Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Long Bát Bộ

Chương 84 – Lão Ma Tiểu Xú – Khởi Khảm Nhất Kích – Thắng Chi Bất Võ (2)

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Thầy trò chiêng trống khua vang,

Gặp bùa sinh tử cũng hàng mà thôi.

Bao năm che lấp chuyện đời,

Mây tan trăng tỏ biết người biết ta.

* * *

Từ trong đám đông một phụ nữ trung niên mặc trường bào xanh nhạt chạy ra, trên má trái phải mỗi bên có ba vết cào, chính là Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương trong Tứ Đại Ác Nhân. Bà ta hấp tấp chạy đến, giơ tay gạt hai nhà sư chấp pháp của Giới Luật Viện chùa Thiếu Lâm ra, rồi đưa tay cầm quần Hư Trúc định lột ra.

Hư Trúc hết sức hoảng hốt, bật nhỏm dậy, nhảy vọt về sau mấy trượng lắp bắp:

-Bà … bà làm gì thế?

Diệp Nhị Nương run bắn người, kêu lên:

-Con … con ta ơi!

Bà ta giang tay, định ôm lấy Hư Trúc. Hư Trúc lách một cái, Diệp Nhị Nương chộp vào khoảng không. Mọi người nghĩ thầm: “Mụ này phát khùng rồi chăng?”. Diệp Nhị Nương liên tiếp chộp mấy bận đều bị Hư Trúc nhẹ nhàng tránh được. Bà ta như điên như cuồng, kêu lên:

-Con ơi! Sao con không nhận mẹ?

Hư Trúc trong lòng bàng hoàng, một ánh chớp lóe lên, run rẩy hỏi lại:

-Bà … bà là mẹ tôi ư?

Diệp Nhị Nương kêu lên:

-Con ơi! Mẹ sinh con chưa bao lâu thì đã điểm giới hương trên lưng và hai bên mông con. Có phải hai bên mông con cũng có chín vết sẹo không hả?

Hư Trúc vô cùng kinh hãi, trên hai bên mông y quả có chín vết hương thật. Y từ bé đã có như thế, trước nay chẳng hiểu vì sao lại sợ đồng môn chê cười, lúc tắm rửa trông thấy, cho rằng mình có duyên với cửa Phật, trời sinh ra thế, lại càng dốc lòng mộ đạo bây giờ nghe Diệp Nhị Nương nói, thật chẳng khác gì sét đánh ngang trời, lập cập hỏi:

-Đúng! Đúng! Hai … hai bên mông tôi quả có chín vết hương, do bà … do mẹ … do mẹ điểm cho con đấy ư?

Diệp Nhị Nương khóc òa lên, kêu la:

-Đúng rồi! Đúng rồi! Nếu không phải ta châm cho con thì làm sao mà biết được? Ta … ta tìm được con rồi, tìm được đứa con thân yêu của ta rồi!

Bà ta vừa khóc, vừa giơ tay vuốt ve khuôn mặt Hư Trúc. Hư Trúc không tránh né nữa, để cho bà ta ôm vào lòng. Y từ bé không cha không mẹ, cứ tưởng mình là đứa con côi được tăng nhân trong chùa nuôi dưỡng, những vết hương trên người chỉ một mình y biết, Diệp Nhị Nương đã nói như thế thì còn giả làm sao được? Y chưa từng biết được tấm lòng mẹ hiền thương yêu như thế nào, nay bỗng dưng cảm nhận, nước mắt chảy ròng ròng, kêu lên:

-Mẹ … mẹ! Bà đúng là mẹ của con rồi!

Việc xảy ra quá đột ngột, người đứng coi ai nấy lạ lùng nhưng thấy hai mẹ con ôm nhau khóc, vừa buồn vừa vui, một bên lòng mẹ bao la, một bên tình con chan chứa, quần hùng không ít kẻ phải mủi lòng. Diệp Nhị Nương nói:

-Hài tử, năm nay con hai mươi bốn rồi, trong hai mươi bốn năm qua, không ngày nào mẹ không thương nhớ đến con, đêm khuya nghĩ tới con, ta lại ghen với người khác, con yêu của ta bị tên trời đánh nào đó trộm mất rồi. Ta … ta đành đi ăn cắp con người khác, thế nhưng … thế nhưng … con người ta chứ có phải con mình rứt ruột đẻ ra đâu?

Nam Hải Ngạc Thần cười sằng sặc nói:

-Tam muội! Ngươi vẫn thường đi ăm trộm những đứa con nít mập mạp hồng hào về đùa chơi, đùa chán rồi giết chết, hóa ra con ngươi bị người ta ăn trộm mất. Nhạc lão nhị vặn hỏi ngươi, ngươi nhất định chẳng chịu nói ra! Hay lắm! Hay thiệt! Hư Trúc tiểu tử, má má ngươi là nghĩa muội của ta, ngươi mau gọi ta Nhạc nhị bá đi nào!

Y nghĩ đến vai vế mình còn cao hơn cả chủ nhân cung Linh Thứu thật sung sướng không để đâu cho hết. Vân Trung Hạc gãi đầu nói:

-Không được, không được! Hư Trúc Tử là bả huynh của sư phụ ngươi, ngươi phải gọi y là sư bá. Ta là nghĩa đệ của mẫu thân y, vai vế cao hơn ngươi hai bậc, ngươi mau gọi ta là “sư thúc tổ”.

Nam Hải Ngạc Thần ngẩn ngơ, nhổ bẹt một bãi đờm chửi:

-Con bà ngươi chứ, lão tử không gọi.

Diệp Nhị Nương thả đầu Hư Trúc ra, cầm lấy vai y, nhìn qua nhìn lại, mừng không sao kể xiết, quay sang nói với Huyền Tịch:

-Y là con ta, ngươi không được đánh y nữa.

Nói xong quay lại Hư Trúc lên giọng:

-Tên cẩu tặc trời đánh nào ăn trộm con ta, để cho mẹ con mình phải hai mươi bốn năm xa cách. Hài nhi! Hài nhi, mẹ con mình đi khắp chân trời góc biển để tìm cho được đưa chó má đó, băm vằm nó ra muôn nghìn mảnh. Mẹ đánh không lại thì đã có con võ công cao cường giúp mẹ báo thù tuyết hận.

Nhà sư áo đen từ nãy giờ vẫn ngồi bất động dưới gốc cây bỗng đứng lên, chậm rãi hỏi:

-Thế con ngươi là do người ta ăn cắp, hay là bị người ta ăn cướp? Sáu vết sẹo trên mặt ngươi là do đâu?

Diệp Nhị Nương đột nhiên biến sắc, kêu rú lên:

-Ngươi … ngươi là ai? Sao … sao ngươi biết?

Nhà sư áo đen nói:

-Không lẽ mụ không nhận ra ta sao?

Diệp Nhị Nương lại thảng thốt kêu lên:

-A! Thì ra là ngươi, chính là ngươi.

Bà ta xông tới, còn cách ông ta chừng một trượng, đột nhiên đứng lại, giơ tay chỉ vào mặt nghiến răng nghiến lợi cực kỳ phẫn nộ nhưng không dám tới gần hơn. Nhà sư áo đen nói:

-Đúng đó! Con ngươi chính là ta đã cướp đi, sáu vết huyến ngấn trên mặt ngươi cũng do ta cào đó.

Diệp Nhị Nương kêu lên:

-Vì cớ gì? Sao ngươi lại cướp đứa con ta? Ta với ngươi chưa từng quen biết, vô oán vô cừu. Ngươi … ngươi … ngươi làm ta khổ quá. Ngươi làm ta hai mươi bốn năm qua, ngày đêm lòng đau như cắt, quả là vì cớ gì? Vì … vì cớ gì?

Nhà sư áo đen chỉ vào Hư Trúc, hỏi:

-Thế cha đứa bé đó là ai?

Diệp Nhị Nương run bắn lên ấp úng:

-Y … y … ta không nói được.

Hư Trúc hoang mang, chạy lại trước mặt Diệp Nhị Nương gọi lớn:

-Mẹ, mẹ nói cho con hay, cha con là ai?

Diệp Nhị Nương lắc đầu quầy quậy nói:

-Mẹ không thể nói được.

Nhà sư áo đen chậm rãi nói:

-Diệp Nhị Nương, ngươi vốn dĩ là một cô nương con nhà gia giáo, ôn nhu xinh đẹp, đoan trang trinh thục. Thế nhưng năm ngươi mười tám tuổi lại bị một gã đàn ông võ công cao cường, thân phận cực lớn dụ dỗ, thất thân với y mới sinh ra đứa con này, có phải vậy không?

Diệp Nhị Nương đứng sững như trời trồng, một hồi lâu sau mới gật đầu nói:

-Đúng thế! Có điều không phải y dụ dỗ ta mà là ta đến dụ dỗ y.

Nhà sư áo đen nói:

-Gã con trai đó chỉ biết tới thanh danh tiền trình của mình, chẳng đoái hoài đến một cô gái thanh xuân, chưa chồng mà chửa, tình huống thê thảm biết dường nào.

Diệp Nhị Nương vội cãi:

-Không, không! Y lo cho ta lắm chứ, y cho ta rất nhiều tiền, sắp xếp cho ta ung dung sinh sống.

Nhà sư áo đen nói:

-Thế sao y lại để ngươi phải lang thang phiêu bạt giang hồ một thân một mình?

Diệp Nhị Nương nói:

-Ta không thể lấy y. Y cũng làm sao lấy ta cho được? Y là người rất tốt, trước sau đối với ta rất tốt. Chính ta không muốn liên lụy đến y. Y … y là người rất tử tế.

Giọng điệu bà ta đối với kẻ tình lang đã ruồng rẫy mình vẫn đầy vẻ trìu mến thiết tha, tình xưa nghĩa cũ không vì tháng năm khổ sở, hoa niên phôi pha mà buông lời hối tiếc. Mọi người đều nghĩ: “Diệp Nhị Nương tiếng ác vang lừng ngờ đâu đối với người tình năm xưa lại thâm sâu đến thế. Không biết người đàn ông đó là ai?”.

Đoàn Dự, Nguyễn Tinh Trúc, Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Ba Thiên Thạch tất cả những người Đại Lý nghe hai người nói chuyện phong lưu thuở xa xưa, không khỏi len lén liếc Đoàn Chính Thuần một cái, ai nấy thấy người tình lang của Diệp Nhị Nương, thân phận, tính tình, xử sự, tuổi tác không chỗ nào là không giống ông. Lại có người nghĩ ra: “Hôm đó cả Tứ Đại Ác Nhân đều đến Đại Lý, chắc là đi tìm Trấn Nam Vương để đòi món nợ oan khiên này”.

Đến cả Đoàn Chính Thuần cũng hồ nghi: “Những người đàn bà ta quen rất là đông, không lẽ cũng có cả bà ta nữa hay sao? Sao mình không nhớ được chút nào? Nếu đúng là ta làm lụy đến nàng như thế, thì dẫu thanh danh một đời bỏ đi trước mặt anh hùng hào kiệt, Đoàn mỗ cũng quyết không bao giờ ruồng rẫy nàng. Chỉ có điều … có điều … sao mình không nhớ ra được tí gì nhỉ?”.

Nhà sư áo đen dõng dạc nói:

-Phụ thân của đứa bé đó, hiện giờ cũng có mặt nơi đây, sao bà không chỉ y ra cho mọi người biết?

Diệp Nhị Nương kinh hoảng lắp bắp:

-Không! Không! Ta không thể nói được.

Nhà sư áo đen hỏi lại:

-Vì cớ gì trên lưng, trên mông đứa bé kia lại điểm ba chín hai mươi bảy dấu giới hương?

Diệp Nhị Nương ôm mặt đáp:

-Tôi không biết! Tôi không biết! Tôi van ông, đừng hỏi tôi nữa.

Giọng nhà sư áo đen vẫn thản nhiên như không động tâm chút nào, hỏi tiếp:

-Khi con bà sinh ra bà muốn cho nó đi tu à?

Diệp Nhị Nương đáp:

-Không phải, không phải thế!

Nhà sư áo đen lại tiếp:

-Vì sao? Vì sao bà lại điểm trên người y dấu giới hương của Phật môn?

Diệp Nhị Nương chối bai bải:

-Ta không biết! Ta không biết!

Nhà sư áo đen sang sảng nói:

-Ngươi không chịu nói, ta cũng biết rồi. Chỉ vì cha đứa bé đó cũng là đệ tử cửa Phật, là một cao tăng hữu đạo rất … rất là nổi danh.

Diệp Nhị Nương rên lên một tiếng, không còn chịu nổi nữa ngã lăn ra bất tỉnh. Quần hùng ai nấy xôn xao, thấy tình cảnh Diệp Nhị Nương như thế, đủ biết lời nhà sư áo đen không phải là sai, thì ra người tư thông với bà ta lại chính là một nhà sư, một cao tăng nổi danh. Mọi người ghé tai nhau thì thầm, bàn tán ầm ỹ.

Hư Trúc đỡ Diệp Nhị Nương, kêu lên:

-Mẹ ơi! Mẹ ơi! Tỉnh lại mẹ ơi.

Một hồi sau, Diệp Nhị Nương từ từ tỉnh lại, nói nhỏ:

-Hài nhi, mau mau đỡ mẹ xuống núi. Người đó … người đó là yêu quái, sao … sao y lại biết được. Ta không muốn thấy y nữa. Mối thù … mối thù này không cần báo nữa.

Hư Trúc đáp:

-Được rồi mẹ ạ! Mẹ con mình đi thôi.

Nhà sư áo đen nói:

-Khoan đã, ta đã nói xong đâu. Ngươi không muốn báo thù nhưng ta lại muốn báo thù. Diệp Nhị Nương, tại sao ta cướp con ngươi, ngươi có biết không? Chỉ vì … chỉ vì có người đã cướp con ta, làm ta nhà tan người mất, vợ chồng cha con không được đoàn viên. Ta vì thế mà báo thù.

Diệp Nhị Nương hỏi lại:

-Có người cướp con của ngươi ư? Vì thế mà ngươi phải báo thù?

Nhà sư áo đen đáp:

-Đúng thế, ta cướp đưa con ngươi, bỏ vào trong vườn rau chùa Thiếu Lâm, để cho sư chùa Thiếu Lâm nuôi dưỡng y khôn lớn, dạy cho y võ nghệ cũng chỉ vì con của ta cũng bị người ta cướp mất, nuôi cho khôn lớn, cũng do sư chùa Thiếu Lâm dạy y võ công. Ngươi có muốn nhìn bộ mặt thật của ta không?

Không đợi Diệp Nhị Nương trả lời, nhà sư áo đen giơ tay gỡ khăn che mặt. Quần hùng kinh ngạc “Ồ” lên một tiếng, thấy y mặt vuông tai to, râu quai nón rậm rạp, tướng mạo mười phần uy võ, tuổi chừng trên dưới sáu mươi.

Tiêu Phong vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, tiến tới lạy phục dưới đất, run run hỏi:

-Ông … ông là cha tôi …

Người kia cười ha hả nói:

-Hảo hài tử, hảo hài tử, ta chính là cha con đây. Cha con mình thân hình tướng mạo giống hệt nhau, chẳng cần phải nói thì ai cũng biết ta là cha ngươi rồi.

Ông đưa tay, vạch ngực mình ra, lộ ra một cái đầu sói xâm nơi đó, tay trái nhắc Tiêu Phong lên. Tiêu Phong cũng vạch ngực mình ra cũng để lộ một đầu sói màu xanh nhe răng. Hai người ngồi xuống, đột nhiên cùng ngẩng lên hú, tiếng như gió táp gầm rít truyền ra chấn động cả sơn cốc, hàng nghìn hào kiệt nghe tiếng, ai nấy đều nổi da gà. Yên Vân Thập Bát Kỵ rút phắt trường đao, cùng lên tiếng phụ họa, tuy chỉ có hai mươi người nhưng thanh thế lẫy lừng, tưởng như thiên quân vạn mã.

Tiêu Phong lấy trong bọc một cái bao vải dầu, mở đem ra một mảnh vải trắng lớn gồm nhiều mảnh khâu lại với nhau, chính là miếng vải đồ di văn trên vách đá, đầy những chữ Khất Đan rỗng ruột hòa thượng Trí Quang cho ông ta. Ông già râu xồm chỉ vào mấy chữ sau cùng cười nói:

-Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút, Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút! Ha ha! Này con, hôm đó ta đau lòng quá, nhảy xuống vực tự tận, ngờ đâu mạng chưa tận, rơi ngay một cành cây ở dưới đáy sơn cốc, cho nên không chết. Khi đó cha lại không muốn chết nữa mà lại muốn báo thù. Hôm đó ở ngoài Nhạn Môn Quan, quần hào Trung Nguyên không hỏi đầu đuôi, liền giết mẹ ngươi dù nàng không biết võ công, con thử nghĩ xem thù này có nên báo hay không?

Tiêu Phong nói:

-Thù cha mẹ không đội trời chung, lẽ nào không báo?

Tiêu Viễn Sơn nói:

-Năm xưa kẻ hại mẹ con, hầu hết ta đã giết ngay tại chỗ. Nhà sư Trí Quang và gã tự xưng là Triệu Tiền Tôn kia thì con đã giết rồi. Bang chủ tiền nhiệm Cái Bang Uông Kiếm Thông bị bệnh mà chết, thật may cho lão. Chỉ còn tên “đại ác nhân” đầu sỏ, đến nay vẫn còn. Hài nhi, con thử nghĩ xem mình bắt được hắn rồi làm gì?

Tiêu Phong vội hỏi:

-Người đó là ai?

Tiêu Viễn Sơn lại hú lên một tiếng dài, quát lớn:

-Người đó là ai ư?

Mục quang ông như điện, quét ngang quần hùng từng người một. Quần hào gặp ánh mắt của ông ai nấy khiếp sợ, mặc dù họ đối với việc ngoài Nhạn Môn Quan năm nào không liên can gì, nhưng thấy thần tình cha con họ Tiêu, ai nấy nín thở không dám cựa quậy, chỉ sợ họa đổ lên đầu mình.

Tiêu Viễn Sơn nói:

-Hài nhi, hôm đó ta và mẹ con bồng con trên tay, sang bên bà ngoại, nào ngờ khi đến Nhạn Môn Quan lại bị mấy chục tên võ sĩ Trung Thổ đột nhiên nhảy ra, giết mẹ con lẫn bọn tùy tòng. Đại Tống có thù với Khất Đan, hai bên giết lẫn nhau không phải là chuyện lạ nhưng bọn võ sĩ Trung Thổ mai phục ở sau núi, hẳn có dự mưu. Này con, con có biết vì duyên cớ gì chăng?

Tiêu Phong đáp:

-Con nghe Trí Quang đại sư kể lại, bọn họ nghe tin tưởng nhầm là võ sĩ Khất Đan định đến chùa Thiếu Lâm cướp đoạt kinh điển võ học, nằm trong âm mưu nước Liêu xâm chiếm giang sơn Đại Tống nên mới nhảy ra tấn công giết chết mẹ con.

Tiêu Viễn Sơn cười thê thảm:

-Ha ha! Ha ha! Năm xưa cha ngươi nào có ý đoạt võ học điển tịch, bọn họ nghi oan cho ta. Được, được! Tiêu Viễn Sơn đã làm thì làm luôn thể, người ta nghi oan ta, thì ta làm cho mà biết. Trong ba mươi năm qua, Tiêu Viễn Sơn ẩn thân trong chùa Thiếu Lâm, đọc hết ráo kinh điển của bọn chúng rồi. Chư vị cao tăng Thiếu Lâm ơi, bọn ngươi có giỏi thì giết Tiêu Viễn Sơn này đi, nếu không võ học sẽ lưu truyền qua Đại Liêu đó. Các ngươi dẫu có ra Nhạn Môn Quan mai phục thì cũng không kịp nữa rồi.

Quần tăng Thiếu Lâm nghe thế, ai nấy biến sắc, xem chừng lời của y không phải là giả, võ công bản phái nếu lưu truyền qua nước Liêu thì người Khất Đan khác gì hổ thêm cánh, biết làm sao đây? Trong quần hào võ lâm, ai nấy đều nghĩ thầm: “Hôm nay không thể nào để cho gã này sống sót xuống núi được”.

Tiêu Phong nói:

-Gia gia! Tên đại ác nhân giết mẹ con, có thể nói rằng vì năm xưa nhầm lẫn, tuy lỗ mãng thật nhưng không phải cố ý làm việc ác. Thế nhưng y lại đến giết cả ông bà họ Kiều nghĩa phụ nghĩa mẫu con khiến cho con mang tiếng xấu cái đó mới thật là tệ hại. Vậy người đó là ai, xin cha cho con biết.

Tiêu Viễn Sơn lại cười ha hả nói:

-Hài nhi, cái đó con sai rồi.

Tiêu Phong ngạc nhiên hỏi lại:

-Con sai ư?

Tiêu Viễn Sơn gật đầu nói:

-Không đúng, vợ chồng họ Kiều là do ta giết đó.

Tiêu Phong kinh hoảng lắp bắp:

-Do cha giết ư? Vì … vì sao thế?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

-Ngươi là con ruột của ta, vốn dĩ cha con vợ chồng đoàn tụ một nhà, sung sướng biết bao? Thế mà bọn võ nhân Nam triều coi người Khất Đan không bằng chó lợn, chẳng làm gì họ cũng giết, bắt con ta đi, giao cho người khác làm con nuôi. Vợ chồng họ Kiều mạo xưng là cha mẹ con, cướp đoạt cái thiên luân chi lạc của ta, lại không nói rõ cho con nghe, thế quả là đáng chết.

Tiêu Phong trong lòng xót xa nói:

-Nghĩa phụ nghĩa mẫu đãi con cực kỳ ân nghĩa, hai vị lão nhân gia quả là người tử tế. Như thế kẻ đốt Đơn gia trang, giết Đàm công, Đàm bà mọi việc, chắc cũng …

Tiêu Viễn Sơn đáp:

-Đúng thế! Đều do cha con làm cả. Kẻ đàn anh đứng đầu vụ giết mẹ con ở Nhạn Môn Quan năm xưa là ai, những kẻ đó rõ ràng là biết, lại không chịu nói, còn cố gắng che đậy cho y, không đáng giết hay sao?

Tiêu Phong lặng thinh, bồi hồi nghĩ thầm: “Ta mất bao nhiêu công sức truy tầm kẻ “đại ác nhân”, hóa ra lại chính là cha ta, làm … làm thế nào bây giờ?”. Ông chậm rãi nói:

-Huyền Khổ đại sư đích thân truyền thụ võ công cho hài nhi, mười năm trời nắng không chừa, mưa không ngại, con được như hôm nay, đều do ân sư vun đắp …

Nói đến đây, ông cúi đầu nước mắt rưng rưng. Tiêu Viễn Sơn nói:

-Bọn võ nhân Nam triều gian trá âm hiểm, có tốt lành gì đâu? Huyền Khổ bị ta đánh một chưởng chết đấy.

Quần tăng Thiếu Lâm cùng cất tiếng tụng:

-A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!

Thanh âm cực kỳ bi phẫn tuy nhất thời không ai bước ra khiêu chiến với Tiêu Viễn Sơn nhưng tiếng kinh chứa đầy tâm tình trầm thống đủ biết đã bao hàm quyết tâm, không thể bỏ qua việc này. Mọi người đều nghĩ thầm: “Hóa ra xưa nay mình trách nhầm Tiêu Phong, thế nhưng cha con là một, cha ăn mặn, con khát nước có đổ lên đầu y cũng phải”.

Tiêu Viễn Sơn lại tiếp:

-Trong số những kẻ đại cừu giết vợ yêu của ta, đoạt con cưng của ta có bang chủ Cái Bang, cũng có cả cao thủ phái Thiếu Lâm nữa, ha ha, bọn chúng tưởng có thể mãi mãi che dấu cái tội lỗi tanh hôi kia, biến con ta thành người Hán, bảo con ta bái kẻ thù làm thầy, kế vị kẻ đại cừu làm bang chủ Cái Bang. Ha ha, hài nhi, tối hôm đó ta đánh Huyền Khổ một chưởng xong, ẩn thân ở bên cạnh, chẳng mấy chốc ngươi lại đến thăm lão trọc. Gã Huyền Khổ thấy cha con ta tướng mạo giống nhau, cứ tưởng là ngươi ra tay, đến chú tiểu cũng không phân biệt được cha con mình. Con ơi, người Khất Đan mình bị họ khinh khi hiếp đáp có phải là ít đâu?

Tiêu Phong bấy giờ mới vỡ lẽ ra, tại sao Huyền Khổ đại sư tối hôm đó thấy mình lại kinh ngạc quá đỗi, đến tiểu sa di cũng khăng khăng chính mình đã đánh chết nhà sư. Có ai ngờ được rằng kẻ hành hung kia với mình lại tướng mạo tương tự, huyết nhục tương liên? Ông bèn nói:

-Những người đó do cha giết hay do con giết thì có khác gì đâu, hài nhi có bị cái tiếng thì cũng chẳng oan uổng. Thế kẻ đại ác đứng đầu võ nhân Trung Nguyên mai phục ở Nhạn Môn Quan, cha đã tìm ra là ai chưa?

Tiêu Viễn Sơn cười:

-Ha ha! Lẽ nào lại không tìm ra cho rõ được? Kẻ đó hại ta nhà tan người chết, nếu ta một chưởng đánh chết y thì chẳng tiện nghi cho y lắm hay sao? Diệp Nhị Nương, khoan đã.

Ông ta thấy Diệp Nhị Nương vịn vào Hư Trúc, hai mẹ con đang đi ra, lập tức gọi giật lại, nói tiếp:

-Kẻ cùng với ngươi sinh đứa con đó là ai, nếu ngươi không nói thì ta sẽ nói. Ta ẩn náu trong chùa Thiếu Lâm ba mươi năm, có chuyện gì qua khỏi mắt ta đâu? Các ngươi gặp nhau trong Tử Vân Động, y mời Kiều bà bà đến đỡ đẻ cho ngươi, mọi chuyện đầu đuôi, ngươi có muốn ta nói rành rọt tất cả cho mọi người nghe không?

Diệp Nhị Nương quay lại chạy đến cách Tiêu Viễn Sơn mấy bước, quì phục xuống nói:

-Tiêu lão anh hùng, xin ông đại nhân đại nghĩa, giơ cao đánh sẽ bỏ qua cho y. Con tôi và quí công tử có tình bát bái chi giao, kết làm kim lan huynh đệ, y … y … trong võ lâm tiếng tăm cực lớn, với thân phận địa vị đó … tuổi cũng lớn rồi, ông muốn đánh muốn giết, chỉ một mình tôi chịu, xin đừng … đừng làm khó đến y.

Quần hùng nghe Tiêu Viễn Sơn nói cha của Hư Trúc là một “hữu đạo cao tăng”, bây giờ lại nghe Diệp Nhị Nương nói ông ta trong võ lâm thanh danh cực lớn, địa vị cực cao, bấy nhiêu việc ghép lại, không lẽ đây là một nhà sư vai vế rất cao trong chùa Thiếu Lâm? Ai nấy không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn vào những nhà sư râu tóc bạc phơ.

Bỗng nhiên Huyền Từ phương trượng cất tiếng nói:

-Thiện tai! Thiện tai! Đã tạo nghiệp nhân thì phải chịu nghiệp quả. Hư Trúc, ngươi lại đây.

Hư Trúc đi đến trước mặt phương trượng quì xuống. Huyền Từ chăm chăm nhìn y một hồi lâu, giơ tay vuốt đầu y, mặt đầy vẻ ôn nhu từ ái, nói:

-Ngươi ở trong chùa hai mươi bốn năm, vậy mà ta nào có biết ngươi chính là con ta.

Lời đó vừa nói ra, quần tăng và các anh hùng hào kiệt ai nấy nhốn nháo cả lên. Kẻ ngạc nhiên, người kinh hãi, kẻ khinh thị, người phẫn nộ, kẻ khủng khiếp, người xót thương, đủ mọi vẻ khó mà hình dung. Huyền Từ phương trượng đức cao vọng trọng, trong võ lâm không ai là không khâm phục, ai ngờ lại ra nông nỗi này? Một hồi lâu sau, lời bàn tán mới dần dần dịu xuống.

Huyền Từ giọng vẫn an tĩnh trấn định không khác gì lúc bình thời chậm rãi nói:

-Tiêu lão thí chủ, thí chủ và lệnh lang xa cách ba mươi năm không được gặp nhau nhưng đã sớm biết y võ công tinh tiến, thanh danh lừng lẫy, là một anh hùng hảo hán bậc nhất trên giang hồ, trong lòng cũng có chút an ủi.

Còn ta với con ta ngày ngày thấy nhau, nhưng vẫn tưởng y đã bị cường đạo cướp mất rồi, sống chết không hay, đêm ngày nhớ mong khắc khoải.

Diệp Nhị Nương khóc nói:

-Ông … ông khỏi cần nói nữa, bây … bây giờ biết tính sao đây? Làm thế nào đây?

Huyền Từ ôn tồn đáp:

-Nhị nương, nếu đã làm nên nghiệp ác, có hối cũng vô ích, dấu diếm cũng vô ích. Bao nhiêu năm qua, thật khổ cho nàng!

Diệp Nhị Nương khóc đáp:

-Thiếp không khổ! Ông khổ mà không nói ra được, cái đó mới gọi là khổ.

Huyền Từ chậm rãi lắc đầu, quay sang Tiêu Viễn Sơn:

-Tiêu lão thí chủ, chiến dịch ngoài Nhạn Môn Quan, lão nạp tính toán quả thực hết sức sai lầm. Bao nhiêu huynh đệ vì lão nạp che đậy chuyện này đều táng mạng cả. Lão nạp hôm nay có chết cũng là muộn rồi.

Đột nhiên ông cao giọng:

-Mộ Dung Bác Mộ Dung lão thí chủ, hôm đó ông loan truyền tin thất thiệt, bảo rằng người Khất Đan đem đại đội binh mã đến chùa Thiếu Lâm cướp võ học điển tịch, để rồi tạo thành một sai trái rất lớn, có khi nào ông hổ thẹn với lòng hay chăng?

Mọi người nghe ông đột nhiên nói đến “Mộ Dung Bác” lại càng ngạc nhiên. Ai ai cũng biết cha của Mộ Dung công tử đơn danh là Bác, nghe nói người đó chết đã lâu, sao Huyền Từ lại bất ngờ gọi tên y ra? Không lẽ người báo tin giả lại là Mộ Dung Bác?

Quần hào theo hướng ánh mắt ông thấy Huyền Từ chăm chăm nhìn vào nhà sư áo xám ngồi dưới gốc cây. Nhà sư đó cười dài một tiếng, đứng dậy nói:

-Phương trượng đại sư nhãn quang quả là lợi hại đã nhận ra mỗ rồi.

Ông ta kéo khăn che để lộ khuôn mặt thần thanh mục tú, hai hàng lông mi bạc rủ xuống. Mộ Dung Phục vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ kêu lên:

-Gia gia! Cha … cha chưa … chưa chết?

Trong đầu nổi lên bao nhiêu nghi vấn, hôm xưa phụ thân từ trần, đâu phải y chỉ thăm hơi thở một lần mà thôi, lại đích thân tẫn liệm an táng, làm sao sống lại được? Hẳn là ông dùng thần công bế khí giả chết. Thế nhưng tại sao ông lại phải giả chết? Tại sao lại phải đánh lừa cả chính con ruột mình?

Huyền Từ nói:

-Mộ Dung lão thí chủ, ta với ông giao hảo lâu năm, trước nay vẫn kính trọng ông là một hảo hán. Hôm đó ông cho ta hay tin, lão nạp không nghi ngờ gì cả, để đến giết lầm người tốt, về sau không còn thấy ông trở lại. Lại nghe tin ông bị bệnh qui tiên, lão nạp càng thêm đau khổ, cho rằng ông cũng như ta chẳng qua chỉ vì tin lời người khác, để đến nỗi sai xẩy nên trong lòng dằn vặt mà qua đời lúc tuổi thanh xuân. Có biết đâu … ôi!

Nhà sư thở dài một tiếng, tiếng thở dài chất chứa biết bao oán than hối hận. Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người nhìn nhau, đến lúc này hai cha con mới biết kẻ giả truyền âm tấn, xúc xiểm thọc gậy bánh xe chính là Mộ Dung Bác. Tiêu Phong lại nổi lên một ý niệm: “Năm xưa thảm sự xảy ra nơi Nhạn Môn Quan, tuy Huyền Từ là kẻ đứng đầu, nhưng ông ta thân phận là phương trượng chùa Thiếu Lâm, quan tâm đến an nguy nhà Đại Tống và điển tịch bản tự nên làm hết sức mình, âu cũng là vì chữ nghĩa mà ra. Đến khi thấy sai lầm rồi ông liền tận lực sửa chữa, như vậy kẻ đại ác nhân đích thực phải là Mộ Dung Bác chứ không phải là Huyền Từ”.

Mộ Dung Phục nghe Huyền Từ nói như thế, lập tức hiểu ra: “Cha ta đưa tin giả, cốt để khiêu khích cho võ nhân Liêu Tống đánh nhau, Đại Yên mình đứng giữa thủ lợi. Sau đó Huyền Từ thể nào cũng chất vấn cha ta, cha ta biết không thể nào biện giải được, thân phận đại anh hùng đại hào kiệt như ông không thể nào thú nhận để hủy mất anh danh. Ông đoán được tính cách của Huyền Từ nên đành giả chết, biết rằng Huyền Từ sẽ không nói huỵch toẹt mọi chuyện ra làm tổn hại tiếng tăm người đã khuất.

Y lại nghĩ thêm một mức: “Đúng rồi! Cha ta chết rồi tiếng tăm nhà Mộ Dung không suy suyển, ta vẫn có thể tiếp tục hưng phục đại nghiệp. Nếu không như thế, anh hào Trung Nguyên tất cả cùng coi nhà Mộ Dung là kẻ thù, tự tồn đã khó nói gì chuyện phục quốc? Khi đó ta còn bé, nếu như biết rằng cha mình giả chết, thể nào cũng để lộ ra thành ra đến cả con ruột cha ta cũng dấu”. Nghĩ đến phụ thân phải tính toán khổ sở như thế, chỉ vì hưng phục Đại Yên mà phải bỏ hết mọi chuyện, y càng thấy trọng trách trên vai nặng nề.

Huyền Từ lại chậm rãi tiếp:

-Mộ Dung lão thí chủ, hôm nay lão nạp nghe những lời ông khuyên dạy lệnh lang mới biết họ Cô Tô Mộ Dung là hậu duệ đế vương, có mưu tính rất lớn. Thành thử việc ông giả truyền âm tấn cái dụng ý đã rõ ràng. Thế nhưng đại sự ông mưu đồ rồi cũng không đến đâu, chẳng khỏi uổng mạng bao nhiêu sinh linh vô tội đấy ư?

Mộ Dung Bác đáp:

-Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Vẻ mặt Huyền Từ buồn bã nói:

-Huyền Bi sư đệ phụng mệnh ta đến Cô Tô hỏi chuyện này, chắc là ngôn ngữ có điều đắc tội, lúc ở quí phủ lại nhìn thấy đầu mối gì, đoán được âm mưu tạo phản cho nên thí chủ đã giết y diệt khẩu. Thế nhưng sao ông đã ẩn nhẫn lâu năm, lại phải đợi đến khi y đi Đại Lý mới ra tay hạ thủ? Ôi, ông định gây sự để cho họ Đoàn Đại Lý và chùa Thiếu Lâm tương tranh, chắc hẳn khi đánh lén Huyền Bi sư đệ đã dùng Nhất Dương Chỉ của Đoàn gia nhưng vì sở học chưa tinh nên không làm gì được, sau cùng đành phải dùng ngón gia truyền “dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân” của nhà Mộ Dung ra đối phó giết chết sư đệ của ta.

Mộ Dung Bác cười khẩy, người hơi nghiêng đi, đánh một quyền về phía cây cổ thụ bên cạnh, cách cách mấy tiếng, hai cành to từ trên cây gãy xuống. Ông ta đánh vào thân cây, mà hai cành cây cách cả trượng lại chấn động rơi ra, thần công như thế quả phi phàm.

Hơn chục lão tăng Thiếu Lâm cùng kêu lên:

-Vi Đà Chử!

Giọng nói đầy vẻ kinh hãi. Huyền Từ gật đầu:

-Ông ở tệ tự lâu năm, quả đã luyện được một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm là Vi Đà Chử thần công. Thế nhưng chiêu Thiên Linh Thiên Liệt của phái Phục Ngưu tỉnh Hà Nam, với thân phận võ công như thí chủ chắc chẳng đời nào chịu mất thì giờ để luyện. Ông giết Kha Bách Tuế Kha thí chủ quả đã sử dụng võ công gia truyền chân chính của họ, không biết là làm thế nào?

Mộ Dung Bác cười lạnh lẽo nói:

-Lão phương trượng tinh minh vô tỉ, chân không ra khỏi chùa vậy mà việc trên giang hồ rành rẽ như chỉ bàn tay khiến người ta phải bội phục. Chuyện đó xin đại sư đoán xem …

Mới nói tới đây, đột nhiên hai người ở đâu cùng rống lên, nhảy xổ vào ông ta, chính là Kim Toán Bàn Thôi Bách Tuyền và sư điệt là Quá Ngạn Chi. Mộ Dung Bác phất tay áo một cái, Thôi Quá hai người đã bị hất văng ra mấy trượng, nằm gục dưới đất không động đậy gì được, trong nháy mắt đã bị ông ta dùng Tụ Trung Chỉ điểm huyệt rồi. Huyền Từ nói:

-Vị Kha thí chủ kia gia tài giàu có, hành sự xưa nay vốn kỹ lưỡng. Ôi, ông chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương thấy Kha thí chủ có tiền nên muốn lấy để dùng, hẳn là Kha thí chủ đã không khứng chịu, không chừng còn toan đi báo quan phủ.

Mộ Dung Bác cười ha hả, giơ ngón tay cái lên khen ngợi:

-Lão phương trượng giỏi thật, giỏi thật! Tiếc thay ngài trôn kim thì nhìn rõ mà lại không thấy cái cột đình. Tại hạ và Tiêu huynh đây ẩn trong quí tự bao nhiêu năm thì ông lại không biết.

Huyền Từ chậm rãi lắc đầu, thở dài một tiếng nói:

-Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối. Khắc địch đã khó mà khắc phục được tham sân si tam độc trong lòng mình lại càng khó thay.

Mộ Dung Bác nói:

-Lão phương trượng, niệm cái giao tình bao nhiêu năm giữa hai ta, chuyện gì cũng nói thẳng hết, ông có còn điều gì phải hỏi nữa không?

Huyền Từ đáp:

-Cứ người như Tiêu Phong Tiêu thí chủ thì Mã Đại Nguyên Mã phó bang chủ Cái Bang, Mã phu nhân, Bạch Thế Kính trưởng lão ba vị chắc không phải ông ta giết đâu, không biết là do Mộ Dung lão thí chủ hay Tiêu lão thí chủ ra tay?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

-Mã Đại Nguyên là do vợ y cùng Bạch Thế Kính đồng mưu giết chết, Bạch Thế Kính do ta giết. Chuyện đầu đuôi bên trong, Đoàn vương gia nước Đại Lý chính mắt trông thấy, chính tai nghe thấy. Phương trượng muốn biết rõ ngọn ngành xin hỏi Đoàn vương gia.

Tiêu Phong tiến lên hai bước, chỉ vào mặt Mộ Dung Bác quát lớn:

-Mộ Dung lão tặc, ngươi mới chính là tội khôi họa thủ, mau tiến ra chịu chết.

Mộ Dung Bác cười một tiếng dài, nhảy vọt ra chạy lên núi. Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong cùng hét:

-Đuổi theo!

Hai người chia hai bên rượt theo. Ba người đều võ công đến mức đăng phong tạo cực, chỉ một thoáng đã chạy thật xa rồi. Mộ Dung Phục kêu lên:

-Gia gia! Gia gia!

Y cũng đuổi theo, tuy khinh công cũng ghê gớm thật nhưng so với ba người kia hiển nhiên còn kém một mức. Chỉ thấy Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong một người chạy trước, hai người đuổi theo cùng chạy về hướng chùa Thiếu Lâm. Một bóng xám, hai bóng đen trong phút chốc đã mất hút sau những tòa tự viện tường vàng ngói biếc.

Quần hùng hết sức kinh ngạc, nghĩ thầm: “Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn võ công không phân hơn kém, hai người đều có con tiếp tay nhưng nhà Mộ Dung hẳn không thể nào địch nổi, sao Mộ Dung Bác không chạy xuống chân núi mà lại chạy lên chùa Thiếu Lâm?”.

Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác, cả đến mười tám võ sĩ Khất Đan cũng định chạy lên trên núi tương trợ chủ nhân nhưng vừa dợm bước đã nghe Huyền Tịch quát lên:

-Kết trận chặn họ lại!

Hơn trăm nhà sư Thiếu Lâm cùng đáp lời, dàn ngang đường, người cầm thiền trượng, kẻ giơ giới đao không cho ai vượt qua. Huyền Tịch nghiêm nghị nói:

-Chùa Thiếu Lâm là nơi Phật môn thiện địa, đâu có phải là đấu trường, chúng vị thí chủ xin đừng tiến lên nữa.

Bọn Đặng Bách Xuyên thấy thanh thế những nhà sư Thiếu Lâm biết rằng không cách nào có thể xông qua được, tuy lòng lo cho chủ thâät nhưng cũng đành dừng bước. Bao Bất Đồng nói:

-Đúng quá! Không trật vào đâu được! Chùa Thiếu Lâm là nơi đất lành cửa Phật…

Y xưa nay hễ mở mồm là nói: “Sai bét rồi! Không phải vậy!” tự nhiên lần này lại nói: “Đúng quá! Không trật vào đâu được!” khiến những người biết y ai nâáy ngạc nhiên, thì đã nghe nói tiếp:

-… chỉ nuôi con hoang là tốt nhất.

Y vừa nói ra, mấy trăm cặp mắt hầm hầm đổ dồn vào nhưng Bao Bất Đồng to gan lớn mật, tuy biết trong số các nhà sư Thiếu Lâm cao thủ rất đông, người nào trong hàng chữ Huyền y cũng không phải là địch thủ, nhưng y thích là nói, xưa nay chẳng kiêng nể gì. Mấy trăm nhà sư gườm gườm nhìn y, y cũng trợn mắt đáp lại.

Huyền Từ lớn tiếng nói:

-Lão nạp phạm vào đại giới Phật môn, làm ô uế thanh danh chùa Thiếu Lâm. Huyền Tịch sư đệ, cứ theo bản tự giới luật thì phải xử thế nào?

Huyền Tịch ấp úng:

-Cái đó … sư huynh …

Huyền Từ nói:

-Nước có phép nước, nhà có luật nhà. Xưa nay môn phái bang hội, tông tộc tự viện đâu đâu chẳng có những kẻ sai quấy. Thanh danh có bảo toàn được hay không chẳng phải là do không có ai lầm lỗi mà là việc nào ra việc nấy, xử trí nghiêm minh, không lấp liếm. Chấp pháp tăng, đánh cho Hư Trúc một trăm ba mươi côn, một trăm côn là tội của y, ba mươi côn là do y cam nguyện chịu thay cho nghiệp sư.

Chấp pháp tăng đưa mắt nhìn Huyền Tịch. Huyền Tịch gật đầu, Hư Trúc quì xuống chịu đánh. Chấp pháp tăng liền giơ hình trượng, từng gậy từng gậy đánh lên lưng, lên mông Hư Trúc, đánh một hồi đã xé da nát thịt, máu me đầm đìa. Diệp Nhị Nương đau lòng nhưng bà ta vốn sợ Huyền Từ uy nghiêm, không dám mở miệng van xin.

Đánh xong một trăm ba mươi côn rồi, Hư Trúc vì không vận nội công đề ngự nên đau đến đứng không nổi. Huyền Từ nói:

-Từ giờ trở đi ngươi đã phá môn hoàn tục, không còn là sư chùa Thiếu Lâm nữa.

Hư Trúc nhỏ lệ đáp:

-Vâng!

Huyền Từ lại nói:

-Huyền Từ phạm phải dâm giới, tội không khác gì Hư Trúc, thân là phương trượng, tội càng gấp bội. Chấp pháp tăng đánh cho Huyền Từ hai trăm côn. Danh dự chùa Thiếu Lâm không thể thiên vị che đậy được.

Nói xong quì phục xuống, quay mặt về phía tượng Phật nơi đại hùng bảo điện, tự mình cởi tăng bào, để lộ lưng ra.

Quần hùng ai nấy sửng sốt, phương trượng chùa Thiếu Lâm thụ hình trước mặt mọi người, quả chưa ai từng nghe từng thấy, không phải là chuyện thường tình chút nào. Huyền Tịch nói:

-Sư huynh …

Huyền Từ nghiêm giọng nói:

-Thanh dự của chùa Thiếu Lâm hàng nghìn năm qua, lẽ nào để hỏng về tay ta sao?

Huyền Tịch ngậm nước mắt đáp:

-Vâng! Chấp pháp tăng, dụng hình!

Hai người chấp pháp tăng chắp tay khom lưng nói:

-Phương trượng, xin đắc tội!

Nói rồi đứng thẳng người, giơ hình trượng lên đánh xuống lưng Huyền Từ. Hai nhà sư biết rằng phương trượng chịu phạt, cái khó nhất là phải chịu nhục trước mặt mọi người chứ không phải cái đau đớn xác thân, nếu như hạ thủ dung tình khiến bên ngoài trông thấy, đưa tiếng dèm pha thì chuyện phương trượng chịu nhục hóa ra công cốc. Thành thử côn nào côn nấy đánh xuống, chát chát thật mạnh, trong chốc lát trên lưng trên mông Huyền Từ đã đầy những lằn gậy, máu thấm đẫm cả tăng bào.

Quần tăng nghe chấp pháp tăng đếm “năm, mười” số gậy đánh xuống, ai nấy cúi đầu trầm tư lẩm nhẩm niệm Phật. Đạo Thanh đại sư của chùa Phổ Độ bỗng nói:

-Huyền Tịch sư huynh, quí tự tôn trọng giới luật Phật môn, cả đến phương trượng cũng thụ hình, bần tăng hết sức kính phục. Có điều Huyền Từ sư huynh tuổi tác đã cao, lại không vận công hộ thân, hai trăm gậy e rằng không chịu nổi. Bần tăng mạo muội xin nể tình, bây giờ đã đánh đến tám mươi côn, số còn lại xin cho khất.

Quần hùng vô số người cũng hùa theo:

-Phải lắm, phải lắm, tất cả chúng ta cùng xin nể chút tình.

Huyền Tịch chưa kịp trả lời, Huyền Từ đã dõng dạc nói:

-Đa tạ thịnh ý của quí vị, có điều giới luật nặng như núi, không thể khoan dung. Chấp pháp tăng, mau mau dụng trượng.

Hai người chấp pháp tăng vốn đã ngừng tay chờ, nghe phương trượng ngữ khí kiên quyết, lại đành tiếp tục năm, mười đánh xuống. Đánh thêm chừng bốn mươi trượng nữa, Huyền Từ chịu không nổi, hai tay chống dưới đất nhũn ra ngã sấp mặt xuống. Diệp Nhị Nương khóc òa:

-Chuyện này đừng trách phương trượng, chỉ ở ta không ra gì! Ta bị người ta khinh khi nên cố ý đến dụ dỗ phương trượng … Những … những … côn còn lại, để ta chịu cho.

Bà ta vừa khóc vừa chạy đến toan nằm đè lên người Huyền Từ chịu đòn thay. Huyền Từ tay trái điểm ra, nghe soẹt một tiếng nhỏ, phong trụ huyệt đạo của Diệp Nhị Nương, miệng mỉm cười nói:

-Kẻ mê muội kia ơi, ngươi không phải ni cô cửa Phật, chẳng hề phá giới ái dục, có tội gì đâu?

Diệp Nhị Nương đứng sững tại chỗ không cử động được nhưng nước mắt vẫn chảy ròng ròng. Huyền Từ lại quát:

-Hành trượng!

Đến khi hai trăm trượng đánh đủ số, máu me chảy đầy mặt đất, Huyền Từ mới miễn cưỡng đề khí hộ tâm để khỏi đau đến ngất đi. Hai nhà sư chấp pháp giơ trượng lên nói với Huyền Tịch:

-Bẩm báo thủ tọa, Huyền Từ phương trượng chịu đòn đã xong.

Huyền Tịch gật đầu, không biết nói sao cho phải. Huyền Từ gắng gượng đứng lên, điểm một chỉ vào Diệp Nhị Nương định giải huyệt cho bà ta, ngờ đâu bị thương quá nặng, chân khí không thể ngưng tụ nên không công hiệu.

Hư Trúc thấy thế vội vàng chạy đến giải huyệt cho mẫu thân. Huyền Từ nhìn hai người vẫy tay, Diệp Nhị Nương và Hư Trúc liền chạy đến bên cạnh. Hư Trúc ngần ngừ, không biết nên gọi là “gia gia” hay vẫn gọi là “phương trượng”.

Huyền Từ đưa tay ra, tay phải cầm cổ tay Diệp Nhị Nương, tay trái nắm Hư Trúc nói:

-Hơn hai mươi năm qua, ta đêm ngày mong nhớ mẹ con bà, biết mình thân phạm đại giới, lại không dám sám hối cùng tăng chúng, hôm nay thế là được giải thoát rồi, từ giờ không còn sợ hãi băn khoăn, tâm được an lạc.

Rồi ông đọc một bài kệ:

Con người nơi trần thế,

Hễ tham muốn yêu thương.

Ắt phiền não khổ sở,

Cực lạc lòng không vương.

Đọc xong ông từ từ nhắm mắt lại, nở một nụ cười hiền hòa. Diệp Nhị Nương và Hư Trúc không dám cử động, chờ xem ông còn nói gì nữa nhưng thấy bàn tay ông lạnh dần. Diệp Nhị Nương kinh hãi vội đưa tay thăm mũi thì hơi thở đã ngừng từ bao giờ, biến sắc kêu:

-Ông … ông … sao ông bỏ tôi ông ơi!

Đột nhiên bà ta nhảy vọt lên cao, từ trên không lao xuống, nghe bình một tiếng rơi ngay bên chân Huyền Từ, dãy mấy cái rồi cũng bất động. Hư Trúc kêu lên:

-Mẹ, mẹ ơi! Mẹ … mẹ đừng .. đừng …

Y đưa tay đỡ mẹ lên thì thấy một thanh chủy thủ đâm ngập vào tim, chỉ còn hở cái chuôi ra ngoài, xem ra không còn sống nữa. Hư Trúc vội điểm huyệt đạo chung quanh vết thương, lại đem chân khí truyền vào Huyền Từ phương trượng, chân tay luýnh quýnh muốn cứu một lượt cả hai người.

Tiết Thần Y chạy tới giúp nhưng thấy hai người tim đã ngừng đập, hơi thở đã tắt không còn cách gì nữa bèn khuyên:

-Sư thúc đừng buồn. Hai vị lão nhân gia không còn cứu được nữa rồi.

Hư Trúc vẫn không nản chí, vận Bắc Minh chân khí một hồi lâu nhưng cha mẹ không ai động đậy gì nữa. Nỗi buồn dâng lên, nhịn không nổi khóc rống lên. Hai mươi bốn năm qua, y vẫn nghĩ mình là đứa con côi không cha không mẹ, chưa bao giờ được hưởng cái đầm ấm gia đình, hôm nay được gặp cha mẹ ruột, ngờ đâu chưa đầy một giờ thì cả hai đã thảm vong.

Quần hùng mới đầu nghe Huyền Từ nhận mình là cha Hư Trúc, ai nấy thấy ông không giữ thanh qui nên cũng có bụng coi rẻ, đến khi ông thản nhiên đương chúng thụ hình để bảo toàn thanh dự cho chùa Thiếu Lâm, đại dũng đó người thường không ai làm nổi. Ai cũng tưởng ông thụ trọng hình là để đền tội năm xưa lỡ bước, có ngờ đâu khi chịu đòn xong lại lập tức tuyệt kinh mạch.

Xưa nay nếu đã chết rồi thì coi như muôn việc đều xong, ông vốn đã có ý tìm cái chết thì cái nhục hai trăm trượng kia chẳng cần phải nhận, thế nhưng ông lại chịu đòn trước để duy trì cái tiếng cho chùa Thiếu Lâm, sau đó mới tự tận, quả là thái độ của kẻ anh hùng hảo hán. Quần hùng kính ngưỡng ông quả là người nên không ít kẻ tiến lên khom lưng lạy di thể.

Nam Hải Ngạc Thần mếu máo:

-Nhị tỉ chết mất rồi, Nhạc lão tam không tranh giành cái thứ bậc với chị nữa, để tỉ tỉ làm lão nhị cho xong.

Bao nhiêu năm nay, y nhất định đòi đứng trên Diệp Nhị Nương, nghĩ mình võ công hơn bà ta, xứng đáng là kẻ Thiên Hạ Đệ Nhị Ác Nhân, bây giờ chịu nhường quả không phải dễ. Một phần y đau lòng cái chết của Diệp Nhị Nương nhưng một phần khác cũng vì kính trọng sự nghĩa liệt của tỉ tỉ.

Chọn tập
Bình luận
× sticky