Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 15

Tác giả: David Benioff

Lara đưa bọn ta vào một phòng ngủ nhỏ ở phía sau ngôi nhà, nơi ta hình dung ra cảnh những người hầu vẫn ngủ trong thời của các Nga hoàng. Cô ta mang theo một bộ chân đèn bằng đồng với hai cây nến đã châm, rồi đặt lên cái bàn viết nhỏ. Những bức tường ốp ván thông không bài trí gì, cái giường tầng không có vải lót trên những tấm đệm, và ta suýt vấp ngã trên sàn nhà lồi lõm. Nhưng căn phòng cũng đủ ấm áp. Những cửa sổ hẹp bày ra khung cảnh là một kho dụng cụ đẫm ánh trăng và một cái xe cút kít nằm lật nghiêng trong tuyết.

Ta ngồi trên tấm đệm giường dưới và rê ngón tay qua một cái tên được khắc trên tường. ARKADIY. Ta tự hỏi không biết Arkadiy đã ở tại căn phòng này từ bao lâu về trước, và giờ thì ông ta đang ở đâu, một ông già đang run rẩy ở đâu đó trong đêm giá rét hoặc chỉ còn là những khúc xương trong nghĩa địa nhà thờ. Ông ta dùng dao rất giỏi, chữ ARKADIY của ông ta là một tác phẩm chạm trổ cầu kỳ trên gỗ đen, những nét nghiêng và uốn lượn, một nhát rạch mạnh mẽ gạch chân cái tên.

Lara và Kolya thống nhất với nhau một quy ước lấy thìa gõ vào bình cho phép cô ta thông báo cho bọn ta biết có bao nhiêu tên Đức xuất hiện cho màn giải trí lúc đêm muộn của chúng. Khi cô ta đi khỏi, Kolya rút khẩu súng ngắn của anh ta ra và bắt đầu tháo rời nó, xếp đặt ngay ngắn từng bộ phận trên cái bàn viết, vừa kiểm tra xem có hỏng hóc gì không vừa lấy ống tay áo sơ mi lau sạch chúng trước khi lắp lại như cũ.

“Anh đã bắn ai bao giờ chưa?” ta hỏi.

“Cái đó thì tôi không biết.”

“Thế nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là tôi đã bắn khẩu súng trường của mình hàng trăm lần rồi, có thể một viên đạn đã bắn trúng ai đó, tôi không biết.” Anh ta vỗ băng đạn vào lại báng khẩu súng tự động. “Lúc nào bắn Abendroth, tôi sẽ biết ngay.”

“Có lẽ chúng ta nên bỏ đi ngay lúc này.”

“Chính cậu là người muốn vào trong này còn gì.”

“Lúc đó chúng ta cần nghỉ ngơi. Chúng ta cũng cần đồ ăn nữa. Giờ thì tôi cảm thấy tốt hơn nhiều rồi.”

Anh ta quay sang nhìn ta. Ta đang ngồi trên giường, hai tay luồn dưới hai chân, cái áo choàng xòe rộng phía sau.

“Có thể có đến tám tên bọn chúng sắp đến,” ta nói. “Chúng ta có một khẩu súng.”

“Và một con dao.”

“Tôi không thể nào thôi nghĩ đến Zoya.”

“Tốt,” anh ta nói. “Cứ tiếp tục nghĩ đến cô ấy khi cậu cắm ngập dao vào bụng hắn.”

Anh ta ném cái áo choàng của mình lên đệm giường trên và hì hục trèo lên đó, ngồi khoanh chân với khẩu súng đặt bên cạnh. Anh ta rút cuốn sổ từ túi áo choàng của mình ra. Mẩu bút chì của anh ta đã ngắn cũn lại còn cỡ cái móng tay, nhưng anh ta vẫn nguệch ngoạc ghi chép với tốc độ như mọi khi.

“Tôi không nghĩ mình có thể làm được,” ta nói, sau một hồi im lặng rất lâu. “Tôi không nghĩ mình có thể cắm ngập dao vào bất kỳ ai.”

“Vậy thì tôi sẽ bắn hết bọn chúng. Đến bây giờ là bao lâu rồi nhỉ, mười một ngày rồi tôi chưa ỉa? Cậu nghĩ kỷ lục là bao nhiêu?”

“Có thể là lâu hơn thế nhiều.”

“Tôi tự hỏi cuối cùng đến lúc chui ra được thì trông nó sẽ như thế nào.”

“Kolya… tại sao chúng ta không bỏ đi thôi? Đưa những cô gái đi cùng và quay về thành phố. Chúng ta sẽ làm được. Họ có rất nhiều thức ăn mà chúng ta có thể mang theo. Chúng ta lấy lại sức rồi. Mang theo thêm ít chăn…”

“Nghe tôi nói này. Tôi biết cậu đang sợ. Cậu sợ là đúng thôi. Chỉ có một thằng ngốc mới bình tĩnh ngồi trong một ngôi nhà khi biết chắc là bọn Einsatzgruppen sắp đến. Nhưng đây là điều cậu vẫn chờ đợi lâu nay. Đêm nay chính là lúc. Chúng đang cố đốt trụi thành phố của chúng ta; chúng đang cố dồn cho chúng ta chết đói. Nhưng chúng ta giống như hai hòn gạch của Piter. Không ai đốt được gạch. Không ai khiến được gạch chết đói.”

Ta nhìn những ngọn nến leo lét trên giá, nhìn những cái bóng nhảy múa khắp trần nhà.

“Anh nghe cái đó ở đâu vậy?” cuối cùng ta hỏi anh ta.

“Cái gì cơ, những viên gạch ấy à? Tay trung úy của tôi. Sao chứ? Cậu không thấy bị thôi thúc à?”

“Kể mà không có phần đấy thì còn được.”

“Tôi thích những viên gạch, ‘Không ai đốt được gạch. Không ai khiến được gạch chết đói.’ Nghe hay chứ. Có vần điệu rất hay.”

“Cũng chính là ông trung úy đã đạp phải quá mìn đấy à?”

“Ừ. Tội nghiệp ông ấy. Chậc, hãy quên chuyện những viên gạch đi. Tôi hứa với cậu, chú sư tử con, chúng ta sẽ không chết ở ngoài đây đâu. Chúng ta sẽ giết vài thằng Quốc xã và chúng ta sẽ tìm được những quả trứng đó. Tôi có chút máu Gypsy trong mình; tôi nhìn thấy tương lai đấy.”

“Anh chẳng có tí máu Gypsy nào hết.”

“Và tôi cam đoan là đại tá sẽ mời chúng ta đến dự đám cưới con gái ông ta.”

“Ha. Anh yêu cô ta.”

“Đúng thế. Tôi tin là mình thực sự yêu cô gái ấy. Nhiều khả năng cô ta cũng chỉ là loại khốn kiếp ngu ngốc, nhưng tôi yêu cô ấy. Tôi muốn cưới cô ấy và cô ấy không bao giờ phải nói một lời nào. Cô ấy không phải nấu nướng cho tôi; cô ấy không cần phải đẻ con cho tôi. Chỉ việc khỏa thân trượt băng trên sông Neva, tôi chỉ muốn thế thôi. Làm một cú xoay nhỏ phía trên mồm tôi là được.”

Trong mấy giây anh ta giúp ta quên đi được nỗi sợ hãi, nhưng nó không lúc nào bỏ đi lâu. Ta không nhớ nổi là có lúc nào ta không sợ, nhưng đêm ấy nó xuất hiện mạnh mẽ hơn cả từ trước đến giờ. Quá nhiều viễn cảnh làm ta kinh hoàng. Nào là viễn cảnh nhục nhã, lại co rúm ró đúng lúc cần phải hành động trong khi Kolya chiến đấu với bọn Đức – chỉ có điều lần này, ta biết anh ta sẽ chết. Nào là viễn cảnh đau đớn, chịu đựng qua kiểu tra tấn mà Zoya đã phải chịu đựng, những răng cưa nghiến qua da, qua cơ bắp và xương ta. Rồi còn cả viễn cảnh tuyệt vời là cái chết nữa chứ. Ta không bao giờ hiểu nổi những người nói rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là nói trước đám đông, hoặc nhện, hay bất kỳ nỗi sợ hãi vặt vãnh nào khác. Làm sao cháu có thể sợ bất kỳ điều gì hơn cái chết cơ chứ? Tất cả mọi thứ khác đều còn có đường thoát: một người bị liệt vẫn có thể đọc Dickens; một người khổ sở vì bị mất trí vẫn có thể có những khoảnh khắc đẹp đến lạ lùng.

Ta nghe tiếng lò xo giường kẽo kẹt và ngước lên nhìn thấy Kolya đang cúi xuống qua mép đệm giường trên, khuôn mặt lộn ngược của anh ta nhòm xuống ta, mái tóc vàng của anh ta lòa xòa rủ xuống từng lọn bẩn thỉu. Nhìn như thể anh ta đang lo lắng về ta, và bỗng nhiên ta cảm thấy chỉ muốn òa khóc. Người duy nhất còn lại biết ta đang sợ hãi đến nhường nào, người duy nhất biết ta vẫn còn sống và ta có thể chết đêm nay, là một tên đào ngũ ba hoa ta mới gặp ba đêm trước, một kẻ xa la, một đứa con Cossack, người bạn cuối cùng của ta.

“Cái này sẽ làm cậu phấn chấn lên,” anh ta vừa nói vừa thả một bộ bài vào lòng ta.

Nhìn chúng cũng giống như những quân bài chơi bình thường cho đến khi ta lật chúng lên. Mỗi quân là ảnh chụp một phụ nữ khác nhau, một số khỏa thân, một số thì mặc váy nịt vớ ren và corset đăng ten, những bộ ngực phì nhiêu của họ thồn thộn trên những bàn tay khum lại, cặp môi hơi hé mở trước ống kính.

“Tôi tưởng tôi phải thắng cờ anh mới có được cái này.”

“Nhẹ nhàng với cái đó nào, nhẹ nhàng thôi. Đừng có làm quăn góc. Mãi tận bên Marseille mang về đấy.”

Anh ta nhìn ta tráo qua những quân bài khỏa thân, mỉm cười khi thấy ta săm soi kỹ hơn một số người mẫu.

“Còn những cô gái ở đây thì sao nhỉ? Bốn người đẹp. Sau đêm nay chúng ta sẽ là những anh hùng, cậu có nhận thấy không hả? Họ sẽ chết mê chết mệt vì bọn ta cho mà xem. Thế cậu muốn em nào đây?”

“Sau đêm nay chúng ta sẽ chết.”

“Nói thật nhé, bạn của tôi, nói thật là cậu phải thôi nói chuyện kiểu này đi mới được.”

“Tôi nghĩ tôi thích cô nhỏ nhỏ có cánh tay mũm mĩm ấy.”

“Galina ấy à? Không sao. Nhìn cô ấy không khác gì một con bê non, nhưng không sao, tôi hiểu.”

Anh ta im lặng một lúc trong khi ta chăm chú nhìn một bức ảnh chụp người phụ nữ ở trần mặc quần cưỡi ngựa, đang quất một cây roi da.

“Nghe này, Lev, đêm nay sau khi chuyện này kết thúc, hãy hứa với tôi là cậu sẽ nói chuyện với nàng bê bé bỏng của cậu. Đừng có bỏ chạy như cái bản chất nhút nhát của cậu. Tôi rất nghiêm túc về chuyện này đấy. Cô ấy thích cậu. Tôi đã thấy cô ấy nhìn cậu mà.”

Ta biết rõ mồn một là Galina không hề nhìn ta. Cô ta đã nhìn Kolya, giống như tất cả họ đều nhìn, như anh ta cũng biết rõ.

“Chuyện gì xảy ra với phớt lờ có tính toán rồi? Anh chẳng bảo là theo Con chó săn trong sân, bí quyết để chinh phục một phụ nữ là…”

“Có sự khác biệt giữa phớt lờ một phụ nữ và quyến rũ cô ấy. Cậu quyến rũ cô ấy bằng sự bí hiểm. Cô ấy muốn cậu theo đuổi mình, nhưng cậu cứ đi vòng vòng. Cả chuyện ân ái cũng thế. Những kẻ nghiệp dư tụt quần xuống và ấn vào trong đó như thể chúng đang xiên cá vậy. Nhưng người đàn ông có tài thì lại biết chuyện này là phải đùa cợt, đuổi vòng vòng, áp sát vào rồi lại ngãng ra.”

“Em này đẹp này,” ta vừa nói, vừa giơ lên một quân bài chụp một người phụ nữ tạo dáng như một võ sĩ đấu bò, tay cầm một tấm vải đỏ và không mang gì ngoài một chiếc mũ montera.

“Đó là cô nàng yêu thích của tôi đấy. Hồi bằng tuổi cậu, chắc tôi đã tọng đầy hai chục cái tất khi ngắm nhìn cô ấy.”

“Báo Sự thật Thiếu niên Tiền phong bảo là thủ dâm làm thui chột tinh thần chiến đấu.”

“Không nghi ngờ gì. Nhưng như Proudhon đã nói…”

Ta không bao giờ biết được là Proudhon đã nói gì. Hai tiếng keng keng của một cái thìa đồng gõ vào một cái ấm đồng cắt ngang lời Kolya. Cả hai bọn ta đều ngồi bật dậy trên giường.

“Chúng đến sớm,” anh ta thì thào.

“Chỉ có hai thằng.”

“Chúng chọn nhầm đêm để du hý ít người rồi.” Đúng lúc những từ đó còn đang lơ lửng trong không trung thì cái thìa lại gõ vào ấm một, hai, ba, bốn lần.

“Sáu,” ta thì thầm.

Kolya vung chân qua mép đệm và hạ mình êm ru xuống sàn nhà, khẩu súng ngắn trong tay. Anh ta thổi tắt nến và hé mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng bọn ta đang ở phía khuất nẻo của ngôi nhà và chẳng có gì để mà nhìn. Bọn ta nghe thấy tiếng cửa xe đóng rầm rầm.

“Chúng ta sẽ làm thế này,” anh ta bảo ta, giọng anh ta trầm và bình tĩnh. “Chúng ta chờ đợi. Cứ để chúng thư giãn, sưởi ấm, uống vài ly. Chúng sẽ cởi bỏ quần áo, may ra thì chúng sẽ không ở gần những khẩu súng của mình. Nhớ nhé, chúng không đến đây để đánh nhau. Chúng đến đây để hưởng khoái lạc, để đánh chén những cô gái. Cậu nghe chứ? Chúng ta có lợi thế.”

Ta gật đầu. Bất chấp những gì anh ta nói, phép tính này dường như vẫn quá tệ đối với ta. Sáu tên Đức và hai bọn ta. Liệu mấy cô gái có cố giúp bọn ta không? Họ đã không hề động một ngón tay vì Zoya, nhưng mà họ có thể làm được gì cho Zoya chứ? Sáu tên Đức và tám viên đạn trong khẩu Tokarev. Ta hy vọng Kolya là một tay thiện xạ. Nỗi sợ hãi hoành hành trong ta, như điện, làm cơ bắp ta giật giật và miệng ta khô khốc. Ta cảm thấy tỉnh táo hơn bao giờ hết, như thể khoảnh khắc này, trong ngôi nhà nông trang bên ngoài Berezovka, là khoảnh khắc thật sự đầu tiên của cuộc đời ta và tất cả những gì diễn ra trước đó là một giấc ngủ đầy mộng mị. Các giác quan của ta dường như căng ra, phi thường, ứng phó với cơn khủng hoảng bằng cách cung cấp cho ta tất cả những thông tin cần thiết. Ta có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của đế ủng trên tuyết cứng. Ta có thể ngửi thấy mùi lá thông cháy trong lò sưởi, cái mẹo lâu đời để xông hương cho ngôi nhà.

Tiếng súng trường làm bọn ta giật bắn mình. Bọn ta đứng lặng im trong bóng tối, cố gắng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Sau vài giây, mấy khẩu súng trường nữa hòa cùng khẩu đầu tiên. Bọn ta nghe thấy tiếng bọn Đức quát tháo với nhau, hoảng sợ, giọng loạn xạ.

Kolya lao tới của. Ta muốn bảo anh ta chờ đã, rằng bọn ta có một kế hoạch và kế hoạch đó yêu cầu phải chờ đợi, nhưng ta không muốn ở một mình trong đó trong khi những khẩu súng trường đang nổ bên ngoài và bọn Đức gào thét những từ bẩn thỉu của chúng.

Bọn ta chạy ra căn phòng lớn và thụp người xuống sàn nhà khi một viên đạn phá toang qua một ô cửa sổ. Cả bốn cô gái đều đã nằm sấp bụng trên sàn nhà, cánh tay quàng che mặt để bảo vệ mình khỏi mảnh kính vỡ.

Ta đã sống trong một cuộc chiến tranh cả nửa năm nay, nhưng ta chưa bao giờ ở gần một cuộc đấu súng đến thế và ta cũng không biết ai đang đánh nhau. Ta có thể nghe thấy tiếng khạc liên hồi của những khẩu súng máy đang bắn ngay bên ngoài ngôi nhà. Những tiếng súng trường có vẻ như vọng lại từ đằng xa, có lẽ là từ phía bìa rừng. Đạn găm vào những bức tường đá của ngôi nhà.

Kolya bò tới chỗ Lara và huých cô ta.

“Ai đang bắn chúng vậy?”

“Tôi không biết.”

Bên ngoài bọn ta nghe thấy một động cơ xe khởi động. Cửa đóng rầm và chiếc xe tăng tốc, lốp xe quay tít trong tuyết. Lúc này những khẩu súng trường nổ dồn hơn, phát này chồng lên phát kia, đạn xé toang qua vỏ thép, một âm thanh khác hẳn tiếng đạn va vào đá.

Kolya nhổm lên lom khom men tới cửa trước, cúi thấp đầu dưới mép cửa sổ. Ta làm theo. Bọn ta quỳ dựa lưng vào cửa. Kolya kiểm tra khẩu súng ngắn lần cuối. Ta rút con dao Đức ra khỏi bao ở mắt cá chân. Ta biết trông mình thật ngu ngốc khi cầm nó, kiểu như một thằng nhóc cầm dao cạo của bố nó vậy. Kolya nhăn nhở nhìn ta như thể anh ta sắp sửa cười ầm lên. Tất cả chuyện này thật lạ lùng, ta nghĩ. Ta đang ở giữa một trận đánh và ta ý thức rõ những suy nghĩ của mình, ta lo lắng về việc trông mình ngớ ngẩn như thế nào với một con dao trên tay trong lúc tất cả những người khác ra trận với súng trường và súng máy. Ta ý thức là mình đang tỉnh táo. Ngay cả lúc này, với những viên đạn rít chíu chíu qua không khí như những con ong vò vẽ giận dữ, ta vẫn không thể nào thoát khỏi màn huyên thuyên trong đầu mình.

Kolya đặt tay lên nắm cửa và xoay nó từ từ.

“Chờ đã,” ta nói. Bọn ta đứng thật yên trong vài giây. “Yên rồi.”

Tiếng súng đột ngột ngừng. Động cơ xe vẫn nổ rì rì, nhưng ta không nghe thấy tiếng bánh xe quay. Giọng bọn Đức cũng đã câm lặng đột ngột như tiếng súng. Kolya liếc nhìn ta và từ từ mở cửa ra, chỉ vừa đủ để nhòm qua. Mặt trăng đã lên cao và rất tỏ, soi sáng khung cảnh ác liệt: những tên Einsatzkommandos mặc áo choàng trùm đầu trắng nằm rải rác sấp mặt trong tuyết và một chiếc Kübelwagen đang chầm chậm lăn bánh dọc theo lối đi mấp mô, cửa sổ bị bắn vỡ nát, phần động cơ nghi ngút khói. Tên bị giết trên ghế cạnh người lái để vắt nửa người qua cửa sổ, những ngón tay còn quấn chặt quanh khẩu tiểu liên. Chiếc Kübel thứ hai, đậu chéo một góc đầy vênh váo cạnh ngôi nhà, còn chưa kịp nhúc nhích lúc nào. Hai tên Đức nằm giữa nó và ngôi nhà, sọ chúng túa ra thứ nhầy nhầy đen sẫm lên mặt tuyết. Ta chỉ có vừa đủ thời gian để nhận ra sự chi li của những phát súng, khả năng bắn chính xác phi phàm của tay bắn tỉa, thì một viên đạn bay qua khoảng trống giữa đầu Kolya và đầu ta, bật tưng trong không khí như một sợi dây đàn đứt.

Cả hai bọn ta đều bật ngược vào trong và Kolya lấy chân ủng đạp cửa đóng sầm lại. Anh ta khum hai bàn tay bên miệng và quát to về phía ô cửa sổ vỡ toang cạnh cửa trước.

“Chúng tôi là người Nga! Này! Này! Chúng tôi là người Nga!”

Trong vài giây chỉ thấy lặng như tờ, trước khi một giọng nói từ xa đáp lại: “Tao lại thấy bọn mày giống lũ Đức khốn kiếp!”

Kolya bật cười, đấm vào vai ta vì sung sướng.

“Tôi tên là Nikolai Alexandrovich Vlasov!” anh ta hét về phía cửa sổ. “Nhà ở Engels Prospekt!”

“Tên đấy thì có mà đầy! Thằng Quốc xã nào chỉ cần học vài năm tiếng Nga cũng nghĩ ra được!”

“Engels Prospekt!” một giọng khác quát lên. “Thành phố chết tiệt nào ở cái nước này mà không có một Engels Prospekt chứ.”

Vẫn cười chưa thôi, Kolya túm lấy áo khoác của ta mà lay, chẳng vì lý do gì hết ngoài việc nồng độ adrenaline trong máu anh ta đang tăng vọt, anh ta còn sống và sung sướng thế nên anh ta cần phải lắc cái gì đó. Anh ta bò lại gần hơn cửa sổ vỡ, vòng qua những mảnh kính vỡ trên sàn nhà.

“Cái lờ mẹ anh có dạng ống quái đản!” anh ta gào lên. “Ấy thế mà tôi vẫn khoan thứ được cái mùi chồn hôi và nhiệt tình liếm láp những nếp môi trong của nó bất kỳ lúc nào bà ấy đòi hỏi đấy.”

Một khoảng im lặng kéo dài sau câu này, nhưng Kolya không có vẻ gì là lo lắng. Anh ta vừa cười khoái trá vì câu nói đùa của mình, vừa nháy mắt với ta như một tay cựu binh của cuộc chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ đang chửi nhau với đám bạn trong nhà tắm.

“Câu đó thì sao nào?” anh ta gào toáng lên nói thêm. “Các anh tưởng bất kỳ ai học vài năm tiếng Nga cũng nghĩ ra được câu đó sao?”

“Mày đang nói đến mẹ ai trong số bọn tao hả?” Cái giọng lúc này nghe đã gần hơn.

“Không phải của cái người bắn giỏi nhường ấy. Một trong số các anh thật là thiên tài với khẩu súng trường.”

“Mày có súng trên người chứ?” giọng nói bên ngoài hỏi.

“Một khẩu súng ngắn Tokarev.”

“Còn tên bạn nhỏ của mày?”

“Chỉ có một con dao.”

“Cả hai thằng mày bước ra ngoài. Giơ tay cao lên không thì bạn tao đây sẽ bắn rụng những hòn dái bé xíu của tụi mày đấy.”

Lara và Nina đã bò vào tiền sảnh trong lúc cuộc nói chuyện diễn ra, những chiếc váy ngủ của họ lấp loáng những mẩu thủy tinh từ kính cửa sổ bị bắn vỡ toang.

“Họ giết chúng rồi à?” Nina thì thào.

“Cả sáu thằng,” ta bảo cô ta. Ta ngỡ các cô gái sẽ vui, nhưng khi nghe thấy tin đó họ trao cho nhau những cái nhìn lo lắng. Cuộc sống của họ suốt mấy tháng qua lúc này đã chấm dứt. Họ sẽ phải chạy trốn mà không biết bữa ăn tiếp theo của mình sẽ ở đâu ra hoặc họ sẽ ngủ ở đâu. Hàng triệu người Nga cũng có thể nói như thế, nhưng mọi chuyện đối với những cô gái này còn tồi tệ hơn. Nếu bị bọn Đức bắt lại được, họ sẽ còn phải chịu đựng kinh khủng hơn cả Zoya.

Đúng lúc Kolya với tay ra nắm cửa, Lara đặt tay lên chặn anh ta, bắt anh ta chờ trong giây lát.

“Đừng,” cô ta nói. “Họ sẽ không tin anh đâu.”

“Tại sao họ lại không tin tôi chứ? Tôi là một chiến sĩ Hồng quân cơ mà.”

“Vâng, còn họ thì không. Chẳng có đơn vị Hồng quân nào trong phạm vi ba mươi cây số quanh đây cả. Họ sẽ nghĩ anh là một kẻ đào ngũ.”

Anh ta mỉm cười và đặt tay lên tay cô.

“Cô có thấy trông tôi giống một kẻ đào ngũ không? Đừng lo. Tôi có giấy tờ mà.”

Giấy tờ chẳng gây ấn tượng gì với Lara. Trong lúc Kolya lại với tay về phía tay nắm cửa, cô ta nép lại gần hơn cửa sổ bị vỡ.

“Cám ơn các đồng chí đã cứu chúng tôi.” cô ta nói to. “Hai người trong này là bạn của chúng tôi! Làm ơn đừng bắn họ!”

“Cô nghĩ tôi mà lại trượt được cái đầu tóc vàng béo ị của hắn nếu tôi muốn bắn hắn hay sao? Bảo cái tên hề đó ra ngoài.”

Kolya mở cửa và bước ra ngoài, hai tay giơ cao lên trời. Anh ta nheo mắt nhìn qua tuyết, nhưng các tay súng vẫn ở ngoài tầm nhìn.

“Bảo cả cái thằng nhỏ kia ra đây nữa.”

Lara và Nina có vẻ hoảng sợ thay cho ta, nhưng Lara gật đầu, nói với ta kèm theo một cái gật đầu đầy khích lệ rằng sẽ không sao đâu. Ta vụt cảm thấy một thoáng tức giận nhằm vào cô gái: Tại sao cô ta không thể bước ra ngoài? Tại sao họ phải có mặt ở đây làm gì chứ? Nếu như ngôi nhà mà bỏ trống thì Kolya và ta đã có thể ngủ qua đêm và lên đường vào sáng mai, khỏe khoắn và khô ráo. Ý nghĩ đó vụt qua đầu ta, rồi tiếp ngay tức thì là nỗi ân hận vì sự vô lý của nó.

Nina bóp chặt tay ta và mỉm cười với ta. Cô ta hẳn nhiên là cô gái xinh xắn nhất từng mỉm cười với ta trước giờ. Ta hình dung ra việc tả lại cảnh này cho Oleg Antokolsky: bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo của Nina bóp chặt tay ta, cặp lông mi nhạt màu của cô chớp chớp khi cô nhìn ta, lo lắng cho sự an toàn của ta. Thậm chí cả khi khoảnh khắc ấy qua rồi ta vẫn còn đang kể lại nó cho bạn mình, quên bẵng mất rằng Oleg có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nghe câu chuyện, rằng nhiều khả năng là cậu ta đã nằm chôn vùi dưới đống đổ nát trên phố Voinova.

Ta cố mỉm cười đáp lại Nina, thất bại, và bước ra ngoài cửa với hai tay giơ lên trời. Từ khi chiến tranh bắt đầu ta đã đọc hàng trăm câu chuyện về những người anh hùng của đất nước trong chiến đấu. Tất cả họ đều không chịu nhận mình là anh hùng. Họ là những công dân trung thực của Tổ quốc, bảo vệ đất mẹ khỏi lũ phát xít cưỡng bức. Khi được hỏi trong các cuộc phỏng vấn tại sao họ lại xông lên lô cốt, hoặc trèo lên một chiếc xe tăng để thả lựu đạn xuống qua nắp xe, tất cả đều trả lời rằng họ thậm chí còn không nghĩ về điều đó, họ cứ thế làm những gì mà bất kỳ người Nga nào khác cũng sẽ làm.

Vậy ra là những anh hùng và những kẻ dễ ngủ đều có khả năng tắt bụp suy nghĩ của họ lúc cần thiết. Lũ hèn nhát và bọn mất ngủ, cánh ta, thì khổ sở với bộ não suốt ngày huyên thuyên. Khi bước ra ngoài cánh cửa, ta nghĩ, Mình đang đứng ở sân trước của một ngôi nhà nông trang bên ngoài Berezovka và quân du kích đang chĩa súng vào đầu mình.

Cứ nhìn vào nụ cười toe toét trên mặt Kolya thì biết anh ta chẳng nghĩ ngợi gì hết. Bọn ta đứng cạnh nhau trong lúc những kẻ thẩm vấn giấu mặt xem xét bọn ta. Áo choàng của bọn ta đang ở trong nhà và bọn ta run cầm cập trong không khí ban đêm, cái rét căm căm thấu xương.

“Hãy chứng minh anh là người bên ta.” Giọng nói dường như vọng tới từ bên cạnh một trong những đống cỏ khô phủ tuyết, và khi mắt đã quen với ánh sáng ta có thể nhìn thấy một người đàn ông quỳ trong bóng tối, một khẩu súng trường tì vào vai. “Hãy bắn vào đầu mỗi thằng Đức.”

“Thế thì đâu phải thử thách gì,” Kolya nói. “Chúng chết rồi mà.”

Khả năng của thằng cha này trong việc biến một tình thế tồi tệ trở nên cam go hơn không còn khiến ta ngạc nhiên nữa. Có lẽ một anh hùng là người không nhận ra sự mong manh của chính mình. Vậy thì lẽ nào lòng can đảm là khi ta quá nông nổi không biết rằng mình chỉ là người trần mắt thịt?

“Chúng tôi vẫn còn sống,” người du kích trong bóng tối nói, “Vì chúng tôi bắn chúng cả khi chúng tôi nghĩ là chúng đã chết.”

Kolya gật đầu. Anh ta bước tới chiếc Kübel đang nổ máy, cuối cùng thì nó cũng đã dừng khựng lại, lốp của nó vùi dưới cả mét tuyết.

“Chúng tôi đang theo dõi anh đấy,” người du kích cảnh báo. “Mỗi cái đầu một viên đạn.”

Kolya bắn tên lái xe và tên hành khách đã chết, nòng súng lóe lửa trong đêm như camera của một thợ chụp ảnh. Anh ta quay người và bước qua tuyết, dừng lại để bắn những tên Đức đang nằm với những trò tạo dáng kỳ cục của chúng.

Đến tên thứ sáu, trong lúc dừng lại để gí khẩu súng vào sọ tên Einsatzkommandos trúng đạn, anh ta nghe thấy gì đó. Anh ta quỳ gối xuống và lắng nghe một hồi trước khi đứng lên và gọi to.

“Tên này vẫn còn sống.”

“Đó là lý do tại sao anh sẽ bắn hắn.”

“Biết đâu hắn có thể khai ra thứ gì đó. có ích với chúng ta.”

“Nhìn hắn có giống với kẻ còn nói được không?”

Kolya lật ngửa tên Đức lên. Hắn rên khe khẽ. Bọt hồng trào lên khỏi mồm hắn.

“Không,” Kolya nói.

“Đó là vì chúng tôi đã bắn nát phổi hắn. Giờ thì hãy ban ơn huệ và kết liễu hắn đi.”

Kolya đứng lên, ngắm súng, và bắn vào trán kẻ đang hấp hối.

“Cho súng của anh vào bao.”

Kolya làm như được ra lệnh và những người du kích từ chỗ nấp ló ra, bước từ sau những đống cỏ khô ra, trèo qua tường rào đá thấp ngăn những thửa ruộng, lội qua tuyết ở bìa rừng. Hơn chục người mặc áo choàng dài, súng trường trên tay, hơi thở bốc lên lơ lửng trên đầu khi họ tiến lại gần ngôi nhà.

Hầu hết trong số họ nhìn như nông dân, mũ lót lông kéo sụp ngang mày, những bộ mặt bè ngang và dữ dằn. Chẳng có quân phục thống nhất nào. Một số đi ủng da Hồng quân, những người khác đi ủng nỉ xám; một số mặc áo choàng màu hung, những người khác mặc áo xám. Một người mặc thứ nhìn như áo choàng trắng ngụy trang mùa đông của lính trượt tuyết Phần Lan. Đi đầu là một người đàn ông mà ta đoán là chỉ huy của họ, bộ râu quai nón cả tuần không cạo làm tối sầm cằm anh ta, một khẩu súng săn cũ đeo trên vai. Về sau bọn ta biết họ anh ta là Korsakov. Nếu như anh ta có tên riêng và tên đệm thì bọn ta cũng không bao giờ nghe thấy. Vả lại Korsakov cũng chưa chắc đã là tên thật của anh ta – dân du kích vốn khét tiếng cảnh giác về nhân thân của mình, với lý do hoàn toàn xác đáng. Bọn Einsatzkommandos đáp trả sự chống cự của người dân địa phương bằng cách hành hình công khai gia đình của những người kháng chiến đã bị lộ.

Korsakov và hai đồng chí của anh ta lại gần bọn ta trong lúc những người du kích khác lục soát những tên Đức chết, lấy đi súng ngắn tiểu liên và đạn, thư từ cùng bình rượu và đồng hồ đeo tay của chúng. Người đàn ông mặc đồ trượt tuyết quỳ xuống cạnh một thi thể và cố tháo một cái nhẫn cưới bằng vàng khỏi ngón tay đeo nhẫn của cái xác. Khi mãi không rút ra được, người du kích bèn đút ngón tay đó vào miệng mình. Anh ta nhận ra ta đang nhìn chằm chằm và nháy mắt, rút ngón tay ướt ra khỏi môi mình và lôi tuột cái nhẫn ra.

“Đừng lo về họ,” Korsakov nói, khi anh ta nhận ra cảnh mà ta đang nhìn. “Hãy lo về tôi đây này. Tại sao hai anh lại ở đây?”

“Họ tới đây để tổ chức lực lượng du kích,” Nina nói. Cô ta và Lara đã bước chân trần ra khỏi nhà, tay ôm quanh người, gió thổi tung tóc của họ.

“Thật vậy sao? Nhìn chúng tôi vô tổ chức lắm à?”

“Họ là những người bạn. Họ đang định giết những tên Đức nếu các anh không xuất hiện.”

“Thật à? Tốt quá nhỉ.” Anh ta quay đi khỏi cô ta và cất tiếng gọi những người du kích đang lục soát mấy xác chết trong xe. “Chúng ta có gì đây?”

“Cá nhỏ,” một người du kích để râu hét trả lời, tay cầm cái phù hiệu anh ta vừa lột khỏi cổ áo tên sĩ quan. “Mấy thằng thiếu úy, trung úy[21]….”

Korsakov nhún vai và hướng ánh nhìn chằm chằm trở lại Nina, săm soi cặp đùi và hình dáng cặp hông của cô ta bên dưới chiếc váy ngủ.

“Quay vào trong,” anh ta bảo cô ta. “Mặc quần áo vào. Bọn Đức chết rồi; cô có thể thôi làm đĩ được rồi đấy.”

“Anh đừng có gọi tôi như thế.”

“Tôi sẽ gọi cô như thế nào tùy thích. Quay vào trong.”

Lara cầm tay Nina và kéo cô ta quay vào trong nhà. Kolya nhìn họ đi khỏi và quay sang người chỉ huy du kích.

“Đồng chỉ thật không phải.”

“Tôi không đồng chí gì với anh hết. Mà nếu không nhờ có tôi thì ngay lúc này họ đã chẳng bị mấy con cu Đức xiên thấu nửa người rồi ấy chứ.”

“Khác gì đâu…”

“Câm cái mồm của anh lại. Anh đang mặc quân phục, nhưng anh không ở trong quân đội. Anh đào ngũ phỏng?”

“Chúng tôi ở đây theo lệnh. Tôi có giấy tờ trong áo khoác, trong nhà.”

“Thằng bán nước nào tôi đã gặp cũng đều có giấy tờ hết.”

“Tôi có thư của Đại tá Grechko thuộc NKVD, giao nhiệm vụ cho chúng tôi đến đây.”

Korsakov cười nhăn nhở và quay sang người của mình.

“Vậy ra Đại tá Grechko, ông ta có thẩm quyền ở đây hả? Tôi yêu mấy thằng cảnh sát trong thành phố này quá, còn ra lệnh cho bọn ta nữa chứ.”

Một người đứng cạnh anh ta, một gã lòng khòng với đôi mắt gần sát nhau, cười ầm lên, khoe với bọn ta hàm răng xấu tệ của gã. Người kia không cười. Anh ta mặc áo choàng ngụy trang mùa đông với những họa tiết xoáy màu nâu và trắng, mô phỏng những chiếc lá khô. Đôi mắt anh ta nhòm ra dưới viền mũ lông thỏ. Anh ta nhỏ nhắn, nhỏ nhắn hơn cả ta, và trẻ tuổi, không thấy dấu vết râu ria gì trên mặt – gò má hồng hào. Nét mặt của anh ta rất thanh tú, các gờ xương trên mặt cân đối, cặp môi đầy đặn, lúc này đang mím lại thành một nụ cười khẩy khi anh ta chằm chằm nhìn trả lại ta.

“Anh thấy có gì lạ lắm à?” anh ta hỏi, và ta nhận ra rốt cuộc người đang nói không phải là đàn ông.

“Cô là phụ nữ,” Kolya buột miệng, nhìn cô chằm chằm. Ta cảm thấy ngu ngốc thay cho cả hai bọn ta.

“Đừng có tỏ ra choáng váng thế chứ,” Korsakov nói. “Cô ấy là tay thiện xạ cừ nhất của chúng tôi đấy. Thấy mấy thằng Đức bị bay nửa đầu kia chứ? Là do cô ấy đấy.”

Kolya huýt sáo, hết liếc nhìn cô lại nhìn sang những tên Đức rồi tới bìa rừng ở phía bên kia những thửa ruộng.

“Từ tít đằng kia ấy à? Là bao xa nhỉ, bốn trăm mét à? Vào những mục tiêu di động?”

Cô gái nhún vai. “Đâu phải khó quá khi chúng đang chạy trên tuyết.”

“Vika đang đua với kỷ lục của Lyudmila Pavlichenko,” người đàn ông có hàm răng vẫn nói. “Cô ấy muốn thành nữ bắn tỉa số một đấy.”

“Hiện tại Mila được bao nhiêu rồi?” Kolya hỏi.

“Sao Đỏ nói là hai trăm,” Vika trả lời với một cái nhướng mắt. “Cứ mỗi lần cô ta xì mũi là bên quân đội cũng tính cho cô ta một lần tiêu diệt địch.”

“Đó là một khẩu súng trường Đức, đúng không?”

“Một khẩu K 98,” cô vừa nói vừa vỗ vào nòng súng. “Khẩu súng trường tốt nhất thế giới.”

Kolya lấy khuỷu tay huých ta và lí nhí. “Tôi lại thấy hơi nứng mới tài chứ.”

“Gì đấy?” Korsakov nói.

“Tôi bảo là cu tôi sắp rụng mất nếu chúng ta đứng ở ngoài này lâu hơn nữa – xin lỗi vì kiểu ăn nói của tôi.” Anh ta cúi chào Vika theo lối cổ trước khi quay người lại với Korsakov. “Anh muốn xem giấy tờ của tôi, chúng ta hãy vào trong và xem giấy. Anh muốn bắn đồng bào của mình ngay ở đây trên tuyết, được thôi, cứ bắn chúng tôi đi. Nhưng cái trò đứng trong giá rét thế này là đủ lắm rồi.”

Rõ ràng tay du kích thích ý tưởng bắn Kolya hơn là kiểm tra giấy tờ của anh ta, nhưng đấy đâu phải chuyện nhỏ, nhất là khi có nhiều nhân chứng thế này. Tuy nhiên anh ta cũng không muốn nhũn nhanh đến thế và chịu mất mặt trước người của mình. Thế là cả hai cứ đứng đó gườm gườm nhìn nhau đến cả mười giây nữa trong khi ta cắn chặt môi để răng không đánh lập cập vào nhau.

Vika phá tan không khí căng thẳng. “Hai cha này yêu nhau mất rồi,” cô nói. “Xem họ kìa! Họ không quyết được là muốn đánh nhau hay muốn trần truồng lăn trong tuyết.”

Những người du kích khác bật cười và Vika bước về phía ngôi nhà, phớt lờ ánh mắt trừng trừng của Korsakov.

“Tôi đói rồi,” cô nói. “Mấy cô gái trong kia nhìn có vẻ như được chén sườn lợn suốt mùa đông thì phải.”

Những người đàn ông đi theo cô, mang theo chiến lợi phẩm của mình, hăm hở thoát khỏi cái rét và vào trong nhà. Ta nhìn Vika giẫm ủng trước cửa, giũ tuyết khỏi đế, và ta tự hỏi không biết thân hình cô trông sẽ thế nào bên dưới những lớp áo ngụy trang mùa đông ấy, dưới những lớp len và nỉ. “Cô ấy là của anh à?” Kolya hỏi Korsakov, sau khi Vika đã bước vào trong nhà. “Anh đùa à? Của đấy là con trai chứ có phải con gái.”

“Tốt,” Kolya vừa nói vừa đấm vào cánh tay ta. “Vì tôi nghĩ anh bạn tôi đây bị hớp hồn rồi.”

Korsakov liếc nhìn ta và cười phá lên. Ta vẫn luôn ghét khi mọi người cười mình, nhưng lần này thì ta chào đón sự khoái trá của anh ta. Ta biết anh ta sẽ không giết bọn ta.

“Chúc may mắn nhé, cậu nhóc. Chỉ cần nhớ là cô ta có thể bắn lòi mắt cậu từ nửa cây số đấy.”

Bình luận