… một tia sang từ đống lửa…
Tuy ông thầy triết học đã bắt đầu gửi thư thẳng đến hàng giậu cũ, nhưng sáng thứ Hai, theo thói quen, Sophie vẫn kiểm tra hộp thư.
Nó rỗng không, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cô bắt đầu đi dọc đường Cỏ Ba Lá.
Bỗng cô nhìn thấy một bức ảnh nằm trên vỉa hè. Đó là hình một chiếc xe jeep trắng và một lá cờ xanh với hai chữ cái UN trên đó. Chẳng phải đó là cờ của Liên hợp quốc?
Sophie lật bức ảnh và nhận ra đó là một tấm bưu ảnh thông thường. Gửi “Hilde Moller Knag, qua Sophie Amundsen…” Nó được đóng tem Na Uy và dấu bưu điện “Tiểu đoàn Liên hợp quốc” thứ Sáu 15/6/1990
15 tháng Sáu! Đó là ngày sinh nhật Sophie!
Tấm thiệp viết:
Hilde yêu quí. Bố đoán vẫn đang là ngày sinh nhật 15/6 của con. Hay đã là buổi sáng hôm sau? Dù sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến món quà của con. Theo một nghĩa nào đó, nó sẽ bền lâu suốt đời. Nhưng bố muốn chúc mừng sinh nhật con lần nữa. Có lẽ con hiểu vì sao bố gửi thiếp cho Sophie. Bố chắc chắn là bạn ấy sẽ chuyển chúng cho con.
TB. Mẹ con đã bị mất ví. Bố hứa sẽ bù cho con 150 cu-ron. Con có thể xin một cái thẻ sinh viên khác ở trường, trước khi họ nghỉ hè. Bố yêu con.
Sophie đứng chôn chân tại chỗ. Tâm bưu ảnh trước đóng dấu bưu điện khi nào? Cô lờ mờ nhớ ra rằng hình như tấm bưu ảnh bãi biển cũng đóng dấu tháng Sáu – mặc dù mới đang là tháng Năm. Đơn giản là cô đã không nhìn kỹ.
Cô liếc nhìn đồng hồ rồi chạy về nhà. Hôm nay cô đành phải đến trường muộn vậy!
Sophie vào nhà và leo lên cầu thang để về phòng. Cô tìm thấy tấm bưu ảnh đầu tiên cho Hilde bên dưới chiếc khăn lụa đỏ. Phải rồi! Nó cũng đóng dấu bưu điện ngày 15 tháng Sáu! Sinh nhật của Sophie và ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè.
Những ý nghĩ chạy đua trong đầu khi cô chạy đến siêu thị để gặp Joanna.
Hilde là ai? Tại sao bố của Hilde lại cho rằng hiển nhiên Sophie sẽ tìm thấy cô ta? Dù sao cũng phải thật điên rồ khi gửi bưu ảnh cho Sophie thay vì gửi thẳng cho con gái mình. Ông ta không thể không biết địa chỉ của chính con gái mình. Đây là một trò đùa chăng? Hay là ông ta muốn làm con gái ngạc nhiên bằng cách nhờ một người hoàn toàn xa lạ chơi trò thám tử và người đưa thư? Có phải vì thế mà cô được cho trước một tháng? Hay dùng cô làm người trung gian là một cách để tặng con gái một người bạn mới làm quà sinh nhật? Có phải cô là món quà sẽ “bền lâu suốt đời”?
Nếu con người thích đùa này thực sự đang ở Lebanon, ông ta làm thế nào mà có được địa chỉ của Sophie? Còn nữa, Sophie và Hilde có ít nhất hai điểm giống nhau. Nếu Hilde cũng sinh ngày 15/6 thì cả hai có cùng ngày sinh. Và họ cùng có bố đang ở phía bên kia trái đất.
Sophie cảm thấy mình đang bị kéo vào một thế giới không tự nhiên. Có lẽ tin vào số mệnh cũng chẳng phải chuyện ngớ ngẩn lắm. Dù sao, cô cũng không nên kết luận quá sớm; mọi chuyện vẫn có thể có lời giải thích hoàn toàn tự nhiên. Nhưng khi làm thế nào mà Alberto Knox lại tìm thấy vị trí của Hilde khi cô ấy ở tận Lillesand? Lillesand cách đây hàng trăm dặm. Và tại sao Sophie lại tìm thấy tấm bưu ảnh này trên vỉa hè? Nó rơi ra khỏi túi của người đưa thư trước khi họ đến hòm thư của Sophie chăng? Nếu vậy, tại sao họ lại đánh rơi chính cái bưu ảnh này?
“Cậu điên à?” Joanna kêu lên khi cuối cùng thì Sophie cũng đến được siêu thị.
“Tớ xin lỗi!”
Joanna cau mày nghiêm khắc như cô giáo.
“Cậu nên giải thích thì hơn.”
“Chuyện này liên quan đến Liên hợp quốc,” Sophie trả lời. “Tớ đã bị một đội quân thù địch bắt giữ ở Lebanon.”
“Hẳn rồi…Cậu đang yêu mà!”
Họ vắt chân lên cổ chạy đến trường.
Tiết ba có bài kiểm tra Kiến thức Tôn giáo mà hôm trước Sophie đã không kịp có thời gian chuẩn bị trước. Đề kiểm tra là:
Triết học về cuộc sống và sự chấp nhận
1. Liệt kê những gì ta có thể biết. Sau đó liệt kê những gì ta chỉ có thể tin.
2. Kể ra một số nhân tố đóng góp cho triết lý sống của một con người.
3. Lương tâm nghĩa là gĩ? Em có cho rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau không?
4. Lợi ích ưu tiên nghĩa là gì?
Sophie ngồi nghĩ một lúc lâu trước khi bắt đầu viết. Cô có được sử dụng những tư tưởng đã học từ Alberto Knox không? Không còn cách nào khác vì đã từ mấy hôm nay cô chưa lần nào mở cuốn Kiến thức Tôn giáo của mình. Chỉ cần đặt bút là từ ngữ bắt đầu trào ra từ ngòi bút cô.
Cô viết rằng ta biết Mặt Trăng không phải được làm bằng pho mát và ở mặt tối của Mặt Trăng cũng có những miệng núi lửa, và rằng cả Socrates và Jesus đều bị kết án tử hình, rằng ai cũng phải chết không sớm thì muộn, rằng những đền thờ vĩ đại trên đồi Acropolis được xây dựng sau cuộc chiến tranh với Ba Tư vào thế kỷ V trước Công nguyên, và rằng lời sấm truyền quan trọng nhất Hy Lạp cổ đại là sấm truyền đền Delphi. Để ví dụ cho những gì ta chỉ có thể tin, Sophie viết về những câu hỏi: có sự sống trên các hành tinh khác hay không, Chúa Trời có tồn tại hay không, có sự sống sau khi chết hay không, và Jesus là con của Chúa hay chỉ là một nhà thông thái. “Chắc chắn ta không thể biết được thế giới từ đầu ra,” cô viết, kết thúc danh sách của mình. “Vũ trụ có thể được so sánh với một con thỏ lớn đang kéo ra từ một chiếc mũ. Các nhà triết học cố gắng leo lên đầu những sợi lông thỏ mảnh mai và nhìn thẳng vào mắt Nhà Ảo Thuật Vĩ Đại. Họ có thành công hay không là một câu hỏi để ngỏ. Nhưng nếu mỗi nhà triết học trèo lên lưng một người khác, họ sẽ lên được cao hơn trên chiếc lông thỏ. Và khi đó, theo em, có khả năng một ngày nào đó họ sẽ thành công.
TB. Trong Kinh Thánh có một thứ đáng ra đã có thể là một trong những cái lông thỏ. Cái lông thỏ đó được gọi là tháp Babilon. Nó đã bị phá hủy vì Nhà Ảo Thuật không muốn những con bọ-người leo lên cao đến vậy để vươn ra ngoài con thỏ trắng mà ta vừa tạo ra.”
Câu hỏi tiếp theo: “Kể một số nhân tố đóng góp cho triết lý sống của một con người.” Ở đây, giáo dục của cha mẹ và môi trường sống có vai trò rất quan trọng. Những người thời Plato có triết lý sống khác với nhiều người ngày nay vì họ đã sống ở một thời đại khác, trong một môi trường khác. Một nhân tố khác đó là những kiểu kinh nghiệm mà bản thân họ muốn tiếp nhận. Nhận thức thông thường không do môi trường quyết định. Ai cũng có nó. Có lẽ, người ta có thể so sánh môi trường và vị thế xã hội với những điều kiện đã tồn tại ở sâu trong cái hang của Plato. Sử dụng tâm thức của mình, từng cá nhân có thể tự kéo mình ra khỏi bóng tối. Nhưng một cuộc du hành như vậy đòi hỏi lòng dũng cảm. Socrates là một tấm gương về một con người bằng trí tuệ của mình đã tự giải phóng bản thân ra khỏi những quan điểm thống trị thời đại mình. Cuối cùng, cô viết: “Ngày nay, mọi người từ nhiều miền đất và những nền văn hóa khác nhau đang ngày càng pha trộn với nhau. Những người theo Ki Tô giáo, Hồi giáo, và Phật giáo có thể sống trong cùng một tòa nhà. Khi đó, việc chấp nhận đức tin của người khác quan trọng hơn là đặt câu hỏi tại sao mọi người không có cùng đức tin.”
Không tồi, Sophie nghĩ thầm. Cô cảm thấy mình đã xoay xở được với những gì đã được học từ thầy giáo triết học của mình. Và cô đã có thể bổ sung vào đó một chút từ nhận thức thông thường của chính mình và những gì có lẽ đã đọc được hoặc nghe được ở đâu đó.
Sophie quay sang tập trung vào câu hỏi thứ ba: “Lương tâm nghĩa là gì? Em có cho rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau không?” Đây là điều mà lớp cô đã thảo luận khá nhiều. Sophie viết: Lương tâm là khả năng phản ứng với cái đúng và cái sai. Theo em, ai cũng được phú cho khả năng này, hay nói cách khác, lương tâm là bẩm sinh. Socrates chắc hẳn cũng nói như vậy. Nhưng những gì lương tâm chỉ bảo lại khác nhau tùy theo từng cá nhân. Có thể nói rằng các Học giả thời Hy Lạp cổ đại đã có lý ở điểm này. Họ cho rằng ‘đúng sai’ là khái niệm được quyết định chủ yếu do môi trường mà một cá nhân lớn lên từ đó. Trong khi đó, Socrates lại tin rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau. Có thể cả hai quan điểm đều đúng. Tuy rằng không phải ai cũng cảm thấy xấu hổ khi khỏa thân, nhưng hầu hết mọi người sẽ cảm thấy lương tâm cắn rứt nếu họ đối xử thật sự tồi tệ với người khác. Tuy nhiên, cần nhớ rằng có lương tâm là một chuyện, còn hành động theo lương tâm lại là một chuyện khác. Đôi khi, có những người xử sự rất tồi nhưng em tin rằng ở đâu đó sâu trong tâm hồn, họ vẫn còn có một chút lương tâm nào đó. Cũng như khi một số người tỏ ra chẳng có chút ý thức nào, nhưng đó chỉ là vì họ không sử dụng nó mà thôi.
TB. Nhận thức thông thường và lương tâm đều có thể được so sánh với một cơ bắp. Nếu ta không dùng đến cơ bắp đó, nó sẽ ngày càng yếu đi.”
Bây giờ chỉ còn một câu hỏi: “Lợi ích ưu tiên nghĩa là gì?” Đây cũng là một điều gần dây đã được thảo luận nhiều. Ví dụ, lái ô tô để đi lại nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác là có lợi. Nhưng nếu việc lái xe dẫn tới phá rừng và làm ô nhiễm môi trường tự nhiên, ta sẽ gặp một lựa chọn giữa hai lợi ích. Sau một hồi suy xét cẩn thận, Sophie cảm thấy mình đã đi đến kết luận rằng rừng xanh và môi trường trong lành có giá trị hơn chuyện đi làm tốn ít thời gian. Cô đưa thêm một số ví dụ khác. Cuối cùng, cô viết: “Theo em, môn Triết học quan trong hơn môn Ngữ pháp Tiếng Anh. Vì vậy, bớt một chút giờ Tiếng Anh và thêm môn Triết học sẽ là có ý thức về lợi ích ưu tiên.”
Giờ nghỉ tiết cuối cùng, thầy giáo kéo Sophie ra một bên.
“Thầy đã đọc bài kiểm tra môn Tôn giáo của em”, ông nói. “Nó nằm gần đầu tập bài.”
“Em hi vọng nó đã làm thầy suy nghĩ.”
“Đó chính là điều mà thầy muốn nói với em. Bài viết của em rất già dặn theo nhiều phương diện. Già dặn một cách đáng ngạc nhiên. Và rất tự tin. Nhưng em đã làm bài tập về nhà chưa, Sophie?”
Sophie hơi ấp úng:
“Dạ…thầy đã nói rằng điều quan trọng là phải có quan điểm cá nhân.”
“Phải, thầy đã nói vậy…nhưng điều gì cũng có giới hạn.”
Sophie nhìn thẳng vào mắt ông thầy. Cô cảm thấy có thể tự cho phép mình làm như vậy sau tất cả những gì cô đã trải qua gần đây.
“Em đã bắt đầu nghiên cứu Triết học,” cô nói. “Nó cho người ta một nền móng vững cho các quan điểm cá nhân.”
“Nhưng điều đó chẳng làm thầy dễ chấm điểm bài em hơn chút nào. Em có thể được D hoặc A.”
“Có phải thầy muốn nói rằng em hoặc rất đúng hoặc rất sai?”
“Vậy thì A,” ông thầy nói. “Nhưng lần sau em phải làm bài tập đấy nhé!”
Buổi chiều hôm đó, Sophie đi học về, cô quăng cặp lên bậc thềm rồi chạy về phía cái hốc. Một chiếc phong bì nâu đang nằm trên đám rễ cây sần sùi. Mép phong bì khô ráo, vậy là Hermes đã thả nó ở đây khá lâu.
Cô nhặt chiếc phong bì rồi vào nhà. Cô cho những con thú cảnh ăn rồi lên phòng mình. Nằm dài trên giường, cô bóc lá thư của Alberto và bắt đầu đọc.
Thời kỳ Hy Lạp hóa
Chúng ta lại gặp nhau, Sophie! Đọc xong về các nhà triết học tự nhiên và Socrates, Plato và Aristotle, em đã làm quen với những nền tảng của triết học Châu Âu. Vậy từ giờ, ta sẽ bỏ qua những câu hỏi mào đầu mà em thường nhận được trong những chiếc phong bì trắng. Chắc là em có rất nhiều bài tập và bài kiểm ra ở trường.
Bây giờ tôi sẽ kể cho em về một thời kỳ dài từ Aristotle ở cuối thế kỷ IV trước Công nguyên đến tận thời Trung Cổ vào khoảng năm 400. Lưu ý rằng, ta viết trước Jesus Christ và sau Jesus Christs là vì Ki Tô giáo là một trong những nhân tố quan trọng nhất và huyền bí của thời kỳ này.
Aristotle qua đời năm 322 trước Công nguyên, khi Athens đã mất vai trò thống trị của nó. Đó chủ yếu là do những biến động chính trị hậu quả từ những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế (356 – 323 t.Cn).
Alexander Đại Đế là vua xứ Macedonia. Aristotle cũng là người Macedonia và ông có thời gian là thầy dạy của Alexander thời trẻ. Alexander là người thắng trận cuối cùng quyết định trước quân Ba Tư. Hơn nữa, với nhiều cuộc chinh phục, ông đã nối cả Ai Cập và miền đất phương Đông xa xôi đến tận Ấn Độ vào với nền văn minh Hy Lạp.
Đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Một nền văn minh xuất hiện, trong đó văn hóa Hy Lạp và ngôn ngữ Hy Lạp đóng vai trò chủ đạo. Giai đoạn này kéo dài 300 năm và được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenism). Thuật ngữ này được dùng để chỉ khoảng thời gian đó, cũng như nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của Hy Lạp phổ biến trong cả ba vương quốc thuộc nề văn minh Hy Lạp hóa: Macedonia, Syria, và Ai Cập.
Tuy nhiên, từ khoảng năm 50 trước Công nguyên, La Mã chiếm ưu thế về quân sự và chính trị. Cường quốc mới dần đánh bại tất cả các vương quốc Hy Lạp hóa. Và từ đó, văn hóa La Mã và tiếng Latin chiếm ưu thế suốt từ Tây Ban Nha ở phía Tây đến tận sâu trong lòng Châu Á. Đó là khởi đầu của thời kỳ La Mã mà ta thường gọi là thời Hậu Cổ Đại. Nhưng hãy ghi nhớ một điều: trước khi người La Mã đánh bại thế giới Hy Lạp hóa, chính La Mã cũng là một tỉnh nằm trong vùng văn hóa Hy Lạp. Do vậy, văn hóa Hy Lạp và triết học Hy Lạp vẫn đóng vai trò quan trọng rất lâu sau khi ảnh hưởng chính trị của Hy Lạp chỉ còn là quá khứ.
Tôn giáo, triết học và khoa học
Đặc điểm nổi bật của thời Hy Lạp hóa là biên giới giữa các quốc gia và giữa các nền văn hóa bị xóa nhòa. Trước đó, người Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Syria, và Babylon thờ các vị thần của riêng mình trong cái ta thường gọi là “tôn giáo quốc gia”. Còn bây giờ, các nền văn hóa khác nhau đã hoà trộn vào nhau thành một cái vạc phù thủy vĩ đại chứa đầy các tư tưởng tôn giáo, triết học và khoa học.
Ta có thể nói rằng quảng trường thành phố đã được thay thế bằng vũ đài thế giới. Quảng truờng cổ từ trước vẫn ồn ào bởi những giọng nói, khi thì mang theo những mặt hàng đa dạng đến chợ, khi lại mang theo những tư tưởng và ý kiến khác nhau. Nét mới là quảng trường nay tràn ngập hàng hóa và tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới. Tiếng ồn ào nay được phát ra bằng nhiều thứ tiếng.
Ta đã nói rằng quan điểm sống của Hy Lạp nay đã lan rộng hơn nhiều so với thời trước tại các vùng Hy Lạp cũ. Nhưng theo thời gian, các vị thần Phương Đông cũng đã được thờ phụng ở các nước vùng Địa Trung Hải. Những tôn giáo mới xuất hiện vay mượn thần linh và tín ngưỡng của nhiều dân tộc cổ xưa. Đó là điều mà người ta gọi là thuyết hổ lốn hay sự pha trộn của tín ngưỡng.
Trước đó, con người cảm thấy một mối gắn bó chặt chẽ với dân tộc mình và thành bang của mình. Nhưng khi những đường biên giới đã bị xóa nhòa, nhiều người bắt đầu cảm thấy phân vân, hoài nghi về triết lý sống của mình. Thời kỳ Hậu Cổ Đại thường được đặc trưng bởi những hoài nghi về tôn giáo, sự tan rã về văn hóa, và chủ nghĩa bi quan. Người ta nói rằng “thế giới đã trở nên già cỗi”.
Một đặc điểm chung của những tôn giáo mới xuất hiện trong thời kỳ Hy Lạp hóa là chúng thường chứa những giáo lý về cách giải thoát con người khỏi cái chết. Những giáo lý này thường được giữ bí mật. Bằng cách công nhận giáo lý và thực hiện một số nghi lễ đặc biệt, con người có thể hy vọng vào sự bất tử của linh hồn và một cuộc sống vĩnh hằng. Đối với sự cứu rỗi của linh hồn, một sự thấu hiểu nhất định về bản chất thực sự của vũ trụ có thể chỉ quan trọng ngang hàng với các nghi lễ tôn giáo.
Đó là về các tôn giáo mới, Sophie à. Nhưng cả triết học cũng ngày càng hướng về sự “cứu rỗi linh hồn” và sự thanh thản của cuộc sống. Người ta cho rằng sự thấu hiểu triết học không chỉ có giá trị tự thân mà còn cần giải phóng con người khỏi sự bi quan và nỗi sợ cái chết. Do đó, ranh giới giữa tôn giáo và triết học dần dần bị xóa bỏ.
Nhìn chung, triết học thời Hy Lạp hóa không có gì mới mẻ đặc biệt. Không có Plato mới hay Aristotle mới xuất hiện trên sân khấu. Ngược lại, ba nhà triết học thành Athens là một nguồn cảm hứng cho một loạt các khuynh hướng triết học mà lát nữa tôi sẽ miêu tả ngắn gọn cho em nghe.
Khoa học thời Hy Lạp hóa cũng bị ảnh hưởng bởi sự hòa trộn tri thức từ nhiều nền văn hóa. Thành phố Alexandria đóng vai trò chủ chốt với vai trò nơi gặp gỡ của Đông và Tây. Trong khi Athens vẫn là trung tâm của triết học với những trường phái triết học thừa kế Plato và Aristotle vẫn hoạt động, Alexandria trở thành trung tâm khoa học. Với thư viện vĩ đại, thành phố này đã trở thành trung tâm của toán học, thiên văn học, sinh học và y học.
Văn hóa Hy Lạp có thể được so sánh với thế giới hiện đại ngày nay. Thế kỷ XX cũng đã chịu ảnh hưởng của một nền văn minh ngày càng mở rộng. Ở thời đại chúng ta, sự cởi mở này cũng tạo nên những biến động dữ dội về tôn giáo và triết học. Cũng như ở La Mã vào khoảng đầu thời kỳ Ki Tô giáo, khi người ta có thể gặp các tôn giáo của Hy Lạp, Ai Cập và phương Đông, ngày nay khi ta tiến dần đến cuối thể kỷ XX, ta có thể tìm thấy ở mọi thành phố Châu Âu các tôn giáo lớn nhỏ từ mọi nơi trên thế giới.
Ngày nay, ta còn thấy sự kết hợp của các tôn giáo, triết học, khoa học cổ kim có thể hình thành nền tảng cho các lựa chọn mới trong chợ “quan điểm sống”. Hầu hết các “tri thức mới” này thực ra chỉ là những mảnh tàu đắm còn sót của những tư tưởng xưa cũ, một số bắt nguồn từ thời Hy Lạp hóa.
Như tôi đã nói, triết học Hy Lạp hóa tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mà Socrates, Plato, và Aristotle đã nêu ra. Họ có điểm chung là ước muốn tìm hiểu xem con người nên sống và chết như thế nào thì tốt nhất. Họ quan tâm đến luân lý học. Trong nền văn minh mới này, lĩnh vực đó trở thành đề tài nghiên cứu triết học chủ đạo. Mục tiêu được chú trọng là tìm hiểu xem hạnh phúc chân chính là gì và làm thế nào để đạt được nó. Ta sẽ điểm qua bốn trong số các khuynh hướng triết học này.
Các triết gia Yếm thế
Truyện kể rằng một lần Socrates đứng ngắm một gian hàng bán đủ loại hàng hóa. Cuối cùng, ông nói “Thật lắm thứ mà tôi chẳng cần đến!”
Câu nói đó có lẽ đã là phương châm cho trường phái triết học Yếm thế do Antisthenes sáng lập ở Athens vào khoảng năm 400 trước Công nguyên.
Antisthenes đã là một học trò của Socrates, và là người đặc biệt chú ý đến sự thanh đạm của ông.
Các triết gia Yếm thế nhấn mạnh rằng hạnh phúc chân chính không có trong các thuận lợi bên ngoài chẳng hạn sự giàu sang, quyền lực chính trị và sức khỏe tốt. Hạnh phúc chân chính là ở sự không phụ thuộc vào những thứ ngẫu nhiên và phù du đó, nó nằm trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa, một khi đã tìm được, nó sẽ không bao giờ bị tuột mất.
Triết gia Yếm thế nổi tiếng nhất là Diogenes, một học trò của Antisthenes. Người ta kể rằng ông chỉ sống với một cái thùng và chẳng có gì ngoài một cái áo choàng, một cây gậy và một túi bánh mì. (Do vậy chẳng dễ gì mà ăn trộm được hạnh phúc của ông!) Một hôm, ông được Alexander Đại Đế đến thăm khi ông đang ngồi sưởi nắng bên cạnh cái thùng. Vị hoàng đế đứng trước mặt ông và hỏi xem ông có mong muốn điều gì không. “Có,” Diogenes trả lời. “Tôi muốn ngài đứng tránh sang bên. Ngài đang chắn mặt trời.” Như vậy, Diogenes cho thấy ông hạnh phúc và giầu có chẳng kém người đàn ông vĩ đại đứng trước mặt mình. Ông có mọi điều mà ông muốn.
Các triết gia Yếm thế tin rằng con người không cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Thậm chí họ không cần lo âu về đau khổ bệnh tật và cái chết. Họ cũng không để bản thân phải dằn vặt bởi sự quan tâm đến nỗi thống khổ của người khác.
Ngày nay, từ “yếm thế” hay “chủ nghĩa yếm thế” đã mang ý nghĩa về sự hoài nghi nhạo báng về sự chân thật của con người, và hàm ý sự vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác.
Các triết gia Khắc kỷ
Các triết gia Yếm thế đã có công trong sự phát triển của trường phái triết học Khắc kỷ tại Athens vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Người sáng lập ra trường phái này là Zeno, người đảo Síp, ông đã đến với các triết gia Yếm thế ở Athens sau một vụ đắm tàu. Ông thường tập hợp học trò dưới một mái hiên lớn. Từ khắc kỷ (stoic) trong tiếng Hy Lạp bắt nguồn từ từ mái hiên (stoa). Chủ nghĩa Khắc kỷ sau đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa La Mã.
Cũng như Heraclitus, các triết gia Khắc kỷ tin rằng mọi người đều là một phần của cùng một tri thức con người – hay “logos”. Họ cho rằng mỗi người là một thế giới thu nhỏ hay “tiểu vũ trụ” – một phản ánh của “đại vũ trụ”.
Từ đó dẫn tới tư tưởng rằng tồn tại một lẽ phải phổ quát – cái gọi là quy luật tự nhiên. Và vì quy luật tự nhiên này dựa trên lý tính phổ quát phi thời gian của con người, nó không thay đổi theo thời gian và không gian. Ở đây, các nhà triết gia Khắc kỷ đã đứng về phía Socrates và phản bác các Học giả.
Quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ loài người, kể cả nô lệ. Các triết gia Khắc kỷ coi chế độ pháp luật của nhiều nước chỉ là những sự bắt chước không đầy đủ quy luật có sẵn trong chính tự nhiên.
Cũng như vậy, các triết gia Khắc kỷ đã xóa bỏ sự khác biệt giữa cá nhân và vũ trụ, họ còn phủ nhận mọi mâu thuẫn giữa “tinh thần” và “vật chất”. Chỉ có một thiên nhiên, họ quả quyết. Kiểu tư tưởng này được gọi là thuyết nhất nguyên (ngược lại với thuyết nhị nguyên rõ ràng hay thực tại kép của Plato).
Là những đứa con đích thực của thời đại mình, các triết gia Khắc kỷ thực sự là những “người theo chủ nghĩa thế giới” ở chỗ họ cởi mở trước văn hóa đương thời hơn các “triết gia thùng gỗ” (các triết gia Yếm thế). Họ kêu gọi sự quan tâm đến tình bằng hữu của con người, họ quan tâm nhiều đến chính trị, nhiều trong số đó, nổi bật nhất là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121 – 180), đã trở thành những chính khách năng động. Họ cổ vũ văn hóa và triết học Hy Lạp tại La Mã. Một trong số những người nổi bật nhất là nhà chính trị, nhà triết học và nhà hùng biện Cicero (106 – 43 t.Cn). Ông là người định hình cho khái niệm “chủ nghĩa nhân văn” – đó là một quan niệm sống đặt cá nhân vào trung tâm. Vài năm sau, triết gia Khắc kỷ Seneca (4 t.Cn – 65) nói rằng “đối với loài người, loài người là vật linh thiêng”. Câu nói đó đã là khẩu hiệu cho chủ nghĩa nhân văn kể từ đó.
Ngoài ra, các triết gia Khắc kỷ còn nhấn mạnh rằng tất cả các quá trình tự nhiên như bệnh tật và cái chết đều là những quy luật bất diệt của tự nhiên. Do vậy, con người phải học cách chấp nhận số phận của mình. Không có cái gì xảy ra một cách tình cờ. Mọi sự xảy ra đều là tất yếu, do vậy, chẳng ích gì mà phàn nàn khi số mệnh gõ cửa. Họ cho rằng, con người còn phải tiếp nhận những sự kiện hạnh phúc trong cuộc sống một cách điềm tĩnh. Ở đây, ta thấy sự gần gũi đối với các triết gia Yếm thế – những người cho rằng mọi sự kiện bên ngoài đều không quan trọng. Ngày nay, ta vẫn dùng từ bình tĩnh khắc kỷ (stoic calm) để chỉ những người không để bị cuốn theo tình cảm của mình.
Các triết gia theo thuyết Hưởng lạc
Như ta đã thấy, Socrates đã quan tâm đến chuyện con người phải làm sao để có cuộc sống hạnh phúc. Cả hai trường phái Yếm thế và Khắc kỷ đều hiểu triết lý của ông theo nghĩa rằng con người phải giải phóng bản thân ra khỏi xa hoa vật chất. Nhưng Socrates còn có một học trò tên là Aristippus. Ông tin rằng mục đích của cuộc sống là để đạt được sự hưởng thụ về giác quan cao nhất có thể được. Ông nói “cái thiện cao nhất là niềm khoái lạc, cái ác lớn nhất là nỗi đau đớn”. Do đó, ông muốn tìm được một cách sống mà mục đích là tránh sự đau khổ dưới mọi hình thức. (Các triết gia Yếm thế và Khắc kỷ tin tưởng vào sự chịu đựng mọi hình thức đau khổ, điều này khác với việc cố ý tránh đau khổ.)
Khoảng năm 300 trước Công Nguyên, Epicurus (341 – 270) thành lập một trường phái triết học ở Athens. Các môn đệ của ông được gọi là các Epicurian – hay những người theo thuyết hưởng lạc. Ông đã phát triển luân lý học về khoái lạc của Aristippus và kết hợp những thuyết nguyên tử của Democritus.
Chuyện kể rằng những người theo thuyết Hưởng lạc sống trong một khu vườn. Do vậy, họ còn được gọi là các “triết gia vườn”. Người ta kể rằng trên cổng vào vườn có treo dòng chữ: “Hỡi khách lạ, ở đây người sẽ sống sung sướng. Nơi đây, khoái lạc là cái thiện cao nhất.”
Epicurus nhấn mạnh rằng kết quả thú vị và dễ chịu của một hành động luôn phải được đem ra cân nhắc với các ảnh hưởng phụ có thể. Nếu em đã từng ních đầy một bụng socola thì em hiểu tôi muốn nói gì. Còn nếu chưa, em hãy thử bài tập này: Hãy lấy tất cả tiền bỏ ống của em ra để mua hai trăm cu-ron socola. (Ta hãy giả sử là em thích socola.) Tiếp theo, điểm cốt yếu của bài tập là em phải ăn hết chỗ socola liền một lúc. Khoảng nửa giờ sau, khi chỗ socola tuyệt ngon đã hết nhẵn, em sẽ hiểu các ảnh hưởng phụ mà Epicurus muốn nói đến.
Epicurus còn tin rằng một kết quả vừa ý trong tương lai gần phải được cân nhắc với khả năng của một niềm vui thú lớn hơn, lâu bền hơn, hoặc mạnh mẽ hơn trong tương lai xa. (Có thể là em nhịn socola trong cả một năm vì em muốn dành tiền mua một chiếc xe đạp hay đi một chuyến du lịch tốn kém ở nước ngoài.) Không như động vật, chúng ta có thể hoạch định cuộc sống của bản thân. Chúng ta có khả năng “tính toán cho sự vui thú”. Socola thì ngon, nhưng một chiếc xe đạp mới hay một chuyến du lịch tại Anh còn thích hơn.
Tuy nhiên, Epicurus nhấn mạnh rằng “khoái lạc” không nhất thiết có nghĩa là sự thỏa mãn về giác quan – chẳng hạn khi ăn socola. Các giá trị như tình hữu nghị và sự thưởng thức nghệ thuật cũng được tính đến. Hơn nữa, sự vui sống đòi hỏi các lý tưởng Hy Lạp cổ về sự tự chủ, điều độ, và trầm tĩnh. Sự thèm muốn phải được kiềm chế, sự trầm tĩnh sẽ giúp ta chịu đựng đau khổ.
Nỗi sợ hãi các vị thần đã đưa nhiều người đến khu vườn của Epicurus. Trong mối liên hệ này, thuyết nguyên tử của Democritus là phương thuốc hữu hiệu chống lại mê tín. Để sống hạnh phúc, việc chiến thắng nỗi sợ chết không phải là không quan trọng. Để đạt được mục đích này, Epicurus sử dụng thuyết “nguyên tử linh hồn” của Democritus. Có lẽ em vẫn còn nhớ Democritus đã tin rằng không có cuộc sống sau khi chết, bởi vì khi ta chết, các “nguyên tử linh hồn” phát tán theo mọi hướng.
“Cái chết không can dự đến ta”, Epicurus nói một cách khá giản dị, “vì khi ta còn tồn tại, cái chết chưa có mặt. Và khi cái chết đến, ta không còn tồn tại.” (Em thử nghĩ mà xem, chưa bao giờ có ai phiền muộn vì mình đã chết cả.)
Epicurus đã tổng kết xu hướng triết học giải thoát của mình bằng cái mà ông gọi là bốn vị dược liệu:
Không phải sợ thần linh. Chẳng đáng lo cái chết. Điều thiện dễ đạt được. Nỗi sợ dễ chịu đựng.
Nhìn từ quan điểm Hy Lạp, không có gì mới khi so sánh các nghiên cứu triết học với các nghiên cứu y học. Chủ ý ở đây chỉ đơn giản là con người phải tự trang bị một “tủ thuốc triết học” chứa bốn vị thuốc tôi vừa nêu trên.
Ngược lại với các triết gia Khắc kỷ, các triết gia theo thuyết hưởng lạc hầu như không quan tâm đến chính trị và cộng đồng. “Hãy sống ẩn dật!” là lời khuyên của Epicurus. Ta có thể so sánh “khu vườn” của ông với các cộng đồng trong xã hội hiện đại. Có nhiều người ở thời đại của chúng ta đã tìm kiếm một nơi trú ẩn, một bến đỗ thanh bình để trốn tránh xã hội.
Sau Epicurus, nhiều triết gia theo thuyết Hưởng lạc đã quá nhấn mạnh vào sự phóng túng, đam mê lạc thú. Châm ngôn của họ là “Sống cho hiện tại!” Từ “người theo chủ nghĩa hưởng lạc” ngày nay được dùng để mô tả những người chỉ sống vì lạc thú.
Chủ nghĩa Plato mới
Như tôi đã giới thiệu, các trường phái Yếm thế, Khắc kỷ, và thuyết hưởng lạc đều có nguồn gốc từ các học thuyết của Socrates. Họ còn sử dụng một số học thuyết tiền Socrates như Heraclitus và Democritus.
Nhưng xu hướng triết học đáng chú ý nhất vào cuối thời kỳ Hy Lạp hóa có nguồn cảm hứng đầu tiên và quan trọng nhất từ triết học của Plato. Do vậy, nó được gọi là chủ nghĩa Plato mới.
Nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa Plato mới là Plotinus (205 – 270), người đã nghiên cứu triết học ở Alexandria nhưng sau đó lại định cư tại La Mã. Rất nên lưu ý rằng ông đến từ Alexandria, thành phố đã là điểm gặp gỡ trung tâm của triết học Hy Lạp cổ và chủ nghĩa huyền bí Phương Đông trong vài thế kỷ. Plotinus mang đến Rome một học thuyết cứu rỗi mà sau này nó sẽ cạnh tranh với Ki Tô giáo khi đến thời của tôn giáo này. Tuy nhiên, chủ nghĩa Tân Plato cũng đã ảnh hưởng mạnh đến thần học chính thống của Ki Tô giáo.
Em hãy nhớ lại học thuyết về ý niệm của Plato và cách ông phân biệt giữa thế giới ý niệm và thế giới tri giác. Nó thiết lập một sự phân chia rõ ràng giữa linh hồn và thể xác. Khi đó, con người trở thành một sinh vật đúp: thể xác của ta chứa đất và bụi như mọi thứ khác trong thế giới tri giác, nhưng ta còn có một linh hồn bất tử. Từ rất lâu trước Plato, rất nhiều người Hy Lạp đã tin vào điều này. Plotinus cũng đã quen thuộc với những tư tưởng tương tự từ châu Á.
Plotinus tin rằng thế giới trải rộng giữa hai cực. Tại một đầu là ánh sáng thần thánh mà ông gọi là cái Duy Nhất. Đôi khi, ông gọi đó là Thượng Đế. Tại đầu kia là bóng tối tuyệt đối, nơi không nhận được một chút ánh sáng từ cái Duy Nhất. Nhưng ý của Plotinus là bóng tối này thực ra không có sự tồn tại của chính nó. Bóng tối chỉ đơn giản là sự không có mặt của ánh sáng, nói cách khác, nó LÀ hư không. Tất cả những gì tồn tại là Thượng Đế, hay cái Duy Nhất. Nhưng cũng giống như một chùm sáng khi đi càng xa càng mờ dần và rồi mất hẳn, ở đâu đó có một điểm mà tại đó ánh sáng thần thánh không thể rọi tới.
Theo Plotinus, linh hồn được chiếu rạng bởi ánh sáng từ cái Duy Nhất, trong khi vật chất là bóng tối – cái không có sự tồn tại thật sự. Còn các hình dạng trong tự nhiên có một quầng sáng mờ nhạt của cái Duy Nhất.
Hãy tưởng tượng một đống lửa lớn trong đêm tỏa sáng về mọi hướng. Vùng sáng rộng quanh đống lửa làm cho mọi thứ sáng như ban ngày. Ánh sáng từ đống lửa có thể được nhìn thấy từ cách xa vài dặm. Nếu ta ra xa hơn nữa, ta có thể nhìn thấy một đốm sáng nhỏ xíu như một cái đèn xa xôi trong đêm tối, nếu đi xa hơn nữa, đến một điểm nào đó ta sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng đó nữa. Ở một nơi nào đó, những tia sáng biến vào đêm tối, và khi hoàn toàn tối, ta chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Không có cả hình lẫn bóng.
Bây giờ hãy tưởng tượng rằng thực tại là một đống lửa như vậy. Đống lửa cháy rực là Thượng Đế, và bóng tối chính là vật chất giá lạnh mà người và vật được tạo nên từ đó. Gần với Thượng Đế nhất là các ý niệm vĩnh cửu, chúng là hình thức sơ khởi của mọi sinh vật. Cao hơn tất cả, linh hồn con người là những “tia lửa từ đống lửa”. Tuy nhiên, ít nhiều ánh sáng thần thánh vẫn chiếu rọi trong khắp thế giới tự nhiên. Ta có thể nhìn thấy ánh sáng đó trong mọi sinh vật sống: ngay cả một đóa hồng hay một bông hoa chuông xanh cũng có quầng sáng thần thánh của nó. Ở xa Thượng Đế nhất là đất, đá và nước.
Tôi đang nói rằng có một cái gì đó huyền bí và thần thánh trong tất cả những gì hiện hữu. Ta có thể thấy chúng lấp lánh trong một bông hoa hướng dương hay một bông anh túc. Ta cảm nhận được điều kỳ diệu này rõ ràng hơn từ một con bướm vẫy cánh bay lên từ một cành cây hay một chú cá vàng bơi tung tăng trong bể kính. Nhưng ta ở gần Thượng Đế nhất trong linh hồn mình. Chỉ có ở đó, ta mới có thể hòa vào làm một với điều huyền diệu vĩ đại của cuộc sống. Thực tế, tại những khoảnh khắc hiếm hoi, ta có thể cảm thấy ta chính là điều huyền diệu thần thánh đó.
Phép ẩn dụ của Plotinus khá giống câu chuyện về cái hang của Plato: càng đến gần miệng hang, ta càng gần với nơi mà từ đó mọi thứ hiện hữu phát sinh. Nhưng ngược lại với hiện thực kép rõ ràng của Plato, học thuyết của Plotinus được đặc trưng bởi sự trải nghiệm của cái toàn thể. Tất cả đều là một – vì tất cả đều là Thượng Đế. Ngay cả những cái bóng sâu trong cái hang của Plato cũng có một quầng sáng mờ nhạt của cái Duy Nhất.
Một đôi lần trong đời, Plotinus đã cảm nhận được sự hợp nhất của linh hồn ông với Thượng Đế. Ta thường gọi đây là trải nghiệm thần bí. Không chỉ Plotinus mới có những trải nghiệm như thế. Người ta đã kể về chúng trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Các chi tiết có thể khác nhau, nhưng các đặc tính căn bản đều trùng hợp. Ta hãy điểm qua một số trong các đặc tính đó.
Chủ nghĩa thần bí
Một trải nghiệm thần bí là một sự trải nghiệm về sự hòa nhập với Thượng Đế hay “tinh thần vũ trụ”. Nhiều tôn giáo nhấn mạnh vào cái hố sâu giữa Thượng Đế và Tạo Hóa, nhưng nhà thần bí không thấy cái hố ngăn cách đó. Người đó trải qua cảm giác “với Thượng Đế là một” hoặc “hòa nhập” với Ngài.
Tư tưởng đó là: cái mà ta thường gọi là “Tôi” không phải cái “Tôi” thực. Trong nháy mắt, ta có thể cảm thấy một cái “Tôi” lớn hơn. Một số nhà thần bí gọi đó là Thượng Đế, một số khác gọi đó là tinh thần vũ trụ, Thiên Nhiên, hoặc Vũ Trụ. Khi sự hợp nhất xảy ra, nhà thần bí cảm thấy ông ta đang “đánh mất bản thân”; ông tan biến vào trong Chúa như một giọt nước đánh mất bản thân khi hòa vào đại dương. Một nhà thần bí Ấn Độ đã từng mô tả như sau: “Khi tôi hiện hữu, Thượng Đế không hiện hữu. Khi Thượng Đế hiện hữu, không còn tôi nữa.” Nhà thần bí Ki Tô giáo Angelus Silesius (1624 – 1677) đã nói theo một cách khác: Mỗi giọt nước trở thành biển cả khi nó chảy vào đại dương, cũng như cuối cùng linh hồn sẽ bay lên và trở thành Chúa.
Bây giờ em có thể cảm thấy chuyện “đánh mất bản thân” không thể dễ chịu cho lắm. Tôi hiểu ý của em. Nhưng điều quan trọng là ở chỗ cái mà em mất là rất nhỏ so với cái em đạt được. Tại thời điểm đó em chỉ đánh mất cái hình thức nhất thời của em, nhưng cùng lúc đó em nhận ra rằng em là cái gì đó vĩ đại hơn nhiều. Em là vũ trụ. Thực ra em chính là tinh thần vũ trụ, Sophie à. Chính em là Thượng Đế. Nếu em phải đánh mất bản thân là Sophie Amundsen, em có thể cảm thấy dễ chịu khi hiểu rằng “cái tôi hằng ngày” này là cái mà đằng nào một ngày nào đó em cũng sẽ mất. Cái “Tôi” thực sự của em – cái mà em chỉ có thể cảm thấy nếu em có thể từ bỏ bản thân – theo các nhà thần bí, giống như một ngọn lửa huyền diệu cháy mãi trong cõi vĩnh hằng.
Nhưng một trải nghiệm kiểu này không tự đến. Nhà thần bí có thể phải tìm con đường “thanh tịnh và khai sáng” để đến được cuộc gặp với Thượng Đế. Con đường này bao gồm một cuộc sống giản dị và nhiều phương pháp thiền định đa dạng. Thế rồi, nhà thần bí bất chợt đạt được mục đích của mình và có thể thốt lên “Tôi là Thượng Đế” hoặc “Con là Ngài”.
Các xu hướng thần bí được tìm thấy trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới. Những gì các nhà thần bí miêu tả về trải nghiệm thần bí cho thấy một sự tương đồng đáng chú ý vượt qua các ranh giới văn hóa. Nguồn gốc văn hóa của các nhà thần bí thể hiện trong sự giải thích của họ bằng tôn giáo hoặc triết học về các trải nghiệm thần bí.
Trong chủ nghĩa thần bí Phương Tây – các đạo Do Thái, Ki Tô và đạo Hồi – nhà thần bí nhấn mạnh rằng cuộc gặp của ông là một vị Chúa cá thể. Tuy Chúa hiện hữu trong cả thiên nhiên và trong linh hồn con người, Ngài còn ở rất xa bên trên và bên ngoài thế giới. Trong chủ nghĩa thần bí Phương Đông – Ấn Độ giáo, Phật giáo và Đạo giáo của Trung Quốc – người ta thường nhấn mạnh hơn rằng nhà thần bí trải nghiệm sự hòa nhập hoàn toàn với Thượng Đế hay là “tinh thần vũ trụ”.
Nhà thần bí có thể thốt lên “Tôi là tinh thần vũ trụ!” hay “Tôi là Thượng Đế!” Bởi vì, không những Thượng Đế hiện hữu trong thế giới, mà Thượng Đế còn không thể ở nơi đâu khác được.
Đặc biệt, từ rất lâu trước thời của Plato, ở Ấn Độ đã có những phong trào thần bí mạnh mẽ. Swami Vivekenanda, một người Ấn Độ đã có vai trò quan trọng trong quá trình truyền bá Ấn Độ giáo sang phương Tây, đã từng nói: “Một số tôn giáo cho rằng những người không tin vào một vị Chúa cá thể ở bên ngoài bản thân họ là những kẻ vô thần. Cũng như vậy, chúng tôi nói rằng người nào không tin vào bản thân mình là kẻ vô thần. Không tin vào sự huy hoàng của linh hồn chính mình là cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa vô thần.”
Một trải nghiệm thần bí cũng có thể mang ý nghĩa luân lý. Một cựu tổng thống Ấn Độ, Sarvepalli Radhakrishnan, đã từng nói: “Hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình bởi vì ta là hàng xóm của chính mình. Chính ảo tưởng làm cho ta tưởng rằng hàng xóm của ta không phải là chính ta.”
Trong thời đại của chúng ta, có những người không theo một tôn giáo nào nhưng cũng kể về các trải nghiệm thần bí. Họ bất chợt trải nghiệm cái mà họ gọi là “ý thức vũ trụ” hoặc một “cảm giác đại dương”. Họ cảm thấy mình bị giật ra khỏi Thời Gian và cảm nhận thế giới “từ góc độ của sự vĩnh hằng”.
Sophie bật dậy trên giường. Cô phải sờ xem mình còn có một thân xác hay không. Khi đọc về Plato và các nhà thần bí, cô đã bắt đầu có cảm giác như thể mình đang bồng bềnh trôi quanh phòng, ra ngoài cửa sổ, và bay rất cao phía trên thành phố. Từ đó, cô nhìn xuống mọi người dưới quảng trường, rồi lửng lơ lên cao nữa, cao nữa, bên trên quả địa cầu đã là nhà của cô, trôi qua biển Bắc và châu Âu, về phía sa mạc Sahara, và bay qua thảo nguyên châu Phi.
Cả thế giới gần như đã trở thành một cơ thể sống, và cảm giác như cơ thể sống đó chính là Sophie. Thế giới là ta, Sophie nghĩ. Vũ trụ vĩ đại mà trước đây cô thường cảm thấy thật đáng sợ và quá bí hiểm, trở thành cái “Tôi” của chính cô. Vũ trụ vẫn vĩ đại và quyền uy, nhưng giờ đây chính bản thân cô là người vĩ đại như vậy.
Cảm giác phi thường đó trôi qua rất nhanh, nhưng Sophie dám chắc rằng cô sẽ không bao giờ quên được. Cô cảm thấy như cái gì đó bên trong cô đã bùng ra từ trên trán và hòa nhập với mọi vật khác, như một giọt màu mang màu sắc đến cho cả một bình nước.
Khi cảm giác đã trôi qua, cô như vừa thức dậy, váng đầu sau một giấc mơ kỳ diệu. Sophie hơi vỡ mộng thấy mình có một thể xác, cái thể xác đó đang cố ngồi dậy trên giường. Nằm sấp đọc những trang viết của Alberto Knox làm cô đau lưng. Nhưng cô đã trải qua một điều không thể quên được.
Cuối cùng cô đứng dậy. Việc đầu tiên là đục lỗ cho những trang giấy và xếp vào kẹp giấy cùng với các bài học khác. Sau đó, cô xuống vườn.
Chim đang hót líu lo như thể thế giới vừa mới được sinh ra. Màu xanh dịu của hàng cây bulô đằng sau chuồng thỏ cũ đậm đến nỗi như thể Đấng Tạo hóa chưa kịp phối màu xong.
Cô có thực sự tin rằng vạn vật là một cái “Tôi” thần thánh? Cô có thể tin rằng cô mang trong mình một linh hồn mà nó là một “tia lửa từ đống lửa”? Nếu điều đó là đúng thì cô thực sự là một sinh vật thần thánh.