Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới của Sophie

Chương 36: Vụ Nổ Lớn

Tác giả: Jostein Gaader
Thể loại: Triết Học

…chúng ta cũng là bụi của những ngôi sao…

Hilde chui vào ngồi cạnh bố trong tàu lượn. Đã gần nửa đêm. Họ ngồi nhìn ra vịnh. Vài ngôi sao le lói yếu ớt trên bầu trời vẫn còn sáng. Sóng nhẹ nhàng táp vào những hòn đá bên dưới cầu tàu.

Bố cô phá vỡ sự tĩnh lặng.

“Cảm giác thật lạ khi nghĩ rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh nhỏ xíu trong vũ trụ.”

“Vâng…”

“Trái Đất chỉ là một trong nhiều hành tinh đang xoay quanh mặt trời. Thế nhưng Trái Đất lại là hành tinh duy nhất có sự sống.”

“Có khi là duy nhất trong toàn vũ trụ?”

“Có thể. Nhưng cũng có thể là vũ trụ đầy sự sống. Vũ trụ rộng lớn một cách không thể hình dung được. Các khoảng cách cũng lớn đến mức ta phải đo bằng phút ánh sáng và năm ánh sáng.”

“Thực ra mấy thứ đó là gì ạ?”

“Phút ánh sánh là khoảng cách mà ánh sáng đi được trong thời gian một phút. Đó là một quãng đường rất dài, vì vận tốc ánh sáng trong không gian là 300.000km một giây. Nghĩa là một phút ánh sáng dài gấp 60 lần 300.000km – hay là 18 triệu km. Một năm ánh sáng dài gần 10 nghìn tỷ km.”

“Mặt Trời ở cách đây bao xa ạ?”

“Hơm tám phút một chút. Những tia nắng tháng Sáu sưởi ấm đôi má con đã đi trong không gian trong 8 phút trước khi đến được với chúng ta.”

“Bố nói tiếp đi…”

“Diêm vương tinh, hành tinh xa xôi nhất trong Hệ Mặt Trời, ở cách chúng ta khoảng 5 giờ ánh sáng. Khi một nhà thiên văn học nhìn Diêm Vương tinh qua kính viễn vọng, thực ra ông ta đang nhìn về 5 giờ đồng hồ trước trong quá khứ. Ta cũng có thể nói rằng hình ảnh của Diêm Vương tinh cần 5 tiếng để đến được đây.”

“Hơi khó hình dung, nhưng chắc là con hiểu.”

“Con hiểu được,Hilde ạ. Còn con người trên Trái Đất chúng ta mới chỉ bắt đầu xác định xem mình đang ở đâu. Mặt Trời của chúng ta là một trong 400 tỷ ngôi sao trong thiên hà mà chúng ta gọi là dải Ngân Hà. Thiên hà này trông giống như một cái đĩa lớn. Mặt trời của chúng ta nằm ở một trong các nhánh hình xoắn ốc. Khi nhìn lên bầu trời vào một đêm mùa đông trời trong, ta sẽ thấy một dải sao rộng. Đó là do ta đang nhìn về phía trung tâm Ngân Hà.”

“Có lẽ vì vậy nên trong tiếng Thụy Điển người ta gọi Ngân Hà là “con đường Mùa đông”.”

“Khoảng cách từ đây đến ngôi sao láng giềng gần nhất trong dải Ngân Hà là bốn năm ánh sáng. Có khi nó chính là ngôi sao phía trên hòn đảo đằng kia. Con thử tưởng tượng ngay lúc này có một “người ngắm sao” đang ngồi trên đó và nhìn thẳng về Bjerkeley bằng một kính thiên văn siêu mạnh. Anh ta sẽ nhìn thấy Bjerkeley bốn năm trước. Anh ta có thể sẽ thấy một cô bé mười một tuổi đang ngồi đong đưa chân trong cái tàu lượn.”

“Thật không thể tin được!”

“Đó mới chĩ là ngôi sao gần nhất. Toàn bộ thiên hà, hay ta còn gọi là tinh vân, rộng khoảng 90.000 năm ánh sáng. Đó cũng là một cách để mô tả thời gian cần thiết cho việc đi từ đầu này đến đầu lia dải thiên hà. Khi nhìn một ngôi sao trong dải Ngân Hà cách Mặt Trời chúng ta 50.000 năm ánh sáng thì ta đang nhìn quá khứ của 50.000 năm trước.”

“Quan niệm đó quá lớn đối với cái đầu bé tí của con.”

“Do đó, cách duy nhất để chúng ta nhìn vào không gian là nhìn về quá khứ. Ta không bao giờ có thể biết được hiện giờ vũ trụ ra sao. Ta chỉ biết rằng trước đây nó đã như thế nào. Khi nhìn một ngôi sao cách ta hàng nghìn năm ánh sáng, ta thật sự đang quay về hàng ngàn năm trước trong lịch sử của vũ trụ.”

“Hoàn tòan không thể hiểu được.”

“Nhưng tất cả những gì ta nhìn thấy đều tới mắt dưới dạng các sóng ánh sáng. Và các sóng ánh sáng này cũng cần thời gian để di chuyển trong không gian. Ta có thể so sánh nó với sấm. Bao giờ ta cũng nghe thấy sấm sau khi đã nhìn thấy chớp. Đó là vì sóng âm di chuyển chậm hơn sóng ánh sáng. Khi nghe thấy một tràng sấm rền là ta đang nghe tiếng của một cái gì đó đã xảy ra trước đó giây lát. Chuyện các ngôi sao cũng tương tự. Khi nhìn một ngôi sao cách xa hàng nghìn năm ánh sáng, ta đang nhìn một ‘tràng sấm’ của một sự kiện đã xảy ra ở ngôi sao đó hàng nghìn năm trước.”

“Giờ thì con hiểu rồi.”

“Nhưng đến giờ bố con mình mới chỉ nói về thiên hà của chúng ta. Các nhà thiên văn học nói rằng trong vũ trụ có khoảng một trăm tỷ thiên hà và mỗi thiên hà trong số đó có khoảng một trong tỷ ngôi sao. Ta gọi thiên hà gần Ngân Hà nhất là tinh vân Andromede. Nó nằm cách thiên hà của ta hai triệu năm ánh sáng. Nghĩa là ánh sáng từ thiên hà đó cần tới hai triệu năm để đến được đây. Vậy là khi nhìn tinh vân Andromede ở phía trên cao kia, ta đang nhìn về hai triệu năm trước. Và có một người ngắm sao thông minh trên thiên hà nó, thử tưởng tượng anh ta đang chĩa kính thiên văn về phía Trái Đất, anh ta sẽ không thể nhìn thấy bố con mình. May mắn lắm thì anh ta mới thấy được mấy anh chàng Neanderthal mặt bẹt.”

“Hay thật!”

“Cho đến nay, những thiên hà xa nhất mà người ta biết được nằm cách ta khoảng mười tỷ năm ánh sáng. Khi ta nhận tín hiệu từ những thiên hà này, ta đang quay về mười tỷ năm trước trong lịch sử vũ trụ. Hệ Mặt Trời của chúng ta mới chỉ tồn tại được khoảng một nửa thời gian đó.”

“Bố làm con chóng cả mặt.”

“Hiểu được chuyện mình nhìn về quá khứ đã là khó khăn, các nhà thiên văn học còn phát hiện ra môt thứ còn có ý nghĩa to lớn hơn nữa đối với bức tranh về thế giới của chúng ta.”

“Cái gì ạ?”

“Có vẻ như không có thiên hà nào ở yên một chỗ. Tất cả các thiên hà trong vũ trụ đều di chuyển ra xa nhau bằng tốc độ khổng lồ. Càng ra xa, chúng chuyển động càng nhanh. Nghĩa là khoảng cách giữa các thiên hà liên tục tăng lên.”

“Con đang cố hình dung điều đó.”

“Nếu con có một quả bóng bay chưa thổi và con vẽ các đốm đen lên trên quả bóng đó. Khi con thổi bóng, các đốm đen sẽ di chuyển ra xa nhau. Đó cũng là những gì đang xảy ra đối với các thiên hà trong vũ trụ. Người ta nói rằng vũ trụ đang nở ra.”

“Cái gì làm cho nó nở ra?”

“Hầu hết các nhà thiên văn học đồng ý với nhau rằng sự giãn nở của vũ trụ chỉ có thể có một lý do: Ngày xưa, khoảng 15 tỷ năm trước, tất cả vật chất trong vũ trụ đều tập trung trong một khu vực tương đối nhỏ. Mật độ vật chất lớn đến nổi lực hấp dẫn làm cho khối vật chất đó trở nên nóng khủng khiếp. Cuối cùng, nó nóng và bị nén chặt đến mức bị nổ tung. Ta gọi vụ nổ này là Vụ Nổ Lớn – Big Bang”

“Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ để con rùng cả mình.”

“Vụ Nổ Lớn làm mọi vật chất trong vũ trụ bị bắn đi tất cả các hướng. Và khi nguội dàn, nó đã hình thành các ngôi sao và các thiên hà, các mặt trăng và các hành tinh…”

“Nhưng con tưởng bố vừa nói là vũ trụ vẫn đang nở ra?”

“Đúng vậy, nó đang nở ra chính là do cái vụ nổ từ hàng tỷ năm trước này. Vũ trụ không có địa lý phi thời gian. Vũ trụ là một thứ đang xảy ra. Vũ trụ là một vụ nổ. Các thiên hà trong vũ trụ vẫn tiếp tục bay ra xa nhau bằng vận tốc tăng dần.”

“Chúng có di chuyển như thế mãi không ah?”

“Đó là một khả năng. Nhưng còn một khả năng khác. Con có nhớ Alberto đã kể cho Sophie về hai lực giữ các hành tinh trên quỹ đạo không đổi quanh mặt trời không?”

“Có phải đó là trọng lực vào quán tính không ạ?”

“Đúng đấy, những thứ đó cũng áp dụng cho các thiên hà. Vì tuy vũ trụ đang giãn ra nhưng lực hấp dẫn của các thiên hà lại hoạt động theo chiều ngược lại. Và một ngày nào đó trong một vài tỷ năm nữa, có thể lực hấp dẫn sẽ làm cho các thiên thể lại quay về với nhau khi lực của vụ nổ lớn bắt đầu yếu đi. Khi đó, ta sẽ có hiện tượng đảo ngược của vụ nổ, gọi là nổ ngược. Nhưng các khoảng cách lớn đến nổi nó sẽ xảy ra như một đoạn phim quay chậm. Con có thể so sánh nó với những gì xảy ra khi ta xì hơi một quả bóng bay.”

“Liệu rồi các thiên hà có bị kéo về phía nhau trong một cái nhân bị nén chặt nữa không ạ?”

“Có, con hiểu đúng rồi đấy! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?”

“Sẽ lại có một Vụ Nổ Lớn nữa. Và vũ trụ lại bắt đầu nở ra. Bỏi vì các quy luật tự nhiên đó vẫn hoạt động. Và thế là các ngôi sao và các thiên hà mới sẽ được hình thành.”

“Tư duy tốt! Các nhà thiên văn học cho rằng có hai viễn cảnh có thể xảy ra đối với tương lai của vũ trụ. Hoặc là các thiên hà ngày càng xa nhau, hoặc vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Khối lượng và kích thước của vũ trụ sẽ quyết định chuyện gì sẽ xảy ra. Và đây là điều mà các nhà thiên văn học chưa có cách nào biết được .”

“Nếu vũ trụ nặng đến mức rồi nó sẽ bắt đầu co lại, thì có khi nó đã co và giãn nhiều lần rồi.”

“Đó là một kết luận hiển nhiên. Tuy nhiên lý thuyết phân đôi tại điểm này. Có thể sự giãn nở của vũ trụ là một hiện tượng sẽ chỉ xảy ra một lần duy nhất này. Nhưng nếu nó vĩnh viễn giãn nở thì câu hỏi rằng tất cả đã được bắt đầu như thế nào lại càng trở nên cấp thiết.”

“Vâng, tất cả những thứ tự dưng nổ tung ấy là từ đâu ra ạ?”

“Đối với một người Ki Tô giáo, thật dễ dàng coi Vụ Nổ Lớn như là thời điểm của tạo hoá. Kinh Thánh viết rằng Chúa nói: ”Phải có ánh sáng!” Chắc con còn nhớ Alberto đã nhắc đến quan điểm “tuyến tính” của Ki To giáo về lịch sử. Nếu theo quan điểm của đức tin Ki Tô giáo về thời điểm tạo hoá thì nên hình dung về vũ trụ sẽ tiếp tục giãn nở.”

“Thật thế ạ?”

“Còn quan điểm của người phương Đông về lịch sử vũ trụ thì lại có tính “tùân hoàn”. Nói cách khác, lịch sử vĩnh viễn lặp đi lặp lại. Chẳng hạn ở Ấn Độ có một học thuyết cổ xưa cho rằng thế giới liên tục gấp vào rồi lại mở ra, và do vậy luân phiên giữa hai trạng thái mà người Ấn gọi là Ngày Brathma và Đêm Brathma. Rõ ràng tư tưởng này hoà hợp nhất với chuyện vũ trụ hết giãn lại co để rồi lại giãn ra trong một quy trình tùân hoàn vĩnh cửu. Bố thường hình dung một trái tim vũ trụ khổng lồ đang đập bùm, bùm, bùm…”

“Con thấy cả hai thuyết khó hiểu như nhau và cũng lý thú như nhau.”

“Chúng có thể so với nghịch lý vĩ đại của vĩnh cửu mà Sophie đã từng ngồi nghĩ về nó trong vườn: hoặc vũ trụ vẫn luôn luôn tồn tại, hoặc nó bỗng xuất hiện từ chỗ không có gì…”

“Ái!”

Hilde đập tay lên trán.

“Gì vậy?”

“Hình như con vừa bị mòng đốt.”

“Có khi chính là Spcrates đã chích cho con một phát cho tỉnh.”

Sophie và Alberto đã ngồi trong chiếc xe mui trần nghe ông thiếu tá kể cho Hilde nghe về vũ trụ. Lát sau, Alberto hỏi.

“Em có nhận ra là vai trò của chúng ta đã hoàn toàn đảo ngược không ?”

“Theo nghĩa nào ạ?”

“Trước kia, họ là người nghe chúng ta, còn ta không thể thấy họ. Còn bây giờ, ta đang nghe họ mà họ chẳng thể thấy chúng ta.”

“Thế thì chưa hết đâu ạ.”

“Ý em là gì?”

“Ban đầu, ta không biết về thực tại mà Hilde và ông thiếu tá đang sống trong đó. Còn bây giờ, họ lại không biết về thực tại của chúng ta.”

“Sự trả đũa ngọt ngào.”

“Nhưng ông thiếu tá đã có thể can thiệp vào thế giới của chúng ta.”

“Thế giới của chúng ta chẳng có gì ngoài các can thiệp của ông ấy.”

“Nhưng em biết điều đó là không thể. Em còn nhớ chuyện xảy ra ở quán Cô Bé Lọ Lem đấy chứ? Tôi đã thấy em cố lấy chai Coca như thế nào.”

Sophie không nói gì. Cô nhìn đăm đăm về phía khu vườn. Khi đó, ông thiếu tá đang giải thích về Vụ Nổ Lớn. Có cái gì đó trong từ đó đã làm nảy ra một dòng suy nghĩ trong đầu cô.

Cô bắt đầu lục lọi trong xe.

“Em làm gì vậy?” Alberto hỏi.

“Không có gì ạ. ”

Sophie mở ngăn dụng cụ và tìm thấy một cái cờ lê. Cô tóm lấy nó và nhảy ra khỏi xe. Cô đi về phía cái tàu lượn và đúng ngay trước mặt hai bố con Hilde. Đầu tiên, cô cố làm Hilde chú ý nhưng vô ích. Cuối cùng, cô vung cờ lê lên và đập thật mạnh vào trán Hilde .

“Ái!” Hilde kêu lên.

Rồi Sophie đập mạnh vào trán ông thiếu tá. Nhưng ông ta chẳng phản ứng tí gì.

“Gì vậy?”

“Hình như con vừa bị mòng đốt.”

“Có khi chính là Spcrates đã chích cho con một phát cho tỉnh.”

Sophie nằm xuống cỏ và cố đẩy cái tàu lượn. Nhưng nó không hề nhúc nhích. Hay là cô đã làm nó dịch đi được một ly?

“Có cơn gió lạnh đang về!” Hilde nói.

“Đâu. Thời tiết dễ chịu đấy chứ!”

“Không chỉ thế thôi đâu. Còn có một cái gì đó.”

“Chỉ có bố con mình và đêm hè mát mẻ thôi.”

“Không , con cảm thấy có cái gì đó trong không khí.”

“Đó có thể là cái gì?”

“Bố nhớ Alberto và kế hoạch bí mật của ông ấy không ?”

“Bố quên thế nào được !”

“Họ biến mất khỏi bữa tiệc trong vườn. Như thế họ đã ta biến vào không khí…”

“Đúng vậy, nhưng…”

“… tan vào không khí.”

“Câu chuyện phải kết thúc ở đâu đó. Đó chỉ là những gì bố đã viết.”

“Vâng, nhưng chuyện gì xảy ra sau đó? Giả sử họ đang ở đây…”

“Con tin như thế à?”

“Con cảm thấy như thế, bố ạ.”

Sophie chạy lại về phía chiếc xe.

“Ấn tượng đấy.” Alberto nói một cách miễn cưỡng khi cô bé trèo vào xe, tay nắm chặt cái cờ-lê. “Em có những tài năng đặc biệt, Sophie à. Để tôi xem.”

Ông thiếu tá quàng tay qua vai Hilde .

“Bố có thấy bản nhạc bí ẩn của tiếng sóng không ?”

“Có, mai mình sẽ phải thả thuyền xuống nước.”

“Bố có thấy tiếng gió xào xạc cũng rất lạ không ? Nhìn những chiếc lá cây dương đang run lên kìa.”

“Hành tinh đang sống mà, con biết đấy…”

“Bố đã viết là có cái gì đó ẩn giữa những dòng chữ.”

“Thế à?”

“Có lẽ trong khu vường này cũng có cái gì đó ẩn giữa những dòng chữ.”

“Thiên nhiên đầy dãy những điều bí ẩn. Nhưng mình đang nói về những ngôi sao trên trời.”

“Lát nữa sẽ có cả sao trên mặt nước.”

“Đúng rồi. Hồi bé con thường nói như vậy về lân tinh. Con đã nói đúng theo một nghĩa nào đó. Lân tinh và mọi tổ chức sinh vật khác đều được cấu tạo từ các nguyên tố đã từng trộn lẫn với nhau trong một ngôi sao.”

“Cả bố con mình cũng thế ạ?”

“Đúng vậy, chúng ta cũng là bụi của những sao.”

“Nói vậy nghe thật đẹp.”

“Khi kính thiên văn vô tuyến bắt được tia sáng từ những thiên hà xa xôi cách đây hàng tỷ năm ánh sáng, chúng sẽ vẽ nên bản đồ vũ trụ thời sơ khai sau Vụ Nổ Lớn. Tất cả những gì ta có thể nhìn thấy trên bầu trời là những hoá thạch vũ trụ từ hàng nghìn, hàng triệu năm trước. Tiên đoán quá khứ là điều duy nhất một nhà thiên văn học có thể làm.”

“Bởi vì các ngôi sao trong chòm sao đã di chuyển ra xa nhau từ lâu trước khi ánh sáng của chúng đến với chúng ta, đúng không ạ?”

“Ngay cả hai nghìn năm trước, các chòm sao đã trông khá là khác so với hình ảnh mà bây giờ ta thấy.”

“Bây giờ con mới biết chuyện đó.”

“Nếu vào một đêm trời trong, ta có thể thấy vũ trụ hàng triệu, thậm chí hàng tủ năm trong quá khứ. Vậy là theo một nghĩa nào đó, chúng ta đang về nhà.”

“Con không hiểu.”

“Bố và con đều bắt nguồn từ Vụ Nổ Lớn, vì mọi vật chất trong vũ trụ là một thể thống nhất. Thời sơ khai, mọi thứ đã từng hội tụ thành một khối vĩ đại đến mức một mẩu bằng đầu kim cũng nặng tới nhiều tỷ tấn. Cái ‘nguyên tử sơ khai’ này đã nổ tung vì trọng lực vĩ đại của chính nó. Như thể một cái gì đó bị phân rã. Khi nhìn lên bầu trời là khi ta cố tìm đường quay về với chính mình.”

“Thật phi thường!”

“Tất cả các vì sao và thiên hà đều cấu tạo từ cùng một chất liệu. Các phần của nó kết lại với nhau, một ít chỗ này, một ít chỗ khác. Hai thiên hà hàng xóm có thể cách nhau hàng tỷ năm ánh sáng. Nhưng chúng có chung nguồn gốc. Mọi ngôi sao và hành tinh đều thuộc cùng một gia đình.”

“Vâng, con hiểu rồi.”

“Nhưng cái vật chất đó là gì? Cách đây hàng tỷ năm cái gì đã nổ tung? Nó ở đâu ra?”

“Đó là câu hỏi lớn.”

“Và tất cả chúng ta đều có liên quan sâu sắc đến câu hỏi đó. Vì chính chúng ta được cấu thành từ vật liệu ấy. Chúng ta là những tia sáng từ một đống lửa vĩ đại đã được đốt lên từ nhiều tỷ năm trước.”

“Đó cũng là một ý nghĩ đẹp.”

“Tuy nhiên, ta không được cường điệu tầm quan trọng của những hình ảnh đó. Chỉ cần cầm một hòn đá trong tay là đủ. Nếu vũ trụ chỉ gồm có duy nhất một hòn đá to bằng quả cam thì nó cũng không dễ hiểu hơn tí nào. Câu hỏi về nó vẫn đi vào ngõ cụt y như trước: hòn đá này ở đâu ra?”

Sophie chợt đứng bật dậy và chỉ về phía vịnh.

“Em muốn thử cái thuyền,” cô nói.

“Nó bị buộc lại rồi. Chúng ta sẽ không bao giờ nhấc nổi mái chèo đâu.”

“Mình cứ thử xem, thầy! Đằng nào thì cũng đang là đêm hội Mùa Hè.”

“Dù sao thì ta cũng vẫn có thể xuống mép nước.”

Hai thầy trò nhảy ra khỏi xe và chạy xuyên qua khu vườn. Họ cố nới lỏng cái dây thừng đã được buộc chặt vào một cái vòng thép. Nhưng hai người thậm chí không nhấc nổi cái đầu dây.

“Cứ như nó được đóng đinh xuống ấy.” Alberto nói.

“Mình còn nhiều thời gian.”

“Một nhà triết học chân chính không bao giờ được bỏ cuộc. Giá mà ta có thể…gỡ nó ra…”

“Bây giờ có nhiều sao hơn rồi.” Hilde nói.

“Ừ, vào mùa hè, giờ là lúc đêm tối nhất.”

“Nhưng mùa đông sao sáng hơn. Bố còn nhớ đêm hôm trước khi bố đi Lebanon không ? Đó là một đêm tháng Giêng.”

“Đó là khi bố quyết định sẽ viết tặng con một cuốn sách về triết học. Bố đã đến một hiệu sách ở Kristiansend và đến cả thư viện nữa. Nhưng họ chẳng có quyển sách nào hợp với thiếu niên.”

“Cứ như là bố con mình đang ngồi trên ngọn một sợi lông nhỏ của con thỏ trắng.”

“Không hiểu có ai ở ngoài kia không nhỉ, trong đêm của những năm ánh sáng.”

“Cái thuyền đã tự tuột ra rồi kìa!”

“Ờ nhỉ!”

“Không hiểu sao, con đã xuống đó kiểm tra lại ngay trước khi bố về mà!”

“Thế à?”

“Chuyện này làm con nhớ khi Sophie mượn thuyền của Alberto. Bố có nhớ nó nằm trôi lềnh bềnh giữa hồ không ? ”

“Bố cá là lần này cũng lại tại Sophie nữa đây.”

“Bố cứ trêu con thoải mái đi. Cả buổi tối nay con cứ cảm thấy có ai đó quanh đây.”

“Hoặc con hoặc bố sẽ phải bơi ra kéo thuyền vào đấy.”

“Cả hai chúng ta, bố nhé.”

[1] Trong tiếng Anh, “God” có nghĩa “Chúa Trời”, “Thượng Đế” và cũng có nghĩa “thần” – ND

[2] Một bán đảo lớn ở miền Nam Hy Lạp – ND

[3] Biển nằm giữa bán đảo Hy Lạp và bán đảo Tiểu Á – ND

[4] “knock on wood” – người dân Bắc Âu có tục “gõ lên gỗ” để xua đuổi tà mam ví dụ khi khen trẻ con khỏe mạnh thì người ta gõ lên gỗ – ND

[5] Từ “sophist” từ sau thời Plato mới dần mang nghĩa xấu và ngày nay có nghĩa “người nguỵ biện” – ND

[6] Joke: quân hề trong bộ bài tú lơ khơ

[7] Tiếng Anh: The devil finds work for idle hands – ND.

[8] Snorri Sturluson (1178-1241), nhà sử học, người biên soạn truyền thuyết, chính trị gia người Iceland – ND

[9] Quyển Genesis, với nội dung Chúa Trời sáng tạo ra thế giới – ND.

[10] “Ki Tô” là phiên âm từ tiếng Tây Ban Nha “Cristo”. “Cơ Đốc” là phiên âm qua chữ Hán – ND.

[11] Cựu ước.

[12] Tân ước.

[13] Bản dịch tiếng Anh: “He who cannot draw on three thousand years is living from hand to mouth” – ND.

[14] Tiếng Anh: “We are just stuff as dreams are made on, and our little life is rounded with a sleep…” – ND.

[15] Tiếng Anh: 'Ethics – Geometrically Demonstrated' – ND

[16] Tiếng Anh: “Essay Concerning Human Understanding” – ND

[17] Tiếng Anh: “A Treatise of Human Nature” – ND.

[18] Trong tiếng Anh: “man” vừa có nghĩa là “người” vừa có nghĩa là “đàn ông” – ND.

[19] Cây bu-lô trong tiếng Na Uy la bjørketreer – ND

[20] Tiếng Anh: “A Treatise Concerning the Principles of Human Knowledge” – ND

[21] Quan niệm chính trị của phong trào hip-pi những năm 1960-1970: hòa bình và tình yêu – ND.

[22] Henrik Wergeland (1808-1845) nhà thơ người Na Uy – ND.

Bình luận