Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới của Sophie

Chương 28: Hegel

Tác giả: Jostein Gaader
Thể loại: Triết Học

… Cái tồn tại là cái hợp lý…

Hilde thả chiếc cặp giấy dày rơi uỵch xuống sàn. Cô ngả người xuống giường, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Dòng suy nghĩ của cô hỗn loạn.

Giờ thì bố quả thực đã làm đầu óc cô quay cuồng. Bố tệ thật! Không thể ngờ được!

Sophie đã cố nói chuyện trực tiếp với cô. Cô ấy đã đề nghị cô nổi dậy chống lại bố mình. Và cô ấy thực sự đã làm nảy mầm một ý tưởng trong đầu Hilde. Một kế hoạch…

Sophie và Alberto không thể đụng đến một sợi tóc trên đầu ông, nhưng Hilde thì có thể. Và qua Hilde, Sophie có thể với tới bố Hilde.

Cô công nhận với Sophie và Alberto rằng ông đã đi quá xa trong trò chơi về những cái bóng. Ngay cả nếu Sophie và Alberto chỉ là do ông phịa ra, ông cũng chỉ nên cho phép mình phô trương quyền lực trong một giới hạn nào đó mà thôi.

Sophie và Alberto thật đáng thương! Đứng trước trí tưởng tượng của ông, họ không có chút khả năng tự vệ nào, chẳng khác gì màn ảnh đối với máy chiếu phim.

Hilde nhất định phải cho bố mình một bài học khi ông về nhà! Cô đã có thể hình dung ra phác thảo của một kế hoạch tuyệt hay.

Cô đứng dậy và nhìn ra ngoài vịnh. Đã gần hai giờ. Cô mở cửa sổ và gọi về phía nhà thuyền.

“Mẹ ơi!”

Mẹ cô ló ra.

“Khoảng một tiếng nữa con sẽ mang bánh mì kẹp xuống, được không ạ?”

“Ừ.”

“Con phải đọc một chương về Hegel đã.”

Alberto và Sophie ngồi trên hai chiếc ghế bên cạnh cửa sổ hướng về phía hồ.

“Georg Wilhelm Friedrich Hegel là một đứa con chính thức của chủ nghĩa Lãng mạn, “Alberto bắt đầu. “Người ta gần như có thể nói rằng ông phát triển cùng tinh thần Đức khi nó tiến hoá dần dần tại nước Đức. Ông sinh năm 1770 tại Stuttgard và bắt đầu nghiên cứu thần học tại Tubingen năm 18 tuổi. Từ năm 1799, ông làm việc với Schelling tại Jena, đó là khi mà phong trào Lãng mạn đang ở giai đoạn phát triển bùng nổ nhất. Sau một thời kỳ làm giáo sư trợ giảng tại Jena, ông trở thành một giáo sư tại Heidelberg, trung tâm của Chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc Đức. Năm 1818, ông được cử làm giáo sư tại Berlin, đúng lúc thành phố đang trở thành trung tâm tinh thần của châu Âu. Ông mất vì bệnh tả năm 1831, nhưng trước đó, chủ nghĩa Hegel đã đạt được sự ủng hộ của rất nhiều người tại hầu hết các trường đại học ở Đức.”

“Vậy là ông ta đã được khối sân.”

“Đúng thế, và triết học của ông cũng vậy. Hegel đã thống nhất và phát triển hầu như tất cả các tư tưởng xuất hiện trong Lãng mạn. Nhưng ông cũng phê phán gay gắt nhiều nhà Lãng mạn chủ nghĩa, trong đó có Schelling.”

“Ông ấy đã chỉ trích điều gì ạ?”

“Schelling cũng như nhiều nhà Lãng mạn khác đã nói rằng ý nghĩa sâu xa của cuộc sống nằm ở trong cái mà họ gọi là “tinh thần thế giới”. Khi Hegel nói về “tinh thần thế giới” hay “lý tính thế giới”, ông muốn nói đến tổng tất cả các biểu đạt của loài người, và chỉ con người mới có một “tinh thần”.

“Theo nghĩa đó, ông có thể nói về sự tiến triển của “tinh thần thế giới” trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng ông đang nói đến cuộc sống của loài người, tư duy loài người và văn hoá của loài người.”

“Cái tinh thần này đỡ giống ma hơn hẳn. Nó không còn nằm chờ đợi như một “trí thông minh đang ngủ” trong những hòn đá và cây cỏ”.

“Giờ chắc em còn nhớ Kant đã nói về cái mà ông gọi là 'das Ding an sich'. Mặc dù ông phủ nhận quan niệm rằng con người có thể có chút nhận thức rõ ràng nào đó về những bí mật tận cùng của thiên nhiên, ông thừa nhận sự tồn tại của một loại 'chân lý' và do đó phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ 'chân lý' nào vượt ra ngoài lý tính của con người. Ông nói: mọi tri thức là trí thức của con người.”

“Ông ấy đã phải kéo các nhà triết học khác về lại với thực tại, đúng không ạ?”

“Đúng, có lẽ em có thể nói như vậy. Tuy nhiên triết học của Hegel rộng lớn và đa dạng đến mức đối với mục đích hiện nay, ta chỉ nên bằng lòng với việc điểm qua những khía cạnh chính. Thực ra, người ta không rõ có thể nói Hegel có 'triết học' của riêng ông hay không. Cái thường được biết với tên triết học Hegel chủ yếu chỉ là một phương pháp để hiểu sự tiến triển của lịch sử. Triết học Hegel không dạy ta điều gì về bản chất bên trong của cuộc sống, nhưng nó dạy ta cách suy nghĩ một cách hữu ích.”

“Điều đó không phải là không quan trọng.”

“Tất cả các hệ thống triết học trước Hegel có một điểm chung, đó là sự nỗ lực đặt ra các tiêu chí vĩnh cửu đối với những gì con người có thể biết về thế giới. Điều đó đúng với Descartes, Spinoza, Hume và Kant. Mỗi người đều cố gắng nghiên cứu nền tảng cả nhận thức của con người. Họ đều đưa ra những tuyên bố về yếu tố phí thời gian của tri thức con người về thế giới.”

“Đó chẳng phải công việc của một nhà triết học sao ạ?”

“Hegel không tin điều đó là có thể. Ông tin rằng nền tảng của nhận thức của con người thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, không có 'chân lý vĩnh cửu', không có lý tính thời gian. Điểm cố định duy nhất mà triết học có thể bám vào chính là lịch sử.”

“Chắc thầy phải giải thích thêm thôi. Lịch sử luôn thay đổi. Làm sao nó có thể là một điểm cố định được?”

“Một dòng sông cũng luôn thay đổi. Điều đó không có nghĩa là em không thể nói về nó. Nhưng em không thể nói nơi nào trong thung lũng là nơi mà dòng sông 'đúng' là dòng sông nhát.”

“Vâng, vì suốt dọc theo dòng sông, chẳng đoạn nào không phải là sông.”

“Cũng như thế đối với Hegel, lịch sử giống như một dòng sông đang chảy. Mọi chuyển động nhỏ xíu của nước tại một điểm nào đó trong dòng sông đều được quyết định bởi những thác nước và xoáy nước của thượng nguồn. Nhưng những chuyển động này còn được quyết định bởi đá và những khúc quanh ngay tại đoạn sông mà em đang quan sát.”

“Chắc là em hiểu rồi.”

“Và lịch sự của tư tưởng – hay của lý tính – cũng giống dòng sông này. Cách suy nghĩ của em được quyết định phần nào bởi các tư tưởng bị cuốn theo dòng chảy của truyền thống từ quá khứ, cũng như các điều kiện vật chất đang phổ biến trong hiện tại. Do đó, không bao giờ em có thể khẳng định rằng một tư tưởng cụ thể nào đó luôn luôn đúng. Nhưng tư tưởng đó có thể đúng nếu nhìn từ vị trí của em.”

“Điều đó không giống như câu nói rằng cái gì cũng vừa đúng vừa sai, phải không ạ?”

“Chắc chắn rồi, nhưng điều này hay điều kia có thể đúng hoặc sai trong quan hệ với một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nếu bây giờ em tuyên bố ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ thì bị coi là đồ ngốc đã là may mắn cho em lắm rồi. Nhưng 2500 năm trước, em sẽ không bị coi là ngu ngốc, mặc dù thời đó đã có những tiếng nói tiến bộ theo hướng xóa bỏ chế độ nô lệ. Nhưng ta có thể lấy ví dụ gần gũi hơn. Chưa đầy 100 năm trước, việc đốt một diện tích rừng lớn để lấy đất canh tác không bị coi là quá đáng. Nhưng ngày nay, việc đó là không thể chấp nhận được. Chúng ta có một cơ sở tốt hơn và hòan tòan khác cho những đánh giá đó.”

“Giờ thì em hiểu rồi.”

“Hegel chỉ ra rằng về mặt các suy tưởng triết học, lý tính cũng có tính động: thực ra, đó cũng là một quá trình. Và 'chân lý' chính là quá trình này, do không có tiêu chí nào vượt ra ngoài quá trình lịch sử mà lại có thể quyết định được cái gì là đúng nhất và hợp lý nhất.”

“Ví dụ ạ!”

“Em không thể tách ra một tư tưởng nào từ các thời Cổ Đại, Trung Cổ, Phục Hưng, hay thời kỳ Khai Sáng và tuyên bố rằng tư tưởng đó là đúng hay sai. Cũng như vậy, em không thể bảo rằng Plato sai và Aristotle đúng. Em cũng không thể nói rằng Hume sai, còn Kant và Schelling đúng. Đó là một cách suy nghĩ phản lịch sử.”

“Vâng, nói vậy nghe không thuận.”

“Thực ra, em không thể tách một nhà triết học hoặc một tư tưởng nào ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của nhà triết học hay tư tưởng đó. Nhưng – và ở đây tôi đến một điểm khác – vì luôn luôn có cái gì đó mới được bổ sung, nên lý tính có tính 'diễn tiến'. Nói cách khác, tri thức con người luôn luôn mở rộng và phát triển.”

“Có nghĩa là dù sao thì triết học của Kant cũng đúng hơn triết học của Plato?”

Đúng vậy. Tinh thần thế giới đã tiến triển từ Plato đến Kant. Và đó là điều tốt. Nếu ta quay lại với ví dụ về dòng sông, ta có thể nói rằng bây giờ dòng sông có nhiều nước hơn. Nó đã chảy hơn nghìn năm rồi. Chỉ có điều Kant không nên cho rằng những 'chân lý' của ông sẽ đứng mãi bên bờ sông như những tảng đá bất động. Các ý niệm của Kant cũng được nghiên cứ, và 'lý tính' của ông trở thành đề tài cho các phê phán của các thế hệ sau. Đó chính xác là những gì đã xảy ra.”

“Nhưng dòng sông mà thầy vừa nói…”

“Sao cơ?”

“Nó chảy đi đâu?”

“Hegel khẳng định rằng 'tinh thần thế giới' liên tục phát triển hướng về một tri thức không ngừng mở rộng về chính nó. Cũng như các dòng sông, càng đến gần biển chúng càng trở nên rộng hơn. Theo Hegel, lịch sử là câu chuyện về hành trình của 'tinh thần thế giới' dần dần tiến tới ý thức về bản thân. Mặc dù thế giới đã luôn luôn tồn tại, văn hóa và sự phát triển của lòai người đã làm tinh thần thế giới ngày càng có ý thức về giá trị thực của nó.”

“Làm sao ông ta có thể chắc chắn về điều đó như vậy?”

“Ông ta cho rằng là thực tế lịch sử. Đó không phải là lời tiên đoán. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử sẽ thấy rằng nhân loại đã tiến về phía 'sự tự thân phát triển' và 'trí thức tự thân' không ngừng mở rộng. Theo Hegel, nghiên cứu về lịch sử loài người cho thấy nhân loại đang tiến về tự do và sự hợp lý cao hơn. Mặc dù có những lúc quanh co, quá trình phát triển của lịch sử là có tính tiến bộ. Ta nói rằng lịch sử có mục đích.”

“Vậy là nó phát triển. Rõ rồi.”

“Đúng vậy. Lịch sử là một chuỗi dài các phản ánh. Hegel còn chỉ ra những quy luật nhất định áp dụng cho chuỗi các phản ánh này. Ai nghiên cứu sâu về lịch sử sẽ thấy một tư tưởng thường được đề xuất dựa trên các tư tưởng đã được đưa ra trước đó. Nhưng ngay khi một tư tưởng được đề xuất, nó sẽ bị phản bác bởi một tư tưởng khác. Một sự căng thẳng nảy sinh giữa hai lối tư duy độc lập. Nhưng căng thẳng sẽ được giải toả bằng sự đề xuất tư tưởng thứ ba – cái kết hợp những gì tốt nhất của cả hai quan điểm kia. Hegel gọi đây là một quá trình biện chứng.”

“Thầy ví dụ đi ạ.”

“Em chắc còn nhớ các nhà triết học tiền -Socrates thảo luận về câu hỏi về chất nguyên thuỷ và sự biến đổi?”

“Đại khái”

“Những nười theo học thuyết Eleatics cho rằng thực ra không thể có sự biến đổi. Do vậy, họ phải phủ nhận mọi biến đổi cho dù họ có thể ghi nhận các biến đổi qua các giác quan của mình. Những người Eleatic đã đề xuất một khẳng định, và Hegel gọi là lập trường như vậy là một chính đề.”

“Rồi sao nữa ạ?”

“Nhưng mỗi khi có một tuyên bố cực đoan đến vậy được đưa ra, một tuyên bố đối lập sẽ nảy sinh. Hegel gọi đây là một phủ định.Phủ định của triết học Eleatic là Heraclitus, người nói rằng mọi thứ đều biến đổi. Bây giờ nảy sinh căng thẳng giữa hai trường phái tư tưởng hoàn toàn trái ngược. Nhưng tình trạng căng thẳng này được giải toả khi Empedocles chỉ ra rằng cả hai tuyên bố đó vừa có phần đúng vừa có phần sai.”

“Vâng, giờ thì em nhớ ra rồi…”

“Những người Eleatic đã đúng khi nói rằng không có gì thực sự biến đổi, nhưng họ đã sai khi nhất quyết rằng chúng ta không thể tin vào các giác quan. Heraclitus đã đúng khi cho rằng chúng ta có thể tin vào các giác quan, nhưng không đúng khi khẳng định rằng mọi thứ đều biến đổi.”

“Bởi vì có nhều hơn một chất. Cái biến đổi là hợp chất chứ không phải chính các chất đó.”

“Đúng vậy, quan điểm của Empedocles – cái dẫn đến sự thoả hiệp giữa hai trường phái tư tưởng – là cái mà Hegel gọi là phủ định của phủ định.”

“Một thuật ngữ kinh khủng!”

“Ông còn gọi ba trạng thái của tri thức này là chính đề, phản đề và hợp đề. Ví dụ, em có thể nói rằng chủ nghĩa duy lý của Descartes là một chính đề, nó bị phủ nhận bởi phản đề là chủ nghĩa kinh nghiệm của Hume. Nhưng mâu thuẫn, hay sự căng thẳng giữa hai cách tư duy, đã được giải toả bởi hợp đề của Kant. Kant đồng ý với những người duy lý ở một số điểm và đồng ý với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa tại những điểm khác. Nhưng câu chuyện không kết thúc tại Kant. Hợp đề của Kant giờ lại trở thành xuất phát điểm cho một chuỗi phê phán, hay một 'bộ ba' khác. Bởi vì một hợp đề cũng sẽ bị phủ nhận bởi một phản đề mới.”

“Nghe lý thuyết quá!”

“Chắc chắn là lý thuyết rồi. Nhưng Hegel không coi đó là việc ép lịch sử vào một cái khung nào. Ông tin rằng chính lịch sử đã tự thể hiện mẫu hình biện chứng này. Do vậy, ông cho rằng ông đã tìm ra một số quy luật nhất định của sự phát triển của lý tính – hay của sự tiến triển của 'tinh thần thế giới' trong suốt lịch sử”.

“Lại nó nữa!”

“Nhưng phép biện chứng của Hegel không chỉ áp dụng được cho lịch sử. Khi thảo luận về đề tài gì, chúng ta cũng suy nghĩ theo kiểu biện chứng. Ta cố tìm lỗi trong các luận cứ. Hegel gọi đó là 'suy nghĩ tiêu cực'. Nhưng khi ta tìm được lỗi trong một luận cứ chính là khi ta gìn giữ những gì tốt nhất của luận cứ đó.”

“Ví dụ ạ!”

“Thế này, khi một người thuộc phe xã hội chủ nghĩa và người phe bảo thủ cùng ngồi giải quyết một vấn đề xã hôi, một sự căng thẳng sẽ nhanh chóng lộ ra giữa hai lối tư duy đối lập của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa người này tuyệt đối đúng và người kia hoàn toàn sai. Có thể là cả hai đều có phần đúng phần sai. Và thông thường, khi cuộc tranh luận tiến triển, những gì tốt nhất của cả hai luận cứ sẽ kết tinh.”

“Hy vọng thế.”

“Nhưng trong khi đang vật lộn trong một cuộc tranh luận như vậy, ta không dễ quyết định quan điểm nào hợp lý hơn. Trong chừng mực nào đó, lịch sử sẽ quyết định cái gì đúng cái gì sai. Cái hợp lý là cái có sức sống.”

“Bất kì cái gì sống sót đều đúng.”

“Hoặc ngược lại: cái đúng sẽ sống sót.”

“Thầy không có một chút xíu ví dụ ạ?”

“Một trăm năm mươi năm trước, có nhiều người đấu tranh cho nữ quyền. Cũng có nhiều người phản đối quyết liệt việc cho phụ nữ quyền bình đẳng. Ngày nay, khi ta đọc luận cứ của cả hai phía, ta dễ thấy bên nào có quan điểm 'hợp lý' hơn. Nhưng ta không được quên rằng ta đã có tri thức của thời đại sau, khi việc đã ngã ngũ. Tri thức đó 'chứng tỏ' những người đấu tranh vì quyền bình đẳng đã đúng. Không nghi ngờ gì, nhiều người chắc sẽ xấu hổ khi đọc được những gì người ông của mình đã viết về vấn đề quyền bình đẳng này.”

“Em cũng nghĩ vậy. Thế quan điểm của Hegel như thế nào ạ?”

“Về chuyện bình đẳng giới tính à?”

“Không phải chúng ta đang nói về chuyện đó à?”

“Em có muốn nghe một đoạn trích không?”

“Rất muốn ạ.”

“Ông ta đã nói: ' Sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới giống như giữa động vật và thực vật. Nam giới tương ứng với động vật, trong khi phụ nữ tương ứng với thực vật, vì sự phát triển của họ tĩnh lặng hơn và nguyên lý bên dưới đó là một thể thống nhất khá mơ hồ của cảm xúc. Khi phụ nữ lãnh đạo chính phủ, quốc gia lâm nguy ngay lập tức, bởi phụ nữ hành động không theo các đòi hỏi có tính chất toàn thể mà theo những chủ trương và khuynh hướng độc đoán. Như thể phụ nữ được giáo dục – ai mà biết bằng cách nào? – bằng việc hít thở các ý niệm và bằng cách sống chứ không phải bằng việc tích lũy kiến thức. Trong khi đó, vị thế nam tử chỉ có thể đạt được nhờ sự căng thẳng suy nghĩ và nhiều nỗ lực kỹ thuật.”

“Cảm ơn thầy, thế là quá đủ. Em không muốn nghe thêm bất kỳ tuyên bố nào như thế nữa.”

“Nhưng đó là một ví dụ rất ấn tượng để thấy quan điểm của người ta về chuyện cái gì là hợp lý luôn thay đổi. Nó cho thấy Hegel cũng chỉ là một đứa con của thời đại ông. Và chúng ta cũng vậy. Một số quan điểm 'hiển nhiên' của ta cũng sẽ không trụ được sự kiểm nghiệm của thời gian.”

“Thí dụ quan niệm nào ạ?”

“Tôi không có ví dụ nào.”

“Tại sao lại không ạ?”

“Vì khi đó tôi sẽ lấy ví dụ về cái hiện đã đang bị thay đổi. Chẳng hạn, tôi có thể nói rằng lái ô tô là chuyện ngu xuẩn vì ô tô làm ô nhiễm môi trường. Nhiều người đã nghĩ như vậy rồi. Còn lịch sử chứng minh rằng phần nhiều những gì ta cho là hiển nhiên sẽ không còn đứng vững dưới ánh sáng của lịch sử.”

“À vâng.”

“Ta còn có thể quan sát một sự việc khác. Chính số đông nam giới cùng thời Hegel, những người có thể xả ra những lời công kích thô thiển khó chấp nhận kiểu như vậy về sự thấp kém của phụ nữ, đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào phụ nữ.”

“Sao lại thế được?”

“Họ đã đưa ra một chính đề. Tại sao? Vì phụ nữ đã bắt đầu nổi dậy. Không cần phải có quan điểm về một điều mà ai cũng đồng ý. Và khi họ bày tỏ quan điểm về sự thấp kém của phụ nữ một cách càng thô bạo, sự phủ định sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.”

“Vâng, tất nhiên rồi.”

“Em có thể nói rằng phải chống lại những đối thủ mạnh mẽ là điều tốt nhất có thể xảy ra. Càng cực đoan, họ lại càng phải đối mặt với những phản ứng mãnh liệt hơn. Có một câu tục ngữ nói về chuyện “đổ thêm dầu vào lửa.”

“Cái lò lửa của em đã bắt đầu cháy mạnh hơn từ một phút trước rồi!”

“Từ quan điểm của triết học hoặc logic thuần tuý, giữa hai khái niệm thường sẽ nảy sinh một mối căng thẳng biện chứng.”

“Ví dụ ạ?”

“Nếu tôi nghĩ về khái niệm 'tồn tại', tôi bắt buộc sẽ phải nghĩ về khái niệm đối lập – khái niệm 'không tồn tại'. Em không thể nghĩ về sự tồn tại của em mà không nhận ra ngay rằng em không tồn tại mãi mãi. Căng thẳng giữa 'tồn tại' và 'không tồn tại' được phân giải bằng khái niệm 'trở thành'. Vì nếu cái gì đó đang trong quá trở thành, nó vừa tồn tại vừa không tồn tại.”

“Em hiểu.”

“Do đó, 'lý tính' của Hegel là logic động. Vì đặc điểm của thực tại là những sự đối lập nên miêu tả thực tại cũng phải đầy tương phản. Đây là một ví dụ khác: người ta kể rằng nhà vật lý hạt nhân người Đan Mạch Niels Bohr đã kể về chuyện Newton có một cái móng ngựa treo trước cửa chính nhà ông.”

“Cái đó để đem lại vận may.”

“Nhưng đó chỉ là điều mê tín, còn Newton thì chắc chắn không mê tín. Khi có người hỏi ông có thực sự tin vào những thứ kiểu đó hay không, ông trả lời. 'Không, tôi không tin, nhưng người ta bảo tôi rằng dù sao thì nó cũng có ích.'”

“Hay thật!”

“Nhưng câu trả lời của ông khá là biện chứng nếu xét về mặt đối lập. Cũng như nhà thơ Na Uy Vinje của chúng ta, Niels Bohr vốn nổi tiếng về sự mâu thuẫn trong tư tưởng, ông đã từng nói: Có hai loại chân lý. Có những chân lý bề mặt, những gì đối lập với chúng hiển nhiên sai. Nhưng còn có những chân lý thâm thuý mà điều ngược lại của chúng cũng đúng không kém.

“Đó có thể là loại chân lý nào ạ?”

“Chẳng hạn, nếu tôi nói rằng cuộc đời ngắn ngủi…”

“Em sẽ đồng ý với thầy.”

“Nhưng trong một hoàn cảnh khác, tôi có thể giang tay và nói rằng cuộc đời quả là dài.”

“Thầy nói đúng. Điều đó cũng đúng, theo một nghĩa nào đó.”

“Cuối cùng, tôi sẽ cho em một ví dụ khi một căng thẳng biện chứng có thể dẫn đến một hành động tự phát mà hành động này lại dẫn đến một thay đổi bất ngờ.”

“Thầy nói đi ạ.”

“Hãy hình dung một cô bé luôn trả lời mẹ bằng những lời Vâng, thưa mẹ… Dạ, thưa mẹ… Con sẽ làm ngay, thưa mẹ.”

“Nghe rùng cả mình.”

“Cuối cùng, mẹ cô bé tức phát điên vì sự ngoan ngoãn quá đáng của con gái, bà hét lên: Đừng có lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ thế nữa! Và cô bé trả lời: Vâng, thưa mẹ.”

“Em mà là bà mẹ thì em sẽ cho một cái tát.”

“Có thể. Nhưng em sẽ làm gì, nếu cô bé lại trả lời: Nhưng con muốn ngoan ngoãn như thế.”

“Đó là một câu trả lời kỳ cục. Có lẽ em vẫn cho một cái tát.”

“Nói cách khác, tình thế này bế tắc. Sự căng thẳng biện chứng đã đi đến một điểm mà cái gì đó phải xảy ra.”

“Như một cái tát vào mặt chẳng hạn?”

“Ở đây còn phải nói đến khía cạnh cuối cùng của triết học Hegel.”

“Em đang nghe.”

“Em còn nhớ ta đã nói rằng những người Lãng mạn là những người cá nhân chủ nghĩa không?”

“Con đường bí hiểm dẫn vào trong…”

“Chủ nghĩa cá nhân cũng đã gặp sự phủ định hay mặt đối lập của nó trong triết học Hegel. Hegel nhấn mạnh cái mà ông gọi là các quyền lực 'khách quan'. Trong các quyền lực này, Hegel nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, xã hôi dân sự và nhà nước. Em có thể nói rằng Hegel có phần hoài nghi về cá nhân. Ông tin rằng cá nhân là một phần hữu cơ của cộng đồng. Lý tính hay 'tinh thần thế giới' hiện ra trước hết và rõ ràng nhất trong sự tương tác giữa người và người.”

“Thầy giải thích rõ hơn đi ạ.”

“Lý tính thể hiện bản thân rõ nhất trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ là cái mà khi sinh ra chúng ta được đặt vào trong nó. Ngôn ngữ Na Uy chẳng hề hấn gì nếu không có ông Hansen, nhưng ông Hansen không thể sống thiếu ngôn ngữ Na Uy. Vậy, không phải cá nhân định hình ngôn ngữ mà chính ngôn ngữ định hình cá nhân.”

“Chắc vậy.”

“Cũng như khi một em bé được sinh ra trong một ngôn ngữ, em còn được sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử. Và không ai có được mối quan hệ 'tự do' với loại hoàn cảnh đó. Do đó, người nào không tìm được chỗ cho mình trong quốc gia thì người đó không thuộc về lịch sử. Chắc em còn nhớ đây đã từng là tư tưởng trung tâm của những triết gia lớn người Athens. Công dân không thể không có quốc gia cũng như quốc gia không thể không có công dân.”

“Rõ ràng.”

“Theo Hegel, quốc gia không chỉ là cá nhân một công dân. Hơn nữa, nó còn hơn cả tổng tất cả các công dân của quốc gia đó. Nên ông nói người ta không thể 'từ bỏ xã hôi'. Do đó, ai chỉ nhún vai trước xã hội mình đang sống trong đó và chỉ muốn 'tìm linh hồn của chính mình' thì sẽ bị chế nhạo.”

“Em không rõ có thể đồng ý hoàn toàn không, nhưng thôi thế cũng được.”

“Theo Hegel, không phải cá nhân tìm thấy chính mình mà là tinh thần thế giới.”

“Tinh thần thế giới tìm thấy chính mình?”

“Hegel nói rằng tinh thần thế giới quay về với bản thân qua ba giai đoạn. Nghĩa là quá trình nó trở nên có ý thức về bản thân trải qua ba giai đoạn.”

“Những giai đoạn nào ạ?”

“Trước hết, tinh thần thế giới ý thức được bản thân trong phạm vi cá nhân. Hegel gọi đây là tinh thần chủ quan. Tiếp theo, nó đạt tới mức độ nhận thức cao hơn, đó là gia đình, xã hội và quốc gia. Hegel gọi đây là tinh thần khách quan vì nó thể hiện trong mối quan hệ tương hỗ giữa người với người. Nhưng còn có một giai đoạn thứ ba…”

“Đó là gì ạ?”

“Tinh thần thế giới đạt đến hình thức cao nhất của sự tự nhận thức trong tinh thần tuyệt đối. Và tinh thần tuyệt đối này là nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Trong đó, triết học là hình thức cao nhất của tri thức, vì trong triết học, tinh thần tuyệt đối suy tưởng về ảnh hưởng của chính nó đối với lịch sử. Như vậy, tinh thần thế giới gặp gỡ bản thân lần đầu tiên trong triết học. Có lẽ, em có thể nói rằng triết học là tấm gương của tinh thần thế giới.”

“Vấn đề này thật khó hiểu, em cần thêm thời gian để suy nghĩ kỹ hơn. Nhưng em thích điều thầy vừa nói.”

“Điều gì cơ? Rằng triết học là tấm gương của tinh thần thế giới?”

“Vâng, nghe thật hay. Thầy có cho rằng nó có liên quan đến tấm gương đồng không ạ?”

“Vì em đã hỏi nên câu trả lời là có.”

“Nghĩa là sao ạ?”

“Tôi đoán tấm gương đó có một ý nghĩa đặc biệt nào đó vì nó cứ xuất hiện liên tục.”

“Chắc thầy cũng đoán được ý nghĩa đặc biệt đó là gì chứ ạ?”

“Không. Tôi chỉ nói rằng nếu nó không có ý nghĩa đặc biệt gì đối với Hilde và cha cô thì nó đã không được nhắc đến nhiều vậy. Ý nghĩa đó là gì thì chỉ Hilde mới biết.”

“Đó có phải sự châm biếm kiểu Lãng mạn không ạ?”

“Một câu hỏi vô vọng, Sophie à.”

“Tại sao ạ?”

“Vì chúng ta không phải là người tạo ra những chuyện này. Chúng ta chỉ là những nạn nhân rủi ro của trò châm biếm đó. Nếu một đứa trẻ con lớn tuổi vẽ cái gì đó lên một mảnh giấy, em không thể hỏi tờ giấy xem cái hình vẽ đó thực ra có nghĩa gì.”

“Thầy làm em rùng mình.”

Bình luận