…con đường bí hiểm dẫn vào trong…
Sophie thả cái cặp giấy nặng trịch vào lòng. Rồi cô để nó trượt xuống sàn nhà. Trời đã sáng hơn lúc cô mới lên giường. Cô nhìn đồng hồ. Đã gần ba giờ. Cô chui vào chăn và nhắm mắt lại. Vừa chìm dần vào giấc ngủ, cô vừa tự hỏi tại sao bố cô lại viết về Cô Bé đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh…
Cô ngủ đến tận mười một giờ trưa hôm sau. Cảm giác căng thẳng trong người nhắc cô rằng suốt cả đêm hôm trước cô đã mơ rất nhiều, nhưng cô chẳng nhớ được gì. Cô cảm thấy như thể mình đã ở một thực tại hoàn toàn khác.
Cô xuống nhà ăn sáng. Mẹ đã mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh và chuẩn bị xuống nhà thuyền để sửa sang cái ca-nô. Khi bố từ Lebanon về, kể cả nếu không nổi được trên nước thì nó cũng phải trông ra hình cái thuyền.
“Con có muốn xuống giúp mẹ một tay không?”
“Con phải đọc một chút đã ạ. Con sẽ đem trà và bữa ăn nhẹ buổi sáng vậy mẹ nhé?”
“Ăn nhẹ gì nữa?”
Ăn sáng xong, cô quay lên phòng, dọn giường, rồi ngồi thoải mái với chiếc cặp giấy đặt trên đầu gối.
Sophie chui qua hàng giậu và đứng trong khu vườn rộng mà co đã từng coi là vườn Địa Đàng của mình…
Những mẩu cành cây và lá rụng vương vãi khắp nơi sau trận bão đêm trước. Hình như có mối quan hệ nào đó giữa cơn bão, những mẩu cành cây rụng và cuộc gặp gỡ của cô với Cô Bé đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh.
Cô vào nhà. Mẹ vừa về và đang xếp mấy chai nước ngọt vào tủ lạnh. Trên bàn là một chiếc bánh socola trông thật ngon mắt.
“Mẹ sắp có khách ạ?” Sophie hỏi. Cô hầu như quên bẵng hôm nay là sinh nhật của mình.
“Mình sẽ tổ chức tiệc vào thứ Bảy tới, nhưng mẹ nghĩ hôm nay mình cũng nên có một tiệc nhỏ.”
“Tiệc như thế nào ạ”
“Mẹ đã mời gia đình Joanna.”
“Vâng, thế cũng được.”
Gần 7 rưỡi tối thì khách đến. Không khí có vẻ hơi trang trọng – mẹ Sophie chẳng mấy khi gặp cha mẹ Joanna.
Được một lúc thì Sophie và Joanna lên phòng Sophie để viết thiệp mời cho bữa tiệc vườn. Vì Alberto cũng được mời nên Sophie nảy ra ý tưởng mời mọi người đến “tiệc vườn triết học”. Joanna không phản đối. Dù sao đây cũng là tiệc của Sophie và dạo này đang là mùa tiệc tùng.
Cuối cùng, hai cô bé cũng soạn xong nội dung thiệp mời. Hết tất cả hai tiếng, và họ không nhịn được cười.
Thân gửi…
Mời bạn đến dự bữa tiệc vườn triết học tại số 3 đường Cỏ Ba Lá vào lúc 7 giờ, thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu (lễ hội Mùa Hè). Buổi tối hôm đó, hy vọng ta sẽ giải được bí ẩn về cuộc sống. Xin đem theo áo len ấm và những ý tưởng thông minh để giải các câu đố triết học. Rất tiếc, vì phòng cháy rừng, chúng tôi sẽ không thể đốt lửa trại, nhưng mọi người tha hồ để trí tưởng tượng cháy sáng. Trong các vị khách mời sẽ có ít nhất một nhà triết học thực thụ. Vì lý do này, bữa tiệc hoàn toàn trong phạm vi riêng tư. Phóng viên báo chí sẽ không được vào.
Rất hân hạnh được đón tiếp.
Joanna Ingebrigtsen (Trưởng ban tổ chức)
Sophie Amundsen (Chủ tiệc)
Hai cô bé xuống nhà với các vị phụ huynh, giờ họ đã trò chuyện thoải mái hơn. Sophie đưa bản phác thảo giấy mời viết bằng bút mỹ thuật cho mẹ.
“Mẹ chụp cho con 18 bản với ạ.” Đây không phải lần đầu tiên cô nhờ mẹ photo ở chỗ làm.
Mẹ Sophie đọc giấy mời rồi đưa cho bố Joanna.
“Anh thấy đấy. Con bé nhà tôi đang hơi hâm hâm.”
“Nhưng xem ra có vẻ rất hấp dẫn.” Bố Joanna nói và chuyển tờ giấy cho vợ. “Chính tôi cũng muốn tham dự.”
Búp bê Barbie đọc tờ giấy mời rồi nói. “Ôi, khỏi phải nói! Cô cũng đến dự có được không, Sophie?”
“Vâng, thế thì 20 bản, mẹ ạ.” Sophie nhận lời.
“Cậu điên à!” Joanna kêu lên.
Đêm đó, trước khi lên giường, Sophie đứng nhìn ra cửa sổ một lúc lâu. Cô nhớ đã có lần nhìn thấy bóng Alberto trong đêm tối. Đã hơn một tháng rồi. Bây giờ cũng là đêm khuya, nhưng là đêm trắng mùa hè.”
Đến tận sáng thứ Ba, Sophie mới nhận được tin của Alberto. Ông gọi điện khi mẹ vừa rởi nhà để đi làm.
“Sophie Amundsen nghe ạ.”
“Alberto Knox đây.”
“Em cũng đoán thế.”
“Tôi rất tiếc đã không gọi sớm hơn, nhưng tôi đang suy nghĩ rất nhiều về kế hoạch của chúng ta, tôi chỉ có thể ở một mình để làm việc yên ổn khi ông thiếu tá đang tập trung hoàn toàn vào em.”
“Kỳ cục.”
“Nên tôi nắm lấy cơ hội để ẩn mình, em thấy đấy. Hệ thống do thám tốt nhất thế giới cũng có hạn chế khi nó chỉ được điều khiển bởi duy nhất một người… Tôi đã nhận được thiệp của em.”
“Thiệp mời dự tiệc ấy ạ?”
“Em có dám liều không?”
“Dám chứ ạ!”
“Mọi thứ đều có thể xảy ra tại một bữa tiệc kiểu đó.”
“Thầy đến chứ ạ?”
“Tất nhiên rồi. Nhưng còn một chuyện. Em có nhớ hôm đó chính là ngày cha của Hilde từ Lebanon về nhà không?”
“À, em quên mất.”
“Việc ông ta để em mở một buổi tiệc triết học đúng vào ngày ông về nhà ở Bjerkely không thể hoàn toàn là ngẫu nhiên.”
“Em chẳng nghĩ gì về chuyện đó cả.”
“Tôi đảm bảo là ông ta có nghĩ. Nhưng không sao, ta sẽ quay lại chuyện này sau. Em có thể đến căn nhà ông thiếu tá sáng nay được không?”
“Em còn phải nhổ cỏ cho mấy luống hoa.”
“Thế thì hai giờ chiều nhé. Em đến được chứ?”
“Được ạ, em sẽ đến.”
Khi Sophie đến thì Alberto lại đang ngồi trên bậc thềm.
“Em ngồi xuống đây.” Ông nói rồi đi ngay vào việc.
“Những buổi trước, ta đã nói về thời kỳ Phục Hưng, thời Baroque, và thời kỳ Khai Sáng. Hôm nay, ta sẽ nói về chủ nghĩa Lãng Mạn, đây có thể được coi là kỷ nguyên văn hóa lớn cuối cùng của châu Âu. Chúng ta đang đến gần đoạn cuối của một câu chuyện dài, bé ạ.”
“Thời kỳ Lãng mạn dài đến thế cơ ạ?”
“Nó bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và kéo dài đến giữa thế kỷ XIX. Nhưng từ sau năm 1850, người ta không còn nói về những kỷ nguyên trọn vẹn trong đó bao gồm thơ văn, triết học, nghệ thuật, khoa học và âm nhạc.”
“Thời kỳ Lãng mạn có phải là một trong những kỷ nguyên đó không ạ?”
“Người ta đã nói rằng chủ nghĩa Lãng mạn là cách nhìn cuộc sống cuối cùng mà cả châu Âu cùng chia sẻ. Khởi đầu ở Đức, nó nổi lên như là một phản ứng đối với thái độ một mực nhấn mạnh vào lý tính của thời kỳ Khai Sáng. Sau Kant và chủ nghĩa lý trí của ông, như thể giới trẻ Đức đã thở phào nhẹ nhõm.”
“Họ đã thay thế nó bởi cái gì ạ?”
“Những khẩu hiệu mới là ‘cảm xúc’, ‘tưởng tượng’, ‘trải nghiệm’ và ‘khao khát’. Một số nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng – nhất là Rousseau – đã thu hút sự quan tâm đến tầm quan trọng của cảm xúc, nhưng khi đó là sự phê phán thói thiên lệch về lý tính. Cái đã từng là mạch ngầm giờ trở thành dòng chính của văn hóa Đức.”
“Vậy là tính đại chúng của Kant đã không tồn tại lâu, phải không ạ?”
“Đúng và không đúng. Nhiều người theo chủ nghĩa Lãng mạn tự coi mình là người kế tục Kant, vì ông đã khẳng định rằng có một giới hạn của những gì ta có thể biết về ‘das Ding an sich’. Mặt khác, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp của cái tôi cho tri thức hay nhận thức. Giờ đây, cá nhân có thể hoàn toàn tự do hiểu cuộc sống theo cách của mình. Những người Lãng mạn khai thác triệt để điểm này khi ‘tôn thờ cái tôi’ một cách gần như không kiềm chế, điều này dẫn đến sự đề cao tài năng nghệ thuật.”
“Hồi đó có nhiều thiên tài lắm ạ?”
“Beethoven là một. Âm nhạc của ông thể hiện cảm xúc và khao khát của chính ông. Theo một nghĩa nào đó, Beethoven là một nghệ sĩ ‘tự do’, không như các bậc thầy thời Baroque như Bach và Handel – những người đã soạn những tác phẩm ca ngợi Chúa Trời gần như chỉ bằng những thể loại âm nhạc chặt chẽ.”
“Em chỉ biết bản sonat Ánh trăng và bản giao hưởng số Năm.”
“Nhưng em biết bản sonat Ánh trăng lãng mạn đến thế nào, và em có thể nghe thấy Beethoven biểu đạt bản thân một cách dữ dội như thế nào trong bản giao hưởng số Năm.”
“Thầy đã nói rằng những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng cũng là những người theo chủ nghĩa cá nhân.”
“Đúng vậy. Có nhiều điểm tương đồng giữa thời Phục Hưng và thời Lãng mạn. Điển hình là tầm quan trọng của nghệ thuật đối với nhận thức của con người. Ở đây, Kant cũng đã có đóng góp đáng kể. Trong mỹ học của mình, ông đã nghiên cứu những gì xảy ra khi ta sững sờ trước cái đẹp, chẳng hạn trong một tác phẩm nghệ thuật. Khi ta thả hồn vào một tác phẩm không với mục đích nào khác ngoài chính trải nghiệm mỹ học, ta được đưa đến gần hơn với một trải nghiệm về ‘das Ding an sich’.”
“Như vậy là người nghệ sĩ có thể đem lại cái gì đó mà các nhà triết học không thể diễn đạt được?”
“Đó chính là quan điểm của những người Lãng mạn. Theo Kant, người nghệ sĩ chơi một cách tự do trong năng lực tri giác của riêng mình. Nhà thơ Đức Shiller đã phát triển tư tưởng của Kant xa hơn nữa. Ông viết rằng hoạt động của người nghệ sĩ như là chơi và một con người chỉ tự do khi anh ta chơi, vì khi đó anh ta tự đặt ra luật cho bản thân. Những người Lãng mạn tin rằng chỉ nghệ thuật mới có thể đưa ta đến gần hơn với ‘cái không thể biểu đạt được’. Một số đi đến chỗ so sánh nghệ sĩ với Chúa Trời.”
“Bởi vì nghệ sĩ sáng tạo thực tại của riêng mình như cách Chúa đã sáng tạo thế giới.”
“Người ta đã nói rằng người nghệ sĩ có một ‘trí tưởng tượng sáng tạo vũ trụ’. Khi trong trạng thái tràn đầy xúc cảm nghệ thuật, anh ta có thể cảm thấy sự tan rã của ranh giới giữa thực và mơ.
“Novalis, một trong những thiên tài trẻ tuổi, đã nói rằng ‘thế giới trở nên một giấc mơ và cõi mơ trở thành thực tại. Ông viết một cuốn tiểu thuyết tựa đề Heinrich xứ Ofterdingen với bối cảnh thời Trung Cổ. Cuốn tiểu thuyết còn dở dang khi ông qua đời năm 1801, nhưng nó vẫn là một tác phẩm rất có ý nghĩa. Tác phẩm kể về chàng thanh niên Heinrich, người đi tìm ‘bông hoa xanh’ mà một lần anh thấy trong mơ và từ đó luôn khao khát có được bông hoa ấy. Nhà thơ Lãng mạn người Anh Coleridge cũng đã thể hiện ý tưởng đó khi nói thế này:
Nếu như ta ngủ, và nếu như trong giấc ngủ, ta mơ. Và nếu như trong giấc mơ, ta lên thiên đường và hái ở đó một bông hoa lạ tuyệt đẹp. Và nếu như khi thức dậy, tay ta đang cầm bông hoa? À thế thì sao?”
“Hay quá!”
“Niềm khao khát một điều gì xa xôi không với tới là đặc trưng của những người Lãng mạn. Họ hoài niệm về những thời đại xa xưa, chẳng hạn thời Trung Cổ mà giờ đây lại được ca ngợi một cách đầy nhiệt tình sau những đánh giá tiêu cực thời Khai Sáng. Và họ khát khao những nền văn hóa xa xôi như văn hóa phương Đông với thuyết thần bí. Hoặc họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi Đêm tối, Mông muội, những phế tích và các hiện tượng siêu nhiên. Họ mải mê suy tư về cái mà ta thường gọi là mặt đen tối của cuộc sống, hay những gì mờ ám, lạ thường và huyền bí.”
“Thời đại này nghe có vẻ thật hấp dẫn. Những người Lãng mạn này là ai ạ?”
“Chủ nghĩa Lãng mạn chủ yếu là một hiện tượng thành thị. Thực tế, vào nửa đầu của thế kỷ trước có một nền văn hóa đô thị đã nở rộ tại nhiều nơi ở châu Âu, nhất là ở Đức. Những người Lãng mạn điển hình là thanh niên, thường là sinh viên đại học, mặc dù không phải lúc nào họ cũng coi trọng việc học hành cho lắm. Họ có cách nhìn cuộc sống với thái độ chống đối tầng lớp trung lưu một cách rõ rệt, họ có thể gọi cảnh sát hoặc các chủ nhà trọ là những kẻ phàm phu tục tử chẳng hạn, hay đơn giản là kẻ thù.”
“Chắc em sẽ không dám cho một người Lãng mạn thuê phòng.”
“Khoảng năm 1800, thế hệ Lãng mạn đầu tiên là những người trẻ tuổi. Và thực ra ta có thể gọi Phong trào Lãng mạn là cuộc nổi dậy đầu tiên của sinh viên châu Âu. Những người Lãng mạn không phải không giống với những thanh niên hip-pi khoảng 150 năm sau.”
“Ý thầy là flower power [21] và tóc dài, bập bùng ghi-ta và lê la ngoài đường ấy ạ?”
“Đúng vậy. Người ta đã từng nói rằng ‘nhàn rỗi là lý tưởng của thiên tài và lười biếng là phẩm chất của người Lãng mạn.’ Nghĩa vụ của người Lãng mạn là trải nghiệm cuộc sống – hoặc nằm mơ mình vượt ra ngoài cuộc sống. Công việc hàng ngày là để cho những kẻ phàm phu tục tử.”
“Bryon là một nhà thơ Lãng mạn đúng không ạ?”
“Đúng. Cả Bryon và Shelley đều là các nhà thơ Lãng mạn thuộc cái gọi là trường phái Sa-tăng. Hơn thế nữa, Bryon đã tạo cho thời kỳ Lãng mạn một thần tượng, đó là người hung Byronic trong cuộc sống và cả trong nghệ thuật – một tinh thần lạc lõng, u sầu và nổi loạn. Chính Bryon là người vừa ương ngạnh vừa say đắm, lại đẹp trai nên ông bị bao vây bởi các phu nhân đài các. Những lời đồn đại trong thiên hạ quy những cuộc phiêu lưu lãng mạn trong thơ ông vào cuộc đời thực của ông. Nhưng dù có nhiều mối quan hệ tình ái, đối với ông, tình yêu chân chính mãi mãi viển vông và xa xôi diệu vợi như bông hoa xanh của Novalis. Novalis đã đính hôn với một cô gái 14 tuổi. Bốn ngày sau sinh nhật lần thứ 15 , cô qua đời. Nhưng Novalis đã chung thủy với cô cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi của ông.”
“Thầy bảo là cô ấy mất khi mới 15 tuổi và bốn ngày?”
“Ừ…”
“Hôm nay em cũng 15 tuổi bốn ngày.”
“Thì sao?”
“Cô ấy tên là gì ạ?”
“Tên là Sophie.”
“Cái gì?”
“Đúng là như thế mà.”
“Thầy làm em sợ. Liệu đó có phải chuyện trùng hợp ngẫu nhiên?”
“Tôi chịu. Nhưng cô ấy tên là Sophie.”
“Thầy giảng tiếp đi vậy.”
“Novalis qua đời khi mới hai mươi chín tuổi. Ông là một trong những người chết trẻ. Nhiều người Lãng mạn chết trẻ, thường là vì lao phổi. Một số tự tử…”
“Eo!”
“Những người sống đến già thường từ bỏ chủ nghĩa Lãng mạn khi khoảng ba mươi tuổi. Một số thậm chí gia nhập tầng lớp trung lưu chính hiệu và trở nên bảo thủ.”
“Vậy là họ đã sang phía kẻ thù.”
“Có thể. Nhưng ta đang nói về tình yêu lãng mạn. Chủ đề về tình yêu không được đáp lại đã được Goethe đưa ra từ năm 1774 trong tiểu thuyết Nỗi buồn của chàng Werther. Cuốn sách kết thúc bằng việc Werther tự sát vì không thể có được người phụ nữ mà mình yêu…”
“Cần phải đi xa đến thế cơ ạ?”
“Tỉ lệ tự tử tăng lên sau khi cuốn sách được phát hành, và có thời gian cuốn sách bị cấm ở Đan Mạch và Na Uy. Như vậy, làm một người Lãng mạn không phải là không nguy hiểm. Ở đây có liên quan đến những xúc cảm mạnh.”
“Khi thầy nói ‘Lãng mạn’, em nghĩ đến những bức tranh phong cảnh với rừng rậm tăm tối và thiên nhiên xù xì hoang dại… nếu có thêm sương mù lãng đãng thì càng hay.”
“Đúng đấy, một trong những đặc trưng của chủ nghĩa Lãng mạn chính là khao khát về thiên nhiên và các bí ẩn của thiên nhiên. Và như tôi nói, nó không thuộc kiểu những gì nảy sinh từ các vùng nông thôn. Em chắc còn nhớ Rousseau, người đã khởi đầu khẩu hiệu ‘quay về với thiên nhiên’. Những người Lãng mạn đã làm cho khẩu hiệu này trở nên thịnh hành. Chủ nghĩa Lãng mạn còn đại diện cho một phản ứng đối với vũ trụ cơ giới của thời kỳ Khai Sáng. Người ta nói rằng chủ nghĩa Lãng mạn hàm chứa một sự phục hưng của ý thức vũ trụ cổ xưa.”
“Thầy giải thích đi ạ.”
“Nghĩa là nhìn thiên nhiên như một thể toàn vẹn. Những người Lãng mạn tìm cội nguồn của mình không chỉ từ Spinoza, mà còn từ Plotinus và các triết gia thời Phục Hưng chẳng hạn Jakob Bohme và Giordano Bruno. Điểm chung của những nhà tư tưởng này là họ đã thấy một ‘cái tôi’ thần thánh trong thiên nhiên.”
“Thế thì họ theo thuyết phiếm thần…”
“Cả Descartes và Hume đã vạch một đường phân định rõ rệt giữa cái tôi và thực tại ‘mở rộng’. Kant cũng để lại sau ông một ranh giới rõ ràng giữa cái ‘tôi’ nhận thức và thiên nhiên ‘tự thân’. Giờ đây, người ta nói rằng thiên nhiên chẳng qua là một cái ‘TÔI’ viết hoa. Những người Lãng mạn còn sử dụng những từ ngữ như ‘linh hồn thế giới’ hay ‘tinh thần thế giới’.”
“Ra là vậy.”
“Nhà triết học Lãng mạn đứng đầu là Shelling, ông sinh năm 1775 và mất năm 1854. Ông đã muốn hợp nhất tâm thức và vật chất. Ông tin rằng toàn bộ thiên nhiên – cả linh hồn con người và thế giới vật chất – đều là thể hiện của một cái Tuyệt Đối, hay tinh thần thế giới.”
“Vâng, hệt như Spinoza.”
“Shelling nói rằng thiên nhiên là tinh thần hữu hình, tinh thần là thiên nhiên vô hình, vì người ta cảm nhận được một ‘tinh thần cấu trúc’ ở mọi nơi trong thiên nhiên. Ông còn nói rằng vật chất là dạng trí tuệ đang ngủ say.”
“Thầy giải thích rõ hơn đi ạ.”
“Shelling nhìn thấy một ‘tinh thần thế giới’ trong thiên nhiên, và ông cũng nhìn thấy chính ‘tinh thần thế giới’ đó trong tâm thức con người. Cái tự nhiên và cái tâm tình chẳng qua là các biểu hiện của cùng một thứ.”
“Vâng, tại sao lại không nhỉ?”
“Như vậy, có thể tìm kiếm tinh thần thế giới trong tự nhiên hoặc trong tâm thức con người. Do đó, Novalis đã có thể nói rằng ‘con đường bí hiểm dẫn vào trong’. Ý ông là con người mang trong mình cả vũ trụ và bằng cách đi sâu vào bản thân mình, anh ta sẽ đến được gần nhất với điều bí mật của thế giới.”
“Ý tưởng tốt đẹp.”
“Đối với nhiều nhà Lãng mạn chủ nghĩa, triết học, tự nhiên học và thơ văn tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo. Ngồi trên căn phòng áp mái, vung bút viết về một câu thơ đầy cảm hứng hay nghiên cứu đời sống thực vật hoặc cấu tạo của đá, đó chỉ là hai mặt của một đồng xu. Vì thiên nhiên không phải là một cỗ máy vô hồn, nó là một tinh thần thế giới sống động.”
“Thầy nói thêm một lời nữa thì em sẽ trở thành một người theo chủ nghĩa Lãng mạn mất.”
“Nhà tự nhiên học gốc Na Uy Henrik Steffans – người mà Wergeland [22] đã gọi là ‘lá nguyệt quế xa xứ của Na Uy’ vì ông lập nghiệp ở Đức – đã đến Copnehagen năm 1801 để thuyết trình về chủ nghĩa Lãng mạn Đức. Ông miêu tả đặc điểm của Phong trào Lãng mạn như thế này: ‘Mệt mỏi vì mãi gắng sức đấu tranh tìm đường vượt qua vật chất nguyên thô, chúng tôi chọn con đường khác và cố gắng tiếp thu sự vô biên. Chúng tôi đi vào trong bản thân mình và tạo ra một thế giới mới…”
“Thầy làm thế nào mà nhớ được hết thế ạ?”
“Chuyện vặt ấy mà, bé.”
“Thầy nói tiếp đi vậy.”
“Shelling còn nhìn thấy một sự phát triển trong thiên nhiên từ đất đá đến tâm thức con người. Ông thu hút sự chú ý của mọi người đến sự biến đổi rất chậm chạp từ thiên nhiên vô tri vô giác đến những dạng sống phức tạp hơn. Đặc trưng của quan điểm Lãng mạn tổng quan là thiên nhiên được coi là một cơ thể sống, hay nói cách khác, một thể thống nhất mà nó liên tục phát triển các tiềm năng bẩm sinh của mình. Thiên nhiên giống như một bông hoa đang nảy lá và xòe cánh, hay như một nhà thơ đang mở dần những vần thơ của mình.”
“Thầy có thấy nó làm thầy nhớ đến Aristotle không ạ?”
“Quả là vậy. Triết học tự nhiên thời Lãng mạn mang nhiều âm hưởng của cả triết học Aristotle lẫn triết học Plato mới. Quan niệm của Aristotle về các quá trình tự nhiên mang nhiều sắc thái hữu cơ hơn là quan điểm của các nhà duy vật cơ giới…”
“Vâng, em cũng nghĩ như thế.”
“Ta còn tìm thấy những tư tưởng tương tự trong ngành lịch sử. Một người đã có tầm quan trọng lớn đối với những người Lãng mạn chủ nghĩa là nhà triết học lịch sử Johand Gottfried von Herder, ông sinh năm 1744 và mất năm 1803. Ông tin rằng đặc trưng của lịch sử là tính liên tục, sự tiến hóa, và kế hoạch. Ta nói rằng ông có một quan điểm ‘động’ về lịch sử vì ông coi nó là một quá trình. Các triết gia Khai Sáng đã thường có một quan điểm ‘tĩnh’ về lịch sử. Theo họ, chỉ có một lý tính phổ quát mỗi thời đại lịch sử có một giá trị thực của riêng nó và mỗi dân tộc có tính cách hay ‘tâm hồn’ của riêng mình. Câu hỏi đặt ra là ta có thể đồng cảm với các nền văn hóa khác được hay không.”
“Vậy là, giống như ta phải đồng cảm với người khác để hiểu về họ hơn, ta cũng phải đồng cảm với các nền văn hóa khác để hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa đó.”
“Ngày nay, điều đó được coi là hiển nhiên. Nhưng vào thời Lãng mạn, đó là một quan niệm mới. Chủ nghĩa Lãng mạn đã làm tinh thần dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Na Uy đã lên cao trào đúng vào thời điểm đó – năm 1814.”
“À ra vậy.”
“Vì chủ nghĩa Lãng mạn liên quan đến những định hướng mới trong nhiều lĩnh vực, nên người ta thường phân biệt giữa hai hình chủ nghĩa Lãng mạn. Chủ nghĩa Lãng mạn Phổ quát chỉ những người Lãng mạn quan tâm chủ yếu đến thiên nhiên, tâm hồn thế giới và tài năng nghệ thuật. Hình thức này hưng thịnh trước nhất, đặc biệt vào khoảng năm 1800 ở Đức, tại thành phố Jena.”
“Thế còn hình thức kia ạ?”
“Hình thức kia được gọi là chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc. Nó trở nên phổ biến một thời gian sau đó, đặc biệt ở thành phố Heidelberg. Những người Lãng mạn Dân tộc chủ yếu quan tâm đến lịch sử của ‘nhân dân’, ngôn ngữ của ‘nhân dân’ và văn hóa của ‘nhân dân’ nói chung. Và ‘nhân dân’ được xem là một cơ thể sống đang nảy nở những tiềm năng bẩm sinh của mình – y hệt như thiên nhiên và lịch sử.”
“Nói cho tôi biết anh ở đâu, và tôi sẽ biết anh là người như thế nào.”
“Cái đầu tiên và quan trọng nhất đã kết hợp hai khía cạnh này của chủ nghĩa Lãng mạn là cụm từ ‘cơ thể sống’. Đối với những người Lãng mạn, một cái cây hay một dân tộc đều là cơ thể sống. Một tác phẩm văn thơ cũng là một cơ thể sống. Ngôn ngữ là một cơ thể sống. Thậm chí cả thế giới vật chất cũng được coi là một cơ thể sống. Như vậy, không có đường ranh giới rõ rệt giữa chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc và chủ nghĩa Lãng mạn Phổ quát. Tinh thần thế giới có mặt trong nhân dân và trong văn hóa quần chúng cũng như trong thiên nhiên và nghệ thuật.”
“Vâng.”
“Herder đã là người tiên phong sưu tập các bài dân ca từ nhiều vùng đất dưới một tiêu đề đầy biểu cảm Tiếng hát nhân dân. Ông thậm chí còn gọi truyện dân gian là ‘tiếng mẹ đẻ của nhân dân’. Anh em nhà Grimm và những người khác bắt đầu sưu tầm dân ca và truyện cổ tích ở Heidenberg. Hẳn em biết về Truyện cổ Grimm.”
“Ôi có chứ ạ. Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, Hoàng tử Ếch, Hamsel và Gretel…”
“Và còn nhiều nữa. Ở Na Uy, ta có Asbjomsen và Moe, những người đã đi khắp đất nước để sưu tầm truyện dân gian. Nó giống như thu hoạch một loại quả mà ta vừa mới phát hiện ra là nó vừa bổ vừa ngon. Và còn cấp bách nữa, quả đã bắt đầu rụng. Dân ca được sưu tầm; tiếng Na Uy bắt đầu được nghiên cứu một cách khoa học. Các truyền thuyết cổ và truyện dân gian từ thời tiền Ki Tô giáo được tái phát hiện và các nhà soạn nhạc khắp châu Âu bắt đầu đưa các giai điệu dân ca vào các tác phẩm của mình để cố gắng lấp cái hố sâu ngăn cách giữa nhạc dân gian và nhạc nghệ thuật.”
“Nhạc nghệ thuật là cái gì ạ?”
“Nhạc nghệ thuật là nhạc do một người cụ thể nào đó, chẳng hạn Beethoven, sáng tác. Dân ca không được viết bởi một người cụ thể nào, nó được nhân dân sáng tác. Do vậy, ta không biết chính xác các giai điệu dân gian có từ khi nào. Ta phân biệt giữa truyện dân gian và truyện cổ tích nghệ thuật cũng theo cách đó.”
“Vậy các truyện cổ tích nghệ thuật là…”
“Chúng là các câu chuyện cổ tích có tác giả, thí dụ Hans Christian Andersen. Thể loại truyện cổ tích đã được các nhà Lãng mạn chủ nghĩa vun xới một cách đầy say mê. Một trong những bậc thầy người Đức trong thể loại này là E.T.A. Hoffmann.”
“Em đã nghe nói về Truyện cổ Hoffmann.”
“Truyện cổ tích là lý tưởng văn chương của những người Lãng mạn. Cũng giống như hình thức nghệ thuật của thời Baroque là sân khấu. Nó đem lại cho nhà thờ toàn quyền để khám phá khả năng sáng tạo của mình.”
“Ông ta có thể đóng vai Chúa Trời trong vũ trụ hư cấu của mình.”
“Chính thế! Và bây giờ là thời điểm tốt để tổng kết lại.”
“Em sẵn sàng.”
“Các triết gia Lãng mạn coi ‘linh hồn thế giới’ là một bản ngã mà khi trong một trạng thái gần giống như giấc mơ, nó đã tạo ra mọi thứ trong thế giới. Nhà triết học Fichte đã nói rằng thiên nhiên mọc ra từ một trí tưởng tượng cao hơn và trong trạng thái vô thức. Schelling nói thẳng ra rằng thế giới ‘ở trong Chúa Trời’. Ông tin rằng Chúa nhận biết một phần, nhưng có những khía cạnh khác của thiên nhiên đại diện cho những điều chưa biết trong Chúa. Do Chúa Trời cũng có một mặt tối.”
“Tư tưởng đó nghe thật hấp dẫn nhưng cũng thật đáng sợ. Nó làm em nhớ đến Berkeley.”
“Mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và tác phẩm của anh ta cũng được nhìn dưới chính ánh sáng đó. Thể loại truyện cổ tích cho nhà văn tự do tha hồ khai thác ‘trí tưởng tượng tạo thiên lập địa’ của mình. Và ngay cả hoạt động sáng tạo không phải lúc nào cũng trong trạng thái ý thức hoàn toàn. Nhà văn có thể thấy câu chuyện của mình được viết bởi một sức mạnh nào đó từ bên trong. Trong khi viết, anh ta có thể ở trong trạng thái gần như bị thôi miên.”
“Thôi miên ấy ạ?”
“Đúng vậy, nhưng sau đó anh ta sẽ bất chợt phá tan ảo ảnh. Anh ta có thể can thiệp vào câu chuyện và đưa ra những lời bình châm biếm nhằm đến người đọc, để gợi nhớ người đọc, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng dù sao đây cũng chỉ là một câu chuyện.”
“À.”
“Cũng lúc đó, nhà văn có thể nhắc với người đọc rằng chính ông là người đang thao túng vũ trụ hư cấu này. Hình thức phá vỡ ảo ảnh này được gọi là ‘sự châm biếm lãng mạn’. Thí dụ, Henrik Ibsen đã để một nhân vật trong vở kịch Peer Gynt nói rằng: ‘Người ta không thể chết ở giữa hồi Năm.’”
“Câu thoại đó buồn cười thật! Thực ra anh ta đang nói rằng mình chỉ là một nhân vật hư cấu.”
“Phát biểu đó nghịch lý đến mức nhất định ta sẽ nhấn mạnh nó bằng một mục mới.”
“Thầy nói thế nghĩa là sao ạ?”
“Ồ không, chẳng sao cả. Nhưng chúng ta đã nói rằng vợ chưa cưới của Novalis tên là Sophie, trùng tên với em, và rằng cô ấy qua đời khi mới chỉ mười lăm tuổi và bốn ngày…”
“Thầy đang làm em sợ đấy! Chẳng lẽ thầy không biết thế sao?”
Alberto ngồi nhìn trân trân, vẻ mặt vô cảm. Rồi ông nói: “Nhưng em không phải lo mình sẽ gặp số phận giống như vợ chưa cưới của Novalis đâu.”
“Tại sao ạ?”
“Bởi vì vẫn còn vài chương nữa.”
“Thầy đang nói gì vậy?”
“Tôi đang nói rằng người nào đang đọc câu chuyện về Sophie và Alberto sẽ đoán được rằng câu chuyện còn nhiều trang nữa. Chúng ta mới chỉ đến được chủ nghĩa Lãng mạn.”
“Thầy làm em chóng cả mặt.”
“Đúng ra là ông thiếu tá đang cố tình làm Hilde chóng mặt. Không hay ho lắm phải không? Mục mới!”
Alberto vừa dứt lời thì một chàng trai từ trong rừng chạy đến. Đầu anh ta quấn khăn xếp, tay cầm một chiếc đèn dầu.
Sophie túm tay Alberto.
“Ai đấy ạ?” cô hỏi.
Chàng trai tự trả lời: “Tôi là Aladdin, tôi từ Lebanon đến.”
Alberto nghiêm nghị nhìn chàng trai:
“Cậu có cái gì trong chiếc đèn vậy?”
Chàng trai xoa xoa chiếc đèn, và từ trong chiếc đèn dâng lên một đám khói dầy. Đám khói dần dần thành hình một người đàn ông. Ông ta đội chiếc mũ nồi xanh và có bộ râu đen giống Alberto. Bay lơ lửng trên chiếc đèn, ông gọi: “Hilde! Con có nghe thấy bố không? Bố đoán bây giờ đã quá muộn để chúc mừng sinh nhật. Bố chỉ muốn nói rằng, đối với bố ở Lebanon, Bjerkely và vùng quê phía nam ở nhà cứ như là thế giới thần tiên vậy. Mấy hôm nữa bố con mình sẽ gặp nhau.”
Nói đến đây, hình người đàn ông trở lại thành khói xám và bị hút vào trong chiếc đèn. Chàng trai đầu quấn khăn kẹp chiếc đèn vào nách rồi chạy vào rừng và khuất dạng.
“Em không thể tin chuyện này được,” Sophie nói.
“Chuyện vặt thôi“Thần đèn nói y cứ như bố của Hilde vậy.”
“Bởi vì đó chính là cha của Hilde – bằng tinh thần.”
“Nhưng…”
“Cả tôi và em cùng mọi thứ quanh ta đều đang sống ở sâu trong tâm thức của ông thiếu tá. Bây giờ đang là đêm khuya thứ Bảy ngày 28 tháng Tư, tất cả những người lính Liên hợp quốc đã ngủ quanh ông thiếu tá. Tuy ông vẫn còn thức nhưng cũng không xa giấc ngủ là mấy. Ông còn phải kết thúc cuốn sách để kịp làm quà sinh nhật cho Hilde. Vậy nên ông ta phải làm việc, Sophie à, vậy nên người đàn ông khốn khổ hầu như không được nghỉ ngơi.”
“Em chịu rồi.”
“Mục mới!”
Sophie và Alberto ngồi nhìn sang bên kia bờ hồ. Trông Alberto như đang trong trạng thái nhập định. Một lát sau, Sophie đánh bạo kéo tay áo Alberto.
“Thầy đang mơ đấy ạ?”
“Đúng, ông ta đã can thiệp trực tiếp. Mấy đoạn vừa rồi là do ông ta đọc chính tả đến từng chữ một. Ông ta nên tự lấy làm xấu hổ mới phải. Nhưng bây giờ ông ta đã tự lộ diện và chuyển ra công khai. Bây giờ ta đã biết rằng ta đang sống trong một cuốn sách mà cha của Hilde sẽ gửi cho Hilde làm quà mừng sinh nhật. Em đã nghe những gì tôi nói đấy chứ? Ờ mà, không phải ‘tôi’ đã nói những điều đó.”
“Nếu những gì thầy nói là đúng thì em sẽ chạy khỏi cuốn sách và đi đường em.”
“Đó chính là chuyện tôi đang tính toán. Nhưng trước khi việc đó có thể xảy ra, ta phải cố nói chuyện với Hilde đã. Cô ấy đọc từng lời ta nói. Một khi ta ra khỏi được chỗ này, việc liên lạc với cô ấy sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nghĩa là ta phải nắm lấy cơ hội này.”
“Ta sẽ nói gì ạ?”
“Tôi nghĩ là ông thiếu tá sắp ngủ gục trên máy chữ, mặc dù những ngón tay của ông vẫn đang lướt như điên trên những phím chữ…”
“Đó quả là một ý nghĩ sởn gai ốc.”
“Đây là lúc mà ông có thể viết những gì mà sau này ông sẽ hối tiếc. Và ông ta không có bút xóa. Đó là phần sống còn của kế hoạch của tôi. Cầu mong không ai cho ông ta mượn bút xóa!”
“Dù chỉ là một mẩu băng phủ khô em cũng không cho ông ấy!”
“Ngay lúc này đây, tôi đang kêu gọi cô bé đáng thương ấy đứng lên chống lại cha mình. Cô ấy nên tự lấy làm xấu hổ nếu cô ta cũng thích thú với cái trò đùa cợt phóng túng với những cái bóng của ông ta. Giá mà tóm được ông ta ở đây, ta sẽ cho ông ấy nếm mùi phẫn nộ của chúng ta!”
“Nhưng ông ấy không có ở đây.”
“Ông ta ở đây bằng tinh thần và tâm hồn, nhưng ông ta cũng đang trốn kỹ ở tận Lebanon. Mọi thứ quanh ta đều là bản ngã của ông thiếu tá.”
“Nhưng ông ta không chỉ là những gì mà ta có thể thấy ở đây.”
“Ta chỉ là những cái bóng trong tâm hồn của ông thiếu tá. Và những cái bóng đi tấn công ông chủ thì không phải chuyện đơn giản chút nào, Sophie ạ. Việc này đòi hỏi cả sự khôn khéo và chiến lược. Nhưng chúng ta có cơ hội gây ảnh hưởng với Hilde. Chỉ có thiên thần mới có thể nổi dậy chống lại Chúa Trời.”
“Ta có thể xui Hilde giận dỗi với ông ấy khi ông ta về nhà. Cô ấy có thể bảo ông ta là đồ bịp bợm. Cô ấy có thể phá thuyền, hoặc ít nhất cũng đập cái đèn bão của ông ấy.”
Alberto gật đầu. Rồi ông nói: “Cô ấy cũng có thể bỏ trốn ông thiếu tá. Việc đó với cô ấy dễ hơn là đối với chúng ta. Cô ấy có thể đi khỏi nhà ông thiếu tá và không bao giờ trở lại. Thế chẳng phải đáng đời cho một ông thiếu tá thích đem chúng ta ra để chơi trò ‘tưởng tượng tạo lập thế giới’ hay sao?”
“Em có thể hình dung được. Ông thiếu tá đi khắp thế giới tìm Hilde. Còn Hilde thì đã biến mất vào không khí vì cô không thể sống với một người bố đã đem Sophie và Alberto ra làm trò hề.”
“Đúng! Đúng đấy! Làm trò hề! Đó chính là từ tôi muốn dùng để chỉ chuyện ông ấy dùng chúng ta làm trò vui ngày sinh nhật. Nhưng ông ấy nên liều liệu, Sophie ạ. Cả Hilde cũng vậy.”
“Ý thầy là gì ạ?”
“Em đang ngồi vững đấy chứ?”
“Miễn là không có thêm một vị thần đèn nào nữa.”
“Em hãy thử hình dùng rằng mọi chuyện xảy ra với ta đều diễn ra trong tâm thức của một người nào đó khác. Ta là tâm thức đó. Có nghĩa là ta không có linh hồn, ta là linh hồn của một người khác. Vậy là ta đang ở môi trường triết học quen thuộc. Cả Berkeley và Schelling chắc cũng phải dỏng tai lên nghe.”
“Rồi sao nữa ạ?”
“Giờ có thể linh hồn đó là của cha Hilde. Ông đang ở Lebanon, viết cuốn sách triết học để mừng sinh nhật con gái. Khi Hilde thức dậy vào ngày 15 tháng Sáu, cô sẽ tìm thấy cuốn sách trên bàn cạnh giường, và đến khi cô ấy – và bất cứ người nào khác – có thể đọc về chúng ta. Đã có gợi ý từ lâu rằng ‘món quà’ này có thể được chia sẻ với những người khác.”
“Vâng, em vẫn nhớ.”
“Những gì tôi đang nói với em sẽ được Hilde đọc, sau khi cha cô từ Lebanon đã tưởng tượng tôi đang nói với em rằng ông ấy đang ở Lebanon… tưởng tượng về tôi nói với em rằng ông ấy đang ở Lebanon.”
Đầu óc Sophie quay cuồng. Cô cố nhớ về những gì đã được nghe về Berkeley và chủ nghĩa Lãng mạn. Alberto tiếp tục. “Nhưng họ không nên quá tự mãn về chuyện đó. Họ là những người không nên cười nhất, vì cười dễ làm họ nghẹn lắm.”
“Thầy đang nói về ai vậy?”
“Hilde và cha cô ấy. Không phải ta đang nói về họ sao?”
“Thế thì tại sao họ không nên tự mãn?”
“Bởi vì có khả năng chính họ cũng chỉ là tâm thức.”
“Làm sao có thể thế được?”
“Nếu điều đó là có thể đối với Berkeley và những người Lãng mạn, thì nó cũng có thể đối với họ. Có thể ông thiếu tá cũng chỉ là một cái bóng trong một cuốn sách viết về ông ta và Hilde, và cuốn sách đó cũng viết về chúng ta, do chúng ta là một phần trong cuộc sống của họ.”
“Thế thì còn tệ hơn nữa. Thế thì ta chỉ là bóng của những cái bóng.”
“Nhưng rất có thể là một tác giả hoàn toàn khác ở đâu đó đang viết về một cuốn sách về một thiếu tá quân Liên hợp quốc tên là Albert Knag, còn ông thiếu tá này lại đang viết về một cuốn sách cho con gái Hilde của mình – một cuốn sách viết về một ông Alberto Knox nào đó, người bỗng dưng bắt đầu gửi những bài giảng triết học khiêm tốn cho Sophie Admunsen ở nhà số 3 đường Cỏ Ba Lá.”
“Thầy có tin như thế không ạ?”
“Tôi chỉ đang nói rằng điều đó là có thể. Đối với ta, tác giả đó sẽ là một ‘vị Chúa Trời dấu mặt’. Mặc dù những gì ta là và những gì ta nói thực sự bắt nguồn từ ông ta vì ta là ông ta, ta sẽ không bao giờ có thể biết gì về ông ấy. Ta nằm trong cái hộp trong cùng.”
Alberto và Sophie ngồi lặng thinh một lúc lâu. Cuối cùng, Sophie phá vỡ sự im lặng. “Nhưng nếu quả thực có một tác giả viết về bố của Hilde ở Lebanon, cũng như ông ấy đang viết một câu chuyện về chúng ta…”
“Ừ?”
“… thì cũng có thể cả ông ấy cũng không nên tự mãn.”
“Em nói thế nghĩa là sao?”
“Ông ấy đang ngồi ở đâu đó, giấu Hilde và em ở sâu trong đầu mình. Chẳng phải cũng có thể rằng cả ông ta cũng là một phần của tâm thức cao hơn ư?”
Alberto gật đầu.
“Tất nhiên là có thể, Sophie ạ. Đó cũng là một khả năng có thể xảy ra. Và nếu vậy thì điều đó có nghĩa là ông ta đã cho phép ta có cuộc đàm luận triết học này để trình bày khả năng đó. Ông ta muốn nhấn mạnh rằng chính ông cũng có thể chỉ là một cái bóng bất lực, và rằng cuốn sách – cuốn sách trong đó có Hilde và Sophie – trong thực tế chỉ là một cuốn sách giáo khoa triết học.”
“Sách giáo khoa ấy ạ?”
“Vì tất cả những cuộc đàm luận, những cuộc đối thoại của chúng ta…”
“Dạ?”
“…thưc ra là một lời độc thoại dài.”
“Em có cảm giác rằng mọi thứ đang tan thành tâm thức và tinh thần. Em mừng là còn có vài trà triết học nữa. Môn triết học đã bắt đầu thật kiêu hãnh với Thales, Empedocles và Democritus không thể bị mắc kẹt ở chỗ này, đúng không ạ?”
“Hẳn rồi. Tôi vẫn còn phải kể cho em nghe về Hegel. Ông là triết gia đầu tiên cứu triết học sau khi các nhà Lãng mạn chủ nghĩa đã làm mọi thứ tan ra thành tinh thần.”
“Em tò mò quá!”
“Để không bị làm gián đoạn bởi một cái bóng hay một tinh thần nào nữa, ta hãy vào trong nhà.”
“Dù sao thì ngoài này cũng bắt đầu lạnh rồi.”
“Chương tiếp theo!”