Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 13

Tác giả: David Benioff

Bọn ta rảo bước nhanh gấp đôi qua rừng bạch dương, đường tàu hỏa ở phía bên tay trái, mặt trời đang lặn nhanh trên bầu trời. Kolya không nói năng gì từ lúc ở cánh đồng có lũ chó chết. Ta có thể thấy là anh ta lo lắng về thời gian; anh ta đã tính toán sai vận tốc của bọn ta, việc bọn ta có thể đi bộ nhanh đến mức nào qua địa hình phủ tuyết, và chuyến tạt ngang đã làm tiêu tan bất kỳ cơ hội nào đến được Mga trước khi trời tối. Cái rét lúc này còn là một mối nguy hiểm lớn hơn cả quân Đức và nhiệt độ chưa gì đã giảm rất nhanh. Không có nơi trú ẩn là bọn ta sẽ chết.

Bọn ta không hề nhìn thấy một bóng người nào kể từ lúc tạm biệt tay trung sĩ người Tartar và bọn ta giữ khoảng cách với các nhà ga tàu hỏa bỏ hoang ở Koloniya Yanino và Dubrovka. Cho dù ở cách xa hai trăm mét bọn ta vẫn nhìn thấy bức tượng Lenin bị lật đổ bên ngoài nhà ga Dubrovka, dòng chữ nguệch ngoạc xịt bằng sơn trên bức tường bê tông: STALIN IST TOT! RUSSLAND IST TOT! SIE SIND TOT![18]

Ba giờ chiều mặt trời chúi xuống bên dưới dãy đồi phía Tây và những đám mây xám nặng nề trên đầu bọn ta hằn lên màu cam. Ta nghe thấy tiếng rì rì của động cơ máy bay và ngước lên nhìn thấy bốn chiếc Messerschmitt đang lao về phía Leningrad, cao tít trên đầu bọn ta đến nỗi tưởng như chúng cũng vô hại như những con ruồi giấm. Ta tự hỏi không biết chúng sẽ san phẳng tòa nhà nào, hoặc liệu chúng có bị bắn hạ bởi người của bọn ta dưới mặt đất không, hoặc không thì bởi phi công của bên ta trên trời. Cảm giác điều đó thật mơ hồ đến tuyệt vời đối với ta, cuộc chiến của ai đó khác. Bất kể chúng có thả bom xuống đâu đi nữa thì cũng không phải là vào ta. Khi nhận ra đó là ý nghĩ của chính mình, ta cảm thấy thật áy náy. Ta đã trở thành giống của nợ ích kỷ gì thế này.

Bọn ta đang bước qua Berezovka, cái tên mà ta lần đầu tiên nghe thấy hồi tháng Chín khi Hồng quân và bọn Wehrmacht chạm trán nhau bên ngoài ngôi làng. Theo báo chí, quân ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng và mưu trí về chiến thuật, qua mặt bọn chỉ huy Đức và khiến chính Hitler phải tức điên khi theo dõi mỗi động thái từ phòng tác chiến của hắn ở Berlin. Nhưng tất cả mọi người ở Leningrad đều biết cách đọc một bài báo như thế nào. Quân Nga lúc nào cũng “bình tĩnh và quyết tâm”, bọn Đức thì lúc nào cũng “choáng váng trước sự kháng cự dữ dội của quân ta” – những cụm đó là bất di bất dịch rồi. Thông tin chủ chốt xuất hiện ở gần cuối mỗi bài báo, được giấu kỹ vào trong một đoạn kết. Nếu người của ta “rút lui để bảo toàn sức mạnh chiến đấu,” tức là quân ta đã thua trận; nếu các chiến sĩ “sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để đẩy lùi quân thù xâm lược” thì nghĩa là quân ta bị thảm sát.

Berezovka là một vụ thảm sát. Theo báo chí, ngôi làng nổi tiếng vì tòa nhà thờ của mình, được xây dựng theo mệnh lệnh của đích thân Peter Đại đế, và một cây cầu nơi Pushkin thách đấu với một đối thủ. Những dấu tích đó đã không còn nữa. Berezovka đã không còn. Một vài bức tường cháy đen sì vẫn còn đứng nhô lên trên tuyết; nếu không có chúng thì sẽ chẳng còn dấu hiệu nào cho thấy ngôi làng đã tùng tồn tại.

“Chúng ngu thật,” Kolya nói, khi bọn ta đi vòng qua những tàn tích cháy sém của ngôi làng. Ta ngước lên nhìn anh ta, không chắc là anh ta định nói ai.

“Quân Đức ấy. Chúng tưởng là mình thiện chiến lắm, cỗ máy chiến tranh vĩ đại nhất từ trước đến giờ. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử, nếu đọc sách, thì những kẻ chinh phục giỏi nhất bao giờ cũng chừa lại cho kẻ thù một đường lui. Cậu có thể chống lại Thành Cát Tư Hãn để rồi bị chém rụng đầu hoặc cậu có thể quy phục và đóng thuế cho ông ta. Đó là một lựa chọn dễ dàng. Với quân Đức, cậu chống lại cũng chết mà đầu hàng thì cũng chết. Lẽ ra chúng có thể kích động cho một nửa đất nước này phản đối nửa còn lại, nhưng chúng không có sự tinh vi đó; chúng không hiểu suy nghĩ của người Nga; chúng cứ đốt tất cả mọi thứ.”

Những gì Kolya nói kể cũng đúng, nếu xét ở một góc độ nào đó, nhưng ta thì có cảm giác rằng bọn Quốc xã chẳng thèm quan tâm đến một cuộc xâm lược tinh vi. Chúng cũng chẳng muốn làm thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai hết, ít nhất thì cũng là của những kẻ thuộc các chủng tộc thấp kém hơn. Người Nga là một dân tộc tạp nham, nảy nòi từ các tộc người Viking và người Hung Nô, bị cưỡng bức bởi các thế hệ người Avar và Khazar, Kipchak và Pecheneg, Mông Cổ và Thụy Điển, bị pha tạp bởi người Gypsy và người Do Thái cùng cánh người Thổ lang bạt. Bọn ta là hậu duệ của cả nghìn trận thua và thất bại đè nặng. Bọn Đức tin vào bài học về những con chim nhại của Darwin – sự sống phải thích nghi hoặc là chết. Chúng đã thích nghi được với hiện thực tàn bạo; còn lũ bợm nhậu tạp chủng bọn ta trên các thảo nguyên nước Nga thì không. Số phận của bọn ta là chết chắc, và bọn Đức chỉ là đang thực hiện cái vai trò không thể khác của chúng trong quá trình tiến hóa của loài người.

Tuy nhiên ta không hề nói năng gì về điều đó. Tất cả những gì ta nói là, “Chúng cho người Pháp một đường lui đấy thôi.”

“Tất cả những người Pháp có dái đều đã chết trên đường từ Moscow trở về nhà năm 1812 rồi. Cậu nghĩ tôi nói đùa à? Nghe này, một trăm ba mươi năm trước họ có đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Giờ thì họ chỉ còn là những con điếm của châu Âu, nhăm nhăm chờ bị tẩn bởi bất kỳ kẻ nào xuất hiện với con cu cứng. Tôi nói sai à? Vậy thì điều gì đã xảy ra với họ? Borodino, Leipzig, Waterloo. Cứ nghĩ mà xem. Lòng can đảm đã bị đánh bật ra khỏi vốn gien của họ. Tay Napoléon lùn thiên tài đã hoạn cả đất nước.”

“Sắp tắt nắng rồi kìa.”

Anh ta liếc nhìn lên bầu trời và gật đầu. “Nếu đến mức ấy thì chúng ta có thể đào một cái hầm và tạm trú cho đến khi trời sáng.”

Anh ta bước nhanh hơn, tăng nhịp độ vốn đã nhanh sẵn của bọn ta, và ta biết mình không thể theo kịp thêm được bao lâu nữa. Món xúp đêm qua giờ là một ký ức ngon lành; chỗ bánh mì khẩu phần của tay trung sĩ tặng đã được ngốn ngấu từ trước buổi trưa. Mỗi bước chân lúc này là cả một sự nỗ lực, như thể ủng của ta đã bị đổ chì.

Trời chưa gì đã rét đến nỗi ta có thể cảm nhận được nó trong hàm răng của mình; chất liệu lõi trám rẻ tiền bịt các vết răng sâu của ta bao giờ cũng co lại khi nhiệt độ xuống thấp. Nhưng ta không thể cảm thấy được những đầu ngón tay của mình cho dù ta đeo găng len dày cộm và ta cũng đã nhét cả hai bàn tay vào túi áo khoác. Ta cũng chẳng còn cảm thấy chóp mũi của mình. Đúng thật là trớ trêu – phần lớn quãng tuổi dậy thì của mình ta ước ao có một cái mũi nhỏ hơn; giờ chỉ cần thêm vài tiếng đồng hồ trong rừng thôi là ta sẽ chẳng còn mũi nữa.

“Chúng ta sẽ đào một cái hầm trú ấy à? Bằng gì đây? Anh mang theo xẻng hả?”

“Cậu vẫn có tay đấy chứ, phải không? Và con dao?”

“Chúng ta cần vào bên trong chỗ nào đó.”

Kolya làm ra vẻ rất kịch khi nhìn quanh khu rừng sắp tối dần, như thể có một cánh cửa được giấu trong một gốc thông cao lớn.

“Chẳng có chỗ bên trong nào cả,” anh ta nói. “Bây giờ cậu là một người lính rồi, tôi đã tuyển mộ cậu, mà lính thì ngủ ở bất kỳ chỗ nào chợp được mắt.”

“Nói hay lắm. Nhưng chúng ta cần vào bên trong đâu đó.”

Anh ta đặt bàn tay đi găng lên ngực ta và trong giây lát ta tưởng anh ta đang giận ta, xấu mặt vì ta khăng khăng không chịu chống chọi đêm mùa đông ngoài trời. Nhưng không phải anh ta đang trách móc gì ta, mà là anh ta giữ ta đứng yên. Anh ta hất cằm ra hiệu về phía một lối đi chạy song song với đường ray. Phải cách đến vài trăm mét, và bóng tối mỗi lúc một dày hơn, nhưng vẫn còn đủ ánh sáng để nhìn thấy một người lính Nga đang đứng quay lưng về phía bọn ta, khẩu súng trường vắt qua vai.

“Du kích à?” ta thì thào.

“Không, anh ta là bộ đội chủ lực.”

“Có thể quân ta đã chiếm lại được Berezovka. Một cuộc phản công chăng?”

“Có thể,” Kolya thì thầm. Bọn ta men lại gần người lính, thận trọng dò từng bước. Bọn ta không biết mật khẩu nào và không ai có súng trường lại đợi kiểm tra bọn ta có đúng là người Nga không.

“Đồng chí ơi!” Kolya gọi to khi bọn ta còn cách năm mươi mét, hai tay anh ta giơ lên khỏi đầu. Ta cũng giơ tay theo. “Đừng bắn! Chúng tôi ở đây theo lệnh đặc biệt!”

Người lính gác không quay lại. Nhiều người lính đã bị mất thính giác trong vài tháng vừa rồi; những quả đạn pháo nổ đã xé toang hàng nghìn cái màng nhĩ. Kolya và ta liếc nhìn nhau rồi bước lại gần hơn. Người lính đứng ngập trong tuyết đến đầu gối. Anh ta đứng yên một cách quá bất thường. Không người sống nào lại có thể đứng như tượng trong giá rét ghê gớm thế này. Ta xoay người đúng một vòng tròn, lia mắt khắp khu rừng, chắc mẩm đây là một cái bẫy. Không có gì chuyển động ngoài những cành bạch dương trong gió.

Bọn ta bước lại chỗ người lính. Chắc hẳn hồi còn sống anh ta phải là một tay dữ dằn lắm, cái trán gồ lên và hai cổ tay chắc nịch như cán rìu. Nhưng anh ta đã chết được mấy ngày, lớp da trắng như giấy của anh ta thít chặt quanh hộp sọ, sắp sửa rách toạc ra. Một lỗ đạn nhỏ gọn gàng, có vảy máu đông cứng, xuyên qua má ngay bên dưới mắt trái của anh ta. Một tấm biển gỗ treo lủng lẳng bằng dây thép trên cổ anh ta, câu PROLETARIER ALLER LÄNDER, VEREINIGT ELICH ! được viết bằng bút dạ màu đen. Ta không biết tiếng Đức, nhưng ta biết câu này, cũng như tất cả mọi chàng trai cô gái ở Nga đã phải chịu đựng qua không biết bao nhiêu bài giảng về chủ nghĩa duy vật biện chứng: Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!

Ta giật tấm biển trên cổ người lính đã chết, cẩn thận không để cái dây thép lạnh như đá cọ vào mặt anh ta, và lẳng nó đi. Kolya tháo dây đeo khẩu súng trường và kiểm tra thứ vũ khí: một khẩu Mosin-Nagant với khóa nòng cong bẻ xuống. Anh ta thử nó vài lần, lắc đầu, rồi thả nó xuống đất. Người lính đeo một bao ở hông với khẩu súng ngắn Tokarev; một sợi dây da chạy qua khuyên đeo ở báng súng, buộc nó lại với bao súng. Người chết là một sĩ quan, một người huơ súng ngắn – khẩu Tokarev không phải để dành cho quân Đức, mà là cho những lính Nga không chịu tiến lên.

Kolya rút khẩu súng ngắn tự động ra, tháo dây đeo, kiểm tra báng súng, và thấy là băng đạn đã bị tháo bỏ.

Những lỗ cài đạn trên thắt lưng của người sĩ quan cũng trống không. Kolya cởi cúc áo khoác của anh ta và tìm thấy thứ anh ta đang tìm kiếm, một cái túi có dải rút bằng vải thô với dây đeo da khóa thép.

“Nhiều khi bọn tôi nhét chúng xuống dưới áo khoác vào ban đêm,” anh ta vừa nói vừa mở cái túi và lấy ra ba băng đạn súng ngắn. “Cái khóa quá bóng, phản chiếu ánh trăng.”

Anh ta đút một băng vào và lên đạn. Hài lòng với âm thanh của khẩu súng, anh ta nhét nó và chỗ đạn dự phòng vào túi áo khoác ngoài của mình.

Bọn ta cố kéo người chết ra khỏi tuyết, nhưng anh ta đã đông cứng vào mặt đất, bám chặt rễ như một cái cây. Bóng tối nhập nhoạng đang xóa dần tất cả các màu sắc khỏi khu rừng; màn đêm đã gần như phủ lấy bọn ta; chẳng còn thời gian đâu mà dành cho các xác chết.

Bọn ta hối hả đi về phía Đông, giờ thì đi sát vào đường ray, hy vọng là bất kỳ quân Đức nào đi xuyên qua khu rừng đóng băng cũng đi bằng xe nên sẽ dễ nghe thấy chúng từ xa. Lũ quạ đã ngừng kêu và gió cũng đã ngừng thổi. Những âm thanh duy nhất là tiếng ủng của bọn ta lội qua tuyết và tiếng dội đều đều, xa xa của đạn pháo cối rơi xuống quanh Piter. Ta cố giấu mặt sau lớp khăn len và cổ áo khoác, cố dùng sức nóng từ hơi thở của mình sưởi ấm hai má. Kolya đan chặt hai bàn tay đi găng lại với nhau và kéo sụp cái mũ lông xuống thấp đến nỗi gần như che kín mắt.

Cách Berezovka vài cây số về phía Đông bọn ta bước dọc theo rìa ngoài của một nông trang lớn, những cánh đồng tuyết lượn sóng được chia tách bằng các bức tường rào đá thấp. Những đống cỏ khô lớn như những chiếc lều đứng trơ trọi giữa đồng, vụ thu hoạch bị gián đoạn, nông dân bỏ chạy về phía Đông hoặc đã chết. Một ngôi nhà chính cũ kỹ xây bằng đã đứng ở rìa bên kia của nông trang, được che chắn khỏi gió bấc bởi một vạt những cây thông rụng lá cao đến năm mươi mét. Ánh lửa bếp hắt ra từ những cửa sổ ngăn ô, ấm áp và mời gọi, đổ tràn lên mặt tuyết phía trước ngôi nhà. Khói đen tỏa ra từ ống khói, lãng đãng như một vệt mờ lơ lửng trên nền trời xanh thẫm. Nhìn nó giống như ngôi nhà mời gọi nhất từ trước đến giờ, chốn điền trang nơi thôn dã của một vị tướng quân được hoàng đế sủng ái, ấm cúng và chất đầy những món thịt hun khói và các loại bánh yêu thích của tất cả mọi người cho dịp Giáng sinh.

Ta ngước lên nhìn Kolya trong lúc bọn ta ì ạch lội qua tuyết. Anh ta lắc đầu nhưng không lúc nào rời mắt khỏi ngôi nhà, và ta có thể nhìn thấy vẻ thèm thuồng trên mặt anh ta.

“Đó là một ý tồi,” anh ta nói.

“Nó là một ý hay hơn là chết cóng trên đường tới Mga.”

“Cậu tưởng ở trong đó có gì chứ hả? Một nhà quý tộc nông thôn, ngồi bên lò sưởi, vuốt ve con chó của ông ta chắc? Cậu tưởng chúng ta đang ở trong một câu chuyện khốn kiếp của Turgenev đấy à? Tất cả mọi ngôi nhà trong khu này đều bị đốt trụi, cái này thì còn đứng nguyên. Chuyện gì đã xảy ra, họ gặp may à? Bọn Đức ở trong đó, có thể là bọn sĩ quan. Chúng ta sẽ ập vào nhà với một khẩu súng ngắn và một con dao à?”

“Nếu đi tiếp, chúng ta sẽ chết. Nếu chúng ta vào nhà, và bọn Đức ở trong đó, chúng ta sẽ chết. Nhưng nếu không phải là quân Đức…”

“Vậy cứ cho là người Nga đi,” anh ta nói. “Điều đó có nghĩa là bọn Đức để cho họ sống ở đó, như thế có nghĩa là họ đang hợp tác với bọn Đức, như thế có nghĩa họ cũng là kẻ thù.”

“Thế thì chúng ta có thể chiếm lấy đồ ăn của kẻ thù, đúng không? Và một chiếc giường?”

“Nghe này, Lev, tôi biết là cậu mệt rồi. Tôi biết là cậu rét. Nhưng hãy tin tôi đi, hãy tin một người chiến sĩ, cách này không ăn thua đâu.”

“Tôi sẽ không đi xa thêm nữa. Tôi thà liều một cơ hội với ngôi nhà còn hơn.”

“Có thể sẽ có một chỗ ở thị trấn tiếp theo…”

“Làm sao anh biết được là có một thị trấn tiếp theo chứ? Cái gần đây nhất đã thành tro bụi rồi. Còn bao xa nữa mới đến Mga, mười lăm cây số nữa à? Có thể là anh cố được. Tôi thì chịu.”

Kolya vừa thở dài vừa xoa mặt bằng mu bàn tay đi găng, cố giữ cho chút máu lưu thông.

“Tôi thừa nhận là chúng ta sẽ không thể đến được Mga. Đó không còn là vấn đề nữa. Tôi biết từ mấy tiếng đồng hồ nay rồi.”

“Vậy mà anh còn không muốn nói cho tôi biết? Chúng ta còn cách bao xa nữa?”

“Xa lắm. Tin xấu là, tôi không nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng đường.”

“Ý anh là sao?”

Kolya vẫn đang nhìn vào ngôi nhà nông trại và ta phải xô anh ta để khiến anh ta chú ý. “Anh bảo chúng ta không đi đúng đường là ý làm sao?”

“Lẽ ra chúng ta phải băng qua sông Neva từ nhiều tiếng đồng hồ rồi mới phải. Và tôi không nghĩ là Berezovka nằm trên tuyến đường Mga.”

“Anh không nghĩ… Vậy tại sao anh không nói gì?”

“Tôi không muốn cậu hốt hoảng.”

Trời quá tối nên không thể nhìn thấy vẻ gì trên khuôn mặt Cossack ngu xuẩn của anh ta.

“Anh đã bảo với tôi Mga nằm trên tuyến đường sắt Moscow.”

“Đúng thế mà.”

“Anh còn bảo tôi rằng tất cả những gì chúng ta phải làm là đi theo tuyến đường sắt Moscow và chúng sẽ dẫn ta đến Mga.”

“Đúng, tất cả đều đúng.”

“Vậy chúng ta đang ở chỗ mả mẹ nào?”

“Berezovka.”

Ta hít một hơi thật sâu. Ta thèm khát có những nắm đấm mạnh mẽ để ta có thể nện vỡ sọ anh ta.

“Tin tốt là gì?”

“Gì cơ?”

“Anh bảo tin xấu là chúng ta đang đi nhầm đường.”

“Chẳng có tin tốt nào cả. Đâu cứ phải bao giờ có tin xấu cũng là có tin tốt đâu.”

Chẳng còn điều gì để nói nữa nên ta cất bước về phía ngôi nhà. Mặt trăng nhô lên phía trên những ngọn cây, lớp tuyết phủ băng vỡ vụn dưới ủng của ta, và nếu một tên bắn tỉa của Đức đang nhắm vào đầu ta thì ta cầu là hắn ngắm cho thật chuẩn. Ta đói, nhưng ta biết phải đối phó với cơn đói như thế nào; giờ đây tất cả bọn ta đều là những chuyên gia đối phó với cái đói. Giá rét thật tàn bạo, nhưng ta cũng đã quen cả với giá rét. Nhưng đôi chân đang từ bỏ ta. Trước chiến tranh chúng đã yếu sẵn rồi, kém thích hợp với chuyện chạy nhảy và bất kể chức năng nào vốn dành cho chân. Cuộc phong tỏa đã đẽo gọt chúng thành những cái cán chổi. Ngay cả khi bọn ta có đang đi đúng đường tới Mga chăng nữa thì ta cũng chẳng thể nào đến được nơi. Ta sẽ chẳng đời nào bước nổi thêm năm phút nữa.

Được nửa đường đến ngôi nhà thì Kolya bắt kịp ta. Anh ta đã rút khẩu súng ngắn Tokarev ra và cầm nó trong bàn tay đi găng.

“Nếu định làm chuyện này,” anh ta nói, “thì chúng ta cũng đâu nhất quyết phải làm một cách ngu ngốc chứ.”

Anh ta dẫn ta vòng ra phía sau ngôi nhà và bắt ta đợi ở hiên sau dưới mái che, nơi củi đốt được xếp khô ráo và an toàn. Một thùng trứng cá Beluga ba cân ngay lúc đó chắc hẳn cũng không thể xa xỉ hơn chỗ củi đốt được xếp ngay ngắn, hàng dọc hàng ngang cao hơn đầu ta.

Kolya men tới một khung cửa sổ phủ sương giá và nhòm vào trong. Cái mũ lông Astrakhan đen tuyền của anh ta lấp loáng trong ánh lửa. Bên trong ngôi nhà tiếng nhạc đang vang lên từ một cái máy quay đĩa – tiếng nhạc piano jazz, một thứ đậm chất Mỹ.

“Ai ở trong đấy?” ta thì thào. Anh ta giơ tay lên ra hiệu cho ta im lặng. Anh ta có vẻ dán chặt mắt vào những gì mình nhìn thấy, và ta tự hỏi không lẽ bọn ta lại vớ phải lũ ăn thịt người nữa giữa chốn đồng tuyết nhà quê này hay, nhiều khả năng hơn, những thi thể bị cắt xẻo của cái gia đình từng sống ở đây.

Nhưng Kolya đã từng đối mặt với bọn ăn thịt người và anh ta đã từng thấy cơ man nào là xác chết. Đây là một thứ gì đó mới lạ, thứ gì đó bất ngờ, và sau ba mươi giây nữa ta chống lại lệnh mà đến đứng cùng anh ta ở cửa sổ, cẩn thận không làm rơi quệt mảng băng nào lòng thòng từ trên li tô. Ta cúi khom người cạnh anh ta và nhòm qua mép dưới của tấm kính.

Hai cô gái mặc đồ ngủ nhảy theo tiếng nhạc jazz. Họ thật đáng yêu và trẻ trung, không lớn tuổi hơn ta, cô tóc vàng dẫn dắt cô tóc đen. Cô ta rất xanh xao, cổ họng và má cô ta lấm tấm tàn nhang, lông mày và lông mi nhạt màu đến nỗi chúng biến mất khi nhìn nghiêng. Cô gái tóc đen nhỏ nhắn hơn, vụng về, không sao bắt vào được đúng phách. Hàm răng của cô ta quá lớn so với miệng và đôi cánh tay thì mũm mĩm, có ngấn ở cổ tay như tay trẻ em. Cháu sẽ không đời nào để ý đến cô ta trong thời bình, khi đang dạo bước dọc theo Nevsky, nhưng trong lúc này thì ở một cô gái mũm mĩm toát lên vẻ gì đó ngoại lai đến hoang dại. Kẻ nào đó quyền lực yêu cô ta và giữ cho cô ta được ăn uống đầy đủ.

Ta ngỡ ngàng trước cảnh những cô gái đang nhảy đến nỗi phải một lúc sau ta mới nhận ra là họ không chỉ có một mình. Hai cô gái nữa đang nằm sấp trên một tấm thảm da gấu ngay phía trước lò sưởi. Cả hai đều chống tay dưới cằm, khuỷu tay đặt trên tấm thảm, chăm chú nhìn màn khiêu vũ với vẻ nghiêm nghị trên khuôn mặt. Một cô trông giống người Chechen, đôi lông mày đen của cô ta gần như giao nhau phía trên mũi, môi cô ta tô đỏ chót, tóc quấn lại trong một cái khăn ướt trên đầu, như thể cô ta vừa mới tắm xong. Cô gái kia có cái cổ dài, thanh tú của một vũ công ba lê, mũi cô ta là một góc vuông hoàn hảo khi nhìn nghiêng, mái tóc nâu buộc ra sau thành những bím bện chặt.

Nội thất của ngôi nhà nông trang trông như một căn lều săn. Đầu của những con vật chết trang trí cho tường của căn phòng lớn: gấu nâu, lợn rừng, một con sơn dương với cặp sừng cong tít đồ sộ và một bộ râu cằm lếch thếch. Một con sói và một con mèo rừng nhồi rơm đặt ở hai bên lò sưởi, tạo dáng như đang rình mồi, miệng chúng nhe ra và những cái nanh trắng lòa. Nến thấp trong những chân đèn treo trên tường.

Kolya và ta lom khom ngoài cửa sổ và chằm chằm nhìn khung cảnh đó đến khi bài hát kết thúc và cô gái trông như dân Chechen đứng lên thay đĩa.

“Chơi lại lần nữa đi,” cô tóc vàng nói. Giọng cô ta nghẹt đi qua lần kính, nhưng vẫn dễ nghe được cô ta nói.

“Đừng lại nữa! Xin chị,” bạn nhảy của cô ta nói, “bài gì em biết ấy. Cho đĩa Eddie Rozner đi.”

Ta quay sang nhìn Kolya. Ta chắc mẩm thấy anh ta đang cười nhăn nhở, ngây ngất trước khung cảnh siêu thực mà bọn ta vừa gặp phải giữa vùng đồng không mông quạnh đầy tuyết này. Nhưng anh ta lại hầm hầm, môi mím chặt lại, mắt toát lên vẻ gì đó như tức giận.

“Đi nào,” anh ta vừa nói vừa đứng lên và dẫn ta đi vòng về phía trước ngôi nhà. Một cái đĩa mới đã bắt đầu cất lên, lại là nhạc jazz, nhạc công kèn trumpet dẫn dắt ban nhạc của mình trong một giai điệu rộn rã.

“Chúng ta sẽ vào phải không? Tôi nghĩ họ có thức ăn trong đó. Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy chút…”

“Tôi chắc chắn là họ có nhiều thức ăn.”

Anh ta gõ lên cửa trước của ngôi nhà nông trang. Tiếng nhạc ngừng chơi. Vài giây sau cô gái tóc vàng hiện ra phía sau khung cửa sổ chia ô ngay cạnh cửa chính. Cô ta chằm chằm nhìn bọn ta hồi lâu không nói năng hay nhúc nhích gì về phía cửa chính.

“Chúng tôi là người Nga,” Kolya nói. “Mở cửa ra.”

Cô ta lắc đầu. “Các anh không nên ở đây.”

“Tôi biết,” anh ta nói, giơ khẩu súng lên để cô gái có thể nhìn thấy nó. “Nhưng chúng tôi đã ở đây rồi, vậy nên hãy mở cửa ra, quỷ tha ma bắt mẹ cô đi.”

Cô tóc vàng ngoảnh lại nhìn về phía căn phòng lớn. Cô ta thì thầm gì đó với một người đứng khuất khỏi tầm nhìn và lắng nghe câu trả lời. Vừa gật đầu cô ta vừa quay lại nhìn chúng tôi lần nữa, hít một hơi sâu, rồi mở cửa.

Bước vào bên trong ngôi nhà nông trang cảm giác giống như đi vào bụng của con cá voi, nơi ấm áp nhất ta từng được ở suốt mấy tháng rồi. Bọn ta đi theo cô tóc vàng vào căn phòng lớn, ở đó ba người bạn của cô ta đứng thành hàng bồn chồn, những ngón tay mân mê viền váy ngủ. Cô tóc đen nhỏ nhắn với đôi cánh tay mũm mĩm nhìn như sắp khóc đến nơi; môi dưới của cô ta mấp máy khi cô ta nhìn vào khẩu súng của Kolya.

“Còn ai khác ở đây nữa không?” anh ta hỏi.

Cô tóc vàng lắc đầu.

“Khi nào thì chúng đến?” anh ta hỏi.

Mấy cô gái liếc nhìn nhau.

“Ai cơ?” cô nhìn như người Chechen hỏi.

“Đừng có giở trò với tôi, các cô. Tôi là một sĩ quan Hồng quân, tôi đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt…”

“Cậu ta cũng là sĩ quan à?” cô tóc vàng vừa hỏi vừa nhìn tôi, không hẳn là cười cợt, nhưng ta có thể nhận ra vẻ thích thú trong mắt cô ta.

“Không, cậu ấy không phải là sĩ quan, cậu ấy là chiến sĩ…”

“Một chiến sĩ à? Thật không? Cậu bao nhiêu tuổi rồi cưng?”

Lúc này tất cả các cô gái đều nhìn ta. Trong hơi ấm của căn phòng, dưới sức nặng những ánh nhìn của họ, ta có thể cảm thấy máu đang dồn lên mặt mình.

“Mười chín,” ta nói, đứng rất thẳng người. “Tháng Tư này là hai mươi.”

“Xì, mười chín gì mà bé tí,” cô gái Chechen nói.

“Mười lăm là cùng,” cô tóc vàng nói.

Kolya kéo giật khóa nòng khẩu súng ngắn, đẩy một viên đạn lên nòng – một âm thanh rất kịch trong căn phòng tĩnh lặng. Đối với ta thì cử chỉ đó quá kệch cỡm, nhưng Kolya lại có biệt tài thực hiện những cử chỉ kệch cỡm. Anh ta giữ khẩu súng ngắn chĩa xuống sàn nhà và nhìn vào mặt từng cô gái, chậm rãi với từng người một.

“Chúng tôi đã đi cả một chặng đường dài,” anh ta nói. “Cậu bạn tôi đây đã mệt. Tôi cũng mệt. Vậy nên tôi sẽ hỏi lại các cô, một lần cuối cùng, khi nào thì bọn chúng tới?”

“Chúng thường đến khoảng lúc nửa đêm,” cô tóc đen mũm mĩm nói. Mấy cô gái kia chăm chú nhìn cô ta nhưng không nói gì. “Sau khi chúng nã pháo xong.”

“Thật vậy sao? Vậy là sau khi bọn Đức phát chán với việc trút đạn pháo xuống tất cả chúng tôi ở Piter, chúng tới đây qua đêm và các cô chăm sóc chúng?”

Xét ở nhiều khía cạnh thì ta cực kỳ đần. Ta nói thế không hề vì khiêm tốn. Ta tin là mình thông minh hơn mức người trung bình, mặc dù có lẽ không nên xem trí thông minh là một thước đo riêng rẽ, kiểu như đồng hồ tốc độ, mà phải là tổng thể của một loạt đồng hồ tốc độ vòng quay, đồng hồ công tơ mét, cao độ kế, và những thứ còn lại. Cha ta dạy ta đọc năm ta bốn tuổi, điều mà ông vẫn luôn khoe với bạn bè mình, nhưng việc ta không thể học nổi tiếng Pháp hoặc nhớ được ngày tháng các chiến thắng của Suvorov chắc hẳn đã làm ông phiền muộn. Ông là một nhà thông thái thực thụ, có thể ngâm lại bất kể khổ nào trong Eugene Onegin theo yêu cầu, thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, đủ giỏi môn vật lý lý thuyết đến nỗi các giáo sư của ông ở trường đại học coi việc ông thoái vị xuống làm thơ là một bi kịch nhỏ. Ta ước giá như hồi đó họ có khả năng thu hút hơn thì tốt, các giáo sư của cha ta ấy. Ta ước giá mà hồi đó họ dạy cho ông cái hay ho của vật lý, giải thích cho tay sinh viên ngôi sao của họ tại sao hình dáng của vũ trụ và trọng lượng của ánh sáng lại quan trọng hơn những vần thơ ngang phè về lũ lừa đảo và lang băm phá thai của Leningrad.

Cha ta hẳn đã biết chuyện gì đang xảy ra trong ngôi nhà nông trang ấy ngay giây phút ông nhìn qua cửa sổ, cho dù mới mười bảy đi chăng nữa. Vì thế ta cảm thấy như một thằng ngốc khi cuối cùng ta cũng nhận ra tại sao những cô gái này lại ở đây, ai đang nuôi sống họ và bảo đảm cho họ có đủ củi sưởi chất dưới mái hiên.

Cô tóc vàng trừng trừng nhìn Kolya, hai cánh mũi cô phập phồng, da cô đỏ bừng dưới những vết tàn nhang

“Anh…” cô ta nói, và trong giây lát cô ta không thể nào nói gì thêm được, nỗi tức giận của cô dữ dội đến không thể diễn tả thành lời. “Anh bước vào đây và lên án chúng tôi à? Vị anh hùng? Anh đã ở đâu, anh và đội quân của anh nữa? Bọn Đức đến và đốt trụi mọi thứ, vậy mà đội quân của anh đã ở đâu? Chúng bắn những đứa em trai của tôi, cha tôi, ông tôi, mọi đàn ông trong thị trấn của tôi, trong khi anh và những người bạn của anh rúm ró ở chỗ khác… Anh tới đây và chĩa súng vào tôi à?”

“Tôi chẳng chĩa súng vào ai cả,” Kolya nói. Đó là một câu nói nhẫn nhục một cách lạ lùng phát ra từ anh ta, và ta biết anh ta đã thua trận.

“Tôi sẽ làm bất kể việc gì để bảo vệ em gái mình,” cô ta vừa nói tiếp vừa hất đầu về phía cô tóc đen mũm mĩm. “Bất kể điều gì. Lẽ ra các anh phải bảo vệ chúng tôi. Các anh đã ở đâu?”

“Chúng tôi đã chiến đấu với bọn chúng…”

“Các anh chẳng bảo vệ được ai hết. Các anh đã bỏ rơi chúng tôi. Chúng tôi không sống trong thành phố, nghĩa là chúng tôi không thể nào lại là những kẻ quan trọng đúng không? Cứ để lũ nông dân cho chúng! Phải vậy không?”

“Phân nửa chiến sĩ trong đơn vị tôi đã hy sinh khi chiến đấu vì…”

“Phân nửa? Nếu tôi mà là tướng, lính của tôi thà chết hết trước khi chúng tôi để một tên Quốc xã vào trong đất nước mình!”

“Ừm,” Kolya nói, và cả mấy giây sau anh ta không nói gì. Cuối cùng anh ta bỏ khẩu súng ngắn tự động của mình vào túi. “Tôi mừng rằng cô không phải là tướng.”

Bình luận
× sticky