… những chất liệu làm nên giấc mơ…
Mấy ngày liền, Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto, nhưng chốc chốc cô lại liếc mắt ra vườn, hy vọng thấy bóng Hermes. Cô bảo mẹ rằng con chó đã tìm thấy đường về nhà, và cô đã được người chủ nó, một cựu giáo viên vật lý, mời vào chơi. Ông đã kể với Sophie về Hệ Mặt Trời và môn khoa học mới đã phát triển vào thế kỷ XVI.
Cô kể cho Joanna nhiều hơn. Cô kể tất cả về cuộc viếng thăm Alberto, tấm bưu ảnh trong hộp thư, và đồng 10 cu-ron cô nhặt được trên đường về nhà. Cô giữ lại giấc mơ về Hilde và sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá cho riêng mình.
Thứ Ba, 29 tháng Ba, Sophie đang đứng rửa bát trong bếp. Mẹ cô đã vào phòng khách để xem bản tin thời sự. Khi đoạn nhạc dạo đầu chìm dần, từ trong bếp, cô nghe thấy rằng một thiếu tá thuộc tiểu đoàn Liên hợp quốc của Na Uy đã bị giết bởi một mảnh đạn.
Sophie quẳng khăn lau bát xuống bàn và lao vào phòng khách. Cô chỉ vừa kịp nhìn thoáng khuôn mặt người sĩ quan Liên hợp quốc trong vài giây trước khi bản tin chuyển sang tin tức khác.
“Ôi không!” cô kêu lên.
Mẹ cô quay lại.
“Ừ, chiến tranh là một thứ kinh khủng!”
Sophie bật khóc.
“Kìa Sophie, không đến nỗi thế đâu!”
“Người ta có nói tên của ông ta không ạ?”
“Có, nhưng mẹ không nhớ. Ông ta là nguời vùng Grimstad, mẹ nghĩ thế.”
“Không phải Lillesand chứ ạ?”
“Không, con đang suy nghĩ ngốc nghếch gì thế.”
“Nhưng nếu một người sinh ra ở Grimstad, người đó cũng có thể đi học ở Lillesand.”
Cô đã nín khóc, bây giờ đến lượt mẹ cô phản ứng. Bà đứng dậy và tắt TV.
“Chuyện gì xảy ra thế, Sophie?”
“Chẳng có gì cả.”
“Có đấy. Con có bạn trai, và mẹ bắt đầu nghĩ là anh ta già hơn con rất nhiều. Trả lời mẹ nào: Con quen với một người đàn ông ở Lebanon à?”
“Không, không hẳn…”
“Con đã gặp con trai của ai đó ở Lebanon?”
“Không, con chưa. Con còn chưa gặp được con gái của ông ấy.”
“Con gái của ai?”
“Chuyện này không liên quan đến mẹ đâu.”
“Mẹ nghĩ là có đấy.”
“Có lẽ con nên bắt đầu đặt câu hỏi vậy. Tại sao bố chẳng bao giờ ở nhà? Có phải vì mẹ không dám ly dị không? Có thể mẹ có bồ và mẹ không muốn bố và con biết chuyện, vân vân và vân vân. Chính con cũng có cả một đống câu hỏi.”
“Mẹ nghĩ là mình cần nói chuyện.”
“Có lẽ thế. Nhưng bây giờ con mệt lắm, con muốn đi nằm. Và con sắp đến kỳ kinh nguyệt.”
Cô chạy lên phòng; cảm thấy mình muốn khóc.
Vừa chui vào giường nằm cuộn tròn trong chăn thì mẹ cô vào phòng.
Sophie giả bộ đang ngủ, dù cô biết mẹ chẳng tin. Tuy nhiên, mẹ cô làm như tin cô đang ngủ. Bà ngồi xuống giường và vuốt tóc con gái.
Sophie thầm nghĩ: thật rắc rối phức tạp khi phải sống hai cuộc đời một lúc. Cô bắt đầu mong khoá triết học chóng kết thúc. Có lẽ nó sẽ kết thúc vào ngày sinh nhật của cô – hoặc ít nhất là ngày Hội Mùa Hè, khi bố của Hilde từ Lebanon trở về nhà…”
“Con muốn tổ chức tiệc sinh nhật.” Cô bỗng nói.
“Tuyệt! Con sẽ mời những ai?”
“Rất nhiều người… có được không ạ?”
“Tất nhiên rồi. Nhà mình có vườn rộng. Hy vọng đến hôm đó trời vẫn đẹp.”
“Con muốn tổ chức vào tối ngày Hội Mùa Hè.”
“Được rồi.”
“Đó là một ngày rất quan trọng,” Sophie nói, cô không chỉ nghĩ đến ngày sinh của mình.
“Chắc chắn rồi.”
“Con cảm thấy là dạo này con đã lớn lên nhiều.”
“Thế thì rất tốt, phải không nào?”
“Con cũng không biết nữa.”
Sophie vẫn vùi mặt trong gối trong khi nói. Giờ thì mẹ cô nói “Sophie, con phải kể cho mẹ xem tại sao dạo này con lại có vẻ mất thăng bằng đến vậy.”
“Hồi mẹ 15 tuổi, mẹ không giống con sao?”
“Có thể. Nhưng con hiểu mẹ muốn nói gì.”
Sophie chợt quay đầu về phía mẹ cô. “Con chó tên là Hermes”. Cô nói.
“Thế à?”
“Chủ của nó là một người đàn ông tên là Alberto.”
“Ừ”
“Ông ấy sống ở Khu phố Cổ.”
“Con đi với con chó suốt cả từng ấy đường?”
“Việc đó chẳng có gì nguy hiểm cả.”
“Con bảo rằng con chó hay đến đây?”
“Con đã nói như vậy à?”
Giờ thì cô phải suy tính. Cô muốn kể càng nhiều càng tốt, nhưng không thể kể tất cả.
“Mẹ hầu như chẳng bao giờ ở nhà,” cô đánh liều.
“Mẹ quá bận việc mà.”
“Alberto và Hermes đã đến đây rất nhiều lần.”
“Để làm gì? Họ có vào nhà không?”
“Mẹ hỏi từng câu một thôi. Họ chưa lần nào vào nhà. Nhưng họ thường đi dạo trong rừng. Như thế có bí hiểm lắm không?”
“Không, không hề.”
“Họ đi ngang qua cổng nhà mình như tất cả những người đi dạo khác. Một hôm, khi đi học về, con đã nói chuyện với con chó. Thế là con quen Alberto.”
“Thế còn chuyện con thỏ trắng và những thứ linh tinh khác?”
“Alberto đã nói về những chuyện đó. Ông ấy là một nhà triết học thực thụ. Ông đã kể cho con về tất cả các nhà triết học.”
“Chỉ đơn giản là nói chuyện qua hàng rào thôi à?”
“Ông ấy còn viết thư cho con, thực ra là rất nhiều lần. Thỉnh thoảng ông ấy gửi qua bưu điện, khi lại bỏ thẳng vào hộp thư trên đường đi dạo.”
“Thì ra đó chính là “bức thư tình” mà mẹ con mình đã nói đến.”
“Chỉ có điều đó không phải là thư tình.”
“Ông ta chỉ viết về triết học thôi à?”
“Vâng, mẹ có thể tưởng tượng được không! Con đã học được từ ông ấy nhiều hơn cả những gì con đã học trong tám năm đến trường. Thí dụ, mẹ có biết về Giordano Bruno, người đã bị thiêu sống năm 1600, hay về Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton không?”
“Không, có nhiều thứ mẹ không biết.”
“Con cá là mẹ thậm chí còn không biết tại sao Trái Đất quay quanh Mặt Trời – và nó là hành tinh của chính mẹ!”
“Ông ta khoảng bao nhiêu tuổi?”
“Con chịu – có lẽ khoảng 50.”
“Nhưng ông ấy liên quan gì đến Lebanon?”
Khó thật. Sophie cố nghĩ. Cô chọn câu chuyện dễ nghe nhất.
“Alberto có một người em là thiếu tá trong tiểu đoàn Liên hợp quốc. Ông ấy sống ở Lillesand. Có lẽ ông ấy chính là ông thiếu tá đã từng sống ở căn nhà nhỏ trong rừng.”
“Cái tên Alberto nghe hơi kỳ kỳ nhỉ?”
“Chắc thế.”
“Nghe như tiếng Ý.”
“À, gần như tất cả những gì quan trọng đều bắt nguồn từ Hy Lạp hoặc Ý.”
“Nhưng ông ta nói tiếng Na Uy đấy chứ?”
“Ồ vâng, rất nhuần nhuyễn.”
“Con biết không, Sophie – mẹ nghĩ là con nên mời Alberto đến nhà mình chơi một hôm. Mẹ chưa bao giờ gặp một nhà triết học thực sự.”
“Để rồi con xem thế nào.”
“Có lẽ mình có thể mời ông ấy đến dự sinh nhật của con. Già trẻ lẫn lộn có khi sẽ vui đấy. Nếu thế thì mẹ cũng có thể dự nữa. Ít nhất mẹ cũng có thể giúp chuyện phục vụ ăn uống. Ý kiến đó được đấy chứ?”
“Nếu ông ấy muốn. Dù sao thì nói chuyện với ông ấy cũng thú vị hơn là tán dóc với bọn con trai cùng lớp. Chỉ có điều…”
“Gì cơ?”
“Bọn nó có thể tức lên và cho rằng Alberto là bạn trai mới của con.”
“Thế thì con chỉ cần bảo là không phải như vậy.”
“Mình sẽ phải tính xem đã.”
“Ừ, mình sẽ tính. À Sophie này, đúng là chuyện giữa bố và mẹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhưng chưa bao giờ có ai khác…”
“Con phải đi ngủ bây giờ. Con đau bụng lắm.”
“Con có cần uống một viên aspirin không?”
“Có ạ, mẹ lấy cho con với.”
Khi mẹ cô quay lại với viên thuốc và một cốc nước thì Sophie đã ngủ thiếp.
Ngày 31 tháng Năm là thứ Năm. Sophie khổ sở ngồi cho qua giờ học buổi chiều ở trường. Từ khi bắt đầu khóa triết học, cô trở nên khá hơn trong một số môn học. Thường thì điểm số của cô cho hầu hết các môn đã khá tốt. Nhưng gần đây, điểm của cô còn cao hơn nữa, chỉ trừ môn toán.
Tiết cuối cùng, thầy trả bài. Chủ đề Sophie đã chọn là “Con người và Công nghệ”. Cô đã viết rất nhiều về thời Phục Hưng và bước đột phá khoa học, quan điểm mới về thiên nhiên, và Francis Bacon, người đã nói rằng tri thức là sức mạnh. Cô đã rất cẩn thận viết rõ rằng phương pháp thực nghiệm đã xuất hiện trước các phát triển công nghệ. Rồi cô viết về một số thứ thuộc về công nghệ nhưng không được tốt lắm đối với xã hội. Cô kết thúc bằng một đoạn viết về thực tế rằng mọi việc người ta làm đều có thể được dùng cho điều thiện và điều ác. Thiện và ác cũng như một sợi chỉ trắng và một sợi chỉ đen cũng bện thành một sợi duy nhất. Đôi khi chúng bện vào nhau chặt đến mức không thể gỡ ra được.
Khi thầy trả vở bài tập, ông nháy mắt với Sophie.
Cô được điểm A và lời phê: “Em học những điều này từ đâu vậy?”. Khi thầy vẫn đứng đó, cô lấy bút chì ra viết một dòng chữ in hoa lên mép vở: EM ĐANG HỌC TRIẾT HỌC.
Khi cô gập vở lại, có cái gì đó rơi ra từ bên trong. Đó là một tấm bưu ảnh từ Lebanon:
Hilde yêu quí. Khi con đọc những dòng này, thì bố con mình đã nói chuyện qua điện thoại về cái chết bi thảm ở đây. Đôi khi bố tự hỏi nếu trước kia người ta đã suy nghĩ kỹ hơn một chút thì có tránh được cuộc chiến tranh này hay không. Có lẽ phương thuốc tốt nhất chống lại bạo lực sẽ là một khóa học ngắn về triết học.
Một “cuốn sách triết học nhỏ của Liên hợp quốc” thì sao nhỉ? Mỗi công dân mới của thế giới sẽ được tặng một bản bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Bố sẽ đề xuất ý tưởng này với Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Qua điện thoại, con kể là con đã tiến bộ trong việc sắp xếp đồ đạc của mình. Bố rất mừng, vì con là người bừa bãi nhất mà bố từng gặp. Rồi con kể là từ lần nói chuyện trước, con chỉ đánh mất duy nhất một đồng 10 cu-ron. Bố sẽ giúp con tìm thấy nó. Tuy bố ở xa, nhưng bố có người giúp đỡ ở nhà. (Nếu tìm thấy tiền bố sẽ để nó vào quà sinh nhật cho con.) Yêu con nhiều. Bố cảm thấy như mình đã bắt đầu chuyến đi dài về nhà.
Sophie vừa đọc xong tấm bưu ảnh thì chuông tan học vang lên. Suy nghĩ của cô lại rối loạn.
Joanna đang đợi dưới sân trường. Trên đường về, Sophie mở cặp và cho Joanna xem tấm bưu ảnh mới nhất.
“Nó đóng dấu bưu điện ngày nào vậy?” Joanna hỏi.
“Có lẽ là ngày 15 tháng Sáu…”
“Không, xem này…30/5/90.”
“Đó là hôm qua… một ngày sau cái chết của người thiếu tá ở Lebanon.”
“Tớ nghi ngờ chuyện một tấm bưu ảnh từ Lebanon có thể tới đây trong vòng một ngày,” Joanna nói.
“Nhất là lại với cái địa chỉ khá kỳ quặc: Hilde MØller Knag, c/o Sophie Amundsen, trường cấp hai Furulia…”
“Cậu có cho rằng nó đến bằng đường bưu điện không? Và thầy vừa nhét nó vào quyển vở của cậu?”
“Chịu. Tớ còn không biết tớ có dám hỏi câu đó không nữa.”
Họ không nói gì thêm về tấm bưu ảnh.
“Tớ sẽ tổ chức một bữa tiệc trong vườn vào đêm Hội Mùa Hè,” Sophie nói.
“Mời bọn con trai đến?”
Sophie nhún vai. “Mình không phải mời cả những thằng ngốc nhất.”
“Nhưng cậu sẽ mời Jeremy chứ?”
“Nếu cậu muốn. Nhân tiện, tớ sẽ mời Alberto Knog.”
“Cậu điên à!”
“Ừ.”
Cuộc trò chuyện chỉ đi đến đây trước khi họ chia tay gần siêu thị.
Về đến nhà, việc đầu tiên là Sophie nhìn xem Hermes có trong vườn không. Kia rồi, nó đang đánh hơi quanh mấy cây táo.
“Hermes!”
Con chó đứng lặng một giây. Sophie biết chính xác những gì xảy ra trong giây đồng hồ đó: con chó nghe tiếng gọi, nhận ra giọng cô, và quyết định nhìn xem cô có ở đó không. Tiếp đến, nhìn thấy Sophie, nó bắt đầu chạy về phía cô. Cuối cùng thì cả bốn chân nó vung liến thoắng như những cái dùi trống.
Đó thực ra khá là nhiều thứ trong một giây.
Nó lao tới, vẫy đuôi rối rít, và chồm lên liếm mặt cô.
“Khôn lắm, Hermes! Yên nào, yên nào. Mày làm bẩn hết tao rồi. Ngồi xuống! Thế!”
Sophie vào nhà. Sherekan nhảy ra khỏi bụi rậm chạy đến. Nó rất không thích kẻ lạ mặt. Sophie lấy thức ăn cho mèo, đổ kê vào cốc cho mấy con vẹt, lấy một lá xà lách cho rùa, và viết một mẩu giấy nhắn cho mẹ.
Cô viết rằng cô đưa Hermes về và sẽ về nhà lúc 7 giờ.
Họ bắt đầu đi xuyên thành phố. Lần này Sophie nhớ đem theo tiền. Cô tự hỏi không biết mình có nên đi xe buýt cùng Hermes hay không, và quyết định là cô nên đợi để hỏi Alberto thì hơn.
Cuốc bộ theo sau Hermes, cô nghĩ về chuyện một con vật thực chất là cái gì.
Có những gì khác nhau giữa một con chó và một con người? Cô nhớ lại lời của Aristotle. Ông nói rằng người và động vật đều là sinh vật sống của tự nhiên với rất nhiều đặc điểm chung. Nhưng có một điểm khác biệt rõ rệt giữa người và động vật, đó là lý tính của con người.
Ông ta làm thế nào để biết chắc được điều đó?
Democritus thì khác, ông cho rằng người và vật đều khá giống nhau vì cùng cấu tạo từ các nguyên tử. Và ông không cho rằng người hay vật có linh hồn bất tử. Theo ông, linh hồn cấu tạo từ các nguyên tử mà khi người ta chết đi chúng sẽ rải vào trong gió. Ông ta là một trong số những người nghĩ rằng linh hồn của một con người gắn bó không rời với bộ não.
Nhưng linh hồn cấu tạo từ các nguyên tử sao được? Linh hồn đâu phải cái mà ta có thể sờ thấy như các phần khác của cơ thể. Nó là cái gì đó “thuộc về tinh thần”.
Họ đã đi qua Quảng trường Chính và đang đến gần Khu phố Cổ. Khi họ đến vỉa hè nơi Sophie đã tìm thấy đồng tiền, cô máy móc nhìn xuống mặt đường. Và ở đó, chính nơi cô đã cúi xuống nhặt đồng tiền , có một tấm bưu ảnh với mặt có ảnh ngửa lên trên. Bức ảnh có hình một khu vườn trồng cọ và cam.
Sophie cúi xuống nhặt. Hermes bắt đầu gầm gừ như thể nó không thích Sophie đụng đến tấm bưu ảnh.
Tấm bưu ảnh viết:
Hilde yêu quí. Cuộc sống là một chuỗi dài những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không phải hoàn toàn không thể xảy ra chuyện đồng 10 cu-ron con đánh mất lại xuất hiện tại chính chỗ này. Có thể một cụ già đã tìm thấy nó trên quảng trường ở Lillesand, lúc đó cụ đang đợi xe buýt đến Kristiansand, cụ đi tàu đến thăm cháu, và nhiều giờ, nhiều giờ sau, cụ đánh rơi đồng tiền đó tại đây, trên Quảng trường Mới. Sau đó, hoàn toàn có khả năng là chính đồng tiền đó đã được một cô bé tìm thấy, cô đang rất cần nó để đi xe buýt về nhà. Con chẳng bao giờ có thể biết được, Hilde à. Nhưng nếu sự thực quả là như vậy thì người ta chắc chắn phải đặt câu hỏi liệu có quyền năng của Chúa ở đằng sau mọi chuyện. Yêu con nhiều, Bố – người mà hồn đang ngồi trên cầu tàu trước nhà ở Lillesand.
T.B. Bố đã nói là bố sẽ giúp con tìm đồng 10 cu-ron.
Phần địa chỉ ghi: “Hilde MØller Knag, c/o một người qua đường…”. Dấu bưu điện đóng ngày 15/6/90.
Sophie chạy lên thang theo sau Hermes. Alberto vừa mở cửa, cô nói ngay:
“Tránh đường! Người đưa thư đây.”
Cô thấy mình có đầy đủ lý do để bực tức. Alberto đứng tránh sang bên khi cô xông vào. Hermes lại đến nằm dưới đám mắc áo như lần trước.
“Ngài thiếu tá vừa trình một tấm danh thiếp nữa hả bé?”
Sophie nhìn lên và thấy ông đang mặc một bộ trang phục khác. Ông đội một bộ tóc giả vừa dài vừa xoăn, chiếc áo vét lùng thùng với một đống đăng-ten, quàng quanh cổ là một chiếc khăn lụa lòe loẹt. Bên ngoài áo vét là một cái áo choàng đỏ. Ông còn đi tất trắng và một đôi giày da mỏng có nơ. Bộ trang phục làm Sophie nhớ đến những bức tranh cô đã xem về triều đình của vua Louis XIV.
“Đúng là hề!” cô nói và đưa tấm bưu ảnh cho ông.
“Hừm… và quả thực em đã nhặt được đồng tiền tại chính nơi mà ông ta đã đặt tấm bưu ảnh này?”
“Chính xác”
“Ông ta càng ngày càng thô thiển. Nhưng có lẽ thế cũng tốt.”
“Tại sao ạ?”
“Như vậy sẽ dễ lật mặt ông ta hơn. Nhưng cái trò này vừa tự cao vừa tự đại vừa nhạt nhẽo. Nó gần như bốc mùi nước hoa rẻ tiền.”
“Nước hoa?”
“Nó cố tỏ ra trang nhã nhưng thật ra lại là đồ giả mạo. Em có thấy ông ta trơ tráo đến mức đi so sánh sự giám sát tồi tàn của mình đối với chúng ta với quyền năng của Chúa không?”
Ông giơ tấm bưu ảnh lên rồi xé thành từng mảnh nhỏ. Để tránh làm ông thêm tức tối, Sophie quyết định không nhắc đến tấm bưu ảnh đã rơi ra từ quyển vở của cô.
“Ta hãy vào và ngồi xuống. Mấy giờ rồi nhỉ?”
“Bốn giờ.”
“Hôm nay chúng ta sẽ nói về thế kỷ XVII.”
Họ vào phòng khách , nơi có những bức tường nghiêng và cửa sổ trời. Sophie nhận thấy Alberto đã đặt những đồ vật khác vào chỗ của mấy thứ cô đã nhìn thấy lần trước.
Trên bàn nước là một cái hộp cổ đựng một bộ các kiểu mắt kính. Bên cạnh là một cuốn sách đã mở sẵn, trông nó rất cũ kỹ.
“Cái gì đấy ạ?” Sophie hỏi.
“Đây là ấn bản đầu tiên của cuốn sách gồm các bài luận triết học của Descartes được xuất bản năm 1637, trong đó có nguyên bản bài Phương pháp Luận nổi tiếng. Một trong những tài sản quí giá nhất của tôi.”
“Thế còn cái hộp?”
“Nó đựng một bộ thấu kính độc đáo – còn gọi là kính quang học. Spinoza, một nhà triết học người Hà Lan, đã mài chúng vào khoảng giữa những năm 1600. Chúng cực kỳ đắt tiền và cũng là một trong những báu vật giá trị nhất của tôi.”
“Chắc em sẽ hiểu rõ giá trị của chúng hơn nếu em biết Descartes và Spinoza là ai.”
“Tất nhiên rồi. Nhưng trước hết, ta hãy làm quen với thời kỳ của họ đã. Em ngồi xuống.”
Họ ngồi y như lần trước. Sophie trên ghế bành và Alberto trên đi văng. Giữa họ là cái bàn nước với quyển sách và hộp kính. Alberto tháo bộ tóc giả và đặt lên bàn viết.
“Ta sẽ nói về thế kỷ XVII – hay ta thường gọi là thời kỳ Baroque.”
“Thời Baroque? Cái tên lạ thật!”
“Từ ‘baroque’ bắt nguồn từ một từ được dùng để chỉ cho một viên ngọc trai có hình thù không đều. Sự bất qui tắc chính là đặc điểm của nghệ thuật Baroque. Thời này, nghệ thuật phong phú, đa dạng, nhiều thể đối lập hơn so với nghệ thuật hài hòa dễ hiểu của thời Phục Hưng. Cả thế kỷ XVII được đặc trưng bởi sự căng thẳng giữa những lực lượng đối lập không thể dung hòa được. Một bên là chủ nghĩa lạc quan Phục Hưng không suy giảm – bên kia lại có nhiều người tìm kiếm thái cực ngược lại: đời sống tôn giáo ẩn dật và khổ hạnh. Cả trong nghệ thuật và đời thường, ta gặp những hình thức tự biểu thị lòe loẹt phô trương, trong khi cũng lúc đó nổi lên một phong trào tu hành quay lưng lại với thế giới.”
“Nói cách khác là các cung điện kiêu hãnh và những tu viện hẻo lánh.”
“Đúng, em có thể nói như vậy. Một trong số những châm ngôn được ưa chuộng thời Baroque là thành ngữ Latin ‘carpe diem’ – ‘hãy nắm lấy thời gian’. Một thành ngữ Latin khác đã được trích dẫn rộng rãi là ‘memento mori’, nghĩa là ‘hãy nhớ rằng ta sẽ phải chết’. Trong nghệ thuật, một bức tranh có thể mô tả một cuộc sống vô cùng xa hoa, với một cái đầu lâu nhỏ vẽ ở góc tranh.
“Theo nhiều nghĩa, thời Baroque được đặc trưng bởi sự phù hoa hay khoa trương giả tạo. Nhưng cùng lúc đó, có rất nhiều người quan tâm đến mặt bên kia của đồng xu; họ quan tâm đến bản chất phù du của sự vật. Đó là thực tế rằng, mọi vẻ đẹp xung quanh chúng ta một ngày nào đó sẽ biến mất.”
“Đúng vậy. Thật buồn khi nhận ra rằng chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi.”
“Em nghĩ giống hệt như nhiều người của thế kỷ XVII. Thời Baroque còn là một thời kỳ của các mâu thuẫn chính trị. Châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh. Tồi tệ nhất là Chiến tranh Ba mươi năm hoành hành trên gần như toàn bộ lục địa từ năm 1618 đến năm 1648. Thực ra, đó là một chuỗi các cuộc chiến tranh đã gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho nước Đức. Nhờ không ít vào kết cục của Chiến tranh Ba mươi năm, Pháp dần dần trở thành thế lực chi phối Châu Âu.”
“Những cuộc chiến tranh đó về cái gì vậy?”
“Chủ yếu là chiến tranh giữa Kháng Cách và Công giáo. Nhưng chúng cũng liên quan đến các thế lực chính trị nữa.”
“Ít nhiều giống như ở Lebanon, thầy nhỉ.”
“Bên cạnh chiến tranh, thế kỷ XVII còn là thời kỳ của sự phân biệt giai cấp. Tôi dám chắc em đã nghe nói về tầng lớp quý tộc Pháp và triều đình Versailles. Nhưng tôi không rõ em đã được nghe mấy về sự nghèo đói của nhân dân Pháp hay chưa. Nhưng nói tới sự phô trương của những gì nguy nga tráng lệ cũng là nói đến sự phô trương của quyền lực. Người ta thường nói rằng hoàn cảnh chính trị thời Baroque không khác với kiến trúc và nghệ thuật của thời này. Các tòa nhà kiểu Baroque được đặc trưng bởi nhiều ngóc ngách trang trí công phu. Theo một kiểu có phần tương tự, hoàn cảnh chính trị cũng có điển hình là những vụ âm mưu, mánh khóe và ám sát.”
“Có phải một ông vua Thụy Điển đã bị bắn chết trong nhà hát không ạ?”
“Chắc em đang nghĩ về vua Gustav III, một ví dụ tốt về những gì tôi đang nói đến. Vụ ám sát Gustav III xảy ra vào tận năm 1792, nhưng hoàn cảnh thời đó khá là baroque. Ông bị giết khi đang tham dự một vũ hội hóa trang lớn.”
“Em lại tưởng ông ta đang ở nhà hát.”
“Vũ hội hóa trang lớn đó được tổ chức tại nhà hát Opera. Ta có thể nói rằng thời kỳ Baroque ở Thụy điển kết thúc tại vụ ám sát Gustav III. Vào thời ông đã có một điều luật về ‘chế độ chuyên chế Khai Sáng’, giống như điều luật tương tự trong triều đại Louis XIV gần một trăm năm trước. Gustav III còn là một người vô cùng phù phiếm, ông ngưỡng mộ mọi nghi lễ và cung cách cư xử kiểu Pháp. Ông cũng say mê nghệ thuật sân khấu…”
“…và ông ta chết vì nó.”
“Đúng, nhưng sân khấu thời Baroque không chỉ là một hình thức nghệ thuật. Nó còn là biểu tượng thông dụng nhất của thời gian.”
“Biểu tượng của cái gì ạ?”
“Của cuộc đời, Sophie à. Tôi không biết trong thế kỷ XVII đã bao lần người ta nói rằng ‘Cuộc đời là một sân khấu’. Dù sao thì người đã rất hay nói như vậy. Thời Baroque đã khai sinh ra nghệ thuật kịch hiện đại – với đủ loại hình thức phông màn và thiết bị sân khấu. Trong nhà hát, người ta xây dựng một ảo tưởng trên sân khấu – để cuối cùng phơi bày rằng vở kịch trên sân khấu chỉ là một ảo tưởng. Như vậy, nghệ thuật sân khấu đã trở thành một phản ánh của cuộc sống con người nói chung. Nghệ thuật sân khấu có thể cho thấy ‘lòng kiêu ngạo đến trước sự sa ngã’, và thể hiện một chân dung tàn nhẫn của những nhược điểm của con người.”
“Có phải Shakespeare sống trong thời Baroque không ạ?”
“Ông viết những vở kịch vĩ đại nhất vào khoảng năm 1600, như vậy ông đứng với một chân trong thời Phục Hưng và chân kia trong thời Baroque. Các tác phẩm của Shakespeare mang đầy những đoạn nói về cuộc đời giống như một sân khấu. Em có muốn nghe một vài đoạn không?”
“Có ạ.”
“Trong vở As You Like It, ông viết:
Cả thế gian là một sân khấu,
Nơi cả đàn ông, đàn bà chỉ là các diễn viên,
Họ ra, vào.
Suốt cuộc đời mỗi người đóng nhiều vai diễn.
“Và trong vở Macbeth, ông nói:
Đời chỉ là một cái bóng ngang qua,
Diễn viên tồi khệnh khạng đóng trò trên sân khấu,
Và rồi yên lặng; chỉ là câu chuyện phiếm,
Đầy âm thânh và cuồng nộ, kể bởi một thằng đần,
Chẳng nghĩa lý gì.”
“Nghe bi quan quá!”
“Ông đã bị ám ảnh bởi sự ngắn ngủi của cuộc sống. Chắc hẳn em đã biết câu nổi tiếng của Shakespeare?”
“Tồn tại hay không tồn tại – đó là câu hỏi.”
“Đúng rồi, đó là lời của Hamlet. Một ngày kia, ta còn đang đi loanh quanh trên trái đất, và hôm sau, ta đã chết và tan biến mãi mãi.”
“Cảm ơn thầy, em hiểu rồi.”
“Khi không so sánh cuộc sống với một sân khấu, các nhà thơ thời Baroque lại so sánh cuộc sống với một giấc mơ. Chẳng hạn, Shakespeare đã viết: “Ta chỉ là những mẩu vụn giấc mơ, đời bé mọn cơn mê tròn vẹn….” [14]
“Nghe thơ thật.”
“Một nhà viết kịch người Tây Ban Nha tên là Calderón de la Barea, sinh năm 1600, đã viết một vở kịch có tên ‘Đời là một giấc mơ’, trong đó ông nói: ‘Đời là gì? Một sự điên rồ. Đời là gì? Một ảo tưởng , một cái bóng, một câu chuyện, và điều tốt đẹp vĩ đại nhất cũng chỉ là nhỏ bé, vì cả cuộc đời chỉ là một giấc mộng…”
“Có thể ông ta nói đúng. Chúng em đã đọc một vở kịch ở trường. Vở kịch tên là ‘Jeppe trên núi’.”
“Ừ, của Ludvig Holbeg. Ông ta là một tên tuổi lớn của vùng Scandinavia, ngừơi đánh dấu sự chuyển đổi từ thời Baroque sang thời kỳ Khai Sáng.”
“Jeppe ngủ thiếp đi trong một cái lều…. và thức dậy trên giường của ngài lãnh chúa. Thế là anh ta nghĩ mình đã nằm mơ là một tá điền nghèo khổ. Rồi khi anh ta ngủ lại, người ta đem anh về lại căn lều cũ. Và anh thức dậy. Lần này, anh ta nghĩ rằng mình đã nằm mơ được nằm trên giường lãnh chúa.”
“Holbeg đã mượn chủ đề này từ Calderón, và Calderón mượn từ những câu chuyện cổ tích Arab Nghìn lẻ một đêm. Tuy nhiên, việc so sánh cuộc đời với một giấc mơ là một chủ đề đã có từ rất xưa trong lịch sử, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Chẳng hạn, Trang tử, một bậc hiền nhân cổ của Trung Quốc, đã nói rằng: Một lần ta nằm mơ ta là bướm, hay ta là một con bướm đang nằm mơ là Trang tử.”
“Đằng này hay đằng kia thì cũng đều không thể chứng minh được.”
“Ở Na Uy, ta cũng có một nhà thơ Baroque tài năng tên là Petter Dass. Ông đã sống từ năm 1647 đến năm 1707. Một mặt, ông quan tâm đến việc miêu tả cuộc sống như nó hiện có. Mặt khác, ông nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Trời là vĩnh cửu và bất biến.”
“Chúa vẫn là Chúa nếu mặt đất bỏ hoang, Chúa vẫn là Chúa nếu loài người chết hết.”
“Nhưng ông cũng dùng chính giai điệu đó khi viết về cuộc sống nông thôn ở miền Bắc Na Uy – và về cá bướu, cá tuyết, và cá than. Đây chính là nét điển hình Baroque, miêu tả trong cùng một văn cảnh cái trần tục, cái tức thời – và cái siêu phàm, cái mai sau. Tất cả gợi lại sự phân biệt của Plato giữa thế giới cụ thể của các tri giác và thế giới bất biến của các ý niệm.”
“Thế còn triết học của họ thì thế nào ạ?”
“Cả triết học cũng mang tính cách của cuộc đấu tranh mãnh liệt giữa hai lối suy nghĩ hoàn toàn đối lập. Như tôi đã nói, một số nhà triết học tin rằng về bản chất, những gì hiện hữu đều thuộc về tinh thần. Quan điểm này được gọi là chủ nghĩa duy tâm. Quan điểm đối ngược được gọi là chủ nghĩa duy vật, nghĩa là trường phái triết học cho rằng mọi thứ có thật đều hình thành từ vật chất cụ thể. Chủ nghĩa duy vật cũng được nhiều người ủng hộ trong thế kỷ XVII. Có lẽ nhân vật quan trọng nhất là nhà triết học người Anh Thomas Hobbes. Ông tin rằng mọi vật, trong đó có con người và động vật, đều cấu tạo chỉ từ các hạt vật chất. Kể cả ý thức – hay linh hồn – của con người cũng hình thành từ vận động của các hạt nhỏ xíu trong bộ nào.”
“Vậy là ông ta đồng ý với những gì Democritus đã nói hai nghìn năm trước?”
“Cả duy tâm và duy vật đều là các chủ đề mà em sẽ gặp trong suốt lịch sử triết học. Nhưng hiếm khi cả hai quan điểm cùng được thể hiện rõ ràng như trong thời Baroque. Chủ nghĩa duy vật liên tục được nuôi dưỡng bởi các ngành khoa học mới. Newton đã chứng tỏ các định luật chuyển động áp dụng cho toàn bộ vũ trụ, và rằng mọi thay đổi trong thế giới tự nhiên – cả trên Trái Đất và trong không gian – đều được giải thích bằng các nguyên lý về vạn vật hấp dẫn và chuyển động của các vật thể.
“Như vậy, mọi thứ đều bị chi phối bởi những qui luật không thể phá vỡ – hay bởi cùng cơ chế. Do vậy, theo nguyên tắc, có thể tính toán mọi thay đổi trong tự nhiên với độ chính xác toán học. Và Newton đã hoàn chỉnh cái mà ta gọi là thế giới quan cơ giới.”
“Ông ấy tưởng tượng thế giới là một cái máy lớn ạ?”
“Quả thật là có. Đáng chú ý là cả Newton và Hobbes đều không thấy bất cứ mâu thuẫn nào giữa hình dung cơ giới về thế giới và đức tin vào Chúa Trời. Nhưng các nhà duy vật thế kỷ XVIII , XIX thì không như vậy. Vào thế kỷ XVIII, nhà triết học và bác sĩ người Pháp La Mettrie đã viết một cuốn sách nhan đề L’homme machine, nghĩa là ‘Con người – cỗ máy’. Chân dùng các cơ để đi lại, cũng như vậy, bộ não dùng các ‘cơ’ để suy nghĩ. Sau đó, nhà toán học người Pháp Laplace đã diễn đạt một quan niệm cơ giới cực độ với tư tưởng này: Nếu tại một thời điểm nào đó, một trí thông minh biết được vị trí của tất cả các hạt vật chất, thì ‘không có cái gì là không biết được, cả quá khứ và tương lai sẽ trải rộng trước mắt’. Tư tưởng ở đây là mọi chuyện xảy ra đều đã được tiên định. Quan niệm này gọi là thuyết quyết định.”
“Vậy thì chẳng có gì gọi là ý chí tự do à?”
“Không, mọi thứ đều là sản phẩm của các quá trình cơ giới – kể cả ý nghĩ và những giấc mơ của chúng ta. Các nhà duy vật người Đức ở thế kỷ XIX đã tuyên bố rằng mối quan hệ của nước tiểu với thận, và của mật với gan.”
“Nhưng nước tiểu và mật là vật chất. Còn ý nghĩ thì không!”
“Em đã nắm được trọng tâm ở chỗ đó. Tôi có thể kể cho em nghe câu chuyện về một điều tương tự. Một lần, một phi công vũ trụ Nga và một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Nga bàn luận về tôn giáo. Người bác sĩ phẫu thuật là tín đồ Ki Tô giáo còn ngừơi phi công thì không. Người phi công nói, ‘Tôi đã ra ngoài không gian rất nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy Chúa Trời hay các thiên thần.’ Và nhà phẫu thuật trả lời, ‘Còn tôi đã mổ rất nhiều bộ não thông minh nhưng tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy một ý nghĩ nào.’”
“Điều đó không chứng minh rằng ý nghĩ không tồn tại.”
“Chính thế. Ngược lại, nó nhấn mạnh thực tế rằng các ý nghĩ không phải là cái mà có thể được phẫu thuật hay chia thành các mảnh nhỏ hơn. Thí dụ, chẳng dễ gì có thể cắt bỏ một ảo tưởng bằng phẫu thuật. Nó mọc quá sâu để có thể phẩu thuật được. Một nhà triết học quan trọng khác của thế kỷ XVII tên là Leibniz đã chỉ ra rằng sự khác biệt giữa vật chất và tinh thần chính là ở chỗ vật chất có thể được chia thành các phần nhỏ hơn, còn linh hồn thì thậm chí chia làm đôi cũng không được.”
“Chia thế nào được, theo thầy thì nên dùng loại dao mổ nào cho việc đó?”
Alberto chỉ lắc đầu. Lát sau, ông chỉ xuống cái bàn giữa hai người rồi nói:
“Hai nhà triết học vĩ đại nhất của thế kỷ XVII là Descartes và Spinoza. Họ cũng trăn trở với các câu hỏi như mối quan hệ giữa ‘linh hồn’ và ‘thể xác’, và bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn về họ.”
“Bắt đầu đi thầy. Nhưng em sẽ phải có mặt ở nhà lúc 7 giờ.”