Giả sử cháu mà lớn lên ở Piter thì cháu sẽ phải biết sợ khu Chữ Thập[3], vết nhơ tăm tối bằng gạch đỏ trên bờ sông Neva, một nhà kho tàn bạo, lúc nhúc những kẻ lầm đường lạc lối. Sáu nghìn tù nhân sống ở đó trong thời bình. Ta ngờ là đến tháng Một chỉ còn quãng một nghìn. Hàng trăm người bị giam vì những tội vặt được thả vào các đơn vị Hồng quân, thả vào cối xay thịt Chiến tranh Sấm sét[4] của quân Đức. Hàng trăm người nữa chết đói trong các xà lim. Mỗi ngày lính gác lại kéo những bộ xương bọc da ra khỏi khu Chữ Thập vứt lên những xe trượt tuyết chất đống tám lớp xác người.
Khi ta còn bé, chính sự im lặng của nhà tù đó mới là điều khiến ta sợ nhất. Người ta bước qua chắc mẩm sẽ nghe thấy tiếng gào thét của những kẻ bặm trợn hoặc tiếng la ó của một trận ẩu đả, nhưng không một tiếng động nào thoát ra khỏi những bức tường dày, như thể các tù nhân bên trong phần lớn đang chờ bị đưa ra xét xử hoặc một chuyến đi đến các trại cải tạo lao động hay một viên đạn vào đầu – tự cắt lưỡi để phản đối số phận của mình. Nơi đó là một pháo đài ngược, được thiết kế để giữ quân thù ở bên trong, và tất cả mọi thằng nhóc ở Leningrad đều từng nghe câu này cả trăm lần: “Mày mà cứ như thế thì sớm muộn gì cũng vào khu Chữ Thập.”
Ta chỉ vừa thoáng thấy xà lim của mình thì lính gác đã thúc ta vào trong, những chiếc đèn của họ rọi hắt vào những bức tường đá sần sùi, một xà lim rộng hai mét dài bốn mét, với những chiếc giường tầng cho bốn người và tất cả đều trống trơn. Ta nhẹ cả người vì điều đó, ta không muốn chia sẻ bóng tối với một người xa lạ có những đốt ngón tay xăm trổ, nhưng sau một lúc – nhiều phút? nhiều giờ? – sự im lặng tăm tối bắt đầu trở nên rõ rệt, một thứ có thể len lỏi vào trong phổi và dìm người ta chết đuối.
Cơ bản thì bóng đêm và cảnh trơ trọi không làm ta sợ hãi. Dạo đó ở Piter điện cũng hiếm như thịt lợn muối xông khói, và căn hộ của ta ở Kirov lúc ấy cũng trống trơn khi giờ đây mẹ và Taisya đã đi sơ tán. Những đêm dài tối om và tĩnh lặng, nhưng bao giờ cũng có tiếng động ở đâu đó. Tiếng đạn cối bắn đi từ phòng tuyến của quân Đức; một chiếc xe nhà binh rồ máy dọc đại lộ; bà già hấp hối trên tầng rên rỉ trong giường. Những âm thanh kinh khủng, quả thế, nhưng cũng còn là âm thanh – thứ để ta biết rằng ta vẫn còn trên đời này. Gian xà lim đó trong khu Chữ Thập là nơi duy nhất thực sự yên lặng mà ta từng vào. Ta hoàn toàn không nghe thấy gì; ta chẳng nhìn thấy gì. Họ đã giam ta vào phòng chờ tử tội.
Dù ta vẫn tưởng mình đã được tôi luyện trong cuộc vây hãm đến mức nào như trước khi bị bắt, thì sự thật vẫn là tháng Một ấy ta chẳng can đảm hơn chút nào so với hồi tháng Sáu – trái với những gì mọi người vẫn tin, trải nghiệm kinh hoàng không hề khiến người ta dũng cảm hơn. Dù vậy, có lẽ khi người ta lúc nào cũng sợ thì dễ che giấu nỗi sợ hơn.
Ta cố gắng nghĩ ra một bài để hát, một bài thơ để ngâm, nhưng tất cả ngôn từ bị kẹt cứng trong đầu ta như muối kẹt trong một cái lọ rắc bị đóng bánh. Ta nằm trên một tầng giường trên, hy vọng bất kể hơi nóng nào tồn tại trong khu Chữ Thập cũng sẽ bốc lên và tìm thấy ta. Trời sáng chẳng hứa hẹn điều gì ngoài một viên đạn vào sọ, vậy mà ta vẫn mòn mỏi chờ ánh sáng ban ngày len lỏi vào trong. Khi họ tống ta vào xà lim, ta nghĩ mình đã nhìn thấy một lỗ của song sắt sát trần nhà, nhưng giờ thì ta không thể nhớ được. Ta thử đếm đến một nghìn để qua chút thời gian nhưng lần nào cũng nhằm khi đến tầm bốn trăm, nghe thấy những con chuột mà hóa ra là chính ngón tay ta cào trên tấm đệm xác xơ.
Đêm dài như vô tận. Bọn Đức đã bắn rụng cái mặt trời chó chết, chúng làm được thế mà, sao không chứ, những nhà bác học của chúng giỏi nhất thế giới, thể nào chúng cũng tìm ra cách. Chúng đã tìm được cách ngừng thời gian lại. Ta vừa mù vừa điếc. Chỉ có cái rét và cơn khát nhắc ta nhớ rằng mình còn sống. Khi người ta quá cô đơn, người ta sẽ bắt đầu ngóng đợi những người lính gác, chỉ để nghe thấy tiếng bước chân của họ, ngửi thấy mùi vodka trong hơi thở của họ.
Không biết bao nhiêu người Nga vĩ đại đã mòn mỏi rất lâu trong nhà tù. Đêm đó ta biết được rằng ta sẽ không bao giờ là một người Nga vĩ đại. Chỉ vài tiếng đồng hồ trơ trọi một mình trong xà lim, chẳng hề phải chịu đựng tra tấn gì ngoài bóng tối và sự im lặng và cái rét căm căm, vài tiếng đồng hồ thế thôi mà ta đã gục ngã một nửa rồi. Những kẻ can trường sống sót hết mùa đông này qua mùa đông khác ở Siberia sở hữu phẩm chất gì đó mà ta không có, niềm tin lớn lao vào số phận huy hoàng nào đó, bất kể là vương quốc của Chúa trời hoặc công lý hay hy vọng báo thù mong manh. Hoặc cũng có thể là họ đã suy sụp đến nỗi họ trở thành không khác gì lũ súc vật đứng bằng chân sau, làm việc theo lệnh chủ, ăn bất kể thứ bẩn thỉu gì hắn trút xuống cho họ, ngủ theo lệnh và chẳng mơ gì hết ngoài sự kết liễu.
Cuối cùng cũng có tiếng động, tiếng bước chân, nhiều tiếng ủng nặng nề lộp cộp trong hành lang. Một chiếc chìa khóa xoay trong ổ. Ta ngồi dậy trên giường và va sọ vào trần nhà, đủ mạnh khiến ta cắn bập vào môi.
Hai người lính gác – một người giữ cây đèn dầu, thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất mà ta từng thấy, đẹp hơn bất kỳ tia nắng nào – áp giải một tù nhân mới, một người lính trẻ tuổi mặc quân phục liếc quanh xà lim như người hỏi thuê xem xét căn hộ anh ta đang cân nhắc. Người lính cao ráo và đứng thẳng tắp; anh ta đứng lừng lững so với mấy người lính gác, và mặc dù họ có súng ngắn trong bao còn người lính không có vũ khí, nhìn anh ta như thể sắp sửa ra lệnh. Một tay anh ta cầm chiếc mũ lông Astrakhan còn tay kia cầm đôi găng tay da.
Anh ta nhìn ta khi những người lính gác vừa đi khỏi, đóng cửa xà lim lại và đóng chốt từ bên ngoài, mang theo ánh sáng đi. Mặt anh ta là thứ cuối cùng ta thấy trước khi bóng tối trở lại, vì thế nó lưu lại trong tâm trí ta: đôi lưỡng quyền nhô cao của dân Cossack, cặp môi nhếch khoái chí, mái tóc vàng rơm, đôi mắt đủ xanh để làm hài lòng bất kỳ cô dâu Arya[5] nào.
Ta ngồi trên giường còn anh ta đứng trên sàn đá và căn cứ vào cái im phăng phắc đó ta biết rằng không ai trong bọn ta xê dịch – bọn ta vẫn còn chằm chằm nhìn nhau trong bóng tối.
“Cậu là dân Do Thái à?” anh ta hỏi.
“Gì cơ?”
“Dân Do Thái. Nhìn cậu như dân Do Thái.”
“Nhìn anh như một thằng Quốc xã.”
“Tôi biết. Ich spreche ein bisschen Deutsch[6] nữa. Tôi từng xung phong làm gián điệp, nhưng không ai chịu nghe tôi ấy chứ. Vậy ra cậu là dân Do Thái?”
“Anh quan tâm làm gì?”
“Đừng có xấu hổ vì điều đó. Tôi chẳng có vấn đề gì với người Do Thái cả. Emanuel Lasker là kỳ thủ cờ vua yêu thích thứ hai của tôi. Chỉ dưới một tí tẹo so với Capablanca… Capablanca thì là Mozart rồi, thiên tài thực thụ; không thể nào mê cờ vua mà lại không yêu Capablanca. Nhưng Lasker, không còn ai giỏi về tàn cuộc hơn. Cậu có đồ ăn gì không?”
“Không.”
“Chìa tay ra đây.”
Câu này có vẻ như một cái bẫy gì đó, một trò bọn trẻ con chơi để đánh lừa những đứa khờ. Anh ta sẽ đập vào tay ta hoặc cứ để mặc nó thế cho đến khi ta nhận ra sự ngu ngốc của mình. Nhưng không lời đề nghị thức ăn nào lại có thể bị từ chối được, ngay cả khi viển vông nhất, nên ta chìa tay vào bóng tối và chờ đợi. Lát sau một mẩu gì đó lạnh và nhờn mỡ nằm trong lòng bàn tay ta. Ta không biết anh ta làm thế nào mà tìm được tay ta, nhưng anh ta đã làm được, mà không hề phải mò mẫm gì.
“Xúc xích đấy,” anh ta nói. Và rồi, sau một thoáng ngập ngừng, “Đừng lo. Không phải thịt lợn đâu.”
“Tôi ăn thịt lợn.” Ta hít hít mẩu xúc xích rồi nhấm một miếng. Nó khác xa thịt thật kiểu như bánh mì khẩu phần khác xa bánh mì thật, nhưng có mỡ trong đó, và mỡ là sự sống. Ta nhai mẩu xúc xích đó hết sức chậm rãi, cố giữ cho nó còn thật lâu.
“Cậu nhai to thật,” anh ta bảo ta, một lời trách móc từ bóng tối. Ta nghe thấy tiếng cót két của lò xo đệm giường khi anh ta ngồi xuống một trong những cái giường tầng dưới. “Và lẽ ra cậu phải nói cám ơn chứ.”
“Cám ơn.”
“Không có gì. Cậu tên là gì?”
“Lev.”
“Lev cái gì mới được?”
“Anh quan tâm làm gì?”
“Cho phải phép,” anh ta nói. “Ví dụ như nếu tôi tự giới thiệu bản thân thì tôi nói, ‘Xin chào, tôi tên là Nikolai Alexandrovich Vlasov, bạn bè gọi tôi là Kolya’.”
“Anh chỉ muốn biết xem tôi có một cái tên Do Thái hay không.”
“Vậy cậu có à?”
“Ừ.”
“À.” Anh ta thở phào sung sướng, hài lòng khi thấy bản năng của mình được xác nhận. “Cám ơn. Không hiểu tại sao cậu lại sợ cho mọi người biết đến thế.”
Ta không trả lời. Nếu anh ta không biết tại sao thì giải thích cũng chẳng để làm gì.
“Vậy tại sao cậu lại ở đây?” anh ta hỏi.
“Họ bắt quả tang tôi đang lột đồ của một tên Đức đã chết trên phố Voinova.”
Tin này làm anh ta hốt hoảng. “Bọn Đức đã vào tới Voinova rồi cơ à? Vậy là bắt đầu rồi à?”
“Chẳng có gì bắt đầu hết. Hắn là phi công ném bom. Hắn bật dù.”
“Cánh phòng không hạ được hắn à?”
“Cái rét đã hạ hắn. Tại sao anh lại ở đây?”
“Đại ngu ngốc. Họ tưởng tôi là kẻ đào ngũ.”
“Vậy tại sao họ không bắn anh?”
“Tại sao họ không bắn cậu?”
“Tôi không biết,” ta thú nhận. “Họ bảo tôi là người thích hợp cho ông đại tá.”
“Tôi không phải là kẻ đào ngũ. Tôi là sinh viên. Tôi đang bảo vệ luận văn.”
“Thật sao? Luận văn cơ à?” Nghe có vẻ như là lời biện hộ ngu xuẩn nhất trong lịch sử đào ngũ.
“Công trình về truyện Con chó săn trong sân của Ushakovo, qua lăng kính phân tích của xã hội học đương đại.” Anh ta chờ xem ta nói gì, nhưng ta chẳng có gì mà nói cả. “Cậu biết cuốn đó chứ?”
“Không. Ushakovo à?”
“Khốn nạn thay cho trường lớp tệ hại thời buổi này. Lẽ ra người ta phải bắt cậu học thuộc lòng nhiều đoạn.” Nghe giọng anh ta như một ông giáo sư già cáu bẳn, mặc dù nhìn thoáng qua thì ta đoán anh ta chỉ hai mươi. “‘Trong cái lò mổ nơi chúng tôi hôn nhau lần đầu, không khí còn tanh nồng mùi máu của lũ cừu.’ Dòng đầu tiên. Một số người cho đó là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Nga. Vậy mà cậu lại chưa bao giờ nghe nói đến nó.”
Anh ta thở dài vô cùng ngán ngẩm. Một lát sau ta nghe thấy tiếng sột soạt khác lạ, như thể một con chuột đang mài móng vuốt trên bọc nệm.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Hử?”
“Anh không nghe thấy tiếng đó à?”
“Tôi đang viết vào sổ tay.”
Ta thì mở mắt cũng chẳng nhìn xa hơn so với khi nhắm mắt, vậy mà thằng cha này còn viết vào sổ tay cơ đấy. Giờ thì ta có thể nghe ra tiếng sột soạt đó là cây bút chì miết trên giấy. Sau vài phút cuốn sổ đóng sập lại và ta nghe thấy anh ta nhét cuốn sổ vào túi áo.
“Tôi biết viết trong bóng tối,” anh ta nói, ngắt câu bằng một tiếng ợ khẽ. “Một trong những năng khiếu của tôi đấy.”
“Ghi chép về Con chó săn trong sân à?”
“Chính xác. Nghe chỗ này xem có lạ không nhé? Chương sáu: Radchenko ngồi một tháng trời trong Chữ Thập vì người bạn thân nhất lúc trước của chàng… Ừm, tôi không muốn làm lộ mất cái hay đi. Nhưng tôi phải nói dường như là định mệnh khi họ giải tôi vào đây. Tôi đã đến tất cả mọi nơi Radchenko từng đến – mọi quán ăn và nhà hàng cũng như nghĩa trang, ít ra cũng là những chỗ bây giờ vẫn còn nhưng tôi chưa bao giờ ở trong này. Một nhà phê bình có thể lập luận rằng chừng nào ta chưa trải qua một đêm trong Chữ Thập thì còn chưa thể hiểu được Radchenko.”
“Thật may cho anh còn gì.”
“Ừm.”
“Vậy anh có nghĩ sáng ra họ sẽ bắn chúng ta không?”
“Tôi nghi ngờ điều đó đấy. Họ không giữ chúng ta qua đêm chỉ để sáng ra mang đi bắn.” Nghe giọng anh ta có vẻ khá hí hửng về điều đó, như thể bọn ta đang trò chuyện về một sự kiện thể thao, như thể kết cục chẳng có gì là to tát cả cho dù có thế nào đi chăng nữa.
“Tám ngày nay tôi không ỉa được tí nào,” anh ta tâm sự. “Tôi không nói đến chuyện ỉa một bãi tướng – cả mấy tháng rồi tôi chưa ỉa được bãi tướng nào – ý tôi là hoàn toàn không ỉa tí nào suốt tám ngày liền.”
Bọn ta lặng thinh một lúc, cân nhắc những lời đó.
“Cậu nghĩ một người có thể chịu được bao lâu mà không đi ỉa?”
Đó là một câu hỏi thú vị và ngay bản thân ta cũng tò mò muốn biết câu trả lời, nhưng ta không có câu trả lời nào cho anh ta cả. Ta nghe thấy tiếng anh ta nằm xuống, nghe thấy tiếng anh ta ngáp đầy sung sướng, khoan khoái và mãn nguyện, tấm đệm rơm vương nước đái của anh ta êm ái như một cái giường lông vũ. Sự im lặng kéo dài một phút và ta cứ tưởng người bạn tù của ta đã ngủ rồi.
“Những bức tường này chắc phải dày cả mét,” cuối cùng anh ta nói. “Đây có lẽ là nơi an toàn nhất Piter để ngủ qua đêm.” Và rồi anh ta cũng chìm vào giấc ngủ, chuyển từ nói sang ngáy chóng vánh đến nỗi thoạt đầu ta tưởng anh ta giả vờ.
Xưa nay ta vẫn luôn ghen tị với những người dễ ngủ. Đầu óc họ chắc hẳn là phải thanh sạch hơn, những ván sàn trong sọ được quét tước chu đáo, tất cả lũ quái vật nhỏ bé bị nhốt chặt trong một cái rương sắt để ở dưới chân giường. Ta đẻ ra đã là người mất ngủ và đó cũng sẽ là cách ta chết, lãng phí hàng nghìn giờ trên hành trình thèm khát sự vô thức, thèm khát được một cái vồ cao su nện vào đầu, không mạnh lắm, không đủ mạnh để gây tổn thương gì, chỉ là một cú nện ra trò cho ta ngủ thiếp đi cả đêm. Nhưng đêm đó ta không có cơ hội nào. Ta trừng trừng nhìn vào bóng tối cho đến khi bóng tối nhòa thành màu xám, cho đến khi trần nhà bên trên ta bắt đầu thành hình và ánh hừng đông hắt xiên vào qua cái ô cửa song sắt mà cuối cùng hóa ra là có thật. Chỉ đến lúc đó ta mới nhận ra mình vẫn còn một con dao Đức đeo quanh ống chân.