Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Long Bát Bộ

Chương 17 – Hổ khiếu long ngâm (2)

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Sơn lâm uy chấn cõi ngoài,

Cung đình vương giả tranh tài hơn thua.

Hổ gầm tiếng vọng canh khuya,

Rồng thiêng giương vuốt dễ đùa được sao?

* * *

Đoàn Chính Thuần trong lòng bồi hồi, nhủ thầm: “Thì đã sao? Vì sao lại không nhìn mặt ta nữa? Nàng nay là kẻ ván đã đóng thuyền, ta lẽ nào còn làm bại hoại danh tiết nàng hay sao? Đoàn nhị nước Đại Lý tuy phong lưu hiếu sắc thật nhưng nào có phải là kẻ hạ lưu vô sỉ. Nếu ta gặp lại nàng mà hai người chỉ lạnh nhạt không nói được với nhau một câu thì thà không gặp còn hơn”. Ông quay lại thấy vợ lạnh lùng nhìn mình không khỏi chột dạ, vội vàng rảo bước đi ra khỏi cốc.

* * *

Đoàn người về đến Đại Lý rồi, Bảo Định Đế nói:

-Tất cả vào cung thương nghị.

Vào đến thư phòng trong hoàng cung, Bảo Định Đế ngồi tại một chiếc ghế bành lớn lót da báo ngay chính giữa, vợ chồng Đoàn Chính Thuần ngồi bên dưới còn Cao Thăng Thái và những người khác thõng tay đứng hầu. Bảo Định Đế sai nội thị đem ghế lên cho mọi người cùng ngồi rồi vẫy tay cho những người hầu lui ra, đem chuyện Đoàn Dự bị rơi vào tay địch như thế nào kể hết cho mọi người cùng nghe.

Ai nấy đều biết tất cả chẳng qua từ người áo xanh mà ra, nghe Bảo Định Đế kể lại y không những biết Nhất Dương Chỉ, mà công lực còn cao cường hơn ông nên không ai dám nhiều lời, ai cũng cúi đầu trầm ngâm. Nhất Dương Chỉ là công phu thế đại tương truyền của họ Đoàn, chỉ dạy cho con trai mà không dạy cho con gái, không truyền cho người ngoài, người áo xanh biết công phu này thì nhất định phải là giòng dõi họ Đoàn.

Bảo Định Đế quay sang nói với Đoàn Chính Thuần:

-Thuần đệ, chú thử nghĩ xem người này là ai?

Đoàn Chính Thuần lắc đầu đáp:

-Tiểu đệ đoán không ra, không lẽ chùa Thiên Long có người nào hoàn tục cải trang chăng?

Bảo Định Đế lắc đầu:

-Không phải, đó là thái tử Diên Khánh.

Lời đó vừa nói ra, mọi người ai nấy giật mình. Đoàn Chính Thuần nói:

-Thái tử Diên Khánh đã chết rồi, người này chắc là mượn danh để làm càn thôi.

Bảo Định Đế thở dài:

-Tên tuổi có thể giả mạo nhưng công phu Nhất Dương Chỉ thì giả mạo làm sao được. Dẫu có học lén chăng nữa thì cũng là chuyện thường trong võ lâm thôi nhưng nội công tâm pháp thì làm sao học trộm được? Người này là thái tử Diên Khánh không còn nghi ngờ gì nữa.

Đoàn Chính Thuần trầm ngâm một hồi, hỏi thêm:

-Thế thì y chính là một giòng họ Đoàn nhà ta, sao lại muốn làm bại hoại môn phong thanh dự chúng mình?

Bảo Định Đế thở dài:

-Người này một thân tàn tật cho nên tính tình thật khác thường, không thể lấy thường lý mà đo lường được. Huống chi ta đang ở ngôi đế vương nước Đại Lý nên bụng y thù hận càng muốn làm cho anh em ta thân bại danh liệt cho hả lòng.

Đoàn Chính Thuần nói:

-Đại ca lên ngôi đã lâu, thần dân ai nấy kính ngưỡng, bốn phương thanh bình, chẳng nói gì chỉ Diên Khánh thái tử mà dẫu vua Thượng Đức có sống lại cũng không thể trở lên ngôi được.

Cao Thăng Thái đứng bật dậy tâu:

-Lời của Trấn Nam Vương quả thật xác đáng. Thái tử Diên Khánh nếu như giao lại Đoàn công tử thì không nói gì, còn không chúng ta sẽ không coi y là thái tử hay không thái tử, chỉ biết y là kẻ đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân trong thiên hạ ai nấy đều có quyền tru diệt. Võ công y tuy cao cường thật nhưng không thể nào đánh lại được số đông.

Thì ra hơn mười năm trước vào năm Thượng Đức ngũ niên, Thượng Đức Đế Đoàn Liêm Nghĩa đang tại vị triều đình bỗng sinh đại biến, nhà vua bị gian thần Dương Nghĩa Trinh giết chết. Cháu vua Thượng Đức là Đoàn Thọ Huy được các cao tăng chùa Thiên Long và trung thần Cao Trí Thăng giúp đỡ nên bình diệt được Dương Nghĩa Trinh lên nối ngôi xưng là Thượng Minh Đế. Thượng Minh Đế không thích làm vua nên chỉ ở ngôi một năm rồi bỏ ngai vàng đi tu ở chùa Thiên Long, nhường ngôi cho em họ là Đoàn Chính Minh tức Bảo Định Đế. Vua Thượng Đức vốn có một người con trai là thái tử Diên Khánh nhưng khi gian thần Dương Nghĩa Trinh soán ngôi đất nước đại loạn, y không biết đi đâu mất, ai nấy cho rằng đã bị Dương Nghĩa Trinh sát hại rồi, ngờ đâu bao nhiêu năm nay đột nhiên xuất hiện.

Bảo Định Đế nghe Cao Thăng Thái nói lắc đầu:

-Hoàng vị vốn dĩ là của thái tử Diên Khánh, khi xưa vì không kiếm thấy y, Thượng Minh Đế mới phải lên ngôi, sau đó mới truyền lại cho ta. Thái tử Diên Khánh nếu quay lại, ngôi vua này phải trả lại cho y mới phải.

Ông quay đầu nói với Cao Thăng Thái:

-Lệnh tôn nếu như còn tại thế ắt cũng một ý đó thôi.

Cao Thăng Thái là con của đại công thần Cao Trí Thăng năm xưa trừ gian diệt bạo toàn là công lao của ông ta. Cao Thăng Thái tiến lên một bước, phục xuống tâu:

-Tiên phụ trung với vua, yêu thương dân, thanh bào quái khách này là kẻ đứng đầu tứ ác, nếu như ngồi trên ngôi cửu ngũ, đứng trên trăm họ, muôn dân nước Đại Lý sẽ phải chịu không biết bao nhiêu khốn khổ. Việc hoàng thượng hỏi ý nhường ngôi, thần Thăng Thái dẫu chết vạn lần cũng không dám phụng chiếu.

Ba Thiên Thạch cũng phục xuống đất tâu:

-Mới rồi thần Thiên Thạch nghe Nam Hải Ngạc Thần gọi người đứng đầu trong tứ ác là Ác Quán Mãn Doanh. Ác nhân đó nếu không phải thái tử Diên Khánh thì dĩ nhiên không thể nào giành ngôi đại bảo, còn như nếu y thực sự là thái tử Diên Khánh, một kẻ hung ác gian hiểm như thế làm sao có thể để y cai trị trăm họ nước Đại Lý? Nếu như vậy ắt quốc gia sẽ sụp đổ, xã tắc sẽ luân vong.

Bảo Định Đế xua tay nói:

-Hai vị đứng lên, những điều các ngươi nói quả là hữu lý. Có điều Dự nhi rơi vào tay họ, trừ khi ta nhường ngôi cho chúng, có cách nào đưa được Dự nhi về đâu?

Đoàn Chính Thuần nói:

-Đại ca, từ xưa đến nay chỉ có khi quân phụ gặp nạn, thần tử xả thân ra cứu. Dự nhi tuy được đại ca yêu thương nhưng đâu có vì nó mà phải từ bỏ ngôi báu? Nếu làm như thế thì dù cho Dự nhi thoát hiểm cũng thành kẻ đại tội của nước Đại Lý này.

Bảo Định Đế đứng lên, giơ tay trái vuốt bộ râu dài dưới cằm, tay phải giơ hai ngón tay gõ gõ trên trán, chậm rãi đi bách bộ trong thư phòng. Mọi người biết ông khi gặp chuyện lớn khó khăn quyết định đều như thế để suy nghĩ nên không ai dám lên tiếng làm cản trở giòng tư tưởng của ông. Bảo Định Đế đi qua đi lại, một hồi thật lâu mới nói:

-Gã Diên Khánh thái tử kia thủ đoạn thật là độc ác, cho Dự nhi uống Âm Dương Hòa Hợp Tán, dược tính thật là lợi hại, người thường khó mà đề kháng. Chỉ sợ … chỉ sợ … giờ phút này y đã bị thuốc làm cho mê man, thật không biết thế nào. Ôi, đây là gian kế của người ta bày ra, không thể nào trách Dự nhi được.

Đoàn Chính Thuần cúi đầu, xấu hổ vô cùng, nghĩ thầm đầu dây mối nhợ cũng chỉ vì mình có tính phong lưu mà ra. Bảo Định Đế quay trở lại chiếc ghế đang ngồi nói:

-Ba Tư Không, truyền hạ chỉ ý, ra lệnh cho Hàn Lâm Viện thảo chiếu phong cho em ta Chính Thuần làm Hoàng Thái Đệ.

Đoàn Chính Thuần hoảng hốt, vội vàng quì xuống tâu:

-Đại ca đang lúc thân thể cường tráng, công đức ban bố cho toàn dân, trời cao thể nào cũng phù hộ để cho con đàn cháu đống. Chức Hoàng Thái Đệ kia xin hãy khoan bàn đến.

Bảo Định Đế giơ tay đỡ lên nói:

-Anh em ta như thể tay chân, giang sơn Đại Lý này vốn do cả hai chúng mình cùng chấp chưởng, không nói gì ta không có con, dẫu như có con có cháu thì cũng truyền ngôi cho em. Thuần đệ, ta vốn đã có ý lập chú làm người kế thừa từ lâu, trong nước người người ai cũng biết. Hôm nay phải sớm định danh phận cốt để cho thái tử Diên Khánh tiêu tan hi vọng.

Đoàn Chính Thuần suy từ thêm mấy lần nữa nhưng đều không được, đành phải khấu đầu tạ ơn. Bọn Cao Thăng Thái liền tiến lên chúc mừng. Bảo Định Đế không có con cái, ngôi vua về sau ắt sẽ truyền cho Đoàn Chính Thuần, việc đó ai cũng đã biết nên không ai ngạc nhiên. Bảo Định Đế nói:

-Thôi mọi người lui về nghỉ ngơi. Việc thái tử Diên Khánh chỉ nên cho Hoa Tư Đồ, Phạm Tư Mã hai người biết mà thôi, không được tiết lậu cho người khác.

Mọi người lên tiếng đáp ứng, khom mình cáo biệt. Ba Thiên Thạch lập tức đi xuống Hàn Lâm Viện truyền chiếu chỉ của nhà vua.

* * *

Bảo Định Đế dùng cơm xong, ngủ một chốc, lúc tỉnh dậy nghe thấy ngoài cung vọng vào tiếng reo hò, chuông trống, tiếng pháo trúc ầm ỹ. Nội giám tiến vào phục vụ nhà vua thay quần áo, bẩm báo:

-Bệ hạ sách phong Trấn Nam Vương làm Hoàng Thái Đệ, dân chúng hoan hô chúc mừng thật là náo nhiệt.

Nước Đại Lý trong những năm gần đây không có việc binh đao, triều chính sáng suốt, dân chúng an cư lạc nghiệp, dân chúng cực kỳ kính mến hoàng đế, Trấn Nam Vương, Thiện Xiển Hầu và những quan chức. Bảo Định Đế nói:

-Truyền chỉ ý của trẫm ngày mai mở hội hoa đăng, trong thành Đại Lý bãi bỏ lệnh ngăn sông cấm chợ, khao thưởng ba quân, đem rượu thịt thưởng cho những người già cả cô nhi.

Đạo chỉ ý đó truyền xuống, dân chúng trong thành Đại Lý ai nấy đều mừng rỡ. Đến tối hôm đó, Bảo Định Đế thay quần áo thường, một mình ra khỏi cung. Ông kéo sụp mũ xuống che kín lông mày chỉ hở hai con mắt. Trên đường đi đâu đâu cũng thấy trăm họ vỗ tay hát hò, thanh niên nam nữ vừa múa vừa ca. Thời đó nhân sĩ Trung Nguyên coi Đại Lý là nước man di, lễ nghi so với trung thổ hoàn toàn khác hẳn, trên đường trai gái dắt díu nhau đi chơi, cười cợt nô đùa chẳng phải để ý đến ai, cũng chẳng ai coi là chuyện lạ. Bảo Định Đế trong bụng khấn thầm: “Cầu mong cho dân chúng nước Đại Lý ta đời đời kiếp kiếp được hoan lạc như thế này”.

Ông ra khỏi thành rồi lập tức rảo bước đi thêm chừng hai mươi dặm thì lên trên một ngọn núi, càng lúc càng hoan tịch, đi vòng qua bốn thung lũng đến trước một cái miếu cổ nho nhỏ, trên đề ba chữ Niêm Hoa Tự. Phật giáo là quốc giáo của nước Đại Lý nên trong ngoài kinh thành chùa lớn cũng vài chục còn chùa nhỏ tính hàng trăm, ngôi Niêm Hoa Tự này ở nơi hẻo lánh, ít người khói hương, ngay cả người Đại Lý phần lớn cũng chẳng ai biết đến.

Bảo Định Đế đứng trước cửa chủa trầm ngâm khấn nguyện một hồi sau đó mới tiến tới nhẹ nhàng gõ vào cửa ba tiếng. Một lúc lâu sau, một chú tiểu mở cửa chùa chắp tay hỏi:

-Tôn khách quang lâm chẳng hay có chuyện gì?

Bảo Định Đế đáp:

-Xin phiền thông báo cho Hoàng Mi đại sư là có cố nhân Đoàn Chính Minh đến viếng.

Chú tiểu nói:

-Xin mời vào.

Nói xong quay mình dẫn đường cho khách. Bảo Định Đế tiến vào trong chùa, bỗng nghe hai tiếng chuông boong boong từ hậu viện truyền ra, lập tức cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, thần nhàn ý tĩnh. Hai người đạp trên những lá khô rơi trên thềm đi đến phía sau, chú tiểu nói:

-Xin tôn khách ở đây chờ một chút để tôi đi bẩm cho sư phụ biết.

Bảo Định Đế đáp:

-Được.

Ông chắp tay sau lưng đứng giữa sân nhìn lá vàng từ trên cây ngân hạnh lả tả rơi. Trong đời ông hiếm khi nào phải đứng ngoài cửa chờ người khác thế nhưng khi bước chân vào Niêm Hoa Tự này, bao nhiêu tục niệm đều tiêu tan, quên hẳn mình là chúa tể của cả một cõi trời nam.

Bỗng nghe một giọng già nua cười nói:

-Đoàn hiền đệ có chuyện gì khó khăn thế?

Bảo Định Đế quay đầu nhìn lại thấy một nhà sư già thân thể cao to, mặt đầy vết nhăn đang từ trong căn nhà nhỏ bước ra. Vị lão tăng đó có đôi lông mày dài vàng cháy, mi mao rủ xuống, chính là hòa thượng Hoàng Mi.

Bảo Định Đế chắp hai tay nói:

-Đến quấy quả việc thanh tu của đại sư.

Hoàng Mi hòa thượng mỉm cười nói:

-Xin mời vào.

Bảo Định Đế tiến vào trong căn nhà nhỏ thấy hai nhà sư trung niên đứng vái chào, biết đó là đệ tử của Hoàng Mi nên cũng giơ tay đáp lễ rồi xếp bằng ngồi xuống chiếc bồ đoàn ở phía tây, đợi cho hòa thượng Hoàng Mi ngồi ngay ngắn nơi chiếc đệm phía đông mới lên tiếng nói:

-Tôi có một đứa cháu tên là Đoàn Dự, năm lên bảy tuổi đã từng đem nó đến đây nghe sư huynh giảng kinh.

Hoàng Mi tăng mỉm cười:

-Thằng bé đó có ngộ tính khá, quả là đứa ngoan, ngoan lắm.

Bảo Định Đế nói:

-Nó nhờ được Phật pháp điểm hóa nên tính tình từ bi, không chịu học võ để khỏi sát sinh.

Hoàng Mi tăng nói:

-Không biết võ công vẫn có thể giết người, biết võ công chưa chắc đã giết người.

Bảo Định Đế đáp:

-Phải lắm!

Ông đem chuyện Đoàn Dự kiên quyết không chịu học võ, bỏ nhà trốn đi, làm sao gặp được Mộc Uyển Thanh, rồi bị Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân là thái tử Diên Khánh bắt giam trong thạch thất kể lại. Hoàng Mi tăng mỉm cười lắng tai nghe, không xen vào nửa lời còn hai đệ tử đứng sau lưng ông thõng tay hầu thầy mặt lạnh như tiền các bắp thịt trên mặt không hề rung động chút nào.

Đến khi Bảo Định Đế nói xong, Hoàng Mi tăng mới chậm rãi nói:

-Nếu như thái tử Diên Khánh là đường huynh của hiền đệ, hiền đệ không tiện động thủ với y mà sai hạ thuộc đến cứu người thì cũng không ổn.

Bảo Định Đế nói:

-Sư huynh nhận định sáng suốt lắm.

Hoàng Mi tăng nói tiếp:

-Trong các cao tăng chùa Thiên Long cũng có người võ công giỏi hơn hiền đệ nhưng bọn họ cũng đều trong họ Đoàn mà ra, không tiện tham dự tranh chấp trong nội tộc mà giúp hiền đệ thành thử không thể lên đó cầu cứu được.

Bảo Định Đế đáp:

-Chính thế!

Hoàng Mi tăng gật đầu chậm rãi đưa ngón tay giữa ra, điểm vào ngực Bảo Định Đế. Bảo Định Đế mỉm cười, đưa ngón tay trỏ điểm ngay vào đầu ngón tay giữa của ông ta, hai người đều lắc lư một cái lập tức thu chỉ về. Hoàng Mi tăng nói:

-Đoàn hiền đệ, Kim Cương chỉ của ta không thắng nổi Nhất Dương Chỉ của hiền đệ đâu.

Bảo Định Đế nói:

-Sư huynh đại trí đại tuệ, không cần phải dùng chỉ lực mà thủ thắng.

Hoàng Mi tăng cúi đầu không nói. Bảo Định Đế đứng lên nói:

-Năm năm trước đây, sư huynh bảo tiểu đệ miễn thuế muối cho dân Đại Lý, nhưng một là quốc dụng chưa đủ, hai nữa tiểu đệ định đợi cho đứa em Chính Thuần tiếp vị rồi mới thi hành nhân chính đó để dân chúng hướng về y. Thế nhưng ngay sáng mai, tiểu đệ sẽ ra lệnh bãi bỏ thuế muối.

Hoàng Mi tăng đứng bật dậy, khom lưng vái lạy, cung kính đáp:

-Hiền đệ tạo phúc cho muôn dân, lão tăng cảm kích ân đức không để đâu cho hết.

Bảo Định Đế cũng cúi xuống vái trả lễ, không nói thêm lời nào, lặng lẽ đi ra khỏi chùa. Ông về đến cung lập tức sai nội giám truyền lệnh đòi Ba Thiên Thạch vào chầu, cho y hay việc bãi bỏ thuế muối. Ba Thiên Thạch khom mình tạ ơn nói:

-Hồng ân của hoàng thượng thực là phúc của toàn dân.

Bảo Định Đế đáp:

-Mọi việc tiêu dùng trong cung nên cố giảm thiểu tiết kiệm. Nhà ngươi cùng Hoa Tư Đồ, Phạm Tư Mã bào thảo cho kỹ càng, xem những gì mình có thể cắt xén được.

Ba Thiên Thạch tuân lệnh, từ biệt ra khỏi cung lập tức hẹn với Tư Đồ Hoa Hách Cấn cùng đến phủ Tư Mã Phạm Hoa thông báo việc bãi bỏ thuế muối, còn việc Đoàn Dự bị bắt cóc thì Ba Thiên Thạch đã nói cho hai người biết rồi. Phạm Hoa trầm ngâm rồi nói:

-Trấn Nam thế tử bị rơi vào tay kẻ gian, hoàng thượng hạ chỉ miễn trừ thuế muối chắc là để cầu trời thương xót phù hộ cho thế tử được trở về bình an. Bọn thần tử chúng ta nếu chẳng chia xẻ cái nỗi lo của đấng chí tôn thì còn mặt mũi nào đứng ở trong triều?

Ba Thiên Thạch nói:

-Chính thế, nhị ca có diệu kế gì có thể cứu được thế tử chăng?

Phạm Hoa đáp:

-Nếu như đối thủ là thái tử Diên Khánh, hoàng thượng thật không muốn chính diện coi y là thù địch. Ta có một cách này nhưng có điều phải làm phiền đến đại ca thôi.

Hoa Tư Đồ vội hỏi:

-Cái gì mà phải làm phiền? Nhị đệ mau mau nói ra.

Phạm Hoa đáp:

-Hoàng thượng nói rằng võ công của Diên Khánh thái tử còn hơn ngài một bậc, nếu như mình tới xông vào cứu thì không thể nào làm được. Đại ca, nghề cũ của đại ca hai mươi năm trước nay thử lại một lần được chăng?

Khuôn mặt rám nắng của Hoa Tư Đồ hơi đỏ lên, cười nói:

-Nhị đệ lại trêu ta nữa rồi.

Quan Tư Đồ Hoa Hách Cấn vốn tên là A Căn, xuất thân nghèo hèn, nay làm tới chức Tam Công ở Đại Lý nhưng khi chưa thành đạt thì làm nghề đào mả trộm kiếm ăn, chuyên đi đào mồ những vương công cự phú. Những người giàu có sau khi chết thường chôn theo những đồ vật quí giá, Hoa A Căn từ xa đào hầm thông vào phần mộ để lấy bảo vật. Tuy làm thế mất nhiều công thật nhưng vì thế không ai phát giác. Một hôm y đào trúng một mộ phần trong quan tài có võ công bí cấp chôn theo, theo đó mà tu luyện thành một môn ngoại công trác tuyệt mới bỏ cái nghề hạ tiện này, quay sang phò tá Bảo Định Đế, lập được nhiều công lao thăng lên đến chức Tư Đồ.

Khi làm quan rồi ông thấy tên cũ khó nghe, đổi thành Hách Cấn, ngoại trừ Ba Thiên Thạch và Phạm Hoa là hai người sinh tử chi giao, rất ít người biết rõ thân phận của ông. Phạm Hoa đáp:

-Tiểu đệ nào có dám đùa cợt đại ca? Tiểu đệ nghĩ bọn mình lẻn vào trong Vạn Kiếp Cốc, đào một đường hầm thông vào trong thạch thất giam Trấn Nam thế tử, lẳng lặng cứu y ra thì không ai có thể nào biết được.

Hoa Hách Cấn vỗ đùi reo lên:

-Hay lắm! Hay lắm!

Cái nghề đào mả trộm của y thật là tài trời cho, hơn hai mươi năm qua không còn dùng để mưu sinh nữa nhưng thỉnh thoảng nghĩ đến không khỏi ngứa ngáy chân tay, có điều thân đang giữ chức vụ cao, cực điểm phú quí, lại đi đào mả trộm thì còn ra thể thống gì nữa? Bây giờ nghe Phạm Hoa đề cập đến trong bụng mừng thầm.

Phạm Hoa cười nói:

-Đại ca đừng mừng vội, bên trong còn nhiều chuyện khó khăn. Tứ Đại Ác Nhân đều ở trong Vạn Kiếp Cốc, vợ chồng Chung Vạn Cừu và Tu La Đao cũng là những nhân vật cực kỳ lợi hại, muốn tránh không để họ biết thực không phải dễ. Hơn nữa, gã thái tử Diên Khánh kia ngồi canh ngoài thạch thất, đào hầm dưới chân y làm sao không để y phát giác được?

Hoa Hách Cấn trầm ngâm một hồi mới nói:

-Thế thì phải đào từ sau thạch thất mà vào để tránh chỗ của thái tử Diên Khánh.

Ba Thiên Thạch nói:

-Trấn Nam thế tử thời khắc nào cũng đều gặp phải hiểm nguy, chúng ta đào hầm e rằng công trình không phải nhỏ sợ không kịp chăng?

Hoa Hách Cấn đáp:

-Thế thì cả ba anh em mình cùng làm, hai vị hiền đệ chịu khó học ta cái nghề đào mồ ăn trộm vậy.

Ba Thiên Thạch cười nói:

-Chúng ta làm đến Tam Công nước Đại Lý, nhưng sự bất đắc dĩ vì nghĩa mà phải làm cái việc đào mồ trộm mả đấy thôi.

Cả ba cùng vỗ tay cười ha hả. Hoa Hách Cấn nói:

-Việc không nên chậm trễ, nói là làm liền đi.

Nói xong Ba Thiên Thạch vẽ đồ hình trong Vạn Kiếp Cốc, Hoa Hách Cấn tính toán cửa hầm và đường đi, làm cách nào để tránh tai mắt người ngoài, làm thế nào chuyên chở được đất cát đem đi đổ mọi việc y đều tinh thông không ai sánh kịp.

* * *

Trong một ngày một đêm qua, Đoàn Dự mỗi khi thấy trong người bứt rứt liền thi triển thân pháp Lăng Ba Vi Bộ ở trong thạch thất đi qua đi lại, chỉ cần một hai vòng là thấy dịu hẳn xuống. Thế nhưng Mộc Uyển Thanh thì người phát sốt, thần trí mơ hồ, phần lớn thời gian chỉ tựa lưng vào tường đá mà ngủ mê mệt.

Hôm sau vào khoảng giữa trưa, Đoàn Dự lại đi rảo bước trong căn phòng bỗng nghe bên ngoài thạch thất có tiếng người già cả ngâm:

Dọc ngang mười chín vạch,

Biết bao người mê say.

Cư sĩ nếu có thanh hứng, cùng với lão tăng đánh chơi một ván được chăng?

Đoàn Dự trong bụng lạ lùng vội vàng đi chậm lại, đi thêm mươi bước nữa rồi ngừng hẳn, ghé mắt nhìn qua cái lỗ hổng vẫn dùng để đưa cơm nhìn ra ngoài.

Chỉ thấy một nhà sư già mặt mũi nhăn nheo, lông mày vàng hoe, tay trái cầm một cái mõ to bằng miệng bát, tay phải cầm một chiếc dùi đen nhánh, gõ lên cái mõ mấy tiếng cốc cốc cốc, nghe âm thanh thì ra cái dùi đó đúc bằng sắt. Ông ta vừa niệm: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật!” vừa cúi xuống phiến đá xanh ngay trước căn nhà đá dùng dùi mõ vạch, nghe xạo xạo, bột đá bay tung tóe đã vạch thành một đường thẳng.

Đoàn Dự thấy lạ lùng, khuôn mặt vị lão tăng này chàng dường như có gặp ở đâu rồi, kình lực bàn tay ông ta mạnh thật, chỉ tiện tay vạch lên mà trên nền đá thành một hằn sâu chẳng khác gì đục bằng dùi sắt của người thợ tiện, chiếc dùi mõ chỉ chầm chậm vạch qua thành một đường thẳng tắp còn người thợ nếu muốn đục được thẳng như thể không thể không vạch trước bằng mực đen.

Trước căn nhà đá một giọng nói uất nghẹn vang lên:

-Kim Cương chỉ lực, công phu giỏi lắm.

Chính là tiếng của người áo xanh Ác Quán Mãn Doanh. Thiết trượng của y liền thò ra vạch một đường ngang thẳng góc với đường của Hoàng Mi tăng, cũng ăn sâu vào đá thẳng băng. Hoàng Mi tăng cười nói:

-Thí chủ bằng lòng tứ giáo, hay lắm, hay lắm!

Ông ta liền đưa dùi lên vẽ thêm một đường thẳng nữa, người áo xanh liền vẽ một đường ngang. Cứ như thế bên này khắc một đường, bên kia khắc một đường, hai người ngưng tụ công lực, chùy trượng càng vẽ càng chậm dần để cho đường mình vẽ không có chỗ nông chỗ sâu hay cong vẹo thì thua đối phương hay sao.

Độ chừng ăn xong một bữa cơm, một bàn cờ dọc ngang mười chín đường đã ngay ngắn khắc xong, Hoàng Mi tăng nghĩ thầm: “Chính Minh hiền đệ nói không sai, gã thái tử Diên Khánh này nội lực quả là cao cường”. Thái tử Diên Khánh không phải như Hoàng Mi tăng đã chuẩn bị rồi mới đến nên trong bụng cũng hãi thầm: “Ở đâu lại nhảy ra một lão hòa thượng lợi hại đến thế này? Hẳn là Đoàn Chính Minh mời đến tiếp tay. Gã hòa thượng này cầm chân ta để cho Đoàn Chính Minh thừa cơ vào cứu Đoàn Dự, ta đâu có cách nào phân thân ra đối địch được”.

Hoàng Mi tăng nói:

-Đoàn thí chủ công lực cao thâm, bội phục, bội phục. Kỳ lực của thí chủ ắt cũng phải gấp mười lão tăng, lão tăng muốn thí chủ nhường cho bốn quân.

Người áo xanh ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Chỉ lực của ngươi ghê gớm như thế hẳn là thân phận cao nhân. Ngươi đến thách ta đấu vừa mở miệng lại đòi nhường là sao?”. Y bèn nói:

-Đại sư việc gì phải khiêm tốn quá như thế! Nếu muốn hơn thua thì phải đánh ngang tay chứ.

Hoàng Mi tăng đáp:

-Bốn quân không nhường được hay sao?

Người áo xanh thản nhiên đáp:

-Nếu đại sư tự biết kỳ thế không bằng thì còn tỉ đấu làm gì nữa.

Hoàng Mi tăng khẩn khoản:

-Thế thì ba quân được chăng?

Người áo xanh đáp:

-Chỉ nhường đi trước cũng đã là quá rồi.

Hoàng Mi tăng cười ha hả nói:

-Hóa ra tài đánh cờ của ông cũng chẳng đến đâu, thôi thì để ta chấp ông ba quân vậy.

Người áo xanh đáp:

-Không cần phải thế, cứ đấu ngang tay mỗi người đi trước một lần là được rồi.

Hoàng Mi tăng càng thêm ngại ngùng nghĩ thầm: “Người này không kiêu căng mà cũng không nóng nảy, quả là kình địch, dù ta có khích cách nào cũng vẫn điềm tĩnh như không”.

Thì ra Hoàng Mi tăng không có cách nào chắc ăn, biết người thích cờ thường hiếu thắng, mình mở miệng xin y chấp ba quân, bốn quân thường là đối phương bằng lòng, nhưng người này tính tình khác hẳn, không coi cái hư danh đó vào đâu, nếu như thái tử Diên Khánh tự phụ là mình cao cờ bằng lòng chấp quân thì mình thật là lợi thế, đấu cờ phần thắng sẽ nhiều hơn. Ngờ đâu thái tử Diên Khánh không chịp chấp quân mà cũng chẳng để ai nhường mình, không sơ hở chút nào, cực kỳ nghiêm cẩn.

Hoàng Mi tăng nói:

-Được rồi, ngươi là chủ, ta là khách, vậy ta đi trước.

Người áo xanh nói:

-Không được, rồng mạnh không đè nổi rắn đất, để ta đi trước.

Hoàng Mi tăng đáp:

-Thôi thế thì đánh đố để định xem ai đi trước. Vậy ngươi đoán thử lão tăng năm nay bao nhiêu tuổi, chẵn hay lẻ? Đoán trúng thì ngươi đi trước; còn đoán sai thì lão tăng đi trước.

Người áo xanh nói:

-Ta có đoán trúng chăng nữa ông cũng giở thói bài bây.

Hoàng Mi tăng nói:

-Được rồi, thế này thì ngươi đoán lão tăng không có thể chây được. Ngươi đoán thử sau năm bảy mươi tuổi, số ngón chân lão tăng hai bên tổng cộng là số chẵn hay số lẻ?

Câu đố dó quả thật quái lạ, người áo xanh nghĩ thầm: “Người bình thường có mười ngón chân, dĩ nhiên là chẵn rồi. Y nói rõ là sau năm bảy mươi tuổi chắc là để cho ta tưởng rằng sau năm bảy mươi tuổi y mất đi một ngón chứ gì? Binh pháp có nói là: Thực ấy là hư mà hư ấy là thực. Y còn đủ mười ngón chân nhưng cố tình giở trò đánh lạc hướng, ta đâu có trúng kế lão?”. Y bèn nói:

-Số chẵn.

Hoàng Mi tăng đáp:

-Sai rồi, số lẻ.

Người áo xanh nói:

-Cởi giày ra xem nào!

Hoàng Mi tăng cởi giày vớ bên chân trái ra thấy đầy đủ năm ngón không thiếu ngón nào. Người áo xanh chăm chăm nhìn mặt đối phương thấy ông ta miệng mỉm cười, thần tình trấn tĩnh nghĩ thầm: “Thì ra chân phải y chỉ có bốn ngón”. Lại thấy nhà sư từ từ cởi giày vải chân phải ra, giơ tay cởi vớ đang định nói: “Thôi khỏi cần kiểm chứng, ông đi trước đi” thì lại chợt nghĩ: “Không thể mắc hỡm y”.

Hoàng Mi tăng lại cởi nốt vớ chân phải, chân phải cũng đầy đủ năm ngón, có tàn khuyết gì đâu?

Trong giây phút đó bao nhiêu ý nghĩa hiện ra trong đầu người áo xanh, không biết đối phương có ý định gì. Chỉ thấy nhà sư già giơ chiếc dùi sắt lên đánh mạnh xuống, nghe cách một tiếng chặt gãy luôn ngón chân út của mình. Hai người đệ tử đứng sau lưng thấy sư phụ tự hủy hoại thân thể, máu chảy vọt ra nhịn không nổi kêu “Ối” lên một tiếng. Đại đệ tử Phá Nghi vội lấy thuốc kim sang trong bọc ra rịt cho thầy, xé một mảnh tay áo băng lại.

Hoàng Mi tăng cười nói:

-Lão tăng năm nay sáu mươi chín tuổi, đến khi bảy mươi thì ngón chân ta là số lẻ.

Người áo xanh đáp:

-Quả đúng thế, đại sư đi trước đi.

Y có cái tên là Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân, bao nhiêu chuyện hung ác tàn bạo đã từng thấy cả rồi thì việc chặt đứt một ngón chân có đáng gì đâu nhưng nghĩ thầm nhà sư này chỉ vì muốn tranh tiên một nước mà đã ra tay như thế đủ biết ông ta nhất định phải thắng ván cờ này, một khi mình thua thì những điều kiện ông ta đưa ra sẽ thật là gay go.

Hoàng Mi tăng nói:

-Xin phép.

Ông ta cầm cái dùi lên khắc xuống điểm tứ tứ ở hai góc đối diện mỗi bên một cái vòng tròn nhỏ thế là coi như đã đi hai quân cờ trắng. Người áo xanh giơ cây gậy sắt ra ấn vào hai bên cạnh hai điểm tứ tứ còn lại mỗi bên một cái, lập tức nền đá xanh lõm xuống hai lỗ tức là đi hai quân đen. Cả bốn góc điểm tứ tứ đều có quân đen trắng thì gọi là “thế tử” là một phép đánh cổ của vi kỳ Trung Quốc, trắng đi trước đen đi sau ngược lại với phép đánh sau này của hậu thế.

Hoàng Mi tăng kế đến đặt tại Bình Vị lục tam một quân, người áo xanh bèn đi một nước nơi chỗ cửu tam. Lúc đầu hai người đi rất nhanh, nhà sư không tỏ ra kém sút chút nào, quả có mất một ngón chân để đi trước một nước kể cũng đáng.

Đi đến nước thứ mười bảy mười tám, hai bên cáng lúc càng gay go, tranh nhau thật kịch liệt, kình lực trên tay cũng mỗi lúc một tiêu hao, một mặt suy nghĩ mong thắng, một mặt vận khí tăng gia kình lực thành thử càng lúc càng chậm.

Người đệ tử thứ hai của Hoàng Mi tăng Phá Sân cũng là một tay cờ khá thấy sư phụ dùng đoản binh đấu với người áo xanh hai bên toàn những thế kỳ lạ không khỏi bội phục ngầm. Đi đến nước thứ hai mươi bốn, người áo xanh đột nhiên tung ra kỳ binh, bàn cờ đột nhiên biến đổi nếu như nhà sư không đối phó kịp thì góc bên phải thể nào cũng nguy còn như nếu cố giữ thì lợi thế đi trước không còn nữa.

Hoàng Mi tăng suy nghĩ một hồi lâu chưa biết phải làm thế nào bỗng nghe từ bên trong thạch thất có tiếng truyền ra:

-Tấn công vào Khứ Vị thì không bị mất thế đi trước.

Thì ra Đoàn Dự từ bé đã ham đánh cờ lúc này thấy hai bên đến chỗ gay go nên buột miệng “gà” cho Hoàng Mi tăng. Người đời thường nói: “Cờ ngoài bài trong”, người đứng xem thường sáng nước hơn người đang đánh, kỳ lực của Đoàn Dự vốn đã cao hơn Hoàng Mi tăng lại đứng ngoài nên nghĩ ngay ra được những nước lạ. Hoàng Mi tăng đáp:

-Lão tăng vốn cũng đã có ý đó rồi nhưng chưa đặt xuống được, thí chủ nói thế khiến giải quyết được nghi nan trong lòng.

Bèn đặt nơi Khứ Vị ngay chỗ thất tam một quân. Trong phép đánh cờ ngày xưa của Trung Quốc, Bình Thượng Khứ Nhập là bốn chỗ, Khứ Vị ở góc trên bên phải.

Người áo xanh lạnh lùng đọc:

Đứng ngoài chẳng nói là quân tử,

Tự mình suy tính mới trượng phu.

Đoàn Dự kêu lên:

-Ngươi đem ta nhốt ở nơi đây mà còn dám nói gì chân quân tử hay chăng?

Hoàng Mi tăng mỉm cười:

-Ta là đại hòa thượng chứ nào phải đại trượng phu đâu?

Người áo xanh cười khẩy:

-Vô sỉ thật, vô sỉ thật.

Y suy nghĩ một hồi rồi cũng đi một quân nơi Khứ Vị. Đi được thêm mấy nước, nhà sư già lại gặp thế bí, Phá Sân hòa thượng nóng ruột không nghe Đoàn Dự nhắc gì vội chạy lại trước thạch thất hỏi:

-Nước cờ này phải đi thế nào đây?

Đoàn Dự đáp:

-Ta đã tính ra đến bảy nước rồi nhưng nếu nói ra e rằng kẻ địch nghe được thì không còn hiệu nghiệm nữa thành thử cứ ngần ngừ không muốn nhắc.

Phá Sân giơ bàn tay ra, tay trái viết lên hai chữ:

-Xin viết ra.

Nói xong đưa bàn tai vào trong cái khe, miệng nói:

-Nếu đã thế thì thôi đành chịu vậy.

Y biết người áo xanh nội công thâm hậu dù cho Đoàn Dự có ghé tai nói nhỏ cũng có thể bị y nghe được. Đoàn Dự thấy kế này hay lắm, liều đưa ngón tay viết vào bàn tay y bảy nước đi nói:

-Tôn sư kỳ lực cao minh ắt sẽ có nước hay, chẳng cần tại hạ chỉ điểm.

Phá Sân suy nghĩ một chút thấy bảy nước cờ đó quả thật là cao nên quay trở lại bên sư phụ, đưa tay viết lên lưng ông. Tăng bào của y che hết bàn tay, nên người áo xanh không sao nhìn thấy y giở trò láu cá. Hoàng Mi tăng ngẫm nghĩ một hồi rồi cứ theo đúng thế mà đi.

Người áo xanh hừ một tiếng nói:

-Cái này là có người ngoài mách nước, cứ như sức cờ của đại sư xem ra không thể tới mức này được.

Nhà sư cười:

-Đánh cờ chẳng qua là trò đấu trí, trong cái giả có cái thật, người giỏi thì làm như không giỏi. Nếu như kỳ lực của lão tăng thí chủ biết hết cả rồi thì còn đánh cờ làm gì?

Người áo xanh đáp:

-Chơi trò giảo hoạt ném đá dấu tay.

Y thấy Phá Sân hòa thượng chạy qua chạy lại, lại dấu tay ở sau lưng nhà sư già, ắt hẳn có điều gì quái đản nhưng vì chú tâm đánh cờ thành ra chuyện chung quanh không nhìn rõ được.

Hoàng Mi tăng theo đúng lời Đoàn Dự chỉ, cứ thế mà đi đủ bảy nước. Sáu nước sau không cần phải suy nghĩ gì cả, chỉ chuyên chú vận công nên những cái lỗ do dùi đục vào đá xanh vừa sâu vừa tròn, đủ biết thần khí đầy đủ, nội lực dạt dào không dứt.

Người áo xanh thấy những nước cờ càng sau càng ghê gớm, nước nào cũng phải suy nghĩ cách chống đỡ nên nét đục của thiết trượng nông sâu không đều. Đến khi Hoàng Mi tăng đi xong nước thứ sáu rồi, người áo xanh xuất thần suy nghĩ một hồi đột nhiên đặt một quân vào Nhập Vị.

Quân cờ đó đi thật bất ngờ không liên quan gì đến lối tính toán của Đoàn Dự, Hoàng Mi tăng ngạc nhiên nghĩ thầm: “Bảy nước cờ của Đoàn công tử thật là tinh vi đi đến nước thứ bảy thì ta từ đi trước một nước đã thành hơn tới hai nước. Thế nhưng vào tình thế này thì ta không đi nước này được nữa rồi, chẳng hóa ra bao nhiêu nước trước thành công cốc hay sao?”. Thì ra người áo xanh thấy tình hình bất lợi ứng phó cách nào xem ra cũng không xong thành ra không thèm lý đến nữa nên bỏ luôn thế thủ tiến lên công ngay một quân, cái đó chính là “lấy cái không để chống với cái có” quả thực là một nước lợi hại.

Hoàng Mi tăng nhíu mày không nghĩ ra được cách nào cho ổn. Phá Sân thấy thế cờ đột nhiên biến đổi khiến sư phụ bị lâm vào thế bí vội chạy lại thạch thất. Đoàn Dự cũng đã nghĩ chín liền viết cho y sáu nước cờ rõ ràng từng nước một. Phá Sân chạy lại chỗ Hoàng Mi tăng đưa tay viết lên lưng sư phụ. Người áo xanh đã nổi danh là Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân lẽ nào lại dung cho y liên tiếp phá bĩnh mình? Thiết trượng từ tay trái liền tung ra hư điểm vào vai Phá Sân, quát lên:

-Đứa hậu sinh kia, mau đứng lại!

Thiết trượng điểm ra phát xuất tiếng vù vù. Hoàng Mi tăng thấy thế biết là đệ tử mình không sao chống đỡ nổi, thể nào cũng trọng thương lập tức giơ tả chưởng chộp vào đầu trượng. Đầu trượng của người áo xanh liền rung động điểm luôn vào huyệt đạo dưới vú nhà sư. Hoàng Mi tăng biết trảo thành cương đao chém xuống đầu gậy, thiết trượng liền biến chiêu. Chỉ trong khoảnh khắc hai người đã trao đổi bảy tám thức.

Hoàng Mi tăng nhận thấy cánh tay mình ngắn còn thiết trượng của địch dài, nếu tiếp tục hóa ra chỉ thủ mà không công, chỉ thua chứ không có đường thắng nên vừa thấy trượng điểm tới liền tung ra một chỉ nhắm ngay đầu trượng đâm vào. Người áo xanh không rút về tránh, đầu trượng và ngón tay đụng nhau, hai người cùng dùng nội lực để đấu, lập tức cả hai bên đều đứng sững lại.

Người áo xanh nói:

-Đại sư nước cờ kia nhùng nhằng không đi, bàn cờ này chịu thua rồi phải không?

Hoàng Mi tăng cười ha hả nói:

-Các hạ là tiền bối cao nhân, sao lại ra tay đánh trộm đệ tử của ta? Như thế có mất thân phận lắm chăng?

Tay phải cầm chiếu dùi sắt khắc một vòng tròn nhỏ dưới phiến đá. Người áo xanh cũng không nghĩ ngợi, tiện tay cũng đặt một quân. Từ đó trở đi, hai người tay thì vận nội lực không cách nào có thể lơi được, nhưng thế cờ mỗi lúc một gay go, hai bên tranh giành từng chút một.

Năm năm trước đây, Hoàng Mi tăng vì bách tính nước Đại Lý cầu xin Bảo Định Đế bãi bỏ thuế muối, đến tận bây giờ nhà vua mới bằng lòng, hai người hiểu ý nhau nên ông nhất định ra tay cứu Đoàn Dự. Hoàng Mi tăng nghĩ thầm: “Ta dẫu có bỏ mạng cũng không thành vấn đề, nhưng nếu không cứu được Đoàn Dự ra thì còn ra gì với Chính Minh hiền đệ nữa?”.

Kẻ tu tập võ học nội công cần nhất là không được có một chút tạp niệm nào, cái đó gọi là “phản chiếu không minh, vật ngã lưỡng vong ” nhưng đánh cờ thì lại luôn luôn muốn hơn người một bước, trên bàn cờ ba trăm sáu mươi mốt điểm, điểm nào cũng phải nghĩ tới, quả đúng là đến một sợi tóc cũng không thể bỏ qua thì mới tính toán cho đến nơi đến chốn được.

Hai món đó gần như tương phản chống chỏi lẫn nhau. Hoàng Mi tăng công phu thiền định tuy cao thâm, nước cờ lại không cao bằng đối phương, chú tâm vào việc vận nội lực kháng địch thì lại sao nhãng nước cờ, còn như tập trung nghĩ nước cờ thì nội lực lại giảm đi trở thành núng thế, thấy cục diện hôm nay hung hiểm lạ thường nên quyết tâm lấy cái chết báo đền người tri kỷ nên không còn nghĩ gì đến việc an nguy của mình nữa. Cổ nhân có nói: “quân đang nguy ngập thì dễ thắng”, thế nhưng Hoàng Mi tăng lúc này nguy thì có nguy còn chuyện tất thắng thì chưa thấy đâu cả.

* * *

Tam Công nước Đại Lý là Tư Đồ Hoa Hách Cấn, Tư Mã Phạm Hoa và Tư Không Ba Thiên Thạch tất lãnh ba chục thuộc hạ biết võ công, đem gỗ, xẻng, đèn treo các món tiến vào khu rừng rậm trong Vạn Kiếp Cốc, chọn địa thế rồi đào đường hầm vào. Ba mươi ba người đào cả đêm đã được một con đường hầm dài đến vài chục trượng. Qua hôm sau lại đào thêm nửa ngày nữa đến xế trưa, tính toán ra không còn cách thạch thất bao xa. Hoa Hách Cấn bảo bộ thuộc lui lại phía sau để chuyển đất, chỉ còn ba người thay phiên đào. Ba người biết rằng thái tử Diên Khánh võ công rất cao cường nên khi đào chỉ nhè nhẹ ấn xẻng xuống không dám để phát ra chút thanh âm nào. Chính vì thế mà tiến triển rất chậm. Ba người có biết đâu lúc này người áo xanh đang hết sức chú tâm đánh cờ với Hoàng Mi tăng, lại đấu nội lực làm gì còn để ý đến âm thanh dưới đất.

Đào đến khoảng giờ Thân, tính ra đã đến nơi thạch thất Đoàn Dự đang bị cầm tù. Nơi này và nơi Diên Khánh đang ngồi cách nhau chỉ độ một trượng nên lại càng hết sức cẩn thận không để lộ chút thanh âm nào. Hoa Hách Cấn bỏ xẻng xuống, dùng mười ngón tay moi đất, thi triển Hổ Trảo Công, mười ngón tay chẳng khác nào mười cái móng sắt, móc lên từng tảng đất lớn. Phạm Hoa và Ba Thiên Thạch hai người ở sau chuyền những tảng đất y đào ra ngoài. Lúc này Hoa Hách Cấn không còn đào ngang nữa mà đã đào dọc từ dưới lên trên. Công trình đã gần xong, chỉ giây lát là biết có cứu được Đoàn Dự không, ba người không khỏi tim đập thình thịch.

Việc đào đất từ dưới lên tốn chẳng bao nhiêu công sức, đất vừa gỡ ra là rơi ngay xuống, Hoa Hách Cấn đã đứng thẳng lên được rồi ra tay càng nhanh nhẹn, cứ đào một lát lại lắng tai nghe ngóng xem bên trên có tiếng gì không. Đào như thế chừng tàn hai nén hương, xem ra chỉ còn cách mặt đất chừng một thước, Hoa Hách Cấn tay liềm chậm lại, nhẹ nhàng gạt đất ra sau cùng đụng phải một phản gỗ, trong bụng mừng thầm: “Dưới sàn thạch thất có lát ván xem ra càng tiện cho mình”.

Y tập trung sức vào ngón tay, vạch vào tấm phản một hình vuông mỗi bề chừng hai thước, tay giữ tấm ván vừa buông ra một miếng gỗ vuông lập tức rơi xuống thành một cái miệng hầm đủ cho một người chui lọt. Hoa Hách Cấn đưa cái xẻng lên múa múa một vòng để phòng có người đột kích, bỗng nghe có tiếng đàn bà hoảng hốt kêu “A” lên. Hoa Hách Cấn nói nhỏ:

-Mộc cô nương chớ kêu, đây là phe bạn đến cứu hai người đây.

Y tung mình vọt từ dưới hầm lên. Vừa đưa mắt nhìn quanh thì lại càng hoảng hơn, nơi đây nào có phải thạch thất đâu mà là một căn phòng sạch sẽ đồ đạc tươm tất, đầy những kệ để đủ các loại bình lớn bé, một thiếu nữ mặt mày kinh hoàng, nép vào một góc.

Thạch thất kia toàn do Bảo Định Đế nói cho Ba Thiên Thạch nghe, Ba Thiên Thạch nói lại cho y nghe, y sợ mưu kế bại lộ nên đâu có dám đến tận nơi quan sát. Thành thử Hoa Hách Cấn tính toán sai, cái sai một li kia tuy không phải đi một dặm nhưng cũng không đúng chỗ.

Nơi y đào đến đúng ngay nhà Chung Vạn Cừu, thiếu nữ kia là Chung Linh, nàng đang ở trong phòng phụ thân lục lọi tìm giải dược để đi cứu Đoàn Dự, ngờ đâu từ dưới đất lại có một người đàn ông chui lên làm sao nàng không khỏi sợ đến mất cả hồn vía?

Ý nghĩ của Hoa Hách Cấn hiện ra thật nhanh: “Hóa ra mình đào lầm chỗ rồi, phải đào đường khác. Có điều tung tích đã lộ, nếu giết cô gái này để diệt khẩu, ngươi trong Vạn Kiếp Cốc thấy xác cô ta, lập tức sẽ tra xét mọi nơi, mình đào chưa tới thạch thất thì địa đạo này đã bị phát giác. Thôi đành tạm thời bắt cô ta xuống dưới hầm, nếu người nào đi tìm ắt sẽ ra ngoài sơn cốc”.

Ngay lúc đó bỗng nghe thấy phòng ngoài có tiếng chân người đi đến. Hoa Hách Cấn đưa tay xua xua Chung Linh ý bảo cô ta không được lên tiếng, xoay người lại chân trái thò vào miệng hầm, tưởng chừng như định chui trở xuống, đột nhiên lật người nhảy vọt lên, tay trái đưa ra bịt ngay miệng cô gái, tay phải vòng ra ôm ngay lưng cô ta kéo lại gần cửa hầm tống xuống bên dưới. Phạm Hoa giơ tay đỡ lấy, bốc ngay một nắm đất nhét vào mồm Chung Linh. Hoa Hách Cấn nhảy trở vào hầm, cầm miếng gỗ vừa cắt ra để trở lại chỗ cũ rồi ghé tai vào khe nghe ngóng tiếng động bên trên.

Chỉ thấy hai người đi vào trong phòng, có tiếng đàn ông nói:

-Hẳn là nàng đối với y “tình cũ nghĩa xưa” vẫn còn nên khi ta muốn cho họ Đoàn bại hoại thanh danh mới hết sức ngăn trở chứ gì?

Có tiếng đàn bà giận dữ đáp:

-Cái gì mà tình cũ nghĩa xưa? Ta đối với y nào có tình ý gì đâu?

Tiếng đàn ông nói:

-Thế thì hay lắm. Hay lắm!

Trong giọng nói đầy vẻ vui mừng. Người đàn bà nói:

-Có điều Mộc cô nương là con của sư tỉ ta, cũng là người bên mình, sao ông lại giở trò làm khó nàng ta như thế là sao?

Hoa Hách Cấn nghe đến đây, biết ngay đây là vợ chồng Chung cốc chủ, thấy họ bàn cãi với nhau có liên quan đến Đoàn Dự vội lắng tai nghe. Chung Vạn Cừu nói:

-Sư tỉ nàng toan len lén đến thả Đoàn Dự ra, may có Diệp Nhị Nương phát giác thành ra sư tỉ nàng bây giờ là kẻ địch của chúng ta, nàng còn lo cho con gái mụ ta làm gì? Phu nhân, khách tại đại sảnh toàn là những nhân vật thành danh trong võ lâm nước Đại Lý sao nàng chẳng coi ai ra gì, chỉ lườm họ một cái rồi bỏ xuống đây, chẳng … chẳng hóa ra mình … thiếu lễ độ quá hay sao?

Chung phu nhân hậm hực đáp:

-Ông mời bọn đó tới đây để làm gì? Những người đó với mình chẳng có giao tình gì lắm, liệu bọn họ có dám đắc tội với đương kim hoàng đế nước Đại Lý không?

Chung Vạn Cừu đáp:

-Ta nào có mời họ đến để tiếp tay đâu, nào có phải muốn họ chống đối tạo phản Đoàn Chính Minh? Cũng may là bọn họ đều ở trong thành Đại Lý nên ta tiện thể mời đến uống rượu, để cho mọi người làm chứng tận mắt thấy rõ con trai và con gái Đoàn Chính Thuần ở chung một phòng, dâm uế loạn luân chẳng khác gì loài cầm thú. Hôm nay những tân khách mình mời đến có cả mấy hào kiệt từ Trung Nguyên phương bắc. Sáng sớm mai bọn ta sẽ mở cửa thạch thất cho tất cả mọi người nhìn rõ ràng đức tính của truyền nhân Nhất Dương Chỉ họ Đoàn như thế nào, có phải thú vị lắm không? Thế có phải truyền khắp giang hồ hay sao?

Nói xong y cười sằng sặc ra chiều đắc ý lắm. Chung phu nhân hừ một tiếng nói:

-Hèn hạ, hèn hạ! Vô liêm sỉ, vô liêm sỉ!

Chung Vạn Cừu nói:

-Nàng chửi ai là hèn hạ vô liêm sỉ vậy?

Chung phu nhân đáp:

-Kẻ nào làm những việc hèn hạ vô liêm sỉ thì là đồ hèn hạ vô liêm sỉ, cần gì phải chửi đích danh những người đó.

Chung Vạn Cừu nói:

-Đúng rồi, tên ác đồ Đoàn Chính Thuần tính tình trăng gió tạo nhiều oan nghiệt, để đến nỗi con ruột mình với con gái gian dâm, thật quả là đồ hèn hạ vô liêm sỉ hết nước nói.

Chung phu nhân cười khẩy hai tiếng, không trả lời. Chung Vạn Cừu nói:

-Sao nàng lại cười khẩy? Thế không phải nàng chửi Đoàn Chính Thuần là hèn hạ vô liêm sỉ hay sao?

Chung phu nhân lại cười khẩy nói:

-Mình đánh không lại họ Đoàn, cả đời chui rúc ở trong sơn cốc không dám thò đầu ra thì cũng còn được, ấy gọi là biết xấu hổ cũng đã gần được đức dũng , cũng khá gọi là làm người. Ngờ đâu lại đi dùng thủ đoạn dàn dựng con trai con gái người ta, thiên hạ anh hùng cười đâu có cười y mà sẽ cười Chung Vạn Cừu.

Chung Vạn Cừu nhảy nhổm lên, giận dữ hỏi lại:

-Nàng … nàng chửi ta là hèn hạ vô liêm sỉ chăng?

Chung phu nhân chảy nước mắt, nghẹn ngào đáp:

-Có ngờ đâu tôi lấy được ông chồng, gửi gấm chuyện trăm năm, lại là … lại là một người như thế. Sao … sao tôi khổ thế này?

Chung Vạn Cừu vừa thấy vợ khóc liền cuống quít chân tay nói:

-Được rồi, được rồi! Nàng muốn chửi ta thì cứ chửi cho thỏa thích.

Y đi qua đi lại trong phòng, tính nói vài câu xin lỗi vợ nhưng nhất thời không nghĩ ra cách nào, chỉ nói:

-Cái đó có phải chủ ý ta đâu! Đoàn Dự là do Nam Hải Ngạc Thần đem về, Mộc Uyển Thanh thì do Ác Quán Mãn Doanh bắt giữ, còn Âm Dương Hòa Hợp Tán cũng nào phải của ta? Ta làm gì có loại dược vật hèn hạ xấu xa đó?

Lúc này y chỉ nghĩ được chuyện đổ trách nhiệm qua người khác, Chung phu nhân cười khẩy:

-Nếu như ông biết được thế là hèn hạ xấu xa thì cũng tốt rồi. Nếu quả ông không tán thành chủ ý đó sao không thả Mộc Uyển Thanh ra đi?

Chung Vạn Cừu nói:

-Đâu có được, đâu có được. Nếu thả Mộc Uyển Thanh ra, một mình tên tiểu quỉ Đoàn Dự thì còn có làm được cái trò gì nữa?

Chung phu nhân cười gằn:

-Được rồi, ông đã hèn hạ vô liêm sỉ, tôi cũng sẽ làm trò hèn hạ vô liêm sỉ cho ông thấy.

Chung Vạn Cừu kinh hãi quá vội hỏi rối rít:

-Nàng … nàng … nàng làm cái trò gì thế?

Chung Vạn Cừu run run hỏi:

-Nàng … nàng lại định cùng với Đoàn Chính Thuần … tên ác tặc Đoàn Chính Thuần tư thông ư?

Chung phu nhân giận dữ hỏi lại:

-Cái gì mà bảo rằng lại định là sao?

Chung Vạn Cừu vội vàng cười làm lành:

-Phu nhân, nàng đừng giận. Ta nói sai, nàng trước nay đâu có … đâu có đi lại gì với y. Nàng bảo sẽ làm điều hèn hạ vô liêm sỉ cho ta coi, chắc là … chắc là để đùa chứ gì?

Chung phu nhân không trả lời. Chung Vạn Cừu trong lòng thảng thốt, liếc mắt nhìn thấy trong phòng chai lọ ngổn ngang liền nói:

-Ồ, Cái con bé Linh Nhi thật nghịch ngợm hết nước nói, mới tí tuổi đầu mà đã dám hỏi ta Âm Dương Hòa Hợp Tán là cái gì, không biết nó nghe được ở đâu, rồi vào đây lục lọi tùm lum.

Nói xong y tới bên giá thuốc xếp lại những bình, chân đạp lên miếng gỗ mới bị cắt đứt. Hoa Hách Cấn vội vận kình đỡ lên sợ y phát giác. Chung phu nhân nói:

-Linh Nhi đâu? Nó đi đâu rồi? Sao ông lại muốn đưa nó lên trên sảnh chào khách?

Chung Vạn Cừu cười nói:

-Chúng mình sinh được đứa con xinh đẹp như thế, sao không để cho bằng hữu được thấy qua?

Chung phu nhân đáp:

-Bộ ông muốn đem mỡ nhử mèo chăng? Tôi nhìn thấy đôi mắt hau háu của gã Vân Trung Hạc, nhìn Linh Nhi chăm chăm nhỏ nước dãi, ông phải coi chừng y đó.

Chung Vạn Cừu cười nói:

-Ta chỉ coi chừng có một mình nàng, người đẹp hoa nhường nguyệt thẹn như bà, ai mà chẳng thèm nhỏ dãi?

Chung phu nhân chép miệng gọi lớn:

-Linh Nhi! Linh Nhi!

Một con a hoàn chạy lên bẩm:

-Tiểu thư vừa mới ở đây mà.

Chung phu nhân gật đầu nói:

-Ngươi đi mời tiểu thư lên, ta có chuyện cần nói.

Chung Linh ở dưới hầm tất cả những gì cha mẹ nói với nhau nghe rõ từng câu từng chữ, khổ nỗi không có cách nào lên tiếng cầu cứu, trong bụng hoảng hốt, mồm bị nhét đầy đất thật là khó chịu. Chung Vạn Cừu nói:

-Nàng nghỉ một lát, ta ra ngoài tiếp khách.

Chung phu nhân lạnh lùng hỏi lại:

-Sao ông không nghỉ để tôi ra tiếp khách?

Chung Vạn Cừu đáp:

-Thôi cả hai vợ chồng cùng ra vậy.

Chung phu nhân nói:

-Thế khách muốn nhìn khuôn mặt hoa da phấn của tôi hay là muốn nhìn cái mặt ngựa của ông? Bao giờ đến lúc tôi nhìn cũng chán ngấy ông sẽ biết ngay nó thế nào!

Mấy hôm nay Chung Vạn Cừu thật là vô vị, dẫu nói gì ra cũng bị vợ cằn nhằn một chập, biết rằng nàng cùng Đoàn Chính Thuần hai người xa nhau lâu ngày nay gặp lại, gợi nhớ tình xưa nên trong lòng khó chịu. Trong bụng y tuy giận lắm nhưng nào có dám nói lại nửa câu, chỉ đành cười hì hì đi ra đại sảnh, vừa đi vừa nghĩ: “Không biết nàng làm cái gì mà hèn hạ vô liêm sỉ cho ta thấy đây? Nàng lại nói “đến lúc tôi nhìn cũng chán ngấy”, như thế nghĩa là hiện giờ nàng chưa chán, cũng không có gì đáng ngại. Chỉ sợ tên cẩu tặc Đoàn Chính Thuần …”

Chú thích:

1 Chim phượng làm tổ trên cây ngô đồng

2 Lời chú của Kim Dung: Mãi về sau tới đời Đoàn Trí Hưng tức Nhất Đăng đại sư vì tình thế phải chế ngự Âu Dương Phong nên mới phá lệ tổ tiên đem công phu này truyền cho Vương Trùng Dương và Ngư Tiều Canh Độc bốn đại đệ tử (xem Xạ Điêu Anh Hùng truyện)

3 Hoàng Thái Đệ là người em nhưng được thừa kế ngôi vua. Trong sử quả có chép Bảo Định hoàng đế tại vị 15 năm rồi xuất gia nhường ngôi cho em là Đoàn Chính Thuần tức là Trung Tông hoàng đế. Trung Tông làm vua 12 năm rồi cũng đi tu. Nước ta vào thời kỳ này cũng có nhiều vị hoàng đế bỏ ngôi vào chùa tu nhất là đời Trần các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông đều trở thànhø những cao tăng thâm hiểu Phật pháp.

4 Theo quan chế ngày xưa Tư Không, Tư Đồ, Tư Mã gọi là Tam Công. Tư Không coi về việc đất đai, lãnh thổ tức thượng thư Bộ Công. Tư Đồ trông coi về nhân dân, hành chánh nên còn gọi là Tướng Quốc (sau gọi là Thừa Tướng). Tư Mã coi về quân sự, binh bị sau gọi là thượng thư Bộ Binh. Ngoài ra còn một chức vụ nữa là Tư Khấu trông coi việc pháp luật (thượng thư Bộ Hình). Nếu đúng nguyên tắc thì việc công bố lệnh bãi bỏ thuế muối phải do quan Tư Đồ đảm trách mới phải.

5 Đây là cờ vây chứ không phải cờ tướng

6 Bàng quan bất ngữ chân quân tử,

Tự tác chủ trương đại trượng phu.

7 Giữ cho tâm thanh tịnh quên hết cả ta lẫn vật

8 tri sỉ cận hồ dũng

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky