Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm

Chương 8: Minh lan, mặc lan, như lan, hoa lan…

Tác giả: Quan Tâm Tắc Loạn
Chọn tập

Hè qua thu tới, ở phương Bắc không giống như phương Nam, tiết trời dần dần khô lạnh, Thịnh phủ không tránh khỏi phải cho nấu những thang thuốc chữa ho bổ phổi. Kể từ sau khi đến nơi đây, hơn phân nửa thời gian Minh Lan vẫn luôn ốm yếu. Thời tiết càng biến đổi thì nàng càng suy nhược, thường xuyên ho khan khó thở, mời đại phu tới cùng lắm cũng chỉ được kê vài thang thuốc bổ. Minh Lan vẫn cứ luôn luôn ghét cay ghét đắng mùi vị thuốc Đông Y, nàng tha thiết nhớ nhung món bối mẫu Tây Xuyên sơn trà trần và thuốc ho hiệu Ninh. Càng nghĩ như vậy nàng lại càng tẩy chay thuốc Đông y, uống một chén là ói ra nửa chén. Bệnh tật cả ngày quấn thân, một chút sức lực cũng không có, đối với một người thân thể khỏe mạnh đã từng luyện võ phòng thân như Minh Lan, quả thực là bực bội mà không có chỗ trút giận.

Thịnh Hoành và Vương thị cân nhắc mãi, hỏi thăm khắp nơi về nhân phẩm và năng lực của Viên văn Thiệu, cuối cùng vẫn quyết định chọn người này. Lễ nạp thái [‘] vừa qua, tức thì ngày sinh bát tự [‘] của Hoa Lan được đưa ra để làm lễ vấn danh[‘]. Suy nghĩ của Vương thị rất thần bí, không ngờ lại mời riêng một vị cao tăng đắc đạo và một vị đạo sĩ đầy triển vọng đến xem bát tự. Cả vị sư lẫn vị đạo sĩ kia đều nói hai bên bát tự trăm năm hòa hợp, Vương thị lúc ấy mới yên lòng. Thịnh Hoành nhìn Vương thị đang ngồi trên chiếc hương kỷ trong phòng, bên trái bày một cây phất trần, bên phải bày một cái mõ, thì không khỏi phá lên cười: “Phu nhân, rốt cuộc là nàng tin phật hay tin đạo đây, cứ phán một số, theo số đó mà bái phương [‘] thì linh nghiệm hơn chút đó.”

[‘] – [‘] Các nghi lễ trong 6 lễ cưới hỏi cổ đại. Theo như 6 lễ cưới hỏi, muốn nói cho có văn vẻ thì có 6 lễ như sau:

Lễ Nạp Thái

Theo tục lệ Trung Hoa thì sau khi nghị hôn rồi, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn”. Sở dĩ đem chim nhạn là vì chim nhạn là loài chim rất chung tình, không sánh đôi hai lần.

Lễ Vấn Danh

Là hỏi tên và họ của cô gái là gì, được bao nhiêu tuổi, đã có hứa hôn với ai chưa.

Lễ Nạp Cát

Là sắm sửa lễ phẩm đem sang nhà gái cầu hôn. Tùy theo nhà giàu thì lễ quí, còn nghèo thì chút đỉnh gọi là.

Lễ Nạp Chưng

Lễ Nạp Chưng hay là Lễ Nạp Tệ (“chưng” nghĩa là chứng, “Tệ” nghĩa là lụa) là lễ đem hàng lụa hay vật phẩm quí giá đến nhà gái làm tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn, rồi chỉ chờ ngày cưới dâu.

Lễ Thỉnh Kỳ

Là Lễ xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, nhưng ngày giờ cũng do bên trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái mà thôi, song thế nào nhà gái cũng tùy ý bên trai.

Lễ Thân Nghinh

Là đã được nhà gái ưng thuận, ngày giờ đã định của bên trai. Bên trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về.

[‘] Bát tự Hà Lạc (có sách ghi là Tám chữ Hà Lạc) là một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý của Kinh Dịch với các thuyết Can Chi, âm dương, ngũ hành,… bằng cách lập quẻ Tiên thiên với hào nguyên đường và quẻ Hậu thiên; căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính.

[‘] Bái phương – phong tục dân gian ngày xưa. Người nuôi dê ngày xưa chọn một ngày đẹp nhất tháng giêng, theo một hướng nhất định tế bái thần linh tại địa phương đó, dâng hương, châm pháo, dập đầu lạy, cầu mong thần linh phù hộ chăn thả thuận lợi.

Vương thị biết chồng đang chế giễu mình: “Ai linh nghiệm thì thiếp bái người đó, chỉ cần là tốt cho Hoa nhi, để thiếp bái chân tường, cây cỏ cũng được.”

Thịnh Hoành sắc mặt nghiêm lại: “Ta biết nàng thực sự là một người mẹ hiền từ bi, vô cùng tốt bụng. Gần đây ta thấy Minh nhi không khỏe, nàng cũng lưu tâm nhiều thêm chút đi, càng ngày càng ho nặng như thế, không chừng cái mạng nhỏ chẳng giữ nổi.”

Vương thị nói: “Hôm qua trong kinh gửi thư về, Trung Cần bá phủ mấy ngày tới sẽ hạ tiểu định [‘], Hoa nhi khiến thiếp sứt đầu mẻ trán, thế là thiếp đem chuyện của con bé Minh quên khuấy đi.”

[‘] Một trong những phong tục hôn nhân của người hán thời xưa. Thủ tục bước đầu xác định kết thông gia. Sau khi xác định đối tượng, mẹ chú rể sẽ đến quan sát cô dâu xác định sẽ chọn làm vợ hay không. Lúc xem mắt, nếu thấy ưng ý thì nhà trai sẽ quyết định đính hôn.

Thịnh Hoành lắc đầu: “Hoa nhi chỉ là đứa bé thì biết cái gì, nàng hay là cứ quan tâm kỹ lưỡng thêm nhiều chút đi vậy.”

Vương thị cười nói: “Tiều lão gia nói, con bé Hoa đâu còn là đứa con nít. Nếu mọi việc mà thuận lợi thì không phải cuối hoặc đầu năm sau sẽ phải lấy chồng sao, tương lai còn phải hầu hạ cha mẹ chồng, cũng nên học tập cách chăm sóc người khác rồi. Mấy ngày nay, con đã hình thành thói quen tự mình đem một phần canh tuyết lê và thang thuốc hạnh nhân cho em Minh. Hàng ngày con còn dùng ánh mắt chết người mà nhìn chằm chặp con bé Minh uống thuốc, ói ra nửa chén sẽ phải uống thêm một chén, cái Minh cũng sợ chẳng dám ói thuốc nữa.”

Thịnh Hoành an lòng, liên tục gật gù: “Tốt tốt, giữa chị và em vốn nên là như vậy, Hoa nhi ra dáng chị cả như thế, tốt lắm.”

Chị cả Hoa Lan là một vị quản lý rất nghiêm ngặt, thiếu dịu dàng thừa uy nghiêm. Minh Lan hễ lộ ra chút ý đồ không chịu uống thuốc nào là nàng liền hận không thể vén tay đích thân rót thuốc. Minh Lan sợ toát mồ hôi, bệnh tật cũng tốt lên hơn phân nửa. Hoa Lan lại hàng ngày bắt nàng đá cầu. Minh Lan giống như tội phạm bị áp giải, bị Hoa Lan giám sát, đứng ở trong sân đá cầu một năm một mười. Mỗi ngày phải đủ 30 cái, cứ ba ngày lại tăng thêm 5 cái. Chị cả Hoa Lan lại còn tự mình cầm tới quyển sổ cho Minh Lan làm nhật ký, mỗi ngày lấy vẻ mặt cai ngục ghi chép lại, thiếu một cái cũng không được.

Hoa lan là kiểu chị cả điển hình, trong lòng tràn trề tình thân. Đáng tiếc em trai, em gái ruột thịt đều không thỏa mãn được nhu cầu này của nàng. Trường Bách tính tình già dặn chững chạc, Hoa Lan không muốn bị nó dạy cách đốt cao hương. Như Lan thì lại tùy hứng xảo quyệt, bướng bỉnh không biết nghe lời, Hoa Lan cùng nó bất hòa, nàng nói một câu nó cãi lại ba câu, mà có Vương thị che chở, nàng lại không thể thật sự xử phạt Như Lan. Hai đứa bên chỗ Lâm di nương nàng chẳng thèm xen vào, Trường Đống còn quá nhỏ cho nên nàng vẫn chưa có cơ hội ra oai chị cả.

Minh Lan tính tình ôn hòa ngoan ngoãn, bảo làm gì là làm cái đó, nói nó hai câu cũng không cãi lại, chỉ biết rụt rè nhìn người ta. Con ngươi trong veo như nước nhấp nha nhấp nháy, thỉnh thoảng còn lộ ra vẻ ngốc nghếch, Hoa Lan đối với cô em gái này rất là vừa ý, gần như còn yêu thích hơn cả em gái ruột.

Trung Cần bá phủ hành động nhanh chóng, chẳng bao lâu nữa sẽ hạ tiểu định. Bởi vì Viên Văn Thiệu tuổi không còn nhỏ, bọn họ định giữa năm sau là thành hôn. Thịnh Hoành vận dụng khả năng văn chương khoa cử đầy kiêu ngạo ngày ấy, viết ra một đống lý do lan man để thoái thác trong thư, cũng không cần biết nhà trai xem có hiểu hay không, đại để ngụ ý là con gái còn nhỏ, không nỡ gả chồng sớm, ngôn từ tha thiết biểu đạt tấm lòng cha hiền thương con. Viên gia lập tức lại tăng thêm không ít sính lễ, còn mời một vị quan hồng lư tự [‘] về để hạ sính. Thịnh Hoành mặt trong mặt ngoài đều kiếm đủ, bày tỏ ý sẽ tăng thêm đồ cưới, cũng định luôn hôn kì qua tháng năm năm sau. Hai nhà đều vô cùng hài lòng.

[‘] Tần gọi là Điển khách, hán đổi thành Đại sự lệnh, Võ đế cải danh Đại hồng lư., chủ yếu chấp chưởng các nghi lễ, hội nghị cát hung.

Sau đó, Hoa Lan bị khóa vào trong khuê phòng thêu đồ cưới kiềm chế tính khí. Minh Lan thở phảo nhẹ nhõm, nàng bây giờ mỗi ngày phải tâng được 65 quả cầu, bắp chân đá cầu đến giãn thẳng gân cốt. Mà cai ngục của nàng hiện đã bị nhốt lại nên nàng lại có thể tiếp tục quay về nếp ăn ăn ngủ ngủ lần nữa, tất nhiên, cũng có lúc bị Như Lan quấy rầy một chút.

Tiết trời dần dần chuyển lạnh, xuân hạ thu còn tàm tạm, thế mà vừa sang đông, khí hậu nam bắc khác biệt lập tức rõ rành rành. Các phòng đều nhao nhao đốt địa long, đủ loại giường lò, bằng đất, bằng gạch, còn có cả giường gỗ đẹp đẽ tinh xảo – chính là kiểu kết hợp giữa giường thường rộng rãi thư thái với giường lò cùng chăn ấm nệm êm. Minh Lan vốn là người phía Nam, chưa từng biết người cổ đại phương Bắc còn có loại giường kết hợp vừa giữ ấm lại thoải mái như vậy. Phỏng chừng nhờ đá cầu mà dù thời tiết lạnh như vậy, Minh Lan cũng không sinh bệnh cảm mạo, có điều, người khác lại ngã bệnh.

Thịnh Lão thái thái suy cho cùng là người cao tuổi, vả lại nam bắc di chuyển quá xa, ít nhiều không kịp thích ứng với khí hậu. Sau khi lập thu bà cũng bắt đầu ho khan. Bà xưa nay có uy, nha hoàn bà tử trong phòng không dám ép bà uống thuốc hay đá cầu. Do đó, mầm bệnh vẫn chưa dứt, vừa vào đông liền thỉnh thoảng sốt nhẹ, bây giờ đột nhiên nóng rực cả người, hầu như lịm đi. Đại phu đến xem cũng nói là rất nguy hiểm, người già sợ nhất là loại cảm lạnh dữ dội thế này, không cẩn thận e là mất mạng. Việc này làm cho vợ chồng Thịnh Hoành kinh sợ.

Thịnh lão thái thái nếu mà tạ thế, Thịnh Hoành phải phát đại tang, Hoa Lan phải giữ đạo hiếu, Viên Văn Thiệu thì đã hai mươi, chờ làm sao được. Vợ chồng Thịnh Hoành lập tức ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc. Vì vậy, hai người đồng tâm đồng đức, đồng tâm hiệp lực, ngày đêm thay phiên nhau chăm nom Thịnh lão thái thái. Mỗi một bài thuốc đều phải tỉ mỉ cân nhắc, mỗi một chén thuốc đều phải tự mình nếm, ngược lại suýt nữa vì mệt mà phát bệnh. Có điều bộ dạng cặp đôi con hiền dâu thảo này ấy thế mà lại được toàn bộ quan lại, thân sĩ Đăng Châu nhiệt liệt khen ngợi, coi như cũng là chó ngáp phải ruồi.

Vài ngày sau, Thịnh lão thái thái cuối cũng cũng bớt sốt, giảm nhiệt độ, xem như cũng vớt vát được một mạng. Vợ chồng Thịnh Hoành không dám lơi là, tăng cường đem các loại dược phẩm bổ dưỡng trong kho đến Thọ An đường. Đối với Minh Lan mà nói, có là thuốc bổ quý báu thì cũng vẫn là thuốc Đông y, cũng đâu phải mùi vị cao siêu gì, trong lòng không khỏi âm thầm thông cảm với Thịnh lão thái thái. Còn chưa thông cảm được hai ngày, bên Thọ An đường bỗng truyền đến một tin tức, báo là Thịnh lão thái thái tuổi già cô đơn, muốn nhận nuôi bên mình một cô gái để trò chuyện cho bớt quạnh quẽ.

Tin tức vừa truyền tới, vài người vui mừng, vài người sầu lo, trước tiên nói đến vui mừng.

“Mẹ cho gọi con ạ? Ai cũng nói lão thái thái tính tình thất thường, lại lãnh đạm, quanh năm suốt tháng cũng không rõ nói được mấy câu, trong phòng thì đơn sơ, chẳng có thứ gì tốt. Huống hồ lão thái thái luôn luôn không thích gặp gỡ mọi người, con chả dại đi để bị mất mặt.” Mặc Lan vùi vào trong chăn trên giường lò, khoác trên người một chiếc áo nâu điểm lông sóc vàng, ôm trong lòng một lò sưởi tay kim loại tráng men kháp tơ, tuổi tuy nhỏ nhưng đã trổ mã xinh đẹp nho nhã.

Lâm di nương nhìn con gái, vừa hãnh diện lại vừa lo lắng: “Con ngoan, mẹ làm sao cam tâm để con chịu khổ, mẹ con ta còn phải trù tính cho tương lai nữa. Con xem chị cả Hoa Lan gả đi thế nào, thực sự là trăm nhà có con gái cầu chẳng được, vô cùng danh giá! Chờ thêm vài năm nữa đến lượt con cập kê, không biết sẽ thế nào đây?”

“Còn thế nào nữa?” Mặc Lan khom người một chút, ngữ điệu vẫn nhã nhặn như vậy: “Mẹ chớ nói cái gì mà con vợ cả con thứ xuất, cha đã sớm bảo rồi, tương lai tuyệt đối sẽ không để con tủi thân, cha đối đãi với chị cả thế nào cũng sẽ đối đãi với con y vậy, có ngày bản thân con cũng nở mày nở mặt, huống hồ trong tay mẹ lại có sản nghiệp, con có gì phải sợ chứ.”

“Con của ta ơi, con thì biết gì chứ? Chị cả con Hoa Lan bây giờ nở mày nở mặt. một là vì cha con làm quan suôn sẻ, tiếng làm quan xưa nay không tệ, giao tế qua lại trôi chảy, hai là chúng ta ít nhiều cũng giàu có, không thể đi so với tiểu lại [‘] nghèo khó, ba là chị Hoa là con vợ cả, lại có một ông cậu mấy đời trâm anh, điều cuối cùng này con làm sao mà bì được. Huống hồ, con với em Như chỉ kém nhau mấy tháng, tới đây sợ là sẽ bàn chuyện cưới xin cùng nhau, khi đó làm gì còn nhà nào tốt lưu lại cho con?” Lâm di nương cầm lại lò ấm trong tay con gái, mở ra, tay cầm cây trâm đồng khêu lửa than bên trong rồi đậy vào đưa trở lại.

[‘] Chức quan nhỏ, bổng lộc ít.

Tuy là Mặc Lan từ trước tới giờ đã sớm hiểu biết, nhưng nghe thế cũng không khỏi đỏ mặt: “Mẹ nói lung tung gì thế? Con gái mới có tí tuổi đầu mẹ đã nói chuyện này?”

Lâm di nương ủ lấy đôi bàn tay bé nhỏ của con gái, nét mặt thanh tú lộ ra một vẻ nghiêm nghị, trầm giọng nói: “Chuyện năm đó mẹ chưa bao giờ hối hận, làm thiếp cho người ta, đắc tội lão thái thái, phu nhân không dung thứ, những điều này hết thảy mẹ đều không e ngại, anh trai con rút cục cũng là con trai, bất luận là con vợ cả hay thứ xuất đều có thể được chia gia sản, tương lại tự có chốn lập thân, mẹ duy nhất chỉ còn lo lắng cho con mà thôi.”

Mặc Lan thấp giọng hỏi: “Mẹ đừng để bụng, cha yêu thương con như vậy, mấy đứa con gái trừ chị cả ra thì chính là con, tương lai hẳn sẽ không bạc đãi con đâu…”

“Cũng có khả năng hậu đãi chẳng đến nơi đến chốn!” Lâm di nương nói một câu cắt ngang con gái, lui về phía sau tựa vào đống gối lớn thêu mãng xà vàng kim tẩm hương, nhắm mắt chậm rãi nói: “Con hôm nay cũng đã bảy tuổi, cũng nên hiểu chuyện rồi. Lúc mẹ bảy tuổi, ông ngoại con gia thế lụi bại, dù là về sau này ta cũng chưa từng trải qua tháng ngày nào giống như vậy, bà ngoại con chẳng có toan tính gì, toàn dựa vào cầm đồ mà sống qua ngày, chung quy khi đó bà than thở mình không thể có nhà chồng danh giá. Xưa kia rõ ràng là chị em còn bé vui đùa với nhau, mà nay người thì vinh hoa phú quý, vàng bạc dát thân, người lại nghèo túng vất vả, nên ngay cả nhà mẹ đẻ cũng không qua lại nữa. Cuối cùng bà trước khi qua đời làm được mỗi một việc, là đưa mẹ đến Thịnh phủ.”

Trong phòng tĩnh lặng, trên mặt đất chỉ có lồng hương đang chầm chập nhả khói, Lâm di nương hơi bần thần, nhớ tới tình cảnh ngày đầu tiên bước vào Thịnh phủ: Khi đó Thịnh Hoành tuy rằng chức quan không to, nhưng Thịnh lão tổ lại cố gắng để lại gia nghiệp lớn cho con cháu, Thịnh lão thái gia xuất thân thám hoa lang. Thịnh phủ đương nhiên bề thế, hoa viên đẹp đẽ tinh xảo như vậy, đồ dùng gia cụ mạ vàng mạ bạc như thế, xiêm y tơ lụa the mỏng bốn mùa, cứ như vậy sống cuộc sống an nhàn sung sướng. Khi ấy Thịnh Hoành nhã nhặn tuấn tú, hào hoa phong nhã, nàng không khỏi dậy lên ý niệm khác trong đầu …

Mặc Lan nhìn khuôn mặt xinh đẹp của mẹ đang mông lung, đột nhiên mở miệng: “Tại sao mẹ lại không làm thiếp nhà này thì không được, tử tế gả ra ngoài làm vợ cả đường đường chính chính không tốt hơn sao? Rước lấy khắp nơi lời ong tiếng ve, nói mẹ, nói mẹ … Chính mẹ … “

Lâm di nương chợt mở mắt, lấp lánh nhìn nàng. Mặc Lan lập tức cúi đầu, sợ không dám nói lời nào. Lâm di nương nhìn chằm chặp một hồi rồi dời mắt đi chỗ khác, chậm rãi nói: “Con lớn rồi, cũng nên hiểu chuyện … Lão thái thái mười điều như một, điều gì cũng tốt, bà thích nói dông dài gì mà “Dịch cầu vô giới bảo nan đắc hữu tình nhân” [‘]. Cái gọi là vợ chồng nghèo hèn trăm sự thê lương, lão thái thái xuất thân tiểu thư hầu phủ đương nhiên không biết bên ngoài nhà nghèo khổ sở là thế nào. Bổng lộc quan một tháng, cùng lắm cũng chỉ là sáu bảy đấu gạo đáng một hai quan tiền mà thôi. Đồ trang sức, lương tháng bọn a hoàn trong nhà chúng ta cũng đã tốn tới tám chỉ[‘] bạc rồi, cái áo mặc trên người con cũng đáng giá năm sáu chục lượng, than mịn đốt trong ấm lô trên tay con cũng tốn đến hai lượng bạc ròng một cân rồi, rồi còn ăn, mặc hàng ngày nữa, mấy lần bổng lôc mới đủ cung đây?”

[‘] 10 chỉ đổi được 1 lượng.

[‘] Nguyên câu là: “Dịch cầu vô giá bảo, khó có được hữu tình lang.” Xuất phát từ thơ《 Tặng lân nữ 》— đời Đường, do Ngư Huyền Cơ sáng tác.

Xấu hổ nhật che tay áo, buồn xuân lại khởi trang; dịch cầu vô giá bảo, khó có được hữu tình lang.

Chẩm thượng tiềm rơi lệ, hoa gian ám đoạn trường; tự năng khuy Tống Ngọc, hà tất hận vương xương.

Nữ thi nhân Ngư Huyền Cơ, tự Ấu Vi, suốt đời theo đuổi tình yêu, 16 tuổi gặp được công tử danh gia Lý Ức liền quyến luyến nhau sống bên ngoài thành Trường An. Tuy nhiên vợ của Lý Ức phát hiện ra và đã đánh ghen Huyền Cơ một trận rồi đuổi nàng ra khỏi nhà, chấm dứt 3 tháng hai người sống chung. Lý Ức âm thầm đưa Huyền Cơ tới đạo quan làm đạo sĩ, pháp hiệu Huyền Cơ. Nàng ở đạo quan chờ đợi, không ngờ Lý Ức lại đưa vợ con lên kinh nhậm chức, bỏ mặc ko đoái hoài đến nàng nữa. Vì đau khổ do bị phụ tình mà nàng đã viết nên áng thơ này.

Thời cổ đại, nam tử thê thiếp thành đàn mà nữ tử chỉ có thể có 1 chồng, cho nên chế độ này cổ vũ đàn ông năm thê bảy thiếp, có mới nới cũ, không chung tình. Ý tác giả là bởi vậy, nữ tử nếu muốn tìm được một đấng lang quân chung tình thì khó như đi tìm bảo vật vô giá trên đời, so sánh người chồng chung tình như bảo vật vô giá. Nói rõ nữ tử đối tình yêu coi trọng và truy cầu, nói lên việc theo đuổi ái tình là vô cùng gian nan, khổ sở.

Trên trán Mặc Lan đổ từng giọt mồ hôi li ti, Lâm di nương cười gượng: “Huống hồ, chẳng nhẽ con cháu nhà nghèo thì phẩm hạnh nhất định sẽ tốt sao? Ngày đó, mẹ có một người chị họ gả cho một thư sinh nghèo, vốn là trông mong tương lai lập thành công danh. Thế nhưng tên thư sinh kia ngoại trừ quăng ra được vài bài hủ văn, thì khoa cử không thông, kinh thương không thạo, trong ngoài nhà đều do dì họ con thu xếp. Nàng vì phụng bồi trượng phu mà chịu hết mọi gian khổ, vì hắn mà sinh dưỡng con cái, còn gom góp đươc vài mẫu ruộng. Vào một năm kia thu hoạch cũng được kha khá, cái tên nghèo kiết hủ lậu kia đòi nạp thiếp, dì họ con không chịu, thế là mỗi ngày đều bị mắng chửi là không có đức, còn suýt thì bị hưu. Nàng chống đỡ không nổi nữa, đành phải nhân nhượng cho thiếp thất vào cửa, thế mà được vài năm thì uất quá mà chết tươi, lưu lại mấy đứa con gái bị người ta chà đạp. Hừ! Tên thư sinh kia hồi đó lúc tới cửa cầu hôn thì ba hoa chích chòe, đầy miệng toàn thánh nhân đức hạnh, yêu thương chị họ biết bao, cầm sắt cùng minh [‘], tương kính như tân [‘]… Hứ, tất cả đều là lời nói suông!”

[‘] Vợ chồng hòa hợp. Xuất phát từ tác phẩm của Từ Diễm 《 Thanh lâu thập vịnh ngôn minh 》: “Kết đồng tâm hết kiếp này, cầm sắt hài hòa, Loan Phượng cùng minh.” Truyện Lý Thanh Chiếu gả cho thư sinh Triệu Minh Thành… – nghĩa “ đàn tỳ bà và đàn cầm cùng tấu lên, phượng hoàng đực và phượng hoàng cái cùng hót”.

[‘] Vợ chồng tôn trọng lẫn nhau. Điển cố:

Thời Xuân Thu, đại thần nước Tần Khích Nhuế phạm tội bị giết, con Khích Thiếu bị phế làm thứ dân, về quê làm ruộng. Tuy nhiên ông không hề oán trách số phận mà vui vẻ sống cuộc sống nông thôn.

Mỗi lần làm ruộng, vợ ông sẽ đem cơm cho ông. Khi đưa cơm sẽ cung kính quỳ gối dâng cơm lên cho chồng. Thích Khiếu cũng vội vã tiếp cơm rồi cảm tạ vợ. hai vợ chồng dù cơm rau đạm bạc nhưng đùm bọc yêu thương nhau. Tình cảnh này làm cho một đại phu Tần cảm động, đề cử ông làm đại phu, về sau ông lập công được thăng làm khanh đại phu. Bạn nào đã đọc truyện thời Xuân Thu sẽ biết có 2 loại tư thần được nuôi trong nhà các đại gia tộc, loại thực khách thông thường và loại trọng vọng hơn là khanh khách.

Măc Lan nghe say sưa, giọng nói Lâm di nương dần dần mềm nhẹ: “Phụ nữ cả đời này không thể dựa dẫm vào đàn ông, đàn ông là kẻ vô dụng, phụ nữ càng mạnh mẽ càng có thể ưỡn thẳng lưng. Khi đó mẹ chỉ muốn dù làm vợ cả hay vợ bé, chồng mình nhất định phải có nhân phẩm xuất chúng, trọng tình nghĩa, có tài cán, có khả năng chắn gió che mưa cho gia đình … Đi theo cha con, tuy nói là vợ bé, nhưng cũng không cần lo lắng sợ hãi, chí ít cũng có thể an ổn sống qua ngày, còn có con trai con gái để mẹ nhờ cậy.”

Hai mẹ con nhất thời im lặng. Một lát sau, Lâm di nương khẽ cười: “Ban đầu, lão thái thái tìm cho mẹ toàn là mấy mối “vừa làm ruộng vừa đi học”. Bản thân bà còn khăng khăng thanh bần, làm sao cho mẹ được phần đồ cưới hậu hĩnh chứ? Hứ! Mẹ rút cục xuất thân là tiểu thư dòng chính nhà quan, nếu như chỉ ăn trấu nuốt rau thì còn vào Thịnh phủ làm gì? Thât là nực cười.”

“Vậy mẹ lại còn bào con tới chỗ lão thái thái nữa, bà sẽ giữ con lại sao?” Mặc Lan nhịn không được nói ra.

Lâm di nương vui vẻ dịu dàng: “Con ngốc, đây là cha con cất nhắc con đó! Mẹ mang tiếng là vợ bé, con cũng không phải do phu nhân nuôi dưỡng, nếu có thể học hỏi chút quy củ bên cạnh lão thái thái, rồi ra bên ngoài cũng sẽ được tôn trọng hơn, tương lai nghị thân có thể tốt hơn các thứ nữ thông thường. Lão gia nói là để lão thái thái tự chọn đứa trẻ, kỳ thực con thử suy nghĩ một chút. Hoa lan phải lấy chồng, Như Lan thì phu nhân không nỡ rời xa, Minh Lan là một mầm bệnh ốm yếu, làm gì có mấy đứa hầu biết đọc sách, vậy dư lại còn có ai nào?”

Mặc Lan vừa mừng vừa lo: “Cha quả nhiên thương con, thế nhưng… Con sợ lão thái thái…”

Lâm di nương khẽ vén tóc mai, sóng mắt đung đưa, cười nói: “ Con người lão thái thái mẹ vẫn hiểu, bản tính bà cao thượng, ngay thẳng, càng thích thương hại kẻ yếu ớt. Tuy rằng có hơi ngạo mạn chút nhưng không khó hầu hạ. Em Minh sáng sớm đã xuất phát, con phải tới trước mặt lão thái thái thỉnh an hầu hạ. Nhớ kỹ, phải cẩn thận ngoan ngoãn, làm ra vẻ áy náy đau lòng, nghìn vạn lần không được gọi mẹ, phải gọi là dì, có lúc nhỡ mồm hai ba câu cũng không sao, tự vả nhẹ mấy cái, động tác nhanh nhẹn vào, chắc là lão thái thái sẽ không tính sổ mẹ lên người con đâu. Hài, lại nói tiếp, đều là mẹ liên lụy đến con, nếu con đầu thai trong bụng phu nhân, thì cũng nhất định không phải mong chờ lấy lòng bà già ấy…”

“Mẹ nói cái gì thế? Con là cốt nhục của mẹ, nói gì mà liên lụy với không liên lụy”. Mặc Lan trách yêu ngả vào lòng Lâm di nương. “Có mẹ ở bên dạy dỗ, con gái tự có bản lĩnh làm cho lão thái thái vui vẻ, tương lai có thể diện, cũng có thể khiến mẹ được hưởng chút thanh phúc.”

Lâm di nương cười nói: “Con ngoan, chờ sắp tới sau khi lão gia thăng chức quan, không biết chừng con còn danh giá hơn cả chị cả con, đến lúc ấy còn có lộc trời chờ con đấy.”

Tác giả nói ra suy nghĩ của mình: Quan hê nhân vật

Thịnh lão thái gia (thám hoa lang)+ thịnh lão thái thái (Dũng Nghị hầu phủ đích nữ)

Thịnh hoành: Con vợ kế ( mẹ cả nhận làm con trên danh nghĩa), mẹ đẻ Xuân di nương đã chết.

Vương thị: Thê tử, quan lại thế gia đích nữ,

Lâm di nương: Thiếp, vốn là bé gái mồ côi thịnh lão thái thái nuôi

Trưởng nữ: Thịnh Hoa Lan, con vợ cả

Trưởng tử: Thịnh Trường Bách, con vợ cả

(ở giữa chết non hai người một nữ một nam)

Con trai thứ ba: Thịnh Trường Phong, Lâm di nương sinh

Tứ nữ: Thịnh Mặc lan, Lâm di nương sinh

Ngũ nữ: Thịnh Như Lan, con vợ cả

Lục nữ: Thịnh Minh Lan, Vệ di nương sinh, mẹ đẻ đã chết

Tứ tử: Thịnh Trường Đống, Hương di nương sinh, nhỏ nhất, còn chưa biết đi.

Chọn tập
Bình luận