… cô gái trong gương nháy cả hai mắt …
Mới có bảy giờ mười lăm. Chưa cần về nhà vội. Chủ nhật, mẹ Sophie thường dễ dãi, bà chắc sẽ ngủ thêm hai tiếng nữa.
Cô có nên đi xa thêm một chút vào trong rừng và thử tìm Alberto Knox không? Tại sao con chó lại gầm gừ về phía cô dữ dội vậy?
Sophie đứng dậy và đi dọc lối mòn mà Hermes đã đi, cô cầm theo cái phong bì nâu với tập giấy viết về Plato. Mỗi khi đường rẽ nhánh, cô chọn lối rộng hơn.
Tiếng chim hót ríu rít khắp nơi, trên cây, trên trời, và cả trong bụi rậm. Chúng đang bận rộn với công việc buổi sáng. Chúng chẳng biết đến sự khác nhau giữa ngày thường và Chủ nhật. Ai đã dạy chúng làm tất cả những việc đó? Phải chăng có một chiếc máy tính nhỏ xíu bên trong mỗi con chim, lập chương trình cho những việc chúng làm? Lối mòn dẫn lên một ngọn đồi nhỏ, sau đó đi xuống dốc giữa những hàng thông cao. Rừng ở đây dày đến mức cô chỉ có thể nhìn được xa khoảng chục mét giữa các thân cây.
Bỗng cô thoáng thấy một cái gì lấp lánh giữa những thân cây thông. Đó hẳn là một cái hồ nhỏ. Lối mòn dẫn đi hướng khác nhưng Sophie tự tìm đường xuyên qua đám cây. Không rõ vì sao, nhưng cô cứ để chân mình dẫn bước.
Cái hồ không lớn hơn một cái sân bóng đá. Bờ bên kia, cô nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ nằm nửa trên cạn, nửa dưới nước. Trên thuyền có một cặp mái chèo.
Sophie nhìn quanh. Kiểu gì thì cô cũng không thể đi vòng quanh hồ để đến ngôi nhà gỗ đỏ mà không bị ướt hết giầy. Cô quyết định đến chỗ chiếc thuyền và kéo nó xuống nước. Rồi cô trèo lên, lắp mái chèo và chèo sang bên kia hồ. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền cập bờ bên kia. Sophie lên bờ và cố kéo chiếc thuyền lên theo. Bờ bên này dốc hơn nhiều so với bên kia.
Sophie chỉ ngoảnh nhìn lại đằng sau một lần trước khi bước về phía ngôi nhà.
Cô hơi sửng sốt vì sự bạo gan của mình. Thế nào mà cô lại dám làm việc này? Cô không hiểu. Cứ như thể có “cái gì” lôi kéo cô vậy.
Sophie gõ cửa. Cô đợi một lúc nhưng chẳng có ai trả lời. Cô thử xoay nắm đấm một cách cẩn thận, và cửa mở.
“Xin chào!” cô gọi. “Có ai ở nhà không ạ?”
Cô bước vào và thấy mình đang ở trong phòng khách. Cô không dám đóng cánh cửa sau lưng.
Rõ ràng có ai đó đang sống ở đây. Sophie có thể nghe thấy tiếng gõ lách cách trong cái bếp lò cũ. Có người vừa mới ở đây.
Trên một chiếc bàn ăn lớn có một chiếc máy chữ, một vài cuốn sách, hai chiếc bút chì, và một chồng giấy. Bên cạnh cửa sổ trông ra hồ là một chiếc bàn nhỏ hơn và hai chiếc ghế. Ngoài ra, có rất ít đồ đạc, nhưng lại có một bức tường được phủ bởi những cái giá xếp đầy sách. Phía trên một cái tủ ngăn kéo màu trắng có treo một tấm gương tròn lớn với khung dày bằng đồng. Trông nó có vẻ rất cổ.
Có hai bức tranh treo trên tường. Một bức là tranh sơn dầu vẽ một ngôi nhà trắng nằm không xa cái vịnh nhỏ với một căn nhà thuyền màu đỏ. Giữa ngôi nhà và nhà thuyền là một khu vườn thoai thoải với một cây táo, vài bụi cây rậm rạp và mấy tảng đá. Khu vườn được bao quanh bởi những hàng cây bulô trông như một vành khăn. Bức tranh có tên là “Bjerkely”.
Bên cạnh là một bức chân dung cổ của một người đàn ông ngồi trên ghế cạnh cửa sổ. Ông có một cuốn sách đặt trong lòng. Cảnh nền của bức tranh cũng có một vịnh nhỏ với cây và đá. Bức tranh trông có vẻ như nó đã được vẽ từ vài trăm năm trước. Nhan đề của bức tranh là “Berkeley”, và tên cuả họa sĩ là Smibert.
Berkeley và Bjerkely. Thật kỳ lạ!
Sophie tiếp tục xem xét. Một cái cửa dẫn từ phòng khách vào một cái bếp nhỏ. Ai đó vừa rửa bát. Đĩa và cốc được xếp lên trên một cái khăn, một vài chiếc vẫn còn ánh lên từ những giọt nước có xà phòng. Có một cái bát thiếc trên sàn, bên trong còn một chút thức ăn thừa. Chắc người nào sống ở đây có nuôi chó hoặc mèo.
Sophie quay lại phòng khách. Một cái cửa khác dẫn vào một phòng ngủ bé xíu. Trên sàn cạnh chân giường có một cái đệm dày. Sophie tìm thấy vài sợi lông vàng trên đó. Bằng chứng đây rồi! Giờ thì Sophie biết rằng đây chính là nơi ở của Alberto Knox và Hermes.
Quay lại phòng khách, Sophie đứng trước gương. Tấm gương đã mờ và xước nhiều, hình ảnh phản chiếu của cô chỉ nhòa nhòa. Cô bắt đầu làm điệu bộ với bóng mình trong gương như cô thường nghịch trong buồng tắm ở nhà. Cái bóng trong gương bắt chước giống hệt. Tất nhiên, đó là điều duy nhất mà người ta chờ đợi.
Bất chợt, một cái gì thật đáng sợ xảy ra. Đúng một lần – trong một tích tắc – Sophie thấy rất rõ ràng cô gái trong gương nháy mắt bằng cả hai mắt. Sophie hoảng hốt lùi lại. Nếu chính cô đã nháy mắt làm sao cô có thể nhìn thấy cô gái kia nháy mắt được? Không chỉ có thế, có vẻ như cô gái khi đã nháy mắt với Sophie như để nói rằng: Tôi nhìn thấy bạn, Sophie à. Tôi ở đây, ở phía bên kia của tấm gương.
Sophie cảm thấy trống ngực đập thình thịch, cùng lúc đó, cô nghe thấy tiếng chó sủa ở đằng xa. Hermes! Cô phải ra khỏi đây ngay lập tức. Rồi cô nhìn thấy một chiếc ví xanh trên mặt tủ dưới cái gương. Trong đó có một tờ 100 cu-ron, một tờ 50, và một chiếc thẻ học sinh. Trên đó có bức ảnh một cô gái tóc vàng và cái tên Hilde Moiler Knag…
Sophie rùng mình. Cô lại nghe thấy tiếng chó sủa. Cô phải ra khỏi đây, ngay lập tức!
Khi đi vội vàng qua cái bàn, cô nhìn thấy nằm giữa những quyển sách và chồng giấy là một chiếc phong bì trắng trên đó ghi một chữ : SOPHIE.
Không kịp hiểu mình đang làm gì, cô vơ lấy chiếc phong bì, nhét nó vào trong phong bì nâu đựng bài học về Plato. Rồi cô lao ra khỏi nhà, sập cửa.
Tiếng chó sủa nghe gần hơn. Nhưng tệ nhất là cái thuyền đã biến mất. Một hai giây sau, cô nhìn thấy nó đang trôi giữa hồ, một cái mái chèo nổi lềnh bềnh bên cạnh. Tất cả chỉ vì cô đã không thể kéo nó lên trên bờ. Tiếng chó sủa rất gần, cô đã có thể nhìn thoáng thấy bóng nó giữa những thân cây bên kia hồ.
Sophie không lưỡng lự thêm một giây nào nữa. Với chiếc phong bì lớn trong tay, cô lao vào bụi rậm phía sau ngôi nhà gỗ. Một lát sau, cô bắt đầu phải lội qua nền đất lầy lội, vài lần thụt xuống quá mắt cá chân. Nhưng cô phải đi tiếp. Cô phải về được nhà.
Chẳng bao lâu, cô gặp một lối mòn. Đó có phải con đường mà cô đã đi không? Cô dừng lại để vắt khô chiếc váy. Và rồi cô òa khóc.
Tại sao cô lại có thể ngu ngốc đến vậy? Điều tồi tệ nhất là chiếc thuyền. Cô không thể quên được hình ảnh chiếc thuyền với một mái chèo trôi lênh đênh trên mặt hồ. Thật đáng xấu hổ…
Ông thầy triết học có thể đã đến bờ hồ. Ông sẽ cần chiếc thuyền để về nhà. Sophie cảm thấy mình như một tên tội phạm. Nhưng cô đã không cố ý làm vậy.
Chiếc phong bì! Điều đó có lẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tại sao cô lại lấy nó? Dĩ nhiên là vì có tên cô trên đó, vậy nó là của cô theo một nghĩa nào đó. Nhưng dù vậy, cô vẫn cảm thấy mình như một tên trộm. Hơn nữa, cô lại còn cung cấp bằng chứng rằng chính cô là kẻ đã ở đó.
Sophie mở phong bì và đọc.
Cái gì có trước – gà hay con gà “ý niệm”?
Chúng ta có được sinh ra với các “ý niệm” bẩm sinh hay không?
Đâu là sự khác biệt giữa một cái cây, một con thú và một con người?
Tại sao trời mưa?
Phải làm thế nào để có một cuộc sống tốt?
Cô không thể nghĩ gì về các câu hỏi đó ngay lúc này được, nhưng cô đoán chúng có liên quan đến nhà triết học tiếp theo. Có phải ông ta tên là Aristotle?
Cuối cùng thì cô cũng nhìn thấy bờ giậu sau khi phải chạy một quãng đường thật dài xuyên rừng. Cứ như thể bơi vào bờ sau một vụ đắm tàu vậy. Nhìn từ bên ngoài, hàng giậu trông thật buồn cười.
Cho đến khi bò vào hốc, cô mới nhìn đồng hồ. Đã mười giờ rưỡi. Cô cất chiếc phong bì to vào trong hộp bánh và nhét tờ giấy khi các câu hỏi mới vào trong cạp quần.
Mẹ đang gọi điện khi cô vào nhà. Nhìn thấy Sophie, bà nhanh chóng cúp máy.
“Con đi đâu về vậy?”
“Con… đi dạo… trong rừng” Sophie lắp bắp.
“Vậy à.”
Sophie đứng yên nhìn nước rỏ giọt từ cái váy của mình.
“Mẹ đã gọi Joanna…”
“Joanna?”
Mẹ mang quần áo khô cho cô. May mà cô giấu được lá thư của nhà triết học. Rồi hai mẹ con ngồi trong bếp, mẹ cô pha nước socola nóng.
Một lúc sau, bà bắt đầu:
“Con vừa đi với anh ta?”
“Anh ta?”
Trong đầu Sophie chỉ có ông thầy triết học.
“Đúng, với anh ta. Cái anh chàng với con thỏ của con ấy!”
Sophie lắc đầu quầy quậy.
“Hai đứa đã làm gì, Sophie? Tại sao con lại bị ướt hết cả như vậy?”
Sophie ngồi nhìn cái bàn một cách nghiêm trọng. Nhưng cô đang cười thầm trong bụng. Khổ thân mẹ, bây giờ mẹ lại lo về chuyện đó.
Cô lắc đầu lần nữa. Lần này thì các câu hỏi đổ xuống đầu cô như mưa.
“Mẹ muốn biết sự thật. Con đã đi chơi suốt đêm phải không? Tại sao hôm đó con đi ngủ mà lại mặc nguyên quần áo? Có phải con chỉ chờ mẹ đi ngủ là lẻn ra phải không? Con mới có mười bốn tuổi thôi, Sophie! Mẹ yêu cầu con nói xem con đang hẹn hò với ai!”
Sophie bật khóc. Rồi cô bắt đầu kể. Cô vẫn còn sợ, và khi sợ, người ta thường nói thật.
Sophie giải thích rằng cô đã thức dậy rất sớm và đi dạo trong rừng. Cô kể về căn nhà gỗ nhỏ và con thuyền, và về cái gương bí hiểm. Nhưng cô không đả động gì đến khóa học qua thư. Cô cũng không kể về cái ví xanh. Không rõ vì sao, nhưng cô phải giữ bí mật về Hilde cho riêng mình.
Mẹ cô quàng tay ôm cô trìu mến, và Sophie hiểu mẹ đã tin mình.
“Con không có bạn trai” Sophie sụt sịt “con chỉ bịa như vậy vì lúc đó mẹ bực về chuyện con thỏ trắng”.
“Và con thực sự đã đến tận ngôi nhà gỗ của ông thiếu tá ư…”
“Ngôi nhà gỗ của ông thiếu tá?” Sophie tròn mắt nhìn mẹ,
“Căn nhà nhỏ bằng gỗ đó được gọi như vậy vì mấy năm trước có một ông thiếu tá đã sống ở đó một thời gian. Ông ta khá là lập dị, mẹ cho là ông ta hơi hâm hâm. Nhưng điều đó chẳng quan trọng. Ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ thời đó.”
“Không phải! Có một nhà triết học hiện đang sống ở đó.”
“Thôi nào, con lại bắt đầu tưởng tượng rồi!”
Sophie ở lại trong phòng mình và suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra. Đầu cô có cảm giác như một đoàn xiếc huyên náo với những con voi kéo gỗ, những chú hề ngốc nghếch, những diễn viên đu bay dũng cảm, và những con khỉ biết làm trò. Nhưng một hình ảnh cứ bám dai dẳng mãi – một con thuyền nhỏ với một mái chèo trôi trên hồ trong rừng sâu – và có người đang cần cái thuyền để về nhà.
Cô cảm thấy chắc chắn nhà triết học sẽ không tức giận và sẽ tha lỗi cho cô nếu ông ta biết cô đã đến nhà ông. Nhưng cô đã phá vỡ giao ước. Đó là tất cả những lời cảm ơn mà nhà triết học nhận được cho khóa triết dành cho cô. Làm sao cô có thể sửa chữa việc làm ngốc nghếch đó bây giờ?
Sophie lấy một tờ giấy màu hồng và bắt đầu viết:
Nhà triết học kính mến. Em là người đã đến ngôi nhà gỗ của thầy sáng sớm Chủ nhật. Em đã rất muốn gặp thầy để bàn luận về một số vấn đề triết học. Hiện tại, em đang rất hâm mộ Plato, nhưng em không chắc ông ấy có lý hay không khi nói rằng ý niệm hoặc các hình ảnh mẫu mực tồn tại trong một thế giới khác. Dĩ nhiên, chúng có trong linh hồn chúng ta, nhưng em nghĩ – dù sao cũng chỉ là suy nghĩ nhất thời – rằng đó là một chuyện khác. Em cũng phải thú nhận rằng em chưa thấy thuyết phục lắm về sự bất tử của linh hồn. Cá nhân em chẳng có chút hồi tưởng nào về các cuộc đời trước của mình. Nếu thầy có thể làm em tin rằng linh hồn của bà nội đã quá cố của em đang hạnh phúc trong thế giới ý niệm, thì em sẽ rất cảm ơn thầy.
Thực ra không phải vì lý do triết học em viết lá thư này (và em sẽ bỏ thư vào trong một cái phong bì màu hồng cùng với một mẩu đường). Em chỉ muốn xin lỗi thầy vì đã không nghe lời. Em đã cố kéo hẳn chiếc thuyền lên bờ, nhưng em không đủ sức. Hoặc có lẽ một đợt sóng to đã kéo nó xuống nước.
Em hy vọng thầy về được nhà mà không bị ướt chân. Nếu không, có thể thầy sẽ thoải mái hơn khi biết rằng em đã bị ướt sũng và có thể sẽ bị cảm lạnh. Nhưng đó là tại em.
Em đã không động tới thứ gì trong nhà, nhưng em xin lỗi vì đã lấy chiếc phong bì trên bàn. Em đã không thể kìm mình được. Không phải vì em muốn lấy trộm mà là vì có tên em ghi trên đó. Trong lúc cuống quít, em đã nghĩ nó là của mình. Em thực sự xin lỗi thầy, em hứa sẽ không bao giờ làm thầy thất vọng nữa.
TB. Bây giờ em sẽ bắt đầu suy nghĩ cẩn thận về những câu hỏi mới.
TTB. Cái gương trong khung đồng ở bên trên cái tủ trắng là gương thường hay gương có phép ạ? Em hỏi vậy vì em không quen nhìn thấy bóng mình trong gương nháy cả hai mắt.
Học trò chăm chỉ của thầy. SOPHIE.
Sophie đọc lại lá thư hai lần trước khi đút vào trong phong bì. Cô nghĩ nó không trịnh trọng bằng lá thư cô viết lần trước. Trước khi xuống bếp để lấy một viên đường, cô đọc tờ giấy với các câu nói cho ngày hôm nay:
“Cái gì có trước – con gà hay con gà “ý niệm””?
Câu này rắc rối chẳng kém câu đố cổ về gà và trứng gà. Không thể có gà nếu không có trứng, và không thể có trứng nếu không có gà. Chắc nghĩ được xem gà có trước hay con gà “ý niệm” có trước cũng phức tạp chẳng kém. Sophie hiểu điều Plato muốn nói. Ông cho rằng con gà “ý niệm” đã có mặt trong thế giới ý niệm rất lâu trước khi gà hiện hữu trong thế giới tri giác. Theo Plato, linh hồn đã “nhìn thấy” con gà “ý niệm” trước khi đến trú ngụ trong một thể xác. Nhưng chẳng phải đây chính là chỗ Sophie nghi ngờ Plato đã nhầm lẫn đó sao? Làm sao một người chưa bao giờ nhìn thấy một con gà thật hay một bức tranh gà lại có thể có một “ý niệm” nào đó về gà? Điều đó đưa cô đến với câu hỏi thứ hai:
Chúng ta có các “ý niệm” bẩm sinh hay không? Khó có khả năng như vậy, Sophie nghĩ. Cô khó có thể tưởng tượng một em bé mới sinh đã được trang bị các ý niệm. Rõ ràng người ta không thể biết chắc được, bởi vì việc em bé không biết nói không có nghĩa rằng nó không có ý niệm nào trong đầu. Nhưng chắc chắn là ta phải nhìn thấy những sự vật trong thế giới trước khi có thể hiểu biết được điều gì về chúng.
“Đâu là sự khác biệt giữa một cái cây, một con thú, và một con người?” Sophie có thể thấy ngay những điểm khác biệt rõ ràng.
Ví dụ, cô không nghĩ rằng một cái cây lại có một cuộc sống tình cảm phức tạp. Đã có ai nghe nói về một cây hoa chuông cảm thấy đau khổ bao giờ? Một cái cây sinh trưởng, lấy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt cây để có thể tự nhân giống. Đó gần như là tất cả những gì người ta có thể nói về cây cỏ. Sophie kết luận rằng mọi thứ áp dụng cho cây cỏ đều áp dụng cho động vật và con người. Nhưng động vật còn có các đặc điểm khác. Chẳng hạn, chúng có thể di chuyển. (Một bông hồng đã chạy Marathon khi nào vậy?). Chỉ ra sự khác nhau giữa động vật và con người hơi khó hơn một chút. Con người biết suy nghĩ, nhưng chẳng phải chim muông cũng biết suy nghĩ đấy sao? Sophie tin rằng con mèo Sherekan của cô biết suy nghĩ. Ít nhất, nó cũng biết tính toán hơn thiệt. Nhưng nó có thể suy nghĩ về những câu hỏi triết học hay không? Một con mèo có thể phán đoán được về sự khác biệt giữa thực vật, động vật và con người không? Khó có thể! Một con mèo có thể cảm thấy hài lòng hay khó chịu, nhưng liệu có bao giờ nó tự hỏi xem liệu Chúa Trời hay liệu nó có linh hồn bất tử hay không? Sophie thấy điều này cực kỳ khó tin. Nhưng ở đây nảy sinh cùng một vấn đề như với trẻ em và ý niệm bẩm sinh. Nói chuyện với một con mèo về những câu hỏi đó cũng khó chẳng kém việc tranh luận với một em bé sơ sinh.
“Tại sao trời mưa?” Sophie nhún vai. Trời có thể mưa vì nước biển bống hơi và mây ngưng tụ lại thành những giọt mưa. Chẳng phải cô đã học điều đó từ lớp ba? Tất nhiên, người ta luôn có thể nói rằng trời mưa để cây cỏ và động vật có thể phát triển. Nhưng điều đó có đúng không? Một trận mưa rào có một mục đích thực sự nào đó không?
Câu hỏi cuối cùng dứt khoát có liên quan đến mục đích: “Phải làm thế nào để có một cuộc sống tốt?”
Nhà triết học đã viết về chuyện này ở gần đầu khóa học. Mọi người cần thức ăn, sự ấm áp, tình yêu và sự quan tâm. Những điều cơ bản đó bao giờ cũng là những điều kiện đầu tiên của một cuộc sống tốt. Sau đó ông đã chỉ ra rằng người ta còn cần tìm câu trả lời cho một số câu hỏi triết học nữa. Có lẽ được làm một công việc mà mình thích cũng là một điều khá quan trọng. Thí dụ, nếu bạn ghét đi lại, bạn sẽ không thể hạnh phúc nếu làm nghề lái taxi. Và nếu bạn ghét làm bài tập về nhà, trở thành giáo viên có lẽ là một ý tưởng dở. Sophie yêu động vật và cô muốn trở thành bác sĩ thú y. Nhưng cô không bao giờ nghĩ rằng cần phải trúng xổ số để được một triệu đồng để có một cuộc sống tốt. Có vẻ như ngược lại. Tục ngữ có câu: Nhàn cư vi bất thiện [7].
Sophie ở trong phòng cho đến khi mẹ cô gọi xuống để ăn một bữa trưa thịnh soạn. Bà đã chuẩn bị món bít tết thăn bò và khoai tây nướng. Còn có dâu và kem để ăn tráng miệng.
Hai mẹ con nói đủ chuyện. Mẹ Sophie hỏi xem cô định tổ chức sinh nhật lần thứ 15 như thế nào. Chỉ còn vài tuần nữa.
Sophie nhún vai.
“Con không định mời ai sao? Nghĩa là, con không muốn tổ chức một bữa tiệc à?”
“Chắc là có ạ.”
“Mình có thể mời Martha và Anne Marie… và Helen. Và tất nhiên cả Joanna. Có lẽ cả Jeremy nữa. Tùy con quyết định. Con biết không, mẹ còn nhớ rất rõ sinh nhật lần thứ 15 của mẹ. Chẳng có vẻ gì là đã lâu lắm. Hồi đó mẹ cảm thấy là mình đã thành người lớn rồi. Thật kỳ cục, Sophie nhỉ! Mẹ chẳng cảm thấy mình đã thay đổi chút gì kể từ ngày ấy.”
“Mẹ chẳng thay đổi gì. Không có gì thay đổi cả. Mẹ chỉ lớn lên và già đi thôi…”
“Hừm… đấy là giọng của người lớn. Mẹ chỉ cảm thấy thời gian trôi thật nhanh”.