Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Long Bát Bộ

Chương 32 – Tích thời nhân

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Ân xưa oán cũ bao vòng lụy,

Sớm bạn trưa thù lắm đổi thay.

* * *

Mọi người quay đầu nhìn lại thấy từ đằng sau cây hạnh một lão tăng mặt vuông tai lớn, hình mạo uy nghiêm mặc áo cà sa màu tro bước ra. Từ trưởng lão reo lên:

-Trí Quang đại sư của Thiên Đài Sơn đã đến, hơn ba mươi năm không gặp không ngờ đại sư vẫn còn tráng kiện đến thế.

Tên tuổi của hòa thượng Trí Quang không mấy nổi tiếng, những người vai vế kém một mức ở trong Cái Bang không ai biết đến ông ta. Thế nhưng Kiều Phong, lục đại trưởng lão đều đứng lên tỏ ý kính trọng, biết ông năm xưa từng phát đại nguyện dong buồm vượt biển đến những đất man hoang hái những loại cây lạ chữa bệnh cho vô số dân chúng vùng Triết Mân Lưỡng Quảng bị nhiễm bệnh. Chính vì thế mà ông ta bị ốm nặng khiến cho võ công hoàn toàn mất hết nhưng ân huệ với bách tính không phải nhỏ. Mọi người lục tục tới gần thi lễ.

Trí Quang đại sư quay sang Triệu Tiền Tôn cười nói:

-Võ công không bằng đối phương, chịu cho người ta đánh không đánh trả đã là khó, nếu như võ công cao hơn đối phương mà bị đánh vẫn không đánh trả thì lại càng khó hơn.

Triệu Tiền Tôn cúi đầu ngẫm nghĩ xem chừng đã hiểu. Từ trưởng lão nói:

-Trí Quang đại sư đức trạch sâu xa không ai mà không kính trọng. Thế nhưng gần mươi năm nay không còn hỏi đến chuyện chốn giang hồ, hôm nay Phật giá quang lâm quả là cái phúc của bọn ăn mày chúng tôi, tại hạ thật là cảm kích.

Trí Quang đại sư nói:

-Từ trưởng lão của Cái Bang và Đơn Phán Quan của núi Thái Hàng liên danh gọi đến, lão nạp lẽ nào lại không đi? Thiên Đài sơn và Vô Tích có xa xôi gì, trong thư hai vị có nói là việc này liên quan đến khí vận của dân đen nên đành phụng chiếu.

Kiều Phong nghĩ thầm: “Thì ra ông ta được Từ trưởng lão và Đơn Chính mời đến”. Ông nghĩ tiếp: “Ta vẫn nghe Trí Quang đại sư đức cao vọng trọng không thể nào tham dự vào cái âm mưu làm hại ta, có lão nhân gia đến đây cũng là chuyện tốt”.

Triệu Tiền Tôn đột nhiên nói:

-Cuộc đại chiến nơi Loạn Thạch Cốc ngoài Nhạn Môn Quan Trí Quang đại sư cũng có tham dự, vậy mời ông nói trước.

Trí Quang nghe thấy mấy tiếng “Cuộc đại chiến nơi Loạn Thạch Cốc ngoài Nhạn Môn Quan” lập tức sắc mặt lộ vẻ kỳ lạ, vừa có vẻ bồn chồn, vừa có vẻ sợ sệt, lại giống như quả thảm khốc nên không muốn nhìn, sau cùng chuyển sang đầy vẻ từ bi thương xót, thở dài nói:

-Sát nghiệt nặng nề thay! Sát nghiệt nặng nề thay! Chuyện này nói ra quả là đáng thẹn. Các vị thí chủ, đại chiến nơi Loạn Thạch Cốc đã ba mươi năm rồi sao hôm nay còn nhắc lại làm chi?

Từ trưởng lão nói:

-Chỉ vì bản bang hiện nay gặp phải biến cố trọng đại, có liên quan mật thiết đến lá thư này.

Nói xong ông đưa lá thư ra. Trí Quang cầm lá thư đọc qua một lượt, rồi lại đọc thêm một lần nữa, lắc đầu nói:

-Oan gia nên cởi không nên buộc, việc gì phải đem chuyện cũ ra nhắc lại làm gì? Cứ như ý kiến lão nạp, lá thư này nên hủy đi, không nên để lại vết tích gì là tốt hơn cả.

Từ trưởng lão đáp:

-Mã phó bang chủ của bản bang bị chết thảm, nếu như không truy cứu, nỗi oan của Mã phó bang chủ dĩ nhiên không rửa sạch, bản bang lại có cơ nguy tan rã.

Trí Quang đại sư gật đầu:

-Vậy thì cũng nên nói ra.

Ông ngẩng đầu lên thấy vầng trăng lưỡi liềm treo nơi chân trời tỏa trên tàn cây một luồng ánh sáng nhợt nhạt rồi quay sang nhìn Triệu Tiền Tôn nói:

-Thôi được, chuyện lão nạp sai lầm năm xưa không dấu ai nữa cứ có sao nói vậy.

Triệu Tiền Tôn nói:

-Chúng ta vì nước vì dân không thể nói là chuyện sai lầm.

Trí Quang lắc đầu:

-Sai lầm là sai lầm, việc gì còn phải dối người dối mình làm chi?

Ông quay sang phía mọi người kể:

-Ba mươi năm trước, hào kiệt Trung Nguyên nhận được tin là nước Khất Đan sắp đưa qua một đoàn võ sĩ đánh vào chùa Thiếu Lâm để đoạt lấy những đồ phổ nhà chùa đã tàng trữ mấy trăm năm qua.

Mọi người ồ lên một tiếng nho nhỏ nghĩ thầm: “Dã tâm của bọn võ sĩ Khất Đan quả không phải nhỏ”. Võ công tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm là những chí bảo của Trung Thổ, Khất Đan và Đại Tống chinh chiến lâu năm nếu như họ lấy được những võ công bí cập của chùa Thiếu Lâm đem ra dạy cho quân lính tập, ở trên chiến trường quan binh Đại Tống sẽ không thể nào đương cự nổi. Trí Quang kể tiếp:

-Việc đó quả là chuyện hết sức trọng đại, nếu như Khất Đan thành công thì Đại Tống sẽ có cái họa mất nước, người người sẽ chết dưới đao dài, giáo nhọn của quân Liêu, bọn con cháu Hoàng Đế chúng ta e rằng bị diệt chủng mất thôi. Chúng ta thấy sự việc khẩn cấp, không kịp bàn tính kỹ càng nghe nói bọn võ sĩ đó sẽ đi bằng lối Nhạn Môn Quan nên một mặt thông tri cho chùa Thiếu Lâm phòng bị nghiêm nhặt, tất cả mọi người lập tức lên đường đi ngay ra bên ngoài của Nhạn Môn nghinh địch, nếu không diệt được hết bọn chúng thì cũng làm cho gian mưu không thể thi hành được.

Mọi người nghe nói sẽ đi đánh nhau với quân Khất Đan đều nhiệt huyết sôi sùng sục nhưng cũng lại lo. Nhà Đại Tống bao nhiêu đời nay bị quân Khất Đan hà hiếp lăng nhục đánh trận nào thua trận ấy, binh tướng thì chết, đất đai phải nhường, binh lính dân lành chết dưới đao của quân Khất Đan không phải là ít.

Trí Quang đại sư chậm rãi quay đầu lại, chăm chăm nhìn Kiều Phong nói:

-Kiều bang chủ, nếu như ông nghe được cái tin như thế thì phải làm sao?

Kiều Phong dõng dạc đáp:

-Trí Quang đại sư, Kiều mỗ kiến thức thiển lậu, tài đức không đủ để cho mọi người kính phục, đến nỗi trong bang anh em cũng còn có dạ nghi ngờ, nói ra quả là hổ thẹn. Thế nhưng dù cho Kiều mỗ vô năng nhưng cũng là một kẻ nam nhi có gan dạ, có cốt cách, những việc tiết nghĩa như thế không phải không biết chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Đại Tống chúng ta bị quân chó Liêu kia hiếp đáp, thù nhà nợ nước ai mà chẳng nghĩ đến chuyện báo đáp? Nếu như nghe thấy những tin tức như vậy thể nào cũng tất lãnh anh em trong bản bang, ngày đêm đến chặn chúng lại.

Mấy lời của ông quả là khẳng khái hiên ngang, ai nghe thấy cũng bồi hồi xúc động nghĩ thầm: “Nam nhi hán, đại trượng phu phải như thế mới được”.

Trí Quang gật đầu nói:

-Nếu như thế, bọn ta chạy ra ngoài Nhạn Môn Quan phục kích người Liêu, theo như Kiều bang chủ thì không có gì sai trái, phải không?

Kiều Phong trong bụng hơi bực, nghĩ thầm: “Ông nghĩ ta là hạng người gì? Câu nói đó quả đã coi thường ta lắm”. Tuy nhiên ông không tỏ ra giận dữ chỉ nói:

-Anh phong hiệp liệt của các vị tiền bối, Kiều mỗ cực kỳ kính phục, chỉ tiếc không sinh ra sớm ba mươi năm để được theo các bậc tiên hiền, cùng chung nghĩa cử đi giết quân Hồ Lỗ.

Trí Quang nhìn kỹ ông một lần nữa, vẻ mặt thoáng vẻ lạ lùng, chậm rãi nói:

-Khi đó chúng ta chia thành nhiều toán chạy đến Nhạn Môn Quan. Ta và vị huynh đệ này …

Ông chỉ vào Triệu Tiền Tôn rồi tiếp:

-… đều ở toán thứ nhất. Toán của bọn ta cả thảy hai mươi mốt người, người đứng đầu tuổi cũng chưa lớn, so với ta còn kém vài tuổi. Thế nhưng y võ công trác tuyệt, trong võ lâm địa vi tôn vinh nên mọi người cử y lên làm thủ lãnh, ai nấy nghe lệnh y mà hành sự.

Trong toán chúng ta có Uông bang chủ của Cái Bang, Vương lão anh hùng Vạn Thắng Đao Vương Duy Nghĩa, Địa Tuyệt Kiếm Hạc Vân đạo trưởng của phái Hoàng Sơn đều là những cao thủ hạng nhất trong võ lâm thời đó.

Lúc đó lão nạp chưa xuất gia xếp vào chung với quần hùng thật không xứng chút nào, chỉ có điều giết địch báo quốc không chịu kém người, có chút công sức nào đóng góp chút đó. Vị nhân huynh này lúc đó võ công cũng cao hơn lão nạp nhiều, còn bây giờ thì khỏi cần nói cũng biết.

Triệu Tiền Tôn nói:

-Đúng vậy! Khi đó võ công ta giỏi hơn ông nhiều, ít ra cũng cỡ này.

Y vừa nói vừa đưa hai tay ra, xòe ra cách nhau đến hơn một thước. Thế nhưng y cảm thấy như vậy chưa đủ, lại nhích hai bàn tay ra xa đến thước rưỡi. Trí Quang kể tiếp:

-Bọn ta qua khỏi Nhạn Môn Quan thì trời đã về chiều, đi ra khỏi cửa ải thêm độ mươi dặm nữa, hết sức phòng bị đột nhiên từ phía tây bắc vọng lại tiếng vó ngựa đang phi, nghe tiếng chân phải đến chục kỵ sĩ. “Đàn anh đứng đầu” giơ tay phải lên, tất cả mọi người đều dừng lại. Mọi người trong bụng vừa vui mừng vừa lo lắng không ai nói câu nào. Vui mừng vì tin tức không phải là giả, may là mình đã đến kịp kịp thời ngăn được bọn chúng. Thế nhưng ai cũng biết đoàn võ sĩ Khất Đan mười phần lợi hại, tử tế thì đã không đến, đến ắt chẳng hay ho gì, lại toan tấn công vào Thái Sơn Bắc Đẩu của võ học Trung Quốc thì nhất định phải là thành phần được tuyển chọn muôn vạn người mới có một chứ không phải tầm thường. Đại Tống đánh với Khất Đan thua thì nhiều, thắng chẳng bao nhiêu, cuộc chiến hôm nay thắng bại thế nào thực khó mà biết được.

“Đàn anh đứng đầu” giơ tay vẫy một cái, hai mươi mốt người chúng ta chia nhau ra ẩn đằng sau những tảng đá. Phía bên trái sơn cốc là một cái vực sâu đá nhọn lởm chởm, đưa mắt nhìn xuống chỉ một màu đen ngòm không thấy đáy.

Tai nghe tiếng chân ngựa mỗi lúc một gần, rồi có tiếng bảy tám người cùng hát vang một bài hát của người Liêu, tiếng ngân dài, nghe quê mùa hào tráng nhưng không hiểu ý nghĩa thế nào. Ta nắm chặt cán đao, lòng bàn tay toát mồ hôi lạnh, lau vào ống quần cho khô chẳng mấy chốc lại ướt nữa. “Đàn anh đứng đầu” nằm ngay bên cạnh ta, y biết ta hồi hộp lắm nên đưa tay vỗ vỗ lên vai, nhìn ta mỉm cười, lại giơ tay lên chém nhứ một cái ý nói giết quân Hồ Lỗ. Ta cũng cười đáp lại, trong lòng thấy trấn tĩnh hơn nhiều.

Con ngựa đầu của bọn Liêu đến cách bọn ta chừng ngoài năm chục trượng, ta từ sau đám loạn thạch thò đầu ra xem thấy đám võ sĩ Khất Đan đều mặc áo lông, có kẻ tay cầm trường mâu, có đứa thì cầm loan đao, có đứa lại cầm cung tên, lại cũng có kẻ trên vai đậu một con chim săn thật to lớn hung mãnh, cả bọn vừa đi vừa hát, không biết rằng đằng trước có địch nhân mai phục. Chỉ trong giây lát, ta đã nhìn rõ diện mạo của mấy tên Khất Đan đi đầu, đứa nào cũng cắt tóc ngắn để râu rậm, trông thật hung dữ. Bọn chúng càng lúc càng gần, tim ta mỗi lúc đập một nhanh hơn tưởng như sắp bật ra khỏi miệng.

Mọi người nghe ông ta kể chuyện, tuy biết rằng đây là chuyện cũ ba mươi năm trước nhưng ai nấy cũng hồi hộp. Trí Quang quay sang Kiều Phong nói:

-Kiều bang chủ, việc này thành hay bại liên quan đến việc mất còn của nhà Đại Tống, sống chết của bách vạn sinh linh, mà bên ta cũng không biết chắc có thắng được hay không. Chỉ có một điểm lợi là địch ở ngoài sáng, ta trong bóng tối, không biết theo ý bang chủ thì phải thế nào cho phải?

Kiều Phong đáp:

-Xưa nay việc binh không nề lừa dối, việc này là chuyện hai nước giao tranh không thể nào theo nghĩa khí giang hồ, qui củ võ lâm được. Bọn chó Liêu khi giết dân đen nhà Đại Tống chúng ta, có bao giờ nương tay đâu? Cứ như ngu kiến của tại hạ thì nên dùng ám khí, mà ám khí phải tẩm độc cực mạnh.

Trí Quang giơ tay vỗ đùi, nói:

-Đúng đó. Ý kiến của Kiều bang chủ cũng y hệt sự suy nghĩ của bọn ta hồi đó. “Đàn anh đứng đầu” thấy bọn Liêu cẩu đến gần, hú lên một tiếng, mọi người liền phóng ám khí ra, đủ cả cương tiêu, tụ tiễn, phi đao, thiết chùy … loại nào cũng tẩm độc cực mạnh. Bọn chó Liêu kia kêu la hò hét, loạn cả lên, hơn một nửa đã ngã xuống ngựa.

Trong đám Cái Bang lập tức có kẻ vỗ tay rồi tiếng hoan hô nổi lên. Trí Quang nói tiếp:

-Bấy giờ ta đã nhìn thấy rõ ràng, võ sĩ Khất Đan cả thảy là mười chín đứa, chúng ta dùng ám khí đã tiêu diệt được mười hai người, chỉ còn lại có bảy tên. Tất cả chúng ta liền ùa lên, đao kiếm vung ra, chỉ trong giây lát giết sạch luôn cả bảy, không một đứa nào chạy thoát.

Trong Cái Bang cũng vẫn có người reo hò nhưng Kiều Phong, Đoàn Dự lại nghĩ: “Ông vừa bảo võ sĩ Khất Đan là “thành phần được tuyển chọn muôn vạn người mới có một” nhưng sao lại kém cỏi thế, chỉ giây lát đã bị giết sạch là sao?

Chỉ nghe Trí Quang thở dài một tiếng nói:

-Chúng ta chỉ vừa ra tay đã giết sạch mười chín tên võ sĩ Khất Đan, tuy cũng vui sướng thật nhưng trong bụng đã nổi mối nghi ngờ, thấy bọn Khất Đan này quá là tầm thường, không đứa nào chịu nổi một cái đánh hoàn toàn không phải là hảo thủ. Chẳng lẽ những tin tức nghe được không chính xác hay sao? Cũng khó mà bảo là người Liêu sắp xếp bọn này để dụ cho bọn ta vào tròng? Bọn ta mới bàn bạc được vài câu lại nghe tiếng vó ngựa, từ hướng tây bắc có hai người cưỡi ngựa chạy đến.

Lần này bọn ta không mai phục nữa, lập tức tiến lên nghinh địch, thấy trên yên ngựa là một nam, một nữ. Người đàn ông thân hình cao lớn, tướng mạo uy nghiêm, ăn mặc sang hơn mười chín tên võ sĩ kia nhiều. Người đàn bà còn trẻ, trong tay bồng một đứa hài nhi, hai người nói cười vui vẻ, thần thái hết sức trìu mến rõ ra là một cặp vợ chồng. Hai người Khất Đan trông thấy bọn ta, lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng thấy ngay xác mười chín tên võ sĩ nằm dưới đất, người đàn ông liền lộ vẻ hung dữ, lớn tiếng quát tháo xí xố một tràng bằng tiếng Khất Đan không hiểu y muốn nói gì.

Thiết Tháp Phương Đại Hùng Phương tam ca đất Đại Đồng Sơn Tây vung cây thiết côn bằng thép ròng lên quát lớn: “Thằng chó Liêu khốn kiếp kia, mau chịu chết!”. Y liền vung gậy lên đánh tới gã Khất Đan kia. “Đàn anh đứng đầu” trong bụng ngờ vực bèn kêu lên: “Phương tam ca, đừng nên lỗ mãng, chớ hại mạng y, chỉ bắt sống tra hỏi xem thế nào?”.

“Đàn anh đứng đầu” chưa nói hết câu, tay gã Khất Đan đã vươn ra chộp luôn thiết côn của Phương Đại Hùng, thúc một cái nghe cắc một tiếng nhỏ, khớp xương tay Phương Đại Hùng đã gãy. Gã Khất Đan vung cây gậy lên từ trên không đánh xuống, bọn ta ai nấy kinh hoảng kêu lên, thấy không thể nào xông lên cứu kịp nên ai nấy liền bắn ám khí vào y.

Gã người Liêu kia liền phất tay áo bên trái một cái, một luồng kình phong hất bảy tám món ám khí dạt cả ra. Tính mạng Phương Đại Hùng xem ra không sao sống được, ngờ đâu y thò thiết côn ra hất một cái, cả Phương Đại Hùng lẫn cây côn đều văng ra ngoài vệ đường, mồm vẫn xí xố không ai hiểu gì cả.

Người đó chỉ lộ chút công phu, bọn ta ai nấy đều chấn động, biết rằng người này võ công cao cường trên đời hiếm có quả nhiên tin tức loan truyền không phải là giả e rằng những hảo thủ đến sau còn giỏi hơn nữa nên phải lấy đông thắng ít, giết được tên nào hay tên ấy, lập tức sáu bảy người liền xông lên tấn công. Bốn năm người khác cũng xông vào tấn công người đàn bà.

Ngờ đâu thiếu phụ đó hoàn toàn không biết chút võ công nào hết, một người vung kiếm lên chém đứt một cánh tay bà ta, đứa trẻ trong tay liền rơi xuống đất, một người khác vung đao hớt đứt luôn nửa bên đầu thiếu phụ. Gã người Liêu kia võ công tuy cao cường thật nhưng bị sáu bảy cao thủ dùng đao kiếm vây đánh nên làm sao có thể phân thân chống đỡ cho vợ con? Mấy chiêu đầu y chỉ cốt đoạt binh khí của những người phe ta, không làm ai bị thương cả, đến khi thấy vợ chết rồi, mắt đỏ ngầu, vẻ mặt cực kỳ đáng sợ. Khi đó ta vừa chạm phải mục quang y, tự nhiên chân tay bủn rủn không dám xông lên nữa.

Triệu Tiền Tôn nói:

-Việc đó cũng không trách ai được! Việc đó cũng không trách ai được!

Y ngoài những câu nói với Đàm bà ra, ăn nói với ai cũng ra chiều kẻ cả ngạo mạn nhưng mấy câu này xem ra vừa có phần đau buồn vừa có phần khiêm tốn. Trí Quang tiếp:

-Cuộc ác chiến đó đã ba mươi năm trước nhưng trong thời gian ba chục năm qua không biết bao nhiêu lần nằm mơ thấy cái cảnh đó, từng chi tiết rõ ràng in hằn trong tim ta. Gã người Liêu vung hai tay ra, không biết y dùng thủ pháp cầm nã nào đoạt luôn được hai món binh khí trong tay hai huynh đệ, vừa chém vừa đâm giết luôn hai người. Y lúc thì từ lưng ngựa nhảy vọt ra, có lúc lại nhảy trở về lưng ngựa, nhanh như chim cắt vồ mồi, hành động biến chuyển không khác gì ma quỉ. Đúng thế, y chẳng khác gì ma quỉ hóa thân, xông bên đông giết một người, chuyền qua bên tây giết thêm người nữa. Chỉ trong giây lát, trong hai mươi mốt người chúng ta đã có chín người bị y giết chết.

Thế là cả bọn ta ai nấy hầm hầm tức giận, từ “đàn anh đứng đầu” đến Uông bang chủ, người nào cũng liều mạng xông lên giao đấu với y. Thế nhưng người đó võ công hết sức lạ lùng kỳ diệu, chiêu thức nào cũng khiến cho người ta không thể đoán được sẽ tấn công từ phương hướng nào. Khi đó mặt trời buổi chiều đỏ như máu, bên ngoài Nhạn Môn Quan gió bấc thổi vù vù, trộn lẫn tiếng kêu thảm khốc của các anh hùng hảo hán lúc sắp lìa đời, chân tay đầu lâu, binh khí máu me tung bay rơi rụng, những cao thủ giỏi mấy cũng chỉ mong tự bảo vệ lấy mình, không ai còn có thể cứu người khác được.

Ta thấy tình hình đó trong bụng lại càng sợ hãi nhưng thấy anh em từng người từng người chết thảm không khỏi nhiệt huyết dâng lên, thu hết can đảm, cưỡi ngựa xông thẳng vào y. Hai tay ta cầm đại đao, nhắm ngay đầu y chém xuống, biết rằng nếu như không trúng thì tính mạng coi như giao cho y. Lưỡi đao còn cách đầu y chừng một thước, gã người Liêu kia đột nhiên chộp ngay một người đưa lên đỡ lưỡi đao. Ta hốt hoảng nhìn lại thì ra kẻ đó là lão nhị trong Giang Tây Đỗ thị tam hùng, vội gượng giữ đao lại. Thanh đao giựt về nghe bịch một tiếng trúng ngay đầu con ngựa ta đang cưỡi, con vật liền hí lên một tiếng, nhảy chồm lên. Ngay lúc đó chưởng của gã người Liêu kia đánh ra, con vật đang lúc nhảy dựng lên vừa vặn đúng lúc chịu ngay một đòn nếu không ắt ta đã đứt gân gãy cốt, còn sống sao được tới ngày nay?

Chưởng lực của y đánh ra quả là mạnh mẽ, khiến ta cả người lẫn ngựa bật ngửa về sau. Thân hình ta bay bổng lên, rơi xuống ngay trên một ngọn cây, treo bông bênh giữa trời. Khi đó ta hồn bất phụ thể, có còn biết mình đang ở nơi nào còn sống hay chết đâu? Từ trên cao ta nhìn xuống thấy anh em vây đánh gã người Liêu kia mỗi lúc một giảm dần, chỉ còn độ năm sáu người. Vừa khi đó ta nhìn thấy vị nhân huynh này …

Nói tới đây ông chỉ vào Triệu Tiền Tôn kể tiếp:

-… thân hình lảo đảo ngã vào trong đống máu, lại tưởng y cũng chết rồi.

Triệu Tiền Tôn lắc đầu nói:

-Chuyện xấu xa đó nói ra thật đáng hổ thẹn nhưng cũng chẳng nên dấu làm gì. Ta không bị thương mà vì sợ quá nên tim ngừng đập, mắt tối sầm bất tỉnh nhân sự đó thôi. Quả đúng thế, ta là thằng chết nhát, thấy người khác bị giết nên cũng ngất xỉu.

Trí Quang nói:

-Ai thấy gã người Liêu kia sát hại các anh em chẳng khác gì ma quỉ, nếu nói là không sợ thì cũng là nói ngoa.

Ông ta nhìn lên vầng trăng non treo lơ lửng trên không rồi lại tiếp:

-Khi đó còn tiếp tục đánh dằng dai với gã Liêu nhân kia chỉ còn có bốn người. “Đàn anh đứng đầu” biết không xong, rồi ra mọi người sẽ chết cả nên luôn mồm hỏi: “Ngươi là ai? Ngươi là ai?”. Gã người Liêu kia không trả lời, chỉ trong chốc lát lại giết thêm hai người nữa. Y giơ chân lên đá trúng ngay huyệt đạo trên lưng Uông bang chủ, tiếp theo chân trái đá uyên ương liên hoàn, đá trúng huyệt đạo nơi mạng sườn của “đàn anh đứng đầu”. Mũi bàn chân y đá trúng huyệt đạo, nhận huyệt đã chính xác, cước pháp lại lạ lùng thực khó ai ngờ nổi, nếu như chẳng phải chính mình cũng sắp chết đến nơi, người bị đá là hai người ta hằng kính ngưỡng thì chắc đã buột miệng reo lên rồi.

Gã người Liêu kia thấy cường địch đã bị giết sạch chạy đến bên tử thi của thiếu phụ, ôm xác vợ khóc rống lên một hồi, nghe thật thảm thiết. Ta nghe tiếng khóc của y không khỏi đau lòng, thấy tên Liêu cẩu hung ác như ma quỉ kia cũng còn có nhân tính, đau lòng xót dạ cũng chẳng khác gì người Hán chúng ta.

Triệu Tiền Tôn lạnh lùng nói:

-Thế thì có gì là lạ? Cái tình vợ chồng cha con của dã thú có khác gì con người đâu? Liêu nhân cũng là người, sao lại nói là không khác gì người Hán?

Trong đám Cái Bang có mấy người phản đối:

-Liêu cẩu hung tàn bạo ngược, còn hơn độc xà mãnh thú, khác xa người Hán chúng ta.

Triệu Tiền Tôn chỉ cười khẩy không trả lời. Trí Quang kể tiếp:

-Gã người Liêu kia ngồi khóc một hồi, ôm xác đứa con nhìn một lát, để hài nhi vào lòng mẹ, bước tới chỗ “đàn anh đứng đầu” chửi bới một chập. “Đàn anh đứng đầu” cũng không chịu nhịn, giương mắt hầm hầm nhìn y, khổ nỗi huyệt đạo đã bị điểm, không nói được lời nào. Người Liêu đó đột nhiên ngẩng đầu lên hú một tiếng dài, nhặt một thanh đoản đao dưới đất, vạch lên trên sườn núi mấy chữ, lúc đó trời đã tối rồi, ta lại ở cách y khá xa nên không rõ y vạch những gì.

Triệu Tiền Tôn nói:

-Y khắc bằng chữ Khất Đan, ông có thấy cũng chẳng biết được.

Trí Quang đáp:

-Đúng thế, ta có thấy cũng chẳng biết được. Khi đó bốn bề vắng lặng không một tiếng động, nghe thấy tiếng khắc lên đá soèn soẹt, đá vụn rơi xuống cũng còn nghe, ta thật thở cũng không dám thở mạnh. Không biết bao lâu, nghe keng một tiếng, y vứt con dao găm xuống, cúi xuống ôm xác vợ con lên, đi đến bờ vực tung mình nhảy xuống sơn cốc.

Mọi người nghe đến đây đều “A” lên một tiếng không ngờ chuyện lại xảy ra như thế. Trí Quang đại sư kể tiếp:

-Các vị bây giờ nghe như thế đều ngạc nhiên, lúc đó chính mắt ta nhìn thấy lại càng kinh ngạc bội phần. Ta vẫn tưởng một người võ công cao cường như thế, ở nước Liêu ắt phải ở ngôi cao, lần này đến Trung Nguyên tập kích chùa Thiếu Lâm, nếu như y không phải là đại thủ lãnh thì cũng phải là một nhân vật trọng yếu trong đám võ sĩ. Y bắt sống được “đàn anh đứng đầu” cùng Uông bang chủ, còn bao nhiêu thì đã giết sạch, coi như toàn thắng rồi, sao không thừa thắng xông lên ai ngờ đâu y lại nhảy xuống vực sâu tự tận là thế nào.

Lúc trước lão nạp đã tới bên bờ vực nhìn xuống chỉ thấy vân vụ che phủ sâu không thấy đáy, một khi nhảy xuống thì y cũng chỉ là cái thân máu thịt, dù cho võ công cao cường tới mực nào thì cũng không sao sống sót. Ta kinh ngạc khiến buột miệng kêu lên một tiếng.

Ngờ đâu bên trong chuyện lạ lại có chuyện kỳ, tiếng kêu của ta vừa thoát ra bỗng đâu nghe tiếng oa oa của trẻ con khóc từ trong Loạn Thạch Cốc vọng lên, rồi từ dưới vực sâu một vật đen sì bay ra nghe bịch một tiếng nhỏ rơi ngay trên mình Uông bang chủ. Thế rồi tiếng hài nhi khóc oe oe không ngừng hóa ra vật rơi vào Uông bang chủ chính là đứa bé con.

Khi đó ta đã bớt sợ từ trên cây trèo xuống, chạy đến gần Uông bang chủ nhìn xem thấy đứa bé Khất Đan kia nằm trên bụng ông vẫn đang khóc. Ta ngẫm nghĩ mới tỏ tường mọi việc. Thì ra khi thiếu phụ Khất Đan bị giết, đứa con rơi xuống đất chỉ bị tắc hơi nhưng chưa chết hẳn. Gã người Liêu kia khóc lóc thảm thiết sờ mũi con thấy không thở nữa lại tưởng vợ con chết cả rồi nên ôm hai thi thể nhảy xuống vực tự tận.

Đứa hài nhi kia bị chấn động, tỉnh lại khóc ré lên. Gã người Liêu kia thân thủ quả là ghê gớm, không muốn đứa con kia phải chết theo mình dưới vực sâu, lập tức cầm đứa trẻ ném lên. Y nhớ đúng phương vị khoảng cách nên nhắm ngay bụng Uông bang chủ mà thấy để cho hài nhi không bị thương. Y đang ở lưng chừng, vừa phát giác ra đứa con chưa chết lập tức tung lên, tâm tư chuyển biến đã nhanh, sử lực lại không sai một li nào, tài trí đó, võ công đó quả thực đáng gờm đáng sợ.

Ta mắt thấy các anh em chết thảm, trong cơn đau lòng, cầm đứa bé Khất Đan kia lên, định liệng nó vào vách đá cho chết luôn. Khi ta vừa giơ lên thì đứa trẻ lại khóc oa oa. Ta nhìn y thấy khuôn mặt hồng hào, đôi mắt to đen láy nhìn ta. Nếu nó không nhìn ta ắt ta đã quật chết nó rồi mọi việc chẳng còn gì để nói nữa. Thế nhưng ta thấy khuôn mặt đứa trẻ thật đáng yêu, không nỡ lòng nào ra tay nghĩ bụng: “Hiếp đáp một đứa trẻ chưa đầy tuổi tôi thì còn nói gì nam tử hán, đại trượng phu cho được?”.

Trong Cái Bang có người chen vào:

-Trí Quang đại sư, Liêu cẩu giết hại đồng bào người Hán chúng ta nhiều vô số kể. Chính mắt tôi nhìn thấy bọn chó Liêu kia cầm trường mâu xiên vào trẻ con người Hán phóng ngựa trên đường diệu võ dương oai. Bọn chúng giết người được lẽ nào mình lại không giết được?

Trí Quang đại sư thở dài đáp:

-Nói thì đúng thế nhưng đời có câu rằng: Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi . Hôm đó mắt ta nhìn thấy bao nhiêu người chết thảm rồi không nỡ lòng nào giết thêm một đứa trẻ nữa. Các ngươi bảo là ta đã sai lầm thì cũng được nhưng rồi ta đành phải tha mạng cho hài nhi này.

Sau đó ta đến tính giải huyệt cho “đàn anh đứng đầu” và Uông bang chủ nhưng một phần tài nghệ ta kém cỏi, lại thêm công phu đá huyệt của gã Khất Đan kia đặc dị, ta chộp nắm đánh đập, ấn bóp xoa nắn thế nào, hết thúc đẩy máu huyết, dãn gân véo thịt, mồ hôi toát ra đầm đìa bao nhiêu thủ pháp dùng hết rồi, “đàn anh đứng đầu” và Uông bang chủ vẫn trơ trơ không sao cử động được, cũng chẳng thể nào nói năng gì.

Ta không còn cách nào khác hơn, lại sợ bọn Khất Đan tới tiếp viện nên dẫn ba bốn con ngựa tới đem “đàn anh đứng đầu” và Uông bang chủ buộc lên lưng. Chính ta cũng cưỡi một con, tay ôm đứa trẻ Khất Đan dẫn thêm hai con ngựa chạy suốt đêm về đi tìm thầy thuốc chuyên về trật đả tìm cách giải huyệt nhưng cũng không giải được. Cũng may đến chiều ngày hôm sau, khi đủ mười hai giờ, các huyệt bị đóng tự nhiên mở ra.

“Đàn anh đứng đầu” và Uông bang chủ lo chuyện võ sĩ Khất Đan tấn công chùa Thiếu Lâm nên khi huyệt đạo vừa được khai thông lập tức quay lại Nhạn Môn Quan xem xét tình hình. Thế nhưng chỉ thấy xác chết máu me vương đầy mặt đất so với hôm trước không khác một mảy. Ta thò đầu ra nhìn xuống đáy vực cũng không thấy chút đầu mối nào. Chúng ta bèn cùng nhau đem xác anh em chôn cất nhưng khi đếm lại chỉ còn mười bảy tử thi. Đúng ra số người tuẫn nạn phải là mười tám người sao bây giờ lại thiếu mất một?

Ông ta nói tới đây đưa mắt nhìn Triệu Tiền Tôn. Triệu Tiền Tôn gượng cười nói:

-Trong số xác chết có một tử thi sống lại đi mất, đến nay vẫn còn là một “xác chết biết đi” kia chính là Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương này.

Trí Quang nói:

-Thế nhưng lúc đó ba người chúng ta cũng không lấy làm lạ, lại nghĩ trong khi hỗn chiến một người rơi tòm xuống vực thì cũng là chuyện bình thường. Bọn ta mai táng anh em tuẫn nạn xong rồi, cơn căm tức chưa tan, lại đem các xác chết Khất Đan đem liệng xuống dưới Loạn Thạch Cốc.

“Đàn anh đứng đầu” nói với Uông bang chủ: “Kiếm Thông huynh, gã Khất Đan kia nếu như muốn giết hai người chúng ta thật dễ như trở bàn tay, sao lại chỉ đá vào huyệt đạo của mình, để cho mình sống tới bây giờ?

Uông bang chủ đáp:

-Việc đó ta đã suy nghĩ mãi mà chưa ra, hai đứa mình là đầu não giết vợ y, cứ lý mà nói thì phải đuổi tận giết tuyệt mới đúng.

Ba người bàn tán không tìm ra nguyên do, “đàn anh đứng đầu” mới nói: “Những chữ mà y khắc trên vách đá chắc hẳn có thâm ý gì”. Khổ nỗi cả ba người chúng ta không ai biết văn tự Khất Đan, người đàn anh kia bèn xuống suối lấy nước hòa máu đọng dưới đất tô lên vách đá, sau đó xé vải trắng từ trường bào, in chữ ở trên thạch bích. Những chữ Khất Đan kia ăn sâu vào đá, phải đến hai tấc, y chỉ dùng một con dao găm mà khắc thành, riêng thủ kình đó xem ra cũng đã độc bộ thiên hạ không ai bì kịp rồi.

Ba người nhìn mà kinh ngạc, nhớ lại tình hình hôm qua trong lòng vẫn còn thảng thốt. Về đến quan nội rồi, Uông bang chủ đi tìm một gã lái trâu ngựa thường qua Thượng Kinh nước Liêu để đi buôn biết chữ Khất Đan đưa tấm vải cho y xem nhờ dịch ra chữ Hán viết lên trên giấy.

Ông ta nói đến đây ngẩng đầu nhìn trời thở dài một tiếng, kể tiếp:

-Ba người chúng ta đọc xong bản văn dịch rồi, người nọ nhìn người kia không sao tin nổi. Gã Khất Đan kia lúc đó đã quyết ý tự tận, lẽ nào còn nói láo? Bọn ta lại đi tìm một người khác cũng thông tiếng Khất Đan nhờ y dịch miệng lại từng câu thì ý tứ cũng cùng như thế. Ôi, nếu sự thực là vậy thì không những mười bảy anh em tuẫn nạn oan, những người võ sĩ kia cũng không tội vạ gì mà bị liên lụy, còn đối với vợ chồng người Khất Đan thì chúng ta thật có lỗi không đâu kể xiết.

Mọi người ai nấy đều muốn nghe những hàng chữ Khất Đan trên vách núi kia có ý nghĩa gì nhưng thấy nhà sư vẫn giằng dai không nói có người nóng tính liền hỏi ngay:

-Thế những chữ đó nghĩa là sao?

-Sao lại có lỗi với y?

-Tại sao lại oan cho vợ chồng người đó?

Trí Quang nói:

-Các vị bằng hữu, không phải là ta có ý muốn dấu diếm không chịu tiết lộ ý nghĩa của những chữ Khất Đan kia. Nếu như trên vách đá những hàng chữ đó là sự thực thì hành vi của người đàn anh kia, Uông bang chủ và cả ta đều hết sức sai trái, không còn mặt mũi nào mà nhìn ai. Trí Quang này trong võ lâm chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, có sai lầm thì cũng chẳng đáng gì thế nhưng vị đàn anh và Uông bang chủ là những người địa vị thân phận cao biết là bao? Huống chi Uông bang chủ đã qui tiên rồi, ta đâu dám nói năng càn rỡ để làm tổn hại đến thanh danh hai người đó, thành thử tha lỗi cho ta không thể nói trắng ra.

Tiền bang chủ của Cái Bang là Uông Kiếm Thông uy danh quả là quan trọng, cả Kiều Phong, các trưởng lão, các đệ tử ai ai cũng đều chịu ơn ông, bọn ăn mày tuy hiếu kỳ thật nhưng nghe nói chuyện này có liên quan đến thanh danh Uông bang chủ, không một ai dám hỏi thêm.

Trí Quang lại kể tiếp:

-Ba người chúng ta bàn tán một hồi, không ai muốn tin đây là sự thực nhưng lại cũng không thể không tin nên quyết định tạm tha mạng cho đứa hài nhi Khất Đan, trước hết đến chùa Thiếu Lâm nghe ngóng động tĩnh đã, nếu như võ sĩ Khất Đan có đến tấn công thực lúc đó giết đứa trẻ cũng còn vừa. Bọn ta chạy ngày đêm không ngừng vó, đến chùa Thiếu Lâm rồi thấy các lộ anh hùng đến đây tiếp tay cũng không ít. Việc này liên quan đến hàng nghìn hàng vạn an nguy sống chết của bách tính Thần Châu, chỉ cần tin loan ra ai ai cũng muốn đóng góp chút công lao.

Trí Quang chậm rãi đưa mắt từ trái sang phải nhìn khắp mọi người nói tiếp:

-Kỳ đó tụ hội ở chùa Thiếu Lâm những người tuổi tác đã cao cũng tham dự, những việc xảy ra ta không cần phải dài dòng. Tất cả cẩn thận phòng bị, canh gác chặt chẽ, các lộ anh hùng đến tiếp viện mỗi lúc một đông. Cứ như thế từ tiết Trùng Dương tháng chín đến tháng chạp, hơn ba tháng trời chẳng thấy tăm hơi gì, mới định đi kiếm kẻ phao tin kia vặn hỏi thì không sao kiếm thấy y được nữa. Bọn ta lúc ấy mới nghĩ rằng tin kia là giả, bị người ta đánh lừa. Trận chiến ở ngoài Nhạn Môn Quan, hai bên đều chết quả thật oan uổng.

Thế nhưng chẳng bao lâu, quân thiết kỵ Khất Đan lại xâm phạm, tấn công các nơi đóng quân ở Hà Bắc nên việc võ sĩ Khất Đan có đến tấn công chùa Thiếu Lâm nữa hay không chẳng ai còn để ý tới. Bọn chúng đến tấn công cũng được mà không tấn công cũng chẳng sao, nói chung thì người Khất Đan là kẻ tử thù của Đại Tống.

“Đàn anh đứng đầu”, Uông bang chủ và ta ba người đối với chuyện ngoài ải Nhạn Môn có phần hổ thẹn nên chỉ kể lại với phương trượng chùa Thiếu Lâm và báo tin cho gia đình những anh em tử nạn, ngoài ra không hé răng với một ai, còn đứa bé Khất Đan đem gửi nuôi tại một nhà nông dưới chân núi Thiếu Thất.

Việc đã qua rồi, chuyện đứa hài nhi đó xử trí thế nào cũng đành thúc thủ. Bọn ta đối với cha mẹ nó không phải đạo nên không đành lòng giết nó. Thế nhưng bảo là nuôi nó lớn khôn thì người Khất Đan là kẻ tử thù của mình, ba người đều nghĩ tới chuyện “dưỡng hổ di hoạn”. Về sau “đàn anh đứng đầu” lấy ra một trăm lạng bạc, giao cho nhà nông đó nhờ họ nhận thằng bé Khất Đan làm con, khi nó lớn lên tuyệt đối không cho nó biết nó không phải là con ruột.

Vợ chồng nhà nông đó vốn không có con, lập tức vui mừng nhận lời ngay. Hai người đó nào có biết đứa trẻ là dòng máu Khất Đan vì khi chúng ta đem nó tới núi Thiếu Thất, trên đường đã thay quần áo người Hán cho nó rồi. Người dân Đại Tống thù hận người Liêu tận xương tủy, nếu thấy hài nhi mặc y phục Khất Đan thể nào cũng làm hại nó …

Kiều Phong nghe đến đây, trong bụng đã đoán được tám chín phần, run run hỏi:

-Trí Quang đại sư, thế … thế người nhà nông dưới chân núi Thiếu Thất ấy, y … y … họ gì?

Trí Quang đáp:

-Chắc ông cũng đoán được rồi, ta cũng chẳng dấu làm chi. Người nhà nông đó họ Kiều, tên là Tam Hòe.

Kiều Phong bàng hoàng kêu lên:

-Không! Không! Ông chớ có nói láo, dựng chuyện ra để vu hãm cho ta. Ta đường đường là người Hán, sao lại là quân Hồ Lỗ Khất Đan được? Tam Hòe công là … là … cha ruột của ta, ông chớ có nói bậy …

Đột nhiên ông vươn hai tay ra, nhảy xổ đến trước mặt Trí Quang, tay trái chộp luôn vào ngực ông ta. Đơn Chính và Từ trưởng lão cùng xông vào cứu đồng thời kêu lên:

-Không được!

Kiều Phong thân thủ cực nhanh, tay vẫn xách nhà sư nhảy tránh sang một bên.

Con trai Đơn Chính là Đơn Trọng Sơn, Đơn Thúc Sơn, Đơn Quí Sơn ba người cùng xông lên phía đằng sau ông ta. Kiều Phong vươn tay phải chộp Đơn Thúc Sơn vứt ra ngoài xa, rồi lại chộp Đơn Trọng Sơn ném ra, còn lần thứ ba thì cầm Đơn Quí Sơn quật xuống đất, giơ chân đạp lên cổ y.

Đơn Thị Ngũ Hổ ở một dãy Sơn Đông khá tiếng tăm, năm anh em thành danh cũng đã lâu chứ nào phải hạng hậu bối vừa ra khỏi lều tranh . Thế nhưng Kiều Phong tay trái cầm Trí Quang, tay phải liên tiếp chộp người ném ra, quăng ba đại hán nhà họ Đơn chẳng khác gì người bù nhìn bện bằng rơm, đối phương không thể nào kháng cự được khiến cho người đứng ngoài phải há hốc mồm.

Đơn Chính và Đơn Bá Sơn, Đơn Tiểu Sơn cốt nhục tình thâm đều toan xông lên cứu viện nhưng thấy Kiều Phong đạp chân lên đầu Đơn Quí Sơn biết rằng ông ta công lực ghê gớm, chỉ cần ấn một cái thì thể nào Đơn Quí Sơn cũng bị vỡ sọ. Ba người mới đi được vài bước đành phải đứng lại. Đơn Chính kêu lên:

-Kiều bang chủ, có gì thì nói chuyện với nhau, không nên mạnh tay. Nhà họ Đơn chúng tôi với ông không thù không oán, xin ông tha cho con tôi.

Thiết Diện Phán Quan mà phải nói đến câu đó có khác gì ngỏ lời van xin Kiều Phong. Từ trưởng lão nói:

-Kiều bang chủ, Trí Quang đại sư được mọi người trên giang hồ kính ngưỡng, ông chớ có nên hại mạng ông ta.

Bầu máu nóng của Kiều Phong dâng lên, lớn tiếng nói:

-Đúng lắm, Kiều Phong này cùng nhà họ Đơn không thù không oán, còn Trí Quang đại sư là người ta hằng kính ngưỡng. Các ngươi … các ngươi … muốn phế bỏ chức vị bang chủ của ta thì cũng được, ta bưng hai tay trao lại cho người khác, việc gì phải bịa chuyện vu miệt cho ta? Kiều mỗ … đã làm chuyện gì xấu xa mà các ngươi phải ép uổng ta như thế?

Mấy câu sau ông nói bằng giọng nghẹn ngào, mọi người nghe thấy không ai không nổi đồng tình. Chỉ nghe thấy trên người Trí Quang tiếng xương cốt kêu lên lục cục, biết rằng tính mạng ông ta chỉ trong đường tơ kẽ tóc, sống chết tùy thuộc vào một ý nghĩ của Kiều Phong. Ngoài tiếng gió thổi rì rào, tiếng giun dế kêu, tiếng cỏ xào xạc, tiếng thở của mọi người không một ai dám lên tiếng.

Một hồi sau, Triệu Tiền Tôn đột nhiên bật lên mấy tiếng cười khẩy nói:

-Thật tức cười quá đỗi! Người Hán thì đã hơn gì ai, mà người Khất Đan thì cũng đâu phải là heo là chó? Rõ ràng là người Khất Đan, việc chi phải nhận cho bằng được mình là người Hán, có đáng gì đâu? Đến cha mẹ ruột mình không thèm nhận, thật uổng cái danh nam tử hán đại trượng phu?

Kiều Phong trợn tròn đôi mắt hầm hầm nhìn ông ta hỏi lại:

-Ngươi bảo ta là người Khất Đan chăng?

Triệu Tiền Tôn đáp:

-Ta nào có biết. Có điều hôm đó trong trận chiến ngoài Nhạn Môn Quan, gã võ sĩ Khất Đan kia hình dáng mặt mày giống hệt ngươi. Hôm đó Triệu Tiền Tôn này sợ đến mất hồn mất vía, vỡ mật vỡ gan cho nên tướng mạo kẻ đối đầu, dù có một trăm năm nữa ta vẫn còn nhớ rõ. Trí Quang đại sư ôm đứa trẻ Khất Đan chính mắt ta trông thấy. Triệu Tiền Tôn này có khác gì xác chết biết đi, trên thế gian này ngoài Tiểu Quyên ra chẳng còn nhớ tới một ai, cũng chẳng còn nhớ chuyện gì. Ngươi làm hay không làm bang chủ Cái Bang có liên quan đếch gì tới ta, việc chó gì ta phải vu hãm cho ngươi?

Ta tự nhận là năm xưa có tham dự việc giết hại cha mẹ ngươi thì được cái mẹ gì cơ chứ? Kiều bang chủ, võ công Triệu Tiền Tôn này so với ngươi thì kém xa, nếu như ta không muốn sống thì chẳng lẽ đến tự sát cũng không biết hay sao?

Kiều Phong chầm chậm bỏ Trí Quang đại sư xuống, đầu ngón chân hất một cái đá văng thân thể to lớn của Đơn Quí Sơn ra, rơi xuống đất nghe bịch một cái. Đơn Quí Sơn nhún một cái đã đứng ngay được nhưng không bị thương chút nào.

Kiều Phong đưa mắt nhìn Trí Quang thấy ông thần sắc thản nhiên, không có vẻ gì giả vờ hay gian dối bèn hỏi:

-Rồi sau sao nữa?

Trí Quang đáp:

-Về sau thì ngươi tự biết rồi. Năm lên bảy tuổi ngươi đi hái hạt dẻ trong núi bị một con chó sói rượt, được một nhà sư chùa Thiếu Lâm cứu thoát, giết con ác lang trị thương cho ngươi, sau đó ngày ngày đến dạy võ, có phải vậy không?

Kiều Phong đáp:

-Đúng vậy! Thì ra chuyện này ông cũng biết.

Khi Huyền Khổ đại sư của chùa Thiếu Lâm truyền thụ võ công cho Kiều Phong, dặn ông không được tiết lộ cho ai biết, trên giang hồ ai cũng tưởng Kiều Phong là đệ tử đích truyền của Uông bang chủ Cái Bang, có biết đâu ông ta và chùa Thiếu Lâm có uyên nguyên rất sâu xa.

Trí Quang nói:

-Nhà sư Thiếu Lâm đó được “đàn anh đứng đầu” ủy thác nhờ ông ta dạy ngươi từ bé để cho ngươi khỏi lầm đường lạc lối. Vì việc này, ta và “đàn anh đứng đầu” cùng Uông bang chủ ba người đã tranh chấp dữ dội. Ta bảo là cứ để cho ngươi sống bình thường làm nghề nông mưu sinh, không phải học võ để rồi lại bị cuốn hút vào ân oán giang hồ. “Đàn anh đứng đầu” thì bảo là vì mình sai quấy với cha mẹ ngươi nên phải bồi dưỡng cho ngươi thành một nhân vật đại anh hùng.

Kiều Phong nói:

-Các ông … các ông có chuyện gì mà bảo là sai quấy? Người Hán và người Khất Đan giết hại lẫn nhau, có gì là phải hay không phải?

Trí Quang thở dài:

-Di văn trên vách đá ngoài ải Nhạn Môn đến nay cũng vẫn còn chưa mờ, sau này ngươi ra đó mà xem. “Đàn anh đứng đầu” vốn cũng đã có chủ ý, Uông bang chủ cũng ngả theo một mình ta không thể nào chống lại được. Đến khi ngươi mười sáu tuổi mới gặp Uông bang chủ thu ngươi làm đồ đệ, rồi về sau biết bao nhiêu cơ duyên gặp gỡ, ngươi thiên tư trác tuyệt nên càng hết sức vươn lên, người thường không sao theo kịp, thế nhưng nếu không có “đàn anh đứng đầu” và Uông bang chủ giúp đỡ e rằng cũng không dễ dàng đến thế đâu?

Kiều Phong cúi đầu ngẫm nghĩ, cuộc đời mình gặp biết bao nguy nan nhưng rồi phùng hung hóa cát nên chưa hề gặp chuyện gì nặng nề, lại biết bao lương cơ đưa đẩy, không cầu mà được, trước đây vẫn tưởng mình có số đỏ, gặp vận may bây giờ nghe Trí Quang đại sư nói mới tự hỏi phải chăng có người dấu mặt giúp đỡ mà mình tuyệt nhiên không hay biết gì? Trong lòng ông thấy bàng hoàng: “Nếu lời của nhà sư là thật thì ta là người Khất Đan chứ đâu phải Hán nhân. Uông bang chủ nào có phải ân sư của ta mà là kẻ thù giết cha giết mẹ. Người anh hùng đứng sau lưng ám trợ ta cũng nào phải tốt lành gì, chẳng qua chỉ vì thẹn với lương tâm nên tìm cách chuộc tội đấy thôi. Không, không! Người Khất Đan hung tàn bạo ngược, là kẻ tử địch của người Hán chúng ta, ta làm sao có thể là người Hồ Lỗ được?”.

Lại nghe Trí Quang kể tiếp:

-Uông bang chủ lúc đầu hết sức đề phòng, về sau thấy ngươi học võ tiến bộ thật nhanh, khẳng khái hào hiệp, đối với người khác thật nhân hậu, đối với ông ta kính cẩn tôn sùng, làm việc gì cũng hợp với tâm ý ông ta nên dần dần thực lòng thương yêu ngươi.

Về sau ngươi công lao mỗi lúc một nhiều, uy danh mỗi lúc một lớn, trong Cái Bang trên dưới ai nấy đều kính phục, ngay cả người ngoài bang cũng nắm chắc ngươi sẽ thành bang chủ.

Thế nhưng Uông bang chủ vẫn dùng dằng chưa quyết định cũng chỉ vì ngươi là giống Khất Đan. Ông ta thử ngươi ba việc khó, ngươi đều hoàn thành chu đáo, nhưng phải để đến khi ngươi lập được bảy công lao lúc đó mới đem Đả Cẩu Bổng ra truyền thụ.

Năm đó Thái Sơn đại hội, ngươi đánh bại chín kẻ cường địch của Cái Bang, khiến cho bang ăn mày uy chấn thiên hạ, ông ta mới không còn do dự nữa lập ngươi làm bang chủ Cái Bang. Cứ như lão nạp biết, trong mấy trăm năm qua, chưa có vị bang chủ Cái Bang nào phải gian nan như thế.

Kiều Phong cúi đầu đáp:

-Tôi vẫn tưởng ân sư Uông bang chủ có ý rèn luyện cho tôi, bắt tôi phải trải qua nhiều gian khổ để có thể đảm đương việc lớn, có ngờ đâu … có ngờ đâu …

Ông nói tới đây trong bụng tin cũng đã đến bảy tám phần mười. Trí Quang nói:

-Ta cũng chỉ biết tới đó mà thôi. Ngươi đứng ra làm bang chủ Cái Bang rồi, trên giang hồ đồn đãi ai cũng bảo ngươi hành hiệp trượng nghĩa, tạo phúc cho lê dân, xử sự công chính, chỉnh đốn Cái Bang trở nên hưng vượng, ta trong lòng cũng mừng thầm.

Lại nghe ngươi mấy lần phá hỏng gian mưu của Khất Đan, giết được mấy nhân vật anh hùng của họ, cái điều cố kỵ “dưỡng hổ di hoạn” năm xưa có khác gì người nước Kỷ lo trời sập. Việc đó đáng ra vĩnh viễn không nên đề cập tới, nào ngờ lại có ai đó tìm ra? Việc này nào có hay ho gì cho cả Cái Bang lẫn thân danh ngươi đâu?

Nói tới đây ông thở dài một tiếng, sắc mặt buồn rười rượi. Từ trưởng lão nói:

-Đa tạ Trí Quang đại sư kể lại chuyện xưa khiến cho mọi người tưởng như chính mình đã trải qua vậy. Phong thư này …

Ông giơ tay đưa lá thư ra nói tiếp:

-… là do “đại hiệp đứng đầu” kia viết cho Uông bang chủ, trong thư hết sức ngăn trở Uông bang chủ không nên truyền ngôi vị cho Kiều bang chủ. Kiều bang chủ, chắc ông không ngại xem qua cho biết chứ gì?

Nói xong đưa lá thư ra cho Kiều Phong. Trí Quang nói:

-Để ta xem trước, có phải thư thật hay là thư giả?

Nói xong ông đưa tay cầm lá thư, đọc qua một lượt rồi nói:

-Đúng vậy, quả nhiên là thủ bút của “đàn anh đứng đầu”.

Ông ta vừa nói vừa dụng kình lên ngón tay trái, xé ngay chỗ thự danh ở cuối lá thư, bỏ tọt vào mồm, lưỡi cuốn một cái nuốt chửng vào bụng. Khi Trí Quang xé lá thư ông đã tiến tới gần đống lửa thêm mấy bước cách Kiều Phong khá xa, lại dường như không đủ ánh sáng nên đưa tờ giấy lên gần mắt thành ra khi bỏ vào miệng, lá thư và miệng chỉ cách nhau gang tấc. Kiều Phong không thể ngờ vị lão tăng đức cao vọng trọng kia lại giở trò giảo hoạt, giận dữ rống lên một tiếng, tay trái lăng không đánh ra trúng ngay huyệt đạo nhà sư, tay phải đưa ra giựt tờ giấy nhưng vẫn chậm mất một bước, chỗ ký tên đằng cuối lá thư đã bị ông ta nuốt rồi. Kiều Phong lại đánh ra một chưởng giải huyệt cho ông ta hậm hực hỏi:

-Ông … ông làm gì thế?

Trí Quang mỉm cười nói:

-Kiều bang chủ, một khi ông biết rõ thân thế mình rồi thể nào chẳng muốn báo thù cho cha mẹ. Uông bang chủ đã qua đời khỏi cần nói tới. Tên tuổi vị “đàn anh đứng đầu” này, lão nạp không muốn cho ông biết. Năm xưa lão nạp cũng có tham dự vụ phục kích lệnh tôn lệnh đường, bao nhiêu tội nghiệt, lão nạp xin một mình gánh chịu hết, thí chủ muốn lóc thịt lột da gì cũng được.

Kiều Phong thấy ông ta lông mày rủ xuống, đứng cúi đầu, thần sắc thật trang nghiêm tuy lòng bi phẫn nhưng cũng cảm thấy kính trọng bèn nói:

-Việc thực hay hư, lúc này ta chưa thể biết chắc. Muốn giết ông đâu phải chỉ một lúc này mà thôi.

Nói xong ông đưa mắt lườm Triệu Tiền Tôn. Triệu Tiền Tôn nhún vai, dường như không coi vào đâu nói:

-Quả đúng như thế! Ta cũng ở trong số đó, món nợ này ta cũng chịu một phần, khi nào ngươi thích thì cứ ra tay giết ta.

Đàm công lớn tiếng nói:

-Kiều bang chủ, việc gì cũng nên suy nghĩ cho chín, hành sự không nên cẩu thả. Nếu nói đến việc phân tranh Hồ Hán, hào kiệt Trung Nguyên ai ai cũng là địch cả.

Triệu Tiền Tôn tuy là tình địch của ông ta nhưng bây giờ ông lại lên tiếng che chở. Kiều Phong cười khẩy một tiếng, trong bụng rối bời không biết phải đối đáp ra sao, cầm tờ giấy dưới ánh lửa xem thấy viết:

Kiếm Nhiêm ngô huynh,

Qua mấy đêm dài đàm luận, cái ý truyền vị của ngô huynh vẫn không thay đổi. Ta sau mấy ngày suy nghĩ thấy việc đó quả không nên. Kiều quân tài nghệ siêu quần, công lao vĩ đại, lại là người can đảm hăng say, không phải chỉ là người nổi bật trong quí bang mà đến võ lâm đồng đạo khắp đất Thần Châu cũng không ai sánh kịp.

Tài nghệ đó kế thừa chức vị của ngô huynh, rồi đây Cái Bang thanh danh ngày càng vang dội là điều không còn ngờ gì nữa.

Kiều Phong đọc đến đây thấy vị tiền bối này hết sức coi trọng mình không khỏi trong lòng cảm kích, liền đọc tiếp xuống dưới:

Thế nhưng trận huyết chiến ngoài ải Nhạn Môn thật là kinh tâm động phách, ta vẫn ngày ngày canh cánh không quên. Đứa trẻ đó không phải cùng tộc loại với mình, cả cha lẫn mẹ đều chết dưới tay của hai ta, mai đây không biết chỗ xuất thân của mình thì không nói làm gì, còn không thì Cái Bang sẽ bị một tay y tiêu diệt, võ lâm Trung Nguyên sẽ gặp một hạo kiếp vô cùng to lớn. Đời nay kẻ có võ công ngang ngửa với đứa trẻ này, thực chẳng một ai. Việc nội bộ của quí bang, đáng lẽ người ngoài không nên xen vào, nhưng ông với ta giao tình chẳng phải bình thường, việc này lại liên quan quá lớn, mong ông suy nghĩ cho thật kỹ.

Bên dưới chỗ thự danh người viết đã bị Trí Quang xé mất rồi. Từ trưởng lão thấy Kiều Phong đọc xong đứng đờ đẫn không nói lời nào, lại đưa thêm một tờ giấy khác nói:

-Đây là thư của Uông bang chủ, chắc ông nhận ra bút tích của ông ta.

Kiều Phong đưa tay cầm lấy thấy trên lá thư viết rằng:

Truyền cho Cái Bang Mã phó bang chủ, Truyền Công trưởng lão, Chấp Pháp trưởng lão cùng tất cả các trưởng lão:

Kiều Phong như có hành vi thân Liêu phản Hán, trợ Khất Đan chống lại nhà Đại Tống thì toàn bang phải lập tức hợp lực giết y ngay, không được bỏ lỡ. Hạ độc hành thích tất cả đều dùng được, người hạ thủ có công mà không có tội.

Uông Kiếm Thông thân bút.

Bên dưới có đề ngày như sau:

Đại Tống Nguyên Phong lục niên, ngũ nguyệt sơ thất nhật.

Kiều Phong nhớ thật rõ ràng, đây chính là ngày mình tiếp nhiệm bang chủ Cái Bang. Mấy hàng chữ này đích thị ân sư Kiếm Thông thủ bút, nếu thế thì không còn hoài nghi gì nữa. Ông nghĩ đến sư phụ đãi mình chẳng khác gì cha con, giáo huấn đã nghiêm mà cũng yêu thương tha thiết ngờ đâu đúng ngày mình tiếp nhiệm bang chủ Cái Bang lại ngấm ngầm viết tờ di lệnh này. Ông thấy trong lòng chua xót, nước mắt chảy ròng ròng, từng giọt từng giọt rơi xuống thủ dụ của Uông bang chủ cầm trên tay.

Từ trưởng lão chậm rãi nói:

-Kiều bang chủ đừng trách chúng tôi vô lễ. Thủ dụ của Uông bang chủ vốn chỉ một mình Mã phó bang chủ biết được mà lại tàng trữ thật kỹ, xưa nay chưa hề nói với ai. Trong những năm qua, bang chủ hành sự quang minh lỗi lạc, không hề có chuyện thông Liêu phản Tống, trợ Khất Đan để áp bức Hán nhân, di lệnh của Uông bang chủ không cần phải dùng đến.

Đến khi Mã phó bang chủ đột nhiên chết thảm, Mã phu nhân mới tìm thấy di lệnh này. Mọi người ai nấy nghi ngờ Mã phó bang chủ bị Mộ Dung công tử giết hại, nếu bang chủ vì Đại Nguyên huynh đệ mà báo thù này thì thân thế lai lịch của bang chủ quyết không ai nhắc đến. Lão hủ suy nghĩ đã nhiều, vì đại cục đã toan hủy lá thư này cùng di lệnh của Uông bang chủ, có điều … có điều …

Ông ta nói đến đây đưa mắt nhìn Mã phu nhân nói:

-Phần vì Mã phu nhân đau lòng muốn báo thù cho chồng, không muốn để cho Đại Nguyên huynh đệ chết chẳng yên mồ mối oan phải chìm sâu đáy nước. Thứ nữa Kiều bang chủ lại bảo vệ cho người Hồ, việc làm xem ra nguy cho bản bang …

Kiều Phong ngạc nhiên hỏi lại:

-Ta bảo vệ cho người Hồ ư? Chuyện đó ở đâu mà có?

Từ trưởng lão đáp:

-Hai chữ “Mộ Dung” vốn là họ của người Hồ. Họ Mộ Dung là hậu duệ Tiên Ti, với Khất Đan cũng cùng một giống, đều là Hồ Lỗ Di Địch cả.

Kiều Phong đáp:

-Ồ! Thì ra là thế! Ta nào có biết.

Từ trưởng lão tiếp tục:

-Thứ ba, việc Kiều bang chủ là người Khất Đan trong bang nhiều anh em đã biết rồi, biến loạn đã sinh có dấu cũng không ích lợi gì.

Kiều Phong ngẩng đầu nhìn trời thở dài một tiếng, những nghi nan nặng trĩu trong lòng từ chập tối đến giờ bây giờ mới rõ nguồn cơn nên quay sang hỏi Toàn Quan Thanh:

-Toàn Quan Thanh, ngươi biết ta là hậu duệ Khất Đan nên mới phản ta, có phải vậy không?

Toàn Quan Thanh đáp:

-Đúng thế.

Kiều Phong hỏi thêm:

-Tống Hề Trần Ngô bốn đại trưởng lão nghe lời ngươi nên định giết ta chứ gì?

Toàn Quan Thanh đáp:

-Quả vậy. Có điều bọn họ nửa tin nửa ngờ không quyết định được, đến lúc việc tới nơi lại rụt đầu rụt cổ.

Chọn tập
Bình luận
× sticky