Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 7

Tác giả: David Benioff

“Vào đi,” cô nói, “vào đi. Hai người chết cóng rồi kìa.”

Có thể thấy là bạn của Kolya đã từng xinh đẹp trước cuộc phong tỏa: mái tóc vàng bết bẩn của cô xõa xuống ngang lưng; cặp môi cô vẫn còn căng mọng; và cô có một cái lúm đồng tiền hình lưỡi liềm bên trên má trái mỗi khi cô mỉm cười. Không có lúm đồng tiền đối xứng nào bên má phải, kể cũng lạ, và ta chợt nhận thấy là mình cứ chăm chăm đợi cô mỉm cười để ta lại được thấy cái lúm đồng tiền lẻ loi đó.

Kolya hôn lên cả hai má cô khi cô ra mở cửa và máu dồn lên mặt cô, khiến cô trông thật khỏe khoắn trong giây lát.

“Người ta bảo anh chết rồi!”

“Chưa đâu,” Kolya nói. “Đây là Lev, bạn anh. Cậu ấy nhất định không chịu cho anh biết tên đệm hoặc họ của mình, nhưng biết đâu cậu ấy lại cho em biết. Anh có cảm giác em là mẫu người của cậu ấy đấy. Lev, đây là Sonya Ivanovna. Một trong những cuộc chinh phục đầu tiên của tôi và vẫn là một người bạn thân.”

“Ha ha! Kể ra cũng là một cuộc chinh phục đoản thọ, phải không? Napoléon tại Moscow?”

Kolya nhăn nhở cười với ta. Anh ta vẫn quàng một tay quanh người Sonya, ôm sát cô vào mình. Cô đã nhồi mình vào trong một cái áo khoác đàn ông cùng ba hay bốn lớp áo len, nhưng ngay cả phía dưới cái đống ấy ta vẫn thấy rằng cơ thể cô chẳng còn lại nhiều nhặn gì.

“Vụ đó là cả một màn quyến rũ kinh điển. Gặp cô ấy ở lớp lịch sử nghệ thuật. Giải thích cho cô ấy tất cả những trò biến thái của các bậc thầy, từ những cậu bé của Michelangelo cho đến những bàn chân của Malevich – cậu biết rồi chứ? Ông ta thường vẽ bàn chân người quản gia của mình vào buổi sáng rồi đêm đến lại xóc lọ với những bức vẽ.”

“Đúng là ba xạo. Chẳng có ai khác trên đời từng nghe thấy chuyện đó cả,” cô thú nhận với ta.

“Cô ấy được biết tất cả về những tay họa sĩ dâm dật đó, làm nước của cô ấy tuôn lênh láng, chắc phải bằng cả hai ly vodka, thế đấy. Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng.”

Cô ghé sát vào người ta, sờ tay áo khoác của ta, và nói với ta bằng giọng thì thầm rất kịch: “Dù sao thì anh ta cũng đã đến[11]. Cái đó thì tôi công nhận với anh ta.”

Ta không quen nghe phụ nữ nói về tình dục. Những thằng con trai mà ta biết thì không bao giờ ngậm mồm về chủ đề đó, mặc dù không ai trong số chúng có vẻ là một chuyên gia lớn, nhưng cánh con gái thì giữ những chuyện như vậy để nói trong các hang ổ đóng kín của chúng. Ta tự hỏi không biết Grisha đã ngủ với Vera chưa, nhưng rồi nhớ ra rằng cả Grisha và Vera đều đã chết, chôn vùi dưới những bia mộ làm bằng bê tông đổ nát.

Sonya nhận thấy vẻ thảm hại trên mặt ta và tưởng rằng ta bối rối vì cuộc nói chuyện trơ trẽn của họ. Cô trao cho ta một nụ cười ấm áp, khoe ra cái lúm đồng tiền hình lưỡi liềm đó.

“Đừng lo, cưng. Không ai trong bọn tôi phóng túng được như bọn tôi tưởng đâu.” Cô quay sang Kolya. “Cậu ấy thật dễ thương. Anh gặp cậu ấy ở đâu vậy?”

“Cậu ấy sống ở tòa nhà Kirov. Bên Voinova.”

“Kirov à? Là tòa nhà đổ tối hôm qua? Tôi xin lỗi nhé, cậu bé dễ thương.”

Cô bọc lấy ta trong vòng tay của mình. Cảm giác giống như được một con bù nhìn ôm. Ta chẳng cảm nhận được chút thân thể nào dưới quần áo của cô, chỉ là hết lớp này đến lớp khác vải len ám khói. Dù sao cảm giác vẫn thật dễ chịu khi có một người phụ nữ tỏ ra quan tâm. Ngay cả khi cô ấy chỉ đang tỏ ra lịch sự, cảm giác vẫn thật dễ chịu.

“Đi nào,” cô vừa nói vừa cầm tay ta, găng tay da chạm vào găng tay da. “Bây giờ đây là nhà cậu. Nếu cậu cần ngủ ở đây một đêm, một tuần, đây là chỗ ngủ của cậu. Mai cậu có thể giúp tôi mang ít nước ở sông Neva lên.”

“Mai bọn anh có việc phải làm rồi,” Kolya nói, nhưng cô phớt lờ anh ta, dẫn bọn ta vào trong phòng khách. Một đám sáu người ngồi thành nửa vòng tròn quanh một bếp lò đốt củi. Nhìn họ như đám sinh viên đại học, cánh đàn ông vẫn để nguyên kiểu tóc mai và ria mép cầu kỳ, những người phụ nữ thì để tóc ngắn và khuyên tai kiểu Gypsy. Họ đắp chung mấy cái chăn nặng trịch, nhấp trà, nhìn những người mới đến bọn ta mà không chào hỏi gì. Ta hiểu cảm giác khó chịu của họ. Những người lạ nhẹ thì gây chuyện bực mình còn nặng thì làm chết người – ngay cả khi họ không có ý định xấu gì, bao giờ họ cũng cần ăn.

Sonya giới thiệu bọn ta với mọi người, nêu tên tất cả mọi người trong vòng, nhưng không ai nói năng gì cho đến khi Kolya kết bạn bằng cách mở thanh kẹo thư viện của anh ta ra và chuyển nó đi một vòng. Không thể nào sung sướng gì mà gặm cái của đó, nhưng cũng còn có thứ để mà ăn, thứ để mà cho máu tuần hoàn, và chẳng mấy chốc câu chuyện lại bắt đầu.

Bạn cô, hóa ra, đều là các bác sĩ và y tá, chứ không phải sinh viên đại học. Họ vừa mới xong ca trực hai mươi tư tiếng đồng hồ, cưa chân cắt tay, gắp đạn ra khỏi những khúc xương vỡ nát, cố gắng vá víu lại những người lính què cụt mà không có sự giúp đỡ của thuốc mê hay máu dự trữ hoặc điện. Họ thậm chí còn không có đủ nước nóng để khử trùng dao mổ cho tử tế.

“Cậu Lev đây sống ở Kirov,” Sonya vừa nói vừa chỉ vào ta bằng một cái nghiêng đầu đầy cảm thông. “Cái tòa nhà trên phố Voinova trúng bom tối qua.”

Những lời rì rầm thông cảm cất lên, những cái gật đầu khẽ khàng để bày tỏ sự chia buồn.

“Lúc bom nổ cậu có ở trong không?”

Ta lắc đầu. Ta liếc nhìn Kolya, anh ta đang dùng mẩu bút chì nguệch ngoạc ghi chép vào cuốn sổ của mình, không đếm xỉa gì đến bọn ta. Ta liếc nhìn lại đám bác sĩ và y tá đang chờ đợi câu trả lời. Đây là những người xa lạ. Sao phải trút gánh nặng biết sự thật lên họ làm gì.

“Lúc đó tôi đang ở với bạn.”

“Một số người thoát ra được,” một người bác sĩ nói, đó là Timofei, một tay trống đầy chất họa sĩ đeo cặp kính không gọng. “Tôi nghe có người ở bệnh viện nói thế.”

“Thật à? Bao nhiêu người?”

“Không biết. Lúc ấy không tập trung nghe lắm. Xin lỗi, là vì… đêm nào chẳng có tòa nhà bị đánh sập.”

Tin đồn về những người sống sót làm tinh thần ta thêm phấn chấn. Khu tránh bom dưới tầng hầm có vẻ kiên cố nếu mọi người kịp xuống đó, có thể họ đã thoát được. Vera và cặp sinh đôi bao giờ cũng lao xuống hầm cùng với gia đình mình khi còi báo động cất lên. Tay anh chị Zavodilov thì ngược lại ta không nhớ đã bao giờ nhìn thấy anh ta trong hầm chưa nữa. Anh ta ngủ suốt lúc còi báo động cũng giống như anh ta ngủ suốt các buổi sáng với một cái khăn lạnh đắp trên trán và một cô nàng trần truồng bên cạnh. Hoặc ít nhất thì đó là ta tưởng tượng ra thế. Không, anh ta sẽ không đời nào kịp xuống hầm, nhưng nói đi thì phải nói lại, Zavodilov vắng mặt ở Kirov rất nhiều đêm, chăm lo mối làm ăn bí hiểm của anh ta hoặc uống trong căn hộ của một tay tội phạm nào đó.

Sonya rót thêm hai tách trà loãng và chia một tách cho ta và một tách cho Kolya. Ta tháo đôi găng tay len ra lần đầu tiên kể từ bữa sáng trong văn phòng của viên đại tá. Chất thủy tinh ấm áp có cảm giác như một sinh thể giữa hai bàn tay ta, một sinh vật nhỏ với nhịp tim và một linh hồn. Ta để cho hơi trà xông lên mặt và phải một lúc sau mới nhận ra là Sonya vừa hỏi ta một câu.

“Sao cơ?”

“Tôi vừa hỏi, gia đình cậu có ở trong tòa nhà không?”

“Không, họ ra khỏi thành phố từ tháng Chín rồi.”

“Thế thì tốt. Gia đình tôi cũng vậy. Các em trai tôi đến Moscow.”

“Và giờ thì quân Đức cũng đang ở cửa ngõ Moscow rồi,” Pavel nói, một thanh niên mặt chuột vẫn chằm chằm nhìn vào lò sưởi sắt nãy giờ và không giao tiếp bằng mắt với bất kỳ ai. “Chúng sẽ chiếm nó trong vài tuần nữa.”

“Cứ để chúng chiếm đi,” Timofei nói. “Chúng ta sẽ chơi trò Rostopchin[12] với chúng, đốt trụi tất cả mọi thứ và rút lui. Chúng sẽ tìm đâu ra nơi trú ẩn? Chúng sẽ ăn gì? Cứ để mùa đông chăm sóc bọn chúng.”

“Chơi trò Rostopchin… ẹ.” Sonya nhăn mặt như thể cô vừa đánh hơi thấy thứ gì đó tệ hại. “Anh làm ông ta nghe như thể một người hùng vậy.”

“Ông ấy là người hùng còn gì nữa. Cô không nên học lịch sử từ Tolstoy.”

“Vâng, vâng, Bá tước Rostopchin tốt đẹp, người bạn của nhân dân.”

“Đừng có lôi chính trị vào đây. Đây là vấn đề chiến tranh, chứ có phải đấu tranh giai cấp đâu.”

“Đừng lôi chính trị vào đây ấy à? Ai phải lôi chính trị vào làm gì chứ? Anh nghĩ chính trị không can dự vào chiến tranh chắc?”

Kolya cất tiếng dập tắt màn hầm hè. Anh ta đang nhìn vào tách trà, cầm nó trong cả hai bàn tay.

“Bọn Đức sẽ không chiếm được Moscow đâu.”

“Thông tin đó là theo chuyên gia nào vậy?” Pavel hỏi.

“Theo tôi đấy. Bọn Đức ở cách thành phố ba mươi cây số hồi đầu tháng Mười hai. Lúc này chúng đã ở cách xa một trăm cây số. Đội quân Wehrmacht[13] trước giờ chưa lần nào rút lui cả. Chúng không biết cách rút lui. Tất cả những gì chúng được huấn luyện, tất cả những gì chúng nghiên cứu trong sách là tấn công. Tấn công, tấn công, tấn công. Giờ thì chúng đang rút lui và chúng sẽ không dừng lại cho đến khi chúng nằm trắng bụng ở Berlin.”

Cả hồi lâu không ai nói một lời nào. Cánh phụ nữ chăm chú nhìn Kolya, mắt họ bừng sáng hơn một chút trên những bộ mặt hốc hác. Tất cả họ đều hơi hơi phải lòng anh ta.

“Xin thứ lỗi cho tôi vì đã hỏi, thưa đồng chí,” Pavel nói, pha một chút châm biếm vào từ đồng chí. “Nhưng nếu đồng chí là một nhân vật quan trong như vậy trong quân đội, tiếp cận với những thông tin cơ mật đến thế, tại sao đồng chí lại đang ngồi đây với chúng tôi?”

“Tôi không thể nói về những mệnh lệnh của mình,” Kolya nói, không hề nao núng trước giọng điệu xúc phạm của tay bác sĩ. Anh ta nhấp một ngụm trà và ngậm thứ nước ấm trong miệng một lúc. Anh ta nhận thấy Sonya vẫn đang nhìn mình và anh ta mỉm cười với cô. Cả nhóm đều im lặng. Không ai nhúc nhích gì, nhưng cơ chế đã xoay chiều, Kolya và Sonya ở trung tâm ánh đèn sân khấu và những người còn lại bọn ta là các khán giả lặng lẽ, băn khoăn không hiểu mình có được nhìn thấy tí da thịt nào không. Màn dạo đầu đã bắt đầu, cho dù là họ ngồi cách xa nhau, cho dù là cả hai đều đang được quấn trong hết lớp len này đến lớp len khác. Ta ước là một ngày nào đó sẽ có cô gái đắm đuối nhìn mình như thế, nhưng ta biết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Cái khung vai hẹp này, đôi mắt dớn dác và sợ hãi như mắt một con thú gặm nhấm – ta không phải mẫu người khiến người ta thèm khát. Tệ nhất là cái mũi của ta, cái mũi đáng ghét của ta, cái mỏ cho vô vàn lời chế giễu. Là một người Do Thái ở Nga đã đủ tồi tệ rồi, nhưng là một người Do Thái với cái mũi như lấy từ tranh biếm họa bài Do Thái, ừm, nó khiến người ta căm ghét bản thân vô cùng. Nhìn chung thì ta tự hào là người Do Thái, nhưng ta không muốn có vẻ ngoài của người Do Thái. Ta muốn trông như người Arya, tóc vàng và mắt xanh, ngực nở nang và cằm khỏe khoắn. Ta muốn mình trông như Kolya.

Kolya nháy mắt với Sonya và uống hết tách trà. Anh ta thở dài, chăm chú nhìn những mẩu bã trà dưới đáy tách.

“Mọi người có biết là chín ngày nay tôi chưa ỉa được không?”

Đêm hôm đó tất cả bọn ta ngủ trong phòng khách trừ Kolya và Sonya, hai kẻ cùng đứng lên theo một mật hiệu nào đó và biến vào phòng ngủ. Đám còn lại bọn ta đắp chung chăn. Bọn ta nằm sát vào nhau để lấy hơi ấm, như thế ngay cả khi bếp lò đã hết củi lúc nào đó trong đêm, ta cũng không đến nỗi run cầm cập quá đáng. Cơn rét kỳ thực còn không hành hạ ta nhiều bằng những tiếng rên ư ử nghèn nghẹt của Sonya. Tiếng kêu của cô nghe sung sướng không thể chịu nổi, cứ như thể Kolya đang chơi phăng đi tất cả những khốn khổ khốn nạn của sáu tháng rồi, chơi bay cảnh đói rét cùng bom đạn và bọn Đức. Sonya thật đáng yêu và tốt bụng, nhưng nằm nghe cơn khoái cảm của cô thì thật là tồi tệ – ta muốn mình mới là kẻ đưa một cô gái xinh đẹp bay bổng khỏi cuộc phong tỏa này bằng thằng nhỏ của mình. Thay vào đó ta đang nằm trên sàn căn hộ của một người xa lạ bên cạnh một người đàn ông ta không hề biết, kẻ giật mình thon thót trong giấc ngủ và bốc mùi như một cái bắp cải luộc.

Ta không cho là màn mây mưa ấy kéo dài lâu – ai có sức đâu ra cho nó chứ? – nhưng cảm giác như thể nó diễn ra cả nửa đêm liền, Sonya rên ư ử, Kolya nói bằng giọng thì thào mà ta không sao nghe được qua những vách tường mỏng. Giọng anh ta nghe rất điềm tĩnh, như thể anh ta đang đọc cho cô nghe từ một bài báo vậy. Ta tự hỏi anh ta đang nói với cô cái chết tiệt gì không biết. Người ta phải nói gì với một cô gái mà mình đang tẩn nhỉ? Có vẻ như đó là một điều quan trọng cần phải biết. Có lẽ anh ta đang trích dẫn cái tay nhà văn mà lúc nào anh ta cũng kể say sưa đó. Có lẽ anh ta đang kể cho cô nghe về chuyện đánh nhau với vợ chồng tên ăn thịt người, nhưng có vẻ không phải là chuyện đó. Ta nằm trong bóng tối lắng nghe họ, trong khi gió lay rung những khung cửa sổ và những mẩu than cuối cùng nổ bép trong lò. Âm thanh cô đơn nhất trên đời này là tiếng những người khác đang ân ái.

Bình luận