… một con người tỉ mỉ muốn làm sáng tỏ các khái niệm của chúng ta…
Khi mẹ nghỉ trưa, Sophie đến chỗ cái hốc. Cô đã bỏ một viên đường vào trong chiếc phong bì màu hồng và ghi “Kính gửi thầy Alberto” ở ngoài.
Chưa có thư mới. Nhưng vài phút sau, Sophie nghe tiếng con chó đến gần.
“Hermes!” Cô gọi. Một lát sau, con chó đã chui vào trong hốc, mõm ngậm một chiếc phong bì to. Cô quàng tay ôm con chó đang thở hồng hộc. Cô đút chiếc phong bì hồng vào mõm nó. Con chó chui qua hàng giậu và quay trở vào rừng.
Sophie lo ngại mở chiếc phong bì nâu, cô tự hỏi không biết nó có chứa cái gì về ngôi nhà gỗ và chiếc thuyền hay không.
Như thường lệ, trong phong bì có một tập giấy đánh máy được kẹp lại bằng một cái kẹp giấy. Nhưng lần này còn có thêm một tờ giấy rời. Tờ giấy viết:
Cô Thám tử, hay chính xác hơn, cô Kẻ trộm thân mến! Vụ án đã được chuyển cho cảnh sát.
Không hẳn thế đâu. Không, tôi không giận. Nếu em cũng tò mò như vậy khi tìm câu trả lời cho các câu đố triết học, tôi có thể nói rằng cuộc phiêu lưu của em rất hứa hẹn. Chỉ hơi khó chịu là bây giờ tôi sẽ phải chuyển nhà. Dù sao thì tôi nghĩ rằng chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình thôi. Đáng ra tôi phải biết rằng em là người luôn muốn đi đến tận cùng của vấn đề.
Thân ái, Alberto.
Sophie nhẹ cả người. Vậy là ông ấy không giận. Nhưng tại sao ông lại phải chuyển nhà?
Sophie cầm tập giấy rồi chạy lên phòng. Nên có mặt ở nhà khi mẹ thức dậy thì hơn. Nằm thoải mái trên giường, cô bắt đầu đọc về Aristotle.
Nhà triết học và nhà khoa học
Sophie thân mến. Có lẽ em đã rất ngạc nhiên về lý thuyết của Plato về các ý niệm. Em không phải là người duy nhất đâu! Tôi không biết em đã nuốt chửng tất cả mọi thứ – móc câu, dây câu và chỉ – hay em đã có phê phán. Nếu có, em có thể chắc chắn rằng, những lời chỉ trích đó cũng đã được nêu lên bởi Aristotle (384-322 t.CN), người đã là học trò tại Hàn lâm viện của Plato trong 20 năm.
Aristotle không phải là người gốc Athens. Ông sinh ra ở Macedonia và đến Hàn lâm viện của Plato khi Plato 61 tuổi. Cha của Aristotle là một thầy thuốc được mọi người kính trọng, và do đó là một nhà khoa học. Hoàn cảnh gia đình đó đã gợi ý cho ta chút gì đó về hướng nghiên cứu triết học của Aristotle. Điều ông quan tâm nhất là nghiên cứu về thiên nhiên. Không chỉ là nhà triết học Hy Lạp vĩ đại cuối cùng, ông còn là nhà sinh vật học vĩ đại đầu tiên của châu Âu.
Xét về hai thái cực, ta có thể nói rằng Plato đã say mê với các hình thức vĩnh cửu, hay “ý niệm” đến nỗi ông chẳng để ý đến các biến đổi thiên nhiên. Ngược lại, Aristotle lại chỉ chú trọng vào những thay đổi này – những gì mà ngày nay ta gọi là các quá trình tự nhiên.
Cường điệu hơn nữa, ta có thể nói rằng Plato quay lưng lại với thế giới tri giác và nhắm mắt trước vạn vật mà ta nhìn thấy ở xung quanh. (Ông muốn thoát ra khỏi cái hang để nhìn ra thế giới vĩnh cửu của các ý niệm!) Aristotle làm điều hòa ngược lại: ông bò dưới đất để nghiên cứu các và ếch, cỏ và hoa.
Trong khi Plato chỉ sử dụng lý tính, Aristotle còn sử dụng cả các giác quan nữa.
Ta tìm thấy những khác biệt có tính quyết định giữa hai người, phần không nhỏ là từ các tác phẩm của họ. Plato là một nhà thơ, nhà thần học; còn các tác phẩm của Aristotle thì khô khan và chính xác như bách khoa toàn thư. Ngoài ra, phần lớn những điều ông viết đều dựa trên các nghiên cứu thực tiễn mới nhất.
Các tài liệu từ thời Cổ Đại nói đến 170 tác phẩm được coi là do Aristotle viết. Trong số đó, 47 tác phẩm còn bảo tồn đến bây giờ. Đây không phải là các cuốn sách hoàn chỉnh mà chủ yếu là các tập bài giảng. Vào thời ông, triết học vẫn chủ yếu là các hoạt động truyền miệng.
Ý nghĩa quan trọng của Aristotle đối với văn hóa châu Âu phần không nhỏ là do ông đã tạo ra các thuật ngữ mà các nhà khoa học ngày nay sử dụng. Ông là nhà tổ chức vĩ đại, người đã đặt nền móng và phân loại nhiều ngành khoa học.
Vì Aristotle viết về tất cả các ngành khoa học, tôi sẽ giới hạn chỉ trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Do tôi đã kể với em rất nhiều về Plato, nên em sẽ bắt đầu bằng việc nghe xem Aristotle đã phản bác học thuyết ý niệm của Plato như thế nào. Sau đó, ta sẽ xem ông thiết lập triết học tự nhiên của mình như thế nào, do Aristotle chính là người đã tổng kết lại những điều mà các nhà triết học tự nhiên trước ông đã nói. Ta sẽ xem ông phân loại các khái niệm và đặt nền móng cho môn Logic như là một ngành khoa học. Và cuối cùng, tôi sẽ kể cho em chút ít về quan điểm của Aristotle về con người và xã hội.
Không có ý niệm bẩm sinh
Cũng như các nhà triết học tiền bối, Plato muốn tìm thấy cái vĩnh cửu và bất biến trong màn sương mù của vạn vật biến đổi. Vậy nên ông đã tìm thấy các ý niệm hoàn hảo cao cấp hơn thế giới tri giác. Xa hơn nữa, ông còn cho rằng các ý niệm có tính thực chất hơn mọi hiện tượng của thiên nhiên. Con ngựa “ý niệm” đến trước, rồi mới đến những con ngựa của thế giới tri giác lóc cóc phi nước kiệu như những cái bóng trên vách bang. Con gà “ý niệm” có trước cả con gà và trứng.
Aristotle cho rằng Plato đã lộn ngược mọi thứ. Ông đồng ý với người thầy của mình rằng con ngựa cụ thể biến đổi, và rằng không có con ngựa nào sống mãi. Ông cũng công nhận rằng hình thức thực sự của ngựa là vĩnh cửu và bất biến. Nhưng con ngựa “ý niệm” chỉ đơn giản là một khái niệm mà con người chúng ta thiết lập sau khi đã nhìn thấy một vài con ngựa. Do vậy, con ngựa “ý niệm” hay “hình thức” không có sự tồn tại của riêng mình. Đối với Aristotle, con ngựa “ý niệm” hay con ngựa “hình thức” được tạo bởi các đặc điểm của ngựa – nó định nghĩa cái mà ngày nay ta gọi là loài ngựa.
Nói một cách chính xác hơn, Aristotle coi con ngựa “hình thức” là những gì chung cho mọi con ngựa. Ở đây, phép ẩn dụ về cái khuôn bánh không áp dụng được vì cái khuôn tồn tại độc lập với những chiếc bánh cụ thể. Aristotle không tin vào sự tồn tại của những cái khuôn hay hình thức nằm trên cái giá riêng của nó bên ngoài thế giới tự nhiên. Ngược lại, với Aristotle, các “hình thức” nằm trong sự vật, vì chúng là các đặc điểm cụ thể của những sự vật này.
Vậy nên Aristotle không đồng ý với Plato rằng con gà “ý niệm” có trước gà. Cái mà Aristotle gọi là con gà “hình thức” có mặt trong từng con gà, đó chính là một tập cụ thể các đặc điểm của gà, đẻ trứng chẳng hạn. Con gà thực tế và con gà “hình thức” cũng gắn liền với nhau như thể xác và linh hồn.
Đó chính là cốt lõi của những chỉ trích của Aristotle đối với thuyết ý niệm của Plato. Nhưng em cần lưu ý rằng đây là một bước ngoặt lớn của tư tưởng. Trong lý thuyết của Plato, nằm ở mức hiện thực cao nhất là những gì ta tư duy bằng lý tính. Còn Aristotle lại thấy rõ ràng không kém rằng mức độ cao nhất của thực tại chính là những gì ta tri giác được bằng các giác quan. Plato cho rằng mọi thứ ta nhìn thấy trong tự nhiên chỉ là hình ảnh phản chiếc của những sự vật tồn tại trong một hiện thực cao hơn, đó là thế giới ý niệm, và do vậy chúng ở trong linh hồn con người. Ngược lại, Aristotle cho rằng những gì trong linh hồn con người chỉ là hình ảnh phản chiếu của các đối tượng tự nhiên. Vì vậy thiên nhiên chính là thế giới thực. Theo Aristotle, Plato bị kẹt trong bức tranh thần tình về thế giới mà trong đó trí tưởng tượng của con người đã bị lẫn lộn với thế giới thực.
Aristotle chỉ ra rằng không có gì tồn tại trong ý thức mà trước đó chưa được trải nghiệm bằng giác quan. Plato hẳn đã nói rằng không có gì tồn tại trong thế giới tự nhiên mà trước đó lại chưa có trong thế giới ý niệm. Aristotle cho rằng như thế là Plato đã “nhân đôi sự vật”. Ông đã dùng con ngựa “ý niệm” để giải thích về một con người. Nhưng thế nghĩa là thế nào, Sophie? Câu hỏi của tôi là: con ngựa “ý niệm” ở đâu ra. Biết đâu, thậm chí có thể có một con ngựa thứ ba mà con ngựa “ý niệm” chỉ là một mô phỏng của nó?
Aristotle khẳng định rằng mọi suy nghĩ và ý niệm của chúng ta đã đến với ý thức qua những gì ta đã nghe thấy và nhìn thấy. Nhưng ta còn có năng lực lý luận bẩm sinh. Không phải ta có ý niệm bẩm sinh như Plato đã nghĩ, mà là ta có năng lực bẩm sinh trong việc sắp xếp và phân loại tất cả các ấn tượng tri giác. Các khái niệm “đất đá”, “thực vật”, “động vật” và “con người” đã sinh ra theo cách đó, các khái niệm “ngựa”, “tôm hùm” và “chim hoàng yến” cũng nảy sinh theo cách tương tự.
Aristotle không phủ nhận rằng con người có lý tính bẩm sinh. Ngược lại, theo Aristotle, lý tính chính là đặc điểm nổi bật nhất của con người. Nhưng lý tính của ta hoàn toàn trống rỗng cho đến khi ta cảm nhận được cái gì đó bằng giác quan. Vậy, con người không có “ý niệm” bẩm sinh.
Hình thức của một vật là các đặc điểm cụ thể của nó
Giải quyết xong lý thuyết ý niệm của Plato, Aristotle xác lập rằng hiện thực bao gồm nhiều sự vật riêng biệt, chúng hợp thành một thể thống nhất của hình thức và chất. “Chất” là cái mà từ đó sự vật được tạo ra, trong khi “hình thức” là các đặc điểm cụ thể của mỗi vật.
Một con gà mái đang vẫy cánh trước mặt em, Sophie. “Hình thức” của gà mái chính là: nó vẫy cánh, và rằng nó cục tác và đẻ trứng. Vậy với ta, “hình thức” của một con gà là tập hợp các đặc điểm cụ thể của loài của nó. Khi con gà chế – và ngừng cục ta cục tác – “hình thức” của nó chấm dứt sự tồn tại. Cái duy nhất còn lại là “chất” của con gà (thật đáng buồn phải không Sophie), nhưng nó không còn là một con gà.
Như tôi đã nói, Aristotle quan tâm đến các thay đổi trong tự nhiên. “Chất” luôn chứa tiềm năng hiện thực hóa một “hình thức” cụ thể. Ta có thể nói rằng “chất” luôn phấn đấu để đạt được một tiềm năng bẩm sinh. Aristotle cho rằng mỗi thay đổi trong thiên nhiên là một sự biến đổi của “chất” từ “tiềm năng” thành “sự thực”.
Phải, Sophie à, tôi sẽ giải thích điều tôi muốn nói. Để xem câu chuyện vui này có giúp được em không. Một nhà điêu khắc đang làm việc với một tảng đá granite lớn. Ngày ngày, ông cặm cụi đục đẽo tảng đá trông không ra hình thù gì. Một hôm, một cậu bé ghé qua chơi, cậu hỏi “Bác đang làm gì vậy?”, “Cháu cứ chờ rồi sẽ biết!”, nhà điêu khắc trả lời. Vài hôm sau, chú bé quay lại, nhà điêu khắc đã tạc được một con ngựa tuyệt đẹp từ tảng đá. Cậu bé ngắm nhìn đầy sửng sốt, rồi cậu quay về phía nhà điêu khắc và hỏi, “Bác làm thế nào mà biết là nó ở trong đó?”
Quả vậy, sao ông ta biết? Theo một nghĩa nào đó, nhà điêu khắc đã nhìn thấy hình thức con ngựa trong khối đá granite, vì khối đá đó có tiềm năng được tạc thành hình một con ngựa. Tương tư, Aristotle tin rằng mọi vật trong thiên nhiên đều có tiềm năng hiện thực hóa – hay tiềm năng đạt được – một “hình thức” cụ thể.
Ta hãy quay lại với chuyện gà và trứng. Một quả trứng gà có tiềm năng trở thành một con gà. Điều đó không có nghĩa rằng mọi quả trứng gà đều trở thành gà, phần lớn có kết cục là trứng rán, trứng ốp lết hay trứng luộc trên bàn ăn mà không bao giờ hiện thực hóa được tiềm năng của chúng. Nhưng có một điều rõ ràng cũng không kém là một quả trứng gà không thể trở thành một con ngỗng. Tiềm năng đó không có trong trứng gà. “Hình thức” của một vật quyết định cả hạn chế lẫn tiềm năng của nó.
Khi nói về “chất” và “hình thức” của sự vật, Aristotle không chỉ nói đến các cơ thể sống. Cũng như “hình thức” của gà mái là vẫy cánh, cục tác, đẻ trứng, “hình thức” của hòn đá là rơi xuống đất. Gà không thể không cục tác, hòn đá cũng không thể không rơi xuống đất. Tất nhiên, em có thể nhặt một hòn đá và ném nó lên cao, nhưng vì bản chất của hòn đá là phải rơi xuống đất, em không thể ném nó lên tận mặt trăng. (Hãy cẩn thận khi em thực hiện thí nghiệm này, vì hòn đá có thể trả thù và tìm đường ngắn nhất để quay trở lại mặt đất!)
Nguyên nhân sau cùng
Trước khi kết thúc chủ đề về mọi vật sống hay chết đều có một “hình thức” quy định các “hành động” tiềm tàng của chúng, tôi phải nói thêm rằng Aristotle đã có một cách nhìn rất đáng chú ý về quan hệ nhân quả trong thiên nhiên.
Ngày nay, khi nói về nguyên nhân của một điều gì đó, ta muốn nói đến chuyện “làm thế nào mà nó xảy ra được”. Cửa kính vỡ vì Peter ném đá; một chiếc giày được tạo ra vì người thợ giày đã khâu các mảnh da lại với nhau. Nhưng Aristotle cho rằng trong tự nhiên có các loại nguyên nhân khác nhau. Ông đã chỉ ra bốn nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu được cái mà ông gọi là “nguyên nhân sau cùng” là gì.
Trong trường hợp cửa sổ bị vỡ, sẽ là hợp lý khi hỏi tại sao Peter lại ném đá. Như vậy, ta đang hỏi mục đích của Peter là gì. Không nghi ngờ gì, mục đích cũng có vai trò trong chuyện chiếc giày được tạo ra. Nhưng Aristotle còn tính đến cả một “mục đích” tương tự khi xem xét các quá trình thuần túy vô tri trong thiên nhiên. Đây là một ví dụ:
Tại sao trời mưa, Sophie? Có lẽ em đã học ở trường rằng hơi nước trong các đám mây lạnh dần rồi ngưng tụ thành những giọt mưa, những giọt mưa này bị kéo về phía trái đất do lực hấp dẫn. Aristotle chắc cũng sẽ gật đầu đồng ý. Nhưng ông sẽ nói thêm rằng em mới chỉ nói đến ba nguyên nhân. “Nguyên nhân vật chất” là hơi nước (đám mây) đã ở đó vào đúng lúc không khí lạnh đi, và “nguyên nhân hình thức” là “hình thức”, hay bản chất, của nước là phải rơi xuống đất. Nhưng nếu em dừng lại ở đó, Aristotle sẽ bổ sung rằng trời mưa vì cây cỏ và chim muông cần nước mưa để sinh trưởng. Ông gọi đây là “nguyên nhân sau cùng”. Aristotle gán cho những giọt mưa một nhiệm vụ hay “mục đích” sống.
Ta có thể lật ngược lại và nói rằng cây cỏ phát triển vì nó tìm được hơi ấm. Em có thấy được sự khác nhau không, Sophie? Aristotle tin rằng có một mục đích đằng sau mọi thứ trong tự nhiên. Trời mưa để cây mọc; cam và nho mọc để người ăn trái.
Lý luận khoa học ngày nay không như vậy. Ta nói rằng thức ăn và nước uống là các điều kiện cần thiết cho cuộc sống của con người và thú vật. Nếu không có những điều kiện đó, ta đã không tồn tại. Nhưng nước hay cam đều không có mục đích để làm thức ăn cho chúng ta.
Xét quan hệ nhân quả, ta muốn nói rằng Aristotle đã nhầm. Nhưng không nên quá vội vã. Nhiều người tin rằng Chúa Trời đã tạo ra thế giới như thế này để mọi tạo vật của Ngài có thể sinh sống trong đó. Nếu nhìn theo cách đó, khẳng định rằng trong các dòng sông có nước vì con người và chim muông cần nước để sống là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng giờ thì ta đang nói về mục đích của Chúa Trời. Còn giọt mưa và nước sông chẳng hề quan tâm đến lợi ích của ta.
Logic học
Sự khác biệt giữa “hình thức” và “chất đóng một vai trò quan trọng trong giải thích của Aristotle về cách ta nhận thức các sự vật trong thế giới.
Khi nhận thức, ta phân loại sự vật thành các nhóm hay các phạm trù khác nhau. Tôi nhìn thấy một con ngựa, một con ngựa khác, rồi một con ngựa nữa. Những con này không giống hệt nhau, nhưng chúng có cái gì đó chung, và các chung đó chính là “hình thức” của ngựa. Bất cứ cái gì phân biệt, hoặc cá thể, đều thuộc về “chất” của con ngựa.
Vậy là chúng ta đi khắp nơi, phân loại mọi thứ. Ta nhốt bò vào chuồng bò, ngựa vào tàu ngựa, gà vào chuồng gà. Cũng giống như khi Sophie Amundsen dọn phòng. Cô xếp sách lên giá, cất vở vào cặp, nhét báo vào ngăn kéo. Sau đó, cô gập quần áo gọn gang và cất vào tủ, đồ lót một ngăn, áo len vào một ngăn khác, tất vào một ngăn khác nữa. Lưu ý rằng chúng ta cũng thực hiện chính công việc đó trong đầu. Ta phân biệt những thứ bằng đá, bằng len, và bằng cao su. Ta phân biệt những vật sống với vật chết, phân biệt giữa thực vật, động vật và con người.
Em thấy không, Sophie? Aristotle muốn dọn dẹp kỹ càng “căn phòng” thiên nhiên. Ông cố gắng chỉ ra rằng mọi vật trong thiên nhiên thuộc về các phạm trù và các phạm trù con khác nhau. (Hermes là một sinh vật sống, cụ thể hơn, nó là động vật, cụ thể hơn nữa, nó là động vật có xương sống, cụ thể hơn nữa, nó là thú có vú, cụ thể hơn nữa, nó là một con chó, cụ thể hơn nữa, nó là một con Labrador, cụ thể hơn nữa, nó là một con Labrador đực)
Em hãy về phòng mình, nhặt một thứ bất kỳ từ dưới sàn. Bất kể đó là gì, em sẽ thấy nó thuộc về một phạm trù cao hơn. Bao giờ em nhìn thấy cái gì đó mà em không thể phân loại, em sẽ bị sốc. Chẳng hạn, nếu em tìm thấy một thứ mà em không nhận ra nó là động vật, thực vật hay khoáng vật, tôi không nghĩ là em sẽ dám chạm vào nó.
Nói về động vật, thực vật và khoáng vật làm tôi nhớ về một trò chơi trong các bữa tiệc mà kẻ xấu số phải ra khỏi phòng, và khi quay lại, anh ta phải đoán xem mọi người đang nghĩ về cái gì. Chẳng hạn, mọi người đã thống nhất cùng nghĩ về con mèo Fluffy lúc đó đang ở trong vườn nhà hàng xóm. Kẻ xấu số quay vào và bắt đầu đoán. Những người khác chỉ được trả lời “đúng” hoặc “sai”. Nếu kẻ xấu số là một học trò giỏi của Aristotle – và khi đó không còn xấu số nữa – trò chơi rất có thể sẽ tiến triển như sau:
Nó là một vật cụ thể? (Đúng!) Khoáng vật? (Sai!) Sinh vật sống? (Đúng!) Thực vật? (Sai!) Động vật? (Đúng!) Nó là một con chim? (Sai!) Một con thú có vú? (Đúng!) Một con vật nguyên vẹn? (Đúng!) Nó là một con mèo? (Đúng!) Có phải Fluffy? (Đúng rồi! Những tiếng cười vang lên…)
Vậy là Aristotle đã phát minh ra trò chơi đó. Ta cũng cần ghi công Plato do đã phát minh ra trò chơi trốn tìm, và Democritus do tìm ra trò Lego.
Aristotle là nhà tổ chức tỉ mỉ, người đã định làm rõ các khái niệm của chúng ta. Thực tế, ông đã đặt nền móng cho ngành logic. Ông trình bày một loạt các quy tắc chi phối các kết luận và các chứng minh đúng đắn. Chỉ cần một ví dụ là đủ. Nếu đầu tiên tôi khẳng định rằng “mọi sinh vật sống đều sẽ phải chết” (tiền đề thứ nhất), và sau đó khẳng định rằng “Hermes là một sinh vật sống” (tiền đề thứ hai), thì tôi có kết luận rằng “Hermes sẽ phải chết”.
Ví dụ trên cho thấy rằng logic của Aristotle dựa trên mối tương quan giữa các hạng tử logic, trong trường hợp này là “sinh vật sống” và “sẽ phải chết”. Mặc dù ai cũng phải công nhận kết luận trên là đúng 100%, nó hầu như chẳng cho ta thông tin gì mới. Ta đã biết từ trước rằng Hermes sẽ phải chết. (Nó là một con “chó”, mọi con chó đều là “sinh vật sống”, và sinh vật sống thì không bất tử như đá trên đỉnh Everest). Chắc chắn ta đã biết điều đó. Nhưng mối quan hệ giữa các lớp sự vật không phải lúc nào cũng dễ thấy như vậy. Đôi khi ta cần phải làm rõ các khái niệm của mình.
Ví dụ: có thật là chuột con mới sinh cũng bú tí mẹ như cừu non và lợn con không? Chắc chắn là chuột không đẻ trứng. (Lần cuối cùng tôi nhìn thấy một quả trứng chuột là khi nào nhỉ?) Vậy, chúng đẻ con non như lợn và cừu. Ta gọi những động vật đẻ con non là động vật có vú – những con thú nuôi con bằng sữa mẹ. Ta đã đến đích. Trong một chốc lát, ta đã quên rằng chuột con quả thực bú tí mẹ. Có lẽ đó là vì ta chưa bao giờ nhìn thấy một chú chuột con đang được cho bú, lý do đơn giản là khi cho con bú, chuột khá là thẹn nên không để con người nhìn thấy.
Hệ thống cấp bậc của thiên nhiên
Khi Aristotle “dọn dẹp” sự sống, đầu tiên, ông chỉ ra rằng mọi vật trong thế giới tự nhiên có thể được chia thành hai phạm trù chính. Môt bên là các vật vô tri chẳng hạn như hòn đá, những giọt nước, một nhúm đất. Những vật này không có tiềm năng biến đổi. Theo Aristotle, những vật vô tri chỉ có thể bị thay đổi qua ảnh hưởng từ bên ngoài. Chỉ có sinh vật có tiềm năng biến đổi.
Aristotle chia “sinh vật” thành hai phạm trù khác nhau: thực vật và động vật. Cuối cùng, động vật lại được chia thành phạm trù con: cầm thú và con người.
Em hẳn thấy rằng cách phân loại của Aristotle là rõ ràng và đơn giản. Có một điểm khác biệt có tính quyết định giữa một sinh vật và một vật vô tri, chẳng hạn một bông hồng và một hòn đá. Cũng như có sự khác nhau có tính quyết định giữa một cái cây và một con thú, chẳng hạn giữa bông hồng và một con ngựa. Tôi cũng có thể tuyên bố rằng chắc chắn có sự khác biệt giữa một con ngựa và một con người. Nhưng khác nhau chính xác ở chỗ nào? Em biết không?
Không may là tôi không có thời gian để chờ em viết câu trả lời và bỏ vào một chiếc phong bì hồng với một mẩu đường. Nên tôi sẽ tự trả lời. Khi Aristotle phân chia các hiện tượng thiên nhiên thành các phạm trù khác nhau, tiêu chí của ông là các đặc điểm của đối tượng, cụ thể hơn, nó làm gì hoặc có thể làm gì.
Mọi sinh vật (cây cỏ, cầm thú, con người) phải có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, phát triển và sinh sản. Tất cả các động vật (cầm thú, con người) đều có thêm khả năng nhận biết thế giới xung quanh và khả năng di chuyển. Thêm nữa, mọi con người đều có khả năng suy nghĩ, hay nói cách khác, biết sắp xếp các tri giác thành các phạm trù và các lớp khác nhau.
Vậy, trong thực tế, không có ranh giới rõ ràng trong thế giới tự nhiên. Ta quan sát sự biến đổi dần dần từ sự sống đơn giản thành những cây cỏ có cấu tạo phức tạp hơn, từ động vật đơn giản thành những động vật phức tạp hơn. Tại đỉnh của hệ thống cấp bậc này là con người – sinh vật mà Aristotle cho là sống tòan bộ cuộc sống của thiên nhiên. Con người sinh truởng và hấp thụ chất dinh dưỡng như thực vật, có cảm giác và khả năng di chuyển như động vật, nhưng còn có một đặc tính cụ thể đặc biệt chỉ có ở con người, đó là khả năng suy nghĩ dựa trên lý tính.
Do đó, con người có tia sáng của lý tính thần thánh, Sophie à. Phải, tôi đã nói là thần thánh. Thỉnh thoảng, Aristotle lại nhắc nhở chúng ta rằng phải có một vị Chúa Trời, người đã khởi đầu mọi chuyển động trong thế giới tự nhiên. Do vậy, Chúa Trời phải ở trên đỉnh của cấp bậc thiên nhiên.
Aristotle tưởng tượng rằng chuyển động của các vì sao và các hành tinh hướng dẫn mọi chuyển động trên trái đất. Nhưng phải có cái gì đó làm cho các thiên thể chuyển động. Aristotle gọi đó là “người tạo ra chuyển động đầu tiên” hay “Chúa Trời”. “Người tạo ra chuyển động đầu tiên” thì đang nghỉ ngơi, nhưng đó lại là “nguyên nhân hình thức” của chuyển động của các thiên thể, và do đó là nguyên nhân của mọi chuyển động trong tự nhiên.
Luân lý học
Ta hãy quay lại với con người, Sophie. Theo Aristotle, “hình thức” của con người có một linh hồn – cái có một phần thực vật, một phần động vật và một phần duy lý. Và ông hỏi: Ta nên sống như thế nào? Để sống tốt cần những điều kiện nào? Câu trả lời của ông: Con người chỉ có thể đạt được hạnh phúc bằng cách sử dụng mọi khả năng và năng lực của mình.
Aristotle tin rằng có ba hình thức của hạnh phúc. Hình thức thứ nhất của hạnh phúc là khoái lạc và hưởng thụ. Hình thức thứ hai là cuộc sống của một công dân tự do có tinh thần trách nhiệm. Hình thức thứ ba là cuộc sống của một nhà tư tưởng và triết gia.
Từ đó, Aristotle nhấn mạnh rằng cả ba tiêu chí đều phải cùng có mặt thì con người mới tìm được hạnh phúc và sự đầy đủ. Ông bác bỏ mọi hình thức thiếu cân bằng. Nếu ông còn sống đến ngày nay, chắc ông sẽ nói rằng một người chỉ chú trọng phát triển cơ thể sống thiếu cân bằng chẳng kém một người chỉ hoạt động trí óc. Cả hai thái cực đều là biểu hiện của cách sống lệch lạc.
Điều tương tự cũng áp dụng cho quan hệ của con người khi Aristotle chủ trương “Nguyên tắc Trung dung”. Chúng ta nên dũng cảm mà không hèn nhát hay liều lĩnh (quá ít dũng cảm thì là hèn nhát, còn dũng cảm quá thì thành liều lĩnh), nên hào phóng mà không keo kiệt hay hoang phí (quá ít hào phóng là keo kiệt, còn hào phóng quá thì thành hoang phí). Vấn đề ăn uống cũng vậy. Ăn quá ít hay quá nhiều đều nguy hiểm. Luân lý học của Plato và Aristotle mang bóng dáng của y học Hy Lạp: ta chỉ có thể đạt bằng được hạnh phúc hay một cuộc sống “hài hòa” nếu sống cân bằng và điều độ.
Chính trị
Sự không mong muốn những gì thái quá còn được thể hiện trong cách nhìn của Aristotle về xã hội. Ông nói rằng bản chất con người là một “động vật chính trị”. Không sống trong xã hội, ta sẽ không phải con người thật sự, ông khẳng định. Ông chỉ ra rằng gia đình và làng xã thỏa mãn các nhu cầu sơ đẳng về thức ăn, sự ấm áp, hôn nhân, và nuôi dạy con cái. Nhưng hình thức cao nhất của tính cộng đồng con người chỉ có thể được tìm thấy trong tổ chức nhà nước.
Điều này dẫn đến câu hỏi: nhà nước nên được tổ chức như thế nào? (Em còn nhớ “nhà nước triết học” của Plato chứ?) Aristotle đã miêu tả ba hình thức tốt của chính thể.
Một là chế độ quân chủ – nghĩa là chỉ có một người đứng đầu nhà nước. Để chính thể này được tốt, nó không được thoái hóa thành “chuyên chế độc tài” – đó là khi một người cầm quyền lãnh đạo nhà nước vì lợi ích cá nhân mình. Một hình thức khác là chính thể quí tộc, trong đó lãnh đạo nhà nước là một nhóm người. Chính thể này dễ bị thoái hóa thành một “tập đoàn đầu sỏ chính trị”, khi quyền lực chính phủ nằm trong tay một vài người. Hình thức thứ ba là chính thể dân chủ. Nhưng hình thức này cũng có nhược điểm. Một chế độ dân chủ có thể nhanh chóng phát triển thành chế độ luật số đông. (Ngay cả nếu tên độc tài Hitler không trở thành người đứng đầu nhà nước Đức, thì tất cả những tên Đức Quốc xã nhỏ hơn cũng có thể tạo thành một luật số đông đáng sợ.)
Quan điểm về phụ nữ
Cuối cùng, ta hãy xem xét quan điểm của Aristotle về phụ nữ. Không may là cách nhìn của ông không được dễ chịu như của Plato. Aristotle có xu hướng tin rằng phụ nữ không hoàn thiện theo một nghĩa nào đó. Một phụ nữ là một “người đàn ông không hoàn chỉnh”. Aristotle khẳng định, trong việc sinh sản, phụ nữ thụ động và tiếp nhận trong khi nam giới chủ động và tác tạo, vì đứa bé chỉ thừa kế các đặc điểm của cha. Ông tin rằng mọi đặc điểm của đứa trẻ đều nằm trong tinh trùng của người cha. Phụ nữ là đất, tiếp nhận và nuôi hạt giống nảy mầm, trong khi đàn ông là “người gieo hạt”. Hoặc theo ngôn ngữ của Aristotle, người đàn ông cung cấp “hình thức” còn người phụ nữ đóng góp phần “chất”.
Thật ngạc nhiên và đáng tiếc khi một người thông minh như Aristotle lại có thể sai lầm đến vậy về mối quan hệ giữa hai giới tính. Nhưng điều đó cho thấy hai điểm: thứ nhất, Aristotle đã không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, thứ hai, nó cho thấy rằng khi nam giới được phép thống trị các lĩnh vực triết và khoa học thì có thể dẫn đến sai lầm đến mức độ nào.
Quan niệm sai lầm về giới tính của Aristotle còn tai hại gấp đôi và chính quan điểm của ông – chứ không phải của Plato – đã thống trị suốt thời Trung Cổ. Do vậy mà nhà thờ đã thừa kế một quan điểm về phụ nữ mà hoàn toàn không có cơ sở từ Kinh thánh. Chắc chắn Jesus không phải là người ghét phụ nữ!
Tôi dừng ở đây. Nhưng em sẽ còn nhận được tin của tôi.
Sau khi đã đọc đi đọc lại chương Aristotle, Sophie cất tập giấy vào trong phong bì và ngồi yên, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Cô bỗng nhận thấy xung quanh mình là một đống hỗn độn. Sách vở và cặp tài liệu nằm im rải rác trên sàn. Tất và áo len, quần bó và quần jean, nửa trong tủ, nửa thò lò ra ngoài. Trên chiếc ghế đặt cạnh bàn học là một đống quần áo bẩn.
Sophie nổi hứng dọn dẹp. Việc đầu tiên là lôi tất cả quần áo trong tủ xuống sàn. Cần phải bắt đầu lại từ đầu. Rồi cô gập gọn gàng và xếp ngay ngắn vào các ngăn tủ. Cái tủ có bảy ngăn. Một ngăn đựng đồ lót, một ngăn đựng tất và quần bò, và một ngăn đựng quần jean. Cô dần dần xếp đầy từng ngăn. Cô không bao giờ đắn đo xem để cái gì ở đâu. Quần áo bẩn nhét vào trong một cái túi nilông tìm thấy ở ngăn dưới cùng. Có một thứ mà cô gặp rắc rối – một chiếc tất trắng dài đến đầu gối. Vấn đề là ở chỗ cô không tìm thấy chiếc thứ hai. Còn nữa, nó chưa bao giờ là của Sophie.
Sophie xem xét kỹ càng chiếc tất. Không có gì để nhận ra nó là của ai, nhưng Sophie rất ngờ rằng cô đã biết người chủ của chiếc tất là ai. Cô quẳng nó lên ngăn trên cùng, chỗ của bộ Lego, chiếc băng video và chiếc khăn lụa đỏ.
Quay xuống sàn. Sophie sắp xếp sách, cặp tài liệu, tạp chí, áp phích đúng như ông thầy triết học đã mô tả trong chương nói về Aristotle. Khi hoàn thành, cô dọn giường rồi bắt đầu dọn bàn viết.
Công việc cuối cùng là xếp tất cả các trang giấy về Aristotle thành một tập gọn ghẽ. Cô rút ra một kẹp tài liệu còn rỗng và một cái đục lỗ, dập lỗ các tờ giấy, rồi xếp cẩn thận vào trong kẹp tài liệu. Cái này cũng được để lên ngăn trên cùng. Lát nữa, cô sẽ phải đem chiếc hộp thiếc từ trong hốc về.
Từ nay, mọi thứ sẽ được giữ gọn gàng, không chỉ ở trong phòng cô. Sau khi đọc Aristotle, cô nhận ra rằng việc sắp xếp các ý tưởng của mình cho có trật tự cũng không kém phần quan trọng. Cô dành riêng ngăn tủ trên cùng cho những thứ thuộc loại này. Đó là nơi duy nhất trong phòng mà cô chưa kiểm soát hoàn toàn được.
Suốt hai tiếng liền không nghe thấy tiếng mẹ. Sophie xuống cầu thang. Trước khi đánh thức mẹ, cô quyết định mang thức ăn đến cho các con thú cảnh của mình.
Cô nghiêng người trên bể cá vàng trong bếp. Một con cá đen, một con cá vàng, một con đỏ pha trắng. Đó là vì sao cô gọi chúng là Cờ Đen, Lưng Vàng, và Mũ Đỏ.
Vừa rắc thức ăn cho cá xuống nước, cô vừa nói:
“Các em là những sinh vật sống của Thiên nhiên, các em có thể hấp thụ chất dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản. Cụ thể hơn, các em thuộc về thế giới động vật. Nên các em có thể cử động và nhìn ra thế giới. Chính xác hơn nữa, các em là cá, các em thở bằng mang và có thể bơi đi bơi lại trong làn nước của sự sống.”
Sophie đậy nắp lọ thức ăn cho cá. Cô khá hài long với cách mình đã xếp lũ cá vàng vào hệ thống cấp bậc của thiên nhiên, và cô đặc biệt thích cụm từ “làn nước của sự sống”. Nào, giờ đến lượt đôi vẹt Úc đuôi dài.
Sophie đổ một ít hạt kê vào cốc thức ăn và nói:
“Smit và Smule thân mến. Các em đã trở thành hai chú vẹt đuôi dài đáng yêu vì các em đã nở ra từ hai quả trứng vẹt đuôi dài, và vì trứng vẹt đuôi dài có hình thức để trở thành vẹt đuôi dài, nên thật may là các em đã không thành những con két lắm điều.”
Sau đó Sophie vào phòng tắm, ở đó có một con rùa chậm chạp nằm trong một cái hộp lớn. Thỉnh thoảng khi mẹ cô tắm vòi hoa sen, bà lại hét lên rằng một ngày nào đó bà sẽ giết nó. Nhưng đến giờ thì đó vẫn chỉ là một lời đe dọa suông. Sophie thả một chiếc xà lách vào trong hộp.
“Govinda thân mến,” cô nói. “Em không phải một trong số những con vật nhanh nhẹn nhất, nhưng chắc chắn em có thể cảm nhận được từng mẩu nhỏ xíu của thời gian trong thế giới rộng lớn mà chúng ta đang sống. Em phải tự hài lòng với bản thân rằng mình không phải người duy nhất không thể vượt qua các giới hạn của chính mình.”
Sherekan có lẽ đang bắt chuột ngoài vườn, dù sao đó cũng là bản chất của mèo. Sophie đi qua phòng khách về phía phòng ngủ của mẹ. Trên bàn nước đặt một lọ hoa thủy tiên. Có vẻ như những bông hoa màu vàng cúi chào đầy kính trọng khi Sophie đi qua. Cô dừng lại chốc lát và dịu dàng vuốt nhẹ những cánh hoa mịn màng. “Mày cũng là sinh vật của tự nhiên”, cô nói. “Thực ra mày được ưu tiên nhiều hơn so với cái lọ. Nhưng thật không may là mày không hiểu được điều đó.”
Sau đó, Sophie rón rén vào giường mẹ. Mặc dù mẹ đang ngủ say, cô đặt một tay lên trên trán bà.
“Mẹ là một trong những người may mắn nhất,” cô thì thào, “vì mẹ không chỉ đang sống như hoa thạch thảo trên đồng. Và mẹ không chỉ là một sinh vật như Sherekan hay Govinda. Mẹ là một con người, và do đó có một khả năng hiếm có – khả năng suy nghĩ”
“Con đang lẩm bẩm cái gì vậy, Sophie?”
Mẹ cô tỉnh giấc nhanh hơn mọi lần.
“Con chỉ vừa nói rằng mẹ trông như một con rùa lười biếng. Ngoài ra, con có thể thông báo cho mẹ rằng con đã dọn dẹp phòng với một sự chu đáo triết học.”
Mẹ cô ngóc đầu dậy.
“Mẹ sẽ ra ngay đây”, bà nói. “Con pha cà phê nhé!”
Sophie làm theo lời mẹ. Một lát sau, hai mẹ con ngồi trong bếp với cà phê, nước hoa quả và socola.
Sophie bỗng thốt lên, “Mẹ có bao giờ tự hỏi xem tại sao chúng ta lại đang sống không?”
“Ôi, lại bắt đầu rồi!”
“Vâng, bởi vì bây giờ con đã biết câu trả lời. Người ta sống trên hành tinh này là để có ai đó đi khắp nơi và đặt tên cho mọi thứ.”
“Sophie!”
“Mẹ thử tưởng tượng xem, nếu trên thế giới chỉ có cây cỏ và cầm thú, sẽ chẳng có ai phân biệt giữa ‘chó’ và ‘mèo’, giữa ‘hoa loa kèn’ và ‘hoa chuông’. Cây cỏ và cầm thú cũng là sinh vật, nhưng chúng ta là loại sinh vật duy nhất có thể phân loại thiên nhiên thành các lớp và các nhóm khác nhau.”
“Con quả thực là đứa con lập dị nhất của mẹ.” Mẹ cô nói.
“Con cũng hi vọng như vậy,” Sophie trả lời. “Người nào cũng lập dị không ít thì nhiều. Con là người. Vậy con lập dị không ít thì nhiều. Con là con gái duy nhất của mẹ. Vậy thì con là đứa lập dị nhất rồi.”
“Mẹ muốn nói là con đang làm mẹ phát sợ vì cái kiểu nói đó.”
“Mẹ dễ hoảng sợ thật.”
Cuối buổi chiều, Sophie quay lại cái hốc. Cô lén mang được cái hộp thiếc về phòng, mẹ không biết gì.
Đầu tiên, cô xếp tất cả các trang giấy theo đúng thứ tự. Sau đó, cô dập lỗ và xếp chúng vào kẹp tài liệu, lên trước tập giấy về Aristotle. Cuối cùng, cô đánh số từng trang ở góc trên bên phải. Có tất cả hơn 50 trang. Sophie đang trong quá trình biên sọan cuốn sách triết học của riêng mình – cuốn sách không phải do cô viết mà được viết dành riêng cho cô.
Sophie không có thời gian để làm bài tập cho ngày thứ Hai. Rất có thể sẽ có một bài kiểm tra môn Kiến thức Tôn giáo, nhưng thầy luôn nói rằng thầy coi trọng quan điểm cá nhân và những phán đóan có giá trị. Sophie cảm thấy mình đang bắt đầu có một cơ sở nào đó cho cả hai.