Phượng kia làm tổ đã lâu,
Chim loan bỗng chợt ở đâu bay vào.
* * *
Bảo Định Đế hạ chỉ miễn thuế muối rồi, dân Đại Lý ai nấy cảm ân đức. Đất Vân Nam muối không sản xuất được nhiều, toàn cõi chỉ có các vùng Bạch Tỉnh, Hắc Tỉnh, Vân Long … chín nơi là có muối nên năm nào cũng phải mua thêm từ đất Thục, thuế rất cao nên những người nghèo khổ các nơi biên địa xa xôi mỗi năm phải ăn nhạt vài ba tháng. Bảo Định Đế biết rằng một khi thuế muối bãi bỏ rồi, Hoàng Mi tăng sẽ tìm cách đi cứu Đoàn Dự ra để trả ơn. Ông trước nay vốn kính phục nhà sư cả về cơ trí lẫn võ công, lại biết hai đệ tử của ông võ công cũng không phải là kém, ba thầy trò một khi cùng ra tay thể nào cũng thành công.
Ông chờ một ngày một đêm vẫn không nghe tin tức gì cả, muốn sai Ba Thiên Thạch đi thám thính động tĩnh, ngờ đâu Ba Tư Không lẫn Phạm Tư Mã, Hoa Tư Đồ chẳng thấy một ai. Bảo Định Đế nghĩ thầm: “Không lẽ thái tử Diên Khánh lợi hại tới vậy sao, Hoàng Mi sư huynh cùng đệ tử ba người, luôn cả Tam Công trong triều đều bị thất hãm nơi Vạn Kiếp Cốc?”. Ông lập tức cho triệu Hoàng Thái Đệ Đoàn Chính Thuần, Thiện Xiển Hầu Cao Thăng Thái cùng bọn Chử Vạn Lý Tứ Đại Hộ Vệ, luôn cả Trấn Nam Vương phi Đao Bạch Phượng cùng trở lại Vạn Kiếp Cốc xem ra thế nào. Đao Bạch Phượng thương xót con nên xin Bảo Định Đế đem theo ngự lâm quân nhất quyết san bằng Vạn Kiếp Cốc. Bảo Định Đế đáp:
-Đến khi đối đế lắm không cách nào khác mình mới phải tính thế, còn thì cứ theo qui củ giang hồ mà hành sự. Lời dạy của tổ tiên họ Đoàn mấy trăm năm nay chúng ta không thể vi phạm được.
Đoàn người đi đến Vạn Kiếp Cốc thấy Vân Trung Hạc cười hềnh hệch chạy ra đón, vái một cái thật sâu nói:
-Chúng tôi Thiên Hạ Tứ Ác cùng Chung cốc chủ cũng đoán rằng hôm nay thể nào đại giá cũng một lần nữa quang lâm, tại hạ đã ở đây chờ từ lâu. Nếu như các hạ đem theo quân mã thiết giáp, chúng tôi đã cúp đuôi bỏ chạy, mang theo công tử và thiên kim của Trấn Nam Vương theo. Còn như theo qui củ giang hồ, dĩ võ hội hữu thì xin vào trong đại sảnh dùng trà.
Bảo Định Đế thấy đối phương cực kỳ trấn tĩnh ra vẻ không sợ hãi gì, không phải như hôm trước vừa gặp mặt đã xông ra đánh ào ào cho nên không khỏi dè dặt liền vái trả một cái nói:
-Vậy thì hay lắm.
Vân Trung Hạc đi trước dẫn đường cả đoàn người theo vào đại sảnh. Bảo Định Đế vừa bước vào cửa đã thấy bên trong ngồi đầy những giang hồ hào kiệt, Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần cũng có trong số đó nhưng không thấy thái tử Diên Khánh nên trong bụng cũng dè chừng. Vân Trung Hạc lớn tiếng nói:
-Thiên Nam Đoàn gia chưởng môn nhân Đoàn lão sư đến.
Y không nói “Hoàng Đế bệ hạ nước Đại Lý” mà dùng danh xưng trong võ lâm, rõ ràng muốn theo qui củ giang hồ để giải quyết. Đoàn Chính Minh không những là vua của một nước, chỉ cần nói tới danh vọng địa vị trong võ lâm cũng đã là một tông sư cao thủ ai ai cũng phải kính ngưỡng, quần hùng vừa nghe tới tên ai nấy lập tức đứng lên, chỉ có Nam Hải Ngạc Thần là vẫn nghênh ngang ngồi đó giọng chỏng lỏn:
-Ta tưởng ai hóa ra là gã hoàng đế. Ông khỏe chứ?
Chung Vạn Cừu tiến lên mấy bước nói:
-Chung Vạn Cừu không kịp ra xa nghênh tiếp xin thứ tội cho.
Bảo Định Đế đáp:
-Không dám! Không dám!
Kế đó chia ra chủ khách ngồi xuống. Vợ chồng Đoàn Chính Thuần và Cao Thăng Thái theo qui củ giang hồ không phải giữ lễ quân thần nên ngồi bên dưới Bảo Định Đế còn bốn người bọn Chử Vạn Lý đứng ở sau lưng nhà vua. Đầy tớ thị tì trong sơn cốc liền bưng trà lên. Bảo Định Đế không thấy Hoàng Mi tăng và bọn Ba Thiên Thạch ở trong phòng, tính toán trong bụng làm cách nào hỏi cho ra. Chung Vạn Cừu nói:
-Đoàn chưởng môn trở lại thăm lần nữa, thật là nở mày nở mặt cho tại hạ biết bao. Cũng may có đông đảo các vị bằng hữu nơi đây, để tôi giới thiệu với Đoàn chưởng môn.
Nói rồi y nói tên từng người trong đại sảnh, ngoài mấy người đến từ trung nguyên mạn tây bắc, còn lại đều là nhân vật thành danh trong nước Đại Lý, Tân Song Thanh, Tả Tử Mục, Mã Ngũ Đức cũng ở trong đó. Phần lớn những người này Bảo Định Đế chưa từng gặp qua nhưng cũng đã nghe tên. Quần hào giang hồ ai nấy đến chào Bảo Định Đế, có kẻ càng thêm khúm núm, cũng có kẻ đặc biệt ngạo mạn, có người thì lấy vai võ lâm hậu bối đến ra mắt. Chung Vạn Cừu nói:
-Chẳng mấy khi Đoàn lão sư đến chơi, nếu tiện xin ở vài ngày để cho các anh em được học hỏi.
Bảo Định Đế nói:
-Xá điệt Đoàn Dự đắc tội với Chung cốc chủ bị bắt đến quí xứ, tại hạ hôm nay đến trước là cầu tình, sau là xin lỗi, mong Chung cốc chủ nể chút bạc diện này tha cho đứa trẻ con không biết phải quấy, tại hạ cảm kích khôn cùng.
Quần hào nghe nói thế ai nấy đều ngầm bội phục: “Từng nghe Đoàn hoàng gia nước Đại Lý lấy qui củ võ lâm tiếp đãi đồng đạo, quả nhiên danh bất hư truyền. Nơi đây thuộc lãnh thổ nước Đại Lý ông ta chỉ cần sai vài trăm binh mã đến là bắt người được ngay, vậy mà tự mình đích thân đến lấy lời dịu ngọt cầu khẩn”.
Chung Vạn Cừu cười ha hả, chưa kịp trả lời, Mã Ngũ Đức đã xen vào:
-Thì ra Đoàn công tử đắc tội với Chung cốc chủ. Mới rồi Đoàn công tử đến tệ xá ở Phổ Nhĩ, cùng huynh đệ đến núi Vô Lượng du ngoạn, tại hạ săn sóc không chu đáo, để sinh ra bao nhiêu rắc rối, bây giờ cũng mở lời xin một chút tình.
Nam Hải Ngạc Thần đột nhiên lớn tiếng quát tháo:
-Chuyện của học trò ta, ai cho ngươi dám lèm bèm đâm thọc vào?
Cao Thăng Thái lạnh lùng nói:
-Đoàn công tử là sư phụ ngươi, ngươi đã khấu đầu bái sư rồi không lẽ lại định sổ toẹt đi hay sao?
Nam Hải Ngạc Thần mặt đỏ gay, chửi lại:
-Con bà ngươi chứ, ông đâu có đánh rắm cãi xóa. Lão tử hôm nay giết quách tên sư phụ hữu danh vô thực đó đi, sơ ý bái y làm thầy thật nhục muốn chết được.
Mọi người chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, ai nấy thật ngạc nhiên. Đao Bạch Phượng nói:
-Chung cốc chủ, thả hay không, xin ông nói thẳng một lời.
Chung Vạn Cừu cười đáp:
-Thả chứ! Thả chứ! Dĩ nhiên là thả, tại hạ giữ lệnh lang để làm gì?
Vân Trung Hạc xen vào:
-Đoàn công tử phong lưu anh tuấn, Chung phu nhân Tiếu Dược Xoa lại là tuyệt sắc giai nhân, để Đoàn công tử ở trong cốc có khác gì rước sói vào nhà, dưỡng hổ di hoạn hay sao? Chung cốc chủ dĩ nhiên muốn thả, không thể không thả, không dám không thả.
Quần hào nghe nói thế ai nấy kinh ngạc, vẫn biết tên Cùng Hung Cực Ác Vân Trung Hạc này ăn nói chẳng giữ lời, ngờ đâu chẳng coi Chung Vạn Cừu ra cái thá gì, quả thực đúng là hung ác không để đâu cho hết. Chung Vạn Cừu giận quá, quay sang nói:
-Vân huynh, chuyện hôm nay xong rồi, tại hạ mong được lãnh giáo cao chiêu của các hạ.
Vân Trung Hạc đáp:
-Hay lắm, hay lắm! Ta vốn có ý giết thằng chồng đoạt cô vợ, vơ vét tiền của chiếm luôn sơn cốc này.
Quần hào ai nấy thất sắc, động chủ Vô Lượng Động Tân Song Thanh nói:
-Anh hùng hảo hán trên giang hồ đã chết sạch đâu, các ngươi Thiên Hạ Tứ Ác dẫu có cao cường nhưng cũng không thể chạy thoát công đạo được.
Diệp Nhị Nương giọng ỏn thót nói:
-Tân đạo hữu, Diệp Nhị Nương này có mạo phạm đến bà đâu, sao lại lôi cả ta vào là thế nào?
Tả Tử Mục nghĩ lại chuyện mụ ta bắt cóc đứa con trai mình, trong bụng vẫn còn thấp thỏm, chỉ dám len lén liếc mụ một cái. Diệp Nhị Nương cười khúc khích nói:
-Tả tiên sinh, tiểu công tử chắc độ này béo tốt trắng trẻo lắm đấy nhỉ?
Tả Tử Mục không dám không trả lời, nói nhỏ:
-Lần trước cháu nó bị cảm lạnh, đến nay bệnh vẫn chưa hết.
Diệp Nhị Nương cười nói:
-Chết chửa, cũng tại ta mà ra. Vậy để ta đến thăm cục cưng Sơn Sơn nhé.
Tả Tử Mục kinh hãi vội đáp:
-Không dám phiền đến đại giá.
Bảo Định Đế nghĩ thầm: “Tứ Ác chuyên làm điều càn rỡ độc ác, kết oán thật nhiều. Xem ra những hào sĩ giang hồ này không phải ai cũng về phe với họ, như thế công việc càng dễ giải quyết. Để khi cứu được Dự nhi rồi, ta nhân cơ hội trừ khử chúng đi. Thái tử Diên Khánh đứng đầu Tứ Ác tuy trong họ Đoàn thật, ta không tiện ra tay hạ thủ nhưng rồi cũng có ngày tức nước vỡ bờ”.
Đao Bạch Phượng thấy mọi người nói năng lung tung, lạc hẳn chuyện chính lập tức đứng lên nói:
-Chung cốc chủ nếu đã bằng lòng trả tiểu nhi lại cho chúng tôi vậy xin gọi y ra đây cho mẹ con được gặp nhau.
Chung Vạn Cừu cũng đứng lên nói:
-Vâng!
Đột nhiên y quay sang hầm hầm nhìn Đoàn Chính Thuần, cay đắng nói:
-Đoàn Chính Thuần, ngươi đã có vợ đẹp con khôn như thế sao còn tham lam chưa vừa lòng? Hôm nay ngươi thanh danh tảo địa, không còn mặt mũi nào nữa, cũng là mình làm mình chịu đừng trách Chung Vạn Cừu này.
Đoàn Chính Thuần thấy Chung Vạn Cừu bằng lòng giao trả con mình, liệu rằng sự việc không phải dễ dàng đến thế, đối phương thể nào cũng có sắp đặt âm mưu ngụy kế gì, bây giờ nghe y nói vậy lập tức đứng lên nói:
-Chung cốc chủ, nếu ngươi tính chuyện hại người, Đoàn Chính Thuần này sẽ có cách làm cho ngươi một đời ôm hận.
Chung Vạn Cừu thấy ông tướng mạo đường đường, uy phong lẫm liệt, khí độ sang trọng cao quí, mình không thể nào sánh kịp, phần thì thẹn vì mình hình dáng xấu xí, phần thì lửa ghen bốc lên nên lớn tiếng nói:
-Sự đã đến nước này, Chung Vạn Cừu dẫu có gia táng nhân vong, thịt nát xương tan thì cũng theo tới cùng. Nếu ngươi muốn đòi con thì đi theo ta.
Nói xong hung hăng đi ra khỏi sảnh. Cả đoàn người đi theo Chung Vạn Cừu đến trước bức tường cây, Vân Trung Hạc muốn khoe tài khinh công nhảy vọt qua trước. Đoàn Chính Thuần nghĩ chuyện hôm nay không thể nào giải quyết êm thắm, chi bằng lập uy trước để cho đối phương thấy khó mà chùn lại liền nói:
-Đốc Thành, chặt vài cái cây để bọn mình đi qua.
Cổ Đốc Thành đáp lời vung búa lên, chát chát chát mấy nhát đã đốn đứt một cây đại thụ. Phó Tư Qui hay tay đẩy ra, cái cây gãy lách cách đổ xuống một bên. Cương phủ lấp loáng vung lên liên tiếp, thanh âm bất tuyệt hết cây nọ đến cây kia ngã chỉ giây lát đã chặt đứt năm cây.
Bức tường cây này Chung Vạn Cừu trồng tỉa tốn biết bao công lao tâm huyết, bị Cổ Đốc Thành chặt đứt mất năm cây to, trong bụng tức lắm nhưng chợt nghĩ ngay: “Họ Đoàn Đại Lý hôm nay thật là ê chề, chuyện nhỏ nhặt này việc gì mình phải đôi co làm chi?”. Nghĩ vậy y liền theo chỗ cây hổng đi qua. Sau bức tường cây kia, Hoàng Mi tăng và người áo xanh tay bên trái đẩy vào một cây gậy sắt, trên đầu hơi trắng bốc lên chính là đang tỉ đấu nội lực. Hoàng Mi tăng đột nhiên cầm cái dùi sắt vẽ một cái vòng trên phiến đá xanh. Người áo xanh suy nghĩ một chút, thiết trượng nơi tay phải cũng điểm xuống bàn cờ. Bảo Định Đế chăm chú nhìn bấy giờ mới rõ: “Thì ra Hoàng Mi sư huynh một mặt đánh cờ với thái tử Diên Khánh, một mặt cùng y tỉ thí nội công, cả đấu trí lẫn đấu lực, lối đánh phân chia hai bên thế này cực kỳ nguy hiểm. Thảo nào ông ta không hồi âm cho mình, xem ra cuộc đấu này đã một ngày một đêm rồi nhưng chưa phân thắng bại”.
Ông liếc qua thấy hai bên đang đi vào thế cờ tàn, ai thắng ai bại toàn ở lúc tranh đoạt này, có điều Hoàng Mi tăng đang rơi vào thế yếu cốt chỉ mong khỏi thua. Hai người đệ tử của ông là Phá Si, Phá Sân thì nằm lăn trên mặt đất không động đậy gì được. Thì ra hai nhà sư thấy sư phụ bị nguy, ra tay tấn công người áo xanh nhưng đều bị thiết trượng của y điểm trúng.
Đoàn Chính Thuần tiến lên giải huyệt cho hai người, quát lớn:
-Vạn Lý, các ngươi ra đẩy tảng đả kia thả Dự nhi ra nào!
Bốn người bọn Chử Vạn Lý cùng lên tiếng đáp lời, dàn hàng tiến lên. Chung Vạn Cừu gọi giật lại:
-Khoan đã, các ngươi có biết trong thạch thất kia có những ai không?
Đoàn Chính Thuần giận dữ đáp:
-Chung cốc chủ, nếu như ngươi dùng thủ đoạn tàn độc đối xử với con ta, thì phải biết ngươi cũng có vợ con chứ?
Chung Vạn Cừu cười khẩy:
-Ha ha, đúng rồi, Chung Vạn Cừu này có vợ có con cũng may không có con trai nên con trai ta không thể loạn luân với con gái ta như loài cầm thú được.
Đoàn Chính Thuần tím mặt lại quát lớn:
-Ngươi nói năng bậy bạ gì đó?
Chung Vạn Cừu đáp:
-Mộc Uyển Thanh là con tư sinh của ngươi có phải không nào?
Đoàn Chính Thuần bực tức nói:
-Thân thế của Mộc cô nương có liên quan gì đến ngươi mà ngươi lắm chuyện?
Chung Vạn Cừu cười đáp:
-Ha ha! Cái đó chưa chắc đã là lắm chuyện đâu. Họ Đoàn Đại Lý, chúa tể trời nam, làm vua một cõi, trong võ lâm cũng danh tiếng lẫy lừng. Này các vị anh hùng hảo hán, tất cả mở mắt ra mà coi, con ruột của Đoàn Chính Thuần loạn luân với nhau ở chỗ này, thành vợ thành chồng chẳng khác gì cầm thú.
Y quay sang ra hiệu cho Nam Hải Ngạc Thần, hai người liền đưa tay đẩy tảng đá chắn trước cửa thạch thất. Đoàn Chính Thuần vội giơ tay chặn lại:
-Khoan đã!
Diệp Nhị Nương và Vân Trung Hạc đồng thời xuất chưởng, chia ra hai bên tập kích. Đoàn Chính Thuần giơ chưởng lên đỡ, Cao Thăng Thái nghiêng người tiến lên gạt chưởng của Vân Trung Hạc ra ngoài. Ngờ đâu Diệp Vân hai người chỉ dùng hư chiêu, tay phải rút ngay về đánh tay trái ra trúng ngay tảng đá. Tảng đá đó tuy nặng đến mấy nghìn cân nhưng cả bốn người Chung Vạn Cừu, Nam Hải Ngạc Thần, Diệp Nhị Nương, Vân Trung Hạc cùng hợp lực lập tức lăn qua một bên. Việc này bốn người đã hẹn trước với nhau, hư hư thực thực, Đoàn Chính Thuần không cách nào có thể ngăn trở được.
Thực ra thì Đoàn Chính Thuần cũng muốn sớm gặp lại con nên không hết sức ra tay cản lại. Chỉ thấy tảng đá lăn qua rồi để lộ một cái cửa, nhìn vào chỉ thấy tối om om, không biết bên trong có những gì.
Chung Vạn Cừu cười nói:
-Cô nam quả nữ cởi trần cởi truồng ở trong một căn phòng tối tăm thế này, làm gì còn trong trắng cho nổi? Ha ha, ha ha! Mọi người xem đây!
Trong khi Chung Vạn Cừu còn đang cười sằng sặc thì một thanh niên đầu tóc bù xù, thân trên cởi trần chạy ra chính là Đoàn Dự. Chàng chỉ mặc một cái quần cộc, lộ cả hai đùi, tay bồng một cô gái, người con gái nép vào người chàng, trên người cũng chỉ mặc một chiếc áo cánh, hở cả tay cả đùi lẫn làn da trắng nõn sau lưng.
Bảo Định Đế mặt đỏ như gấc chín, thẹn không để đâu cho hết. Đoàn Chính Thuần cúi đầu không dám ngẩng lên còn Đao Bạch Phượng hai mắt nhòa lệ, lẩm bẩm:
-Oan nghiệt! Oan nghiệt!
Cao Thăng Thái vội cởi trường bào định choàng lên người Đoàn Dự còn Mã Ngũ Đức muốn lấy lòng anh em họ Đoàn vội vàng tiến lên lấy thân che cho chàng. Nam Hải Ngạc Thần quát lớn:
-Thằng khốn kiếp kia, cút ra mau.
Chung Vạn Cừu cười ha hả cực kỳ đắc ý, đột nhiên tiếng cười tắt lịm, ngưng bặt rồi chuyển thành tiếng kêu thất thanh:
-Linh nhi, ngươi đấy ư?
Quần hào nghe tiếng kêu của y, ai nấy rùng mình, chỉ thấy Chung Vạn Cừu chen ngay lên trước mặt Đoàn Dự, giơ tay đoạt lấy cô gái chàng đang bồng trên tay. Bấy giờ ai nấy đều nhìn rõ mặt cô gái đó rồi, thấy nàng trẻ hơn Mộc Uyển Thanh, thân hình cũng nhỏ nhắn hơn, mặt chưa hết vẻ ngây thơ, nào có phải Mộc Uyển Thanh mà là Chung Linh, con gái của Chung Vạn Cừu.
Đoàn Dự mơ mơ màng màng nhìn thấy chung quanh đầy người, nhận ra bá phụ và cha mẹ mình trong đó, vội vàng đưa Chung Linh cho Chung Vạn Cừu ôm, kêu lên:
-Mẹ, bá phụ, cha!
Đao Bạch Phượng nhào lên ôm chàng vào lòng hỏi dồn:
-Dự nhi, con … con có sao không?
Đoàn Dự chân tay cuống quít đáp:
-Con … con cũng không biết nữa!
Chung Vạn Cừu có ngờ đâu hại người lại hại chính mình, người con gái Đoàn Dự ôm từ trong thạch thất ra lại là con gái của y. Y ngơ ngẩn một hồi, bỏ con xuống. Chung Linh lúc này chỉ mặt một chiếc áo cánh và một chiếc quần lót bỗng thấy chung quanh đông người như thế, mặt đỏ bừng. Chung Vạn Cừu cởi ngay trường bào ra chùm lên người cô ta, thẳng tay tát một cái khiến cô bé má sưng vù lên, chửi con:
-Đồ mặt dầy! Ai cho mày ở một chỗ với thằng tiểu súc sinh kia?
Chung Linh bị oan tầy liếp, khóc òa lên nhưng không biết cách nào biện bạch. Chung Vạn Cừu vội nghĩ ra: “Mộc Uyển Thanh rõ ràng bị nhốt trong thạch thất, nàng ta đâu có thể nào đẩy nổi tảng đá ắt là vẫn còn ở trong này, mình gọi cô ta ra chia bớt cái nhục cho Linh nhi”. Y liền lớn tiếng gọi:
-Mộc cô nương, mau ra đây!
Y liên tiếp gọi mấy lần, trong thạch thất không nghe tiếng gì cả. Chung Vạn Cừu xông vào, căn phòng chỉ độ vuông vức một trượng, nhìn chung quanh nào có thấy một ai. Chung Vạn Cừu tức đến vỡ lồng ngực, quay mình đi ra lại vung tay đánh con quát lớn:
-Ta phải đánh chết con nhãi thối này!
Từ bên cạnh một người vung tay ra, ngón tay vô danh và ngón tay út phất vào cổ tay y. Chung Vạn Cừu vội vàng rụt tay về tránh, thấy người ngăn mình lại chính là Đoàn Chính Thuần nên nổi cáu:
-Ta dạy con ta, có liên can gì đến mi?
Đoàn Chính Thuần cười hì hì đáp:
-Chung cốc chủ quả thật ưu đãi con tôi quá, sợ y ở một mình không ai bầu bạn nên sai lệnh ái thiên kim đến tiếp, tại hạ cảm kích xiết bao. Nếu đã như thế lệnh ái nay đã thành người của họ Đoàn rồi, tại hạ đâu thể không can thiệp.
Chung Vạn Cừu nổi giận đáp:
-Cái gì mà bảo là người họ Đoàn?
Đoàn Chính Thuần cười nói:
-Lệnh ái ở trong thạch thất với tiểu nhi cũng đã lâu. Cô nam quả nữ cởi trần cởi truồng ở trong một căn phòng tối tăm thế này, làm gì còn trong trắng cho nổi? Con ta là thế tử Trấn Nam Vương tuy chưa chắc đã lấy con gái ngươi làm chính phi được, nhưng năm thê bảy thiếp có gì mà chẳng xong? Ta với ông thế cũng là chỗ thông gia rồi còn gì? Ha ha! Ha ha! Ha ha ha!
Chung Vạn Cừu nổi cơn cuồng nộ nhịn không nổi liền xông tới vù vù đánh ra liên tiếp ba chưởng. Đoàn Chính Thuần vẫn cười sằng sặc nhưng chiêu nào cũng hóa giải được. Quần hào ai nấy nghĩ thầm: “Họ Đoàn Đại Lý quả nhiên lợi hại thật, không biết họ dùng cách nào mà đem được con gái Chung cốc chủ nhốt chung ở trong thạch thất. Chung Vạn Cừu ở trong nước Đại Lý đâu có dễ gì mà gây sự với Đoàn gia, chỉ thêm khốn khổ”.
Thì ra việc này chính là bọn ba người Hoa Hách Cấn làm. Hoa Hách Cấn bắt được Chung Linh đem xuống hầm rồi, vốn cũng chỉ để cô ta khỏi tiết lộ bí mật địa đạo, về sau nghe vợ chồng Chung Vạn Cừu đối đáp, mới hay Chung Vạn Cừu và thái tử Diên Khánh sắp đặt mưu kế ác độc cốt làm bại hoại thanh danh họ Đoàn. Ba người ở dưới hầm khẽ thương nghị thấy chuyện này liên quan trọng đại thật là khẩn cấp. Đợi cho Chung phu nhân đi khỏi rồi, Ba Thiên Thạch liền lẻn ra ngoài thi triển khinh công, đo đạc kỹ càng phương hướng cùng khoảng cách tới thạch thất để Hoa Hách Cấn đào hầm một lần nữa. Cả bọn ra sức đào thêm một đêm, đến sáng hôm sau mới đến bên dưới căn nhà đá.
Hoa Hách Cấn đào lên căn phòng thấy Đoàn Dự đang lòng vòng chạy lồng lên như người điên nên đưa tay ra tính giữ lại. Ngờ đâu thân pháp Đoàn Dự vừa nhanh nhẹn vừa quái dị, không làm sao bắt được. Ba Thiên Thạch và Phạm Hoa cùng chui ra hợp lực vây quanh dồn chàng vào giữa. Thạch thất quá nhỏ, Đoàn Dự không còn cách nào chạy trốn, Hoa Hách Cấn vừa nắm được cổ tay chàng bỗng thấy rùng mình một cái chẳng khác gì chạm vào một khối than đỏ vội vàng hết sức giữ lại cố kéo chàng xuống hầm chạy cho nhanh. Ngờ đâu y vừa sử kình, chân khí trong người lập tức cuồn cuộn tuôn ra, nhịn không nổi phải kêu “Ối chao” một tiếng. Ba Thiên Thạch và Phạm Hoa nắm tay Hoa Hách Cấn lôi ra, ba người cùng kéo mới thoát ra khỏi sức hút của Bắc Minh thần công. Công lực của Tam Công nước Đại Lý so với mấy đệ tử phái Vô Lượng cao hơn nhiều, lại phản ứng rất nhanh, ứng biến thần tốc nhưng cả ba cũng sợ đến toát mồ hôi lạnh, trong bụng nghĩ thầm: “Tà pháp của thái tử Diên Khánh ghê gớm thật”. Họ không còn dám đụng đến người Đoàn Dự nữa.
Đang lúc chưa biết tính sao bên ngoài có tiếng người xôn xao, nghe thấy tiếng Bảo Định Đế, Trấn Nam Vương cùng mọi người, xen tiếng của Chung Vạn Cừu đang huênh hoang. Phạm Hoa chợt nghĩ ngay ra: “Gã Chung Vạn Cừu này thật là khả ố, mình phải cho y một trận mới được”.
Nghĩ rồi liền cởi áo ngoài của Chung Linh cho Mộc Uyển Thanh mặc vào rồi ôm Chung Linh giao cho Đoàn Dự thần trí nửa tỉnh nửa mê liền đón lấy, bọn Hoa Hách Cấn liền kéo Mộc Uyển Thanh chui vào hang, đóng nắp lại không còn chút dấu vết nào mà kiếm cho ra.
Bảo Định Đế đâu ngờ việc lại xảy ra như thế, thấy cháu mình không việc gì nên cũng khoan tâm lại thêm tức cười, nhất thời không sao nghĩ ra đầu đuôi câu chuyện, nhớ tới Hoàng Mi tăng và thái tử Diên Khánh đang đấu nội lực, đến lúc nghìn cân treo trên sợi tóc, chỉ sơ sẩy một chút là nguy đến tính mạng nên quay lại xem hai người ra sao. Chỉ thấy nhà sư trên trán mồ hôi thành từng hạt như hạt đậu, rơi tong tỏng xuống bàn cờ, còn thái tử Diên Khánh thần sắc vẫn như thường, tưởng chừng không có việc gì cả hiển nhiên ai thắng ai thua đã rõ ràng.
Đoàn Dự thần trí vừa tỉnh táo trở lại liền quan tâm ngay đến bàn cờ ai hơn ai thua, đi đến bên cạnh hai người, ngồi xem kỳ cục, thấy Hoàng Mi tăng nước đi đã lâm vào thế bí, thái tử Diên Khánh đặt thêm một quân lập tức nhà sư không còn nước nào mà đi nữa, chỉ còn nước chịu thua. Thái tử Diên Khánh giơ đầu gậy sắt ra toan điểm xuống bàn cờ nước cuối cùng, nơi đầu gậy chỉ vào chính là quan yếu kết thúc trận đấu, Hoàng Mi tăng không còn cách nào gỡ được. Đoàn Dự hốt hoảng nghĩ thầm: “Mình phải phá rối y mới được”, chàng bèn giơ tay chộp lấy đầu cây gậy.
Gậy của thái tử Diên Khánh đang định để vào Thượng Vị ở điểm tam thất, bỗng thấy bàn tay giật một cái, cánh tay đang vận sức thế như cung căng hết giây, chân lực bỗng nhiên tuôn ra cuồn cuộn. Y kinh hãi không sao kể xiết, liếc mắt ngó qua, thấy hai ngón tay tro và ngón tay cái của Đoàn Dự đang cầm vào đầu gậy. Đoàn Dự chỉ muốn đẩy đầu gậy qua một bên không để cho y đặt quân xuống nước kết thúc nhưng thiết trượng tưởng chừng như đóng chặt trên không trung, không lay chuyển chút nào. Chàng sử kình đẩy mạnh qua, nội lực của thái tử Diên Khánh theo huyệt Thiếu Thương của chàng tuôn vào cơ thể.
Thái tử Diên Khánh còn đang kinh ngạc, trong bụng nghĩ thầm: “Đây là Hóa Công đại pháp của Đinh lão quái Tinh Tú Hải”. Y bèn vận khí xuống đan điền đưa kình lên khắp cánh tay, thiết trượng lập tức có một luồng lực đạo mạnh kinh hồn, rung mạnh một cái, hất văng bàn tay của Đoàn Dự ra ngoài.
Đoàn Dự thấy nửa người ê ẩm dường như muốn ngất đi, thân hình lảo đảo mấy cái, đưa tay chống xuống tảng đá xanh mới gượng lại được. Thế nhưng luồng nội kình hồn hậu của thái tử Diên Khánh phát ra có đến gần một nửa như hòn đá rơi vào bể cả, không biết mất tăm mất tích nơi đâu. Y trong bụng kinh hãi không để đâu cho hết, thiết trượng lao xuống điểm đúng ngay Thượng Vị ở điểm thất bát. Chỉ vì Đoàn Dự ra tay ngăn trở, nội lực của y không còn thu phát được như ý muốn nên khi chọc xuống vẫn còn dư kình tống một cái mạnh. Thái tử Đại Lý kêu thầm: “Hỏng rồi!” vội nhắc gậy lên nhưng ngay chỗ giao điểm hai đường thất bát đã có một cái lỗ nhỏ.
Phàm cao thủ đánh cờ ai cũng theo luật “hạ cờ rồi không gượng lại”, huống chi đã khắc đá làm bàn cờ, đục đá làm quân, nội lực đến đâu đá nát tới đó làm sao có thể bỏ đi không tính? Thế nhưng Thượng Vị ở điểm bảy tám theo phép đánh cờ là che một mắt mình lại, ai biết đánh cờ cũng hiểu “hai mắt là sống, một mắt là chết”. Bàn cờ này thái tử Diên Khánh đang ở thế “hai mắt” là thế để tấn công Hoàng Mi tăng, lẽ nào lại tự chọc mù một mắt mình? Thành thử đi nước này thật không hợp phép đánh cờ có khác gì kẻ mới tập đánh?
Thái tử Diên Khánh kêu thầm: “Cờ đi nhầm một nước là thua cả bàn, phải chăng đây cũng là ý trời mà ra?”. Y là người thân phận tiếng tăm không thể nào tranh chấp với Hoàng Mi tăng thêm nữa, lập tức đứng phắt dậy, hai tay chống xuống phiến đá chăm chăm nhìn một hồi lâu. Đa số quần hào chưa từng gặp y thấy thần tình kỳ quái đều chú mục nhìn vào. Chỉ thấy y nhìn một lát đột nhiên không nói lời nào cầm thiết trượng điểm xuống đất, chẳng khác gì người đi cà khêu, bước đi thật dài bỏ đi mất.
Chỉ nghe lách cách mấy tiếng, phiến đá xanh rung động lắc lư vỡ ra thành bảy tám mảnh nằm ngổn ngang, bàn cờ chấn động cổ kim kia không còn ở trên đời này nữa. Quần hào kinh hoảng kêu lên, nhìn nhau thất sắc, ngoại trừ Bảo Định Đế, Hoàng Mi tăng và tam đại ác nhân ra, ai nấy nghĩ thầm: “Gã áo xanh người không ra người, quỉ không ra quỉ, sống dở chết dở này võ công sao ghê gớm đến thế”.
Hoàng Mi tăng may mà thắng được ván cờ, hai tay ôm gối, ngơ ngẩn xuất thần, nghĩ lại tình trạng đầy gian hiểm vừa qua, trong lòng khó mà có thể trấn tĩnh, không hiểu vì sao thái tử Diên Khánh đang thắng rõ ràng lại để một quân cờ bịt mắt mình lại. Không lẽ y thấy Đoàn Chính Minh và các cao thủ đến nên sợ bị vây đánh đành phải chịu thua đào tẩu? Thế nhưng người phe y cũng đâu phải ít đánh chưa chắc đã thua.
Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái cả bọn không hiểu ra sao, thế nhưng cứu được Đoàn Dự rồi, thanh danh họ Đoàn cũng không tổn hại, thái tử Diên Khánh đánh cờ thua bỏ đi, chuyến này coi như toàn thắng, những chuyện không hiểu rõ cũng chẳng cần tra cứu làm gì. Đoàn Chính Thuần nhìn Chung Vạn Cừu cười:
-Chung cốc chủ, lệnh ái đã thành cơ thiếp của tiểu nhi rồi, nay mai sẽ sai người đến đón dâu. Ngu phu phụ thể nào cũng đối đãi tử tế coi như con ruột, cốc chủ cứ yên tâm.
Chung Vạn Cừu đang cơn tức chưa biết đổ đi đâu, nghe Đoàn Chính Thuần châm chọc, soẹt một tiếng, rút ngay thanh đao đeo bên người, chém thẳng xuống đầu Chung Linh, quát lên:
-Tức muốn chết được, ta giết con tiện nhân này rồi tính sau.
Bỗng một người cao nghệu nhảy vụt tới, nhanh nhẹn dị thường bồng ngay Chung Linh như một làn gió chạy vụt đi, phút chốc đã ra ngoài mấy trượng. Bụp một tiếng đao của Chung Vạn Cừu bổ ngay xuống đất, thấy kẻ ôm Chung Linh chạy đi chính là Cùng Hung Cực Ác Vân Trung Hạc bèn gầm thét:
-Ngươi … ngươi làm trò gì đó?
Vân Trung Hạc cười đáp:
-Con gái ngươi ngươi không muốn giữ nữa, muốn chém nó chết thì để tặng cho ta.
Vừa nói y vừa chạy vọt xa thêm mấy trượng. Y biết rằng Bảo Định Đế và Hoàng Mi tăng võ công cao hơn mình nhiều, Đoàn Chính Thuần và Cao Thăng Thái cũng là những tay đáng kể nên đã tính đường ôm được Chung Linh là chạy luôn, thấy Ba Thiên Thạch không có ở nơi đây, mình chỉ cần thi triển khinh công trong đám này không ai đuổi kịp.
Chung Vạn Cừu biết y khinh công rất cao cường, chỉ đành nhảy đong đỏng, ngoạc mồm chửi bới. Cả bọn Bảo Định Đế hôm trước thấy y cùng Ba Thiên Thạch hai người chạy vòng quanh nhà, bây giờ thấy y ôm thêm Chung Linh nhưng nhún nhẩy vẫn nhanh như thường, biết rằng không thể nào làm gì y được. Đoàn Dự chợt động tâm kêu lên:
-Nhạc lão tam, sư phụ ra lệnh cho ngươi mau đoạt tiểu cô nương kia về.
Nam Hải Ngạc Thần ngơ ngẩn, gắt lên:
-Con mẹ ngươi chứ, nói cái gì thế?
Đoàn Dự đáp:
-Ngươi bái ta làm thầy, đã khấu đầu rồi định nuốt lời chăng? Lời ngươi là hơi rắm chăng? Ngươi muốn thành đồ khốn kiếp đê tiện chăng?
Nam Hải Ngạc Thần trợn mắt quát lớn:
-Ta nói ra là phải giữ lời, ngươi là sư phụ ta thì đã sao? Ông mà nổi nóng, đến sư phụ cũng chém một đao chết tươi bây giờ.
Đoàn Dự nói:
-Ngươi nhận thế cũng hay. Tiểu cô nương họ Chung kia là vợ ta, tức là sư nương của ngươi, mau mau đoạt lại đem về cho ta. Nếu Vân Trung Hạc làm nhục nàng tức là làm nhục sư nương ngươi thì thật đê hèn quá lắm, không còn anh hùng hảo hán chút nào.
Nam Hải Ngạc Thần ngẫm nghĩ thấy lời nói đó quả có lý, bỗng nghĩ ra Mộc Uyển Thanh là vợ của y rồi, sao Chung cô nương này cũng là vợ nữa, bèn hỏi:
-Thế thì ta có cả thảy bao nhiêu sư nương?
Đoàn Dự đáp:
-Ngươi chớ có hỏi lôi thôi, nói trắng ra nếu ngươi không đoạt về được, ngươi sẽ bị giáng xuống làm đệ ngũ ác nhân, không chừng là đệ lục ác nhân.
Nếu tên của Nam Hải Ngạc Thần bị đặt dưới Vân Trung Hạc thì thà giết y đi còn hơn, y rống lên một tiếng, co giò chạy đuổi theo Vân Trung Hạc, kêu lên:
-Mau bỏ sư nương ta xuống.
Vân Trung Hạc chạy vọt lên trước, kêu lên:
-Nhạc lão tam thật là đồ ngốc, ngươi bị mắc hỡm người ta rồi.
Nam Hải Ngạc Thần là kẻ ưa nịnh nay trước mặt mọi người mà Vân Trung Hạc lại bảo y là đồ ngốc bị mắc hỡm người ta nên lập tức nổi cơn thịnh nộ xung thiên, gào lên:
-Nhạc lão nhị này mắc hỡm ai bao giờ?
Y lập tức đề khí rượt theo, hai người kẻ trước kẻ sau chỉ giây lát đã khuất sau một triền núi. Chung Vạn Cừu nổi giận vung đao chém con bây giờ thấy nàng bị ác đồ bắt đi mất, dẫu sao cũng cha con nghĩa nặng, lại nghĩ nếu như vợ hỏi biết trả lời sao cho xuôi, trong bụng hốt hoảng cũng xách đao đuổi theo.
Kế đến Bảo Định Đế cũng cùng quần hào chia tay, cả đoàn người rời Vạn Kiếp Cốc quay về phủ Trấn Nam Vương thành Đại Lý. Hoa Hách Cấn, Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch từ trong phủ đi ra nghênh tiếp, bên cạnh là một thiếu nữ ăn mặc sang trọng mặt mày xinh xắn chính là Mộc Uyển Thanh.
Phạm Hoa bẩm lại sơ qua cho Bảo Định Đế việc Hoa Hách Cấn đào địa đạo đem Chung Linh bỏ vào thạch thất, cứu được Mộc Uyển Thanh ra sao, mọi người mới hay Chung Vạn Cừu hại người không xong quay lại tự hại mình là do như thế, ai nấy cười ha hả.
Âm Dương Hòa Hợp Tán kia tuy dược tính mãnh liệt thật nhưng không phải là thuốc độc, Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh chỉ cần uống vài viên thuốc giải nhiệt, uống mấy bát nước lã là tiêu giải ngay.
Tới trưa vương phủ thiết yến, mọi người cao hứng nói chuyện ở Vạn Kiếp Cốc, ai nấy đều đồng ý chuyến này Hoàng Mi tăng và Hoa Hách Cấn hai người công lao to hơn cả, nếu như không có Hoàng Mi tăng cầm chân được Đoàn Diên Khánh thì việc đào hầm thể nào cũng bị y phát giác.
Đao Bạch Phượng đột nhiên nói:
-Hoa đại ca, tôi còm muốn đại ca cất công thêm một phen nữa.
Hoa Hách Cấn đáp:
-Vương phi sai bảo gì chúng tôi xin tuân lệnh.
Đao Bạch Phượng đáp:
-Xin đại ca sai người đi lấp cái đường hầm đó lại.
Hoa Hách Cấn ngạc nhiên không hiểu nguyên do ra sao nhưng cũng đáp:
-Vâng!
Đao Bạch Phượng lườm Đoàn Chính Thuần nói:
-Cái hầm đó thông vào cư thất của Chung phu nhân, nếu không lấp đi trong đám mình ắt có một vị nhân huynh tối nào cũng theo đó mà lẻn vào.
Mọi người cười ha hả. Mộc Uyển Thanh thì cứ chốc chốc lại nhìn trộm Đoàn Dự một cái, mỗi khi bốn mắt chạm nhau, hai người đều quay đi. Nàng biết rằng kiếp này không còn cách gì có thể cùng chàng nên duyên chồng vợ, nghĩ lại mấy ngày qua hai người cùng nhau ở trong thạch thất không khỏi đau lòng. Mọi người bàn tiếp chuyện Chung Linh sẽ thành cơ thiếp của Đoàn Dự, tuy nàng bị Vân Trung Hạc bắt đi nhưng Nam Hải Ngạc Thần và Chung Vạn Cừu hai người liên thủ thể nào cũng cứu nàng về được. Bảo Định Đế cũng dặn Chử, Cổ, Phó, Chu bốn người ăn trưa xong sẽ đi thám thính tin tức Chung Linh tìm cách bảo vệ. Mộc Uyển Thanh càng nghe càng căm tức từ trong bọc lấy ra chiếc hộp vàng nhỏ, chính là tín vật mà hôm trước Chung phu nhân giao cho Đoàn Dự yêu cầu về nhờ phụ thân đi cứu Chung Linh để trước mặt Đoàn Chính Thuần nói:
-Cam Bảo Bảo đưa cho ông vật này!
Đoàn Chính Thuần ngạc nhiên hỏi lại:
-Cái gì thế?
Mộc Uyển Thanh hậm hực đáp:
-Đó là ngày sinh tháng đẻ của con nhãi Chung Linh.
Nói rồi chỉ vào Đoàn Dự:
-Cam Bảo Bảo nhờ anh ấy đưa lại cho ông.
Đoàn Chính Thuần cầm cái hộp, trong lòng chua xót, đã sớm nhận ra đây chính là cái hộp ông đã tặng cho Cam Bảo Bảo đêm hôm hai người gặp gỡ. Ông mở hộp ra thấy bên trong là một mảnh giấy nhỏ màu hồng, trên viết một hàng chữ nhỏ: “Giờ Sửu, ngày mồng năm, tháng Chạp năm Ất Mùi”, nét nghiêng nghiêng ngả ngả chính là thủ bút của Cam Bảo Bảo.
Đao Bạch Phượng lạnh lùng nói:
-Thế thì tốt quá rồi, người ta đã gửi sinh thần bát tự đến rồi đó.
Đoàn Chính Thuần lật tờ giấy lại thấy phía sau viết mấy hàng chữ thật nhỏ: “Đau lòng mỏi mòn chờ đợi, bao nhiêu mơ ước tan ra mây khói. Ngặt vì con không lẽ không cha, mười sáu năm xưa ngày đêm khắc khoải mong chàng, việc chẳng đặng đừng, đến tháng năm năm Ất Mùi về nhà họ Chung”. Nét chữ mảnh mai nếu không ghé mắt nhìn kỹ dường như không nhìn ra được. Đoàn Chính Thuần nghĩ đến mối thâm tình của Cam Bảo Bảo đôi mắt không khỏi đỏ hoe, đột nhiên chợt nghĩ ra ngay hàm nghĩa của những hàng chữ này:
Bảo Bảo tháng năm năm Ất Mùi lấy chồng, vậy mà Chung Linh ngày mồng năm tháng mười hai năm đó đã sinh, hẳn không phải con của Chung Vạn Cừu. Bảo Bảo mòn mỏi trông chờ nhưng ta không đến nói là “con không lẽ không cha”, lại thêm “việc chẳng đặng đừng” nên mới phải xuất giá, ắt cũng bởi vì nàng đang mang thai không thể để xẩy ra cảnh không chồng mà chửa. Thế ra Chung Linh chính là con ta, đúng rồi … đúng rồi … vào thời gian đó, mùa xuân mười sáu năm về trước ta cùng nàng vui vầy chưa đầy một tháng đã có thai con bé Chung Linh …
Ông nghĩ ra việc đó buột miệng kêu lên:
-Chao ôi! Không xong rồi!
Đao Bạch Phượng hỏi lại:
-Cái gì mà không xong?
Đoàn Chính Thuần lắc đầu, cười gượng:
-Gã Chung Vạn Cừu kia … gã kia tâm tính tồi bại, sắp xếp độc kế hại cả nhà họ Đoàn ta, mình không thể nào … không thể nào thông gia với y được. Việc này nhất định là không xong rồi.
Đao Bạch Phượng thấy chồng ấp a ấp úng, hẳn là có điều gì muốn lấp liếm nên cầm lấy tờ giấy hồng điều trong tay ông đọc qua, chỉ hơi suy nghĩ đã hiểu ngay đầu đuôi câu chuyện, nhịn không nổi cười khẩy nói:
-Thì ra … thì ra … ha ha, con bé Chung Linh cũng lại là con riêng của ông nốt.
Lửa giận bốc lên, bà lật tay tát ngay ông một cái, Đoàn Chính Thuần vội nghiêng đầu né tránh. Trong sảnh ai nấy đều sượng sùng, Bảo Định Đế mỉm cười:
-Nếu quả như thế thì việc này không nên bàn tới nữa …
Bỗng từ ngoài sảnh một gia tướng đi vào, hai tay trình lên một tờ danh thiếp, khom lưng nói:
-Hổ Lao Quan Quá Ngạn Chi Quá đại gia xin vào yết kiến vương gia.
Đoàn Chính Thuần biết Quá Ngạn Chi là đại đệ tử của Kha Bách Tuế, chưởng môn phái Phục Ngưu, có ngoại hiệu là Truy Hồn Tiên, nghe nói võ công cũng khá lắm có điều trước nay chưa hề qua lại với họ Đoàn, không biết đường xá xa xôi đến đây làm gì, vội vàng đứng lên quay sang nói với Bảo Định Đế:
-Người này không biết đến có chuyện chi để tiểu đệ ra xem thế nào.
Bảo Định Đế mỉm cười gật đầu, nghĩ thầm: “Gã Truy Hồn Tiên này đến quả đúng lúc, may cho ngươi thừa cơ thoát thân”. Đoàn Chính Thuần đi ra khỏi hoa sảnh, Cao Thăng Thái và Chử, Cổ, Phó, Chu đi theo sau. Vừa bước vào đại sảnh thấy ngay một người đàn ông cao to ngồi ở chiếc ghế phía tây, mặc đồ tang đầu đội nón sô gai, mặt mày đầy bụi bậm, hai mắt sưng húp, hiển nhiên nhà có người chết, thấy Đoàn Chính Thuần đi vào lập tức đứng lên cung thân hành lễ nói:
-Hà Nam Quá Ngạn Chi bái kiến vương gia.
Đoàn Chính Thuần hoàn lễ đáp:
-Quá lão huynh quang lâm Đại Lý, tiểu đệ Đoàn Chính Thuần không kịp ra xa nghênh tiếp, mong thứ tội cho.
Quá Ngạn Chi nghĩ thầm: “Vẫn thường nghe anh em họ Đoàn Đại Lý tuy đại phú quí nhưng không kiêu ngạo, quả thật danh bất hư truyền”. Y bèn nói:
-Quá Ngạn Chi này là kẻ thất phu thảo dã, xin cầu kiến vương gia quả là mạo muội.
Đoàn Chính Thuần nói:
-Tước vị “vương gia” chẳng qua chỉ do người đời đặt ra, còn tiếng tăm của Quá lão huynh thì tại hạ vẫn hằng kính ngưỡng, chúng mình nên coi như anh em việc gì phải nệ vào hư lễ như thế.
Nói xong giới thiệu Cao Thăng Thái rồi chia ra ngôi chủ khách ngồi xuống. Quá Ngạn Chi nói:
-Vương gia, sư thúc chúng tôi ở nhờ trong vương phủ đã lâu cũng mong được báo cho biết để xin gặp mặt.
Đoàn Chính Thuần ngạc nhiên hỏi lại:
-Sư thúc của Quá huynh ư?
Ông nghĩ thầm: “Trong phủ ta làm gì có người của phái Phục Ngưu đâu?”. Quá Ngạn Chi đáp:
-Tệ sư thúc đổi tên thay họ, tị nạn trong tôn phủ, không dám nói rõ cho vương gia hay, quả thực đại đại bất kính, mong vương gia khoan hồng đại lượng đừng trách phạt, tại hạ xin tạ tội nơi đây.
Nói xong đứng lên vái dài. Đoàn Chính Thuần một mặt hoàn lễ, một mặt tính toán nhưng quả thực không nghĩ ra được ai là sư thúc của y? Cao Thăng Thái cũng suy nghĩ: “Ai đấy nhỉ? Ai đấy nhỉ?”. Ông duyệt qua hết một loạt tất cả mọi người lẫn tên tuổi chợt nhớ ra: “Chắc hẳn là y rồi!” bèn quay sang tên gia đinh bên cạnh nói:
-Đến trướng phòng mời Hoắc tiên sinh nói là Hà Nam Truy Hồn Tiên Quá đại gia đến đây có chuyện quan trọng bẩm với Kim Toán Bàn Thôi lão tiền bối, mời quá bộ ra ngoài sảnh.
Gã gia đinh tuân lời đi vào, chẳng bao lâu từ hậu đường có tiếp bước chân lẹp xẹp của một người ra vẻ lôi thôi nói:
-Ngươi làm thế này thì cái miệng ăn chực của ta kể như hết chỗ rồi.
Đoàn Chính Thuần nghe nói đến Kim Toán Bàn Thôi lão tiền bối, sắc mặt hơi đổi nghĩ thầm: “Không lẽ Kim Toán Bàn Thôi Bách Tuyền lại ẩn náu nơi đây? Sao ta lại không biết? Sao Cao hiền đệ không cho mình hay?”. Chỉ thấy một người hình dáng bệ rạc cười hì hì đi ra, chính là người làm tạp vụ trong trướng phòng Hoắc tiên sinh. Người này nếu như ngày ngày không say túy lúy thì cũng cùng bọn đầy tớ bài bạc, thật là biếng nhác, chỉ vì y được cái tiền bạc phân minh nên hơn mười năm nay vẫn để y làm ở đó. Đoàn Chính Thuần hết sức kinh ngạc: “Hoắc tiên sinh này có thực là Thôi Bách Tuyền không? Ta đúng là có mắt không tròng, để cho gã cách nào trà trộn vào đây?”. Cũng may Cao Thăng Thái mở miệng gọi đúng ngay y ra, Quá Ngạn Chi ắt nghĩ rằng trong phủ Trấn Nam Vương đều đã biết cả”.
Gã Hoắc tiên sinh kia vốn dĩ bảy phần say, ba phần tỉnh, đầu óc lúc nào cũng mơ mơ màng màng, vừa thấy Quá Ngạn Chi mặc đồ tang không khỏi giật mình kinh hãi, ấp úng:
-Ngươi … sao lại …
Quá Ngạn Chi tiến lên mấy bước, phục xuống vái lạy, cất tiếng khóc òa lên nói:
-Thôi sư thúc, sư phụ … sư phụ của cháu … đã bị người ta giết chết rồi …
Gã Hoắc tiên sinh Thôi Bách Tuyền kia mặt liền biến sắc, khuôn mặt gầy gò vàng ệch đầy vẻ cảnh giác, thủng thẳng hỏi:
-Kẻ thù là ai thế?
Quá Ngạn Chi khóc nói:
-Tiểu điệt bất tài nên không tra xét được cho minh bạch kẻ thù là ai nhưng đoán chừng là người của nhà Mộ Dung đất Cô Tô.
Trên mặt Thôi Bách Tuyền hiện ra một vẻ hoảng hốt nhưng nét sợ hãi chỉ thoáng qua, trầm giọng hỏi:
-Việc này cần phải bàn thảo cho kỹ.
Đoàn Chính Thuần và Cao Thăng Thái hai người nhìn nhau cùng nghĩ: “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung, phái Phục Ngưu gây thù chuốc oán với họ Mộ Dung đất Cô Tô, thù này e rằng khó mà báo được”. Thôi Bách Tuyền buồn bã nói với Quá Ngạn Chi:
-Quá hiền điệt, sư huynh ta bỏ mang qui tiên như thế nào, tình hình ra sao, ngươi thuật lại cho rõ.
Quá Ngạn Chi đáp:
-Thù thầy cũng chẳng khác gì thù cha, một ngày chưa báo, tiểu điệt ăn ngủ không yên. Xin sư thúc lập tức lên đường, vừa đi tiểu điệt vừa bẩm lại để khỏi mất thì giờ.
Thôi Bách Tuyền đoán chừng y hiềm đại sảnh có nhiều tai mắt không tiện nói ra chứ không phải chỉ cốt để tranh thủ một giờ một khắc, trong bụng tính toán: “Ta ở nhờ trong phủ Trấn Nam Vương đã lâu năm không lộ hình tích có ngờ đâu Cao hầu gia lại khám phá ra hành tàng của ta. Nếu ta không lên tiếng xin lỗi Đoàn vương gia thì thật có tội lớn với nhà họ Đoàn. Huống chi việc tìm kiếm họ Mộ Dung để báo thù cho sư huynh, sức một mình ta không thể nào làm được. Nếu được họ Đoàn cho người giúp đỡ thì tình hình sẽ khác hẳn. Bên thù bên bạn như thế thật khác nhau xa”. Y đột nhiên đi đến trước mặt Đoàn Chính Thuần, quì xuống liên tiếp khấu đầu, tiếng nghe bình bịch.
Việc đó quả ngoài dự liệu của mọi người, Đoàn Chính Thuần vội vàng đưa tay đỡ lên, ngờ đâu thân hình Thôi Bách Tuyền chẳng khác gì đóng chặt xuống đất, cứng nhắc không động đậy. Đoàn Chính Thuần nghĩ thầm: “Gã tửu quỉ này gớm thật, hóa ra võ công cao siêu như thế, đám đánh lừa ta”. Ông vận kình lên hai cánh tay hất lên, Thôi Bách Tuyền không dám vận lực kháng cự lại nữa thừa thế đứng lên nhưng vừa đứng thẳng người thấy toàn thân thật là khó chịu, thật chẳng khác nào một chiếc thuyền con đang bị vùi dập trong cơn sóng to gió cả, biết là Đoàn Chính Thuần ra tay trừng trị mình. Y nghĩ thầm nếu như mình vận công đề ngự cơn giận của Trấn Nam Vương ắt sẽ chẳng tiêu, không chừng còn nghi mình vào trong vương phủ nằm vùng, có mưu đồ chuyện gì gian ác nên thừa cơ chân khí trong người còn nhộn nhạo lập tức ngồi thụp xuống, thuận thế ngã lăn ra dùng ra làm như đau đớn lắm kêu lên:
-Ối chao!
Đoàn Chính Thuần mỉm cười, đưa tay kéo y lên, vừa kéo vừa véo y một cái, lập tức khó chịu trong người y liền tiêu giải. Thôi Bách Tuyền nói:
-Bẩm vương gia, Thôi Bách Tuyền này bị kẻ thù bức bách không có chỗ nào dung thân, nên phải mặt dày mày dạn trốn trong quí phủ để dựa uy danh vương gia mới sống được đến hôm nay. Thôi Bách Tuyền chưa từng thổ lộ chân tướng cho vương gia hay biết, quả thực đáng chết vạn lần.
Cao Thăng Thái tiếp lời:
-Thôi huynh việc gì phải quá khiêm tốn như thế? Vương gia vốn dĩ biết rõ lai lịch thân thế các hạ rồi, nhưng vì Thôi huynh kín đáo không tiết lộ nên vương gia cũng để yên không nói ra. Không lẽ vương gia biết mà người khác không biết hay sao? Hôm trước thế tử đối phó với Nam Hải Ngạc Thần chẳng đã lôi Thôi huynh ra nhận làm sư phụ đấy ư? Thế tử biết rằng trong phủ chỉ có mình Thôi huynh là có thể đương đầu được với tên ác tặc họ Nhạc.
Kỳ thực hôm đó Đoàn Dự lôi Thôi Bách Tuyền ra mạo xưng sư phụ, chẳng qua chó ngáp phải ruồi, trong phủ chỉ có y là hình dáng nhếch nhác hơn cả nên đem ra làm trò cười trêu ghẹo Nam Hải Ngạc Thần. Thế nhưng lúc này Thôi Bách Tuyền nghe thế lại càng tin rằng thật trong lòng không khỏi xấu hổ ngầm.
Cao Thăng Thái nói tiếp:
-Vương gia trước nay vốn hiếu khách, không nói Thôi huynh vốn không có ác ý âm mưu gì với Đại Lý, mà nếu như có cái bụng làm chuyện bất lợi vương gia cũng đại lượng bao dung, lấy lòng thành mà đối xử, Thôi huynh việc gì phải đa lễ.
Ông ta nói thế là có ý rằng chỉ vì ngươi không có làm điều gì xấu xa nên còn dung cho ngươi tới hôm nay, nếu không thì đã thanh toán ngươi rồi. Thôi Bách Tuyền nói:
-Cao hầu gia minh giám, tuy nói là thế nhưng họ Thôi này vì sao lại vào ở ẩn trong vương phủ, trước khi cáo từ cũng nên bẩm rõ, nếu không quả là quá ư thiếu chính đại quang minh. Có điều việc này liên quan đến nhiều người khác, Thôi Bách Tuyền xin được trình riêng cho vương gia.
Đoàn Chính Thuần gật đầu quay sang Quá Ngạn Chi nói:
-Quá huynh, thâm cừu của sư môn có liên quan trọng đại không phải là việc một ngày một giờ, chúng ta từ từ tính toán cũng không muộn.
Quá Ngạn Chi chưa kịp trả lời, Thôi Bách Tuyền đã chen vào nói trước:
-Vương gia sai bảo thế nào chúng tôi xin tuân lệnh.
Ngay lúc đó một gia tướng lại tới ngay cửa sảnh khom lưng bẩm:
-Khải bẩm vương gia, phương trượng chùa Thiếu Lâm phái hai vị cao tăng đến trình một phong thư.
Chùa Thiếu Lâm từ đời Đường tới nay được xưng là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm. Đoàn Chính Thuần vừa nghe nói thế vội vàng đứng lên, chạy ra ngoài mái hiên nghênh tiếp. Chỉ thấy hai nhà sư trung niên được hai gia tướng dẫn qua sân. Nhà sư hình dáng khô khan khom lưng chắp tay hành lễ nói:
-Tiểu tăng là Tuệ Chân, Tuệ Quan của chùa Thiếu Lâm tham kiến vương gia.
Đoàn Chính Thuần ôm quyền hoàn lễ nói:
-Hai vị đường xa quang lâm, quả thật mệt nhọc, xin mời vào sảnh dùng trà.
Đến trong sảnh hai nhà sư không chịu ngồi, Tuệ Chân nói:
-Bẩm vương gia, bần tăng phụng mệnh phương trượng tệ tự đến trình một phong thư cho Bảo Định hoàng gia và Trấn Nam Vương gia.
Nói rồi từ trong bọc lấy ra một cái bao giấy dầu, từng lớp từng lớp mở ra để lộ một bao thư màu vàng, hay tay dâng lên Đoàn Chính Thuần. Đoàn Chính Thuần cầm lấy nói:
-Hoàng huynh hiện cũng đang ở nơi đây, hai vị cũng may gặp được ngay.
Ông quay qua nói với Thôi Bách Tuyền và Quá Ngạn Chi:
-Hai vị dùng qua điểm tâm, đợi rồi mình sẽ nói chuyện cho kỹ càng.
Nói xong đưa Tuệ Chân, Tuệ Quan hai người vào trong. Lúc đó Bảo Định Đế đang ở trong noãn các cùng Hoàng Mi tăng uống trà đàm luận còn Đoàn Dự ngồi một bên lắng nghe, thấy Tuệ Chân, Tuệ Quan tiến và đều đứng cả dậy. Đoàn Chính Thuần đưa phong thư, Bảo Định Đế mở ra coi một lượt, thấy lá thư đó gửi cho hai anh em mình, bên trên là một đoạn dài những gì “nghe anh danh đã lâu nhưng chưa từng gặp”, “uy chấn trời Nam, nhân đức bao trùm”, “toàn dân ngưỡng mộ, hào kiệt theo về”, “xiển hộ Phật pháp, hoằng dương thánh đạo” vân vân những câu khách sáo nhưng khi đến chính đề thì là:
Tệ sư đệ Huyền Bi dẫn bốn người đồ đệ đến thăm quí quốc, vì tình cùng sùng kính Phật tổ, nghĩa đồng đạo trong võ lâm, mong được chiếu cố đến.
Bên dưới thự danh đề là “Thích Huyền Từ chùa Thiếu Lâm chắp tay trăm lạy”.
Bảo Định Đế đứng dậy đọc lá thư để tỏ lòng kính trọng chùa Thiếu Lâm, Tuệ Chân và Tuệ Quan cung kính đứng một bên thõng tay hầu hạ. Bảo Định Đế nói:
-Xin hai vị ngồi. Phương trượng chùa Thiếu Lâm nếu đã có pháp dụ, chúng tôi là đệ tử Phật môn, là một phái trong võ lâm, nguyện đem hết sức để tuân lệnh. Huyền Bi đại sư tinh thông Phật học, võ công cao cường, anh em chúng tôi vẫn hằng kính ngưỡng, không biết pháp giá của đại sư bao giờ mới tới? Anh em chúng tôi xin quét tháp chờ đợi.
Tuệ Chân, Tuệ Quan đột nhiên quì gục xuống, bình bình khấu đầu rồi cùng khóc òa lên. Bảo Định Đế và Đoàn Chính Thuần cùng kinh hãi, nghĩ thầm: “Không lẽ Huyền Bi đại sư chết rồi”. Bảo Định Đế đưa tay đỡ lên nói:
-Chúng mình võ lâm đồng đạo, không nên dùng đại lễ làm gì.
Tuệ Chân đứng lên quả nhiên trả lời:
-Sư phụ chúng tôi viên tịch rồi.
Bảo Định Đế nghĩ thầm: “Lá thư này vốn để Huyền Bi đại sư tự mình đem đến, không lẽ ông ta chết trong cảnh giới nước Đại Lý?”. Ông bèn nói:
-Huyền Bi đại sư tây qui, cửa Phật mất đi một cao tăng, võ lâm mất đi một cao thủ, quả thực đáng tiếc. Không biết Huyền Bi đại sư viên tịch vào ngày nào?
Tuệ Chân đáp:
-Tháng trước phương trượng sư bá được tin Thiên Hạ Tứ Đại Ác Nhân định đến gây sự với Đoàn hoàng gia và Trấn Nam Vương nước Đại Lý. Họ Đoàn Đại Lý uy chấn thiên nam, đâu có sợ gì bọn Tứ Đại Ác Nhân nhưng sợ hai vị không biết khiến chấp sự, bộ hạ có thể bị ám toán nên sai sư phụ chúng tôi dẫn bốn đệ tử đi đến Đại Lý bẩm trước cho hoàng gia để do hoàng gia sai bảo.
Bảo Định Đế hết sức cảm kích, nghĩ thầm: “Thảo nào phái Thiếu Lâm mấy trăm năm nay được mọi người kính phục, Huyền Từ đại sư coi việc an nguy của võ lâm như việc của mình, bọn ta tuy ở chốn xa xăm man di nhưng cũng quan tâm tới. Trong thư nói chúng ta chiếu cố cho thầy trò Huyền Bi đại sư nhưng thực ra là sai người đến trước là báo tin, sau là tiếp tay chống giữ “.
Ông bèn hơi khom mình nói:
-Long tình hậu ý của phương trượng đại sư, anh em chúng tôi không biết phải làm sao báo đáp cho được.
Tuệ Chân đáp:
-Hoàng gia quá khiêm tốn đấy thôi, thầy trò chúng tôi lên đường xuôi nam ngày hai mươi tám tháng trước ghé lại chùa Thân Giới ở châu Lục Lương nghỉ qua đêm, ngờ đâu sáng sớm ngày hai mươi chín, bốn anh em chúng tôi trở dậy, thì thấy sư phụ … sư phụ chúng tôi bị người ta ám toán, chết ngay trên đại điện chùa Thân Giới rồi …
Nói đến đây ông ta nghẹn ngào không thành tiếng. Bảo Định Đế thở dài một tiếng hỏi lại:
-Huyền Bi đại sư trúng phải ám khí độc hại chăng?
Tuệ Chân đáp:
-Không phải vậy.
Bảo Định Đế, Hoàng Mi tăng, Đoàn Chính Thuần lẫm Cao Thăng Thái đều tỏ vẻ ngạc nhiên, cùng nghĩ: “Cứ như võ công của Huyền Bi đại sư, nếu không phải là trúng phải ám khí “kiến huyết phong hầu”, dẫu là địch nhân ở sau lưng đột nhiên tập kích, cũng không thể nào không còn sức kháng cự mà chết ngay. Trong nước Đại Lý ta có cao thủ nào có bản lãnh cao như thế?”.
Đoàn Chính Thuần nói:
-Hôm nay mồng ba, tối ngày hai mươi tám tháng trước tức là bốn ngày rồi. Dự nhi bị bắt tại Vạn Kiếp Cốc là ngày hai mươi bảy.
Bảo Định Đế gật đầu:
-Không phải là Tứ Đại Ác Nhân.
Đoàn Diên Khánh mấy ngày đó đều ở tại Vạn Kiếp Cốc quyết không cách nào phân thân ra để đi Lục Lương Châu giết người, nếu có phải Đoàn Diên Khánh chăng nữa cũng chưa chắc đã có thể giết chết Huyền Bi đại sư không một tiếng động như thế. Tuệ Chân nói:
-Chúng tôi đỡ sư phụ dậy thì người lão nhân gia đã lạnh, viên tịch từ lâu, trong đại điện không có dấu vết gì chứng tỏ đã động thủ. Chúng tôi chạy ra ngoài chùa tìm kiếm, các sư huynh trong chùa Thân Giới cũng chạy theo tìm kiếm giùm nhưng mấy chục dặm không hề thấy một chút tung tích nào của hung thủ.
Bảo Định Đế buồn bã nói:
-Huyền Bi đại sư vì họ Đoàn ta mà viên tịch, lại bị nạn ngay trong cảnh giới nước Đại Lý, dù tình dù lý, anh em chúng tôi nhất quyết không thể đứng ngoài.
Tuệ Chân, Tuệ Quan hai nhà sư cùng quì xuống bái tạ, Tuệ Chân nói:
-Bốn người anh em chúng tôi cùng phương trượng chùa Thân Giới Ngũ Diệp đại sư bàn thảo xong tạm quàn pháp thể của sư phụ chúng tôi tại chùa Thân Giới, không dám hỏa hóa để tiện việc sau này chưởng môn sư bá có kiểm tra. Hai vị sư huynh quay về chùa Thiếu Lâm bẩm lại cho chưởng môn sư bá, tiểu tăng và sư đệ Tuệ Quan thì đi Đại Lý, bẩm cho hoàng gia và Trấn Nam Vương.
Bảo Định Đế nói:
-Phương trượng Ngũ Diệp tuổi cao đức trọng, kiến thức uyên bác, thông hiểu nhiều chuyện trong võ lâm, vậy lão nhân gia dạy thế nào?
Tuệ Chân đáp:
-Ngũ Diệp phương trượng dạy rằng: mười phần thì có đến tám chín, hung thủ là người trong họ Mộ Dung đất Cô Tô.
Đoàn Chính Thuần và Cao Thăng Thái đưa mắt nhìn nhau, trong bụng cùng nghĩ: “Lại là Cô Tô Mộ Dung nữa”. Hoàng Mi tăng từ nãy đến giờ chưa mở miệng đột nhiên xen vào:
-Phải chăng Huyền Bi đại sư bị địch nhân đánh một chiêu Đại Vi Đà Chử ngay giữa ngực mà viên tịch chăng?
Tuệ Chân kinh hãi hỏi lại:
-Đại sư đoán không sai, không hiểu tại sao … tại sao …
Hoàng Mi tăng đáp:
-Ta từng nghe công phu Đại Vi Đà Chử của Huyền Bi đại sư chùa Thiếu Lâm là một tuyệt học trong võ lâm, người nào trúng phải gân cốt đều đứt rời. Môn võ công này quả là ghê gớm nhưng dẫu sao cũng quá ư bá đạo, dường như không thích hợp cho đệ tử Phật môn … Ôi!
Đoàn Dự cũng xen vào:
-Đúng thế! Môn công phu này quá ư độc địa!
Tuệ Chân, Tuệ Quan nghe Hoàng Mi tăng bình luận sư phụ của mình, trong bụng khó chịu nhưng kính trọng ông là tiền bối cao tăng không dám nói gì, bỗng nghe Đoàn Dự ở ngoài chõ mồm vào, không khỏi hầm hầm nhìn chàng. Đoàn Dự làm như không thấy chẳng coi vào đâu.
Đoàn Chính Thuần hỏi:
-Sư huynh tại sao biết được Huyền Bi đại sư trúng phải đại Vi Đà Chử mà viên tịch?
Hoàng Mi tăng thở dài:
-Phương trượng chùa Thân Giới Ngũ Diệp đại sư đoán rằng hung thủ thuộc họ Mộ Dung đất Cô Tô ắt không phải là đoán sằng vô căn cứ. Đoàn nhị đệ, Cô Tô Mộ Dung có một câu rằng:
Hễ ai có tài nghệ gì,
Ta đem trả ngược lại về cho ngươi.
Chẳng hay hiền đệ có biết chăng?
Đoàn Chính Thuần trầm ngâm đáp:
-Câu đó tiểu đệ đã từng nghe qua, có điều không hiểu rõ lắm nghĩa lý của nó.
Hoàng Mi tăng lẩm bẩm:
-Gậy ông đập lưng ông, hừ, gậy ông đập lưng ông …
Trên mặt ông đột nhiên lộ vẻ sợ hãi. Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần quen biết ông ta đã mấy chục năm chưa bao giờ thấy ông ta lộ vẻ kinh hãi, mới đây ông ta đụng độ với thái tử Diên Khánh rõ ràng đã vào thế thua, tuy bề ngoài hết sức gay cấn nhưng vẫn thản nhiên, bây giờ lại tỏ vẻ sợ sệt đủ biết đối phương quả thực đáng ngại.
Trong noãn các bỗng nhiên lặng tanh không một tiếng động. Qua một hồi lâu, Hoàng Mi tăng chậm rãi nói:
-Lão tăng nghe nói quả thực trên đời này có một nhân vật tên là Mộ Dung Bác, y dám lấy cái tên “Bác” vì võ công uyên bác không đâu kể xiết, tựa hồ không một tuyệt kỹ của nhà nào, phái nào trong võ lâm y không tinh thông, không am tường. Một điều kỳ lạ là nếu y muốn giết ai thì lại sử dụng ngay tuyệt kỹ thành danh của người đó.
Đoàn Dự nói:
-Thế thì quả là không sao tưởng tượng nổi, thiên hạ có biết bao nhiêu môn võ công, làm sao y học cho hết được?
Hoàng Mi tăng đáp:
-Lời đó của hiền điệt quả thực không sai, nếu không dùng chính tuyệt chiêu của người đó để giết người thì y nhất định không ra tay.
Bảo Định Đế nói:
-Ta cũng có nghe đất Trung Nguyên có một nhân vật kỳ tài như thế. Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc giỏi về phi chùy, về sau cả ba người đều bị trúng phi chùy táng mạng, Chương Hư đạo nhân đất Sơn Đông khi giết người thì chặt đứt tứ chi kẻ địch để cho kẻ đó rên rỉ một hồi lâu rồi mới chết. Gã Chương Hư đạo nhân đó chính mình cũng bị thảm báo như thế, cái câu “Dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân” của Mộ Dung Bác chính là do miệng Chương Hư truyền ra.
Ông ngừng lại một chút nói tiếp:
-Khi đó giữa chợ ở Tế Nam, không biết bao nhiêu người bu chung quanh xem Chương Hư đạo nhân nằm lăn lộn kêu la dưới đất.
Ông nói tới đây dường như còn tưởng tượng ra cái thảm trạng của Chương Hư đạo nhân trước khi chết, vẻ mặt xem chừng bất nhẫn, lại đầy vẻ không vui. Đoàn Chính Thuần gật đầu nói:
-Quả đúng là như thế.
Đột nhiên ông nghĩ ra một chuyện liền nói:
-Sư phụ của Quá Ngạn Chi Quá đại gia Kha Bách Tuế nghe nói giỏi sử dụng nhuyễn tiên, nhưng kình lực trên đầu roi lại dùng một lộ thuần cương, sát địch thì dùng tiên đánh vào đầu đối phương nát vụn, không lẽ ông ta … ông ta …
Ông vỗ tay ba cái gọi một tên đầy tớ vào nói:
-Mau mời Thôi tiên sinh và Quá đại gia vào trong này, nói là ta có việc muốn bàn.
Gã thị bộc kia đáp lời “Vâng ” một tiếng nhưng không biết Thôi tiên sinh là ai nên ngần ngừ chưa chịu ra. Đoàn Dự cười nói:
-Thôi tiên sinh chính là Hoắc tiên sinh ở trướng phòng đó.
Gã đầy tớ bấy giờ mới dạ một tiếng thật to nhanh nhảu đi ra. Chẳng bao lâu Thôi Bách Tuyền và Quá Ngạn Chi cùng vào trong noãn các. Đoàn Chính Thuần hỏi:
-Quá huynh, tại hạ có một chuyện muốn hỏi, xin đừng trách cứ.
Quá Ngạn Chi đáp:
-Không dám.
Đoàn Chính Thuần hỏi:
-Xin hỏi lệnh sư Kha lão tiền bối bị người ta ám toán như thế nào? Bị quyền cước hay binh khí đến nỗi vết thương chí mệnh?
Quá Ngạn Chi đột nhiên mặt đỏ bừng thật là bẽn lẽn, ấp úng một hồi mới đáp:
-Gia sư bị thương vì chiêu nhuyễn tiên “Thiên Linh thiên liệt” , kình lực của hung thủ hung mãnh dị thường, dẫu có chính tay gia sư, cũng không thể … không thể …
Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần và Hoàng Mi tăng ba người nhìn nhau, trong lòng không khỏi bàng hoàng. Tuệ Chân đến trước mặt Thôi Bách Tuyền và Quá Ngạn Chi chắp tay hành lễ nói:
-Sư huynh đệ bần tăng và hai vị cùng cho chung một mối thù, nếu không diệt được Cô Tô Mộ Dung …
Nói đến đây trong bụng tự nghĩ có diệt được họ Mộ Dung đất Cô Tô hay không quả thật khó nói, bèn nghiến răng nói:
-Bần tăng đành đem tính mạng giao cho họ mới thôi!
Quá Ngạn Chi hai mắt rưng rưng nói:
-Phái Thiếu Lâm cũng kết thâm cừu với họ Mộ Dung đất Cô Tô hay sao?
Tuệ Chân bèn đem chuyện sư phụ Huyền Bi bị chết dưới tay Cô Tô Mộ Dung như thế nào kể sơ lược lại. Quá Ngạn Chi thần sắc bi phẫn, nghiến răng căm tức còn Thôi Bách Tuyền thì ủ rũ thẫn thờ không nói một câu xem ra không để ý gì tới mối huyết cừu của sư huynh. Tuệ Quan hòa thượng buột miệng hỏi:
-Thôi tiên sinh sợ họ Mộ Dung đất Cô Tô hay sao?
Tuệ Chân vội quát lên:
-Sư đệ chớ có vô lễ.
Thôi Bách Tuyền nhìn ngang nhìn ngửa, qua phía đông rồi qua phía tây dường như sợ tai vách mạch rừng, lại dường như sợ một kẻ địch nào thật lợi hại đến tấn công, dáng điệu thật là hoảng hốt. Tuệ Quan hừ một tiếng nói một mình:
-Đại trượng phu đến chết là cùng, làm gì mà phải sợ dữ thế?
Tuệ Chân cũng coi thường thái độ nhút nhát khiếp sợ của Thôi Bách Tuyền nên cũng không lên tiếng ngăn trở câu nói khích bác của sư đệ. Hoàng Mi tăng ho nhẹ một tiếng nói:
-Việc đó …
Thôi Bách Tuyền toàn thân run cầm cập, nhảy nhỏm lên làm đổ một chén trà trên bàn, chiếc chén lăn lông lốc rơi xuống đất vỡ tan. Y cố gắng định thần thấy ai nấy chăm chăm nhìn mình, tự nhiên mặt đỏ tía tai nói:
-Xin lỗi! Xin lỗi!
Quá Ngạn Chi nhíu mày, cúi xuống nhặt những mảnh chén vỡ. Đoàn Chính Thuần nghĩ thầm: “Gã Thôi Bách Tuyền này quả là một tên nhút nhát”. Ông quay sang hỏi Hoàng Mi tăng:
-Sư huynh, thế nào?
Hoàng Mi tăng uống một ngụm trà, chậm rãi nói:
-Thôi thí chủ đã từng gặp Mộ Dung Bác rồi phải không?
Thôi Bách Tuyền nghe đến ba chữ Mộ Dung Bác, giật mình kêu lên một tiếng, hai tay nắm chặt mép bàn, run run nói:
-Tôi chưa từng … có … có gặp qua … không từng …
Tuệ Quan lớn tiếng nói:
-Thôi tiên sinh đã gặp Mộ Dung Bác hay là chưa? Nói rõ ra.
Thôi Bách Tuyền mắt trợn ngược lên như kẻ mất hồn, bọn Đoàn Chính Thuần ai cũng thầm lắc đầu. Quá Ngạn Chi thấy sư thúc tỏ vẻ hèn kém đến thế lại càng chết điếng. Một lúc sau Thôi Bách Tuyền mới hoàn hồn run run đáp:
-Chưa từng … đại khái … dường như chưa từng … chưa từng gặp …
Hoàng Mi tăng nói:
-Lão nạp từng trải qua một kinh nghiệm bản thân, thôi cũng đành phải nói ra để các vị biết rõ. Chuyện đó xảy ra đã bốn mươi ba năm về trước, khi đó lão nạp tuổi còn trẻ, đang lúc tráng kiện mới ra đời chưa lâu nhưng trên giang hồ cũng đã có được chút danh tiếng. Quả đúng là nghé mới sanh chưa biết sợ cọp, tưởng rằng trên đời này tuy bao la thật nhưng ngoài sư phụ ra, không ai võ nghệ cao cường bằng mình. Năm đó ta hộ tống một vị quan hưu trí cùng gia quyến trở về bản quán, đi từ Biện Lương đến Sơn Đông, đến một triền núi gần Thanh Báo Cương thì gặp bốn tên cướp xông ra. Bốn tên đó không cướp tài vật mà lại muốn bắt cóc tiểu thư con viên quan kia. Lão nạp khi đó tuổi trẻ sốt tiết không thể nhịn được vừa ra tay là đã sử dụng độc chiêu, dùng ngay Kim Cương chỉ lực, tất cả đều đâm vào tâm oa, bốn tên phỉ đồ không kịp kêu lên một tiếng, chết ngay tại chỗ.
Chú thích:
1 Trong thủ tục hôn lễ ngày xưa, khi hai bên đã bằng lòng nhau thường trao đổi ngày sinh tháng đẻ để so tuổi xem có hợp hay không (lễ vấn danh)
2 Chử là cái chày nhưng trong đạo Phật thì là một loại pháp khí (sceptre). Vi Đà là dịch âm chữ Vajra nguyên nghĩa là sấm sét hoặc kim cương (tùy theo người định nghĩa) cho nên Vi Đà Chử còn gọi là Kim Cương Chử là một pháp khí dùng để hàng phục ma chướng. Trong hình tượng tôn giáo Ấn Độ, cái chày là biểu tượng của dương (kim cương bất hoại), cái chuông là biểu tượng âm (trí huệ bát nhã). Chày này có khi một đầu hoặc hai đầu, chia làm hai nhánh, ba nhánh, năm nhánh hay chín nhánh. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết nguồn gốc hai pháp khí này từ đâu nhưng rất thông dụng trong những món binh khí đạo Bà La Môn. Việc thờ cúng âm vật dương vật cũng xuất hiện tại nhiều vùng ở miền Bắc nước ta, rất có thể do ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ. Kim Dung mượn nhiều pháp khí Phật giáo làm binh khí cho những nhân vật của ông (nhất là các nhà sư) nhưng dĩ nhiên chỉ là biểu tượng vì thực tế những pháp khí này khó có thể dùng làm khí giới.
3 Dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân
4 Đầu vỡ thành nghìn mảnh