… nhiều giai điệu cùng âm vang…
Trên giường, Hilde ngồi dậy. Đó là kết thúc câu chuyện về Sophie và Alberto. Nhưng thực ra chuyện gì đã xảy ra?
Tại sao bố cô lại viết chương cuối như vậy? Phải chăng đó chỉ để thể hiện quyền lực của ông trong thế giới của Sophie?
Vẫn chìm sâu trong suy nghĩ, cô đi tắm rồi mặc quần áo. Cô ăn quàng bữa sáng rồi lang thang ra vườn, cô chui vào ngồi trong cái tàu lượn.
Cô đồng ý với Alberto rằng bài phát biểu của ông là sự kiện duy nhất hợp lý trong bữa tiệc. Có chắc là bố cô không cho rằng thế giới của Hilde không hỗn loạn như buổi tiệc trong vườn của Sophie không nhỉ? Hay là rồi cuối cùng thế giới của cô cũng sẽ tan biến?
Rồi lại còn vấn đề của Sophie và Alberto. Chuyện gì đã xảy ra với kế hoạch bí mật?
Phải chăng câu chuyện tiếp diễn như thế nào là tuỳ Hilde? Hay là họ đã thực sự trốn được ra khỏi câu chuyện?
Và bây giờ họ đang ở đâu?
Bỗng một luồng suy nghĩ loé lên trong cô. Nếu quả thực Sophie và Alberto đã thoát ra khỏi câu chuyện, trong tập giấy sẽ chẳng có đoạn nào nói gì về điều đó. Đáng tiếc là mọi điều trong đó đều rất rõ ràng đối với bố cô.
Phải chăng có gì đó ẩn giữa những dòng chữ? Khả năng đó được ngụ ý không dưới một lần. Hilde nhận ra rằng cô sẽ phải đọc lại toàn bộ câu chuyện một hai lần nữa.
Khi chiếc Mercedes trắng lao vào khu vườn, Alberto kéo Sophie vào cái hốc trong bụi cây. Rồi họ chạy vào rừng hướng về phía nhà ông thiếu tá.
“Nhanh lên!” Alberto kêu lên. “Nó phải xảy ra trước khi ông ấy bắt đầu tìm chúng ta.”
“Chúng ta đã vượt khỏi tầm với của ông thiếu tá chưa ạ?”
“Chúng ta đang ở vùng giáp ranh.”
Họ chèo thuyền qua bên kia hồ rồi chạy vào trong căn nhà. Alberto mở một cánh cửa bí mật dưới sàn. Ông đẩy Sophie xuống hầm. Mọi thứ tối xầm lại.
Những ngày sau đó, Hilde sắp xếp kế hoạch của mình. Cô gửi thư và gọi điện vài lần cho Anne Kvamsdal ở Copenhagen. Cô còn nhờ bạn bè và người quen giúp đỡ. Số bạn bè cùng lớp cùng tham gia chiếm đến gần nửa sĩ số.
Trong lúc đó, cô đọc lại Thế giới của Sophie. Đó không phải một câu chuyện mà người ta có thể đọc một lần là xong. Cô thường nảy thêm những suy đoán mới về chuyện xảy ra với Sophie và Alberto khi họ rời khỏi bữa tiệc.
Thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu, khoảng chín giờ sáng, Hilde giật mình tỉnh giấc. Cô biết bố mình đã rời khỏi binh trạm ở Lebanon. Bây giờ vấn đề chỉ còn là chờ đợi. Thời gian còn lại trong ngày của ông đã được lập kế hoạch đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Sáng hôm đó, cô bắt đầu cùng mẹ chuẩn bị cho đêm Hội Mùa Hè. Hilde không thể không nghĩ về chuyện hai mẹ con Sophie đã sắp xếp bữa tiệc Hội Mùa Hè của họ như thế nào. Nhưng đấy là điều gì đó họ đã làm. Chuyện đã qua, đã kết thúc. Có phải thế không nhỉ? Hay là ngay lúc này họ vẫn đang ở đâu đó và cũng đang trang trí?
Sophie và Alberto ngồi xuống bãi cỏ trước mặt hai toà nhà lớn với những ống thông gió xấu xí thò ra ngoài. Một đôi bạn trẻ bước ra từ một toà nhà. Người con trai xách một chiếc cặp nâu. Cô gái vắt vai một chiếc xắc đỏ. Một chiếc ô tô đang đi trên con đường nhỏ ở phía xa..
“Chuyện gì đã xảy ra vậy ạ?” Sophie hỏi.
“Chúng ta đã thành công!”
“Nhưng giờ mình đang ở đâu ạ?”
“Oslo.”
“Thầy có chắc không ạ?”
“Chắc chứ. Toà nhà này có tên là Chateau Neuf, nghĩa là 'Lâu đài mới'. Người ta học nhạc ở trong đó. Còn toà nhà kia là Khoa Tôn giáo. Đây là trường dạy thần học. Người ta học khoa học tự nhiên ở lưng chừng đồi phía xa kia. Còn trên đỉnh đồi thì học văn học và triết học.”
“Vậy là chúng ta đã ra khỏi cuốn sách của Hilde và ngoài tầm kiểm soát của ông thiếu tá?”
“Đúng vậy. Ông ấy sẽ không bao giờ tìm thấy chúng ta ở đây.”
“Nhưng khi chạy qua rừng thì mình đã ở đâu?”
“Trong khi ông thiếu tá còn bận đâm cái xe Mercedes vào cây táo, chúng ta đã nắm lấy cơ hội để trốn trong hốc cây. Khi đó chúng ta ở giai đoạn phôi thai, ta ở trong cả thế giới cũ và thế giới mới. Nhưng khi ta trốn, có một cái gì đó mà ông thiếu tá đã không thể tiêu liệu được.”
“Tại sao lại không ạ?”
“Ông ấy không thể để chúng ta đi thoát dễ dàng đến vậy được. Thế mà nó lại xảy ra như một giấc mơ. Tất nhiên, luôn có một khả năng là chính ông ta cố ý như vậy.”
“Nghĩa là sao ạ?”
“Chính ông ấy là người chạy chiếc Mercedes. Có lẽ ông ta đã gắng hết sức để không nhìn thấy chúng ta. Có thể ông ấy đã hoàn toàn kiệt sức sau tất cả những gì đã xảy ra…”
Lúc này, đôi bạn trẻ chỉ còn cách hai thầy trò khoảng chục mét. Sophie cảm thấy hơi ngượng ngịu khi ngồi trên bãi cỏ với một người đàn ông hơn mình nhiều tuổi. Ngoài ra, cô còn muốn được ai đó khẳng định lại những gì Alberto vừa nói.
Sophie đứng dậy và đi về phía đôi bạn.
“Xin lỗi anh chị, phố này tên là gì ạ?”
Nhưng họ hoàn toàn không để ý đến cô.
Sophie tức đến nỗi cô hỏi lại:
“Mọi người ở đây không có thói quen trả lời người khác à?”
Anh thanh niên có vẻ đang mải mê giải thích điều gì đó cho cô bạn:
“Thể loại đối âm thể hiện theo hai chiều, chiều ngang hay chiều giai điệu và chiều dọc hay còn gọi là chiều hoà âm. Lúc nào cũng có ít nhất hai giai điệu cùng âm vang…”
“Em xin lỗi vì đã ngắt lời, nhưng…”
“Các giai điệu hoà với nhau sao cho chúng tôn nhau lên hết mức có thể được. Điều này không phụ thuộc mức độ khác nhau giữa chúng. Nhưng chúng phải hoà được với nhau. Thực ra, đó là nốt nhạc tương phản với nốt nhạc.”
Thật bất lịch sự! Họ không mù cũng chẳng điếc. Sophie cố thử lần thứ ba, cô đứng chắn đường hai người.
Cô bị dạt sang bên.
“Có gió về đấy.” cô gái nói.
Sophie chạy về phía Alberto.
“Họ không thể nghe thấy em!” cô tuyệt vọng – và ngay lúc đó, cô chợt nhớ lại giấc mơ về Hilde và sợi dây chuyền vàng.
“Đó là cái giá mà chúng ta phải trả. Tuy trốn ra được khỏi cuốn sách, nhưng chúng ta không thể trông đợi có được vị thế như tác giả cuốn sách đó. Nhưng chúng ta quả thực đang ở đây. Từ nay, ta sẽ không bao giờ già đi dù chỉ một ngày, ta mãi mãi ở độ tuổi khi ta rời khỏi bữa tiệc triết học trong vườn.”
“Nghĩa là mình sẽ không bao giờ liên lạc được thực sự với mọi người xung quanh?”
“Một nhà triết học chân chính không bao giờ nói 'không bao giờ'. Mấy giờ rồi nhỉ?
“Tám giờ.”
“Đúng là thời điểm chúng ta rời khỏi Khúc ngoặt Thuyền trưởng, tất nhiên rồi.”
“Hôm nay là ngày bố của Hilde từ Lebanon trở về.”
“Thế cho nên chúng ta phải nhanh chân lên.”
“Tại sao? Thầy định nói gì ạ?”
“Em không sốt ruột muốn biết chuyện gì xảy ra khi ông thiếu tá về đến nhà ở Bjerkeley à?”
“Chắc chắn rồi. Nhưng…”
“Thế thì đi nào!”
Hai thầy trò bắt đầu quốc bộ về phía thành phố. Trên đường hai người gặp một vài người, nhưng họ đều thản nhiên đi qua như thể Sophie và Alberto vô hình. Ô tô con đỗ suốt dọc hai bên lề đường. Alberto dừng lại bên một chiếc xe mui trần màu đỏ.
“Cái này được đấy.” Ông nói. “Ta chỉ cần đảm bảo nó là của ta.”
“Em chẳng hiểu thầy nói gì.”
“Thế thì tôi nên giải thích vậy. Chúng ta không thể cứ lấy đại một chiếc ô tô bình thường của một ai đó trong thành phố. Theo em thì chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta thấy một chiếc xe không người lái chạy trong thành phố? Và đằng nào thì chắc chúng ta cũng không thể khởi động nó được.”
“Vậy sao thầy lại chọn cái xe mui trần này?”
“Tôi cho là đã nhìn thấy nó trong một bộ phim cổ.”
“Ôi thầy! Em bắt đầu thấy mệt mỏi vì mấy cái thứ khó hiểu này rồi đây.”
“Đây là một cái xe tưởng tượng, Sophie à. Nó cũng giống như chúng ta. Khi nhìn nó, mọi người chỉ thấy một khoảng không trống rỗng. Đấy là tất cả những gì chúng ta cần khẳng định trước khi lên đường.”
Họ đứng bên cạnh chiếc xe và chờ đợi. Lát sau, trên vỉa hè có một cậu bé đạp xe tới. Cậu bé bất ngờ rẽ ngoặt, đi xuyên qua chiếc ô tô để xuống lòng đường.
“Đấy! Em thấy chưa? Nó là của chúng ta!”
Alberto mở cánh cửa ghế sau.
“Xin mời!” ông nói, và Sophie leo lên.
Ông ngồi vào chỗ của lái xe. Chìa khóa đã sẵn trong ổ điện. Ông xoay chìa, chiếc xe nổ máy.
Họ lái xe về phía nam, ra khỏi thành phố, đi qua Lysaker, Sandvika, Drammen và xuôi về phía Lillesand. Trên đường, càng lúc hai người thấy càng nhiều pháo hoa của Lễ hội Mùa Hè, nhất là khi ta đã đi qua Drammen.
“Đó là Lễ hội Mùa Hè, Sophie à. Tuyệt đấy chứ!”
“Đi xe mui trần có giá mát trong lành thế này cũng thật tuyệt. Có thật là không ai có thể nhìn thấy chúng ta không ạ?”
“Chỉ có những ai thuộc cùng loại với chúng ta mới thấy thôi. Có thể ta sẽ gặp vài người đấy. Mấy giờ rồi nhỉ?”
“Tám rưỡi ạ.”
“Ta sẽ phải đi tắt vài đoạn. Ta không thể đi mãi đằng sau cái xe tải kia được.”
Họ sẽ vào một cánh đồng lúa mì rộng lớn. Sophie nhìn lại đằng sau và thấy họ để lại dấu vết khá lớn với những thân lúa mì đổ rạp.
“Ngày mai, người ta sẽ nói rằng có một cơn gió kỳ quái đã thổi qua cánh đồng.” Alberto nói.
Thiếu tá Albert Knag vừa hạ cánh xuống sân bay Kastrup ở ngoại ô Copenhagen. Lúc đó là 4 giờ rưỡi thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu. Quả là một ngày dài. Chuyến bay vừa xong đã cất cánh từ Roma.
Khi đi qua trạm kiểm soát hộ chiếu, ông vẫn còn mặc nguyên bộ quân phục Liên hợp quốc mà ông rất đỗi tự hào. Ông không chỉ đại diện cho bản thân và đất nước mình. Alberto Knag đại diện cho một hệ thống luật pháp quốc tế – một truyền thống đã có từ một thế kỷ và nay đang bao bọc cả hành tinh.
Ông chỉ đem theo một chiếc túi hàng không. Ông đã gửi tất cả hành lý từ Roma. Ông chỉ cần giữ quyển hộ chiếu đỏ của mình.
“Tôi không có gì để khai báo.”
Thiếu tá Albert Knag phải đợi gần 3 tiếng ở sân bay cho đến khi chuyến bay đi Kristiansand cất cánh. Ông sẽ có thời gian để mua một chút quà cho gia đình. Hai tuần trước, ông đã gửi món quà của cả đời cho Hilde. Marit, vợ ông, đã đặt món quà đó bên giường Hilde để cô bé sẽ tìm thấy nó khi thức dậy buổi sáng này sinh nhật. Kể từ cú điện thoại đêm hôm đó, ông chưa có thêm lần nào trò chuyện với Hilde.
Albert mua một tờ báo Na Uy, vào một quán giải khát và gọi một cốc cà phê. Chưa kịp lướt qua các tít báo, ông chợt nghe một thông báo trên loa. “Đây là một lời nhắn cá nhân gửi ông Albert Knag. Đề nghị ông Albert Knag liên hệ với bàn thông tin SAS.”
Cái gì vậy nhỉ? Ông cảm thấy ớn lạnh sống lưng. Không phải mình đang bị điều động quay lại Lebanon đấy chứ? Hay là ở nhà có chuyện gì nhỉ?”
Ông nhanh chóng tới bàn thông tin SAS.
“Tôi là Albert Knag.”
“Đây là thư khẩn gửi ông.”
Ông mở phong bì ngay lập tức. Trong đó có một phong bì nhỏ hơn. Trên đó đề người nhận là Thiếu tá Albert Knag, gửi qua phòng thông tin SAS, sân bay Kastrup, Copenhagen.
Albert lo lắng mở chiếc phong bì nhỏ. Trong đó có một mẩu thư ngắn”
Bố yêu quí, chào mừng bố từ Lebanon trở về. Như bố thấy đấy, con không thể đợi đến khi bố về đến nhà. Con xin lỗi vì người ta đã gọi tên bố ầm ĩ trên loa. Nhưng đó là cách tiện nhất.
TB. Rất tiếc là con đã nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại của ngài cố vấn tài chính Ingebrgsten về chuyện chiếc Mercedes bị phả hỏng và mất trộm.
TTB. Chắc khi bố về đến nhà thì con đang ngồi trong vườn. Nhưng bố có thể nhận được tin tức của con từ trước đó.
TTTB. Đôi khi con cảm thấy sợ khi ở trong vườn lâu quá. Ở những nơi như thế dễ bị thụt xuống đất lắm. Con yêu bố, con đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày bố trở về.
Phản ứng đầu tiên của Thiếu tá Albert Knag là mỉm cười. Nhưng ông không thích cái kiểu bị điều khiển như thế này cho lắm. Ông luôn luôn làm chủ hoàn toàn cuộc sống của mình. Giờ thì cô phù thủy nhỏ ở Lillesand đang điều khiển các hoạt động ông tại sân bay Kastrup! Con bé làm thế nào thế nhỉ?
Ông đút chiếc phong bì vào túi ngực rồi lững thững đi về phía khu mua sắm nhỏ. Ông vừa định bước vào quầy đặc sản Đan Mạch thì thấy một chiếc phong bì nhỏ đính trên cửa kính của gian hàng. Trên phong bì ghi THIẾU TÁ KNAG bằng bút đánh dấu với nét rất đậm. Ông tháo xuống và bóc ra:
Tin nhắn cá nhân cho Thiếu tá Albert Knag, gửi qua cửa hàng Đặc sản Đan Mạch, sân bay Kastrup, Copenhagen. Bố yêu quí, bố mua một cái xúc xích salami Đan Mạch thật to nhé, loại một cân là hay nhất. Mẹ chắc sẽ thích một cái xúc xích cognac. TB. Trứng cá Đan Mạch không tệ tí nào đâu ạ. Con yệu bố, Hilde.
Albert nhìn quanh. Không phải con bé đang ở đâu đó quanh đây đấy chứ nhỉ? Hay là Marit đã cho con bé tới Copenhagen để đón bố? Đây đúng là chữ viết tay của Hilde…
Bất chợt ngài quan sát viên Liên hợp quốc bắt đầu cảm thấy mình đang bị quan sát. Như thể có ai đó đang điều khiển từ xa mọi hành động của ông. Ông có cảm giác như con búp bê trong tay một đứa trẻ.
Ông vào cửa hàng, mua một cái xúc xích salami loại một cân, một xúc xích cognac, ba hộp trứng cá Đan Mạch. Rồi ông tiếp tục dạo qua các cửa hàng. Ông đã định mua một món quà thực sự cho Hilde. Một chiếc máy tính chăng? Hay một chiếc đài nhỏ – được đấy, ông sẽ mua đài.
Khi bước vào một quầy bán đồ điện tử, ông lại thấy một chiếc phong bì đính trên cửa. Lá thư đề địa chỉ người nhận: Thiếu tá Albert Knag, gửi qua cửa hàng thú vị nhất sân bay Kastrup. Bên trong phong bì là mẩu thư:
Bố yêu quí, Sophie gửi lời chào và cảm ơn về chiếc tivi mini kèm đài FM, quà sinh nhật mà bố bạn ấy đã tặng. Món quà rất tuyệt, tuy nó chỉ là chuyện vặt. Dù sao con cũng phải thú nhận rằng con cũng có chung sở thích với bạn ấy về những chuyện vặt đó. TB. Phòng khi bố chưa đến những cửa hàng kia, con còn để tin nhắn cho bố ở cửa hàng Đặc sản Đan Mạch và cửa hàng miễn thuế bán rượu vang và thuốc lá. TTB. Con đã có một ít tiền cho sinh nhật, nên con có thể đóng góp 350 cu-ron cho cái tivi mini. Con yêu bố, Hilde. Con đã nhồi gà tây và làm món rau trộn Waldorf.
Một cái tivi mini giá 985 cu-ron Đan Mạch. Chắc chắn có thể gọi đó là chuyện vặt nếu so sách với cảm giác của Albert Knag khi ông bị xỏ mũi dăt dây bằng những trò tinh quái của con gái. Con bé có phải đang ở đây không nhỉ?
Từ thời điểm đó, ông thường trực cảnh giác ở mọi nơi ông đến. Ông cảm thấy mình vừa như một điệp viên bí mật lại vừa như một con rối. Như thể ông đang bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người.
Ông đành phải đến cửa hàng miễn thuế. Ở đó treo một phong bì nữa với tên ông trên đó. Cả sân bay đã trở thành một trò chơi điện tử , trong đó ông là nhân vật bị điều khiển. Ông đọc mẩu tin nhắn”
Gửi thiếu tá Knag, nhờ cửa hàng miễn thuế tại Kastrup chuyển giúp. Tất cả những thứ con cần ở đây chỉ là một gói kẹo dẻo và vài thanh kẹo hạnh nhân. Ở Na Uy mấy thứ đó đắt hơn nhiều. Nếu con không nhầm, mẹ rất thích rượu Campari. TB. Trên đường về, bố cần phải rất để ý. Vì chắc bố sẽ không muốn bỏ qua một lời nhắn nào của con. Con yêu bố, Hidle – cô con gái luôn học theo bố.
Albert thở dài tuyệt vọng, nhưng ông cũng vào cửa hàng và mua những thứ như con gái đã dặn. Tay xách ba túi đồ và một túi hàng không, ông đi về Cửa số 28 để đợi chuyến bay. Nếu còn tin nhắn nào nữa thì chắc chúng sẽ phải ở tại đây.
Tuy nhiên, tại Cửa 28, ông bắt gặp một phong bì trắng khác dán trên một cái cột: “Gửi thiếu tá Knag, Cửa 28, sân bay Kastrup.” Đây cũng là chữ của Hilde, nhưng số hiệu cổng có vẻ như đã được viết thường để so sánh, chỉ có các chữ in hoa và các con số. Ông tháo lá thư xuống và đọc. Bên trong chỉ có dòng chữ “Không còn lâu nữa đâu.”
Ông ngồi xuống một chiếc ghế, lưng áp vào tường, mấy túi đồ kẹp giữa hai đầu gối. Vậy là ngài thiếu tá oai phong ngồi ngay đơ, mắt nhìn thẳng, như một đứa trẻ lần đầu tiên một mình đi xa. Nếu Hilde mà ở đây, chắc chắn cô sẽ không thể phát hiện ra ông trước để mà khoái chí về việc đó. Ông liếc nhìn từng người khách đi vào một cách đầy lo ngại. Có lúc, ông cảm thấy như thể mình là một kẻ thù của quốc gia đang bị theo dõi sát sao. Cuối cùng thì hành khách cũng được phép lên máy bay, ông thở phào nhẹ nhõm. Ông là người cuối cùng lên máy bay. Khi đưa thẻ lên máy bay cho nhân viên hàng ông, ông lại gỡ được một chiếc phong bì đính trên bàn check-in.
Sophie và Alberto đã đi quá Brebik, lát sau đã vượt qua đoạn rẽ đi Kragero.
“Thầy lái xe nhanh khiếp!” Sophie nói.
“Gần chín giờ rồi. Ông ấy sắp hạ cánh xuống Kjevik. Còn chúng ta thì không bị cảnh sát bắt dừng vì vượt quá giới hạn tốc độ.”
“Nhỡ mình đâm vào một chiếc xe khác thì sao?”
“Nếu đó là một cái xe bình thường thì chẳng sao cả. Nhưng nếu là một trong những người kiểu như chúng ta…”
“Thì sao?”
“Vậy thì chúng ta sẽ phải rất cẩn thận. Em có thấy chúng ta đã vượt qua xe của Người Dơi không?”
“Không ạ.”
“Nó đỗ đâu đó ở Vestfold.”
“Không dễ vượt qua chiếc xe du lịch kia đâu. Cả hai bên đường đều là rừng rậm.”
“Có sao đâu Sophie. Em vẫn chưa hiểu à?”
Vừa nói, ông vừa lao xe vào rừng và đâm thẳng xuyên qua các thân cây.
Sophie thở phào nhẹ nhõm.
“Thầy làm em sợ quá!”
“Nếu đâm vào một bức tường gạch thì chúng ta cũng chẳng cảm thấy gì đâu.”
“Điều đó chỉ có nghĩa là nếu so với thế giới xung quanh thì ta chỉ là những tinh thần không khí.”
“Không, em nói ngược rồi. Chính thực tại này mới chỉ là một cuộc phưu lưu nhẹ như không đối với chúng ta.”
“Em chẳng hiểu gì cả.”
“Vậy thì em chú ý nghe nhé. Đa số mọi người đều cho rằng tinh thần là một thứ còn 'không khí' hơn cả hơi nước. Nhưng thật ra đó là một sự nhầm lẫn. Trái lại, tinh thần còn 'đặc' hơn cả nước đá.”
“Chưa bao giờ em có ý nghĩ nào tương tự.”
“Tôi sẽ kể cho em nghe một câu chuyện. Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông không tin rằng có các thiên thần. Một hôm, khi ông đang làm việc trong rừng, một thiên thần đến thăm ông.”
“Rồi sao nữa ạ?”
“Họ đi với nhau một lúc lâu. Rồi người đàn ông quay sang phía thiên thần và nói: “Thôi được, tôi phải công nhận là có thiên thần. Nhưng các anh không tồn tại trong thực tại như chúng tôi.” Ông nói như vậy nghĩa là sao? thiên thần hỏi. Người đàn ông trả lời: 'Khi chúng ta đi đến tảng đá kia, tôi đã phải đi vòng quanh, còn anh chỉ lướt xuyên qua nó. Và khi chúng ta gặp khúc gỗ khổng lồ chắn ngang đường, tôi đã phải trèo qua trong khi anh đi xuyên qua.” Thiên thần ngạc nhiên nói. “Thế ông không để ý khi chúng ta đi ngang qua đầm lầy ư? Cả hai chúng ta đều đi xuyên qua sương mù. Đó là vì cả hai đều đặc hơn sương mù.”
“A!”
“Chúng ta cũng vậy, Sophie. Tinh thần có thể vượt qua cửa thép. Không có xe tăng hoặc bom đạn nào có thể đè nát được bất cứ cái gì thuộc về tinh thần.”
“Nghe thật là dễ chịu.”
“Chúng ta sắp qua Risor. Từ khi chúng ta rời căn lều của ông thiếu tá đến giờ chưa đầy nửa tiếng. Tôi đang rất muốn uống một cốc cà phê.”
Khi đến Fiane, họ đi ngang qua một quán ăn. Quán có tên Cô Bé Lọ Lem. Alberto vòng xe đỗ trên bãi cỏ trước cửa quán.
Trong quán, Sophie cố gắng lấy một chai Coca từ trong tủ lạnh. Nhưng cô không thể nhấc nó lên được. Như thế nó bị tắc. Dưới quầy, Alberto đang cố rót cà phê vào một cái cốc bằng giấy ông đã tìm được trong ô tô. Ông chỉ việc nhấn một cái cần, nhưng kể cả khi dùng đến toàn bộ sức lực, cái cần vẫn không hạ xuống dù chỉ một chút xíu.
Chuyên này làm Alberto bực bội đến mức ông quay sang các khách hàng khác và nhờ giúp đỡ. Khi không có ai trả lời, ông hét to đến mức Sophie dù đứng xa mà vẫn phải bịt tai: “Tôi muốn uống cà phê!”
Cơn giận dữ nhanh chóng bốc hơi, Alberto gập người ôm bụng cười ngất. Hai người định quay ra thì một bà cụ rời bàn ăn và tiến về phía họ.
Bà mặc một cái váy đỏ chóe, áo len xanh nhạt, đầu đội khăn vuông màu trắng. Có vẻ như đối với hai thầy trò, trông bà có đường nét rõ ràng hơn bất cứ thứ gì khác trong quán ăn.
Bà đên bên Alberto và nói: “Ôi chà, sao mà hét ghê thế hả con trai!”
“Cháu xin lỗi.”
“Có phải con vừa nói là muốn uống cà phê?”
“Vâng, nhưng…”
“Chúng ta có một quán nhỏ ở đây.”
Hai người theo bà cụ ra khỏi quán ăn và đi theo một con đường nhỏ đằng sau quán. Bà cụ hỏi: “các con mới đến phải không?”
“Vâng, quả là vậy ạ.”
“Tốt rồi! Chào mừng các con đến với cõi vĩnh hằng.”
“Thế còn bà ạ?”
“Ta đến từ trong một câu chuyên cổ Grim. Đã gần 200 năm rồi. Còn các con từ đâu đến?”
“Chúng cháu đến từ một cuốn sách triết học. Cháu là thầy giáo triết học, còn đây là Sophie, học trò của cháu.”
“Hí hí! Mới tinh!”
Họ đi qua đám cây tới một bãi trống nhỏ. Ở đó có mấy ngôi nhà đang màu nâu trông rất ấm cúng. Một đống lửa Lễ hội Mùa Hè đang rực cháy trong mảnh sân nằm giữa những ngôi nhà. Quanh đống lửa là một đám đông đầy màu sắc đang nhảy múa. Sophie nhận ra khá nhiều nhân vật. Có Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Mary Poppín và Sherlock Homes, Peter Pan và Pippi Tất Dài, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ và Cô Bé Lọ Lem. Còn nhất nhiều những nhân vật quen thuộc không tên cũng đang tụ hội quanh đống lửa – đó là thần lùn giữ cửa và các chú bé tí hon, yêu tinh và phù thủy, thiên thần và tiểu yêu. Sophie còn thoáng thấy bóng một gã khổng lồ.
“Náo nhiệt nhỉ!” Alberto thốt lên.
“Đó là vì đang diễn ra Lễ hội Mùa Hè”, bà cụ giải thích, “từ đêm hội Valborg đến giờ chúng ta mới tụ tập đông vui như thế này. Dạo đó chúng ta ở Đức. Ta chỉ đến đây du lịch ít ngày thôi. Con muốn uống cà phê phải không?”
“Vâng ạ. Bà cho cháu một cốc.”
Đến giờ Sophie mới nhận ra rằng cả mấy ngôi nhà đều làm bằng bánh gừng, kẹo đường và đường kính trắng. Có mấy nhân vật đang gặm mặt tiền của ngôi nhà. Một bác thợ làm bánh loay hoay từ chỗ này sang chỗ khác để tu sửa các thiệt hại.
Sophie đánh liều ăn một mẩu nhỏ từ một căn nhà. Cô chưa từng được nếm thứ gì ngon ngọt đến vậy.
Chẳng mấy chốc, bà cụ quay lại với một cốc cà phê.
“Cháu rất cảm ơn bà. Thế khách ở đây trả tiền cà phê như thế nào ạ?”
“Trả tiền? Chúng ta thường trả bằng một câu chuyện. Với cà phê thì chuyện về các bà vợ già là đủ rồi.”
“Chúng cháu có thể kể toàn bộ câu chuyện đáng kinh ngạc về loài người.” Alberto nói. “Nhưng tiếc là chúng cháu đang vội. Hôm khác chúng cháu quay lại kể có được không ạ?”
“Được chứ. Nhưng sao các con vội thế?”
Nghe Alberto giải thích, bà cụ bình luận:
“Ta phải nói rằng hai con quả là một đôi lính mới. Các con nên nhanh lên mà cắt cái dây rốn các con với bậc khai sinh trần tục đó đi. Chúng ta không còn cần tới thế giới của họ nữa. Chúng ta thuộc về thế giới của những người vô hình.”
Alberto và Sophie vội vã quay về phía quán Cô Bé Lọ Lem và chiếc xe mui trần màu đỏ. Ngay cạnh chiếc xe, một bà mẹ bận rộn đang xì con tè.
Đua xe và rẽ tắt, chẳng mấy chốc hai người đã đến Lillesand.
9 giờ 35, chuyến bay SK876 từ Copenhagen hạ cánh xuống Kjevik đúng giờ. Khi máy bay sắp cất cánh rời sân bay Copenhagen, ông thiếu tá mở chiếc phong bì đã được đính trên bàn đăng ký ở sân bay. Mẩu thư bên trong viết:
Gửi thiếu tá Knag, khi ông nộp thẻ lên máy bay tại Kastrup, đêm hội Mùa Hè, 1990. Bố yêu quí, chắc bố tưởng là con sẽ xuất hiện ở Copenhagen. Nhưng con điều khiển hoạt động của bố còn khéo léo hơn nhiều. Bố ở đâu con cũng nhìn thấy, bố ạ. Thực ra là con đã đến thăm một gia đình Digan nổi tiếng mà rất nhiều năm trước họ đã bán một cái gương đồng có phép cho cụ nội. Con cũng đã kiếm được một quả cầu pha lê. Ngay lúc này con có thể thấy là bố vừa mới ngồi xuống ghế. Bố hãy đóng thắt lưng an toàn và để thẳng lưng ghế cho đến khi người ta tắt tín hiệu Cài Thắt Lưng An Toàn. Khi máy bay cất cánh xong, bố có thể ngả ghế và nghỉ ngơi thoải mái cho bõ vất vả. Về nhà, bố sẽ còn cần nghỉ ngơi nhiều. Thời tiết ở Lillesand tuyệt vời. Nhưng nhiệt độ hơi thấp hơn ơ Lebanon. Con chúc bộ một chuyến bay vui vẻ. Con yêu bố, con gái phù thủy của bố. Nữ Hoàng Gương và Nhà bảo trợ tối cao của các trò Châm biếm.
Albert không thể xác định rõ được mình đang bực tức hay chỉ đơn giản là mệt mỏi và cam chịu. Rồi ông bật cười. Ông cười to đến mức các hành khách khác quay sang nhìn ông chằm chằm. Rồi máy bay cất cánh.
Ông vừa được nếm vị thuốc của chính mình. Nhưng chắc chắn có một sự khác biệt quan trọng. Thuốc của ông chỉ dành cho Sophie và Alberto và chỉ có tác dụng với họ. Vả hai người đó… ờ, họ chẳng qua chỉ là tưởng tượng.
Ông làm theo lời khuyên của Hilde. Ông ngả lưng ghế rồi lơ mơ ngủ. Chỉ đến khi lại một lần nữa đi qua khu kiểm tra hộ chiếu và đứng giữa sảnh của sân bay Kjevik, ông mới hoàn toàn tỉnh ngủ. Một đám đông đang đứng đón chào mừng ông.
Có khoảng tám đến mười thiếu niên trạc tuổi Hilde đang mang tấm pano ghi dòng chữ: MỪNG BỐ ĐÃ VỀ – HILDE ĐANG ĐỢI TRONG VƯỜN – CHÂM BIẾM MUÔN NĂM.
Tệ nhất là ông không thể chui ngay vào một cái taxi mà phải đứng đợi hành lý. Suốt thời gian đó, các bạn cùng lớp với Hilde đứng đầy xung quanh ông buộc ông phải đọc đi đọc lại những tấm biển. Rồi một cô bé mang tới tặng ông một bó hồng. Cảm động, ông cúi xuống lục túi đồ và tặng mỗi cô cậu một thanh hạnh nhân. Vậy là chỉ còn hai thanh cho Hilde. Khi ông đã lấy được đồ, một thanh niên bước tới và giải thích rằng anh ta được lệnh của Nữ hoàng Gương lái xe đưa ông về Bjerkeley. Nhóm bạn cùng lớp Hilde tản dần vào đám đông.
Họ lái xe trên đường E18. Mỗi cây cầu và đường hầm họ qua đều căng những băng rôn với hàng chữ: “Mừng bố về nhà!”, “Món gà tây đã sẵn sàng”, “bố ơi, con nhìn thấy bố!”
Khi được thả xuống bên ngoài cổng nhà ở Bjerkeley, Albert Knag thở phào nhẹ nhõm, ông cảm ơn anh lái xe bằng một trăm cu-ron và ba lon bia Carlsberg.
Vợ ông đang đứng đợi bên thềm. Sau khi ôm hôn vợ thật lâu, ông hỏi: “Con đâu rồi?”
“Con ngồi trên cầu tàu, anh à.”
Đến Lillesand, Alberto và Sophie đỗ chiếc xe mui trần đỏ trên quảng trường bên ngoài khách sạn Norge. Lúc đó là 10h10'. Họ có thể thấy một đám lửa trại to ở ngoài quần đảo.
“Làm thế nào để tìm được Bjerkeley bây giờ?” Sophie hỏi.
“Chỉ cần ngó quanh một chút thôi. Em còn nhớ bức tranh trong căn lều của ông thiếu tá không?”
“Có ạ. Ta đi nhanh lên. Em muốn tới đó trước khi ông ta về đến nơi.”
Hai người bắt đầu lái xe quanh những con đường nhỏ, lên đồi và xuống dốc. Có một đầu mối rất hữu ích là Bjerkeley nằm bên mép nước.
Chợt Sophie reo lên. “Kia rồi! Mình tìm được rồi!”
“Tôi tin là em đúng. Nhưng đừng hét to thế.”
“Tại sao ạ? Chẳng ai nghe thấy chúng ta cả.”
“Sophie thân mến. Tôi rất thất vọng vì sau cả một khoá triết học mà em vẫn vội vàng nhảy đến kết luận.”
“Vâng, nhưng mà…”
“Em có dám chắc rằng nơi này hoàn toàn không có người khổng lồ, yêu tinh, thần rừng, và tiên đấy chứ?”
“À, em xin lỗi.”
Họ lái xe qua cổng và theo con đường rải sỏi về phía ngôi nhà. Alberto đỗ xe trên bải cỏ bên cạnh cái tàu lượn. Trong vườn, một bàn ăn cho ba người đã được bày sẵn.
“Em thấy bạn ấy rồi!” Sophie thì thào. “Bạn ấy đang ngồi trên cầu tàu, y như trong giấc mơ của em.”
“Em có thấy khu vườn này trông giống vườn của em ở đường Cỏ Ba Lá như thế nào không?”
“Tất nhiên rồi. Tôi sẽ ở lại đây.”
Sophie chạy về phía cầu tàu. Cô suýt thì trượt chân ngã đè vào Hilde. Nhưng rồi cô lịch sự ngồi xuống bên cạnh cô bạn.
Sophie thấy Hilde trông thật xinh. Cô có mái tóc vàng lượn sóng và đôi mắt xanh biếc. Cô đang mặc một chiếc váy mùa hè màu vàng. Trông Hilde không phải là không giống Joanna.
Sophie thử nói với bạn, dù cô hiểu việc đó hoàn toàn vô ích.
“Hilde – tớ là Sophie đây!”
Hilde chẳng tỏ ra dấu hiệu nào là cô đã nghe thấy.
Sophie nhổm dậy và cố hét vào tai Hilde.
“Cậu có nghe thấy tớ không? Hilde! Hay là cậy vừa mù vừa điếc?”
Có phải Hilde vừa mở to mắt hơn một chút không? Chẳng phải đó là một chút xíu dấu hiệu là cô đã nghe thấy tiếng gì đó – dù là rất khẽ?
Hilde nhìn quanh, rồi đột ngột quay ngoắt đầu nhìn thẳng vào mắt Sophie. Cô không hẳn nhìn Sophie, mà như thể cô nhìn xuyên qua Sophie.
“Đừng hét to thế, Sophie,” giọng Alberto từ trong xe, “Tôi không muốn các nàng tiên cá đến đầy cả khu vườn này đâu.”
Giờ thì Sophie ngồi yên. Chỉ cần ngồi gần Hilde thế này là đã đủ để cô cảm thấy dễ chịu.
Hilde đã ngồi trên cầu tàu đợi bố về. Từ khi ông hạ cánh ở Kastrup, cứ mười lăm phút cô lại nghĩ đến ông, cố tưởng tượng xem ông đang ở đâu, ông tiếp nhận những trò tinh quái của cô như thế nào. Cô đã ghi tất cả các mốc thời gian vào một mẩu giấy và giữ bên mình cả ngày.
Nếu ông bực tức thì sao nhỉ? Nhưng chắc chắn ông không thể trông mong rằng sau khi đã viết cho cô một cuốn sách bí ẩn rồi mà mọi chuyện vẫn như xưa được.
Cô lại nhìn đồng hồ. Đã 10h15’. Ông sắp về đến nơi rồi.
Nhưng đó là cái gì vậy? Hình như cô đã nghe thấy một tiếng thở nhẹ của cái gì đó, hệt như trong giấc mơ của cô về Sophie.
Cô quay sang thật nhanh. Có cái gì đó, chắc chắn như vậy. Nhưng đó là cái gì?
Có thể đó chỉ là đêm hè.
Trong chốc lát, cô sợ mình bắt đầu bị hoang tưởng.
“Hilde !”
Giờ thì cô quay đầu sang phía khác. Bố! Bố đang đứng ở lối vào vườn.
Hilde bật dậy và lao về phía ông. Hai cha con gặp nhau ở khoảng giữa cái tàu lượn và chiếc xe mui trần màu đỏ. Ông nhấc cô lên và xoay tròn.
Hilde òa khóc. Bố cô cũng phải kìm những giọt nước mắt.
“Con đã trở thành người lớn rồi, Hilde à.”
“Và bố đã trở thành một nhà văn thực thụ.”
Hilde lau nước mắt.
“Bố con mình hòa chứ?” cô hỏi.
“Hòa.”
Họ ngồi vào bàn. Đầu tiên, Hilde phải kể lại chính xác những gì đã xảy ra ở Kastrup và trên đường về. Hai người phá lên cười từng đợt.
“Bố không tìm thấy lá thứ trong quán ăn à?”
“Bố không có lúc nào để ngồi xuống mà ăn cái gì cả. Quỷ con! Giờ bố đang đói cào cả ruột đây.”
“Khổ thân bố.”
“Chuyện món gà tây chắc toàn là bịa phải không?”
“Ấy không! Con đã làm hết đấy! mẹ đang mang ra đây.”
Rồi họ quay lại chuyện tập giấy và câu chuyện về Sophia và Alberto, từ đầu đến cuối, hết xuôi lại ngược.
Mẹ Hilde mang ra bàn món gà tây và rau trộn Waldorf, rượu vang hồng và bánh mì do Hilde nướng.
Bố cô đang nói gì đó về Platp thì bỗng nhiên Hilde nhắt lời:”Suỵt!”
“Gì vậy?”
“Bố có nghe thấy gì không? Có tiếng gì rin rít?”
“Không.”
“Chắc chắn là con đã nghe thấy cái gì đó. Có thể đó chỉ là một con chuột đồng.”
Khi mẹ cô đi lấy thêm một chai rượu vang, bố cô nói: “Nhưng khóa triết học vẫn chưa kết thúc đâu.”
“Chưa ạ?”
“Đêm nay bố sẽ kể cho con nghe về vũ trụ.”
Trước khi cả nhà bắt đầu ăn, ông nói với vợ: “Hilde lớn quá rồi, Con không ngồi trên đùi anh được nữa. nhưng em thì chưa đâu!”
Nói đoạn, ông ôm lấy eo vợ và kéo bà vào lòng. Phải một lúc sau, bà mới bắt đầu ăn được chút gì đó.
“Thế là em sắp 40 rồi cơ đấy…”
Khi Hilde bật dậy và chạy về phía bố, Sophie cảm thấy nước mắt mình trào ra. Cô sẽ không bao giờ bằng được Hilde …
Sophie thật ghen tị với Hilde vì cô được sinh ra làm con người bằng xương bằng thịt.
Khi Hilde và ông thiếu tá đã ngồi vào bàn, Alberto nhấn một hồi ô tô.
Sophie ngước nhìn lên. Không phải Hilde cũng làm y như thế sao?
Sophie chạy về phía Alberto rồi nhảy vào ngồi trong xe, bên cạnh ông.
“Ta sẽ ngồi đây một lát xem chuyện gì xảy ra”, ông nói.
Sophie gật đầu.
“Em vừa khóc à?”
Cô lại gật đầu.
“Có chuyện gì vậy?”
“Bạn ấy thật may mắn được là một con người thật. Bạn ấy rồi sẽ lớn lên và trở thành một người phụ nữ thực thụ. Chắc chắn bạn ấy sẽ có những đứa con thật…”
“Và cô ấy sẽ có các cháu nữa, Sophie à. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Đó là điều tôi đã cố gắng dạy em ngay từ đầu khóa học của chúng ta.”
“Ý thầy là sao ạ?”
“Cô ấy là người may mắn, tôi đồng ý. Nhưng ai trúng xổ số được sự sống thì cũng phải chọn lấy cái chết, vì sự sống luôn gắn liền với cái chết.”
“Nhưng dù sao đi nữa, chẳng phải là có được một cuộc sống vẫn còn hơn không bao giờ thật sự sống?”
“Chúng ta không thể có một cuộc sống như Hilde – hay như ông thiếu tá. Nhưng ta sẽ không bao giờ chết. Em có nhớ những gì bà cụ trong rừng đã nói không? Bà ấy đã 200 tuổi rồi. Và tại buổi dạ hội Mùa hè, tôi đã thấy những nhân vật còn nhiều hơn ba ngàn năm tuổi…”
“Có lẽ điều em thèm muốn nhất về Hilde là … cuộc sống gia đình của bạn ấy.”
“Nhưng chính em cũng có gia đình cùa mình mà. Em còn có một con mèo, hai con chim và một con rùa.”
“Nhưng ta đã bỏ lại cả rồi đấy thôi?”
“Không hề! Chỉ có ông thiếu tá là người bỏ mọi thứ lại đằng sau. Ông ấy đã viết chữ cuối cùng trong cuốn sách của mình. Sophie thân mến. Và ông ấy sẽ không bao giờ tìm thấy chúng ta nữa.”
“Nghĩa là ta có thể quay trở lại?”
“Bất cứ khi nào muốn. Nhưng chúng ta cũng sẽ làm quen với người bạn mới trong khoảng rừng phía sau quán Cô Bé Lọ Lem nữa.”
Nhà Knag bắt đầu ăn tối. Có lúc Sophie sợ mọi chuyện sẽ diễn ra như trong bữa tiệc triết học ở đường Cỏ Ba Lá. Có lúc, ông thiếu tá trông có vẻ như định bế Marit đặt lên bàn. Nhưng rồi ông lại kéo vợ vào ngồi trong lòng mình.
Chiếc xe đỏ ở cách bàn ăn một quãng khá xa. Họ chỉ thỉnh thoảng nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện của ba người. Hai thầy trò có thừa thãi thời gian để ngẫm nghĩ về từng chi tiết và kết cục buồn của bữa tiệc vườn triết học.
Đến tận nửa đêm, nhà Knag mới rời khỏi bàn. Hilde và ông thiếu tá tản bộ về phía cái tàu lượn. Họ vẫy vẫy Marit khi bà đi vào trong ngôi nhà màu trắng.
“Mẹ cứ đi ngủ trước đi. Bố và con còn nhiều chuyện lắm.”