…cách duy nhất để tránh trôi nổi trong chân không…
Sophie thân mến, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp nhau. Tôi nghĩ em sẽ quay lại căn nhà của ông thiếu ta nên tôi đã để tất cả bưu ảnh của cha Hilde lại đó. Đấy là cách duy nhất để chuyển cho cô ấy. Em không phải lo về chuyện Hilde sẽ làm thế nào để nhận được chúng. Từ giờ đến ngày 15 tháng Sáu, nhiều chuyện có thể xảy ra.
Ta đã thấy các nhà triết học thời Hy Lạp hóa tái sử dụng tư tưởng của các vị tiền bối như thế nào. Một số thậm chí còn cố gắng biến những người đi trước thành các tiên tri tôn giáo. Plotinus đã gần như tôn Plato lên làm vị cứu tinh của nhân loại.
Nhưng như ta biết, một vị cứu tinh khác đã sinh ra trong khoảng thời gian mà ta vừa bàn đến – và việc này xảy ra ở bên ngoài lãnh thổ Hy-La. Tôi đang nói đến Jesus xứ Nazareth. Trong chương này, ta sẽ thấy Ki Tô giáo đã bắt đầu dần dần lan tỏa khắp thế giới Hy-La như thế nào – ít nhiều giống như thế giới của Hilde đã bắt đầu dần dần thấm vào thế giới của chúng ta.
Jesus là một người Do Thái, và dân tộc Do Thái nằm trong văn hóa Semite. Người Hy Lạp và người La Mã thuộc về văn hóa Ấn-Âu. Nền văn minh châu Âu có gốc rễ từ cả hai nền văn hóa này. Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về ảnh hưởng của Ki Tô giáo đối với văn hóa Hy-La, ta phải xem xét gốc rễ này.
Người Ấn-Âu
Khi nói đến Ấn-Âu, ta nói đến tất cả các dân tộc và văn hóa sử dụng ngôn ngữ Ấn-Âu. Nó bao gồm tất cả các dân tộc châu Âu ngoại trừ những dân tộc sử dụng một trong các ngôn ngữ Finno-Ugrian (tiếng Mông Cổ, Phần Lan, Estonia và Hungary) hay Basque. Ngoài ra, hấu hết các ngôn ngữ Ấn Độ và Iran cũng thuộc gia đình ngôn ngữ Ấn-Âu.
Cách đây khoảng 4000 năm, người Ấn-Âu nguyên thủy đã sống ở những vùng ven bờ biển Caspian và biển Đen. Từ đó, những làn sóng của những bộ lạc Ấn-Âu này đã bắt đầu lang thang xuống phía Đông Nam đến Iran và Ấn Độ, xuống phía Tây Nam đến Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, sang phía Tây qua Trung Âu đến Pháp và Anh, lên phía Tây Bắc đến Bắc Âu, và lên phía Bắc đến Đông Âu và Nga. Đi đến đâu, người Ấn-Âu cũng hòa đồng với nền văn hóa bản địa, tuy ngôn ngữ và tôn giáo Ấn-Âu đã trở nên đóng vai trò chủ đạo.
Kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ, triết học Hy Lạp, và cả truyền thuyết của Snorri Sturluson [8] đều được viết bằng ngôn ngữ có họ hàng với nhau. Nhưng không chỉ các ngôn ngữ có quan hệ gần gũi. Các ngôn ngữ gần nhau thường dẫn đến các tư tưởng gần nhau. Đó là lý do mà ta thường nói đến một “nền văn hóa” Ấn-Âu.
Văn hóa của người Ấn-Âu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc họ thờ nhiều thần. Đó là thuyết đa thần. Tên của các vị thần này cũng như nhiều thuật ngữ tôn giáo được gặp trên khắp vùng Ấn-Âu. Tôi sẽ cho em một số ví dụ.
Người Ấn Độ cổ thờ một vị thần trên trời tên là Dyaus, tiếng Phạn có nghĩa là bầu trời, ban ngày, thiên đường/Thượng Đế. Trong tiếng Hy Lạp, vị thần này tên là Zeus, trong tiếng Latin là Jupiter (thực ra là iov-pater, nghĩa là “Chúa Trời – cha”), trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ là Tyr. Như vậy, những cái tên Dyaus, Zeus, Iov, và Tyr là các biến thể địa phương của cùng một từ.
Có lẽ em đã biết rằng người Viking cổ thờ các vị thần mà họ gọi là Aser. Đây cũng là một từ mà người ta thấy nó được lặp lại trong cả vùng Ấn-Âu. Trong tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ truyền thống của Ấn Độ, các vị thần được gọi là asura, còn trong tiếng Ba Tư là Ahura. Một từ khác có nghĩa “thần” là deva trong tiếng Phạn, daeva trong tiếng Ba Tư, deus trong tiếng Latin, và tivurr trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ.
Thời Viking, người ta còn thờ một nhóm đặc biệt gồm các thần mùa màng, sinh sản (chẳng hạn Niord, Freyr, và Freyja). Các vị thần này được gọi bằng một cái tên chung, vaner, một từ có liên quan đến tên Latin của vị thần sinh sản, Venus. Tiếng Phạn cũng có một số từ có quan hệ gần: vani, có nghĩa là “khao khát”.
Người ta còn quan sát thấy rất rõ ràng một mối quan hệ gần gũi giữa một số truyền thuyết Ấn-Âu. Trong các câu chuyện của Snorri về các vị thần Bắc Âu cổ, có một số điểm tương tự với các truyền thuyết của Ấn Độ đã được truyền lại từ khoảng từ hai đến ba nghìn năm trước. Tuy các truyền thuyết của Snorri phản ánh hoàn cảnh Bắc Âu cổ còn các truyền thuyết Ấn Độ phản ánh hoàn cảnh của Ấn Độ, nhiều truyện trong số chúng vẫn giữ dấu vết của một nguồn gốc chung. Ta có thể thấy các dấu vết này rất rõ trong các truyền thuyết về thuốc trường sinh và về cuộc đấu tranh của các vị thần chống lại những con quái vật của hỗn mang.
Ta cũng có thể thấy rõ những điểm tương đồng trong cách suy nghĩ của các nền văn hóa Ấn-Âu. Một sự giống nhau điển hình là cách nhìn thế giới như là nội dung của một biến cố mà trong đó các thế lực Thiện và Ác đối mặt nhau trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Do đó, người Ấn-Âu thường cố gắng “đoán” kết cục của trận đấu giữa Thiện và Ác sẽ ra sao.
Người ta có thể nói ít nhiều có phần đúng đắn rằng không phải ngẫu nhiên mà triết học Hy Lạp lại bắt nguồn từ văn hóa Ấn-Âu. Các truyền thuyết của Ấn Độ, Hy Lạp, và Bắc Âu cổ rõ ràng cùng thiên về một cách nhìn triết học, hay nói cách khác là “có tính suy đoán”, về thế giới.
Người Ấn-Âu tìm kiếm “sự thấu hiểu” về lịch sử thế giới. Ta có thể lần theo dấu một từ cụ thể với nghĩa “sự thấu hiểu” hay “tri thức” từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác trong cả thế giới Ấn-Âu. Trong tiếng Phạn, đó là vidya. Từ này giống hệt với từ idéa (ý niệm) trong tiếng Hy Lạp, từ này đã có vai trò quan trọng trong triết học Plato. Từ tiếng Latin, ta có từ video, nhưng nghĩa của nó chỉ đơn giản là nhìn thấy. Đối với chúng ta, “tôi thấy” có nghĩa là “tôi hiểu”, và trong phim hoạt hình, một ngọn đèn có thể lóe lên trên đầu Woody Woodpecker khi anh ta nảy ra một ý tưởng hay. (Chỉ đến thời của chúng ta, “thấy” mới trở nên đồng nghĩa với việc nhìn chằm chằm màn hình vô tuyến.) Trong tiếng Anh, ta có các từ wise (thông thái) và wisdom (sự thông thái) – trong tiếng Đức, wissen (biết/hiểu). tiếng Na Uy có từ viten, nó cùng có chung nguồn gốc với từ vidya của Ấn Độ, idéa của Hy Lạp, và video của tiếng Latin.
Tóm lại, ta có thể khẳng định rằng sự nhìn thấy là quan trọng nhất trong các giác quan của người Ấn-Âu. Văn học Ấn Độ, Hy Lạp, Ba Tư, và các bộ tộc Đức cổ đều được đặc trưng bởi các hình dung về vũ trụ. (Lại nữa, từ vision (hình ảnh) bắt nguồn từ động từ video trong tiếng Latin.) Văn hóa Ấn-Âu cũng được đặc trưng bởi truyền thống vẽ tranh và tạc tượng về các vị thần và các sự kiện trong truyền thuyết.
Cuối cùng, người Ấn-Âu có một quan niệm tuần hoàn về lịch sử. Đó là niềm tin rằng lịch sử phát triển theo đường tròn. Không có bắt đầu và không có kết thúc đối với lịch sử, nhưng có các nền văn minh khác nhau phát triển và lụi tàn trong sự tương tranh vĩnh cửu giữa sinh và tử.
Cả hai tôn giáo lớn của phương Đông, Ấn Độ giáo và Phật giáo, đều có nguồn gốc Ấn-Âu. Triết học Hy Lạp cũng vậy. Chúng ta có thể thấy một loạt các điểm tương đồng rõ rệt giữa một bên là Ấn Độ giáo và Phật giáo, bên kia là triết học Hy Lạp. Ngay cả ngày nay, Ấn Độ giáo và Phật giáo vẫn được thấm đẫm bởi tư duy triết học.
Ta thường thấy trong Ấn Độ giáo và Phật giáo sự nhấn mạnh rằng thần thánh ngự trị trong mọi vật (thuyết phiếm thần) và rằng con người có thể hòa nhập vào với Thượng Đế qua sự thấu hiểu về tôn giáo. (Em còn nhớ Plotinus không, Sophie?) Để đạt được điều này cần luyện tập tự giác ngộ và thiền định. Do vậy, ở phương Đông, sự thụ động và ẩn dật có thể trở thành lý tưởng tôn giáo. Ngay cả ở Hy Lạp cổ, có nhiều người tin rằng sống ẩn dật, khổ hạnh là cách cứu rỗi linh hồn. Nhiều khía cạnh của cuộc sống tu hành thời Trung Cổ có thể được lần lại về đức tin từ thời văn minh Hy-La.
Tương tự, sự đầu thai của linh hồn, hay vòng luân hồi, là đức tin căn bản trong nhiều nền văn hóa Ấn-Âu. Trong vòng hơn 2500 năm, mục đích tối cao của mỗi người Ấn Độ là để được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Plato cũng đã tin vào sự đầu thai của linh hồn.
Người Semite
Chúng ta hãy chuyển sang người Semite. Họ thuộc về một nền văn hóa hoàn toàn khác. Các dân tộc Semite có nguồn gốc từ bán đảo Arab, nhưng họ cũng đã di cư đến nhiều nơi trên thế giới. Người Do Thái đã sống xa quê trong vòng hơn 2000 năm. Lịch sử và tôn giáo Semite đã vươn xa nhất ra khỏi gốc rễ của nó bởi Ki Tô giáo, mặc dù văn hóa Semite đã được lan tỏa rộng nhất qua đạo Hồi.
Cả ba tôn giáo phương Tây – Do Thái giáo, Ki Tô giáo, và Hồi giáo – có chung nguồn gốc Semite. Kinh thánh đạo Hồi – kinh Koran, và Cựu Ước đều được viết bằng họ ngôn ngữ Semite. Một trong những từ trong kinh Cựu Ước với nghĩa “Chúa Trời” có cùng gốc ngữ nghĩa với từ Allah của đạo Hồi. (Đơn giản là từ “allah” có nghĩa là “Chúa Trời”.)
Khi xét đến Ki Tô giáo, bức tranh trở nên phức tạp hơn. Ki Tô giáo cũng có nguồn gốc Semite, nhưng Tân Ước lại được viết bằng tiếng Hy Lạp, và khi thần học hay tín điều Ki Tô giáo được định hình một cách có hệ thống, nó lại bị ảnh hưởng bởi Hy Lạp và La Mã, và do đó bị ảnh hưởng bởi triết học Hy-La.
Người Ấn-Âu thờ nhiều vị thần. Đặc điểm đó cũng giống như người Semite, ở chỗ từ thời cổ xưa, họ đã được thống nhất trong đức tin dành cho một vị Chúa duy nhất. Đó được gọi là thuyết độc thần. Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo đều chia sẻ cùng một tư tưởng căn bản rằng chỉ có duy nhất một Chúa Trời.
Người Semite còn có chung một quan niệm tuyến tính về lịch sử. Nói cách khác, lịch sử được xem như một đường thẳng liên tục kéo dài. Ban đầu, Chúa Trời tạo ra thế giới và đó là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng một ngày nào đó, lịch sử sẽ chấm dứt và đó sẽ là Ngày Phán Quyết, khi Chúa phán xét người sống và người chết.
Vai trò của lịch sử là một đặc điểm quan trọng trong ba tôn giáo phương Tây này. Họ tin rằng Chúa Trời can thiệp vào tiến trình của lịch sử – thậm chí lịch sử tồn tại với mục đích để Chúa có thể chứng tỏ ý muốn của mình trong thế giới. Cũng như một lần Chúa đã dẫn Abraham đến miền “Đất Hứa,” Chúa Trời dẫn dắt loài người đi qua lịch sử để đến Ngày Phán Quyết. Khi ngày đó đến, mọi cái ác trên thế giới sẽ bị tiêu diệt.
Với sự nhấn mạnh vào các hoạt động của Chúa Trời trong tiến trình lịch sử, người Semite đã chú trọng vào việc ghi lại lịch sử từ nhiều nghìn năm. Và các cội rễ lịch sử này đã hợp thành chính cốt lõi cho kinh thánh của họ.
Ngay cả hiện nay, thành phố Jerusalem là một trung tâm tôn giáo quan trọng cho các tín đồ của cả Ki Tô giáo, Do Thái giáo, cũng như Hồi giáo. Điều này hàm ý một cái gì đó về cội nguồn chung của cả ba tôn giáo này.
Thành phố có những nhà thờ, thánh đường nổi tiếng của Ki Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo. Do đó, thật bi kịch là Jerusalem đã trở thành một khúc xương để tranh giành – người ta giết nhau theo con số hàng ngàn vì họ không thể thống nhất được ai là người nắm quyền trên “Thành phố Vĩnh hằng” này. Hy vọng một ngày nào đó, Liên hợp quốc sẽ thành công trong việc biến Jerusalem thành một thánh đường cho cả ba tôn giáo này! (Hiện giờ chúng ta sẽ không đi sâu hơn vào phần nhiều tính thực tiễn này của khóa triết học. Ta sẽ để toàn bộ cho cha của Hilde. Đến giờ chắc em đã biết rằng ông ta là một quan sát viên Liên hợp quốc tại Lebanon. Chính xác hơn, tôi có thể tiết lộ rằng ông ta đang mang quân hàm thiếu tá. Nếu em đang bắt đầu nhìn thấy mối liên quan nào đó thì chính nó đấy. Tuy nhiên, ta hãy ngừng dự đoán các sự kiện!)
Ta đã nói rằng giác quan quan trọng nhất đối với người Ấn-Âu là nhìn. Tầm quan trọng của nghe đối với các nền văn hóa Semite cũng thú vị không kém. Không phải ngẫu nhiên mà kinh Tin kính Do Thái bắt đầu bằng những từ: “Hãy nghe, hỡi Israel!” Trong kinh Cựu Ước, ta đọc được về chuyện người ta đã “nghe thấy” lời của Chúa như thế nào, và các nhà tiên tri Do Thái thường bắt đầu các bài thuyết giáo của mình bằng “Vì vậy, Jehovah (Chúa Trời) đã nói.” Việc “nghe thấy” lời Chúa cũng được nhấn mạnh trong Ki Tô giáo. Các buổi lễ tôn giáo của Ki Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo đều được đặc trưng bởi việc ngâm hay đọc to.
Tôi cũng đã nhắc đến việc người Ấn-Âu luôn vẽ tranh hoặc tạc tượng các vị thần của họ. Đặc điểm của người Semite là họ không bao giờ làm như vậy. Họ không được phép tạo ra tranh hoặc tượng Chúa Trời. Kinh Cựu Ước lệnh rằng con người không được phép tạo ra bất cứ một hình ảnh nào về Chúa Trời. Điều này ngày nay vẫn còn là luật lệ đối với Do Thái giáo và Hồi giáo. Hơn nữa, đạo Hồi còn có sự ác cảm chung đối với nhiếp ảnh và nghệ thuật, vì con người không nên tranh đua với Chúa trong việc “sáng tạo” bất cứ cái gì.
Nhưng các nhà thờ Ki Tô giáo thì tràn ngập các bức tranh về Jesus và Chúa Trời, chắc em đang nghĩ như vậy. Đúng vậy, Sophie à, nhưng đó chỉ là ví dụ về ảnh hưởng của thế giới Hy-La đối với Ki Tô giáo. (Trong Giáo hội Chính thống Hy Lạp – ở Hy Lạp và Nga – “hình Chúa”, hoặc tượng và thánh giá từ các câu chuyện trong Kinh Thánh vẫn bị cấm.)
Ngược lại với các tôn giáo lớn ở phương Đông, ba tôn giáo phương Tây nhấn mạnh rằng có một khoảng cách giữa Chúa Trời và sáng tạo của Ngài. Mục đích không phải để thoát khỏi vòng luân hồi, mà để chuộc lỗi. Hơn nữa, cuộc sống tôn giáo được đặc trưng bởi cầu nguyện, thuyết giáo, và nghiên cứu kinh thánh hơn là sự tự giác ngộ và thiền định.
Israel
Tôi không có ý định cạnh tranh với thầy giáo dạy môn tôn giáo của em, Sophie à, nhưng hãy tóm tắt nhanh về nguồn gốc Do Thái của Ki Tô giáo.
Tất cả bắt đầu khi Chúa Trời tạo dựng thế giới. Em có thể đọc ngay ở trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sau đó loài người bắt đầu nổi loạn chống lại Chúa Trời. Sự trừng phạt đối với họ không chỉ là Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, mà Cái Chết cũng bắt đầu đến với thế giới.
Chuyện con người không tuân theo Chúa là chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh. Nếu đi sâu hơn vào quyển kinh Sáng Thế [9] , ta đọc về nạn Hồng thủy và con thuyền lớn của Noah. Tiếp theo, ta đọc thấy rằng Chúa Trời làm một giao ước với Abraham và con cháu của ông. Giao ước này nói rằng Abraham và con cháu sẽ làm theo những điều răn của Chúa. Để đổi lại, Chúa Trời hứa sẽ bảo vệ tất cả các con cháu của Abraham. Giao ước này được củng cố khi Moses được giao Mười Điều răn trên đỉnh Sinai vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, người Israel từ lâu đã trở thành nô lệ ở Ai Cập, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa Trời, họ đã được dẫn dắt về vùng đất của lsrael.
Vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên – nghĩa là rất lâu trước khi có cái gì gọi là triết học Hy Lạp – ta nghe về ba vị vua vĩ đại của Israel. Vị đầu tiên là Saul, tiếp theo là David và sau đó là Solomon. Thời đó, người dân Israel được thống nhất trong một vương quốc, đặc biệt dưới triều vua David, khi họ có một thời hoàng kim về chính trị, quân sự và văn hóa.
Khi các nhà vua được chọn, họ được dân chúng xức dầu thánh. Vì vậy mà họ có danh hiệu Messiah, nghĩa là “người được xức dầu thánh”. Theo ý nghĩa tôn giáo, vua được coi là người trung gian giữa Chúa Trời và thần dân. Do đó vua còn có thể được gọi là “Con của Chúa”, và quốc gia được gọi là “Vương quốc của Chúa”.
Nhưng chẳng bao lâu, người Israel bắt đầu đánh mất quyền lực và vương quốc bị chia thành Bắc quốc (Israel) và Nam quốc (Judea). Năm 772 trước Công nguyên, Bắc quốc bị người Assyrian đánh bại và nó đánh mất toàn bộ tầm quan trọng về chính trị và văn hóa. Nam quốc cũng không khá hơn, nó bị người Babylon chiếm vào năm 586 trước Công nguyên. Đền thờ bị phá hủy, dân chúng bị đem sang Babylon làm nô lệ. Sự giam hãm của người Babylon kéo dài đến năm 539 trước Công nguyên, khi dân chúng được phép quay về Jerusalem, và đền thờ lớn được khôi phục lại. Nhưng suốt thời kỳ trước khi Chúa Ki Tô được sinh ra, người Do Thái tiếp tục sống dưới sự chiếm đóng của ngoại bang.
Người Do Thái thường tự hỏi tại sao Vương quốc của David bị phá hủy, và tại sao hết thảm họa này đến thảm họa khác đổ lên đầu họ, trong khi Chúa Trời đã hứa sẽ bao bọc Israel trong vòng tay mình. Nhưng mọi người cũng đã hứa sẽ thực hiện các điều răn của Chúa. Dần dần, mọi người bắt đầu công nhận rằng Chúa đang trừng phạt Israel vì đã không tuân lời.
Từ khoảng năm 720 trước Công nguyên, nhiều nhà tiên tri đã bắt đầu tuyên truyền về sự tức giận của Chúa Trời vì Israel đã không tuân theo các điều răn. Ngày Phán Quyết của Chúa đối với Israel sẽ đến, họ nói. Ta gọi các lời tiên tri này là lời tiên đoán về Ngày Tận Số.
Thời gian trôi qua, xuất hiện những nhà tiên tri truyền dạy rằng Chúa Trời sẽ cứu vớt một số con dân được chọn và gửi cho họ một “Hoàng tử Hòa bình” hoặc một vị vua dòng dõi David. Vị vua này sẽ khôi phục lại Vuơng Quốc cũ của David và dân chúng sẽ có một tương lai thịnh vuợng.
“Những người đang đi trong bóng tối sẽ nhìn thấy một nguồn ánh sáng vĩ đại,” nhà tiên tri Isaiah nói, và “ánh sáng sẽ chiếu rọi trên đầu những người đang sống ở vùng đất của những bóng ma.” Ta gọi các lời tiên tri này là lời tiên tri về sự cứu rỗi.
Tóm lại những người con của Israel đã sống hạnh phúc dưới thời vua David. Nhưng sau đó, khi hoàn cảnh của họ suy thoái các nhà tiên tri bắt đầu khẳng định rằng một ngày kia sẽ có một vị vua mới dòng dõi David. Vị “Messiah” này, hay “Con của Chúa Trời” sẽ chuộc tội cho dân chúng, khôi phục lại sự vĩ đại của Israel và đặt nền móng cho “Vương Quốc của Chúa”.
Jesus
Chắc em vẫn đang nghe tôi đấy chứ, Sophie? Các từ quan trọng là “Messiah”, “Con của Chúa”, và “Vương Quốc của Chúa”. Đầu tiên, tất cả các từ đó được hiểu theo nghĩa chính trị. Thời Jesus, có nhiều người tưởng tượng rằng sẽ có một “Messiah” mới theo nghĩa một nhà lãnh đạo về chính trị, quân sự, và tôn giáo thuộc tầm cỡ vua David. Do vậy, vị “cứu tinh” này được coi là một người mang sứ mệnh của dân tộc, người sẽ chấm dứt sự thống khổ của người Do Thái dưới ách thống trị của La Mã.
Nhưng cũng có nhiều người khác có tầm nhìn xa hơn. Do từ hai trăm năm trước đã có những nhà tiên tri tin rằng vị “Messiah” hứa hẹn sẽ là cứu tinh cho toàn thế giới. Người sẽ không chỉ giải phóng dân Israel khỏi ách ngoại bang, mà còn cứu cả nhân loại khỏi tội lỗi – mà quan trọng là khỏi cái chết. Niềm mong mỏi sự “cứu rỗi” theo nghĩa chuộc tội đã được lan rộng khắp thế giới Hy-La.
Rồi Jesus của Nazareth xuất hiện. Ông không chỉ là người duy nhất đã từng đứng lên nhận mình là vị “Messiah” được hứa hẹn. Jesus còn dùng các từ “Con của Chúa”, “Vương Quốc của Chúa” và “chuộc tội”. Khi làm như vậy, ông đã giữ được mối liên hệ với các lời tiên tri cổ. Ông đến Jerusalem và để đám đông tôn xưng mình là vị cứu tinh, và như vậy đã thực hiện đúng nghi lễ của các vị vua xưa trong “lễ đăng quang”. Ông cũng tự cho phép mình được mọi người xức dầu thánh. “Thời điểm đã chín muồi,” ông nói, và “Vương Quốc của Chúa đã trong tầm tay”.
Nhưng đây mới là điểm quan trọng: Jesus phân biệt mình với các “messiah” khác bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng ông không phải người chống đối về chính trị hay quân sự. Sứ mệnh của ông vĩ đại hơn nhiều. Ông thuyết giáo về sự cứu rỗi và lòng khoan dung của Chúa Trời với mọi người. Với những người gặp trên đường, ông nói “Nhân danh Người, tội lỗi của con đã được tha thứ”.
Kiểu “xá tội” này chưa từng được nghe thấy. Và tệ hơn nữa, ông gọi Chúa Trời là “Cha” (Abba). Điều này hoàn toàn chưa hề có tiền lệ trong cộng đồng Do Thái. Do vậy, chưa bao lâu sau đã nổi lên một làn sóng phản đối từ các vị tư tế.
Vậy là tình hình là như thế này: ở thời Jesus, rất nhiều người đang chờ mong một vị Messiah, người sẽ tái thiết Vương Quốc của Chúa với rất nhiều trống kèn (nói cách khác, với máu lửa và đao kiếm). Thành ngữ “Vương Quốc của Chúa” hẳn đã là chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài thuyết giáo của Jesus – nhưng với nghĩa rộng hơn nhiều. Jesus nói rằng “Vương Quốc của Chúa” đó là tình yêu với hàng xóm, lòng trắc ẩn đối với kẻ yếu và người nghèo, và sự bao dung đối với những người đã phạm sai lầm.
Đây là một bước chuyển đột ngột trong ý nghĩa của một thành ngữ cổ xưa đã từ lâu mang âm hưởng chiến tranh. Trong khi mọi người đang mong đợi một nhà lãnh đạo quân sự, người sẽ nhanh chóng tuyên bố thành lập Vương Quốc của Chúa, thì Jesus lại mặc áo gai đi dép cỏ tiến đến bảo họ rằng Vương Quốc của Chúa – hay bản “giao ước mới” – là “yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình”. Chưa hết, Sophie à, ông còn nói rằng ta phải yêu kẻ thù. Khi bị chúng tát, ta không được trả đũa; mà thậm chí còn phải giơ má kia ra. Và chúng ta phải tha thứ – không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy.
Chính Jesus đã thể hiện rằng mình không đứng trên cao hơn mọi người, ông nói chuyện với gái điếm, những kẻ cho vay nặng lãi xấu xa, và những người mưu toan đảo chính. Ông còn đi xa hơn, ông nói rằng một kẻ vô dụng đã tiêu xài toàn bộ gia tài cha để lại – hay một viên chức biển lậu tiền công quỹ – đều trở nên chính trực trước mặt Chúa khi anh ta hối cải và cầu xin sự tha thứ, lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao.
Nhưng khoan đã – ông ta còn đi một bước xa hơn: Jesus nói rằng trong mắt của Chúa Trời, những kẻ tội lỗi đó còn chính trực và xứng đáng với sự tha thứ của Chúa hơn là những tín đồ Phari không một vết nhơ luôn chạy quanh trưng diện đức hạnh của mình.
Jesus chỉ ra rằng không ai xứng đáng với lòng nhân từ của Chúa Trời. Chúng ta không thể tự chuộc lỗi (như nhiều người Hy Lạp đã tin tưởng). Những yêu cầu luân lý nghiêm khắc mà Jesus đặt ra trong Bài Giảng Trên Núi không chỉ để giảng giải ý muốn của Chúa Trời, mà còn để nói rằng không có người nào đủ chính trực trong mắt Chúa. Lòng nhân từ của Chúa Trời là vô biên, nhưng chúng ta phải hướng về phía Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Để thầy giáo môn tôn giáo của em dạy kỹ hơn về Jesus và những giáo huấn của ông. Công việc của ông thầy của em sẽ không đơn giản chút nào. Tôi hy vọng ông ấy sẽ thành công trong việc cho em thấy con người của Jesus đặc biệt đến mức nào. Ông đã sử dụng ngôn ngữ thời đó một cách thật tuyệt vời để đem đến cho những lời kêu gọi chiến tranh cổ xưa một nội dung hoàn toàn mới và rộng hơn. Cũng không có gì ngạc nhiên rằng ông đã kết thúc đời mình trên cây Thập tự. Xu hướng cấp tiến của ông về sự chuộc lỗi đã mâu thuẫn với quá nhiều lợi ích và thế lực nên ông đã phải bị loại trừ.
Khi nói về Socrates, ta đã thấy việc kêu gọi lý tính của mọi người có thể nguy hiểm đến mức nào. Với Jesus, ta thấy mức độ nguy hiểm của việc đòi hỏi tình bằng hữu vô điều kiện và sự bao dung vô điều kiện. Ngay trong thế giới ngày nay, ta có thể thấy các quyền lực mạnh có thể tan rã khi đối mặt với các đòi hỏi đơn giản về hoà bình, tình yêu, lương thực cho người nghèo, và ân xá cho kẻ thù của quốc gia.
Em có thể nhớ lại Plato đã tức giận như thế nào khi con người chính trực nhất của Athens bị tước bỏ cuộc sống. Theo giáo lý Ki Tô giáo, Jesus là con người chính trực duy nhất từng có trên đời. Vậy mà ông đã bị xử tử. Tín đồ Ki Tô giáo nói rằng ông đã hy sinh vì nhân loại, và thường gọi đó là “Khổ Nạn” của Chúa Ki Tô. Jesus là “kẻ tôi tớ đau khổ”, người mang tội lỗi của cả nhân loại để chúng ta có thể được “chuộc lỗi” và cứu thoát khỏi sự giận dữ của Chúa Trời.
Paul
Vài ngày sau khi Jesus đã bị đóng đinh câu rút và được chôn cất, có tin đồn loan ra rằng ông đã bay lên từ dưới mộ. Bằng cách đó, ông đã chứng minh rằng ông không phải người thường. Ông thực sự là “Con của Chúa Trời”.
Ta có thể nói rằng Giáo hội Ki Tô giáo đã được thành lập vào Buổi Sáng Phục Sinh với tin đồn về sự hồi sinh của Jesus. Điều này đã được Paul khẳng định: “Và nếu Chúa Ki Tô không bay lên trời, thì thuyết giảng của chúng ta là rỗng tuếch và đức tin của các tín hữu cũng thành hão huyền.”
Đến đây thì cả loài người có thể hy vọng vào chuyện hồi sinh của thể xác, vì Jesus đó bị đóng đinh câu rút là để cứu chúng ta. Nhưng Sophie thân mến, hãy nhớ rằng trong quan điểm Do Thái không tồn tại câu hỏi về “sự bất tử của linh hồn” hay bất kỳ dạng nào của việc “đầu thai”; đó là một tư tưởng của Hy Lạp – và do đó là tư tưởng Ấn-Âu. Theo Ki Tô giáo, trong con người không có cái gì bất tử – “linh hồn” chẳng hạn. Mặc dù Giáo hội Ki Tô giáo tin vào “sự hồi sinh của cơ thể và cuộc sống vĩnh cứu”, nhưng chính là nhờ vào phép lạ của Chúa Trời mà chúng ta được cứu thoát khỏi cái chết và “sự đọa đầy dưới địa ngục”. Nó chẳng nhờ vào công trạng của ta, cũng không do bất cứ năng lực bẩm sinh tự nhiên nào.
Thế là những người Ki Tô giáo đầu tiên bắt đầu thuyết giảng “tin mừng” về sự cứu rỗi nhờ đức tin vào Jesus Christ. Qua suy tưởng của ông, “Vương Quốc của Chúa” đã sắp thành hiện thực. Bây giờ, Chúa Ki Tô có thể thắng lợi trên toàn thế giới. (Từ “Ki Tô [10] ” – “christ” là tiếng Hy Lạp dịch từ “messiah” trong tiếng Hebrew, ngôn ngữ của người Do Thái.
Một vài năm sau cái chết của Jesus, Paul, một tín đồ Phari, đã cải đạo sang Ki Tô giáo. Qua nhiều cuộc hành trình truyền giáo của ông trên khắp thế giới Hy-La, ông đã làm cho Ki Tô giáo trở thành một tôn giáo tầm vóc thế giới. Ta nghe về điều này từ Chứng thư của các Thánh tông đồ. Ta biết về giáo huấn và hướng dẫn của Paul đối với tín đồ Ki Tô giáo qua nhiều thánh thư ông viết gửi các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo thời kỳ đầu.
Sau đó ông đến Athens. Ông vào thẳng quảng trường của thủ đô triết học. Và người ta nói rằng “tinh thần ông bị khuấy động khi thấy thành phố hoàn toàn chìm đắm trong sự sùng bái tượng ảnh”. Ông đi thăm giáo đường Do Thái ở Athens và trò chuyện với các triết gia thuộc các trường phái Hưởng lạc và Khắc kỷ. Họ dẫn ông lên đỉnh đồi Areopagos và hỏi: “Chúng tôi xin phép được hỏi về học thuyết mới mà ngài đề cập đến. Vì ngài đã mang đến những điều lạ tai, chúng tôi muốn hiểu những điều đó có ý nghĩa gì.”
Em có thể tưởng tượng được không, Sophie? Một người Do Thái bỗng nhiên xuất hiện trong chợ Athens và bắt đầu nói về một vị cứu tinh, người đã bị đóng đinh trên một cây thập tự rồi sau đó bay lên từ dưới mộ. Ngay từ cuộc thăm viếng này của Paul đến Athens, ta đã cảm thấy sự đụng độ sắp đến giữa triết học Hy Lạp và học thuyết về sự chuộc tội của Ki Tô giáo. Nhưng Paul rõ ràng đã thành công trong việc làm cho người Athens nghe ông nói. Từ Areopagos – và dưới chân những đền đài kiêu hãnh của Acropolis – ông đã thực hiện bài diễn thuyết sau:
“Thưa quý vị người Athens, tôi thấy rằng quý vị quá mê tín về mọi thứ. Thật vậy, khi tôi dạo qua thành phố và chiêm ngưỡng những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ “KÍNH THẦN VÔ DANH”. Vậy nên, về Đấng thiêng liêng mà quý vị vẫn tôn thờ mà không biết, tôi xin giao giảng cho quý vị.
Thiên Chúa, Ngài tạo nên thế giới và muôn loài trong đó, Ngài là Chúa Tể của trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên. Ngài cũng không cần được bàn tay con người phục vụ như thể Ngài chẳng thiếu thốn thứ gì, vì Ngài ban cho muôn loài sự sống, hơi thở và mọi thứ. Từ một dòng máu duy nhất, Thiên Chúa đã tạo nên tất cả các dân tộc sống trên khắp mặt đất; Ngài đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ; và rằng họ phải tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài, tuy rằng Ngài không xa mỗi người chúng ta. Vì chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu. Như một số thi sĩ của quý vị cũng đã nói: vì chúng ta cũng thuộc dòng giống của Ngài. Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật tài trí con người trạm trổ trên vàng, bạc hay đá. Thiên Chúa đã nhắm mắt bỏ qua cho những thời người ta không nhận biết Ngài. Nhưng giờ Ngài truyền rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối.
Vì Ngài đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Ngài đã chỉ định. Để bảo đảm điều đó với mọi người, Thiên Chúa đã cho vị này sống lại từ cõi chết.”
Paul ở Athens, Sophie! Ki Tô giáo đã bắt đầu đi vào thế giới Hy-La như một cái gì đó khác hẳn với triết học Hưởng lạc, Khắc kỷ, Yếm thế, hay Plato mới. Nhưng Paul đã tìm được một chút tương đồng trong nền văn hóa này. Ông nhấn mạnh rằng sự tìm kiếm Chúa Trời là tự nhiên đối với tất cả mọi người. Điều này không có gì mới đối với người Hy Lạp. Nhưng cái mới trong thuyết giảng của Paul là Chúa Trời đã hiện thân trước loài người và thực sự đã dang tay về phía họ. Như vậy Chúa không còn là một vị “Chúa Trời triết học” mà con người có thể tiếp cận bằng hiểu biết của mình. Chúa cũng không phải một “bức tượng bằng vàng, bạc, hay đá” – những bức tượng kiểu này có vô số trên Acropolis và dưới chợ! Ngài là một vị Chúa “không ngự trong các đền thờ do tay con người làm nên”. Ngài là một vị Chúa cá thể, người can thiệp vào lịch sử và chết trên Thập giá vì loài người.
Ta đọc trong Chứng thư của các Thánh Tông đồ rằng khi Paul thực hiện bài diễn thuyết đó trên đồi Areopagos, một vài người đã nhạo cười khi ông nói về sự hồi sinh từ cái chết. Nhưng những người khác nói: “Chúng tôi sẽ nghe ngài nói thêm về vấn đề này.” Cũng có một số người đi theo Paul và bắt đầu tin vào Chúa Ki Tô. Đáng ghì nhận rằng một trong số họ là một phụ nữ tên là Damaris. Phụ nữ nằm trong số những người cải sang Ki Tô giáo nồng nhiệt nhất.
Thế là Paul tiếp tục các hoạt động truyền giáo. Chỉ vài thập kỷ sau cái chết của Jesus, các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo đã được thành lập tại tất cả các thành phố quan trọng của Hy Lạp và La Mã – Athens, Rome, Alexandria, Ephesos, và Corinth. Trong vòng ba bốn trăm năm, cả thế giới Hy Lạp hóa đã theo Ki Tô giáo.
Kinh Tin kính
Paul không chỉ có tầm quan trọng căn bản đối với Ki Tô giáo với vai trò nhà truyền đạo. Ông còn có ảnh hưởng lớn đối với các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo. Đã từng có một nhu cầu rộng lớn về sự hướng dẫn tinh thần.
Trong những năm đầu sau Jesus, có một câu hỏi quan trọng là: một người không phải Do Thái có được trở thành tín đồ Ki Tô giáo mà không cần trước hết trở thànhh tín đồ Do Thái giáo hay không. Thí dụ, một người Hy Lạp có cần tuân theo luật ăn chay không? Paul tin rằng điều đó là không cần thiết. Ki Tô giáo không phải chỉ là một giáo phái của Do Thái giáo. Nó gửi đến tất cả nhân loại một thông điệp về sự cứu rỗi. Bản “Giao ước cũ [11] ” giữa Chúa và lsrael đã được thay thế bằng “Giao ước mới [12] ” mà Jesus đã thiết lập giữa Chúa và loài người.
Tuy nhiên, Ki Tô giáo không phải tôn giáo duy nhất tại thời kỳ đó. Ta đã thấy nền văn minh Hy Lạp hóa đã bị ảnh hưởng bởi một hỗn hợp các tôn giáo. Do vậy, một việc quan trọng có ý nghĩa sống còn là giáo hội tiến lên trước với một tổng kết súc tích giáo lý Ki Tô giáo, vừa nhằm mục đích tách nó ra khỏi các tôn giáo khác, vừa để ngăn chặn sự phân chia trong lòng Giáo hội Ki Tô giáo. Do đó, kinh Tin kính đầu tiên đã được xây dựng tóm tắt các tín lý trung tâm Ki Tô giáo.
Một trong các tín lý nói rằng Jesus vừa là Chúa Trời vừa là người. Ông không chỉ là “Con của Chúa”. Ông chính là bản thân Chúa Trời. Nhưng ông còn là một “con người thực”, người đã chia sẻ những bất hạnh của loài người và đã thực sự chịu nạn trên cây Thánh giá.
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng thông điệp của giáo hội chính xác là Chúa đã trở thành người. Jesus không phải là một vị “bán thần” mà trong các tôn giáo Hy Lạp cổ đại và Hy Lạp hóa khá phổ biến. Giáo hội dạy rằng Jesus là “Chúa Trời hoàn hảo, người hoàn hảo”.
Tái bút
Sophie thân mến, hãy để tôi nói một vài lời về mối quan hệ giữa những kiến thức này. Khi Ki Tô giáo mở đường tiến vào thế giới Hy-La, ta chứng kiến sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa. Ta cũng thấy một trong những cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại của lịch sử.
Ta sắp bước ra khỏi thời Cổ Đại. Gần một nghìn năm đã trôi qua kể từ thời của những nhà triết học Hy Lạp đầu tiên. Phía trước chúng ta là thời Trung cổ Ki Tô giáo, thời đại này cũng kéo dài khoảng một ngàn năm.
Goethe, nhà thơ người Đức, đã từng nói rằng: “Kẻ nào không biết rút ra những bài học của ba nghìn năm, kẻ đó chỉ sống lần hồi qua ngày” [13] . Tôi không muốn em lâm vào tình trạng đáng buồn đó. Tôi sẽ làm những gì có thể để giới thiệu với em gốc rễ lịch sử của em. Đó là cách duy nhất để trở thành một con người, cách duy nhất để hơn một con khỉ trần trụi, cách duy nhất để không bị trôi nổi trong chân không .
“Đó là cách duy nhất để trở thành một con người, cách duy nhất để hơn một con khỉ trần trụi…”
Sophie ngồi lặng nhìn vào vườn qua cái lỗ nhỏ trong bờ rào. Cô bắt đầu hiểu tại sao việc hiểu biết về gốc rễ lịch sử lại quan trọng đến thế. Chắc chắn điều đó đã rất quan trọng đối với Những Đứa Con của lsrael.
Chính cô cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng nếu cô biết về cội nguồn lịch sử của mình, cô sẽ bớt tầm thường đi một chút.
Cô sẽ sống trên hành tinh này chỉ ít năm. Nhưng nếu lịch sử của loài người là lịch sử của chính cô, hiểu theo một cách nào đó, cô đã hàng ngàn năm tuổi.