìn xa xăm qua những cánh rừng nổi gió, không để ý gì đến bầu trời xanh bao la như cái dạ dày trên đầu anh ta đang chỉ chực nuốt chửng làn khói leo lét cùng người lính gác và tất cả mọi thứ mọc ra trên mặt đất bên dưới.
Kolya đang vừa chào tạm biệt các cô gái vừa thả những chiếc xô xuống bên trong cửa căn hộ của họ và ra hiệu cho ta làm theo.
“Cẩn thận khi lên trên đó,” một trong hai cô gái nói, là cô bạo dạn hơn, ta đoán thế. “Ông ấy tám mươi tuổi rồi, nhưng ông ấy sẽ bắn hạ anh trong tích tắc đấy.”
“Tôi từng ở tiền tuyến chiến đấu với quân Đức rồi,” Kolya nói, trấn an cô gái bằng một nụ cười và cái nháy mắt. “Tôi nghĩ mình đủ khả năng xử lý một ông già khó tính.”
“Nếu lúc đi xuống mà các anh thích ăn gì thì bọn em đang nấu xúp đấy,” cô gái thứ hai nói. Cô bạo dạn ném cho cô này một cái nhìn và ta tự hỏi, với chút tò mò thật sự, không biết cô ta bực mình vì lời mời ăn hay cử chỉ lẳng lơ ấy.
Kolya và ta bước lên nhịp cầu thang cuối cùng dẫn lên cửa sân thượng.
“Kế hoạch là thế này,” anh ta bảo ta. “Cứ để tôi lo phần nói chuyện. Tôi giỏi xử trí người già.”
Ta đẩy cánh cửa mở ra và gió ập vào bọn ta, thổi tung những vụn băng và bụi vào mặt bọn ta, những hạt rắn của thành phố. Bọn ta cúi đầu xuống và tiến về phía trước, hai gã Bedouin[14] trong cơn bão cát. Trước mặt bọn ta là một ảo ảnh, thứ chỉ có thể là một ảo ảnh – một túp lều được đóng bằng những thanh gỗ và vải dạ nỉ lợp mái, các khe hở được nhét bằng mẩu vải len và báo cũ. Ta là một thằng nhóc thành phố trăm phần trăm; ta chưa bao giờ tới một nông trang hoặc thậm chí là nhìn thấy một con bò; nhưng ta biết đây là một cái chuồng gà. Kolya nhìn ta. Mắt bọn ta đang giàn giụa nước vì gió, nhưng cả hai bọn ta đều đang cười sung sướng như những thằng điên.
Có một cánh cửa xập xệ ở một đầu của chuồng gà với chốt móc sắt không cài gắn phía ngoài. Kolya khẽ khàng gõ lên cánh cửa. Không ai trả lời.
“Xin chào? Đừng bắn chúng tôi! Ha, ha! À thì bọn tôi chỉ muốn đến thăm ông… Xin chào? Được thôi, tôi sẽ mở cửa đây. Nếu đó là một ý tồi, nếu ông nghĩ đến việc nổ súng thì hãy nói điều gì đó đi nào.”
Kolya bước qua một bên khung cửa, ra hiệu cho ta làm theo, rồi đưa đầu mũi giày khều mở cửa ra. Bọn ta chờ đợi một tiếng chửi rủa quát tháo hoặc một phát súng săn nổ đoàng, nhưng cả hai thứ đều không thấy. Khi có vẻ đã an toàn, bọn ta nhòm vào trong chuồng gà. Bên trong tối om, được thắp sáng bởi một ngọn đèn dầu duy nhất treo vào móc gắn trên tường. Sàn chuồng được trải rơm cũ nồng nặc mùi cứt gà. Một bên tường xếp hàng những cái hộp làm tổ trống không, mỗi cái đủ rộng cho một con gà. Một thằng bé ngồi ở đầu kia chuồng gà, lưng dựa vào tường, đầu gối co sát vào ngực. Nó mặc chiếc áo khoác lông thỏ của phụ nữ. Nhìn nó thật lố bịch nhưng ấm áp.
Một người chết ngồi trên lớp rơm bên dưới những cái hộp ổ, dựa lưng vào tường, chân tay cứng đờ và thõng thượt như một con rối bị bỏ bê. Ông ta có bộ râu dài trắng, bộ râu của một kẻ vô chính phủ thế kỷ 19, và làn da giống như sáp nến nóng chảy. Một khẩu súng săn kiểu cổ vẫn nằm vắt ngang trong lòng ông ta. Nhìn bề ngoài có thể thấy là ông ta đã chết được mấy ngày rồi.
Kolya và ta trân trối nhìn khung cảnh tang tóc đó. Bọn ta đã bước vào thảm cảnh riêng tư của một người khác và bọn ta cảm thấy day dứt khi là khách không mời mà đến. Ít nhất thì ta cũng cảm thấy thế. Nỗi hổ thẹn không tác động đến Kolya như là đối với ta. Anh ta bước vào trong chuồng, quỳ xuống cạnh thằng bé, nắm lấy đầu gối nó.
“Cậu có sao không, chú lính nhỏ? Cậu muốn chút nước không?”
Thằng bé không nhìn anh ta. Đôi mắt xanh của nó trông to đùng trên gương mặt chết đói. Ta bẻ một góc thanh kẹo thư viện, bước vào trong chuồng gà, và chìa tay ra. Ánh mắt thằng bé chậm rãi hướng về phía ta. Nó có vẻ đã ghi nhận sự có mặt của ta và chỗ đồ ăn trên tay ta nhưng rồi lại ngoảnh đi chỗ khác. Nó đã đờ đẫn lắm rồi.
“Đây là ông của cậu à?” Kolya hỏi. “Chúng ta nên mang ông ấy ra phố. Cứ ngồi đây một mình thế này với ông ấy sẽ không tốt cho cậu đâu.”
Thằng bé mở miệng và ngay cả cử chỉ đó dường như cũng làm nó kiệt sức. Môi nó nứt nẻ, như thể chúng đã được dán chặt vào nhau.
“Ông không muốn rời lũ gà.”
Kolya liếc nhìn những cái ổ trống trơn.
“Tôi nghĩ bây giờ thì không sao nữa rồi. Đi nào, có mấy cô gái dễ thương lắm ở dưới tầng, họ sẽ cho cậu ít xúp, chút nước để uống.”
“Tôi không đói,” thằng bé nói, và ta biết là số phận của nó được định đoạt rồi.
“Dù thế nào thì cũng cứ đi với chúng tôi,” ta nói. “Ở đây rét quá. Chúng tôi sẽ làm cậu ấm lên, lấy cho cậu ít nước.”
“Tôi còn phải canh lũ gà.”
“Lũ gà đi sạch rồi,” Kolya nói.
“Không phải tất cả.”
Ta không nghĩ thằng bé có thể trụ được đến ngày mai, nhưng ta không muốn nó chết ở đây, một mình với xác chết râu dài và những cái hộp ổ gà trống không. Người chết có ở khắp Piter: chất thành đống sau nhà xác thành phố; đốt trong những hầm thiêu xác bên ngoài nghĩa trang Piskarevsky; rải rác khắp mặt băng của hồ Ladoga, một thứ cho bọn mòng biển rỉa, ấy là nếu như vẫn còn mòng biển. Nhưng chỗ này còn là chốn cô quạnh hơn bất kỳ nơi nào khác ta từng thấy để lìa bỏ cõi đời.
“Nghe này,” Kolya vừa nói vừa lắc một cái hộp ổ gà trống không. “Chẳng có ai ở nhà cả. Cậu đã là một người lính gác giỏi, cậu bảo vệ được lũ gà, nhưng giờ thì chúng đi rồi. Hãy đi cùng chúng tôi.”
Anh ta chìa bàn tay đi găng ra, nhưng thằng bé phớt lờ nó.
“Là Ruslan thì ông đã bắn các anh rồi.”
“Ruslan à?” Kolya liếc nhìn thi thể của ông già. “Ruslan đúng là một tay gớm mặt đấy nhỉ? Cái đó thì tôi thấy rồi. Tôi mừng là cậu thuộc mẫu chuộng hòa bình.”
“Ông nói với tôi là tất cả mọi người trong tòa nhà đều muốn lũ gà của chúng tôi.”
“Ông ấy nói đúng đấy.”
“Ông bảo họ sẽ lên đây và cắt cổ ông cháu tôi nếu chúng tôi để họ làm thế. Ăn cắp lũ gà của chúng tôi và luộc chúng nấu xúp. Vì vậy một trong hai ông cháu tôi luôn phải thức, cầm khẩu súng săn.”
Thằng bé nói với giọng đều đều, không hề nhìn đến bọn ta, mắt nó mờ đục và lờ đờ. Giờ thì ta có thể thấy là nó đang run lẩy bẩy, răng nó đánh lập cập vào nhau khi nó không nói. Những mảng lông tơ màu nâu nhạt lan ra trên hai má và cổ, nỗ lực cuối cùng của cơ thể nó nhằm tự giữ nhiệt.
“Ông bảo tôi là lũ gà sẽ giữ cho ông cháu tôi sống sót đến khi cuộc bao vây kết thúc. Hai quả trứng mỗi ngày, ngần ấy và khẩu phần được phát là đủ cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể giữ cho chúng đủ ấm.”
“Cậu phải quên lũ gà chết tiệt ấy đi. Đi nào, đưa tay cho tôi.”
Thằng bé tiếp tục phớt lờ bàn tay chìa ra của Kolya nên cuối cùng Kolya ra hiệu cho ta giúp anh ta. Nhưng ta đã nhìn thấy thứ gì đó, một chuyển động ở chỗ lẽ ra không có chuyển động nào, chút động đậy bên dưới áo lông của thằng bé, như thể trái tim khổng lồ của nó đang đập dữ dội đến nỗi nhìn thấy cả vết đập dội lên.
“Cậu có cái gì ở đó vậy?” ta hỏi.
Thằng bé vuốt nhẹ mặt trước áo khoác lông, trấn an cái thứ nằm bên dưới. Lần đầu tiên ánh mắt của thằng bé gặp ánh mắt ta. Dù nó đang yếu ớt đến thế, chỉ cách vạch đích vài milimét, ta vẫn có thể nhận thấy vẻ rắn rỏi ở trong nó, một ý chí sắt đá mà nó thừa hưởng từ ông già.
“Là Ruslan thì đã bắn các anh rồi.”
“Ừ, ừ, cậu cứ nói đi nói lại mãi thôi. Cậu cứu được một con gà, phải không? Đó là con cuối cùng.” Kolya nhìn ta. “Mỗi ngày một con gà đẻ được bao nhiêu quả trứng vậy?”
“Làm quái nào mà tôi biết được?”
“Nghe này, cậu bé, tôi sẽ trả cậu ba trăm rúp cho con gà đó.”
“Người ta từng đề nghị trả cho ông cháu tôi một nghìn. Lần nào ông cũng nói không. Lũ gà có thể giữ ông cháu tôi sống cả mùa đông, ông bảo thế. Ông cháu tôi sẽ làm gì với mớ rúp đó chứ?”
“Đi mua cho mình ít đồ ăn chứ sao? Con gà đó sẽ chết như tất cả những con khác nếu cậu giữ nó ở đây.”
Thằng bé lắc đầu. Nói ngần ấy đã khiến nó kiệt sức và mi mắt nó sụp xuống thấp hơn.
“Được rồi, hay là thế này? Đây, đưa thứ đó cho tôi,” Kolya vừa bảo ta vừa giật lấy thanh kẹo thư viện từ tay ta. Anh ta thêm vào đó thỏi xúc xích cuối cùng của mình cùng ba trăm rúp và đặt tất cả vào lòng thằng bé.
“Đó là tất cả những gì chúng tôi có. Giờ thì hãy nghe tôi. Cậu sẽ chết ở đây đêm nay nếu cậu không chịu rời đi. Cậu cần phải ăn và cậu cần phải rời khỏi sân thượng. Chúng tôi sẽ đưa cậu xuống chỗ các cô gái đó ở tầng năm…”
“Tôi không thích họ.”
“Cậu có phải cưới họ đâu mà. Chúng ta sẽ đưa cho họ chỗ tiền này và họ sẽ cho cậu ăn chút xúp rồi để cậu ở lại vài đêm, lấy lại sức.”
Thằng bé không còn chút hơi sức nào để ngay cả lắc đầu một cách yếu ớt nhất, nhưng quyết tâm của nó thì đã quá rõ ràng. Nó sẽ không đi.
“Cậu sẽ ở đây canh chừng con gà à? Cậu sẽ cho nó ăn cái quái gì mới được chứ hả?”
“Tôi ở lại vì Ruslan.”
“Người chết thì đã chết rồi. Cậu sẽ đi với chúng tôi.”
Thằng bé bắt đầu cởi cúc áo khoác. Nó giữ con gà lông màu nâu sát vào ngực mình như một đứa trẻ sơ sinh đang bú. Đó là con gà nhỏ bé thảm hại nhất mà ta từng thấy, xơ xác và đờ đẫn. Một con chim sẻ khỏe mạnh hẳn cũng xé xác được nó trong một cuộc ẩu đả.
Nó chìa con gà ra cho Kolya, anh ta chằm chằm nhìn con gà, không biết phải nói hay làm gì.
“Cầm lấy,” thằng bé nói.
Kolya nhìn ta rồi lại quay sang nhìn thằng bé. Ta chưa bao giờ thấy anh ta bối rối như thế.
“Tôi đã không thể giữ cho chúng sống được,” thằng bé nói. “Hồi tháng Mười chúng tôi còn mười sáu con. Và đây là tất cả những gì còn lại.”
Bọn ta đã muốn con gà kinh khủng, nhưng giờ đây khi thằng bé đang đề nghị cho không thì ta lại cảm giác có điều gì đó thật không phải.
“Cầm lấy,” thằng bé nói. “Tôi mệt mỏi vì chúng lắm rồi.”
Kolya nhận lấy con gà từ tay thằng bé, giữ con gà tránh xa khỏi mặt mình, lo nó có thể bổ những bàn chân đầy móng nhọn vào mắt anh ta. Nhưng con gà chẳng có tí bạo lực nào cả. Nó nằm lịm trong tay Kolya, run rẩy vì rét, ánh mắt đờ dại chẳng nhìn vào đâu cả.
“Hãy giữ ấm cho nó,” thằng bé nói.
Kolya mở áo khoác ra và đút con gà vào trong, ở đó nó có thể nhét mình vào giữa các lớp len mà vẫn còn chỗ để thở.
“Giờ thì đi đi,” thằng bé nói.
“Hãy đi với chúng tôi,” ta nói, một nỗ lực cuối cùng mà ta biết cũng là vô ích. “Cậu không nên ở một mình ngay lúc này.”
“Tôi không ở một mình. Đi đi.”
Ta nhìn Kolya và anh ta gật đầu. Bọn ta hướng về phía cánh cửa xập xệ. Trên đường đi ra, ta ngoái lại và liếc nhìn thằng bé, đang ngồi đó lặng lẽ trong cái áo khoác nữ của nó.
“Cậu tên là gì?”
“Vadim.”
“Cảm ơn cậu, Vadim.”
Thằng bé gật đầu, mắt nó quá xanh, quá to so với khuôn mặt nhợt nhạt, vêu vao của nó.
Bọn ta để nó lại một mình trong cái chuồng gà với ông già đã chết và những cái ổ trống không, một cái bấc cháy leo lét trong đèn, ba trăm rúp và chỗ đồ ăn chẳng được ngó ngàng đến trong lòng cái áo khoác lông thỏ của nó.