…một cái gương thần mà cụ bà đã mua của một người đàn bà Di-gan…
Hilde Moller Knag tỉnh giấc trong căn buồng áp mái trong ngôi nhà của ông thuyền trưởng già ở ngoại ô Lillesand. Cô nhìn đồng hồ. Mới sáu giờ, nhưng trời đã sáng rõ.
Cô ra khỏi giường và đi về phía cửa sổ. Giữa chừng, cô dừng lại cạnh bàn và xé một tờ lịch ra khỏi quyển lịch. Thứ năm, 14-6-1990. Cô vò mảnh giấy và ném vào sọt rác.
Bây giờ cuốn lịch đề ngày 15-6-1990, trông rạng rỡ hẳn lên. Từ hồi tháng Giêng, cô đã viết dòng chữ “sinh nhật lần thứ 15” vào tờ lịch này. Cô cảm thấy còn đặc biệt hơn nữa khi tròn 15 tuổi vào đúng ngày 15. Điều này sẽ không bao giờ đến nữa.
Mười lăm tuổi! Không phải đây là ngày đầu tiên cô làm người lớn sao? Cô không thể đi ngủ lại được. Vả lại, hôm này là ngày bế giảng. Học sinh chỉ phải có mặt ở nhà thờ lúc 1 giờ chiều. Còn nữa, một tuần nữa bố sẽ từ Lebanon về nhà. Bố đã hứa sẽ kịp về dự Hội Mùa Hè
Hilde đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn, về phía cầu tàu nhỏ phía sau căn nhà thuyền màu đỏ. Ca-nô vẫn chưa được đem ra cho vụ hè, nhưng cái thuyền có mái chèo đã được buộc vào cầu tàu. Cô phải nhớ tát nước cho nó sau trận mưa to đêm qua.
Khi ngắm nhìn các vịnh nhỏ, cô nhớ lại hồi còn là một cô bé mới sáu tuổi, cô đã leo lên thuyền và một mình chèo ra vịnh. Cô đã ngã xuống nước và đó là tất cả những gì cô có thể làm để vào được bờ. Mình mẩy ướt như chuột lột, cô hì hục chui qua hàng giậu rậm rạp. Khi cô còn đang đứng trong vườn nhìn lên phía ngôi nhà thì mẹ đã hớt hải chạy đến. Cái thuyền và đôi mái chèo vẫn còn nổi lềnh bềnh trên mặt vịnh. Thỉnh thoảng, cô vẫn còn mơ thấy chiếc thuyền bị bỏ trôi lênh đênh. Đấy là một kỷ niệm làm cô rất ngượng.
Trong vườn, cây cối không sum sê và cũng không được chăm sóc cẩn thận lắm. Nhưng khu vườn khá rộng, và nó là của Hilde. Một cây táo tơi tả vì thời tiết và mấy bụi cây ăn quả gần như bị chột đã sống sót qua được những trận bão mùa đông khắc nghiệt. Cái tàu lượn nằm trên bãi cỏ, giữa đống đá granite và hàng giậu. Dưới ánh nắng sớm, trông nó thật đáng thương. Lại càng tiêu điều hơn vì những cái đệm đã được cất đi. Có lẽ đêm qua mẹ đã vội vàng chạy ra cứu chúng khỏi cơn mưa. Bao quanh vườn là rặng bu-lô ít nhất thì chúng cũng che chắn được phần nào những trận gió tệ hại nhất. Chính vì rặng cây này mà từ khoảng trăm năm trước ngôi nhà đã được đổi tên thành Bjerkely [19]. Cụ của Hilde đã xây ngôi nhà này khoảng vài năm trước khi bước vào thế kỷ này. Ông đã từng là thuyền trưởng của một trong những chiếc tàu buồm cuối cùng. Có nhiều người vẫn tiếp tục gọi ngôi nhà là nhà ông thuyền trưởng.
Buổi sáng hôm đó, khu vườn vẫn còn dấu vết của cơn mưa to đêm hôm trước. Hilde đã bị đánh thức mấy lần bởi những loạt sấm rền. Nhưng hôm nay, trời không một gợn mây.
Mọi vật trở nên thật tươi tắn sau một cơn bão mùa hè như thế. Trời đã khô và nóng hàng tuần liền, chóp là bu-lô đã bắt đầu ngả vàng. Còn bây giờ, như thể cả thế giới vừa được tắm gội. Hình như cả thời thơ ấu của cô cũng đã bị gột đi cùng cơn bão.
“Thực vậy, có đớn đau khi nụ xuân bừng nở…” Có phải một nhà thơ Thụy Điển đã nói gì đó đại loại như vậy? Hay bà ấy là người Phần Lan nhỉ?
Hilde đứng trước tấm gương đồng nặng trịch treo trên tường phía trên chiếc bàn trang điểm cũ của bà nội.
Cô có xinh không? Dù sao thì cô cũng không xấu. Có lẽ cô thuộc loại ở giữa giữa…
Hilde có mái tóc dài màu sáng. Cô đã luôn mong ước màu tóc mình có thể sẫm hơn hoặc sáng hơn một chút. Cái màu giữa giữa này trông thật xỉn. Về ưu điểm, tóc cô hơi xoăn nhẹ. Nhiều cô bạn đã phải vất vả uốn cho tóc mình xoăn dù chỉ một chút, nhưng tóc Hilde lúc nào cũng lượn sóng tự nhiên. Cô nghĩ, “một ưu điểm khác nữa là đôi mắt màu xanh thẳm”. “Có thật là nó màu xanh không nhỉ?” các ông cậu và bà dì của cô thường nói vậy khi họ cúi xuống nhìn cô.
Hilde tự hỏi không biết cô đang ngắm nhìn hình ảnh của một cô bé hay một phụ nữ trẻ. Cô quyết định là cả hai đều không đúng. Có thể cơ thể đã có dáng khá là phụ nữ, nhưng khuôn mặt làm cô nghĩ đến một quả táo chưa chín.
Cái gương cổ này có cái gì đó làm Hilde luôn nghĩ về bố. Nó đã từng được treo dưới “studio”. Đó là một căn phòng dưới nhà thuyền, là kết hợp của thư viện, phòng viết văn, và nơi ẩn dật của bố cô. Albert, như cách Hilde gọi ông khi ông ở nhà, luôn luôn muốn viết một cái gì đó có ý nghĩa. Một lần, ông đã thử viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng ông chẳng bao giờ kết thúc nó. Thỉnh thoảng, ông có một vài bài thơ và tranh về quần đảo đăng trên một tạp chí phát hành trên cả nước. Hilde thật tự hào mỗi khi nhìn thấy tên ông in trên báo. ALBERT KNAG. Dù sao nó cũng có ý nghĩa ở Lillesand này. Cụ nội cũng tên là Albert.
Chiếc gương. Nhiều năm trước, bố cô đã đùa về chuyện không thể nháy mắt với bóng mình trong gương, ngoại trừ cái gương đồng này. Đó là một ngoại lệ vì đó là cái gương thần mà cụ bà đã mua của một người đàn bà Di-gan ngay sau lễ cưới.
Hilde đã thử mãi rồi, nhưng nháy mắt với bóng mình trong gương khó chẳng kém việc chạy khỏi cái bóng nắng của mình. Cuối cùng, cô được giữ vật thừa kế của gia đình. Năm tháng trôi qua, thỉnh thoảng cô lại tập luyện điều bất khả thi đó.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi hôm nay cô trầm tư. Và cũng bình thường khi cô mải suy nghĩ về bản thân. Cô đã mười lăm tuổi…
Tình cờ liếc nhìn về chiếc bàn nhỏ cạnh giường, cô thấy một cái gói lớn. Nó được bọc giấy xanh và thắt ruy-băng lụa đỏ rất đẹp. Đó hẳn là một món quà sinh nhật!
Có phải đó chính là món quà ấy? Món quà lớn mà bố cô cứ bí mật suốt? Ông đã thả bao nhiêu là lời bóng gió bí ẩn trong những tấm bưu ảnh tử Lebanon. Nhưng ông đã “cố gắng kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ”.
Ông đã viết rằng món quà là một thứ “ngày càng lớn”. Rồi ông nói gì đó về một cô bạn mà cô sắp gặp, và rằng ông đã gửi bản sao của tất cả các tấm bưu ảnh cho cô ấy. Hilde đã cố dò hỏi mẹ để tìm manh mối, nhưng bà cũng chẳng biết tí gì.
Lời bóng gió kỳ quặc nhất là món quà sẽ có thể được “chia sẻ với những người khác”. Làm việc cho Liên hợp quốc có khác! Nếu ông có nung nấu ý tưởng gì, mà ông thì nhiều lắm, thì đó là Liên hợp quốc nên trở thành một kiểu chính phủ thế giới. Ông đã viết trong một tấm bưu ảnh rằng hy vọng một ngày nào đó Liên Hợp Quốc sẽ có thể thực sự đoàn kết toàn nhân loại.
Cô có được mở quà trước khi mẹ lên phòng và hát bài “Mừng sinh nhật” với bánh nướng và cờ Na Uy không? Có phải gói quà để sẵn đó nghĩa là cô được mở luôn?
Cô rảo bước đến bên bàn và nhấc gói quà lên. Nặng thật! Cô nhìn thấy cái nhãn nhỏ: Tặng Hilde nhân dịp sinh nhật lần thứ 15. Bố.
Cô ngồi xuống giường và cẩn thận tháo chiếc nơ lụa đỏ, rồi cô gỡ tấm giấy bọc màu xanh. Một cái cặp táp lớn.
Đây là quà của cô ư? Có phải đây là quà sinh nhật lần thứ 15 mà bố đã làm cô tò mò mong đợi hết chịu nổi? Món quà ngày càng lớn và có thể chia sẻ với người khác?
Nhìn thoáng qua có thể thấy cái cặp kẹp đầy những trang giấy đánh máy. Hilde nhận ra chúng được gõ bằng chiếc máy chữ của bố cô, cái máy mà ông đã mang theo khi đi Lebanon.
Ông đã viết cả một cuốn sách cho cô ư?
Trên trang đầu tiên là đầu đề viết tay bằng chữ khổ lớn, THẾ GIỚI CỦA SOPHIE.
Phía dưới là hai dòng thơ đánh máy:
SỰ KHAI SÁNG VỚI CON NGƯỜI
NHƯ ÁNH MẶT TRỜI VỚI ĐẤT
-N.F.S.Grundtvig
Hilde lật trang sau, đến mở đầu của chương thứ nhất với tiêu đề “Vườn địa đàng”. Cô lên hẳn trên giường, ngồi thoải mái, đặt chiếc cặp lên lòng, và bắt đầu đọc.
Sophie Amundsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy. Theo Joanna, bộ óc của con người giống như một cái máy tính cao cấp. Sophie không rõ có đồng ý được không. Chắc chắn một con người phải hơn là một cái máy chứ?
Hilde mê mải đọc, quên hết xung quanh, quên cả hôm nay là sinh nhật. Thỉnh thoảng trong khi đọc, một ý nghĩ ngắn len vào giữa các dòng chữ. Bố đã viết một cuốn sách? Cuối cùng thì bố cũng bắt đầu một cuốn tiểu thuyết quan trọng và đã hoàn thành nó ở Lebanon? Ông thường phàn nàn rằng ở nơi đó của thế giới, thời gian rất là quí báu.
Bố của Sophie cũng xa nhà. Có lẽ cô ấy là cô gái mà Hilde sẽ làm quen…
Chỉ khi có được một cảm xúc sâu sắc về một ngày nào đó mình sẽ chết, cô mới có thể thấy rằng thật tuyệt vời khi được sống… Thế giới từ đâu ra? … Tại thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã nảy sinh từ hư vô. Nhưng điều đó có thể hay không? Phải chăng điều đó cũng không tưởng như ý tưởng rằng thế giới luôn luôn tồn tại?
Hilde mải miết đọc. Cô bất ngờ đọc đến đoạn Sophie nhận được một tấm bưu ảnh từ Lebanon: “Hilde Moller Knag”, nhờ Sophie Amundsen 3, đường Cỏ Ba Lá…chuyển dùm”
Hilde thân yêu. Chúc mừng sinh nhật lần thứ 15! Bố biết con sẽ hiểu. Bố muốn tặng con một món quà mà nó sẽ giúp con khôn lớn. Bố xinh lỗi đã gửi bưu ảnh cho Sophie. Đó là cách tiện nhất. Bố yêu con.
Ôi quỉ thật! Hilde biết bố mình luôn là người tinh nghịch, nhưng hôm nay ông đã thực sự làm cô sửng sốt. Thay vì đính tấm thiệp lên gói quà, ông lại viết vào cuốn sách.
Nhưng thật tội nghiệp Sophie. Cô ấy chắc phải bối rối lắm.
Tại sao một ông bố lại gửi thiệp mừng sinh nhật con gái đến địa chỉ của Sophie trong khi rõ ràng cô ấy không ở đây. Bố kiểu gì mà lại đi lừa chính con gái mình bằng cách cố tình gửi thiệp mừng sinh nhật đi lạc đường? Làm sao mà đó lại là “cách tiện nhất”? Và nhất là làm thế nào để lần ra được Hilde?
Không, cô ấy làm sao mà tìm được?
Sophie lật một hai trang và bắt đầu đọc chương hai, “Cái mũ cao vành”. Chẳng mấy chốc, cô đọc đến đoạn về lá thư dài mà một người bí hiểm đã viết cho Sophie.
Mối quan tâm đến câu hỏi tại sao chúng ta tồn tại không phải là một sở thích “thông thường” như thú sưu tập tem. Những người đặt ra các câu hỏi đó đã tham gia một cuộc tranh luận kéo dài từ khi con người bắt đầu sống trên hành tinh này.
“Sophie hoàn toàn kiệt sức”. Hilde cũng vậy. Bố không chỉ đã viết một cuốn sách để làm quà sinh nhật lần thứ 15 cho cô, bố đã viết một quyển sách lạ thường và tuyệt vời.
Tóm lại, một chú thỏ được lôi ra từ một cái mũ cao vành. Vì đây là một con thỏ khổng lồ nên trò ảo thuật kéo dài nhiều tỷ năm. Mọi sinh vật đều được sinh ra ở đầu những sợi long mịn của con thỏ, nơi có thể ngạc nhiên về sự không thể tin được của trò ảo thuật. Nhưng khi lớn lên, chúng chui sâu dần vào bộ lông thỏ. Và chúng ở lại đó…
Sophie không phải là người duy nhất cảm thấy mình đã đi đến chỗ tìm thấy cho mình một nơi ấm cúng ở sâu trong bộ lông thỏ. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 15 của Hilde, và cô có cảm giác đã đến lúc mình phải quyết định sẽ bò theo hướng nào.
Cô đọc về các nhà triết học tự nhiên Hy Lạp. Hilde biết bố quan tâm đến triết học. Ông đã viết một bài lên báo đề nghị rằng triết học nên là một môn học chính khoá trong nhà trường. Bài báo có đầu đề là “Tại sao nên có triết học trong chương trình giảng dạy?”. Thậm chí ông đã đưa vấn đề này trong cuộc họp phụ huynh của lớp Hilde. Cô đã thấy cực kỳ xấu hổ về chuyện đó.
Hilde nhìn đồng hồ. Bảy giờ ba mươi. Chắc nửa tiếng nữa mẹ cô mới lên phòng với khay đựng bữa sáng. Tốt quá, vì bây giờ cô vẫn đang mải mê với Sophie và những câu hỏi triết học. Cô đọc chương “Democritus”. Trước tiên, Sophie có một câu hỏi để suy nghĩ. Tại sao Lego là đồ chơi hay nhất thế giới? Sau đó, cô tìm thấy một cái phong bì to màu nâu trong hộp thư.
Democritus đồng ý với các vị tiền nhân rằng các biến đổi trong thiên nhiên không phải là do có cái gì đó thực sự “thay đổi”. Do vậy, ông giả thiết rằng mọi thứ được cấu tạo từ các khôi nhỏ vô hình, mỗi khối vô hình đều vĩnh cửu và bất biến. Democritus gọi những đơn vị nhỏ nhất này là các nguyên tử.
Hilde cảm thấy bực tức khi Sophie tìm thấy chiếc khăn lụa đỏ của cô ở dưới gối. Vậy ra nó ở đấy à! Nhưng làm thế nào mà một chiếc khăn có thể biến vào trong một câu chuyện? Nó phải ở đâu đó…
Chương về Socrates bắt đầu với việc Sophie đọc “tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon”. Đúng là bố có khác! Ông để ý đến chuyện người dân Na Uy còn ít quan tâm đến nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của lực lượng Liên hợp quốc. Nếu không có ai thì Sophie sẽ phải quan tâm. Bằng cách này, ông có thể viết về nó trong câu chuyện của mình và thu hút sự chú ý nào đó của các phương tiện thông tin đại chúng.
Cô phải bật cười khi đọc phần TB trong lá thư của ông thầy triết học gửi Sophie:
Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học.
Hilde nghe thấy tiếng chân mẹ trên cầu thang. Trước khi bà gõ cửa, cô đã đọc đến đoạn Sophie tìm thấy chiếc băng video về Athens trong cái hốc bí mật. “Happy Birthday…” mẹ cô bắt đầu hát từ nửa đường lên cầu thang.
“Mẹ vào đi,” Hilde nói, cô đang đọc đoạn ông thầy trực tiếp nói chuyện với Sophie từ trên đồi Acropolis. Ông trông giống hệt bố của Hilde: “bộ râu đen tỉa gọn gàng” và chiếc mũ nồi xanh.
“Chúc mừng sinh nhật, Hilde!”
“À…vâng.”
“Hilde?”
“Mẹ cứ để đấy cho con.”
“Con không định…?”
“Mẹ thấy đấy, con đang học mà.”
“Thử nghĩ mà xem, con 15 tuổi rồi đấy.”
“Mẹ đã đến Athens bao giờ chưa ạ?”
“Chưa, sao con hỏi vậy?”
“Thật lạ, những ngôi đền cổ vẫn còn đứng đó. Chúng đã 2500 năm tuổi rồi. À mà ngôi đền lớn nhất là Nơi Của Trinh Nữ.”
“Con đã mở quà của bố rồi à?”
“Quà nào ạ?”
“Con phải nhìn lên nào, Hilde! Con đang mụ mẫm vì đọc đấy.”
Hilde thả cho cái cặp lớn trượt vào lòng.
Mẹ đang đứng, tay bưng một chiếc khay. Trên khay là những cây nến đang cháy, bánh mì tròn quết bơ với xa-lát tôm, và nước ngọt. Còn có một cái gói nhỏ nữa. Mẹ đứng ngượng nghịu với lá cờ kẹp nách vì cả hai tay còn bận bê cái khay.
“Ôi, con cảm ơn mẹ. Mẹ tuyệt quá, nhưng quả thực là con đang bận”
“Đến tận một giờ chiều con mới phải đến trường mà.”
Đến giờ Hilde mới nhớ ra mình đang ở đâu. Mẹ cô đặt khay lên cái bàn cạnh giường.
“Con xin lỗi mẹ. Con mải mê với cái này quá.”
“Bố viết cái gì vậy, Hilde? Mẹ cũng mù tịt chẳng kém gì con. Hàng tháng nay chẳng moi được câu nào có nghĩa từ bố con.”
Không hiểu vì sao, Hilde bỗng cảm thấy ngường ngượng. “À, chỉ là một câu chuyện thôi mà.”
“Một câu chuyện?”
“Vâng, một câu chuyện. Và một cuốn lịch sử triết học. Hay cái gì đại loại như vậy.”
“Con có định mở quà của mẹ bây giờ không?”
Hilde không muốn tỏ ra không công bằng, nên cô mở ngay gói quà của mẹ. Đó là một chiếc vòng tay bằng vàng.
“Ôi, đẹp quá! Con cảm ơn mẹ!”
Hilde nhảy xuống khỏi giường và ôm chầm lấy mẹ.
Hai mẹ con ngồi trò chuyện một lát.
Rồi Hilde nói: “Con phải đọc tiếp đây, mẹ ạ. Lúc này ông ta đang đứng trên đỉnh Acropolis.”
“Ai cơ?”
“Con không biết. Sophie cũng thế. Vấn đề là ở chỗ đó.”
Cuối cùng thì mẹ cô cũng xuống cầu thang. Ông thầy triết học của Sophie cũng vậy. Ông đi xuống những bậc thang của Acropolis, sau đó đứng trên đồi Areopagos, lát sau, ông xuất hiện ở quảng trường cổ Athens.
Hilde rùng mình khi những toà nhà cổ bất chợt nhô lên từ đống đổ nát. Một trong những ý tưởng ruột của bố là kêu gọi tất cả các nước thuộc Liên hợp quốc hợp tác xây dựng lại một bản sao chính xác của quảng trường Athens. Đó sẽ là diễn đàn cho các cuộc thảo luận triết học và cả các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Ông cảm thấy rằng một dự án vĩ đại cỡ đó sẽ thắt chặt tình đoàn kết thế giới. “Xét cho cùng thì chúng ta cũng đã thành công trong việc xây dựng những dàn khoan dầu và tên lửa lên mặt trăng.”
Rồi cô đọc về Plato “Linh hồn khao khát được bay về nhà, về với thế giới ý niệm trên đôi cánh của tình yêu. Nó mong được giải thoát khỏi xiềng xích của thể xác…”
Sophie đã chui qua hàng giậu và đi theo Hermes, nhưng con chó đã chạy thoát. Sau khi đọc về Plato, cô đã đi sâu vào rừng và đến ngôi nhà nhỏ màu đỏ bên bờ hồ. Trong nhà treo một bức tranh về Bjerkely. Theo như miêu tả thì thấy đó rõ ràng là Bjerkely của Hilde. Nhưng còn có cả bức chân dung của một người có tên là Berkeley. “Thật kỳ lạ!”
Hilde đặt tập giấy nặng chịch xuống giường và đến giá sách, cô tra tên của ông trong cuốn từ điển bách khoa toàn thư ba tập mà cô được tặng vào sinh nhật lần thứ 14. Đây rồi – Berkeley!
Berkeley, Geogre, 1685-1753, Triết gia người Anh, giám mục địa phận Cloyne. Phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật chất bên ngoài tâm thức con người. Tri giác giác quan của chúng ta bắt nguồn từ Chúa Trời. Tác phẩm chính: Khảo luận về các Nguyên lý của Tri thức con người [20] (1710).
Đúng là kỳ lạ thật. Hilde đứng nghĩ ngợi vài giây trước khi quay lại giường với tập giấy đánh máy.
Hiểu theo một cách nào đó, chính bố cô là người đã treo hai bức tranh đó lên tường. Liệu còn có mối quan hệ nào ngoài chuyện giống tên không? Berkeley là nhà triết học phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật chất bên ngoài tâm thức con nguời. Phải thừa nhận rằng điều này quả thật rất kỳ quặc. Nhưng phản bác tuyên bố đó cũng chẳng phải dễ. Như trường hợp của Sophie thì rất hợp lý. Xét cho cùng, bố của Hilde là người chịu trách nhiệm về các “tri giác giác quan” của cô ấy.
À mà, cô sẽ biết thêm nếu đọc tiếp. Hilde mỉm cười khi cô đọc đến đoạn Sophie phát hiện thấy bóng một cô gái trong gương nháy cả hai mắt. “Cô gái kia đã nháy mắt với Sophie như để nói rằng: Tôi nhìn thấy bạn, Sophie à. Tôi ở đây, ở phía bên kia của tấm gương.”
Sophie còn tìm thấy chiếc ví xanh ở căn nhà đỏ – cả tiền và những thứ khác! Nó làm thế nào mà đến được tận đó?
Ngốc nghếch thật! Trong khoảng một hai giây, Hilde đã thật sự tin rằng Sophie đã tìm thấy ví. Nhưng rồi cô thử tưởng tượng xem Sophie đã cảm thấy như thế nào về tất cả những chuyện này. Chắc là mọi thứ có vẻ rất kỳ lạ và bí hiểm.
Lần đầu tiên, Hilde cảm thấy một niềm mong muốn mạnh mẽ, cô muốn được trực tiếp gặp mặt Sophie. Cô muốn kể sự thật về toàn bộ những chuyện này.
Nhưng bây giờ Sophie phải ra khỏi được căn nhà trước khi bị bắt quả tang. Tất nhiên là chiếc thuyền đã bị trôi ra giữa hồ. (Bố cứ nhất định phải nhắc cô nhớ lại chuyện ngày xưa, thật quá đáng!)
Hilde uống một ngụm sô đa, cắn một miếng bánh trong khi đọc lá thứ về ngày Aristotle “tỉ mỉ”, người đã trích lý thuyết của Plato.
Aristotle chỉ ra rằng không có gì tồn tại trong ý thức mà trước đó chưa được trải nghiệm bằng các giác quan. Plato đã nói rằng không có gì tồn tại trong thế giới tự nhiên mà trước đó lại chưa có trong thế giới ý niệm. Aristotle cho rằng như thế là Plato đã “nhân đôi sự vật.”
Hilde bây giờ mới biết rằng Aristotle là người đã phát minh trò chơi “động vật, thực vật hay đất đá”.
Aristotle muốn dọn dẹp kỹ càng “căn phòng” thiên nhiên. Ông cố gắng chỉ ra rằng mọi vật trong thiên nhiên đều thuộc về các phạm trù và các phạm trù con khác nhau.
Khi đọc về quan điểm của Aristotle về phụ nữ, cô vừa bực tức vừa thất vọng. Cứ hình dung một nhà triết học lỗi lạc đến vậy mà cũng thật ngốc!
Aristotle đã làm Sophie nổi hứng dọn phòng. Và ở đó, cùng với những đồ đạc khác, Sophie đã tìm thấy chiếc tất trắng đã biến mất khỏi tủ quần áo của Hilde một tháng trước! Sophie cất tất cả những tập giấy nhận được từ Alberto vào một cái bìa kẹp. “Có tất cả hơn 50 trang”. Còn Hilde, cô đã đọc đến trang 124, nhưng ngoài thư từ của Alberto, cô còn có câu chuyện của Sophie nữa.
Chương tiếp theo là “Thời kỳ Hy Lạp hoá”. Đầu tiên, Sophie tìm thấy một tấm bưu ảnh có hình một chiếc xe jeep Liên hợp quốc, đóng dấu bưu điện của tiểu đoàn Liên hợp quốc ngày 15 tháng 6. Một trong số những tấm bưu thiếp cho Hilde mà bố cô đã đặt vào trong câu chuyện thay vì gửi bưu điện.
Hilde yêu quí. Bố đoán vẫn đang là ngày sinh nhật 15/6 của con. Hay đã là buổi sáng hôm sau? Dù sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến món quà của con. Theo một nghĩa nào đó, nó sẽ bền lâu suốt đời. Nhưng bố muốn chúc mừng sinh nhật con lần nữa. Có lẽ con hiểu vì sao bố gửi cho Sophie. Bố chắc chắn là bạn ấy sẽ chuyển chúng cho con.
TB. Mẹ nói con bị mất ví. Bố hứa sẽ bù cho con 150 cu-ron. Con có thể xin một cái thẻ sinh viên khác ở trường, trước khi họ nghỉ hè. Bố yêu con.
Tốt thật! Vậy là cô sẽ có thêm 150 cu- ron. Có lẽ bố nghĩ là chỉ món quà cây nhà lá vườn thì chưa đủ.
Vậy có vẻ 15 tháng Sáu cũng là sinh nhật của Sophie. Nhưng lịch của Sophie mới đến giữa tháng Năm. Có lẽ đó là khi bố viết chương này, và bố đã đề lùi ngày tháng vào “tấm thiệp sinh nhật” cho Hilde. Nhưng khổ thân Sophie chạy đến siêu thị để gặp Joanna.
Hilde là ai? Tại sao bố của Hilde lại gần như cho rằng hiển nhiên Sophie sẽ tìm thấy cô ta? Dù sao cũng thật điên rồ khi gửi bưu ảnh cho Sophie thay vì gửi thẳng cho con gái mình.
Cũng như Sophie, Hilde gần như đuợc nâng lên tới các thiên cầu khi cô đọc về Plotinus.
Tôi tin rằng có một cái gì đó huyền bí và thần thánh trong tất cả những gì hiện hữu. Ta có thể thấy chúng lấp lánh trong một bong hoa hướng dương hay một bông hoa anh túc. Ta cảm nhận được điều kỳ diệu này rõ ràng hơn từ một con bướm vẫy cánh bay lên từ một cành cây – hoặc một chú cá vàng bơi tung tăng trong bể kính. Nhưng ta ở gần Chúa nhất trong linh hồn mình. Chỉ ở đó, ta mới có thể hoà tan vào làm một với điều huyền diệu vĩ đại của cuộc sống. Thực tế, tại những khoảnh khắc hiếm hoi, ta có thể cảm thấy ta chính là điều huyền diệu thần thánh đó.
Đây là đoạn văn nghe ngây ngất nhất mà Hilde đã đọc từ đầu và đến giờ. Nhưng nó lại là đoạn giản dị nhất. Mọi thứ đều là một, và cái “duy nhất” này là điều huyền diệu thần thánh mà tất cả cùng chia sẻ.
Đây không hẳn là một điều gì đó mà ta cần tin. Nó là như vậy, Hilde nghĩ. Như vậy mỗi người có thể đọc cái mà họ muốn trong từ “thần thánh”.
Cô nhanh chóng chuyển sang chương sau, Sophie và Joanna đi cắm trại vào đêm trước ngày Quốc khánh 17 tháng Năm. Họ tìm đường đến căn nhà ông thiếu tá…
Đọc được vài trang thì Hilde tức tối tung chăn, cô ra khỏi giường và bắt đầu đi đi lại lại, tay cầm chặt tập giấy.
Đây chắc là mánh thô nhất mà cô từng biết đến! Trong căn nhà nhỏ giữa rừng, bố để hai cô bé tìm thấy bản sao của tất cả những tấm thiệp mà ông đã gửi Hilde trong hai tuần đầu của tháng Năm. Và tất cả bản sao nguyên văn Hilde đã từng đọc đi đọc lại chính những dòng đó, cô có thể nhận ra từng chữ một.
Hilde yêu quí, bố sắp nổ tung bởi những bí mật dành cho sinh nhật của con, đến nỗi mỗi ngày mấy lần bố phải kiềm chế không gọi điện về nhà và kể hết mọi chuyện. Nó càng ngày càng lớn. Và con biết đấy, khi một cái gì đó càng ngày càng lớn thì rất khó giữ nó cho riêng mình.
Sophie nhận được một bài học mới từ Alberto về người Do Thái, người Hy Lạp và hai nền văn hoá lớn. Hilde thích có được cái nhìn toàn cảnh như thế này về lịch sử. Cô chưa bao giờ được học cái gì tương tự ở trường. Ở đó, cô chỉ được học chi tiết và chi tiết. Giờ đây, cô đã nhìn Jesus và đạo Ki Tô dưới một ánh sáng hoàn toàn mới.
Cô rất thích lời trích dẫn của Goethe: “Kẻ nào không biết rút ra những bài học của ba nghìn năm, kẻ đó chỉ sống lần hồi qua ngày.”
Chương tiếp theo bắt đầu bằng một tấm thiệp dính trên cửa sổ bếp nhà Sophie. Tất nhiên, đó là một tấm thiệp mừng sinh nhật mới của Hilde.
Hilde yêu quí, không biết khi con đọc tấm bưu ảnh này thì có còn đang là sinh nhật của con nữa không. Bố hy vọng là vẫn còn, hay ít nhất là mới chỉ ít ngày sau sinh nhật của con. Một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Bố sẽ về đến nhà vào lễ Hội Mùa Hè, khi đó, bố con mình có thể ngồi cùng nhau hàng giờ trong cái tàu lượn và nhìn ra biển, Hilde à. Chúng ta có thật nhiều chuyện để nói…
Rồi Alberto gọi điện cho Sophie, và đây là lần đầu tiên cô được nghe giọng của ông.
“Thầy nói nghe như chiến tranh ấy.”
“Đáng ra tôi nên gọi đó là một trận chiến của ý chí. Chúng ta sẽ phải thu hút sự chú ý của Hilde và kéo cô ấy về phía ta trước khi cha cô ấy về nhà ở Lillesand.”
Và rồi Sophie gặp Alberto hoá trang như một thầy tu thời Trung Cổ trong ngôi nhà thờ đá thế kỷ XII.
Ôi không! Nhà thờ! Hilde nhìn đồng hồ. Một giờ mười lăm…Cô đã quên cả thời gian. Có lẽ chuyện nghỉ học vào ngày sinh nhật cũng không quan trọng lắm. Nhưng thế có nghĩa là các bạn cùng lớp sẽ không mừng sinh nhật cùng cô. Ôi dào, cô lúc nào chẳng nhận được bao nhiêu là lời chúc tốt đẹp rồi.
Chẳng mấy chốc, cô thấy mình như đang nghe một bài giảng đạo dài. Alberto vào vai thầy tu thời Trung Cổ chẳng khó khăn gì. Khi đọc truyện Sophie đã linh hiện trước Hildegard, Hilde lại lần nữa tra từ điển bách khoa. Nhưng lần này cô chẳng tìm thấy Sophie hay Hildegard. Đoán không sai! Cứ động đến một câu hỏi về phụ nữ hay cái gì đó liên quan đến phụ nữ thì từ điển bách khoa lại có nhiều thông tin chẳng kém một cái miệng núi lửa trên Mặt Trăng. Hay là nó bị Hội Bảo vệ Nam giới kiểm duyệt?
Hildegard xứ Bingen là một nhà thuyết giáo, tác giả, thầy thuốc, nhà thực vật học, và nhà sinh học. Có lẽ bà là “một ví dụ về thực tế rằng phụ nữ thường có đầu óc thực tiễn hơn, thậm chí khoa học hơn, ngày cả ở thời Trung Cổ.”
Nhưng trong từ điển bách khoa không có một chữ nào về bà. Thật đáng hổ thẹn!
Sophie chưa bao giờ nghe ai nói rằng Chúa có “mặt nữ tính”, hay về “mẹ thiên nhiên”. Tên bà có vẻ là Sophia, nhưng có vẻ như là bà ấy không đáng tốn mực in.
Mục gần nhất mà cô có thể tìm thấy trong từ điển là về nhà thờ Santa Sophia, nghĩa là Sự Uyên bác Thần thánh. Nhưng chẳng có gì nói về chuyện nó mang nữ tính. Phải chăng đó cũng là kết quả của việc kiểm duyệt?
Còn không, chắc chắn là Sophie đã xuất hiện trước Hilde. Cô lúc nào cũng tưởng tượng về một cô gái với mái tóc thẳng…
Khi Sophie về nhà sau khi đã ở nhà thờ Thánh Mary gần hết buổi sáng, cô đứng trước tấm gương đồng mà cô đã mang từ căn nhà trong rừng về.
Cô ngắm những nét sắc sảo trên khuôn mặt tái nhợt bao quanh bởi mái tóc bất trị không chịu theo bất kì kiểu tóc nào ngoại trừ kiểu tự nhiên của chính nó. Nhưng đằng sau bóng cô lại là ảo ảnh của một cô gái khác.
Bất chợt cô gái kia nháy mắt rối rít bằng cả hai mắt, như thể muốn ra hiệu rằng cô ta quả thực ở trong đó, ở phía bên kia. Ảo ảnh chỉ kéo dài vài giây rồi biến mất.
Đã bao lần Hilde đứng trước gương như thể đang tìm kiếm ai đó ở bên kia tấm kính? Nhưng bố làm thế nào mà biết được? Chẳng phải cô đã tìm kiếm một người phụ nữ tóc đen? Chẳng phải cụ nội đã mua tấm gương từ một người đàn bà Di-gan? Hilde cảm thấy đôi tay đang cầm sách run run. Cô có cảm giác rằng Sophie quả thực tồn tại ở đâu đó, “ở phía bên kia”.
Bây giờ Sophie đang mơ về Hilde và Bjerkely, Hilde không thể nhìn thấy hay nghe thấy cô – nhưng rồi Sophie tìm thấy sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá của Hilde trên đầu cầu. Và sợi dây chuyền với tên của Hilde khắc trên đó nằm trên giường của Sophie khi cô tỉnh giấc!
Hilde cố gắng lục lọi trong trí nhớ. Cô đã đánh mất cả sợi dây chuyền nữa ư? Cô đến bên bàn trang điểm và lấy hộp nữ trang. Chiếc dây chuyền gắn thánh giá – món quà bà nội tặng nhân lễ rửa tội không có trong đó.
Vậy là cô đã đánh mất nó thật. Thôi được, nhưng làm thế nào mà bố biết được trong khi chính cô còn chưa biết?
Còn một chuyện nữa, Sophie hình như đã mơ thấy bố Hilde từ Lebanon về nhà. Nhưng còn một tuần nữa bố mới về. Giấc mơ của Sophie là giấc mơ tiên tri chăng? Có phải ý của bố cô là khi ông về nhà, bằng cách nào đó Sophie cũng sẽ ở đây? Ông đã viết rằng Hilde sẽ có một người bạn mới…
Trong một ảo ảnh thoáng qua nhưng rõ ràng tuyệt đối, Hilde nhận thấy rằng Sophie không chỉ là mực và giấy. Cô ấy thực sự tồn tại.