Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 5

Tác giả: David Benioff

Giả sử cháu có thứ gì đó muốn mua, bán hoặc đổi chác, cứ tìm tới Chợ Giời. Trước chiến tranh những quầy hàng đường phố được coi như Nevsky Prospekt của người nghèo. Sau khi cuộc phong tỏa bắt đầu, khi những cửa hàng hào nhoáng lần lượt đóng cửa, khi các nhà hàng lấy xích khóa cửa còn cánh hàng thịt không còn tí thịt nào trong các ngăn tủ, thì Chợ Giời trở nên phát đạt. Phu nhân của các viên tướng đổi những xâu chuỗi hổ phách lấy những bao bột mì. Đảng viên mặc cả với những người nông dân đã lẻn vào từ vùng nông thôn, cãi vã về chuyện bao nhiêu củ khoai tây đổi lấy một bộ đồ ăn cổ bằng bạc. Nếu cuộc mặc cả kéo dài quá lâu, nông dân sẽ khinh khỉnh xua tay và quay đi khỏi đám thị dân. “Vậy thì đi mà ăn đồ bạc của các người đi,” họ nói câu đó với một cái nhún vai. Hầu như lần nào họ cũng có được cái giá mà họ đòi hỏi. Bọn ta bước từ quầy này sang quầy khác, mắt nhìn những chồng ủng da, một số cái vẫn còn vấy máu từ chân những người chủ cũ. Súng trường và súng ngắn Tokarev đều rẻ, dễ dàng mua được chỉ với vài rúp hoặc hai trăm gam bánh mì. Súng Luger và lựu đạn thì đắt hơn, nhưng sẵn có nếu cháu hỏi đúng người. Một quầy bán những cốc đất với giá một trăm rúp một cốc – bùn Badayev, người ta gọi nó là thế, được lấy từ lòng đất bên dưới nhà kho thực phẩm bị ném bom và thấm đầy đường chảy ra.

Kolya dừng lại ở quầy có một người đàn ông hom hem, lưng còng đeo một miếng che mắt và ngậm chiếc tẩu không châm lửa đứng bán những cái chai không nhãn mác chứa thứ rượu màu trắng.

“Cái gì đây?” Kolya hỏi.

“Vodka.”

“Vodka? Làm từ cái gì?”

“Gỗ.”

“Đó không phải là vodka, ông bạn. Mà là cồn gỗ.”

“Anh có muốn hay không thì bảo?”

“Chúng ta đến đây có phải vì cái này đâu,” ta bảo Kolya, còn anh ta thì phớt lờ ta.

“Uống cái này bị mù mắt đấy,” anh ta nói với ông chủ sạp.

Người đàn ông chột mắt lắc đầu, phát chán với sự dốt nát nhưng vẫn chịu khó bỏ chút công sức tối thiểu để bán được hàng.

“Anh rót nó qua vải lanh,” lão ta nói. “Bảy lớp, sau đó là an toàn.”

“Nghe như một thứ rượu tiên dành cho thánh thần nhỉ,” Kolya nói. “Ông nên gọi nó là Bảy Tầng Tội lỗi. Đó là cái tên hay cho một thứ đồ uống.”

“Anh có muốn không?”

“Tôi sẽ lấy một chai nếu ông uống một chút cùng tôi.”

“Còn quá sớm đối với tôi.”

Kolya nhún vai. “Tôi thấy ông nhấp một ngụm, tôi sẽ mua cả chai. Còn không thì tôi biết nói gì với ông được, chiến tranh biến tôi thành một kẻ hoài nghi.”

“Hai trăm rúp một chai.”

“Một trăm. Uống đi nào.”

“Anh đang làm gì vậy?” ta hỏi anh ta, nhưng anh ta thậm chí còn chẳng thèm liếc nhìn ta.

Lão chột đặt cái tẩu lạnh tanh xuống bàn, tìm được một cái ly uống trà, và nhìn quanh quầy tìm một mảnh vải.

“Đây,” Kolya nói, chìa ra một cái khăn tay màu trắng. “Sạch đấy. Tương đối.”

Bọn ta nhìn lão gấp cái khăn tay lại ba lần và phủ nó lên miệng ly trà. Lão rót rượu từ từ. Ngay cả ở ngoài trời, gió rít ào ào, cái thứ đó còn bốc lên mùi như thuốc độc, giống như một chất tẩy được dùng rửa sàn nhà máy. Lão chột bỏ cái khăn tay qua một bên, lúc này nhìn nó loang lổ một thứ cặn đầy bọt. Lão ta nâng cái ly lên, nhấp, rồi lại đặt ly xuống bàn, vẻ mặt không hề thay đổi.

Kolya kiểm tra mức dung dịch trong ly, để cho chắc là người bán hàng đã thực sự nhấp một ngụm. Hài lòng, anh ta cầm ly lên và chúc bọn ta.

“Vì đất mẹ Nga!” Anh ta ực một hơi hết chỗ cồn gỗ, đập chát cái ly xuống bàn, quẹt miệng bằng mu bàn tay, và ặc ặc. Anh ta túm lấy vai ta, cố giữ người cho vững, mắt anh ta trợn tròn và ầng ậc nước.

“Ông giết tôi rồi,” anh ta vừa nói, thều thào chỉ vừa đủ để những từ đó chui ra khỏi cổ họng, vừa chỉ tay đầy buộc tội vào lão chột.

“Tôi có bảo anh uống nhanh thế đâu,” lão trả lời, mặt lạnh tanh, cắm cái tẩu trở lại vào miệng. “Một trăm rúp.”

“Lev… Lev, cậu còn ở đó chứ?” Mặt Kolya buông xuống chỗ ta, nhưng mắt anh ta không tập trung được, nhìn xuyên thẳng qua ta.

“Buồn cười lắm.”

Kolya nhăn nhở cười và đứng thẳng người lên. “Không thể lừa được một người Do Thái, lẽ ra tôi phải biết trước mới phải. Giỏi lắm, trả tiền cho ông ta đi.”

“Gì cơ?”

“Trả đi,” anh ta vừa nói vừa ra hiệu về phía lão bán hàng đang chờ đợi. “Trả tiền cho ông ta còn gì.”

“Tôi làm gì có tiền.”

“Đừng có cố lừa tao, thằng ranh!” Kolya gầm lên, chộp lấy cổ áo khoác của ta và lắc đến khi ta thấy xương cốt của mình kêu lách cách. “Tao sẽ không chấp nhận bất kỳ trò trộm cắp nào!”

Bất thình lình anh ta buông ta ra, thọc tay vào túi áo khoác của ta, lôi ra những mẩu giấy vụn, một đoạn chỉ và băng vải thô, chẳng có gì gọi là gần giống với tiền cả. Kolya thở dài và quay sang người bán hàng.

“Có vẻ như bọn tôi không có tiền rồi. Tôi e là tôi sẽ phải hủy giao dịch.”

“Mày tưởng,” lão chột vừa nói vừa phanh áo khoác để cho bọn ta thấy chuôi của một con dao Phần Lan, “tao không dám thẻo thịt mày chắc?”

“Đằng nào trong bụng tôi cũng có một ly chất độc rồi. Vậy tại sao ông không thử đi?”

Kolya mỉm cười với lão và chờ đợi phản ứng. Chẳng có gì đằng sau đôi mắt xanh của Kolya, không sợ hãi, không tức giận hay kích động trước viễn cảnh một trận đánh nhau – không gì hết. Cái này, về sau ta nhận ra, chính là biệt tài của anh ta: nguy hiểm làm anh ta trở nên bình tĩnh. Xung quanh anh ta mọi người sẽ đối mặt nỗi sợ hãi của mình bằng những cách thông thường: cam chịu, điên cuồng, giả vờ bỡn cợt, hoặc chút kết hợp nào đó của cả ba. Nhưng Kolya thì, ta nghĩ, không bao giờ hoàn toàn tin vào bất kỳ thứ gì trong đó. Tất cả mọi thứ về cuộc chiến tranh đều lố bịch: sự man rợ của bọn Đức, những luồng đạn vạch đường bắn chéo cánh sẽ sáng rực bầu trời đêm. Đối với anh ta thì tất cả dường như là câu chuyện của người khác, một câu chuyện chi tiết đến lạ lùng mà anh ta xỏ chân vào và giờ thì không thể nào thoát ra được.

“Biến đi không tao cắt mõm mày bây giờ,” lão chột vừa nói vừa nhai đuôi chiếc tẩu không châm của mình, tay để trên cán dao găm. Kolya chào và cất bước sang quầy bên cạnh, hơn hớn và thư thái như thể toàn bộ cuộc mua bán đã diễn ra dễ dàng và sạch sẽ. Ta đi theo sau, tim còn đập thình thịch trong lồng ngực.

“Chúng ta tập trung vào tìm trứng thôi,” ta nói. “Tại sao anh cứ phải đi khắp nơi chọc ghẹo mọi người vậy?”

“Tôi cần một hớp, tôi làm một hớp, và bây giờ tôi cảm thấy sống trở lại.” Anh ta hít một hơi thật sâu và thở ra qua cặp môi chu lại, ngắm nhìn hơi khói bốc lên không trung. “Lẽ ra cả hai đứa mình đều chết từ đêm qua rồi. Cậu có hiểu điều đó không? Cậu có hiểu là bọn ta may mắn thế nào không hả? Vì vậy cứ vui vẻ đi.”

Ta dừng lại ở quầy có một bà già nông dân đầu đội khăn đứng bán những miếng thịt màu xam xám. Kolya và ta nhìn chỗ thịt. Trông có vẻ khá tươi, bóng nhoáng mỡ, nhưng cả hai đều không muốn biết đó đã từng là con vật gì.

“Bà có quả trứng nào không?” ta hỏi bà già.

“Trứng à?” bà lão hỏi, nghiêng người lại để nghe cho rõ. “Từ tháng Chín đến giờ làm gì có.”

“Bọn cháu cần một tá,” Kolya nói. “Bọn cháu có thể trả giá cao.”

“Các cậu có trả một triệu rúp,” bà lão nói, “cũng chẳng có quả trứng nào đâu. Ở Piter thì không.”

“Vậy ở đâu?”

Bà lão nhún vai, những nếp nhăn chằng chịt trên mặt bà sâu đến nỗi nhìn như được chạm khắc. “Tôi có thịt. Các cậu muốn mua thịt thì ba trăm hai miếng. Không có trứng.”

Bọn ta đi từ quầy này sang quầy khác, hỏi tất cả mọi người xem họ có trứng không, nhưng không một ai ở Chợ Giời nhìn thấy quả nào từ tháng Chín đến giờ. Một vài người đưa ra giả thiết về các nơi có thể tìm thấy trứng: các sĩ quan cấp cao của quân đội có trứng được chở tới bằng máy bay từ Moscow; nông dân ở ngoài thành phố cung cấp trứng cho bọn Đức, cùng với bơ và sữa tươi, để đổi lấy mạng sống; một ông già sống ở gần Khải hoàn môn Narva nuôi gà trong một cái lồng trên sân thượng. Tin đồn cuối cùng này nghe rõ ràng là vô lý, nhưng thằng nhóc kể với chúng tôi quả quyết là đúng.

“Anh giết một con gà, có thể sẽ ăn được cả tuần. Nhưng nếu anh giữ nó sống, ừm, mỗi ngày một quả trứng, cùng với khẩu phần được cấp, anh sẽ qua được đến tận mùa hè.”

“Cậu sẽ phải cho gà ăn nữa chứ,” Kolya nói. “Ai mà có thức ăn cho gà bây giờ?”

Thằng nhóc, mái tóc đen xoăn của nó xòe ra bên dưới cái mũ lưỡi trai Hải quân Đế quốc Nga cũ, lắc đầu như thể đó là một câu hỏi ngớ ngẩn.

“Gà thì cái gì nó chả ăn. Một thìa mùn cưa, chúng chỉ cần có thế.”

Thằng nhóc bán thứ mà mọi người gọi là kẹo thư viện, được làm bằng cách xé bỏ những bìa sách, lột lớp hồ dán gáy ra đem luộc kỹ, và biến nó thành những cái thanh mà ta có thể gói vào giấy. Thứ đó có vị như sáp vậy, nhưng có protein trong lớp hồ, protein giữ cho con người ta sống, vậy là những cuốn sách của thành phố biến mất hệt lũ chim bồ câu.

“Và cậu đã nhìn thấy những con gà đó?” Kolya hỏi.

“Anh trai em nhìn thấy. Đến đêm, ông già đó gác chuồng gà với một khẩu súng săn. Tất cả mọi người trong tòa nhà đều thèm muốn những con gà đó.”

Kolya liếc nhìn ta và ta lắc đầu. Tất cả bọn ta ngày nào chẳng nghe cả chục chuyện hoang đường khác nhau về cuộc phong tỏa, câu chuyện về những tủ thịt bí mật chất đầy những tảng thịt bò đông lạnh, những kho thực phẩm xếp đầy hộp trứng cá và xúc xích thịt bê. Bao giờ cũng là anh trai hoặc anh họ của ai đó đã nhìn thấy kho báu. Mọi người tin vào những câu chuyện đó vì nó hợp với niềm xác tín của họ rằng ai đó, ở đâu đó, đang chè chén trong khi cả thành phố còn lại chết đói. Và họ nghĩ đúng, tất nhiên – con gái viên đại tá có lẽ không ăn tối với thịt ngỗng nướng, nhưng cô ta còn được ăn tối.

“Ông già đó không thể ở trên chuồng gà suốt ngày được,” tôi bảo thằng nhóc. “Ông ấy phải đi lấy khẩu phần chứ. Ông ấy phải đi lấy nước và đi vệ sinh. Chắc cả mấy tháng nay phải có người vồ lũ gà rồi.”

“Ông ấy đái từ trên sân thượng xuống. Còn khi phải giải quyết khoản kia, em không biết, có thể đó chính là thứ ông ấy cho lũ gà ăn.”

Kolya gật gù, có vẻ ấn tượng với cách thức rất thông minh của ông già để giữ cho bọn gà sống sót, mặc dù ta tin chắc rằng thằng nhóc đã bịa ra điều này khi môi nó mấp máy.

“Lần gần đây nhất cậu đi ỉa là bao giờ?” Kolya hỏi ta, một cách đột ngột.

“Tôi không biết. Chắc là một tuần rồi?”

“Còn tôi là chín ngày rồi. Tôi đếm mà. Chín ngày! Khi cuối cùng nó cũng xảy ra, tôi sẽ mở một bữa tiệc lớn và mời những cô nàng xinh đẹp nhất ở trường đại học.”

“Mời con gái đại tá nữa.”

“Tôi sẽ mời, nhất định rồi. Bữa tiệc cứt của tôi sẽ tuyệt hơn nhiều bữa tiệc cưới mà cô ấy đang chuẩn bị.”

“Bánh mì khẩu phần mới lúc chui ra đau lắm,” thằng bé tóc xoăn nói. “Bố em bảo là do chất cellulose người ta cho vào trong.”

“Bọn anh tìm ông già với lũ gà ở chỗ nào?”

“Em không biết địa chỉ. Nếu các anh bước về phía Stachek Prospekt từ Khải hoàn môn Narva, các anh sẽ đi qua tòa nhà của ông ấy. Có một tấm áp phích lớn của Zhdanov trên tường.”

“Có áp phích của Zhdanov trên cả nửa số tòa nhà ở Piter,” ta nói, bắt đầu thấy bực mình. “Ta sẽ phải đi bộ thêm ba cây số nữa để tìm một lũ gà không hề tồn tại sao?”

“Thằng bé không nói dối đâu,” Kolya vừa nói vừa vỗ vai thằng nhóc. “Nếu nó nói dối, bọn ta sẽ quay lại đây bẻ gãy ngón tay nó. Nó biết bọn ta là NKVD mà.”

“Các anh không phải là NKVD,” thằng nhóc nói.

Kolya lấy bức thư của đại tá từ túi áo khoác ra đập đập vào má thằng nhóc.

“Đây là thư của một đại tá NKVD giao nhiệm vụ cho bọn anh đi tìm trứng. Cậu thấy thế nào về điều đó?”

“Anh có cả một bức thư nữa từ Stalin, giao nhiệm vụ cho anh tự chùi đít mình chứ?”

“Ông ấy sẽ phải giao nhiệm vụ cho anh ỉa đã.”

Ta không ở lại đủ lâu để biết cuộc trò chuyện kết thúc thế nào. Nếu Kolya muốn lê la khắp thành phố tìm kiếm những con gà cổ tích ấy, đó là việc của anh ta, nhưng trời sắp tối và ta muốn về nhà. Đã hơn ba mươi tiếng đồng hồ nay ta không ngủ. Ta quay người bước về hướng Kirov, cố gắng nhớ xem ta đã nhét bao nhiêu bánh mì bên dưới viên gạch lát bị bong ra trong bếp. Có lẽ Vera có gì đó cho ta. Cô ta nợ ta sau cái cách cô ta bỏ chạy, không hề ngoảnh lại nhìn cho dù chính ta đã cứu cô ta. Ta chợt nhận ra rằng chắc hẳn Vera và mấy đứa kia nghĩ là ta đã chết. Ta tự hỏi không biết cô ta phản ứng như thế nào, cô ta có khóc không, vùi mặt vào ngực Grisha trong khi cậu ta vỗ về cô ta, hoặc có khi xô cậu ta ra, giận dữ, vì Grisha đã bỏ chạy, bỏ rơi cô ta, trong khi ta ở lại sau và cứu cô ta khỏi cái chết chắc. Còn Grisha thì nói, “Anh biết, anh biết, anh là đồ hèn, hãy tha thứ cho anh,” và cô ta sẽ tha thứ cho cậu ta, vì Vera tha thứ cho Grisha tất cả mọi chuyện, rồi cậu ta lau nước mắt cho cô ta, nói với cô ta rằng họ sẽ không bao giờ quên ta, sự hy sinh của ta. Nhưng tất nhiên là họ sẽ quên – trong vòng một năm thôi là họ sẽ không còn hình dung ra nổi khuôn mặt của ta nữa.

“Cậu kia. Cậu là người đi tìm trứng à?”

Mải đắm chìm trong màn tưởng tượng tủi thân, mất một lúc ta mới nhận ra câu hỏi đó là dành cho mình. Ta quay lại thì thấy một gã hộ pháp để râu quai nón đang chằm chằm nhìn mình, hai cánh tay khoanh lại trước ngực, nhún tới nhún lui trên gót ủng. Gã là người to lớn nhất ta từng nhìn thấy, cao hơn nhiều so với Kolya và ngực cũng rộng hơn. Hai bàn tay để trần của gã nhìn đủ bự để đập vỡ sọ ta ra như đập một quả óc chó. Bộ râu quai nón của gã dày và đen bóng như được chải dầu. Ta tự hỏi một người to lớn như thế sẽ cần tọng bao nhiêu thức ăn mỗi ngày, và bằng cách nào mà gã giữ được thịt trên cái khung xương khổng lồ ấy của gã.

“Ông có trứng à?” ta hỏi, mắt sáng rực nhìn gã.

“Cậu có gì cho tôi?”

“Tiền. Chúng tôi có tiền. Chờ đã, để tôi gọi bạn tôi.”

Ta chạy trở lại Chợ Giời. Lần đầu tiên kể từ khi gặp Kolya, ta sung sướng khi nhìn thấy cái đầu vàng hoe của anh ta. Anh ta vẫn đang đùa cợt với thằng bé tóc xoăn, có lẽ là đang miêu tả giấc mơ của anh ta về một bãi cứt hoành tráng.

“Xin chào, cậu ta kia rồi!” anh ta hét lên khi nhìn thấy ta. “Tôi tưởng cậu bỏ trốn đi mà không có tôi rồi.”

“Có một người bảo là ông ta có trứng đấy.”

“Tuyệt vời!” Kolya quay sang thằng nhóc. “Con trai, rất vui được gặp đấy.”

Bọn ta cuốc bộ trở lại lối ta đã đến, qua những quầy hàng lúc này đã đóng cửa nghỉ đêm. Kolya đưa cho ta một cái kẹo thư viện có gói giấy.

“Của cậu đây, bạn của tôi. Đêm nay chúng ta mở tiệc.”

“Thằng nhóc cho anh à?”

“Cho tôi ấy à? Nó bán cho tôi đấy.”

“Bao nhiêu?”

“Một trăm hai cái.”

“Một trăm!” Ta trợn mắt nhìn Kolya trong lúc anh ta bóc thanh kẹo của mình và cắn một miếng, nhăn mặt vì cái mùi vị. “Vậy là chúng ta chỉ còn lại ba trăm?”

“Đúng rồi. Số học rất ấn tượng.”

“Tiền đó là để mua trứng mà.”

“À thì chúng ta làm sao có thể đi săn trứng được nếu không có chút gì đó để giữ cho mình đứng vững.”

Gã râu quai nón đang chờ bọn ta ở rìa Chợ Giời, vẫn đứng khoanh tay. Gã chăm chú nhìn Kolya khi bọn ta lại gần, ước lượng anh ta giống cách một võ sĩ quyền Anh đánh giá đối thủ.

“Chỉ có hai người các cậu thôi à?”

“Thế ông cần bao nhiêu người bọn tôi?” Kolya hỏi lại, mỉm cười với gã hộ pháp. “Nghe nói là ông bán trứng.”

“Tôi bán tất cả mọi thứ. Các cậu có gì cho tôi?”

“Bọn tôi có tiền,” ta nói, khá chắc chắn là bọn ta đã nói qua chuyện này rồi.

“Bao nhiêu?”

“Đủ,” Kolya nói. “Bọn tôi cần một tá trứng.”

Gã râu quai nón huýt sáo. “Các cậu gặp may rồi. Tôi chỉ có ngần ấy.”

“Cậu thấy chưa?” Kolya vừa nói vừa chộp lấy vai ta. “Có khó khăn gì đâu.”

“Theo tôi nào,” gã hộ pháp vừa nói vừa băng qua đường.

“Chúng ta đi đâu đây,” ta hỏi trong lúc bọn ta đi theo.

“Tôi cất mọi thứ ở trong nhà. Ở ngoài này không an toàn. Lính tráng cứ vài ngày lại đến, cướp tất cả mọi thứ họ muốn, ai nói gì là bị chúng bắn ngay.”

“À thì những người lính đang ở ngoài kia bảo vệ thành phố,” Kolya nói. “Họ không thể chiến đấu được nếu chết đói.”

Tay hộ pháp liếc nhìn chiếc áo khoác quân đội của Kolya, đôi ủng cấp phát của anh ta.

“Thế tại sao cậu không chiến đấu bảo vệ thành phố?”

“Tôi đang đi làm nhiệm vụ cho một ông đại tá. Ông không có gì phải lo lắng cả.”

“Ông đại tá này cử cậu và anh chàng kia đi làm nhiệm vụ tìm mấy quả trứng, là thế à?” Gã hộ pháp nhăn nhở cười với bọn ta. Hàm răng gã lấp lóa như những con súc sắc không đánh dấu giữa bộ râu đen. Gã không tin Kolya, tất nhiên rồi. Ai mà tin được chứ?

Bọn ta đi dọc theo kênh Fontanka đóng băng, mặt băng rải rác những xác chết bị bỏ mặc, vài cái xác được phủ tấm vải liệm được giằng bằng đá, những xác chết khác đã bị lột bỏ quần áo ấm, bộ mặt trắng nhợt của họ ngửa lên nhìn chằm chằm bầu trời đang tối dần. Gió bắt đầu thức giấc khi đêm đến và ta nhìn mái tóc vàng dài của một phụ nữ đã chết tung ngang mặt bà ta. Đã có thời bà ta rất tự hào về mái tóc đó, gội hai lần mỗi tuần, chải cả hai mươi phút trước khi đi ngủ. Giờ thì mái tóc đó đang cố gắng bảo vệ bà ta, để che chắn sự thối rữa của bà ta khỏi mắt những người xa lạ.

Gã hộ pháp dẫn bọn ta đến một tòa nhà gạch năm tầng, tất cả các cửa sổ đều được đóng bít bằng gỗ ép. Một tấm áp phích khổng lồ, cao hai tầng nhà, miêu tả một người mẹ trẻ đang bế đứa con đã chết ra khỏi tòa nhà cháy. LŨ GIẾT TRẺ CON CHẾT ĐI! dòng chữ viết. Sau khi lục lọi trong túi áo khoác tìm chìa khóa, gã hộ pháp mở cánh cửa trước và giữ nó mở cho bọn ta. Ta túm lấy tay áo Kolya trước khi anh ta kịp vào trong.

“Tai sao ông không mang trứng xuống đây?” ta hỏi gã hộ pháp.

“Tôi còn sống vì tôi biết phải làm ăn như thế nào. Và tôi không làm ăn trên đường phố.”

Ta có thể cảm thấy bìu dái của mình săn lại, hai quả cà nhút nhát của ta nép sát vào cơ thể. Nhưng ta sinh ra và lớn lên ở Piter, ta không phải là một thằng ngốc, và ta nói mà cố giữ giọng bình thản.

“Tôi thì không làm ăn trong căn hộ của người lạ.”

“Các quý ngài, các quý ngài,” Kolya vừa nói vừa cười ngoác miệng. “Không cần phải đa nghi thế chứ. Một tá trứng. Ra giá đi.”

“Một nghìn.”

“Một nghìn rúp? Cho một tá trứng?” ta cười phá lên. “Chúng là trứng Fabergé[9] chắc?”

Gã hộ pháp râu đen, vẫn giữ cửa mở ngỏ, trừng mắt nhìn xuống ta. Ta ngừng cười.

“Đằng kia người ta bán những ly đất giá một trăm rúp,” gã bảo ta. “Cái nào hơn, một quả trứng hay một cốc đất?”

“Nghe này,” Kolya nói, “Ông có thể đứng ở đây cả ngày mà mặc cả với anh bạn Do Thái nhỏ của tôi, hoặc chúng ta có thể nói chuyện như những người đàn ông trung thực. Bọn tôi có ba trăm. Chúng tôi chỉ có ngần ấy. Đồng ý chứ?”

Gã hộ pháp vẫn gườm gườm nhìn ta. Gã vốn đã không ưa ta từ đầu; giờ đây khi đã biết ta là một người Do Thái ta có thể thấy là gã chỉ muốn lột da mặt ta. Gã chìa bàn tay khổng lồ ra cho Kolya, ra hiệu lấy tiền.

“À không, ở điểm này thì tôi phải đứng về phe bạn đồng hành của mình,” Kolya vừa nói vừa lắc đầu. “Trứng trước, tiền sau.”

“Tôi sẽ không mang chúng ra đây đâu. Tất cả mọi người đều đang chết đói và ai cũng có súng.”

“Ông to con kinh khủng thế này mà phải sợ cơ à,” Kolya châm chọc.

Gã hộ pháp nhìn Kolya với vẻ như tò mò, như thể gã không thể tin nổi rằng gã đang nghe thấy câu xúc phạm đó. Cuối cùng, gã mỉm cười, khoe hàm răng trắng như súc sắc.

“Có một người nằm úp mặt ở ngoài kia,” gã vừa nói vừa hất hàm về phía kênh Fontanka. “Không phải vì đói, không phải vì rét. Sọ của hắn bị đập vỡ bằng một hòn gạch. Các cậu có muốn hỏi tại sao mà tôi biết không?”

“Tôi hiểu ý ông,” Kolya nói, rất nhũn nhặn. Anh ta nhòm vào trong bóng tối của tiền sảnh tòa nhà. “Ừm, nói gì thì nói chứ, gạch vẫn nhanh hơn.”

Kolya vỗ vào lưng ta và bước vào trong.

Tất cả những gì ta biết mách bảo ta hãy bỏ chạy. Người đàn ông này đang dẫn bọn ta vào một cái bẫy. Chính hắn vừa mới thực sự khai báo mình là một tên sát nhân. Kolya đã ngu xuẩn thừa nhận chính xác bọn ta có bao nhiêu tiền trong người. Không nhiều nhặn gì, nhưng ba trăm rúp và hai cuốn sổ tem phiếu – thứ mà gã hộ pháp chắc hẳn đinh ninh bọn ta có là quá đủ để bị giết trong thời buổi này.

Nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác? Quay xuống Khải hoàn môn Narva và tìm một ông già cổ tích cùng cái chuồng gà của ông ta hay sao? Bọn ta đang đánh liều mạng sống của mình khi bước vào trong tòa nhà, nhưng nếu không sớm tìm được trứng thì đằng nào bọn ta cũng chết.

Ta đi theo Kolya. Cánh cửa đóng lại sau lưng bọn ta. Bên trong tối âm u, không có điện cho những cái bóng đèn và chỉ có ánh ngày rơi rớt hắt vào qua những khe hở trong lớp gỗ ép che cửa số. Ta nghe thấy tiếng gã hộ pháp đi phía sau mình và ta quỳ xuống một bên gối, sẵn sàng rút dao ra. Gã đi qua ta lên cầu thang, hai bước một. Kolya và ta liếc nhìn nhau. Khi Râu Đen đã khuất tầm mắt, ta rút con dao Đức ra đút vào trong túi áo khoác. Kolya nhướng mày, có lẽ lấy làm ấn tượng bởi hành động đó, hoặc có lẽ chế giễu ta. Bọn ta đi lên cầu thang, lê tùng bậc một. Vậy mà vẫn phải thở hổn hển khi lên đến tầng hai.

“Ông kiếm được trứng ở đâu ra?” Kolya hỏi, gọi với lên gã hộ pháp đã ở phía trên bọn ta cả một nhịp cầu thang. Gã khổng lồ leo cầu thang dễ như chơi. Gã và con gái viên đại tá là hai người sung sức nhất ta từng nhìn thấy ở Piter mấy tháng nay. Ta lại tự hỏi không biết gã lấy đâu ra sức.

“Tôi biết một tay nông dân, anh ta làm việc ở một nông trang gần Mga.”

“Tôi tưởng quân Đức chiếm Mga rồi.”

“Chúng chiếm rồi mà. Bọn Đức cũng thích trứng của họ. Ngày nào chúng cũng đến và vét tất cả những gì chúng tìm được, nhưng bạn tôi giấu được một ít. Không giấu được nhiều, nếu không chúng phát hiện ra ngay.”

Gã hộ pháp dừng lại trên tầng bốn và đập thình thình vào cửa một căn hộ.

“Ai đấy?”

“Anh đây,” gã nói. “Cùng với hai khách hàng.”

Bọn ta nghe thấy tiếng chốt cửa trượt lui và cánh cửa mở ra. Một người đàn bà đội mũ lông của đàn ông đeo cái tạp dề đồ tể lấm lem máu vừa hấp háy mắt nhìn Kolya và ta, vừa quệt mũi bằng mu bàn tay đi găng.

“Điều tôi băn khoăn là,” Kolya hỏi, “ông bà làm thế nào để giữ cho trứng không bị đông lại. Vì trứng mà bị đông thì chẳng ích lợi mấy cho bọn tôi, tôi e là thế.”

Mụ đàn bà nhìn Kolya như thể anh ta đang nói tiếng Nhật.

“Chúng tôi để chúng cạnh ấm samovar,” gã hộ pháp nói. “Đi nào, làm cho xong đi.”

Gã ra hiệu cho bọn ta vào trong căn hộ. Mụ đàn bà lặng lẽ tránh sang bên cho bọn ta qua và Kolya bước thẳng vào, tỉnh bơ nhìn quanh với một nụ cười như thể anh ta vừa mới được mời vào chỗ ở của cô bạn gái mới. Ta chờ ở cửa cho đến khi gã hộ pháp đặt tay lên vai ta. Nói cho đúng thì gã không hề đẩy ta, nhưng với một bàn tay to như thế thì lực tác động cũng chẳng khác gì.

Những chiếc đèn bấc thắp sáng căn hộ nhỏ và những cái bóng dài của bọn ta đổ lên tường, vắt ngang những tấm thảm sờn rách trên sàn, cái ấm samovar đồng ở góc, và một tấm vải trắng treo ở phía góc xa căn phòng – ngăn riêng một khu vực ngủ, ta đoán vậy. Khi gã hộ pháp đóng cửa, tấm vải căng phồng lên như váy của một người phụ nữ trong gió. Trong khoảnh khắc trước khi nó rũ xuống lại ta nhìn thấy những gì ở phía sau nó – không giường, không đồ đạc gì hết, chỉ là những tảng thịt trắng treo trên móc, treo bằng những dây xích nặng từ một ống sưởi, với tấm nhựa dưới sàn nhà để hứng thứ rỏ xuống. Có lẽ trong khoảng nửa giây đồng hồ ta nghĩ đó là thịt lợn, có thể não ta cố thuyết phục mắt ta rằng không phải chúng đang nhìn thấy những gì chúng nhìn thấy: một cái đùi đã lột da chỉ có thế là đùi của phụ nữ, một bộ xương lồng ngực trẻ con, một cánh tay cắt rời không còn ngón tay đeo nhẫn.

Con dao nằm trong tay ta trước khi ta kịp nhận ra là ta cần nó – thứ gì đó cử động phía sau ta và thế là ta quay ngoắt lại mà rạch, hét ầm lên, không thể thốt lên thành lời nào, cổ họng thít chặt. Gã hộ pháp đã rút một đoạn ống thép dài hơn ba tấc từ túi áo khoác ra; gã nhảy ra xa, quá nhanh nhẹn so với vóc dáng to lớn như thế, dễ dàng né được lưỡi thép Đức.

Vợ gã hộ pháp rút từ túi tạp dề ra một con dao phay. Mụ ta cũng nhanh, nhưng Kolya hóa ra lại là người nhanh nhất trong tất cả, vừa xoay trên chân sau vừa giáng cho mụ đàn bà một cú móc bằng tay phải vào hàm. Mụ đổ vật xuống sàn.

“Chạy đi,” Kolya nói.

Ta chạy. Ta tưởng cửa khóa, nhưng hóa ra không phải; ta tưởng cái ống nước của gã hộ pháp sẽ nện vỡ sọ ta, nhưng không phải; và ta đã ở bên ngoài hành lang, lao vọt xuống cầu thang, nhảy gần như cả một nhịp xuống thẳng chiếu nghỉ phía dưới. Ta nghe thấy một tiếng hét to cuồng nộ hoàn toàn không thành lời và tiếng rầm rầm của đế ủng đóng đinh sắt của gã hộ pháp nện trên ván sàn khi gã lao qua phòng. Ta đứng đó với bàn tay đặt trên hàng tay vịn, thở không ra hơi, không muốn chạy thêm nữa, không thể leo lại cầu thang tối om lên căn hộ của những kẻ ăn thịt người. Ta nghe thấy âm thanh khủng khiếp của thép đập vào sọ hoặc gỗ dán.

Ta đang phản bội Kolya, bỏ mặc anh ta khi anh ta không có một tấc sắt trong tay còn ta thì có một con dao tốt. Ta cố dồn ý chí nhúc nhắc đôi chân, đưa mình trở lại trận đánh, nhưng ta run cầm cập đến nỗi không thể nào giữ yên bàn tay cầm dao. Lại những tiếng thét, tiếng chan chát của ống nước đập vào cái gì? Vụn thạch cao từ trần nhà lả tả rơi xuống đầu ta. Ta co rúm người trên cầu thang, đinh ninh là Kolya đã đi tong rồi, đinh ninh là ta không thể nào chạy nhanh kịp để thoát khỏi gã hộ pháp – vợ gã sẽ róc thịt ta bằng vài cú chặt điệu nghệ với con dao phay nặng trịch đó, và chỉ trong giây lát thôi những bộ phận của ta sẽ treo lủng lẳng trên xích sắt trong khi những giọt máu cuối cùng của ta nhỏ xuống tấm nhựa.

Tiếng gào thét tiếp tục, những bức tường rung chuyển, Kolya chưa chết. Ta nắm con dao bằng cả hai tay và đặt một chân lên bậc thang trước mặt. Ta có thể lẻn vào trong căn hộ trong lúc tên ăn thịt người đó không để ý, cắm con dao vào lưng gã nhưng lúc này đối với ta lưỡi dao dường như thật mỏng manh, quá nhỏ để giết những tên khổng lồ. Nó sẽ chọc vào gã, làm chảy chút máu và gã sẽ quay lại, chộp lấy mặt ta, và bóp cho mắt ta phọt ra khỏi hộp sọ.

Ta bước thêm một bước nữa thì Kolya lao vọt ra khỏi căn hộ, đôi ủng của anh ta trượt miết trên sàn khi anh ta suýt nữa đã chạy qua cầu thang. Anh ta ngoặt lại, vừa lao người xuống cầu thang, vừa túm lấy cổ áo ta và lôi ta chạy theo.

“Chạy đi, thằng ngốc! Chạy!”

Bọn ta chạy, và cứ khi nào ta loạng choạng hoặc suýt vấp ngã trên một bậc thang trơn trượt là bàn tay của Kolya đã ở đó đỡ ta. Ta nghe thấy tiếng quát tháo phía trên, nghe thấy cái thân thể nặng nề quỷ dữ ấy nện uỳnh uỳnh xuống những bậc thang phía sau bọn ta, nhưng ta không lúc nào ngoảnh lại và ta chưa bao giờ chạy nhanh hơn thế. Giữa tất cả nỗi kinh hoàng đó, tiếng quát tháo và tiếng bước chân nện cùng tiếng gót ủng của bọn ta miết trên bậc thang gỗ, còn có một thứ khác nữa, một thứ kỳ quặc. Kolya đang cười.

Bọn ta ra được đến cửa trước của tòa nhà và lao ra đường phố tối om, bầu trời đêm đã bị những ánh đèn pha chiếu loang loáng rạch ngang dọc. Hai bên vỉa hè cũng vắng tanh; không có ai ở gần để giúp bọn ta. Bọn ta chạy ra giữa phố, lao một mạch qua ba khối nhà, ngoảnh lại nhìn qua vai để xem gã hộ pháp còn đuổi theo bọn ta không, nhưng không thấy gã đâu cả, không lúc nào giảm tốc độ. Cuối cùng bọn ta trông thấy một chiếc xe quân đội đang chạy qua và bọn ta lao ra chắn đường, giơ tay lên, buộc người lái xe phải đạp phanh, lốp xe trượt miết trên mặt đường đóng băng.

“Tránh đường ngay, bọn chó đẻ này!” người lái xe quát.

“Các đồng chí sĩ quan,” Kolya nói, hai bàn tay giơ lên, giọng bình tĩnh và với vẻ tự tin đáng sợ như mọi khi, “có những kẻ ăn thịt người trong tòa nhà đằng kia. Chúng tôi vừa thoát được chúng.”

“Tòa nhà nào chẳng có bọn ăn thịt người,” người lái xe nói. “Chào mừng đến Leningrad. Giờ thì tránh qua một bên.”

Một giọng nói khác bên trong xe cất lên, “Chờ một chút.” Một sĩ quan bước ra. Nhìn ông ta giống một giáo sư toán hơn là người của quân đội, bộ ria mép màu xám tỉa gọn và cái cổ gầy guộc. Ông ta chăm chú nhìn bộ quân phục của Kolya rồi nhìn thẳng vào mắt anh ta.

“Tại sao đồng chí không ở cùng trung đoàn của mình?” ông ta hỏi.

Kolya rút bức thư của viên đại tá trong túi áo ra đưa cho viên sĩ quan. Ta có thể thấy vẻ mặt của ông ta thay đổi. Ông ta gật đầu với Kolya và ra hiệu cho bọn ta vào trong xe.

“Chỉ cho chúng tôi đi.”

Năm phút sau Kolya và ta bước vào lại căn hộ của những kẻ ăn thịt người, lần này được hộ tống bởi bốn người lính chĩa những khẩu Tokarev vào các góc phòng. Ngay cả khi được những người có vũ khí bao quanh thì nỗi sợ hãi vẫn làm ta gần như chết ngộp. Khi ta nhìn thấy cái xương lồng ngực treo lủng lẳng trên xích sắt, cái đùi và cánh tay lột da, ta chỉ muốn nhắm tịt mắt lại và không bao giờ mở ra nữa. Những người lính, chai sạn đến thế, đã quen mang những thi thể nát bươm của đồng đội mình ra khỏi chiến trường, ngay cả họ cũng phải ngoảnh mặt khỏi những dây xích đang đung đưa.

Gã hộ pháp và vợ gã đã biến mất. Chúng đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ, những chiếc đèn dầu vẫn còn sáng, trà còn nóng trong ấm samovar, nhưng chúng đã biến mất vào màn đêm. Viên sĩ quan lắc đầu, liếc nhìn quanh căn hộ. Những cái lỗ hoang hoác trên tường như những cái miệng há ra nơi cái ống sắt đã nện vào.

“Chúng tôi sẽ đưa tên chúng vào danh sách, hủy tem phiếu của chúng, tất cả những việc đó, nhưng nếu chúng có bị bắt thì cũng là do ăn may thôi. Ngay lúc này chẳng còn mấy cảnh sát nữa.”

“Hắn trốn ở đâu được chứ?” Kolya hỏi. “Hắn là tên khốn to xác nhất ở Piter.”

“Vậy thì tốt hơn cả là cậu hãy hy vọng cậu nhìn thấy hắn trước,” một người lính nói, lần ngón tay dọc rìa nham nhở của cái lỗ thủng trên tường.

Bình luận