…Bố đang cố kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ…
Đã vài ngày trôi qua mà không có tin tức gì từ ông thầy triết học. Ngày mai là thứ Năm, 17 tháng Năm – quốc khánh Na Uy. Trường sẽ đóng cửa cả ngày 18 nữa. Khi tan học về nhà, Joanna chợt thốt lên “Mình đi cắm trại đi!”
Phản xạ đầu tiên của Sophie là cô không thể vắng nhà lâu. Nhưng rồi cô nói “Ừ, tại sao không nhỉ?”
Một hai tiếng sau, Joanna đến trước cửa nhà Sophie mang theo một cái ba lô to. Sophie cũng đã sắp xếp đồ đạc xong, cô còn mang cả lều trại. Cả hai đều đem theo túi ngủ, áo len, tấm trải nền, đèn pin, bình giữ nhiệt, và thật nhiều đồ ăn ưa thích.
Khi mẹ Sophie về nhà vào khoảng 5 giờ, bà giảng cho hai cô bé một bài về chuyện phải làm gì và không được làm gì. Bà còn nhất định muốn biết hai cô định đi cắm trại ở đâu.
Các cô bé nói họ định đến đỉnh Gà Gô. Họ sẽ có thể may mắn được nghe tiếng gà gô gọi bạn tình vào sáng hôm sau.
Sophie cố tình chọn địa điểm đó. Cô nghĩ đỉnh Gà Gô chắc rất gần căn nhà của ông thiếu tá. Có cái gì giục giã cô quay lại nơi đó, nhưng cô không dám tới một mình.
Hai cô bé đi bộ dọc theo con đường dẫn từ lối cụt nhỏ ở quá cổng vườn nhà Sophie. Họ trò chuyện, Sophie cảm thấy thích thú khi được giải lao một chút khỏi bất cứ thứ gì có liên quan đến triết học.
Đến tám giờ, họ đã dựng xong lều trên khoảng đất trống gần đỉnh Gà Gô. Họ đã sửa soạn xong cho buổi đêm, túi ngủ đã được trải. Ăn xong bánh mì kẹp, Sophie hỏi, “Cậu đã bao giờ nghe nói về căn nhà của ông thiếu tá chưa?”
“Căn nhà của ông thiếu tá?”
“Có một căn nhà nhỏ trong rừng, ở đâu đó gần đây… bên bờ một cái hồ nhỏ. Một người lạ đã từng sống ở đó, ông ta là thiếu ta, thế nên người ta gọi đó là căn nhà của ông thiếu tá.”
“Bây giờ có ai sống ở đó không?”
“Cậu có muốn đi xem không?”
“Ở đâu?”
Sophie chỉ tay về đám cây.
Joanna không háo hức lắm, nhưng cuối cùng họ cũng khởi hành. Mặt trời đã xuống thấp.
Lúc đầu, họ đi dưới những cây thông cao, nhưng chẳng mấy chốc đã phải vất vả đi xuyên qua những bụi cây rậm. Cuối cùng thì cũng đến được đường mòn. Đây có phải là con đường mà Sophie đã đi theo hôm Chủ nhật nọ không?
Chắc chắn rồi – gần như ngay lập tức, cô có thể nhìn thấy cái gì đó lấp lánh giữa những thân cây, phía bên phải con đường.
“Kia kìa!” Sophie nói.
Lát sau, họ đứng bên bờ hồ. Sophie nhìn chăm chú về phía căn nhà nhỏ bên kia hồ. Tất cả các cửa sổ đều đóng kín. Ngôi nhà đó là nơi hoang vắng nhất mà cô từng thấy.
Joanna ngoảnh về phía cô. “Mình có phải lội nước không?”
“Tất nhiên là không rồi. Mình sẽ chèo thuyền.”
Sophie chỉ vào đám lau sậy. Cũng như lần trước, ở đó có một cái thuyền.
“Cậu đã đến đây lần nào chưa?”
Sophie lắc đầu. Nếu cố giải thích về lần trước thì quá phức tạp. Khi đó cô sẽ phải kể cho bạn về Alberto Knox và cả khóa triết học nữa.
Hai cô bé vừa cười đùa vừa chèo thuyền qua hồ. Khi sang đến bờ bên kia, Sophie chú ý để đảm bảo là thuyền được kéo hẳn lên bờ.
Họ đến trước cửa. Khi dám chắc là không có ai ở trong nhà, Joanna thử vặn núm cửa.
“Khóa rồi… cậu nghĩ là cửa chỉ khép thôi à?”
“Có thể mình sẽ tìm được chìa,” Sophie nói.
Cô bắt đầu tìm kiếm trong những vết nứt của móng nhà bằng đá.
“Ôi, hay là quay về lều vậy” sau vài phút, Joanna nói.
Nhưng ngay lúc đó, Sophie reo lên, “Đây rồi! Tìm thấy rồi!”
Cô đắc thắng giơ chiếc chìa lên. Cô đút chìa vào ổ khóa, và cánh cửa bật mở.
Hai người bạn rón rén bước vào như thể họ đang định làm điều gì phạm pháp. Trong nhà vừa lạnh vừa tối.
“Mình chẳng thấy gì cả!” Joanna nói.
Nhưng Sophie đã lường trước chuyện này. Cô rút bao diêm từ trong túi ra và đánh một que. Họ chỉ có đủ thời gian để thấy rằng căn nhà vắng tanh trước khi que diêm tắt ngấm. Sophie đánh một que diêm nữa, lần này cô nhìn thấy một mẩu nến trong cái chân nến bằng sắt đặt trên mặt lò. Cô châm nến bằng que diêm thứ ba và căn phòng nhỏ trở nên đủ sáng cho họ quan sát xung quanh.
“Lạ nhỉ, một mẩu nến nhỏ xíu như thế mà có thể chiếu sáng được bao nhiêu là bóng tối!” Sophie nói.
Cô bạn gật đầu.
“Nhưng ở đâu đó, ánh sáng tan biến vào bóng tối,” Sophie tiếp lời. Thực ra, bóng tối không thực sự hiện hữu. Nó chẳng qua là sự thiếu ánh sáng.”
Joanna rùng mình. “Ở đây sợ lắm! Mình đi đi…”
“Chưa, mình phải nhìn vào trong gương đã.”
Sophie chỉ về phía cái gương đồng treo bên trên cái tủ thấp, vẫn y như lần trước.
“Nó đẹp thật!” Joanna trầm trồ.
“Nhưng nó là một cái gương thần.”
“Gương kia ngự ở trên tường, nước ta ai đẹp được dường như ta?”
“Thật đấy! Joanna ạ. Tớ đảm bảo rằng nhìn vào đó, cậu có thể thấy cái gì đó ở bên kia.”
“Có thật là cậu chưa bao giờ đến đây chứ? Và sao cậu lại thích dọa tớ suốt như thế?”
Câu này thì Sophie không trả lời được.
“Tớ xin lỗi.”
Lần này thì Joanna là người bất ngờ nhìn thấy cái gì đó nằm trên sàn trong góc nhà. Đó là một cái hộp nhỏ. Joanna nhặt lên.
“Bưu ảnh.” Cô nói.
Sophie há hốc mồm.
“Đừng chạm vào đấy! Nghe tớ nói không! Không được chạm vào đó!”
Joanna nhảy dựng lên. Cô ném cái hộp xuống như thể phải bỏng. Những chiếc bưu ảnh văng khắp nền nhà. Một giây sau, cô phá lên cười.
“Chỉ là bưu ảnh thôi mà!”
Joanna ngồi xuống và bắt đầu nhặt bưu ảnh. Lát sau, Sophie ngồi xuống bên cạnh.
“Lebanon… Lebanon… Lebanon… Chúng đều được đóng dấu bưu điện Lebanon.” Joanna nhận xét.
“Tớ biết,” Sophie nói.
Joanna ngồi thẳng dậy và nhìn vào mắt Sophie.
“Vậy là cậu đã từng đến đây!”
“Ừ, chắc vậy.”
Cô bỗng nhận ra rằng nếu từ đầu cô nhận là cô đã đến rồi thì hẳn mọi việc đã dễ dàng hơn nhiều. Chẳng hại gì nếu cô tiết lộ cho bạn mình những điều bí hiểm cô đã gặp trong mấy ngày gần đây.
“Tớ không muốn kể cho cậu khi mình còn chưa đến nơi.”
Joanna bắt đầu đọc các tấm bưu ảnh.
“Tất cả đều gửi cho ai đó tên Hilde Moller Knag.”
Sophie vẫn chưa chạm vào những tấm bưu ảnh.
“Địa chỉ ở đâu?”
Joanna đọc: “Hilde Moller Knag, gửi qua Alberto Knox, Lillesand, Na Uy.”
Sophie thở phào. Cô sợ rằng chúng có thể gửi qua Sophie Amundsen.
Cô bắt đầu xem xét kỹ hơn.
“28 tháng Tư… mùng 4 tháng Năm… mùng 6 tháng Năm… mùng 9 tháng Năm… Chúng được đóng dấu từ có mấy hôm trước.”
“Nhưng còn nữa này. Tất cả các dấu bưu điện đều là của Na Uy! Xem này… tiểu đoàn Liên hợp quốc… tem cũng là tem Na Uy!”
“Tớ nghĩ là chuyện đó bình thường. Quân đội Na Uy ở đó là lực lượng trung lập, chắc họ có bưu điện Na Uy riêng ở đó.”
“Thế họ mang thư về nhà bằng cách nào?”
“Có lẽ bằng máy bay quân sự.”
Sophie đem cây nến xuống sàn, cả hai bắt đầu đọc những chiếc bưu ảnh. Joanna sắp xếp theo trình tự thời gian rồi đọc chiếc đầu tiên.
Hilde yêu quí, bố rất mong được về nhà mình ở Lillesand. Bố sẽ xuống sân bay Kjevik vào chiều tối ngày Hội Mùa Hè. Bố rất muốn về kịp ngày sinh nhật lần thứ 15 của con, nhưng bố đang làm nhiệm vụ quân sự mà. Để bù lại, bố hứa sẽ dành tất cả tình cảm cho món quà lớn mà con sẽ nhận được cho ngày sinh nhật.
Nhiều yêu thương từ bố, người luôn nghĩ về tương lai của con gái mình.
T.B. Bố gửi một bản của bưu ảnh này cho một người bạn chung của bố con mình. Bố biết là con sẽ hiểu, Hilde à. Hiện giờ bố đang rất bí mật, nhưng con sẽ hiểu.
Sophie nhặt tấm bưu ảnh tiếp theo:
Hilde yêu quí, ở đây người ta đang tính từng ngày một. Nếu có điều gì mà bố sẽ nhớ về ba tháng ở Lebanon thì đó chính là sự chờ đợi này. Nhưng bố đang làm tất cả những gì có thể để ngày sinh nhật thứ 15 của con sẽ thật tuyệt với. Hiện giờ bố không thể nói gì thêm được. Bố đang cố gắng kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ. Yêu con. Bố.
Hai người bạn gần như nín thở vì hồi hộp. Không ai nói gì, họ chỉ đọc những gì được viết trên những tấm bưu ảnh.
Con yêu quí của bố, điều bố mong muốn nhất là gửi một con bồ câu trắng đem những suy nghĩ bí mật của bố đến cho con. Nhưng ở Lebanon hết sạch bồ câu trắng. Đất nước bị chiến tranh tàn phá quả là cần những con chim câu trắng. Bố cầu mong một ngày nào đó, Liên hợp quốc sẽ thật sự mang được hòa bình đến cho thế giới này.
T.B. Quà sinh nhật của con có thể đem chia sẻ với những người khác. Mình sẽ nói về chuyện này khi bố về nhà. Nhưng con vẫn chưa hiểu bố đang nói về cái gì đâu nhỉ? Yêu con nhiều, bố có rất nhiều thời gian để nghĩ cho cả hai bố con.
Khi họ đã đọc xong được sáu bưu ảnh thì thấy chỉ còn lại một cái. Trên đó viết:
Hilde yêu quí, bố sắp nổ tung bởi những bí mật dành cho sinh nhật của con, đến nỗi mỗi ngày mấy lần bố phải kiềm chế không gọi điện về nhà và kể hết mọi chuyện. Nó càng ngày càng lớn. Và con biết đấy, khi một cái gì đó càng ngày càng lớn thì rất khó giữ nó cho riêng mình. Yêu con.
T.B. Một ngày nào đó, con sẽ gặp một cô bé tên là Sophie. Để giúp hai con có cơ hội tìm hiểu nhau trước khi gặp, bố bắt đầu gửi Sophie một bản của tất cả những bưu ảnh bố gửi con.
Bố nghĩ là chẳng bao lâu cô ấy sẽ bắt kịp. Cô bé ấy chưa biết gì nhiều hơn con đâu. Sophie có một cô bạn gái tên là Joanna. Có thể cô bé ấy sẽ giúp được gì chăng?
Sau khi đọc xong bưu ảnh cuối cùng, Joanna và Sophie ngồi lặng, tròn mắt nhìn nhau. Joanna nắm chặt cổ tay Sophie.
“Tớ sợ,” cô nói.
“Tớ cũng thế.”
“Cái bưu ảnh mới nhất được đóng tem vào ngày nào?”
Sophie xem lại tấm bưu ảnh.
“16 tháng Năm” cô đọc. “Đó là ngày hôm nay!”
“Không thể thế được!” Joanna kêu lên, giọng gần như tức tối.
Họ xem xét cẩn thận tấm bưu ảnh, nhưng không có nhầm lẫn gì,… 16-05-90
“Không thể tin được!” Joanna nhất quyết. “Và tớ không thể tưởng tượng được ai đã viết nó. Đó chắc chắn là người biết về bọn mình. Nhưng sao họ có thể biết được mình sẽ đến đây vào đúng ngày hôm nay?”
Joanna là người hoảng sợ hơn cả. Còn với Sophie thì những chuyện dính dáng đến bố con Hilde không còn xa lạ nữa.
“Tớ nghĩ rằng chuyện này có liên quan đến cái gương đồng.”
Joanna nhảy dựng lên.
“Cậu không nghĩ là những tấm bưu ảnh vỗ cánh bay qua cái gương đến đây ngay sau khi nó được đóng tem ở Lebanon đấy chứ?”
“Cậu có cách giải thích nào khả dĩ hơn không?”
“Không.”
Sophie đứng lên, cầm nến soi hai bức tranh trên tường. Joanna bước đến chăm chú nhìn các bức tranh.
“Berkeley và Bjerkely. Thế nghĩa là gì?”
“Tớ chịu.”
Cây nến đã cháy gần hết.
“Mình đi thôi,” Joanna nói. “Đi!”
“Mình phải đem cái gương theo đã.”
Sophie với tay tháo cái gương đồng ra khỏi cái móc trên tường. Joanna cố ngăn lại nhưng vô ích.
Khi họ ra đến ngoài thì trời đã tối hết mức của một đêm tháng Năm. Nền trời đủ sáng để có thể nhìn thấy những đường nét rõ ràng của những bụi cây, thân cây. Cái hồ nhỏ soi bóng nền trời. Hai cô bé trầm ngâm chéo thuyền sang bờ bên kia.
Trên đường về lều, chẳng ai nói gì, nhưng ai cũng biết bạn mình đang chìm đắm trong suy nghĩ về những gì vừa nhìn thấy. Thỉnh thoảng, một con chim giật mình bay vụt lên. Một đôi lần, họ nghe thấy tiếng cú mèo hú.
Về đến lều, hai cô bé chui ngay vào túi ngủ, Joanna nhất định không chịu để cái gương bên trong lều. Trước khi ngủ thiếp đi, cả hai cùng công nhận rằng chỉ cần biết cái gương đang ở bên ngoài lều là đã đủ sợ rồi. Trước đó, Sophie cũng đã lấy tất cả đống bưu ảnh và nhét vào ba lô.
Họ tỉnh dậy sáng sớm hôm sau. Sophie tỉnh giấc trước. Cô đi ủng và ra ngoài lều. Cái gương lớn nằm trên cỏ, đọng đầy sương.
Sophie lấy áo lau hết sương và nhìn ảnh phản chiếu của mình trong gương. Giống như cô đang nhìn lên, vừa giống như cô đang nhìn xuống chính mình. May là không có thêm bưu ảnh mới nào từ Lebanon.
Phía trên khoảnh đất trống đằng sau lều, sương mù buổi sớm đang dạt vào thành hình những cái nệm bông xơ xác. Những chú chim nhỏ đang líu lo đầy nhiệt tình, nhưng Sophie chẳng nhìn thấy hay nghe thấy tiếng con gà gô nào.
Hai cô bé mặc thêm áo len rồi ăn bữa sáng bên ngoài lều. Chẳng mấy chốc, câu chuyện của họ lại quay về căn nhà của ông thiếu tá và những tấm bưu ảnh bí hiểm.
Sau bữa sáng, họ gấp lều và bắt đầu quay về nhà. Sophie mang cái gương lớn. Thỉnh thoảng cô phải dừng lại nghỉ. Joanna nhất định không chịu chạm vào cái gương.
Khi đến gần ngoại ô thành phố, họ nghe thấy vài tiếng súng rời rạc. Sophie nhớ lại những gì bố Hilde đã viết về đất nước Lebanon bị tàn phá bởi chiến tranh, cô nhận ra mình thật may mắn vì đã được sinh ra trên một đất nước hòa bình. Những tiếng súng mà họ vừa nghe vọng từ một cuộc bắn pháo hoa mừng ngày Quốc khánh.
Sophie mời Joanna về nhà để uống socola nóng. Mẹ cô rất tò mò muốn biết cô đã tìm thấy cái gương ở đâu. Cô kể là họ đã tìm được nó bên ngoài căn nhà của ông thiếu tá, và mẹ cô nhắc lại câu chuyện rằng từ nhiều năm nay đã không có ai ở đó.
Khi Joanna về, Sophie diện một chiếc váy đỏ. Ngày Quốc khánh diễn ra khá bình thường. Buổi tối, chương trình thời sự trên tivi đưa tin về tiểu đoàn Na Uy trong quân đội Liên hợp quốc tại Lebanon chào mừng Quốc khánh. Sophie dán mắt vào màn hình. Một trong những người cô đang nhìn thấy có thể là bố của Hilde.
Việc cuối cùng Sophie làm trong ngày 17 tháng Năm là treo cái gương lên tường trong phòng mình. Buổi sáng hôm sau, có một chiếc phong bì nâu mới trong hốc. Cô vội xé mở và bắt đầu đọc.