…con người bị kết án phải tự do…
Đồng hồ chỉ 12 giờ kém 5, nửa đêm. Hilde nằm nhìn trân trân lên trần nhà. Cô cố gắng để những liên tưởng của mình trôi tự do. Mỗi khi kết thúc một chuỗi ý tưởng, cô lại tự hỏi tại sao.
Có thể điều gì cô đang cố kìm nén hay không ?
Giá như cô có thể gạt mọi sự kiểm duyệt sang bên, cô có thể sẽ trôi vào một giấc mơ trong khi đang tỉnh. Hơi sợ đấy, cô thầm nghĩ.
Càng thả lỏng và để ngỏ bản thân cho những ý nghĩa và hình ảnh ngẫu nhiên, cô càng cảm thấy như thể mình đang ở trong căn nhà nhỏ của ông thiếu tá bên cái hồ nhỏ trong rừng.
Alberto đang tính làm gì ? Tất nhiên, chính bố của Hilde định rằng Alberto đang lập một kế hoạch. Nhưng ông có biết được Alberto sẽ làm gì không ? Có lẽ ông đang cố để cho mình tự do để chuyện xảy ra tại kết cục sẽ đến như một điều bất ngờ với chính ông nữa.
Không còn nhiều trang sách. Cô có nên xem trộm trang cuối không ? Không, như thế là không trung thực. Ngoài ra, Hilde tin rằng kết cục vẫn chưa được quyết định.
Nghĩ gì kỳ thật! Cái cặp giấy ở ngay đây và bố cố không thể về kịp để gắn thêm trang mới nào. Trừ khi Alberto tự mình làm điều gì đó. Một điều bất ngờ…
Dù sao thì Hilde cũng có mấy điều bất ngờ giấu trong tay áo. Bố không thể kiếm soát cô. Nhưng cô có toàn quyền kiểm soát bản thân hay không ?
Ý thức là gì ? Đó chẳng phải là một trong những câu đố vĩ đại nhất của vũ trụ sao ? Ký ức là gì ? Cái gì làm cho ta “ghi nhớ” mọi thứ ta đã nhìn thấy và trải nghiệm.
Cơ chế nào làm cho ta tạo ra những giấc mơ hoang đường hàng đêm ?
Thỉnh thoảng cô nhắm mắt, rồi lại mở mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cuối cùng, cô quên mở mắt.
Cô ngủ thiếp đi.
Khi bị tiếng kêu khan khan của bầy mòng biển đánh thức, Hilde ra khỏi giường. Như thường lệ, cô đi ngang qua phòng, đến bên cửa sổ và đứng nhìn ra vịnh. Đó là một thói quen, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Đang đứng đó, bỗng cô cảm thấy vô số sắc màu tung tóe trong đầu. Cố nhớ lại giấc mơ đếm trước. Nhưng có cảm giác như nó không phải một giấc mơ thường, vì những hình ảnh và màu sắc rất sinh động…
Cô đã mơ thấy bố từ Lebanon trở về. Và cả giấc mơ là sự mở rộng của giấc mơ của Sophie về chuyện cô tìm thấy chiếc dây chuyền gắn cây thánh giá trên cầu tàu.
Hilde đã ngồi trên mép cầu tàu, y như trong giấc mơ của Sophie. Rồi cô nghe thấy một giọng thì thào rất nhẹ: “Tên tôi là Sophie!”. Hilde ngồi thật yên, cố nghe xem giọng nói đến từ đâu. Giọng nói tiếp tục, gần như tiếng xào xạc không thể nghe được, như thể một con côn trùng đang nói với cô: “Bạn chắc là vừa điếc vừa mù!”. Đúng lúc đó, bố cô về đến vườn nhà trong bộ quân phục Liên Hợp Quốc. “Hilde!”, ông gọi to. Hilde chạy về phía bố, vòng hai tay ôm cổ ông. Giấc mơ kết thúc tại đó.
Cô nhớ tới mấy câu thơ của Arnulf Overland:
Đêm nọ tỉnh giấc cơn mơ lạ
Giọng thì thào như muốn nói cùng tôi
Nghe xa xôi như tiếng suối ngầm
Tôi ngồi dậy: Bạn cần gì vậy ?
Hilde vẫn đứng bên cửa sổ khi mẹ bước vào.
“Chào con gái! Con đã dậy rồi à ?”
“Con cũng không rõ lắm…”
“Khoảng bốn giờ mẹ sẽ về, như bình thường”.
“Vâng”.
“Chúc con một ngày vui vẻ”.
“Con cũng chúc mẹ như vậy”.
Khi nghe thấy tiệng mẹ sập cửa trước, cô lại chui vào chăn với chiếc cặp giấy.
“Tôi sẽ lặn sâu trong vô thức của ông thiếu tá. Tôi sẽ ở đó cho đến khi ta gặp lại”.
Đây, đúng rồi. Hilde bắt đầu đọc tiếp. Cô có thể cảm thấy dưới đầu ngón trỏ phải chỉ còn vài trang giấy nữa.
Khi Sophie rời khỏi căn nhà ông thiếu tá, cô vẫn nhìn thấy những nhân vật hoạt hình Disney bên mép nước. Nhưng chúng như tan biến khi cô đến gần. Đến khi cô tới chỗ cái thuyền thì chúng đã hoàn toàn biến mất.
Vừa chèo thuyền, cô vừa làm mặt khỉ và khi đã kéo được thuyền lên bờ bên kia, cô vẫy tay sang hai bên. Sophie gắng hết sức thu hút sự chú ý của ông thiếu tá để Alberto có thể ngồi yên trong nhà.
Suốt dọc đường, cô nhảy chân sáo và lò cò suốt dọc đường, cô cố đi như một con búp bê máy, thậm chí cô còn hát nữa. Có đoạn, cô đứng im, thầm đoán xem kế hoạch của Alberto như thế nào. Giật mình, cô cảm thấy có lỗi đến mức cô bắt đầu leo lên một thân cây.
Sophie leo lên cao hết mức có thể. Lên gần đến ngọn cây, cô nhận ra mình không thể xuống được. Cô quyết định nghỉ một lát rồi sẽ thử lại. Nhưng lúc đó cô không thể giữ yên lặng. Ông thiếu tá sẽ chán theo dõi cô và ông ta sẽ bắt đầu quan tâm đến chuyện Alberto đang làm gì.
Sophie vẫy tay, thử gáy như gà và cuối cùng thì hát bằng giọng kim. Lần đầu tiên trong đời cô hát được những nốt cao như thế và cảm thấy khá hài lòng về bản thân.
Cố thử leo xuống một lần nữa, nhưng cô đã bị tắc thật sự. Bỗng một con ngồng trời lớn đậu xuống một trong những cành cây Sophie đang bám. Vừa nhìn thấy một đám nhân vật hoạt hình Disney nên cô không ngạc nhiên tí nào khi con ngỗng bắt đầu nói.
“Tên tớ là Morten”. Con ngỗng nó : “ Thực ra, tớ là ngỗng đã thuần dưỡng, nhưng trong dịp đặc biệt này tớ bay từ Lebanon về đây cùng ngỗng trời. Hình như cậu đang cần giúp đỡ để xuống khỏi cái cây này ? ”
« Cậu nhỏ thế này làm sao giúp tôi được ? » Sophie nói.
« Cậu đang kết luận vội vàng đấy, quý cô ạ. Đúng ra là cậu quá to lớn ».
« Có gì khác nhau đâu ? »
« Cậu nên biết rằng tớ đã chở một cậu bé cũng bằng tuổi cậu bay khắp Thụy Điển. Tên cậu ấy là Nils Hogersson ».
« Tớ mười năm tuổi rồi”.
« Còn Nils lúc đó mới mười bốn. Một năm tuổi cũng chẳng tạo nên điều gì khác biệt lắm cho chuyến bay ».
« Cậu làm thế nào để nâng được cậu ấy ? »
« Tớ vỗ cậu ấy một cái và cậu ấy bất tỉnh. Khi tỉnh lại, cậu ta chẳng lớn hơn ngón tay cái ».
« Hay đấy. Chắc đây là một cuốn sách triết học. Khi tớ cùng Nils Holgersson bay trên Thụy Điển, chúng tớ hạ cánh xuống làng Marbacka ở Varmland, ở đó Nild gặp một bà đang định viết một cuốn sách về Thụy Điển cho trẻ em. Bà ấy bảo cuốn sách phải vừa đúng sự thật vừa có tính giáo dục. Khi nghe kể về những cuộc phiêu lưu của Nils, bà ấy quyết định viết tất cả những gì cậu ấy đã nhìn thấy từ trên lưng ngỗng trời ».
« Nghe lạ thật »
« Thật ra mà nói, điều đó khá làm châm biếm vì chúng tớ đã ở trong cuốn sách đó rồi ».
Bỗng, Sophie cảm thấy có cái gì đó tét vào má và một phút sau cô đã trở nên không lớn hơn một ngón tay cái. Cái cây như cả một khu rừng và con ngỗng to như một con ngựa.
« Lên đi nào ». Con ngỗng nói.
Sophie đi dọc theo cành cây và leo lên lưng ngỗng. Những chiếc lông ngỗng vốn mềm mại, nhưng vì giờ đây cô nhỏ xíu nên chúng chọc vào cô nhiều hơn là cù.
Cô vừa tìm được tư thế thoải mái thì con ngỗng cất cánh. Họ bay lên cao hơn những ngọn cây. Sophie nhìn xuống hồ và căn nhà ông thiếu tá. Trong đó Alberto đang ngồi với kế hoạch ranh ma của mình.
« Một tour ngắm cảnh ngắn là đủ cho hôm nay rồi », con ngỗng nói và vẫy vẫy cánh.
Nó bay vào bờ và hạ cánh xuống gốc thân cây mà Sophie trèo lên lúc trước. Khi con ngỗng chạm đất, Sophie lộn nhào xuống đất. Sau khi lộn vài vòng trong đám thạch nam, cô ngồi dậy. Cô ngạc nhiên khi thấy mình lại lớn lên như cũ.
Con ngỗng lạch bạch đi vòng quanh cô.
« Cảm ơn cậu rất nhiều”. Sophie nói.
« Chuyện vặt thôi mà. Có phải cậu đã nói đây là một cuốn sách triết học không ? »
« Đâu chính cậu nói thế chứ ! »
« À ừ, cũng thế cả. Nếu là tớ, tớ đã chở cậu bay khắp lịch sử triết học giống như trở Nils bay khắp Thụy Điển. Mình có thể lượn vòng quanh Miletus và Athens, Alexandria và Jerusalem, Rome và Florence, London và Paris, Jena và Heildelberg, Berlin và Copenhagen… »
« Cảm ơn, thế là đủ rồi ».
« Nhưng bay qua các thế kỷ sẽ là một công việc nặng nhọc, ngay cả đối với một con ngỗng hay châm biếm. Bay qua các tỉnh của Thụy Điển dễ hơn nhiều”.
Nói đoạn, con ngỗng chạy vài bước rồi cất cánh vào không trung. Sophie mệt rã rời, nhưng lát sau, khi bò qua hàng giậu vào vườn, cô nghĩ chắc Alberto rất hài lòng vì những trò nghi binh của cô. Suốt một tiếng đồng hồ vừa qua, ông thiếu tá không thể nghĩ ngợi nhiều về Alberto được. Nếu nghĩ được, chắc ông ta phải bị tâm thần phân lập nặng.
Sophie vừa bước vào cửa trước thì mẹ đi làm về. Thế là tránh được khoản phải kể chuyện được ngỗng cứu từ trên ngọn cây.
Sau bữa tối, hai mẹ con bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho bữa tiệc. Họ khiêng một cái bàn xếp dài bốn mét từ trên gác xép xuống và mang nó ra vườn.
Hai mẹ con đã định kê chiếc bàn này dưới gốc hàng cây ăn quả. Lần gần nhất chiếc bàn này được sử dụng là hôm kỷ niệm mười năm lễ cưới của bố mẹ Sophie. Hồi đó, Sophie mới 8 tuổi, nhưng cô nhớ rất rõ bữa tiệc ngoài trời với bao nhiêu là bạn bè và họ hàng.
Dự báo thời tiết không thể tốt hơn được nữa. Không có một giọt mưa nào kể từ trận bão khủng khiếp hôm trước sinh nhật Sophie. Tuy nhiên, hai mẹ con quyết định để việc kê dọn và trang trí đến sáng thứ Bảy.
Sau đó, họ nướng hai loại bánh mì. Đồ ăn sẽ có thịt gà và rau trộn. Còn nước ngọt nữa. Sophie lo mấy cậu bạn trai cùng lớp sẽ mang bia đến. Cô ngại rắc rối.
Khi Sophie đi ngủ, mẹ lại hỏi xem Alberto có đến dự không.
« Chắc chắn là ông ấy sẽ đến. Ông ấy còn hứa sẽ biểu diễn một trò triết học ».
« Trò triết học ? Đó là trò kiểu gì vậy ? »
« Con chịu…Nếu ông ấy là một nhà ảo thuật, chắc ông ấy sẽ làm một trò ảo thuật, lôi một con thỏ trắng từ trong mũ ra chẳng hạn… »
« Cái gì ? Lại thỏ nữa à ? »
« Nhưng vì là một nhà triết học, nên ông ấy sẽ làm một trò triết học. Dù sao thì đây cũng là một bữa tiệc triết học. Mẹ đang định làm gì đó à ? »
« Ừ, thực ra là có ».
« Một bài diễn văn ạ ? »
« Mẹ không nói trước đâu. Chúc con ngủ ngon, Sophie ! »
Sáng sớm hôm sau, Sophie bị mẹ đánh thức vì bà sắp đi làm. Mẹ đưa cho Sophie một danh sách những thứ cần phải mua trong thành phố cho buổi tiệc vườn.
Mẹ vừa ra khỏi nhà thì chuông điện thoại reo. Đó là Alberto. Rõ ràng, ông ta biết chính xác khi nào thì Sophie có ở nhà một mình.
« Điều bí mật của thầy thế nào rồi ạ ? »
« Suỵt ! Không nói một lời nào. Không cho ông ta dù chỉ một cơ hội nghĩ về nó ».
« Em không nghĩ là hôm qua em đã làm ông ta chú ý ».
« Tốt ».
« Khóa triết học kết thúc chưa ạ ? »
« Tôi gọi điện cũng vì chuyện ấy. Ta đã vào thế kỷ của chúng ta. Từ bây giờ, em có thể tự định hướng cho bản thân. Cơ sở kiến thức là điều quan trọng bậc nhất. Nhưng dù sao ta cũng phải gặp nhau để nói chút ít về thời đại của chúng ta ».
« Nhưng em phải vào thành phố… »
« Tuyệt ! Tôi đã nói là chủ đề thời đại của chúng ta mà ».
« Thật ạ ? »
« Vậy nên gặp nhau trong thành phố là thích hợp nhất ».
« Em sẽ đến nhà thầy chứ ạ ? »
« Không, không, không phải ở đây. Mọi thứ đang lộn xộn hết cả. Tôi vừa lục tìm những cái micro cài trộm ».
« À »
« Có một quán cà phê mới ở quảng trường chính. Café Pierre. Em có biết quán đó không ? »
« Có ạ. Khi nào em cần có mặt tại đó ? »
« Chúng ta gặp nhau lúc 12 giờ được không ? »
« Vâng, em chào thầy ».
Khoảng mười hai giờ hơn một hai phút. Sphie bước vào quán Café Pierre. Đó là một trong những quán theo phong cách mới với những chiếc bàn tròn nhỏ và ghế đen, những chai rượu nho cắm ngược trên giá, bành mì que và bánh mì kẹp.
Căn phòng nhỏ và đầu tiên Sophie nhận thấy là Alberto không có ở đó. Nhiều người khác đang ngồi quanh những chiếc bàn tròn nhưng Sophie chỉ thấy rằng Alberto không có ở đó.
Sophie không có thói quen vào quán một mình. Cô có nên trở ra, rồi lát nữa quay lại xem Alberto đã đến chưa hay không ?
Cô gọi một cốc trà chanh tại quầy bar ốp cẩm thạch và ngồi xuống cạnh một chiếc bàn còn trống. Cô nhìn ra cửa. Lúc nào cũng có người đến rồi đi, nhưng vẫn không thấy Alberto.
Giá mà cô có một tờ báo !
Thời gian trôi qua, cô bắt đầu quan sát xung quanh. Một vài ánh mắt nhìn lại. Trong giây lát, cô có cảm giác mình là một phụ nữ trẻ. Cô mới mười lăm, nhưng chắc chắn trông cô như mười bảy – hay ít nhất cũng mười sáu tuổi rưỡi.
Cô tự hỏi tất cả những con người này suy nghĩ gì về cuộc đời của họ. Trông họ như thể họ chỉ ghé qua, như thể chỉ tình cờ ngồi đây. Ai cũng nói cười và khoa chân múa tay hùng hồn, nhưng trông chẳng có vẻ gì là họ đang nói về điều gì đó có ý nghĩa.
Cô chợt nghĩ đến Kierkegaard, người đã nói rằng đặc điểm nổi bật nhất của đám đông là luôn mồm nói những chuyện vô thưởng vô phạt. Phải chăng tất cả những người này đang sống tại cấp độ mỹ học ? Hay là có cái gì đó có ý nghĩa sinh tồn đối với họ ?
Trong một trong những lá thư mà Alberto gửi cho cô thời gian đầu, ông đã viết về sự tương đồng giữa trẻ em và các nhà triết học. Cô lại nhận ra rằng mình sợ trở thành người lớn. Biết đâu cuối cùng thì cả cô cũng bò xuống sâu trong đám lông của con thỏ trắng đang được kéo ra từ chiếc mũ cao vành của vũ trụ !
Cô không rời mắt khỏi cửa ra vào. Đột nhiên, Alberto bước vào. Dù đang là giữa mùa hè, ông đội mũ nồi đen và khoác áo choàng xám bằng vải len dài đến ngang hông. Ông vội vã tiến về phía cô. Cảm giác thật lỳ lạ khi gặp ông ở nơi công cộng.
« Đã mười hai giờ mười lăm rồi ! »
« Một phần tư tiếng đồng hồ. Em có muốn một bữa ăn nhẹ không ? »
Ông ngồi xuống và nhìn vào mắt Sophie. Cô nhún vai.
« Vâng, thầy cho em một chiếc bánh mì kẹp ạ ».
Alberto đến quầy. Ông nhanh chóng quay lại với một cốc cà phê và hai chiếc bánh mì dài kẹp pho mát và thịt hun khói.
« Có đắt không ạ ? »
« Chuyện vặt mà, Sophie ! »
« Thầy có định xin lỗi về chuyện đến muộn không ạ ? »
« Không, tôi cố ý. Tôi sẽ giải thích lý do ngay đây ».
Ông cầm mấy miếng bánh to rồi nói :
« Ta hãy nói về thế kỷ của chúng ta ».
« Có cái gì xảy ra liên quan đến triết học không ạ ? »
« Rất nhiều…Các phong trào phát triển theo đủ hướng. Ta sẽ bắt đầu bằng một xu hướng rất quan trọng. Đó là chủ nghĩa hiện sinh. Đây là một thuật ngữ chỉ những dòng triết học lấy trạng thái sinh tồn của con người làm xuất phát điểm. Ta thường nói về triết học hiện sinh thế kỷ XX. Một vài người trong số các nhà hiện sinh này đặt cơ sở tư tưởng của mình dựa trên không chỉ Kierkegaard mà còn cả Hegel và Marx.
« Một nhà triết học quan trọng, người có ảnh hưởng lớn đến thế kỷ XX là Friedrich Nietzche, người Đức. Ông sinh năm 1844 và mất năm 1900. Ông cũng phản đối triết học Hegel và ‘chủ nghĩa lịch sử Đức’. Ông cho rằng bản thân cuộc sống là đối trọng của sự quan tâm thiếu sức sống đến lịch sử và cái mà ông gọi là ‘đạo đức nô lệ’ Ki Tô giáo. Ông tìm cách đem lại một sự ‘tái đánh giá mọi giá trị’, để sức sống của những tâm hồn mạnh nhất không bị cản trở bởi những gì yếu đuối. Theo Nietzche, cả Ki Tô giáo và triết học truyền thống đã quay lưng lại với thế giới thực tế và hướng về ‘thiên đường’ hay ‘thế giới niệm’. Còn cái được coi là thế giới ‘thực’ thật ra chỉ là một thế giới giả. ‘Hãy chân thực với thế giới’, ông nói : « Đừng nghe theo những người cho bạn những kỳ vọng siêu nhiên ».
« Rồi sao nữa ạ… »
« Một người chịu ảnh hưởng của Kierkegaard và Nietzche là một nhà hiện sinh người Đức Martin Heidegger. Nhưng ta sẽ tập trung vào một nhà triết học hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre. Ông sinh năm 1905 mất năm 1980. Giữa những nhà hiện sinh, ông là sánh sáng dẫn đường, ít nhất là dẫn đường đến với công chúng rộng rãi hơn. Chủ nghĩa hiện sinh của ông đặc biệt nổi tiếng vào những năm 1940, ngay sau chiến tranh. Sau đó, ông ủng hộ phong trào Marxist ở Pháp, nhưng chưa bao giờ trở thành đảng viên của một đảng phái nào ».
« Có phải đấy là lý do vì sao chúng ta gặp nhau tại một quá cà phê Pháp không ạ ? »
« Tôi thú nhận là không được tình cờ cho lắm. Chính Sartre đã dành nhiều thời gian tại các quán cà phê. Ông đã gặp người bạn cả đời Simon de Beauvoir trong một quán cà phê. Bà cũng là một nhà triết học hiện sinh ».
« Một nữ triết gia ! »
« Đúng vậy ».
« Thật nhẹ nhõm khi loài người cuối cùng cũng đã trở nên văn minh ».
« Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh trong thời đại của chúng ta ».
« Thầy đang định nói về chủ nghĩ hiện sinh ».
« Sartre nói rằng ‘chủ nghĩ hiện sinh là chủ nghĩa nhân văn’. Nghĩa là các nhà hiện sinh đã xuất phát từ không gì khác ngoài bản chất của chính con người mình. Ta có thể nói thêm rằng chủ nghĩa nhân văn mà ông nói đến có quan điểm về vị thế của con người ảm đạm hơn nhiều so với chủ nghĩa nhân văn mà ta đã gặp ở thời Phục Hưng ».
« Tại sao ạ ? »
« Cả Kierkegarrd và một số nhà triết học hiện sinh này đều là người theo Ki Tô giáo. Nhưng Sartre lại trung thành với cái mà người ta gọi là hiện sinh vô thần. Triết học của ông có thể được coi là sự phân tích tàn nhẫn về vị thế con người khi ‘Chúa đã chết’. Cụm từ ‘Chúa đã chết’ bắt nguồn từ Nietzche.
« Thầy nói tiếp đi ».
« Cụm từ quan trọng của triết học Sarte cũng như của Kierkegaard là ‘sinh tồn’. Nhưng ‘sinh tồn’ không cùng nghĩa với đang sống. Cây cỏ và động vật cũng đang sống, chúng hiện hữu nhưng chúng không phải nghĩ đến chuyện điều đó hàm ý điều gì. Con người là sinh vật duy nhất ý thức được sự tồn tại của bản thân. Sartre nói rằng một sự vật vật chất chỉ đơn giản ‘ở tại nó’, còn loài người là ‘vì nó’. Do đó, sự tồn tại của con người không giống như sự tồn tại của sự vật ».
« Em không thể không đồng ý ».
« Sartre nói rằng sự hiện tồn của một con người đáng được xét đến trước chuyện anh ta có thể là cái gì nếu anh ta không hiện tồn. Thực tế rằng tôi đang tồn tại có ý nghĩa hơn chuyện tôi là ai. Sự tồn tại quan trọng hơn bản chất ».
« Tuyên bố này phức tạp quá ».
« Bản chất ở đây có nghĩa là cái tạo nên một vật – bản tính tự nhiên của vật đó. Nhưng theo Sartre, bẩm sinh con người không có ‘bản năng tự nhiên’ đó. Do đó, con người phải tự tạo cho bản thân. Anh ta phải tự tạo cho bản tính tự nhiên hay ‘bản chất’ của chính mình, ví nó không được định sẵn từ trước ».
« Chắc là em hiểu thầy định nói gì ».
« Trong suốt lịch sử triết học, các nhà triết học đã cố gắng tìm hiểu con người là gì – hay bản tính tự nhiên của con người là gì. Nhưng Sartre lại tin rằng con người không có cái ‘bản chất’ vĩnh cửu đó để dựa vào. Do đó, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời nói chung là điều vô nghĩa. Chúng ta bị buộc phải ứng biến. Ta như những diễn viên bị lôi lên sân khấu mà chưa học lời thoại. Không có kịch bản, không có người nhắc vở thì thào hướng dẫn. Ta phải tự quyết định mình sẽ sống như thế nào ».
« Thực ra thì đúng như vậy. Nếu người ta chỉ cần đọc Kinh thánh hay là một cuốn sách triết học và tìm được cách sống thì tiện lợi quá ».
« Em hiểu rồi đấy. Khi người ta nhận ra rằng mình đang sống và một ngày nào đó sẽ chết và chẳng có ý nghĩa gì để bấu víu – họ cảm thấy lo sợ đó cũng là đặc điểm mà Kierkegaard đã mô tả về một con người trong trạng thái sinh tồn ».
« Vâng »
« Sartre nói rằng con người cảm thấy lạc lõng trong một thế giới không có ý nghĩa. Khi ông mô tả sự lạc lõng của con người, ông lặp lại những ý tưởng trung tâm của Hegel và Marx. Cảm giác lạc lõng của con người trong thế giới tạo ra nỗi thất vọng, chán chường, sự ghê tởm và ngu xuẩn.
« Nhưng việc cảm thấy thất vọng và thấy mọi thứ đều buồn tẻ cũng khá bình thường đấy chứ ạ ? »
« Đúng thế. Sartre đang miêu tả cư dân thành thị của thế kỷ XX. Em có nhớ các nhà thiên văn chủ nghĩa thời Phục Hưng đã kêu gọi sự chú ý đến tự do và độc lập của con người một cách gần như là đắc thắng không ? Sartre thấy tự do của con người như là một sự nguyền rủa. Ông nói : ‘Con người bị kết án tự do. Bị kết án vì anh ta không tự tạo ra chính mình nhưng lại tự do. Bởi vì một khi bị quẳng vào thế giới, anh ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của mình.
« Nhưng ta đâu có yêu cầu được tạo ra là những cá thể tự do ? »
« Đó chính là quan điểm của Sartre. Tuy nhiên, chúng ta lại là những cá thể tự do và sự tự do này bắt buộc ta phải lựa chọn suốt đời. Không có một giá trị hay quy tắc vĩnh cửu nào để ta bám vào, điều đó làm cho các sự lựa chọn của ta trở nên quan trọng hơn. Bởi vì ta chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi điều ta làm. Sartre nhấn mạnh rằng con người không bao giờ được chối bỏ trách nhiệm đối với hành động của mình. Ta cũng không thể lẩn tránh trách nhiệm đưa ra lựa chọn của bản thân với các lý do rằng ta ‘phải’ đi làm, ta ‘phải ; sống theo những lề lối nhất định của tầng lớp trung lưu. Do đó, những người trượt vào đa số vô danh sẽ mãi mãi chỉ là thành viên của đám đông không có cá tính, họ chạy trốn khỏi bản thân để đến với sự lừa dối. Trong khi đó, sự tự do bắt ta phải tạo ra cái gì đó từ bản thân để sống một cách ‘đích thực’ » .
« Vâng em hiểu rồi ».
« Nó đặc biệt phù hợp với tình huống của các lựa chọn luân lý. Ta không thể đổ lỗi cho ‘bản chất con người’ hay ‘sự yếu đuối của con người’ hay bất cứ cái gì tương tự. Đôi khi, có những người đàn ông trưởng thành xử sự như những con lợn và sau đó đổ lỗi cho ‘cụ Adam’. Nhưng chẳng có ‘cụ Adam’ nào cả. Đó chỉ là một nhân vật mà ta bám lấy để tránh trách nhiệm cho những hành động của chính mình ».
« Nên có một giới hạn cho những gì thuộc về trách nhiệm của con người ».
« Tuy nhiên Sartre cho rằng cuộc sống tự thân nó không có ý nghĩa, nhưng không có ý rằng chẳng cái gì có ý nghĩa khác. Ông không phải là người theo thuyết hư vô ».
« Nghĩa là gì ạ ? »
« Thuyết hư vô cho rằng chẳng có cái gì có ý nghĩa và cái gì cũng được phép. Sartre tin rằng cuộc sống phải có ý nghĩa. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng chính ta là người phải tạo ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tồn tại là sáng tạo cuộc đời mình ».
« Thầy có thể nói rõ hơn được không ạ ? »
« Sartre đã cố gắng chứng mình rằng ý thức tự nó không là gì cho đến khi nó bắt đầu tri giác được cái gì đó. Vì ý thức luôn luôn tri giác một điều gì đó. Và cái ‘điều gì đó’ đó được quyết định bởi chính bản thân ta cũng như bởi môi trường xung quanh. Chúng ta phần nào quyết định cái ta nhận thức bằng cách chọn ra những gì có ý nghĩa đối với mình ».
« Thầy cho ví dụ đi ạ ».
« Hai người có thể cùng ở trong một căn phòng nhưng lại cảm nhận về nó khá là khác nhau. Đó là do chúng ta tạo nên ý nghĩa của riêng mình – hay là mối quan tâm của riêng mình – khi ta nhận thức về thế giới xung quanh. Một người phụ nữ có bầu có thể thấy rằng mình nhìn đâu cũng thấy các bà bầu. Đó không phải là vì trước đây không có phụ nữ mang bầu mà bởi vì khi cô ta mang bầu cô nhìn thế giới bằng đôi mắt khác. Một tên tù trốn trại có thể nhìn thấy cảnh sát ở khắp mọi nơi… »
« Ừm, ra là thế ».
« Cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng lên cách ta tri giác về căn phòng. Nếu có cái gì đó mà tôi không quan tâm, tôi sẽ không nhìn thấy. Và bây giờ tôi có thể giải thích vì sau tôi đến muộn ».
« Thầy đã cố ý, đúng không ạ ? »
« Hãy nói xem em đã nhìn thấy gì đầu tiên khi tôi tới đây ? »
« Điều đầu tiên em thấy là thầy không có ở đây ».
« Điều đầu tiên em nhận thấy là sự vắng mặt, như thế không phải là hơi lạ sao ? »
« Có thể, nhưng mục đích của em là đến gặp thầy ».
« Sartre dùng chính cuộc hẹn ở quán cà phê để cho thấy cách ta ‘triệt tiêu’ những gì không liên quan tới ta ».
« Thầy đến muộn chỉ để giải thích điều đó thôi ạ ? »
« Đúng vậy, để em hiểu điểm trung tâm của triết học Sartre. Hãy gọi đó là một bài thực hành ».
« Thật quá đáng ! »
« Nếu em đang yêu và đang đợi người yêu gọi điện đến, có thể em sẽ ‘nghe thấy’ rằng cả buổi tối anh ta không gọi đến. Em hẹn anh ta tại ga tàu, bao người đi lại trên sân ga nhưng em không nhìn thấy anh ta ở đâu cả. Tất cả bọn họ đều làm vướng mắt, họ không có ý nghĩa gì đối với em. Em có thấy họ thật đáng bực mình, thậm chí khó chịu. Họ đang chiếm quá nhiều chỗ. Điều duy nhất em ghi nhận là ‘anh ta’ không có ở đó».
« Buồn thật ».
« Simone de Beauvoir đã thử áp dụng chủ nghĩ hiện sinh cho thuyết bình đẳng nam nữ. Sartre cũng đã nói rằng con người không có ‘bản chất’ cơ sở để cầu viện đến. Ta tự tạo cho chính mình’.
« Thật thế ạ ? »
« Điều đó cũng đúng đối với cách ta nhận thức về giới tính. Simone de Beauvoir phủ nhận sự tồn tại của một ‘bản chất nam giới’ hay ‘bản chất phụ nữ’. Chẳng hạn, người ta đã từng khẳng định rằng nam giới có một thiên hướng vươn lên và đạt mục đích. Do đó anh ta sẽ tìm kiếm ý nghĩa và định hướng ngoài xã hội. Người ta cho rằng phụ nữ có triết lý sống đối lập. Cô ta có tính ‘nội tại’, có nghĩa là cô ta muốn ở nguyên tại chỗ. Do đó, cô ta sẽ chăm sóc gia đình, quan tâm đến môi trường và những gì đơn giản và thường ngày hơn. Ngày nay, ta có thể nói rằng phụ nữ quan tâm nhiều đến những ‘giá trị nữ tính’ hơn nam giới ».
« Bà ấy có thực sự tin như vậy không ạ ? »
« Em đang để ý đi đâu vậy ? Thực ra Simone de Beauvoir không tin vào sự tồn tại của một cái ‘bản chất nam giới’ hay ‘bản chất phụ nữ’ nào. Ngược lại, bà tin rằng phụ nữ và nam giới phải tự giải phóng bản thân khỏi những định kiến đó ».
« Đúng rồi ».
« Tác phẩm chính của bà được xuất bản năm 1949 có tên là giới tính hạng hai ».
« Ý của bà ấy như thế nào ạ ? »
« Bà viết về phụ nữ. Trong nền văn hóa của chúng ta, phụ nữ được đối xử như là giới phụ. Đàn ông xử sự như thể họ là chủ thể và đối xử với phụ nữ như thể đồ vật của mình, do đó tước đi của phụ nữ trách nhiệm đối với cuộc đời của chính họ ».
« Bà ấy muốn nói rằng tự do và độc lập của phụ nữ chúng ta đến đâu là tùy vào sự lựa chọn của chính mình ? »
« Đúng, em có thể nói như vậy. Từ những năm 40 đến nay, chủ nghĩa hiện sinh còn có một ảnh hưởng rất lớn đối với văn học, đặc biệt là nghệ thuật kịch. Chính Sartre cũng viết cả kịch và tiểu thuyết. Các nhà văn quan trọng khác là Albert Camus người Pháp, Samuel Backett người Ireland, Eugène Ionesco người Romania và Wintold Gombrowicz người Ba Lan. Phong cách đặc trưng của họ và nhiều nhà văn hiện đại khác là cái mà ta gọi là chủ nghĩa phi lý. Thuật ngữ này đặc biệt được sử dụng cho ‘kịch phi lý’ ».
« A ! »
« Em có biết người ta dùng từ ‘phi lý’ với nghĩa gì không ? »
« Có phải nghĩa là vô nghĩa hoặc không hợp lý không ạ ? »
« Chính xác ! Kịch phi lý đối lập với kịch hiện thực. Mục tiêu của nó là chỉ ra những sự thiếu ý nghĩa trong cuộc sống để khán giả bất bình. Ý tưởng không phải là để cổ vũ sự vô nghĩa. Ngược lại, bằng cách phơi bày những sự phi lý trong các tinh thể thường ngày, tác giả buộc khán giả phải tìm cho mình một cuộc sống chân thực và bản chất hơn ».
« Nghe thật thú vị ».
« Kịch phi lý thường mô tả các tinh thể hoàn toàn thông thường. Do đó nó còn có thể được coi là một loại ‘chủ nghĩa hiện thực cường điệu’. Con người được mô tả chính xác như trong đời thường. Nhưng nếu ta tái tạo trên sân khấu chính xác những gì xảy ra trong buồng tắm và một buổi sáng hoàn toàn bình thường trong một ngôi nhà hoàn toàn bình thường, khán giả sẽ cười. Tiếng cười của họ có thể được hiểu là một cơ chế phòng vệ trước việc thấy chính mình bị đả kích trên sân khấu ».
« Vâng, đúng như vậy ».
« Kịch phi lý cũng có thể có một số chi tiết siêu thực nhất định. Các nhân vật kịch thường thấy mình trong các tình thế rất phi hiện thực hoặc như trong mơ. Khi họ chấp nhận những tình thế đó mà không chút ngạc nhiên, khán giả sẽ buộc phải phản ứng bằng sự ngạc nhiên trước thái độ thiếu ngạc nhiên của nhân vật. Đó là cách Charlie Chapline thể hiện trong các bộ phim câm của ông. Hiệu ứng hài trong các bộ phim câm đó thường là nhân vật bình thản chấp nhận tất cả những gì phi lý xảy đến với mình. Điều đó buộc khán giả phải tìm trong bản thân cái gì đó đích thực và chân thật hơn ».
« Thật đáng ngạc nhiên khi thấy những gì mọi người chịu đựng mà không chút phàn nàn ».
« Đôi khi, ta không hề sai khi có cảm giác rằng : Tôi phải thoát khỏi cái thứ này – dù tôi còn chưa biết phải thoát đi đâu ».
« Nếu căn nhà bắt lửa ta phải chạy ra ngoài, cho dù ta chẳng còn nơi nào khác để sống ».
« Đúng thế. Em có muốn một cốc trà nữa không ? Hay một chai Coca ? »
« Okay. Nhưng em vẫn nghĩ là chuyện thầy đến muộn thật ngớ ngẩn ».
« Tùy em thôi ».
Alberto trở lại với một cốc cà phê và một chai Coca. Trong khi đó, Sophie đã bắt đầu thấy thích không khí của quán cà phê. Cô cũng bắt đầu nghĩ rằng những cuộc trò chuyện tại các bàn khác chắc không đến nỗi tầm thường như cô đã tưởng.
Alberto nện chai Coca xuống bàn đánh rầm. Vài người tại các bàn khác quay lại nhìn.
« Và con đường của chúng ta đến đây là hết », ông nói.
« Ý thầy là lịch sử triết học kết thúc với Sartre và chủ nghĩa hiện sinh ? »
« Không, nói thế thì hơi quá. Triết học hiện sinh đã có ý nghĩa cách mạng đối với nhiều người trên khắp thế giới. Như ta đã thấy, nó bắt rễ trong lịch sử qua Kierkegaard tới tận Socrates. Thế kỷ XX cũng đã chứng kiến sự nở rộ và đổi mới của các dòng triết học khác mà chúng ta đã nói tới ».
« Chẳng hạn ? »
« À, một trong các dòng đó là chủ nghĩa Tân-Thomas, nghĩa là các tư tưởng mới theo truyền thống Thomas Aquinas. Một dòng khác có tên là triết học phân tích hay chủ nghĩa kinh nghiệm logic bắt nguồn từ Hume và chủ nghĩa kinh nghiệm Anh và thậm chí từ logic của Aristole. Bên cạnh đó, thế kỷ XX còn chịu ảnh hưởng của cái mà ta có thể gọi là chủa nghĩa Marx mới với vô số khuynh hướng đa dạng. Ta cũng đã nói về chủ nghĩa Darwin mới và tâm quan trọng của phân tâm học ».
« Vâng ».
« Ta cần nhắc đến một dòng cuối cùng, chủ nghĩa duy vật, nó cũng có các nguồn gốc lịch sử. Có thể lần ngược nhiều nghành khoa học hiện nay về nỗ lực của các nhà khoa học tiền Socrates, chẳng hạn như cuộc tìm kiếm ‘hạt cơ bản’ không phân chia được mà mọi chất đều cấu tạo từ nó. Chưa có ai đưa ra được những lời giải thích đầy đủ cho câu hỏi ‘vật chất’ là gì. Nhiều nghành khoa học hiện đại, chẳng hạn vật lý hạt nhân và hóa sinh, bị mê hoặc bởi vấn đề đó đến nỗi nó cấu thành một phần sống còn trong triết lý về cuộc sống của nhiều người ».
« Cái mới và cái cũ trộn lần cả vào với nhau… »
« Đúng vậy. Vì người ta vẫn chưa trả lời được chính những câu hỏi mở đầu khóa học của chúng ta. Sartre đã đưa ra một nhận xét quan trọng khi ông nói rằng không thể trả lời các câu hỏi hiện sinh một cách dứt khoát. Theo định nghĩa, một câu hỏi triết học là cái gì đó mà thế hệ nào thậm chí cá nhân nào cũng phải hỏi đi hỏi lại ».
« Một suy nghĩ ảm đạm ».
« Tôi không chắc có thể đồng ý với em được. Chắc chắn là nhờ đưa ra những câu hỏi đó mà chúng ta biết rằng mình đang sống. Hơn nữa, trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cội nguồn, người ta tìm ra được lời giải mạch lạc và trọn vẹn cho nhiều vấn đề khác. Khoa học, nghiên cứu và công nghệ đều là những sản phẩm phụ của các suy tưởng triết học. Chẳng phải chính sự tò mò về sự sống đã đưa con người lên mặt trăng ? »
« Vâng, đúng vậy ».
« Khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng, anh nói : ‘Một bước chân nhỏ của một con người, một sự nhảy vọt vĩ đại của loài người’. Những lời đó đã tóm gọn cảm xúc của việc là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, cùng với anh ta là tất cả những người đã đi trước. Rõ ràng, đó là vinh quang của không chỉ một mình anh ».
« Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề hoàn toàn mới. Những vấn đề nghiêm trọng nhất là về môi trường. Do đó một xu hướng trung tâm của triết học thế kỷ XX là triết học sinh thái – ecophilosophy hay ecosophy, như nhà triết học người Na Uy Ame Naess- một trong những nhà sáng lập ra nghành này đặt tên. Nhiều nhà triết học sinh thái phương Tây đã cảnh báo rằng toàn bộ nền văn minh phương Tây đã đi trên một con đường sai lạc về căn bản khi lao nhanh về phía một cuộc đụng đầu với những giới hạn mà hành tinh của chúng ta có thể chịu đựng được. Họ cố gắng tiến hành các cuộc thăm dò sâu hơn là các ảnh hưởng cụ thể của ô nhiễm môi trường và sự tàn phá môi trường. Họ cho rằng có cái gì đó sai một cách căn bản trong tư tưởng của phương Tây.”
“Em nghĩ là họ nói đúng.”
“Ví dụ, triết học sinh thái đã đặt vấn đề với chính quan niệm về sự tiến hóa và giả thuyết rằng con người 'ở trên đỉnh' – như thể chúng ta là những ông chủ của thiên nhiên. Lối tư duy này có thể được coi là tai họa đối với toàn bộ hành tinh sống.”
“Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, em tức điên lên được”
“Khi chỉ trích học thuyết này, nhiều nhà triết học sinh thái đã quan tâm đến tư tưởng của các nền văn hóa khác, chẳng hạn văn hóa Ấn Độ. Họ cũng đã nghiên cứu tư duy và tập quán của những dân tộc được coi là nguyên thủy – hay các 'thổ dân', chẳng hạn các thổ dân châu Mỹ – nhằm tìm lại những gì chúng ta đã đánh mất.
“Trong các cộng đồng khoa học những năm gần đây, người ta nói rằng toàn bộ lối tư duy khoa học của ta đang đối mặt với một 'sự dịch chuyển về khuôn mẫu'. Nghĩa là một sự chuyển dịch căn bản trong cách nghĩ của các nhà khoa học. Nó đã đem lại kết quả trong một số ngành. Ta đã chứng kiến nhiều ví dụ của cái gọi là 'các phong trào alternative' ủng hộ một lối sống mới không theo truyền thống và chính thể luận – thuyết cho rằng các tinh chất của một hệ thống không thể được quyết định hay giải thích chỉ bởi tổng các thành phần của hệ thống đó.”
“Tuyệt!”
“Tuy nhiên, khi có liên quán đến nhiều người, người ta luôn phải phân biệt giữa tốt và xấu. Một số tuyên bố rằng chúng ta đang bước vào một thời đại mới. Nhưng không phải cái gì mới cũng tốt, và không phải cái gì cũ cũng đáng quăng đi. Đó là một trong những lý do tại sao tôi dạy em khóa triết học này. Bây giờ em đã có kiến thức căn bản về lịch sử, em có thể tự định hướng cho bản thân em trong cuộc sống.”
“Em cảm ơn thầy.”
“Tôi cho rằng em sẽ thấy nhiều kẻ trong số những người đi dưới khẩu hiệu Thời Đại Mới thuộc loại bịp bợm. Ngay cả những cái gọi là Tôn Giáo Mới , Thuyết Huyền Bí Mới, và đủ loại mê tín dị đoan hiện đại đã ảnh hưởng lên thế giới phương Tây trong những thập kỷ gần đây. Nó đã trở thành một ngành kinh doanh. Những lời chào hàng theo lối cải cách trên thị trường triết học đã mọc lên như nấm trong sự thức tỉnh của sự ủng hộ đang tan dần dành cho Ki Tô giáo.”
“Những kiểu chào hàng nào ạ?”
“Danh sách dài đến nỗi tôi chẳng dám liệt kê. Và dù sao thì miêu tả thời đại của chính mình không dễ dàng gì. Nhưng tại sao chúng ta không đi dạo phố một vòng nhỉ? Tôi muốn chỉ cho em xem cái này.”
“Em không có nhiều thời gian đâu. Hy vọng thầy chưa quên bữa tiệc vườn ngày mai?”
“Tất nhiên là không rồi. Đó là khi một điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Chúng ta còn phải hoàn thiện khóa triết học cho Hilde đã. Ông thiếu tá chưa nghĩ xa hơn được chuyện đó, em thấy đấy. Vậy là ông ta đánh giá mất một chút quyền lực đối với chúng ta.”
Một lần nữa, ông nhấc chai Coca giờ đã rỗng và nện xuống bàn.
Họ bước ra phố, nơi mọi người đang vội vã đi lại như những con mối đầy sinh lực trong một cái đụn mối. Sophie tự hỏi không biết Alberto đang định cho cô xem cái gì.
Hai người đi ngang qua một cửa hàng lớn bán mọi thứ liên quan đến công nghệ truyền thông, từ ti vi, máy quay video, ăng ten vệ tinh, cho đến điện thoại di động, máy tính và máy fax.
Alberto chỉ vào gian kính trưng bày và nói:
“Đó là thế kỷ XX của em, Sophie à. Thời Phục Hưng, thế giới bắt đầu bùng nổ, nếu có thể nói như vậy. Khởi đầu bằng những cuộc thám hiểm vĩ đại trên biển, người châu Âu bắt đầu đi khắp thế giới. Ngày nay, tình hình trái ngược. Ta có thể gọi là một cuộc bùng nổ theo hướng ngược lại.”
“Theo nghĩa nào ạ?”
“Nghĩa là thế giới đang được kéo lại với nhau thành một mạng truyền thông vĩ đại. Không bao lâu trước đây, các nhà triết học phải đi hàng ngày trời trên xe và ngựa để tìm hiểu thế giới xung quanh họ và gặp các nhà triết học khác. Ngày nay, ta có thể ngồi tại bất cứ đâu trên hành tinh này và truy cập toàn bộ kinh nghiệm của con người trên một màn hình máy tính.”
“Một ý nghĩ hay tuyệt, nhưng nghe hơi đáng sợ.”
“Vấn đề đặt ra là có phải lịch sử đang đi đến điểm cuối cùng, hay ngược lại, ta đang đứng trên ngưỡng cửa của một thời đại hoàn toàn mới. Chúng ta không còn đơn giản là các công dân của một thành phố hay một nước nào đó. Chúng ta sống trong một nền văn minh hành tinh.”
“Quả vậy.”
“Các phát triển về công nghệ trong ba mươi bốn mươi năm nay, đặc biệt trong ngành truyền thông, có khi còn mạnh mẽ hơn trong toàn bộ lịch sử cộng lại. Tuy nhiên, chúng ta có lẽ mới chỉ chứng kiến sự khởi đầu…”
“Có phải đó là cái thầy muốn chỉ cho em không?”
“Không, nó ở sau cái nhà thờ đằng kia cơ.”
Khi hai người quay đi, hình ảnh của vài người lính Liên hợp quốc chợt lóe lên trên màn hình của một cái ti vi.
“Thầy nhìn kìa!” Sophie gọi.
Máy quay chuyển vào cận cảnh một trong những người lính. Ông ta có một bộ râu đen gần giống hệt bộ râu của Alberto. Bỗng, ông giơ lên một tấm thiệp trên có dòng chữ: “Bố con mình sắp gặp nhau rồi, Hilde à!” Ông vẫy vẫy tay rồi quay đi.
“Đồ bịp bợm!” Alberto thốt lên.
“Đó là ông thiếu tá ạ?”
Hai người đi xuyên qua vườn hoa trước mặt nhà thờ và tới một phố chính khác. Alberto có vẻ hơi bực bội. Họ dừng lại trước LIBRIS, cửa hàng sách lớn nhất thành phố.
“Nào, ra vào trong.” Alberto nói.
Trong cửa hàng, ông chỉ tay tới bức tường dài nhất. Trên đó có ba mục: “THỜI ĐẠI MỚI, LỐI SỐNG ALTERNATIVE, và THẦN BÍ.
Những cuốn sách có những tên rất hấp dẫn, chẳng hạn Cuộc sôngs sau cái chết, Những bí mật của thuyết duy linh, Bói bài, Hiện tượng UFO, Trị bệnh, Sự trở lại của các thánh thần, Trước kia bạn đã từng đến đây, và Chiêm tinh học là gì? Có hàng trăm cuốn sách. Dưới các giá sách, sách xếp thành từng chồng còn nhiều hơn nữa.
“Đây cũng là thế kỷ XX, Sophie à. Đây là đền thờ của thời đại chúng ta.”
“Thầy không tin vào những thứ này chứ ạ?”
“Phần nhiều là trò bịp bợm nhưng chúng bán chạy chẳng kém sách báo khiêu dâm. Giới trẻ có thể đến đây để mua những quan niệm nào quyến rũ họ nhất. Nhưng điều khác biệt giữa triết học thực thụ và những cuốn sách này đại loại cũng như sự khác nhau giữa tình yêu chân chính và khiêm dâm.”
“Thầy ăn nói gì mà thô lỗ thế!”
“Ta hãy ra vườn hoa ngồi.”
Hai người ra khỏi cửa hàng và tìm thấy một cái ghế băng còn trống trước ở cửa nhà thờ. Những con chim bồ câu khệnh khạng đi quanh gốc cây. Một con chim sử đơn độc đang hăm hở nhảy nhót quanh đám bồ câu.
“Nó được gọi là ESP hoặc cận tâm lý học.” Alberto nói. “Hay nó được gọi là thần giao cách cảm, lên đồng, tâm động học. Đó là duy linh học, chiêm tinh học, UFO học.”
“Nhưng thật thà mà nói, thầy có thực sự tin tất cả những thứ đó đều là bịp bợm không?”
“Rõ ràng là một nhà triết học thực thụ sẽ không nói rằng tất cả những thứ đó đều tồi như nhau. Nhưng tôi không ngại nói rằng tất cả những chủ đề đó cùng nhau vẽ bản đồ khá chi tiết của một vùng đất không tồn tại. Và ở đó có rất nhiều 'điều tưởng tượng' mà Hume chắc đã quẳng vào lửa. Nhiều cuốn sách mà nội dung chẳng có được chút xíu trải nghiệm thực sự nào.”
“Tại sao sách về các chủ đề đó lại nhiều đến vậy ạ?”
“Xuất bản những cuốn sách thuộc loại đó là công việc kinh doanh béo bở. Rất nhiều người muốn đọc chúng.”
“Theo thầy thì tại sao lại thế?”
“Rõ ràng, họ muốn cái gì đó huyền bí, cái gì đó khác lạ để phá vỡ sự đơn điệu đáng sợ của cuộc sống hàng ngày. Nhưng nó cũng như chở củi về rừng mà thôi.”
“Nghĩa là sao ạ?”
“Chúng ta đang lang thang trong một cuộc phiêu lưu kỳ diệu. Một tác phẩm của tạo hoá đang hiện ra ngay trước mắt chúng ta. Ngay giữa ban ngày, Sophie à! Tuyệt diệu!”
“Chắc vậy.”
“Tại sao chúng ta lại phải chui vào căn lều của thầy bói hay sân sau của thế giới học thuật để tìm cái gì đó hứng thú và siêu việt?”
“Ý thầy là người viết những cuốn sách này chẳng qua là những kẻ lừa đảo dối trá?”
“Không, tôi không có ý nói vậy. Nhưng và cả ở đây nữa, chúng ta cũng đang nói về một hệ thống Darwin.”
“Thầy sẽ phải giải thích thêm về ý đó.”
“Hãy nghĩ về những điều khác nhau có thể xảy ra một ngày. Thậm chí em có thể lấy một ngày trong đời mình. Hãy ghi về tất cả những gì em có thể nhìn thấy và trải nghiệm.”
“Vâng?”
“Thỉnh thoảng em thấy một sự trùng hợp kỳ lạ. Em có thể vào cửa hàng, mua một thứ gì đó giá 28 cu-ron. Rồi cũng trong ngày hôm đó, Joanna đến trả em 28 cu-ron mà bạn ấy nợ em. Hai em quyết định đi xem phim – và chỗ của em là ghế số 28.”
“Vâng, đó sẽ là một sự trùng hợp bí hiểm.”
“Dù sao thì đó cũng sẽ là một sự trùng hợp. Điểm quan trọng là người ta thu thập những sự trùng lặp như vậy. Họ thu thập các trải nghiệm kỳ lạ không giải thích được. Khi những trải nghiệm đó được lấy từ cuộc đời của hàng tỷ người, nó bắt đầu trông giống như dữ liệu chân thực. Và số lượng của chúng liên tục tăng lên. Nhưng một lần nữa, ta đang nhìn một trò xổ số mà trong đó chỉ các con số trúng thưởng mới hiện lên.”
“Nhưng chẳng phải vẫn có các ông đồng bà cốt thường xuyên gặp những thứ như vậy đấy thôi?”
“Đúng là có, và nếu ta loại bỏ những tên lửa đào và tìm một lời giải thích khác cho cái gọi là những trải nghiệm huyền bí này.”
“Như thế nào ạ?”
“Em còn nhớ ta đã nói về học thuyết về vô thức của Freud chứ?”
“Tất nhiên là em nhớ.”
“Frued đã chỉ ra rằng chúng ta thường là các 'thầy đồng' cho vô thức của chính mình. Ta có thể chợt thấy mình đang nghĩ hoặc làm cái gì đó mà không rõ vì sao. Lý do là ta có cả đống trải nghiệm, ý nghĩ và ký ức bên trong chúng ta mà ta không nhận thấy.”
“Thế thì sao ạ?”
“Em hiểu ý thầy rồi.”
“Rất nhiều chuyện kỳ quặc xảy ra hàng ngày có thể được giải thích bằng học thuyết về vô thức của Freud. Tôi có thể bỗng dưng nhận được điện thoại của một người bạn đã nhiều năm không liên lạc, đúng vào lúc tôi đang tìm số điện thoại của anh ta.”
“Nghe mà nổi da gà.”
“Nhưng lời giải thích có thể là cả hai đang cùng nghe thấy một bài hát cũ trên đài, bài hát mà chúng tôi đã nghe khi gặp nhau lần cuối cùng. Vấn đề là chúng ta không để ý đến mối liên quan sâu xa.”
“Vậy nó là trò bịp bợm hoặc xác suất trúng xổ số, nếu không thì nó là vô thức. Đúng không ạ?”
“Ờ, dù sao thì tốt hơn cả là ta nên tiếp cận những cuốn sách đó với một thái độ hoài nghi nào đó. Nhất là nếu ta là một nhà triết học. Ở Anh, có một hội những người hoài nghi. Từ nhiều năm trước, họ treo một giải thưởng lớn cho người đầu tiên có thể đưa ra một bằng chứng dù là nhỏ nhất của một cái gì đó siêu tự nhiên. Chẳng cần phải là một phép lạ ghê gớm, chỉ một ví dụ nhỏ xíu về thần giao cách cảm là đủ. Từ bấy đến giờ chưa có ai thử sức.”
“Hừm.”
“Trong khi đó, có rất nhiều điều con người chúng ta chưa hiểu. Có khi chúng ta còn chưa hiểu các quy luật tự nhiên. Thế kỷ trước đã có nhiều người tưởng rằng các hiện tượng như từ tính và điện là một loại phép thuật. Tôi cược là cụ bà của tôi sẽ tròn mắt ngạc nhiên nếu nghe kể về ti vi hay máy vi tính.”
“Vậy là thầy không tin vào bất cứ thứ gì siêu nhiêu?”
“Chúng ta đã nói về chuyện đó rồi. Ngay cả 'siêu nhiêu' cũng là một từ kỳ cục. Không, tôi tin rằng chỉ có một thiên nhiên. Nhưng chính cái thiên nhiên đó cực kỳ đáng kinh ngạc.”
“Đôi khi người ta nói hoặc đi lại trong giấc ngủ. Ta có thể gọi đây là một loại hành động máy móc của thần kinh. Khi bị thôi miên, người ta cũng có thể nói và làm những việc 'ngoài ý muốn'. Cũng nhớ lại các nhà văn siêu thực cố gắng tạo ra cái gọi là lối viết vô thức. Họ đã cố gắng làm thầy đồng cho vô thức của chính mình.”
“Em nhớ.”
“Trong thế kỷ này đôi khi cũng từng có cái gọi là 'gọi hồn' nghĩa là một thầy đồng có thể liên lạc với một người đã chết. Bằng cách nói và giọng nói của người chết hoặc bằng lối viết vô thức, thầy đồng nhận được thông điệp của một người đã sống từ năm, năm mươi hoặc hàng trăm năm trước. Điều này đã được đem ra làm bằng chứng cho việc một cuộc sống sau khi chết hoặc rằng chúng ta có nhiều kiếp sống.”
“Vâng, em biết.”
“Tôi không nói rằng tất cả các ông đồng bà cốt đều nguỵ tạo. Một số thực sự có niềm tin. Họ quả thực là các thầy đồng, nhưng họ chỉ là thầy đồng cho vô thức của chính mình. Đã có một số trường hợp các thầy đồng được nghiên cứu kỹ lưỡng khi họ đang nhập đồng và thể hiện các kiến thức và khả năng mà cả họ lẫn những người khác đều không thể hiểu được họ có thể bằng cách nào. Có trường hợp, một người phụ nữ không biết tiếng Hebrew lại truyền các thông điệp bằng ngôn ngữ đó. Do vậy, bà ta chắc đã từng có kiếp trước hoặc đã liên lạc được với linh hồn của người đã chết.”
“Thầy nghĩ thế nào?”
“Té ra khi còn nhỏ, bà ta đã từng có vú em người Do Thái.”
“À!”
“Chuyện đó có làm em thất vọng không? Nó chỉ cho thấy khả năng lạ thường của một số người trong việc ghi nhớ các trải nghiệm vào trong vô thức.”
“Thế còn dạng những thứ huyền bí trong cuốn sách thầy vừa chỉ cho em thì sao ạ?”
“Mọi nhà triết học thực thụ phải luôn mở to mắt. Thậm chí nếu ta chưa bao giờ nhìn thấy một con quạ trắng thì ta cũng không bao giờ nên ngừng tìm kiếm nó. Và một ngày nào đó, ngay cả một kẻ hoài nghi như tôi có thể buộc phải công nhận một hiện tượng mà trước kia tôi không tin. Nếu tôi không để mở khả năng này, tôi sẽ là một kẻ giáo điều chứ không phải là một nhà triết học chân chính.”
Alberto và Sophie ngồi yên lặng trên ghế băng. Những con bồ câu vươn cổ gù gù, thỉnh thoảng chúng lại bị giật mình bởi một chiếc xe đạp đi ngang qua hay một chuyển động bất ngờ.
“Em phải về nhà chuẩn bị cho bữa tiệc đây.” cuối cùng Sophie lên tiếng.
“Nhưng trước khi chúng ta chia tay, tôi sẽ chỉ cho em một con quạ trắng. Nó ở gần hơn là ta nghĩ, em sẽ thấy.”
Alberto đứng dậy và dẫn Sophie quay lại cửa hàng sách. Lần này, họ bỏ qua tất cả những cuốn sách về các hiện tượng siêu nhiên và dừng lại trước một giá sách nhỏ ở tận góc cuối cùng cửa hàng. Trên giá treo một tấm biển nhỏ xíu. Trên đó ghi: TRIẾT HỌC.
Alberto chỉ xuống một cuốn sách, và Sophie há hốc mồm khi cô đọc tên: THẾ GIỚI CỦA SOPHIE.
“Em có muốn tôi mua tặng em một cuốn không?”
“Em không biết em có dám không nữa.”
Tuy nhiên, chỉ lát sau cô đã trên đường về nhà, một tay cầm cuốn sách, tay kia xách một túi nhỏ đựng mấy thứ dành cho bữa tiệc vườn.