…mong mỏi trở về với vương quốc của linh hồn…
Sáng sớm hôm sau, Sophie giật mình thức giấc. Cô liếc nhìn đồng hồ. Mới hơn năm giờ nhưng cô đã tỉnh ngủ và ngồi dậy. Tại sao mình lại đang mặc váy? Cô bắt đầu nhớ lại mọi việc.
Cô trèo lên ghế đẩu và nhìn lên ngăn tủ trên cùng. Đúng, kia rồi, nằm sâu bên trong là chiếc băng video. Không phải là một giấc mơ, ít ra thì không phải tất cả đều là mơ.
Nhưng cô không thể đã nhìn thấy Plato và Socrates được… ôi, thế nào cũng được! Cô không đủ sức nghĩ tiếp về chuyện đó nữa. Có lẽ mẹ cô đã nói đúng, chắc dạo này cô hơi hâm hấp thật.
Dù sao thì cô cũng không thể đi ngủ lại được. Có lẽ cô nên xuống vườn xem chú chó đã mang đến lá thư mới nào chưa. Sophie rón rén xuống thang, xỏ một đôi giày thể thao và ra ngoài.
Trong vườn, mọi vật trong trẻo và yên tĩnh tuyệt vời. Chim chóc chíu chít, rối rít khiến Sophie không nhịn được cười. Sương mai lấp lánh trong lá cỏ như những giọt pha lê. Một lần nữa, Sophie lặng người trước vẻ kỳ diệu của thế giới.
Bên trong hàng rậu rất ẩm ướt. Sophie không thấy thư mới của nhà triết học. Nhưng dù sao cô cũng lau một cái rễ cây to và ngồi xuống.
Cô nhớ ra rằng Plato-trong-phim đã cho cô một số câu hỏi. Câu đầu tiên về chuyện người thợ bánh làm cách nào để nướng 50 chiếc bánh quy giống hệt nhau.
Sophie phải suy nghĩ rất cẩn thận vì việc này chắc chắn không dễ dàng gì. Thỉnh thoảng mẹ cô nướng một mẻ bánh, chúng không bao giờ giống hệt nhau. Nhưng bà đâu phải là một chuyên gia làm bánh; có lúc bếp trông giống như vừa bị trúng bom vậy. Ngay cả những chiếc bánh quy mua ở hiệu về cũng chẳng bao giờ giống nhau hoàn toàn. Người thợ bánh đã nặn từng chiếc bánh một.
Sophie nở nụ cười hài lòng. Cô còn nhớ một lần cùng bố đi chợ trong khi mẹ đang bận rộn nướng bánh Giáng sinh. Khi về nhà, cô thấy một lô bánh quy gừng hình người trải trên bàn bếp.Mặc dù không phải tất cả đều hoàn hảo, nhưng theo một cách nhìn nào đó thì chúng giống hệt nhau. Tại sao vậy? Hiển nhiên là vì mẹ đã dùng cùng một cái khuôn cho tất cả những chiếc bánh đó.
Sophie cảm thấy thật hài lòng với chính mình vì đã nhớ lại chuyện đó, cô tuyên bố mình đã hoàn thành câu hỏi thứ nhất. Nếu người thợ bánh làm 50 chiếc bánh giống hệt nhau, hẳn người đó đã dùng cùng một cái khuôn cho cả 50 chiếc bánh. Xong!
Tiếp theo, Plato-trong-phim đã hỏi cô tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau. Nhưng chúng đâu có giống hệt! Ngược lại, Sophie cho rằng không có hai con ngựa nào giống y như nhau, cũng như không có hai người nào giống hệt nhau.
Cô vừa định bỏ cuộc khi chợt nhớ lại những điều mình vừa nghĩ về những chiếc bánh quy. Chúng không hề giống nhau hoàn toàn. Có những chiếc dày hơn những chiếc khác. Một vài chiếc bị sứt mẻ. Nhưng theo một nghĩa nào đó, ai cũng có thể bảo rằng chúng “giống hệt nhau”.
Có lẽ câu hỏi thực sự của Plato là tại sao một con ngựa luôn là một con ngựa mà không phải là nửa giống ngựa nửa giống lợn chẳng hạn. Bởi vì tuy con thì có màu nâu như gấu, con thì trắng như cừu, nhưng tất cả các con ngựa đều có cái gì đó giống nhau. Chẳng hạn Sophie chưa từng nhìn thấy một con ngựa có sáu hay tám chân.
Nhưng chắc chắn Plato không thể tin rằng các con ngựa giống nhau là vì chúng đuợc tạo ra từ cùng một cái khuôn!
Tiếp theo, Plato cho cô một câu hỏi thật khó. Con người có linh hồn bất tử hay không? Sophie cảm thấy mình chưa đủ học vấn để trả lời câu hỏi này. Cô chỉ biết rằng các xác chết được chôn hoặc hoả thiêu, vì thế chẳng còn tương lai nào cho chúng. Nếu con người có một linh hồn bất tử, người ta sẽ phải tin rằng con người bao gồm hai phần riêng biệt: một thể xác hao mòn dần qua năm tháng, và một linh hồn hoạt động ít nhiều độc lập với những gì xảy ra với thể xác. Có lần, bà đã nói rằng bà cảm thấy chỉ có cơ thể là già nua, còn bên trong, bà vẫn luôn là một cô gái trẻ.
Ý nghĩ về “cô gái trẻ” dẫn Sophie đến câu hỏi cuối cùng: có phải đàn ông đàn bà đều có óc xét đoán như nhau hay không? Sophie không rõ lắm. Điều đó còn tuỳ thuộc quan niệm của Plato về óc xét đoán.
Cô chợt nhớ một điều nhà triết học đã nói về Socrates. Socrates đã chỉ ra rằng mọi người đều có thể hiểu các chân lý triết học nếu họ sử dụng nhận thức thông thường. Ông cũng nói rằng nô lệ cũng có nhận thức thông thường như một người quý phái. Sophie đoán chắc ông cũng cho rằng phụ nữ cũng có nhận thức thông thường như nam giới.
Sophie đang ngồi suy nghĩ thì bỗng có tiếng loạt xoạt trong bụi rậm và tiếng thở phì phò như một cái đầu máy hơi nước. Một giây sau, con Labrador màu vàng trườn vào hốc, mõm ngậm một chiếc phong bì to.
“Hermes!”, Sophie kêu lên, “Thả xuống! Thả xuống!“
Con chó thả chiếc phong bì vào lòng Sophie, cô vươn tay xoa đầu nó.
“Ngoan lắm! Hermes“. Cô nói.
Con chó nằm xuống để cô vuốt ve. Một vài phút sau nó nhổm dậy, quay lại lối cũ và chui ra khỏi bụi rậm. Sophie cầm chiếc phong bì và chui ra theo. Cô bò qua hàng dậu dầy và chẳng mấy chốc đã ra khỏi khu vườn.
Hermes đã bắt đầu chạy về phía bìa rừng, Sophie theo sau cách khoảng vài bước. Con chó quay lại gầm gừ hai lần, nhưng Sophie không nao núng. Lần này cô quyết tâm tìm bằng được nhà triết học, kể cả nếu phải chạy đến tận Athens.
Con chó tăng tốc và bất chợt rẽ ngoặt xuống một con đường hẹp, Sophie đuổi theo. Vài phút sau, con chó dừng lại, quay về phía cô và sủa như một con chó giữ nhà. Sophie vẫn không bỏ cuộc mà tận dụng cơ hội này để rút ngắn khoảng cách.
Con chó quay đi và phóng như bay dọc con đường. Sophie nhận ra rằng cô sẽ không thể đuổi kịp. Cô dừng lại, đứng lặng một lúc lâu như hàng thế kỷ, lắng nghe tiếng chân chạy xa dần, xa dần. Cuối cùng chỉ còn yên lặng. Cô ngồi xuống một gốc cây cụt ở rìa một khoảng trống trong rừng. chiếc phong bì vẫn còn trên tay. Cô bóc ra và bắt đầu đọc.
Hàn lâm viện của Plato
Cảm ơn em đã đi Athens cùng tôi, Sophie. Vậy là ít nhất tôi cũng đã tự giới thiệu. Và tôi cũng đã giới thiệu Plato với em, nên chúng ta có thể bắt đầu vào bài ngay.
Khi Socrates uống độc dược thì Plato (428-347 t.Cn) hai mươi chín tuổi. Ông đã theo học Socrates một thời gian dài và đã theo dõi sát sao vụ án của ông. Việc Athens có thể kết án tử hình công dân ưu tú nhất của mình đã không chỉ in một dấu ấn sâu đậm trong Plato mà còn định hình cho toàn bộ nỗ lực nghiên cứu triết học của ông.
Đối với Plato, cái chết của Socrates là một ví dụ sâu sắc về mâu thuẫn có thể tồn tại giữa xã hội thực tế và xã hội lý tưởng. Việc đầu tiên của Plato với tư cách là một triết gia là cho công bố Tự biện của Socrates, một bản tường trình về những lời tự biện hộ của Socrates trước bồi thẩm đoàn.
Chắc hẳn em còn nhớ, Socrates dã không viết lại điều gì, dù nhiều triết gia tiền Socrates đã viết. Vấn đề là ở chỗ hầu như không còn lại bút tích nào của họ. Nhưng trong trường hợp của Plato, người ta tin rằng tất cả những tác phẩm chính của ông đều được bảo tồn. (Ngoài Tự biện của Socrates, ông còn để lại nhiều thư và khoảng 25 Đối thoại triết học). Ngày nay, ta còn giữ lại những tác phẩm này, phần không nhỏ là do Plato đã thành lập một trường dạy triết học của riêng mình tại một khu rừng nhỏ không xa Athens. Ông lấy tên của Academus, một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, để đặt cho trường. Do vậy trường có tên là Academy. (Kể từ đó, nhiều nghìn “academy” được thành lập ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều ngôn ngữ, từ này được dùng với nghĩa viện hàn lâm, viện nghiên cứu…)
Các môn đuợc dạy ở Hàn lâm viện của Plato là triết học, toán học và thể thao – mặc dù “dạy” khó có thể coi là từ đúng. Đối thoại trực tiếp được coi là quan trọng bậc nhất tại Hàn lâm viện của Plato. Do vậy, không phải hoàn toàn tình cờ mà các tác phẩm của Plato thường có dạng những cuộc hội thoại.
Chân, thiện, mỹ vĩnh hằng
Khi mở đầu khóa học, tôi đã nói: nên hỏi xem một nhà triết học nghiên cứu về vấn đề gì. Và giờ tôi hỏi: Plato quan tâm đến những vấn đề gì?
Nói một cách khái lược, ta có thể nói rằng Plato quan tâm đến mối quan hệ giữa những cái vĩnh cửu bất biến với những cái thay đổi. (Cũng như các nhà triết học tiền Socrates). Ta đã thấy các Học giả và Socrates đã chuyển sự chú ý của mình từ các câu hỏi về triết học tự nhiên tới các vấn đề liên quan đến con người và xã hội. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, ngay cả Socrates và các Học giả cũng chú trọng đến mối quan hệ giữa cái vĩnh hằng bất biến và cái biến đổi. Họ quan tâm đến vấn đề đó khi nó liên hệ với nguyên tắc đạo đức con người và các lý tưởng hay đức hạnh xã hội. Nói một cách rất ngắn gọn, các Học giả cho rằng nhận thức về đúng sai là tùy theo từng thành bang, và tùy từng thế hệ. Vậy, đúng và sai là cái gì đó biến đổi. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được đối với Socrates. Ông tin vào sự tồn tại của những quy tắc vĩnh cửu và tuyệt đối về đúng và sai. Bằng cách sử dụng nhận thức thông thường, tất cả chúng ta đều có thể đi đến các quy phạm bất biến này, do lý tính của con người là vĩnh cửu và bất biến.
Em có theo kịp không, Sophie? Tiếp đến là Plato. Ông quan tâm đến cả hai: cái vĩnh cửu và bất biến trong thiên nhiên và cái vĩnh cửu bất biến khi nói đến đạo đức xã hội. Đối với Plato, hai vấn đề này giống nhau và là một. Ông cố gắng nắm bắt một ”thực tại“ vĩnh cửu và bất biến.
Thật ra mà nói, đó chính là cái mà chúng ta cần ở các nhà triết học. Ta không cần họ tuyển chọn hoa hậu, cũng chẳng cần họ mặc cả cà chua. (Đây là lý do tại sao họ thường không được ưa chuộng!) Các triết gia sẽ cố gắng lờ đi các sự kiện thời sự nổi bật, thay vào đó, cố kéo sự quan tâm của mọi người vào cái “chân“ vĩnh cửu, cái “thiện“ vĩnh cửu và cái “mỹ“ vĩnh cửu.
Vậy, ta có thể bắt đầu điểm qua về nghiên cứu triết học của Plato. Nhưng ta hãy đi từng điểm một. Ta đang cố tìm hiểu một trí tuệ phi thường, một trí tuệ mà sau đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ nền triết học châu Âu sau này.
Thế giới ý niệm
Cả Empedocles và Democritus đã cho rằng tuy trong thiên nhiên mọi vật đều biến đổi nhưng dù sao vẫn có “cái gì đó“ không bao giờ biến đổi. (“bốn cái gốc“ hay “nguyên tử“.) Plato cũng đồng ý với tuyên bố đó, nhưng theo một hướng hoàn toàn khác.
Plato tin rằng mọi vật hữu hình trong tự nhiên đều “biến đổi“. Do vậy, không có “chất“ nào không tan rã. Tất cả mọi thứ thuộc về “thế giới vật chất“ đều được tạo từ loại vật liệu mà thời gian có thể ăn mòn, nhưng mọi thứ đều được tạo ra theo một cái “khuôn“ hay “dạng thức“ không chịu ảnh hưởng của thời gian, nó vĩnh cửu và bất biến.
Em có thấy như thế không? Ồ, không.
Tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau, Sophie? Có thể em không cho rằng chúng giống nhau. Nhưng có những đặc điểm mà mọi con ngựa đều có, những đặc điểm đó giúp ta nhận ra chúng là ngựa. Một con ngựa cụ thể “biến đổi“ một cách tự nhiên. Nó có thể già đi, què quặt, và sẽ đến lúc nó chết. Nhưng “hình thức“ của con ngựa thì vĩnh cửu và bất biến.
Do vậy, theo Plato, cái vĩnh cửu và bất biến đó không phải là một “chất cơ bản“ có tính vật chất, như quan niệm của Empedocles và Democritus. Khái niệm của Plato là về những khuôn mẫu vĩnh hằng và bất biến, mà về bản chất, chúng là những thứ trừu tượng thuộc về tinh thần và mọi vật đều được tạo ra theo đó.
Các nhà triết học tiền Socrates đã đưa ra lời giải thích tương đối tốt về các biến đổi trong tự nhiên mà không phải giả định bất cứ cái gì thực sự “thay đổi“. Họ cho rằng, ở giữa chu kỳ của thiên nhiên, có một số thành phần nhỏ nhất vĩnh cửu và bất biến đã không tan rã. Vậy cũng được, Sophie à. Nhưng họ đã không có cách giải thích có lý tại sao các “nguyên tố nhỏ nhất“ đã từng là thành phần của một con ngựa có thể bốn năm thế kỷ sau bỗng dưng tụ lại với nhau để tạo thành một con ngựa hoàn toàn mới. Hoặc một con voi hay cá sấu cũng tương tự. Trọng tâm của Plato là ở chỗ các nguyên tử của Democritus không bao giờ hợp thành một con “voi cá sấu“ hay một con “cá sấu voi“. Đó là điều đã định hướng cho suy nghĩ của ông.
Nếu em đã hiểu tôi đang định dẫn dắt đến điều gì, em có thể bỏ qua đoạn sau. Nhưng tôi sẽ nói rõ hơn phòng khi em chưa nắm được. Em có một hộp Lego và em lắp một con ngựa bằng Lego. Sau đó em tháo ra và cất các khối Lego vào hộp. Em không thể hy vọng tạo ra một con ngựa mới chỉ bằng cách xóc xóc cái hộp. Làm sao các khối Lego có thể tự tìm nhau và một lần nữa trở thành một con ngựa được? Không, Sophie, chính em phải tự lắp lại con ngựa. Và em có thể làm được điều đó là vì trong tâm thức em có hình ảnh về con ngựa. Con ngựa Lego được tạo ra từ một mô hình không thay đổi.
Em đã xoay xở như thế nào với 50 chiếc bánh quy? Giả sử em từ trên trời rơi xuống, chưa bao giờ nhìn thấy một người thợ bánh bao giờ. Em rơi vào một hiệu bánh đầy hấp dẫn, ở đó em nhìn thấy 50 chiếc bánh quy gừng hình người xếp trên giá.Tôi hình dung em sẽ tự hỏi làm thế nào mà chúng lại giống nhau đến vậy. Cũng có thể, một chiếc bánh thiếu một tay, chiếc khác bị mẻ đầu, chiếc thì có cái bụng gồ lên trông rất ngộ. Nhưng sau khi suy xét cẩn thận, em sẽ thấy tất cả các chiếc bánh quy gừng đều có chung một cái gì đó. Cho dù không có chiếc nào hoàn hảo, em vẫn ngờ rằng chúng có chung nguồn gốc. Em sẽ nhận ra rằng tất cả các chiếc bánh đều được định hình từ cùng một cái khuôn. Tiếp theo là gì, Sophie? Em sẽ nảy ra một ý muốn không cưỡng lại được: muốn nhìn thấy cái khuôn đó. Bởi vì rõ ràng cái khuôn phải tuyệt đối hoàn hảo – và đẹp hơn theo một nghĩa nào đó – khi so với những bản sao thô thiển kia.
Nếu em đã tự mình giải được câu hỏi này, em đã đến với lời giải triết học trên chính con đường mà Plato đã đi qua.
Như hầu hết các triết gia, Plato “từ trên trời rơi xuống“ (ông đứng trên đỉnh của một chiếc lông thỏ mà). Ông sửng sốt khi thấy các hiện tượng tự nhiên thật giống nhau, và ông kết luận rằng chắc chắn đó là do có một số hữu hạn các hình thức ở “đằng sau“ mọi vật mà ta nhìn thấy xung quanh. Plato gọi các hình thức này là các ý niệm. Đằng sau tất cả ngựa, lợn hay con người là “con ngựa ý niệm“, “con lợn ý niệm“ và “con người ý niệm“. (Cũng bằng cách này, hiệu bánh ta vừa nói đến có thể có bánh quy gừng hình người, bánh quy gừng hình ngựa, và bánh quy gừng hình lợn. Bởi vì mọi hiệu bánh tử tế đều có nhiều hơn một khuôn bánh. Nhưng mỗi khuôn là đủ cho một loại bánh quy gừng).
Plato đi đến kết luận rằng phải có một thực tại đằng sau “thế giới vật chất“. Ông gọi thực tại này là thế giới ý niệm, nó bao gồm các “khuôn mẫu“ vĩnh cửu và bất biến nằm sau các hiện tượng đa dạng mà ta gặp trong thiên nhiên. Quan điểm đáng chú ý này được gọi là thế giới ý niệm của Plato.
Tri thức đích thực
Tôi đoán chắc là em vẫn theo kịp tôi, Sophie thân mến. Nhưng có lẽ em đang tự hỏi không biết Plato có đùa không. Có thật là ông tin rằng các hình thức như vậy thực sự tồn tại trong một thực tại hoàn toàn khác hay không?
Có lẽ không phải suốt đời lúc nào ông cũng nghĩ như vậy. Nhưng chắc chắn đó là những gì ông muốn người đọc hiểu từ một số đoạn hội thoại của mình. Ta hãy thử đi theo dòng suy nghĩ của ông.
Như ta đã thấy, nhà triết học cố gắng nắm bắt được cái gì đó vĩnh cửu và bất biến. Thật vô ích nếu viết một luận thuyết triết học về sự tồn tại của một cái bong bóng xà phòng cụ thể nào đó. Một phần là do người ta khó có thời gian nghiên cứu cái bong bóng kỹ càng trước lúc nó vỡ tan ra. Phần khác, có lẽ khó mà tìm được thị trường cho một luận thuyết triết học về một vật mà hầu như chẳng ai nhìn thấy, cái chỉ tồn tại có 5 giây.
Plato tin rằng một vật mà ta nhìn thấy trong thiên nhiên, những thứ hữu hình, có thể được coi như bong bóng xà phòng, bởi chẳng có gì tồn tại trong thế giới tri giác là trường cửu. Tất nhiên, ta biết rằng tất cả người hay vật, không sớm thì muộn, đều chết và phân hủy. Ngay cả một khối đá hoa cương cũng biến đổi và mòn dần. (Acropolis đã đổ nát thành phế tích đấy thôi, Sophie! Điều đó thật tệ nhưng không thể tránh khỏi). Plato muốn nói rằng ta không bao giờ có thể có được tri thức đích thực về bất cứ cái gì luôn trong trạng thái thay đổi. Ta chỉ có thể có các quan điểm về những vật thuộc thế giới tri giác, những vật hữu hình. Ta chỉ có thể có tri thức đích thực về những gì có thể hiểu bằng lý tính của ta.
Thôi được, Sophie, tôi sẽ giải thích rõ hơn: một chiếc bánh quy gừng hình người sau khi nướng xong có thể bị méo mó đến mức khó có thể đoán được đáng ra nó phải có hình dạng như thế nào. Nhưng nếu đã thấy hàng tá bánh hình người ít nhiều thành công, thì tôi có thể biết khá chắc về hình dạng của cái khuôn. Tôi có thể đoán, tuy chưa bao giờ nhìn thấy. Có thể, được tận mắt nhìn thấy cái khuôn thực chưa chắc đã là một lợi thế, vì ta không thể lúc nào cũng tin tưởng vào các bằng chứng của giác quan. Thị lực của mọi người không giống nhau. Tuy nhiên, ta có thể dựa vào những gì lý tính mách bảo, vì nó giống nhau đối với tất cả mọi người.
Nếu em ngồi trong một lớp học có 30 học sinh khác, và thầy giáo hỏi trong các màu của cầu vồng, màu nào đẹp nhất, thầy có lẽ sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng nếu ông hỏi 8 lần 3 bằng bao nhiêu, cả lớp có thể sẽ trả lời giống nhau – hy vọng là như vậy. Bởi vì đó là khi lý tính lên tiếng, và theo một nghĩa nào đó, lý tính là cái đối lập trực tiếp của cái “cho là“ hay “cảm thấy“ . Ta có thể nói rằng lý tính là vĩnh cửu và phổ quát chính là vì nó chỉ diễn đạt những trạng thái vĩnh cửu và phổ quát.
Plato thấy toán học rất cuốn hút, vì các trạng thái toán học không bao giờ thay đổi. Do vậy chúng là các trạng thái mà ta có thể có tri thức đích thực về nó. Nhưng ở đây ta cần thêm một ví dụ.
Hãy tưởng tượng là em tìm thấy một quả thông tròn trong rừng. Có thể em nói em “nghĩ“ rằng trông nó cực tròn, trong khi Joanna khẳng định rằng nó hơi bẹt về một bên. (Rồi cả hai bắt đầu cãi nhau về chuyện đó!). Nhưng em không thể có được tri thức đích thực về bất cứ thứ gì em có thể tri giác bằng mắt. Mặt khác, em có thể khẳng định một cách tuyệt đối chắc chắn rằng tổng các góc trong một hình tròn là 360 độ. Trong trường hợp này, em đang nói về một hình tròn lý tưởng có thể không tồn tại trong thế giới thực nhưng em có thể hình dung được rất rõ ràng. (Em đang nói đến cái khuôn bánh chứ không phải là một cái bánh cụ thể nào).
Tóm lại, ta chỉ có thể có tri giác không chính xác về những vật ta cảm nhận bằng các giác quan. Nhưng ta có thể có tri thức đích thực bằng những gì ta hiểu bằng lý tính. Cho đến ngày tận thế thì tổng các góc trong một tam giác vuông vẫn sẽ mãi là 180 độ. Tương tự, con ngựa “ý niệm“ vẫn sẽ đi bằng bốn chân ngay cả khi tất cả ngựa trong thế giới tri giác đều bị què một cẳng.
Một linh hồn bất tử
Như tôi đã giải thích, Plato tin rằng thực tại được chia thành hai vùng.
Một vùng là thế giới tri giác mà ta chỉ có thể nhận được tri thức gần đúng và không đầy đủ về nó bằng cách sử dụng năm giác quan (cũng gần đúng và không đầy đủ). Trong thế giới tri giác này, “mọi thứ đều biến đổi“ và không có gì bền vững. Không có gì trong thế giới tri giác trường tồn, chỉ có những cái đến rồi đi.
Vùng kia là thế giới ý niệm mà chúng ta có thể có được tri thức đích thực về nó bằng cách sử dụng lý tính của ta. Không thể cảm nhận được thế giới ý niệm bằng các giác quan, nhưng các ý niệm (hay hình thức) là vĩnh cửu và bất biến.
Theo Plato, con người là sinh vật kép. Ta có một thể xác biến đổi, nó gắn bó chặt chẽ với thế giới tri giác và có cùng số phận với mọi sự vật khác trong thế giới đó – một cái bong bóng xà phòng chẳng hạn. Mọi giác quan của ta đều dựa vào thể xác này và do vậy không đáng tin cậy. Nhưng chúng ta còn có một linh hồn bất tử, linh hồn này chính là thực tại của lý tính. Và do không phải là một thứ vật chất, linh hồn có thể quan sát thế giới ý niệm.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, Sophie. CHƯA PHẢI LÀ TẤT CẢ!
Plato còn cho rằng linh hồn đã hiện hữu trước khi nó trú ngụ trong thể xác. (Nó nằm trong một cái ngăn tủ cùng với tất cả những chiếc khuôn bánh quy). Nhưng ngay khi linh hồn thức tỉnh trong một cơ thể người, nó đã quên hết các ý niệm hoàn hảo. Rồi một điều gì đó bắt đầu xảy ra. Thực tế, một quá trình kỳ diệu bắt đầu. Khi con người đó khám phá các khuôn mẫu đa dạng trong thế giới tự nhiên, hồi ức mơ hồ khuấy động linh hồn anh ta. Anh ta nhìn thấy một con ngựa, nhưng là một con ngựa không hoàn hảo. (Một chiếc bánh quy gừng hình ngựa!). Hình ảnh đó đủ để đánh thức trong linh hồn một hồi ức mờ nhạt về “con ngựa” hoàn hảo mà linh hồn đã từng nhìn thấy trong thế giới ý niệm, điều đó gợi lên cho linh hồn một nỗi khao khát được trở về với thế giới thực sự của nó. Plato gọi sự khao khát này là eros – tình yêu. Rồi linh hồn cảm thấy một nỗi “mong mỏi được trở về với khởi nguồn chân chính của nó”. Từ đây thể xác và toàn bộ thế giới giác quan được trải nghiệm như là những gì không hoàn chỉnh và không có ý nghĩa. Linh hồn khao khát được bay về nhà, về với thế giới ý niệm trên đôi cánh của tình yêu. Nó mong được giải thoát khỏi xiềng xích của thể xác.
Tôi phải nhấn mạnh rằng Plato đang mô tả một dòng đời lý tưởng, bởi chắc chắn không có chuyện con người thả cho linh hồn tự do để bắt đầu cuộc hành trình trở về thế giới ý niệm. Hầu hết mọi người đều níu lấy thế giới cảm giác với những “phản chiếu” của các ý niệm. Họ nhìn thấy một con ngựa, rồi một con ngựa khác. Nhưng họ không bao giờ thấy rằng tất cả những con ngựa đó đều chỉ là những mô phỏng mờ nhạt. (Họ lao vào bếp ăn lấy ăn để những chiếc bánh quy mà không có lấy một ý nghĩ về chuyện chúng ở đâu ra). Cái mà Plato miêu tả là phương pháp của các nhà triết học. Triết học của ông có thể được xem như là một miêu tả về hoạt động triết học.
Sophie à, khi em nhìn thấy một cái bóng, em sẽ cho rằng đó phải là bóng của một cái gì đó. Em nhìn thấy cái bóng của một con vật. Em nghĩ có thể đó là một con ngựa, nhưng em không chắc lắm. Do vậy em quay lại và nhìn thấy chính con ngựa đó, tất nhiên nó đẹp hơn và hình dáng sắc nét hơn vạn lần cái “bóng ngựa” mờ mờ. Tương tự, Plato tin rằng mọi hiện tượng thiên nhiên chỉ là những cái bóng của các khuôn mẫu hay ý niệm vĩnh cửu. Nhưng hầu hết mọi người bằng lòng với cuộc sống giữa những cái bóng. Họ chẳng bao giờ nghĩ xem cái gì tạo ra những cái bóng đó. Họ cho rằng những cái bóng là tất cả những gì tồn tại, không bao giờ nhận ra rằng chính mình cũng chỉ là những cái bóng. Và vì vậy, họ chẳng để ý đến sự bất tử của linh hồn của chính mình.
Ra khỏi bóng tối của cái hang
Plato dùng một truyện tưởng tượng để minh họa điều này. Ta gọi nó là Truyện về cái Hang. Tôi sẽ kể lại bằng lời văn của mình.
Hãy tưởng tượng một vài người sống trong một cái hang dưới lòng đất. Họ ngồi quay lưng lại miệng hang và chân tay bị trói để họ chỉ có thể nhìn thấy vách đá bên trong hang. Đằng sau họ là một bức vách cao. Đằng sau bức vách có những sinh vật giống người đi lại và giương cao những con rối có hình dạng khác nhau lên trên đỉnh bức vách. Do có một đống lửa ở sau những con rối, nên chúng tạo thành những cái bóng nhún nhảy trên vách đá bên trong hang. Do vậy, điều duy nhất mà những người trong hang nhìn thấy là vở kịch của những cái bóng. Họ đã ngồi đây từ khi sinh ra nên họ nghĩ rằng những cái bóng là tất cả những gì tồn tại.
Tưởng tượng rằng một người trong số các cư dân hang đá tự giải thoát được cho mình khỏi dây trói. Điều đầu tiên anh ta tự hỏi đó là: những cái bóng trên vách hang là ở đâu ra. Em thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi anh ta quay lại và nhìn thấy những con rối đang được giương cao trên đỉnh bức vách? Đầu tiên, anh ta bị lóa mắt bởi ánh mặt trời chói lòa. Anh ta còn bị lóa mắt bởi sự rõ ràng, sáng sủa của những con rối vì trước kia anh chỉ mới nhìn thấy những cái bóng của chúng. Nếu anh leo được qua bức vách, vòng qua đống lửa để đến với thế giới bên ngoài, anh ta sẽ còn lóa mắt hơn nhiều. Nhưng sau khi dụi mắt, anh ta sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của vạn vật. Lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy màu sắc và những hình dáng rõ ràng. Anh sẽ nhìn thấy hoa cỏ và muông thú sống động mà những cái bóng trong hang chỉ là những phản chiếu tội nghiệp của chúng. Nhưng ngay cả bây giờ, anh sẽ lại tự hỏi tất cả cỏ cây muông thú từ đâu đến. Anh sẽ nhìn thấy mặt trời và nhận ra rằng đó là cái đem lại sự sống cho những cỏ cây và muông thú này, cũng giống như ngọn lửa đã làm những cái bóng hiện lên.
Cư dân hang đá sung sướng đã có thể nhảy chân sáo đến thẳng vùng thôn quê để vui hưởng sự tự do mới tìm thấy. Nhưng anh ta không làm thế, thay vào đó, anh lại nghĩ tới tất cả những người vẫn còn ở trong hang. Anh ta quay lại. Về đến nơi, anh cố gắng thuyết phục mọi người rằng những cái bóng trên vách đá thực ra chỉ là hình ảnh phản chiếu bập bùng của những cái “thật”. Nhưng họ không tin, họ chỉ lên vách hang và nói rằng những gì họ nhìn thấy là tất cả những gì tồn tại. Cuối cùng họ giết anh ta.
Qua Truyện về cái Hang, Plato đã minh họa con đường của nhà triết học từ những hình ảnh lờ mờ đến những ý niệm đích thực đằng sau mọi hiện tượng thiên nhiên. Có lẽ, ông còn nghĩ về Socrates, người đã bị những cư dân trong hang giết vì đã xáo trộn các tư tưởng truyền thống của họ và cố gắng soi sáng con đường dẫn tới sự thấu hiểu đích thực. “Truyện về cái Hang” minh họa lòng dũng cảm của Socrates và ý thức trách nhiệm của ông trong việc giáo dục con người.
Ý Plato muốn nói rằng mối liên hệ giữa bóng tối trong hang và thế giới bên ngoài tương ứng với mối quan hệ giữa các hình dạng trong thế giới tự nhiên và thế giới của các ý niệm. Không phải ông có ý nói rằng thế giới tự nhiên tăm tối và buồn tẻ, mà là nó tăm tối và buồn tẻ khi so sánh với sự rõ ràng của các ý niệm. Một bức ảnh phong cảnh đẹp không hề tăm tối hay buồn tẻ. Nhưng nó chỉ là một bức ảnh.
Nhà nước triết học
Truyện về cái hang được tìm thấy trong Nền Cộng hòa của Plato. Trong đoạn đối thoại này, Plato còn mô tả một bức tranh về “nhà nước lý tưởng”, đó là một nhà nước tưởng tượng, lý tưởng, hay còn gọi là nhà nước không tưởng. Nói ngắn gọn, Plato cho rằng nhà nước nên được lãnh đạo bởi các nhà triết học. Ông giải thích điều này dựa trên cấu trúc của cơ thể con người.
Theo Plato, cơ thể con người gồm có ba phần: đầu, ngực, và bụng. Ứng với mỗi phần là một năng lực tương ứng của linh hồn. Lý tính ở trong đầu, ý chí thuộc về ngực, còn lòng ham muốn nằm ở bụng. Mỗi năng lực đó đều có một lý tưởng hay “đức tính”. Lý tính hướng tới sự uyên bác. Ý chí vươn tới lòng dũng cảm, còn lòng ham muốn phải được kiềm chế để có thể đạt được sự điều độ. Chỉ khi cả ba phần cùng hoạt động như một thể thống nhất, ta mới có một cá nhân hài hòa, hay nói cách khác là “có đạo đức”. Ở trường, một đứa trẻ trước hết phải học cách kiềm chế lòng ham muốn của mình, sau đó nó sẽ phải rèn luyện lòng dũng cảm, và cuối cùng lý tính dẫn đến sự uyên bác.
Plato hình dung một nhà nước được xây dựng y như ba phần của cơ thể con người. Một cơ thể có đầu, ngực, bụng. Còn nhà nước có chính quyền, quân đội và người lao động. (Chẳng hạn nông dân). Ở đây, Plato đã sử dụng y học Hy Lạp làm mô hình cho mình. Cũng như một con người hài hòa mạnh khỏe rèn luyện sự cân bằng và điều độ, một nhà nước “có đạo đức” là nhà nước mà trong đó mỗi người đều biết vị trí của mình trong bức tranh toàn cục.
Như mọi khía cạnh khác của triết học Plato, triết học chính trị của ông được đặc trưng bởi chủ nghĩa duy lý. Sự tạo dựng một nhà nước tốt đẹp phụ thuộc vào việc nhà nước đó được lãnh đạo bằng lý tính. Cũng như cái đầu chỉ huy cơ thể, các nhà triết học phải lãnh đạo xã hội.
Ta hãy thử một minh họa đơn giản về mối quan hệ giữa ba phần của con người và nhà nước:
CƠ THỂ LINH HỒN ĐỨC TÍNH NHÀ NƯỚC
đầu lý tính sự uyên bác chính quyền
ngực ý chí lòng dũng cảm quân đội
bụng lòng ham muốn sự điều độ người lao động
Nhà nước lý tưởng của Plato không phải không giống hệ thống đẳng cấp cổ của Ấn Độ, trong đó, mỗi người đều có chức năng cụ thể của mình để phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Ngay từ trước thời của Plato, hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ đã có một kiểu cấu trúc ba phần tương tự: đẳng cấp tăng lữ, đẳng cấp chiến binh, và đẳng cấp dân lao động. Ngày nay, người ta gọi nhà nước kiểu Plato là nhà nước chuyên chế. Nhưng có một điều rất đáng chú ý đó là Plato cho rằng phụ nữ cũng có thể lãnh đạo hiệu quả không kém đàn ông, vì lý do đơn giản: các nhà cầm quyền lãnh đạo bằng lý tính. Ông khẳng định rằng phụ nữ có năng lực lý luận như nam giới nếu họ được đào tạo như nam giới và không phải nuôi dạy con hay làm công việc nội trợ. Trong nhà nước lý tưởng của Plato, những người lãnh đạo và các chiến binh không được phép có cuộc sống gia đình và tài sản riêng. Việc nuôi dạy trẻ em được cho là có tầm quan trọng rất lớn, không thể để cho cá nhân mà phải phụ thuộc trách nhiệm của nhà nước. (Plato là nhà triết học đầu tiên chủ trương ủng hộ các nhà trẻ công lập và nền giáo dục chính quy).
Sau nhiều cản trở về chính trị, Plato viết cuốn Luật pháp, trong đó, ông mô tả “nhà nước pháp quyền” là nhà nước tốt thứ nhì. Lần này, ông lại đưa cuộc sống riêng và quan hệ gia đình quay trở lại. Quyền tự do của phụ nữ do vậy bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, ông nói rằng một nhà nước không giáo dục và đào tạo phụ nữ thì cũng giống một người chỉ tập luyện tay phải của mình.
Nhìn chung, ta có thể nói rằng Plato có một quan điểm tích cực về phụ nữ trong bối cảnh xã hội thời ông. Trong đối thoại có tên Bữa tiệc, ông đã dành cho một người phụ nữ, một nữ tu trong truyền thuyết tên là Diotima, vinh dự của việc trao cho Socrates sự thấu hiểu triết học.
Đó là Plato, Sophie à. Các lý thuyết đáng kinh ngạc của ông đã được đem ra bàn luận và phê phán trong suốt hơn hai ngàn năm. Người đầu tiên làm điều đó là một trong những học trò từ Hàn lâm viện của chính ông. Tên người đó là Aristotle, ông là nhà triết học vĩ đại thứ ba từ Athens.
Tôi dừng ở đây!
Trong khi Sophie đọc về Plato, mặt trời đã lên ở đằng đông. Nó lấp ló trên đường chân trời đúng lúc cô đọc đến đoạn một người trèo ra khỏi hang và chớp chớp mắt trong ánh sáng chói lòa bên ngoài.
Như thể chính Sophie vừa chui ra từ một cái hang sâu. Sophie cảm thấy từ khi đọc Plato cô nhìn thiên nhiên theo một cách hoàn toàn khác. Nó gần giống như người vừa bị mù màu. Như thể trước đó cô mới chỉ nhìn thấy những cái bóng mà chưa nhìn thấy các ý niệm rõ nét.
Cô không dám chắc là Plato hoàn toàn đúng trong những gì ông đã nói về các khuôn mẫu vĩnh cửu, nhưng đó là một ý nghĩ đẹp khi cho rằng mọi sinh vật sống đều là bản sao không hoàn hảo của các hình thức vĩnh cửu trong thế giới ý niệm. Bởi chẳng phải tất cả cây cỏ, con người, muông thú đều “không hoàn hảo” sao?
Sophie thấy mọi vật quanh mình thật đẹp và sống động, đến nỗi cô phải dụi mắt để xem có phải đó là thực hay không. Nhưng chẳng có gì cô đang thấy đây sẽ trường tồn. Dù sao, một trăm năm nữa, cũng những bông hoa này, những con thú này sẽ lại ở đây. Ngay cả nếu mọi bông hoa đều phải héo tàn, mọi con thú đều phải chết dần và chìm vào quên lãng, sẽ có cái gì đó “hồi tưởng” hình ảnh của chúng.
Sophie đăm đăm nhìn thế giới. Bỗng một con sóc leo ngược lên một cây thông. Nó bò vài vòng quanh thân cây rồi biến vào trong đám cành lá.
“Ta đã nhìn thấy chú mày từ trước rồi!” Sophie nghĩ. Cô nhận ra rằng đó có thể không phải con sóc mà cô đã nhìn thấy từ trước, nhưng cô đã nhìn thấy “hình thức” đó. Có lẽ Plato đã có lý. Có thể, trước đây, cô đã thực sự nhìn thấy “con sóc” vĩnh cửu trong thế giới ý niệm, khi linh hồn cô chưa đến trú ngụ trong một thể xác con người.
Có thật cô đã sống trước đó không? Linh hồn cô có tồn tại trước khi nó có một cơ thể để chạy lòng vòng trong đó hay không? Và có thật là cô mang một cục vàng nhỏ trong người – một vật báu không thể bị bào mòn bởi thời gian, một linh hồn sẽ tiếp tục sống khi thể xác của chính cô già đi rồi chết?