Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thành Phố Trộm

Chương 9

Tác giả: David Benioff

Sonya đã nhặt nhạnh được một giỏ gỗ vụn từ những thanh xà vỡ nát của một trường điều dưỡng trên đảo Vasilevsky; bếp lò của cô cháy nóng rực khi bọn ta ngồi xuống trước nó, uống trà loãng và chằm chằm nhìn con gà yếu ớt. Bọn ta đã sắp xếp một cái ổ tạm bợ từ một hộp thiếc đựng bánh quy cũ và lót một lớp giấy báo vụn. Con gà nằm thu lu trong đó, đầu rủ xuống ức, phớt lờ thìa kê xay mà bọn ta đã rắc lên những mảnh vụn của bài xã luận, Người dân Moscow kêu gọi chúng ta hãy mạnh mẽ. Quỷ tha ma bắt Moscow đi. Cảm giác chung ở Piter là nếu cuộc bao vây bắt buộc phải xảy ra, tốt hơn cả là nó xảy ra với bọn ta, vì bọn ta có thể chống chọi với bất kỳ điều gì, trong khi bọn quan chức béo ú ở thủ đô có lẽ sẽ ra đầu hàng tay Oberstleutnant[15] gần nhất nếu chúng không nhận được khẩu phần cá tầm hằng tuần. “Bọn chúng tệ không khác gì bọn Pháp,” Oleg vẫn thường nói, mặc dù chính Oleg cũng biết rằng nói thế là hơi quá đáng. Kolya đã đặt cho con gà biệt danh Cục Cưng, nhưng chẳng có tí trìu mến nào trong mắt nó khi nó chằm chằm nhìn lại bọn ta, ngơ ngẩn và ngờ vực.

“Nó có cần phải quan hệ rồi mới đẻ trứng không vậy?” ta hỏi.

“Tôi không nghĩ thế,” Sonya vừa nói vừa cạy một vảy da khô trên môi mình. “Tôi nghĩ là những con đực sẽ thụ tinh cho trứng, nhưng gà mái sẽ tự mình đẻ trứng. Chú tôi quản lý một hợp tác xã gia cầm ở Mga.”

“Nhờ thế mà chị biết về gà à?”

Cô lắc đầu. “Tôi thậm chí còn chưa bao giờ đến Mga.”

Tất cả bọn ta đều là những đứa con của thành phố. Ta chưa bao giờ vắt sữa bò hoặc xúc phân hay đánh đống cỏ khô. Hồi ở Kirov bọn ta luôn chế giễu những người nông dân từ các nông trang tập thể, kiểu tóc tai xấu òm và cái cổ đầy tàn nhang của họ. Giờ thì đến lượt đám dân nhà quê tha hồ vừa cười vừa đánh chén thịt thỏ và thịt lợn vừa giết trong khi bọn ta cố sống sót với bánh mì khẩu phần mốc meo.

“Từ giờ đến thứ Năm nó sẽ không thể nào đẻ được mười hai quả trứng,” ta nói. “Nó thậm chí còn không sống nổi đến thứ Năm.”

Kolya ngồi trên một cái ghế sắt không lưng dựa, đôi chân dài duỗi thẳng ra phía trước người, nguệch ngoạc ghi chép vào cuốn sổ của mình bằng mẩu bút chì mỗi lúc một cụt dần.

“Đừng vội đánh mất hy vọng,” anh ta nói, không ngước lên khỏi trò viết lách của mình. “Nó là một con gà mái Leningrad – nó rắn rỏi hơn vẻ bề ngoài đấy. Bọn Đức chẳng đã tưởng chúng sẽ ăn mừng Giáng sinh ở Astoria còn gì?”

Bọn Quốc xã đã in hàng nghìn tờ giấy mời tới dự một bữa tiệc mừng chiến thắng hoành tráng mà Hitler dự định tổ chức ở Khách sạn Astoria sau khi chinh phục được cái mà hắn đã gọi, trong một bài diễn văn trước lũ tiểu yêu cầm đuốc của mình, là “cái nôi của phong trào Bolshevik, thành phố của lũ kẻ trộm và dòi bọ”. Các chiến sĩ của chúng ta đã tìm thấy mấy tờ giấy mới trên xác của những tên sĩ quan Wehrmacht bị tiêu diệt. Chúng đã được in lại trên báo, được sao lại thành hàng nghìn bản, và được đóng lên các bức tường khắp thành phố. Những tay bồi bút của Bộ Chính trị không thể nào nghĩ ra trò tuyên truyền nào hiệu quả hơn thế. Bọn ta căm thù sự ngu xuẩn của bọn Quốc xã không kém bất kỳ điều gì khác – nếu thành phố thất thủ, bọn ta sẽ không để lại bất kỳ khách sạn nào cho bọn Đức có thể nhấm nháp rượu schnapps trong quầy bar piano và nghỉ đêm trong các phòng suit deluxe. Nếu thành phố thất thủ, bọn ta sẽ kéo sụp nó cùng với mình.

“Có khi nó xấu hổ đấy,” Sonya nói. “Có khi nó không muốn đẻ trứng khi bị tất cả chúng ta nhìn vào.”

“Có khi nó cần uống thứ gì đó.”

“Hừm, thông minh đấy. Hãy đi kiếm cho nó ít nước.”

Không ai nhúc nhích. Bọn ta ai cũng đói và mệt và cùng hy vọng ai đó sẽ đứng lên đi lấy nước. Bên ngoài ánh sáng tắt dần trên bầu trời. Bọn ta nghe thấy tiếng rì rì của những chiếc đèn pha đang được bật lên, những sợi tóc bóng đèn khổng lồ từ từ sáng rực. Một chiếc Sukhoi đơn độc lượn vòng bên trên thành phố, tiếng cánh quạt ầm ì đều đều và trấn an.

“Nó đúng là thứ của nợ bé tí xấu xí nhỉ?”

“Tôi thấy nó dễ thương đấy chứ,” Sonya nói. “Nhìn nó giống bà tôi.”

“Có lẽ chúng ta nên lắc nó, để xem trứng có rơi ra không…”

“Nó cần uống nước.”

“Ừ, lấy cho nó chút nước đi.”

Một tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Cuối cùng, Sonya châm đèn, bật đài lên, và rót một chút nước sông từ bình ra một cái đĩa lót nhỏ, rồi đặt vào trong hộp của Cục Cưng. Cục Cưng chằm chằm nhìn cô nhưng không hề cố gắng gì để uống nước.

Sonya về lại chỗ ngồi và thở dài. Sau một lúc để lấy lại sức, cô quay sang cái giá đan bên cạnh ghế, nhặt lên một chiếc tất rách, kim chỉ, và một quả trứng bằng sứ dùng để mạng mà cô nhét vào trong gót chiếc tất để kéo dãn sợi vải ra. Ta chăm chú nhìn những ngón tay khẳng khiu của cô làm việc. Cô xinh xắn, nhưng bàn tay cô nhìn như bàn tay của thần Chết, bợt bạt và không có thịt. Tuy nhiên cô rất biết cách sửa tất. Chiếc kim lấp loáng dưới ánh đèn khi nó cắm vào rồi ra, vào rồi ra, dụ ta gần vào giấc ngủ.

“Em có biết ai là đồ con đĩ ranh đồi bại không?” đột nhiên Kolya hỏi. “Natasha Rostov.”

Cái tên đó quen quen, nhưng ta không thể nào nhớ ra được ngay.

Sonya cau mày nhưng không ngẩng lên khỏi công việc đan mạng. “Cô gái trong Chiến tranh và hòa bình ấy à?”

“Anh không tài nào chịu nổi cái đồ đĩ đượi ấy. Ai cũng phải lòng cô ả – tất cả bọn họ, thậm chí cả những người anh của cô ả – vậy mà cô ta chẳng qua chỉ là một ả õng ẹo chán phèo.”

“Có thể vấn đề chính là ở chỗ đó,” Sonya nói.

Ta đã hơi gà gật nhưng ta mỉm cười. Bất chấp tất cả những phẩm chất khó chịu của anh ta, ta không thể nào không có cảm tình với một người đi khinh bỉ mãnh liệt đến thế cả một nhân vật tưởng tượng.

Sonya mạng kín những lỗ thủng trên chiếc tất bằng hai bàn tay xương khô khéo léo. Kolya vừa gõ gõ đánh nhịp ngón tay trên ống quần, vừa cau có với ý nghĩ về Natasha Rostov và nỗi bất công của bao điều đó. Cục Cưng run cầm cập trong căn phòng ấm, cố rụt cái đầu có mỏ vào trong thân, như thể nó đang mơ mình là một con rùa vậy.

Nhà viết kịch Gerasimov kêu gọi trên đài: “Lũ hèn nhát hãy chết đi! Bọn gieo rắc nỗi sợ hãi hãy chết đi! Những kẻ phát tán tin đồn hãy chết đi! Hãy đưa chúng ra xét xử. Kỷ luật. Can trường. Mạnh mẽ. Và hãy ghi nhớ điều này: Leningrad không sợ chết. Cái chết phải sợ Leningrad.”

Ta khịt mũi và Kolya ngoảnh sang nhìn ta.

“Sao thế? Cậu không thích ông bạn Gerasimov à?”

“Có gì mà thích?”

“Dù sao ông ấy cũng là một người yêu nước. Ông ấy ở đây ngay Piter này, chứ không phải an toàn ở đâu đó cùng Akhmatova và bè lũ của bà ta.”

“Em đồng ý với Lev,” Sonya vừa nói vừa tung thêm một nắm vụn gỗ nữa vào trong lò. Những cục than hồng hắt sáng lên mái tóc vàng cắt ngắn của cô và trong một khoảnh khắc hai cái tai nhỏ nhắn của cô có màu đỏ thắm và trong suốt. “Ông ta chẳng qua cũng chỉ là tên vớ vẩn, thế thôi.”

“Ông ta còn tồi tệ hơn thế,” ta nói, và ta có thể nghe thấy nỗi tức giận len vào trong giọng mình. “Ông ta tự xưng là nhà văn, nhưng ông ta thù ghét các nhà văn – ông ta chỉ đọc họ để xem họ có viết gì nguy hiểm không, có gì phạm thượng không. Và nếu ông ta xác định là có thì coi như xong rồi; ông ta tố cáo họ trong Tổng ban Văn học, ông ta công kích họ trên báo, trên đài. Ai đó ở một ủy ban nào đó ở đâu đó sẽ bảo, ‘À, đồng chí Gerasimov nói rằng người này là một mối đe dọa, mà Gerasimov là một đồng chí của chúng ta, thế nên kẻ kia chắc chắn phải là một mối đe dọa…”’

Ta bỏ dở câu không nói nữa. Giọng nói tức tối của ta nghe như vọng oang oang trong căn hộ nhỏ, mặc dù ta nghĩ là do mình tưởng tượng, do nỗi xấu hổ của ta khi bộc lộ quá nhiều, quá sớm. Sonya và Kolya chăm chăm nhìn ta – cô có vẻ lo lắng cho ta, trong khi anh ta thì tỏ vẻ đang bị ấn tượng, cứ như thể bấy lâu nay anh ta vẫn đinh ninh ta vừa câm vừa điếc và giờ mới vừa nhận ra rằng ta cũng biết nói.

“Cha cậu là Abraham Beniov.”

Ta không nói gì, nhưng Kolya đâu có đưa ra một câu hỏi. Anh ta gật gù như thể mọi thứ bỗng nhiên trở nên sáng tỏ đối với anh ta.

“Lẽ ra tôi phải đoán ra được từ sớm hơn chứ nhỉ. Tôi không hiểu tại sao cậu lại muốn giấu giếm một điều như vậy. Ông ấy là một nhà thơ, một nhà thơ chân chính, không có nhiều người như thế đâu. Cậu phải tự hào mới đúng.”

“Anh không cần dạy tôi tự hào về ông ấy,” ta bật lại. “Nếu anh hỏi tôi một lô những câu hỏi ngu ngốc và tôi không muốn trả lời thì đó là việc của tôi. Tôi không muốn nói về gia đình mình với những người xa lạ. Nhưng đừng bao giờ bảo tôi phải tự hào về cha mình.”

“Được rồi,” Kolya giơ hai tay lên nói, “được rồi, tôi xin lỗi. Ý tôi không phải thể. Ý tôi chỉ là chúng ta đâu phải những người xa lạ nữa.”

“Tôi cảm thấy như là một kẻ ngốc vậy,” Sonya nói. “Thứ lỗi cho tôi, Lev… tôi chưa hề nghe nói đến cha cậu. Ông ấy là một nhà thơ à?”

“Một nhà thơ lớn,” Kolya nói.

“Thường thường bậc trung thôi, ông luôn bảo thế. Ông nói với tôi rằng với thế hệ của ông thì có Mayakovsky và bao người khác, còn ông thì ở ngay khúc giữa cùng những người khác.”

“Không, không, đừng nghe ông ấy. Ông ấy là một tác giả lớn. Thực sự đấy, Lev, tôi nói thế không phải để lấy lòng đâu. ‘Một nhà thơ già, Một thời nổi tiếng, Gặp ở quán cà phê.’ Bài thơ tuyệt vời.”

Đó là bài thơ xuất hiện trong mọi tuyển tập, ít nhất cũng là các tuyển tập được in trước năm 1937. Ta đã đọc nó hàng chục lần kể từ khi người ta đưa cha ta đi, nhưng đã nhiều năm rồi ta không nghe thấy một giọng khác nói lên nhan đề đó.

“Và ông ấy bị… ông ấy bị…” Nói đến đây Sonya hất cằm làm một cử chỉ, một cử chỉ ngoài kia. Nó có thể nghĩa là bất kỳ điều gì: bị tống đến Siberia, bị bắn vào sau đầu, bị thủ tiêu theo lệnh của ai đã đấy. Điều cụ thể thì chẳng bao giờ biết được. Ông ấy bị khai trừ à? cô muốn hỏi thế, và ta gật đầu.

“Tôi thuộc lòng cả bài thơ đó,” Kolya nói, nhưng quả là anh ta đã gia ơn cho ta khi không ngâm lại nó.

Cửa căn hộ mở ra và Timofei, một trong những tay bác sĩ mà ta đã gặp đêm hôm trước, bước tới hơ tay bên lò sưởi. Khi nhận thấy Cục Cưng đang nằm trong cái hộp ổ của nó, anh ta khom xuống săm soi nó, hai tay chống lên đầu gối.

“Cái của này ở đâu ra thế?”

“Kolya và Lev mua nó từ một thằng bé ở gần Khải hoàn môn Narva.”

Timofei đứng lên và nhăn nhở cười với bọn ta. Anh ta lôi ra hai củ hành lớn từ túi áo khoác.

“Kiếm được mấy thứ này ở bệnh viện. Thoạt đầu không có kế hoạch chia sẻ đâu, nhưng có vẻ như chúng ta có triển vọng được một nồi xúp ngon lành tối nay rồi.”

“Cục Cưng không phải để cho vào nồi đâu,” Kolya nói. “Chúng tôi cần nó để lấy trứng.”

“Trứng à?” Timofei tròn mắt nhìn bọn ta, sang Cục Cưng, rồi lại nhìn bọn ta. Có vẻ như anh ta nghĩ bọn ta đang nói đùa.

“Tất cả mọi người đều từ bỏ hy vọng vào Cục Cưng,” Kolya nói tiếp, “nhưng tôi thì nghĩ nó có khả năng đấy. Anh có biết gì về gà không? Anh nghĩ từ giờ đến thứ Năm nó có thể đẻ được một tá trứng không?”

“Cậu đang nói cái quái gì vậy?”

Tay bác sĩ có vẻ mỗi lúc một cáu kỉnh hơn. Kolya hầm hầm nhìn lại anh ta, bực mình vì giọng điệu của anh ta.

“Anh có nói tiếng Nga không vậy? Bọn tôi đang chờ trứng!”

Thoạt đầu ta tưởng cuộc hội thoại sẽ chuyển thành bạo lực, như thế hẳn sẽ là điều tồi tệ; bọn ta cần các bác sĩ còn Kolya thì hoàn toàn có thể cho tay đó nằm sàn chỉ bằng một cú đấm. Nhưng cuối cùng Timofei cười phá lên, lắc đầu, và chờ bọn ta cười cùng anh ta.

“Anh cứ việc cười thỏa thích,” ta bảo anh ta. “Anh sẽ không được động đến con gà.”

“Nó không phải gà mái, đồ ngốc ạ. Nó là gà trống.”

Kolya phân vân, không chắc đây có phải trò đùa của tay bác sĩ hoặc mánh khóe để xui bọn ta ném Cục Cưng vào nồi xúp. Ta nhoài người khỏi ghế và chằm chằm nhìn con gà. Không hiểu sao lúc đó ta lại nghĩ cứ nhìn chằm chằm thế sẽ có tác dụng gì. Ta tìm kiếm gì cơ chứ, những hòn dái tí tẹo chắc?

“Anh đang nói là nó sẽ không đẻ trứng à?” Kolya vừa hỏi vừa chăm chú nhìn Timofei.

Tay bác sĩ chậm rãi nói, như thể anh ta đang trao đổi với những kẻ đầu đất.

“Nó là gà trống. Nên triển vọng kia không sáng sủa đâu.”

Bình luận