“Anh nện mụ ngất xỉu luôn,” ta bảo Kolya trong lúc bọn ta lê bước về phía Bắc qua tháp đồng hồ của ga Vitebsk, hoành tráng nhất trong tất cả các nhà ga ở Leningrad, ngay cả lúc này, khi mà đã không có đoàn tàu nào chạy gần bốn tháng qua và những cửa sổ kính mờ đã được bít lại. “Đấm ra đấm, nhỉ? Chưa đánh đàn bà bao giờ, nhưng lúc đó thì phải thế mới được.” Đó là cách mà bọn ta quyết định nói chuyện, thoải mái và tự nhiên, hai thanh niên thảo luận về một trận quyền Anh. Đó là cách duy nhất để nói chuyện. Cháu không thể để quá nhiều sự thật len vào trong cuộc trò chuyện, cháu không thể tự mồm mình thừa nhận những gì mắt cháu đã thấy. Cháu chỉ cần hé cửa ra một xentimét thôi, cháu sẽ ngửi thấy mùi thối rữa bên ngoài và nghe thấy tiếng gào thét. Cháu không được mở cửa. Cháu giữ cho đầu óc mình tập trung vào những công việc của ngày hôm ấy, cuộc săn tìm đồ ăn nước uống cùng cái gì đó để đốt, và cháu để dành những thứ còn lại cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Còi báo giới nghiêm chưa cất lên, nhưng cũng không còn nhiều thời gian. Bọn ta quyết định qua đêm ở Kirov, ở đó ta biết mình còn đủ gỗ vụn cho một lò sưởi ấm áp, và một nồi đầy nước sông để pha trà. Chặng đường cũng không xa lắm, nhưng lúc này khi cơn sợ đã hết ta lại cảm thấy mình như một ông già, cơ bắp chân ta nhức mỏi vì chạy. Bữa sáng với viên đại tá tuyệt vời thật đấy, nhưng nó cũng khiến cho dạ dày của ta bị dãn ra, và cơn đói đã quay trở lại. Giờ thì nó trộn lẫn với cảm giác buồn nôn, vì ta không thể nào xua được hình ảnh bộ xương lồng ngực của đứa bé ra khỏi đầu. Khi ta gặm cái kẹo thư viện đông cứng, ta nghĩ nó có mùi vị như da người để khô, và ta phải cố bắt mình nuốt cái thứ đó vào.
Kolya tập tễnh bước cạnh ta, chân anh ta cũng rệu rã chẳng kém gì, nhưng dưới ánh trăng nhìn anh ta vẫn vô tư như mọi khi, chẳng hề đeo đẳng bất kỳ ý nghĩ khó chịu nào. Có thể tâm trí anh ta thanh thản hơn vì anh ta đã phản ứng dũng cảm, mạnh mẽ và quyết đoán, trong khi ta co rúm người trên cầu thang tối, chờ được cứu.
“Nghe này, tôi cảm thấy là tôi… Tôi muốn xin lỗi. Tôi đã bỏ chạy và tôi xin lỗi. Anh đã cứu tôi.”
“Tôi bảo cậu chạy cơ mà.”
“Vâng, nhưng… lẽ ra tôi nên quay lại. Tôi có dao.”
“Cậu có con dao, phải rồi.” Kolya cười. “Cứ như nó giúp được cậu nhiều lắm không bằng. Giá mà cậu nhìn thấy chính mình lúc đó, khua khoắng vào hắn. David và Goliath, ha ha. Hắn chỉ chực ăn tươi nuốt sống cậu.”
“Tôi đã bỏ anh một mình trong đó. Tôi tưởng chúng sẽ giết anh.”
“A, chúng cũng tưởng như thế. Nhưng tôi đã bảo cậu là nắm đấm của tôi nhanh lắm mà.” Anh ta tung vài cú đấm vào không khí, gầm gừ như một võ sĩ: phùy! phùy!
“Tôi không phải là kẻ hèn nhát. Tôi biết lúc đó nhìn tôi giống thế lắm, nhưng tôi không phải.”
“Nghe tôi này, Lev,” anh ta quàng tay quanh vai ta, buộc ta phải đuổi theo sải chân dài của anh ta. “Cậu không hề muốn vào trong căn hộ đó. Chính tôi mới là thằng nhà quê ngu ngốc đòi vào bằng được. Vì vậy cậu không nợ tôi lời xin lỗi gì cả. Và tôi không nghĩ cậu là kẻ hèn nhát. Bất kỳ ai có một tí tỉnh táo nào cũng sẽ chạy hết.”
“Anh không chạy đấy thôi.”
“Quad erat demonstrandum[10],” anh ta nói, hài lòng với tiếng Latin đơn giản của mình.
Ta cảm thấy khá hơn đôi chút về mọi chuyện. Kolya đã bảo ta chạy. Gã hộ pháp lẽ ra đã có thể chọc một lỗ vào sọ ta dễ dàng như đứa bé chọc ngón cái vào cái bánh anh đào. Có thể là ta đã không hành động một cách anh hùng gì, nhưng ta cũng có phản bội đất nước đâu.
“Đó thực sự là một cú đấm cực đỉnh.”
“Tôi không nghĩ mụ ta có thể gặm được đứa bé nào trong một thời gian nữa.”
Kolya nhăn nhở cười với câu nói đó, nhưng nụ cười không kéo dài được lâu. Những lời nói của anh ta làm tâm trí bọn ta trở lại với cái thứ thịt trắng bệch đó, tấm nhựa ướt sũng máu rỏ. Bọn ta đang sống trong một thành phố mà lũ phù thủy hoành hành trên đường, mụ phù thủy Baba Yaga và chị em của mụ ta, chuyên bắt trẻ con và xả chúng thành từng mảnh.
Một hồi còi vang lên, tiếng rú dài và cô đơn đó, chẳng mấy chốc tất cả còi trong thành phố đều hòa theo tiếng rú của nó.
“Bọn Đức tới rồi đây,” Kolya nói, và bọn ta rảo bước, bắt thân thể rệu rã của mình di chuyển nhanh hơn. Bọn ta có thể nghe thấy tiếng đạn pháo trút xuống phía Nam, nhịp ùng oàng vẳng lại, khi quân Đức bắt đầu đợt tấn công hàng đêm vào Tổ hợp Kirov, nơi chế tạo một nửa số xe tăng và động cơ máy bay cùng với súng hạng nặng. Hầu hết cánh đàn ông làm việc ở đó lúc này đang ở ngoài tiền tuyến, nhưng phụ nữ đã tiếp quản các máy tiện và máy ép, vậy nên Tổ hợp không bao giờ lỡ nhịp, than lúc nào cũng cháy trong lò, khói lúc nào cũng cuộn lên từ các ống khói bằng gạch đỏ, các nhà máy không bao giờ ngừng hoạt động, ngay cả khi bom rơi thủng mái nhà, ngay cả khi thi thể của những người phụ nữ phải được khiêng ra khỏi dây chuyền, những bàn tay lạnh toát vẫn còn nắm chặt dụng cụ.
Bọn ta hối hả đi qua những tòa nhà cổ kính đẹp đẽ của Vitebsky Prospekt, với những mặt tiền bằng đá trắng, những cái đầu thần rừng sừng dê nhăn nhở nhìn xuống bọn ta từ trên các trán tường, được chạm khắc từ thời của các Nga hoàng. Mỗi tòa nhà như vậy thường có một hầm tránh bom dưới tầng hầm; các công dân sẽ bị lùa xuống đó, hàng chục người túm tụm quanh độc một ánh đèn le lói, chờ tiếng còi báo yên. Lúc này đạn pháo đang rơi gần đến mức bọn ta có thể nghe thấy chúng rít trong không trung. Gió ầm ào hơn, rú rít qua những khung cửa sổ vỡ của các căn hộ bỏ không, như thể Chúa và quân Đức đang đồng mưu thổi sập thành phố của bọn ta.
“Ở tiền tuyến, cậu sẽ giỏi xác định đạn pháo sắp rơi xuống đâu,” Kolya vừa nói, hai tay nhét chặt trong túi áo khoác, vừa bước vào luồng gió mới lúc trước còn ở phía sau bọn ta. “Cậu nghe là sẽ biết ngay: quả đó sẽ rơi xuống cách một trăm mét về phía trái; quả kia sẽ rơi xuống sông.”
“Tôi có thể phân biệt một chiếc Junkers với một chiếc Heinkel ngay khi nghe thấy tiếng.”
“Tôi mong là thế. Junkers nghe như tiếng một con sư tử còn Heinkel nghe như tiếng muỗi.”
“Hùm, vậy thì giữa một chiếc Heinkel với một chiếc Dornier. Tôi chỉ huy đội cứu hỏa trên tầng…”
Kolya giơ tay lên ra hiệu cho ta im lặng. Anh ta dừng bước và ta đứng lại cạnh anh ta.
“Cậu nghe thấy chứ?”
Ta lắng nghe. Ta không nghe thấy gì ngoài tiếng gió mùa đông dường như đang đồng thời thổi đến từ mọi hướng, tập hợp sức mạnh từ vịnh Phần Lan rồi gầm rú xuôi mọi con phố ngang. Ta tưởng Kolya nghe thấy tiếng một quả đạn pháo lao về phía bọn ta nên ta ngước lên trời, như thể ta có thể nhìn thấy thần Chết đang đập cánh về phía mình, như thể ta có thế né được nó nếu nhìn thấy. Cuối cùng gió cũng dịu đi, thở nhẹ nhàng hơn, một đứa trẻ sau khi hết cơn hờn dỗi. Đạn pháo nổ về phía Nam, cách vài cây số căn cứ vào tiếng nổ của nó, nhưng đủ gần để làm vỉa hè rung chuyển dưới chân bọn ta. Nhưng hóa ra không phải Kolya đang nghe tiếng gió hay đạn pháo. Ai đó bên trong tòa nhà cổ đang chơi đàn piano. Ta không nhìn thấy ánh sáng nào qua các ô cửa sổ, không thấy ánh nến hoặc đèn nào đang cháy. Những cư dân khác chắc hẳn đã xuống hầm trú bom (trừ phi họ quá yếu vì đói hoặc quá già nên không thèm bận tâm nữa), bỏ lại phía sau thiên tài lạc loài này chơi đàn trong bóng tối, phóng túng và chính xác, khoe tài bằng những đoạn fortissimo kép như vũ bão được tiếp ngay sau đó bởi các nốt pianissimo mong manh dịu nhẹ, như thể anh ta đang cãi nhau với chính bản thân mình, vừa là gã chồng vũ phu vừa là người vợ cam chịu.
Âm nhạc là một phần quan trọng trong tuổi thơ của ta, trên đài phát thanh và trong các phòng hòa nhạc. Cha mẹ ta say mê đến phát cuồng; chúng ta là một gia đình không có tài năng chơi nhạc nhưng lại vô cùng tự hào về khả năng thẩm âm. Ta có thể nhận ra bất kỳ bài nào trong số hai mươi bảy khúc luyện của Chopin chỉ sau vài nốt nhạc; ta biết tất cả các tác phẩm của Mahler, từ Lieder eines fahrenden Gesellen cho đến Bản Giao hưởng số 10 dang dở. Nhưng tiếng nhạc mà bọn ta nghe đêm đó thì ta chưa bao giờ được nghe qua và từ đó đến nay cũng chưa bao giờ nghe lại. Những nốt nhạc bị nghẹt lại bởi cửa sổ kính cùng khoảng cách xa và gió lùa bất tận, nhưng sức mạnh của nó vẫn dội qua. Đó là âm nhạc của thời chiến tranh.
Bọn ta đứng trên vỉa hè, dưới một cây cột đèn không có điện chăng kín sương muối, tiếng súng lớn bắn về phía Nam, những đám mây mỏng phủ mờ mặt trăng, lắng nghe đến nốt nhạc cuối cùng. Khi tiếng nhạc dứt, có điều gì đó gờn gợn: màn biểu diễn quá xuất sắc không thể không được thừa nhận, người nghệ sĩ quá tài năng không thể không được tán thưởng. Cả một hồi lâu bọn ta đứng lặng, ngước nhìn lên những cửa sổ tối om. Cuối cùng, khi cảm thấy đã thể hiện đủ sự tôn trọng để bước tiếp, bọn ta tiếp tục hành trình.
“May mà không có ai chẻ chiếc piano của ông ta ra làm củi,” Kolya nói.
“Có là ai đi nữa thì cũng không ai đi chẻ cây piano của ông ta đâu. Có khi chính là Shostakovich cũng nên. Có lẽ ông ấy sống ở quanh đây.”
Kolya trừng mắt nhìn ta và nhổ nước bọt xuống vỉa hè.
“Người ta sơ tán Shostakovich từ ba tháng trước rồi.”
“Không phải thế. Ông ấy xuất hiện trên tất cả các áp phích cơ mà, đội cái mũ cứu hỏa ấy.”
“Phải rồi, vị anh hùng vĩ đại, chỉ có điều ông ta đang ở Kuybishev, huýt sáo những giai điệu của Mahler mà ông ta đạo lại.”
“Shostakovich không hề đạo nhạc của Mahler.”
“Tôi cứ tưởng cậu sẽ đứng về phía Mahler cơ đấy,” Kolya vừa nói vừa liếc nhìn ta với cái nhếch môi khoái trá – có nghĩa là, giờ thì ta biết, anh ta sắp sửa nói điều gì đó chướng tai. “Cậu không ưng dân Do Thái hơn dân ngoại đạo sao?”
“Họ đâu có thuộc về các phe khác nhau. Mahler viết những tác phẩm âm nhạc vĩ đại. Shostakovich viết những tác phẩm âm nhạc vĩ đại…”
“Vĩ đại? Ha ha. Tay đó là một thằng bồi bút và đạo nhạc.”
“Anh thật là đồ ngốc. Anh chẳng biết gì về âm nhạc cả.”
“Tôi biết là Shostakovich đã lên đài hồi tháng Chín và nói về nghĩa vụ ái quốc vĩ đại của chúng ta chống lại chủ nghĩa phát xít, và ba tuần sau ông ta đã húp cháo ở Kuybishev.”
“Đó đâu phải là lỗi của ông ấy. Họ không muốn ông ấy chết và họ bắt ông ấy phải ra đi. Cứ thử nghĩ sẽ tồi tệ như thế nào cho tinh thần của…”
“Ồ, tất nhiên nhỉ, cứ thử nghĩ đến thảm kịch đó xem,” Kolya nói, chuyển sang cái giọng giáo sư mà anh ta dùng khi cần châm biếm cay độc. “Chúng ta không thể để những người vĩ đại phải chết. Tôi mà có quyền thì tôi sẽ làm ngược lại ngay. Cứ đưa những người nổi tiếng ra tiền tuyến. Shostakovich bị ăn một viên đạn vào đầu ấy à? Cứ thử nghĩ đến cơn căm giận trên khắp cả nước mà xem! Trên khắp thế giới! NHÀ SOẠN NHẠC NỔI TIẾNG BỊ BỌN QUỐC XÃ SÁT HẠI. Anna Akhmatova, bà ta cũng lên đài nữa. Cậu nhớ chứ? Khuyên bảo tất cả chị em phụ nữ của Leningrad hãy kiên cường, hãy học cách bắn súng trường. Giờ thì bà ta đang ở đâu nào? Bắn bọn Đức ư? Hừm, không, tôi không tin. Ở Tổ hợp, mài vỏ đạn pháo à? Không, bà ta đang ở Tashkent, sòn sòn bơm ra tiếp những vần thơ ái kỷ đã làm nên tên tuổi bà ta.”
“Mẹ và em gái tôi cũng đi sơ tán đấy thôi. Điều đó đâu có biến họ thành những kẻ phản bội.”
“Mẹ và em gái cậu không hề lên đài khuyên bảo tất cả bọn ta hãy kiên cường. Nghe này, tôi không trông đợi các nhà soạn nhạc và các nhà thơ phải là những anh hùng. Tôi chỉ không ưa bọn đạo đức giả.”
Anh ta quẹt mũi bằng mu bàn tay đi găng và liếc nhìn lại về phía Nam, nơi những quả đạn pháo nổ thắp sáng bầu trời. “Mà cái tòa nhà khốn nạn của cậu ở đâu vậy hả?”
Bọn ta vừa mới rẽ qua góc đường vào phố Voinova và ta đưa tay lên để chỉ vào Kirov. Ta đang chỉ vào khoảng không, nhưng cả một lúc lâu ta thậm chí còn không nghĩ đến việc hạ tay xuống. Chỗ mà Kirov từng đứng lúc này là một đống đổ nát, một quả đồi dốc toàn những tấm bê tông gãy vỡ, một chồng gạch đá và thanh sắt cong queo cùng những mảnh kính vỡ vụn lấp lánh dưới ánh trăng.
Nếu chỉ có một mình, hẳn ta cứ đứng trân trối nhìn những đống đổ nát ấy cả mấy tiếng đồng hồ ngơ ngẩn. Kirov là cuộc sống của ta. Vera và Oleg cùng với Grisha. Lyuba Nikolaevna, bà cô độc thân trên tầng bốn vẫn xem bói chỉ tay và sửa váy cho tất cả phụ nữ trong tòa nhà, bà từng nhìn thấy ta đọc một cuốn tiểu thuyết của H.G. Wells trong cầu thang một đêm hè và hôm sau đã cho ta cả một thùng đầy các tác phẩm của Robert Louis Stevenson, Rudyard Kipling và Charles Dickens. Anton Danilovich, người lao công, sống dưới tầng hầm và quát tháo bọn ta mỗi khi bọn ta ném đá trong sân hoặc nhổ nước bọt từ sân thượng xuống hay đắp những người tuyết đàn ông và đàn bà bậy bạ – lấy cà rốt làm thằng nhỏ và tẩy bút chì làm núm vú. Zavodilov, nghe đồn là dân anh chị, mất hai ngón trên bàn tay trái và lúc nào cũng huýt sáo ghẹo gái, ngay cả khi họ xấu òm, có khi gái càng xấu anh ta càng huýt sáo to hơn để cổ vũ tinh thần họ – Zavodilov, kẻ tổ chức những bữa tiệc thâu đêm đến sáng, mở những đĩa nhạc jazz mới nhất, của Varlamov cùng nhóm Thất tấu của anh ta hoặc Eddie Rozner; những người đàn ông và đàn bà mở phanh cúc áo cười nói và nhảy nhót ra tận hành lang, khiến cánh già phẫn nộ, nhưng lại làm bọn trẻ ranh phấn khích quyết tâm sau này nếu có phải lớn lên thì ít nhất cũng là lớn lên để giống như Zavodilov.
Đó là một tòa nhà cũ kỹ xấu xí luôn nồng nặc mùi thuốc khử trùng, nhưng đó là nhà của ta và ta không bao giờ nghĩ nó sẽ sụp đổ. Ta lội vào trong đống đổ nát, cúi xuống lẳng qua một bên những tảng bê tông lớn. Kolya túm lấy tay ta.
“Lev… đi với tôi. Tôi biết một chỗ khác mà bọn ta có thể ngủ qua đêm được.”
Ta giật ra khỏi tay anh ta và tiếp tục bới bằng hai bàn tay. Anh ta lại túm lấy ta và lần này anh ta giữ tay ta thật chặt, nên ta không giằng ra được.
“Dưới đấy không có ai còn sống đâu.”
“Làm sao mà anh biết được.”
“Nghe này,” anh ta vừa nói ôn tồn vừa chỉ vào một số cây cọc nhỏ màu đỏ đã được cắm vào đống đổ nát ở một loạt các điểm. “Người ta đã đào bới ở đây rồi. Chắc hẳn tòa nhà đã đổ sập từ đêm qua.”
“Đêm qua tôi còn ở đây mà.”
“Đêm qua cậu ở Chữ Thập. Đi nào. Đi với tôi.”
“Người ta vẫn sống sót mà. Tôi đã đọc thấy chuyện đó. Có trường hợp người ta sống sót nhiều ngày liền.”
Kolya nhìn qua đống đổ nát. Gió làm cuộn lên những cơn bão nhỏ toàn bụi bê tông.
“Nếu có người còn sống ở trong đó thì cậu cũng không thể lôi họ ra bằng tay không như thế được. Còn nếu cố ở đây suốt đêm để làm việc đó, cậu cũng không trụ được đến sáng đâu. Đi thôi. Tôi có bạn bè gần đây. Chúng ta cần vào bên trong.”
Ta lắc đầu. Làm sao ta có thể rời bỏ nhà của mình được?
“Lev… tôi không cần cậu phải suy nghĩ ngay lúc này. Tôi chỉ cần cậu đi theo tôi. Hiểu chứ? Theo tôi nào.”
Anh ta kéo ta xuống từ trên đống đổ nát và ta yếu đến mức không thể cưỡng lại được, quá mệt – không thể đau đớn hay giận dữ hoặc ương ngạnh. Ta muốn được ấm. Ta muốn được ăn. Bọn ta bước đi khỏi những gì còn lại của Kirov và ta không nghe được tiếng bước chân của mình. Ta đã trở thành một bóng ma. Không còn lại ai trong thành phố biết đầy đủ tên họ của ta. Ta không cảm thấy quá xót xa gì cho bản thân, chỉ là một cảm giác tò mò nhạt nhẽo rằng dường như ta vẫn còn sống, hơi khói mà ta thở ra vẫn hiện hữu dưới ánh trăng, gã con trai của dân Cossack này vẫn sải bước bên cạnh ta, vừa chốc chốc ngoảnh sang nhìn ta cho chắc rằng ta vẫn đang bước tiếp, vừa kiểm tra bầu trời đêm đề phòng máy bay ném bom.