Vào đêm 27 tháng Một năm 1944, hơn ba trăm khẩu đại bác thay nhau bắn ròng rã suốt một tiếng đồng hồ – những quả pháo hoa màu trắng, xanh và đỏ, những vệt đuôi rực rỡ, lấp lánh chiếu sáng bừng khắp Leningrad, những lá cờ Nga hắt bóng trên mái vòm vàng của nhà thờ Thánh Isaac và hai nghìn khung cửa sổ của Cung điện Mùa đông. Cuộc phong tỏa đã chấm dứt.
Ta đứng trên sân thượng tòa nhà của Sonya, uống rượu vang Ukraine dở ẹc cùng cô và hơn chục người bạn khác, nâng cốc vinh danh Govorov và Meretskov, những vị tướng đã chọc thủng phòng tuyến của quân Đức. Đến lúc đó ta đã ở trong quân đội được hơn một năm. Cấp trên của ta đã cân nhắc mãi, quyết định là ta chẳng có dáng gì làm lính bộ binh cả, và thế là giao cho ta nhiệm vụ ở tờ Sao Đỏ, báo của quân đội. Nhiệm vụ của ta năm đầu tiên đó là hỗ trợ một nhóm các phóng viên có kinh nghiệm đi lại nơi tiền tuyến, thu thập các giai thoại và câu trích dẫn từ những người lính ở đủ khắp các đơn vị mà bọn ta đến thăm. Ta mang một khẩu súng trường nhưng không bao giờ dùng đến. Ngón tay cụt mất nửa của ta chỉ làm phiền ta khi ta đánh máy. Cuối cùng ta được thăng chức và bắt đầu gửi các bài viết của chính mình về tòa soạn Sao Đỏ, nơi một biên tập viên mà ta không bao giờ biết mặt sẽ biến những bài ta nộp về thành thứ văn chương yêu nước, cứng cáp.
Cái đêm cuộc phong tỏa chấm dứt, trên sân thượng nhà Sonya, sau khi bọn ta đã uống quá nhiều rượu vang và hò hét đến đau cả cổ, ta đã hôn lên miệng cô. Đó là một nụ hôn bạn bè hơn là trai gái. Khi bọn ta rời nhau ra, mỉm cười để che đi sự ngượng nghịu của mình, ta biết cả hai đều nghĩ đến Kolya. Ta hình dung anh ta hẳn sẽ sung sướng khi thấy ta hôn một cô gái xinh xắn, anh ta hẳn sẽ dạy bảo ta về kỹ thuật và yêu cầu phải động chạm mạnh hơn nhưng dù sao thì vẫn là bọn ta đã nghĩ đến anh ta và bọn ta không bao giờ hôn kiểu đó nữa.
Vài ngày sau khi quay lại Piter với những quả trứng cho viên đại tá ta biết được là phải mấy tiếng đồng hồ sau khi trúng bom thì tòa nhà Kirov mới đổ sụp. Hầu hết cư dân đã sống sót, gồm cả Vera Osipovna và anh em sinh đôi nhà Antokolsky. Cuối cùng ta cũng lần lượt gặp từng người bọn họ, nhưng mùa đông đó đã thay đổi tất cả bọn ta và chẳng có chuyện gì nhiều mà nói. Ta đã hy vọng Vera sẽ ít nhiều thấy áy náy vì đã bỏ chạy mà không hề ngoảnh lại sau khi ta đã cứu cô ta ở cổng sân, nhưng cô ta không đả động gì đến chuyện đó và ta cũng không khơi lại. Cô ta đã giành được một chỗ trong dàn nhạc giao hưởng đã teo tóp của thành phố và cô ta vẫn giữ nó suốt ba mươi năm sau đó. Cả hai anh em sinh đôi đều chiến đấu anh dũng trong đoàn quân Cận vệ số 8 của tướng Chuikov, tiến thẳng một mạch đến tận Berlin. Có một bức ảnh nổi tiếng chụp một người trong hai anh em đang ký tên mình lên tường nhà Reichstag, nhưng ta không thể phân biệt được cho cháu đó là Oleg hay Grisha. Trong số tất cả lũ trẻ tầng năm nhà Kirov, ta đoán ta là người kém vẻ vang nhất.
Mùa hè năm 1945 ta sống trong một căn hộ lớn gần ga Moscow với hai phóng viên trẻ khác. Lúc này người dân sơ tán đã quay trở lại Piter, trong số đó có cả mẹ và em gái ta, nhưng thành phố vẫn còn thưa thớt hơn rất nhiều so với lúc trước chiến tranh. Người ta bảo nước sông Neva vẫn còn mùi như xác chết. Những chú nhóc lại tung tăng từ nhà tới trường, vung vẩy cặp sách. Những nhà hàng và cửa hiệu của Nevsky Prospekt đã mở cửa trở lại, mặc dù là hầu như chẳng ai có tiền mà tiêu. Vào những dịp lễ tất cả bọn ta đều thong dong tản bộ trên phố, nhìn chòng chọc qua các ô kính cửa sổ mới ngắm những chiếc bánh hạnh nhân rồi đồng hồ đeo tay và găng tay da. Những người trong bọn ta từng sống qua thời phong tỏa theo thói quen vẫn đứng ở vỉa hè phía Nam, mặc dù đã gần hai năm qua không còn quả đạn pháo nào rơi xuống nữa.
Một đêm tháng Tám dịu mát, gió Bắc đang thổi xuống từ Phần Lan cùng mùi hương của những chiếc lá thông, ta ngồi một mình ở bàn bếp căn hộ của mình, đọc một câu chuyện của Jack London. Những người bạn cùng phòng của ta đã đi xem một vở kịch mới ở nhà hát Pushkin; ta cũng được mời, nhưng không có nhà viết kịch Nga đương đại nào mà ta thích như Jack London. Khi đọc xong câu chuyện, ta quyết định đọc nó lại từ đầu, lần này cố phân tích xem ông đã viết nó như thế nào. Buck không đọc báo, chứ không hẳn nó đã biết sắp có rắc rối đến nơi rồi…
Ta không ngước lên khỏi trang sách khi thoạt nghe có tiếng gõ ở cửa. Thằng bé sống cách đấy vài căn hộ hầu như tối nào cũng tự tiêu khiển bằng cách chạy qua chạy lại dọc hành lang, nện rầm rầm từng cánh cửa. Còn bất kỳ ai mà ta biết hẳn đã tự vào trong rồi – khóa bị hỏng và bọn ta ít khi có khách khứa gì. Lượt gõ thứ ba xua tan sức mê hoặc của London. Hơi bực mình, ta bỏ cuốn sách xuống bàn bếp và bước ra định mắng thằng nhóc.
Một cô gái trẻ đứng ngoài hành lang, một chiếc va li dưới chân cô, một cái hộp bằng bìa cứng trên tay. Cô mặc một chiếc váy vải màu vàng in hình một bông hoa trắng. Con chuồn chuồn bạc trên chiếc vòng cổ của cô treo lủng lẳng ở khoảng hõm của xương đòn và mái tóc đỏ dày buông xõa xuống đôi vai cháy nắng. Cô ấy sẽ bảo cháu là cô ấy đã không hề bận tâm gì khi chọn chiếc váy đó, hay cái vòng cổ, rằng cô ấy chưa hề gội đầu hay rửa mặt, thoa chút son đỏ lên môi. Đừng có tin. Chẳng ai tình cờ mà trông lại xinh đẹp như thế cả.
Cô nhoẻn miệng cười với ta, cái kiểu cong môi cực kỳ khó chịu ấy trông cứ như là cười khẩy hơn là mỉm cười, đôi mắt xanh của cô nhìn ta xem ta có nhận ra cô không. Giá kể ta mà khá hơn một chút khi chơi cái trò ấy, ta đã có thể giả vờ không nhận ra, lẽ ra ta có thể nói, “Xin chào, cô đang tìm ai ạ?”
“Cậu không còn gầy như trước,” cô nói. “Nhưng cậu vẫn gầy quá.”
“Cô có tóc rồi này,” ta trả lời, và ngay lập tức ước giá như ta rút lại được. Suốt ba năm rưỡi trời ta đã mơ đến cô đúng theo nghĩa đen, cô đã bước đi trong bộ quần áo bảo hộ thùng thình suốt một nửa những giấc mơ mà ta nhớ được. Vậy mà tất cả những gì ta nghĩ ra được để nói khi cuối cùng cô cũng đến lại là, “Cô có tóc rồi này”?
“Tôi mang cho cậu một món quà,” có nói. “Xem bây giờ họ nghĩ ra cái gì này.”
Cô lật mở nắp chiếc hộp bằng bìa cứng. Bên trong là mười hai quả trứng nằm ngay ngắn trong những cái ngăn xinh xắn. Trứng trắng, trứng nâu, và một quả lốm đốm như bàn tay của ông già. Cô đậy cái nắp lại, rồi lại mở nó ra, thích thú với sự giản tiện của nó.
“Tốt hơn nhiều so với khi bọc chúng trong rơm,” cô nói thêm.
“Chúng ta có thể làm món trứng ốp lết,” ta gợi ý.
“Chúng ta ấy à?” Cô cười, chìa chiếc hộp cứng cho ta, cầm cái va li của mình lên, đợi ta mở rộng cửa cho cô bước vào trong. “Có một điều cậu nên biết về tôi, Lyova. Tôi không nấu ăn.”
HẾT