Dẫu ôm mộng xưng vương xưng đế,
Nuôi hận thù vay trả trả vay.
Một khi nhắm mắt xuôi tay,
Sang hèn âu cũng đã hay kiếp người.
* * *
Cả bọn Cái Bang hùng hùng hổ hổ kéo đến chùa Thiếu Lâm những tưởng phen này nhờ vào tài nghệ “thâm bất khả trắc” của bang chủ mà đoạt được chức minh chủ, Cái Bang sẽ đứng trên phái Thiếu Lâm trở thành lãnh tụ võ lâm Trung Nguyên. Ngờ đâu Trang bang chủ đã bái Đinh Xuân Thu làm thầy thì chớ, lại bị Tiêu Phong đá gãy hai chân, ai nấy cụt hứng không còn gì để vênh váo nữa.
Ngô trưởng lão lớn tiếng nói:
-Chúng vị huynh đệ, mình còn ở đây làm gì nữa? Không lẽ còn muốn xin cơm thừa canh cặn nữa hay sao? Thôi mình xuống núi.
Quần cái đáp ứng vang dậy, lục tục kéo nhau đi. Bao Bất Đồng đột nhiên gọi giật lại:
-Khoan đã! Khoan đã! Bao mỗ có một việc muốn cáo tri với Cái Bang.
Trước đây Trần trưởng lão đã từng ác đấu với Bao Bất Đồng ở thành Vô Tích, biết được gã này mồm miệng chẳng bao giờ nói được câu nào cho tử tế, dậm chân một cái hầm hè hỏi:
-Họ Bao kia, có gì cần nói thì nói chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa.
Bao Bất Đồng giơ tay bịt mũi kêu ầm lên:
-Thối quá! Thối quá! Này, tên ăn mày hay đổ rắm kia, trong bang của ngươi có tên ăn mày già nào tên là Dịch Đại Bưu chăng?
Trần trưởng lão nghe y nhắc đến Dịch Đại Bưu lập tức chăm chú nghe, hỏi lại:
-Có thì đã sao? Mà không có thì sao?
Bao Bất Đồng nói:
-Ta đang nói chuyện với một thằng ăn mày thích rắm rít sao ngươi lại chõ mồm vào, hay là tự nhận mình hay vãi rắm?
Trần trưởng lão quan tâm đến chuyện đại sự trong bản bang, chẳng hơi đâu mà đôi co những việc chẳng đâu vào đâu với y bèn nói:
-Ta hỏi ông Dịch Đại Bưu ra sao rồi? Y quả là đệ tử bản bang, phái sang Tây Hạ công cán, các hạ có tin tức gì của y chăng?
Bao Bất Đồng đáp:
-Ta đang định nói với ngươi một chuyện đại sự ở nước Tây Hạ, có điều Dịch Đại Bưu đã đi chầu Diêm Vương rồi.
Trần trưởng lão nói:
-Lời đó có thật không? Xin hỏi có liên quan gì đến đại sự nước Tây Hạ?
Bao Bất Đồng đáp:
-Ngươi chửi ta ăn nói như rắm thối, thế bây giờ có muốn ta đánh rắm đánh rít không?
Trần trưởng lão tức đến rung cả hàm râu bạc nhưng nghĩ đến đại sự quan trọng hơn, đành phải cười hề hề nói:
-Mới rồi nói năng đắc tội với các hạ, lão phu xin lỗi.
Bao Bất Đồng đáp:
-Cũng chẳng cần phải xin lỗi, từ rày ngươi nên đánh rắm cho nhiều, nói in ít thôi thế là được rồi.
Trần trưởng lão ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Y nói thế là sao nhỉ?”. Thế nhưng hiện đang có việc phải cầu đến y, chẳng muốn nói năng dây dưa bèn mỉm cười, không nói gì thêm nữa. Bao Bất Đồng đột nhiên kêu ầm lên:
-Thối quá! Thối quá! Ngươi thật chẳng ra cái đếch gì.
Trần trưởng lão ngạc nhiên:
-Sao lại bảo ta chẳng ra gì?
Bao Bất Đồng đáp:
-Ngươi không chịu mở mồm, hơi không có chỗ nào ra, phải tìm đường phát tiết.
Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Gã này quả là rầy rà, ta chỉ một câu vô lễ, y liền nói qua nói lại tìm cách bắt bẻ mãi. Hay nhất là mình không nói năng gì cả, chứ không y sẽ nói quanh nói co không đi vào đề mục chính”. Nghĩ thế y bèn mỉm cười, không nói gì thêm.
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi cứ nhất định gây sự với ta thật không ra gì cả.
Trần trưởng lão mỉm cười:
-Tại hạ chẳng mở miệng, sao lại bảo là gây sự với các hạ được?
Bao Bất Đồng đáp:
-Ngươi không mở miệng, chỉ đánh rắm, đâu cần phải mở miệng nữa.
Trần trưởng lão cau mày đáp:
-Chỉ đùa thôi!
Bao Bất Đồng thấy y càng lúc càng nhịn, mình đã chiếm được thượng phong rồi liền nóiL
-Ngươi đã mở miệng nói rồi, ấy là không còn gây sự với ta nữa. Thế thì ta nói cho ngươi nghe. Vài tháng trước, ta cùng công tử nhà ta, Đặng đại ca, Công Dã nhị ca tất cả một đoàn, trên đường đi Cam Lương ngang qua một rừng cây, gặp phải một bọn ăn mày, chết nằm la liệt, kẻ thì đầu một nơi mình một nẻo, kẻ thì lòi ruột vỡ bụng, thật là tội nghiệp, đáng thương làm sao.
Những người đó ai ai cũng đeo túi vải, kẻ ba cái, kẻ bốn cái, kẻ năm cái, kẻ sáu cái không chừng.
Trần trưởng lão nói:
-Chắc là anh em trong tệ bang rồi.
Bao Bất Đồng tiếp:
-Khi ta gặp họ thì các lão huynh đó chết đã lâu, chẳng biết lúc đó đã ăn cháo lú chưa, lên Vọng Hương Đài chưa, hay đang ở trong điện nào của Thập Đại Diêm Vương chịu tra khảo. Bọn họ không ai nói được, dĩ nhiên ta làm sao hỏi họ hỏi tên, quê quán nơi nào, bang nào phái nào, vì sao mà chết? Nếu không ắt là khi thành ma rồi thể nào chẳng chửi ta một câu: “Có gì cần nói thì nói chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa” thì oan cho ta biết mấy?
Trần trưởng lão nghe y kể có rất nhiều anh em trong bang bị chết nên hết sức quan tâm, không dám mở mồm mà cũng không dám cà khịa với y, chỉ đành nói vớt vát:
-Bao huynh nói phải lắm.
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Họ Bao này bình sinh chúa ghét những đứa a dua phụ họa, mồm ngươi thì nói “Bao huynh nói phải lắm!” nhưng trong bụng thì đang réo “con mẹ mày, đồ rùa đen đê tiện” ấy là “nghĩ một đằng nói một nẻo”, là thói của bọn vô sỉ phái Tinh Tú.
Chứ như đã là nam tử hán, đại trượng phu, đúng thì nói đúng, sai thì bảo sai, người ta có ý kiến gì thì kệ xác người ta, mình có ý kiến của mình. “Tự phản nhi xúc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ!”. Một mình mình làm, một mình mình đứng, không hùa theo ai, có thế mới là anh hùng hảo hán.
Y lên tiếng dạy dỗ Trần trưởng lão một chập, lúc ấy mới nói:
-Trong số đó có một vị lão huynh bị thương nhưng chưa chết, tuy chưa ngủm củ tỏi nhưng cũng chẳng còn được bao lăm hơi. Y tự xưng là tên Dịch Đại Bưu, từ bên nước Tây Hạ trở về, mang theo một trương bảng văn của quốc vương nước Tây Hạ, có liên quan trọng đại, giao cho bọn ta nhờ bọn ta giao lại cho trưởng lão quí bang.
Tống trưởng lão nghĩ thầm: “Trần huynh đệ ăn nói đắc tội với y, chi bằng mình đi ra lo liệu việc này cho xong”. Y lập tức tiến ra vái một cái nói:
-Bao tiên sinh trượng nghĩa truyền tin, tệ bang trên dưới ai ai cũng cảm đại đức.
Bao Bất Đồng đáp:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Chưa chắc gì tất cả trên dưới trong quí bang đã cảm cái đại đức của ta đâu.
Tống trưởng lão ngỡ ngàng hỏi:
-Bao tiên sinh nói như thế là do đâu mà ra?
Bao Bất Đồng chỉ vào Du Thản Chi nói:
-Bang chủ quí bang chưa chắc đã có cảm tình với tại hạ mà trong lòng còn hận ta không đâu cho hết.
Tống Trần hai trưởng lão cùng kêu lên:
-Thế là vì cớ gì? Xin Bao tiên sinh chỉ giáo.
Bao Bất Đồng đáp:
-Gã Dịch Đại Bưu khi sắp chết có nói rằng, bọn họ cả bầy đã bị Trang bang chủ của quí bang sai người giết chết, chỉ vì họ không phục tên tiểu tử họ Trang làm bang chủ, nên tiểu tử đó sai người đuổi theo tàn sát. Ôi! Đáng thương xiết bao. Dịch Đại Bưu nhờ bọn ta truyền ngôn, dặn Ngô trưởng lão và các vị trưởng lão phải hết sức đề phòng.
Bao Bất Đồng vừa dứt lời, quần cái ai nấy rúng động. Ngô trưởng lão rảo bước đến trước Du Thản Chi, hầm hè quát hỏi:
-Lời đó có thật hay không?
Du Thản Chi bị Tiêu Phong đá gãy hai chân, nãy giờ vẫn ngồi dưới đất, không nói không rằng tiềm vận nội lực cho bớt đau, đột nhiên nghe Bao Bất Đồng nói lộ bí mật đó ra, không khỏi hết sức kinh hoàng, lại nghe Ngô trưởng lão chất vấn bèn ấp úng:
-Đó là Toàn … Toàn Quan Thanh ra lệnh, chẳng … chẳng liên quan gì đến tôi cả.
Tống trưởng lão không muốn vạch áo cho người xem lưng trước mặt quần hùng, hầm hầm nhìn Toàn Quan Thanh trừng mắt, nghĩ thầm: “Chuyện trong bang từ từ mình tính lại cũng không muộn”. Y bèn quay sang Bao Bất Đồng:
-Bảng văn Dịch Đại Bưu huynh đệ giao cho tiên sinh, không biết tiên sinh có mang theo trong người không?
Bao Bất Đồng quay lại nói:
-Không mang!
Tống trưởng lão hơi biến sắc, nghĩ thầm ngươi nói năng tự nãy giờ mà lại toan không đưa bảng văn ra, không lẽ định đem mình làm trò đùa hay sao? Bao Bất Đồng vái một cái thật sâu nói:
-Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu, mình sau này có lúc gặp lại.
Nói xong quay mình đi ra. Ngô trưởng lão vội gọi:
-Bức bảng văn của Tây Hạ kia, vì cớ gì các hạ không chịu chuyển giao?
Bao Bất Đồng đáp:
-Cái đó lạ nhỉ? Sao ngươi biết là Dịch Đại Bưu giao tấm bảng văn đó vào tay ta? Sao lại dùng hai chữ “chuyển giao” được? Không lẽ hôm đó chính mắt ngươi trông thấy hay sao?
Tống trưởng lão cố nén giận nói:
-Bao huynh vừa mới nói, Dịch Đại Bưu Dịch huynh đệ từ Tây Hạ trở về, mang theo một trương bảng văn của quốc vương nước này, nhờ Bao huynh giao lại cho trưởng lão tệ bang. Câu nói đó có bao nhiêu anh hùng hảo hán cùng nghe cả, Bao huynh tự nhiên lại đổi giọng là sao?
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Ta có nói thế bao giờ đâu?
Y thấy Tống trưởng lão biến sắc liền tiếp:
-Ta từng nghe các trưởng lão Cái Bang ai ai cũng là hảo hán mặt sắt đen sì, sao nay trước mặt anh hùng thiên hạ nói trắng thành đen, đen thành trắng, hỗn loạn thị phi, có phải là đem thanh danh một đời để trôi theo dòng nước hay chăng?
Tống Trần Ngô ba người đưa mắt nhìn nhau, mặt mày đăm chiêu ngơ ngáo, chẳng biết nên lập tức ra tay động thủ hay cố nhịn thêm chút nữa. Trần trưởng lão nói:
-Các hạ đã nói thế thì chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao, thị phi ắt có công luận, chứ chỉ bẻm mép suông, cưỡng từ đoạt lý thì cũng chẳng đến đâu.
Bao Bất Đồng đáp:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi bảo “chỉ bẻm mép suông thì chẳng đến đâu” thế xưa kia Tô Tần chỉ nhờ tài miệng lưỡi mà đeo tướng ấn sáu nước thì sao? Tại sao Trương Nghi cũng chỉ nhờ tài ăn nói mà dùng kế liên hoành, giúp cho nước Tần gồm thâu lục quốc?
Tống trưởng lão thấy y càng nói càng xa đề, chỉ đành cười gượng nói:
-Bao tiên sinh giá mà sinh vào thời Chiến Quốc, ắt đã ăn đứt Tô Trương, thân đeo tướng ấn bảy nước, tám nước.
Bao Bất Đồng đáp:
-Như vậy là ngươi mỉa mai ta sinh bất phùng thời chứ gì? Bảo ta số đen như mõm chó chăng? Được rồi, họ Bao này nếu như từ nay về sau có chuyện xui xẻo, nhức đầu nóng sốt, đau lưng bại chân, ho hen kéo cữ thì cũng bởi cái miệng ngươi trù ẻo.
Trần trưởng lão chán nản hỏi:
-Thế thì quả thực Bao huynh muốn gì? Cứ nói thẳng ra cho biết!
Bao Bất Đồng đáp:
-Ôi, sao ngươi nóng tính thế? Trần trưởng lão, hôm đó ở rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, ngươi cùng Phong tứ đệ của ta tỉ thí võ công, tay ngươi cầm một cái túi vải lớn, trong đó có một con bò cạp lớn, đuôi bò cạp có một cái kim độc, cái kim độc đó chích vào ai thì sưng thành một cục u to, cục u đó sẽ làm cho đối phương táng mạng, có phải thế không?
Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Có một câu mà nói vòng vo, chuyện nhỏ chuyện lớn gì ngươi cũng ba hoa chích chòe thành đủ chuyện”. Y bèn đáp:
-Đúng thế!
Bao Bất Đồng nói:
-Hay lắm! Ta đánh cuộc với ngươi, nếu ngươi thắng thì ta lập tức đem tin tức gã ăn mày già họ Dịch từ Tây Hạ về nói cho ngươi hay. Còn như ta thắng thì ngươi phải lấy cái túi vải, lẫn con bò cạp trong cái túi vải đó, cả cái bình thuốc tiêu giải chất độc, tất cả đưa cho ta, ngươi có dám không?
Trần trưởng lão hỏi lại:
-Bao huynh muốn đánh cuộc chuyện gì?
Bao Bất Đồng đáp:
-Các trưởng lão quí bang vu hãm cho ta, khăng khăng bảo là ta cất dấu bảng văn Dịch Đại Bưu đem từ Tây Hạ về, nhờ ta chuyển giao lại cho các trưởng lão. Thực ra ta nào có nói thế bao giờ, vậy hai người mình đánh cuộc. Nếu quả đúng là ta có nói thế thì là ngươi thắng, còn như ta không có nói thế, ấy là ta thắng.
Trần trưởng lão đưa mắt nhìn Tống, Ngô trưởng lão, hai người gật đầu, ý muốn nói: “Có mấy nghìn người ở đây làm chứng, dù y có cãi nhăng cãi cuội cách nào thì cũng khó mà chây được. Cứ việc đánh cuộc đi!”.
Trần trưởng lão nói:
-Được rồi, tại hạ cùng Bao huynh đánh bạc. Thế nhưng không biết Bao huynh làm sao chứng minh ai thua ai được? Không lẽ mình phải suy cử vài vị đức cao vọng trọng ra làm công chứng nhân xét xử cho công bình hay sao?
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi bảo suy cử ra vài vị đức cao vọng trọng làm công chứng nhân xét xử, ví thử đưa ra được tám người, mười người, không lẽ ngoài tám người mười người đó, hàng nghìn hàng trăm người còn lại không phải anh hùng hảo hán, đức không cao, vọng không trọng hay sao? Nếu đức không cao, vọng không trọng thì hóa ra là kẻ ti bỉ hạ lưu, vô danh tiểu tốt chăng? Vậy là coi rẻ anh hùng thiên hạ, Cái Bang các ngươi quả thật vô lễ.
Trần trưởng lão nói:
-Bao huynh chỉ đùa, tại hạ nào dám có ý đó. Vậy thì theo sở kiến của Bao huynh mình phải thế nào?
Bao Bất Đồng đáp:
-Trái phải ngay cong, một lời là xong, để tại hạ mổ xẻ cho các vị. Đưa đây!
Y vừa nói “Đưa đây!” vừa chìa tay ra. Trần trưởng lão hỏi lại:
-Đưa cái gì?
Bao Bất Đồng đáp:
-Túi vải, con bò cạp, thuốc giải độc.
Trần trưởng lão nói:
-Bao huynh chưa chứng minh được, sao đã coi là mình thắng?
Bao Bất Đồng đáp:
-Chỉ sợ ngươi thua rồi lại lần khân không chịu đưa.
Trần trưởng lão cười ha hả nói:
-Một con độc vật nho nhỏ thì có đáng gì? Nếu Bao huynh muốn, tại hạ lập tức dâng lên, việc gì phải đánh đố thua được cho thêm phiền?
Nói xong cởi một chiếc túi sau lưng, lấy trong túi ra một chiếc bình nhỏ, giao cả hai món cho y. Bao Bất Đồng không khách khí gì đưa tay nhận ngay, mở miệng túi ra nhìn vào thấy trong túi có bảy tám con bò cạp rằn ri, liền thắt miệng túi lại nói:
-Để bây giờ ta cho ngươi coi chứng cứ, cho ngươi biết tại sao ta thắng mà ngươi lại thua.
Y vừa nói, vừa cởi thắt lưng trường bào, xăn tay áo lên, vạch túi ra, cho mọi người nhìn thấy trên người y ngoài vài lượng bạc, hỏa đao, hỏa thạch ra, không còn vật gì khác. Tống Trần Ngô ba người không hiểu ý tứ y ra sao, vẻ mặt hoang mang. Bao Bất Đồng nói:
-Nhị ca cầm bảng văn trong tay cho bọn họ nhìn qua một chút.
Công Dã Can từ nãy đến giờ vẫn lo cho an nguy cha con Mộ Dung Bác nhưng thấy không cách gì có thể vượt qua được La Hán Đại Trận của quần tăng Thiếu Lâm, nên cũng chỉ đành nóng ruột suông, nghe thế liền lấy bảng văn ra cầm trên tay. Quần hùng nhìn bảng văn, thấy đó là một tờ giấy vàng lớn trên có dấu son đỏ, viết đầy những chữ ngoại quốc, tuy khó mà biết thật hay giả nhưng xem chừng không phải là đồ mạo hóa.
Bao Bất Đồng nói:
-Khi trước ta đã nói “Dịch Đại Bưu có đem một trương bảng văn nước Tây Hạ giao lại cho bọn ta, nhờ bọn ta giao lại cho trưởng lão quí bang” có đúng không nào?
Tống Trần Ngô ba trưởng lão thấy y đột nhiên thừa nhận việc đó vui mừng đáp:
-Đúng thế!
Bao Bất Đồng nói:
-Thế mà Tống trưởng lão lại chỉ ta mà nói “Dịch Đại Bưu có đem một trương bảng văn nước Tây Hạ giao lại cho ta, nhờ ta giao lại cho trưởng lão quí bang” có phải không nào?
Ba trưởng lão cùng đáp:
-Đúng thế! Nói thế thì có gì sai đâu?
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai chứ, sai chứ! Sai bét đi chứ! Đầu trâu làm sao gắn với mõm ngựa được. Sai một ly đi một dặm! Ta nói là “bọn ta”, Tống trưởng lão lại bảo là “ta”. Nói đến “bọn ta”, họ Cô Tô Mộ Dung có biết bao nhiêu người, bên trong có cả Mộ Dung công tử, có Đặng đại ca, Công Dã nhị ca, Phong tứ ca, lại có cả Vương cô nương. Còn như “ta” là chỉ có một thân một mình Bao Bất Đồng này, cái thằng ba trợn mở mồm ra là “Sai bét rồi! Không phải vậy!” thôi. Các vị anh hùng thử nhìn xem, Vương cô nương hoa dung nguyệt mạo, là một đại khuê nữ, với cái tên “phi dã phi dã” Bao Bất Đồng Bao lão tam khác hẳn nhau làm sao có thể nhập làm một được?
Tống Trần Ngô ba trưởng lão mặt mày ngơ ngẩn, có ngờ đâu y chẻ sợi tóc ra làm tư, hai chữ “bọn ta” với “ta” mà giải thích khác nhau xa lắc. Lại nghe Bao Bất Đồng nói tiếp:
-Cái trương bảng văn đó, Dịch Đại Bưu giao tận tay Công Dã nhị ca. Ta báo tin cho quí bang là do chủ ý của Mộ Dung công tử. Ta nói “bọn ta” cái đó không có gì sai. Còn như nếu nói “ta” thì thế là không đúng sự thật. Tại hạ không biết văn tự Tây Hạ, nhận bảng văn này làm gì? Tại hạ đã từng đụng với người của quí bang bên ngoài thành Vô Tích, bị đánh cho thua một vố đau, không đến tìm quí bang báo thù thì thôi, chứ đến báo tin làm gì? Nói tóm lại, hay tóm lại mà nói, nhận trương bảng văn đến quí bang báo tin đều là “bọn ta” Cô Tô Mộ Dung toàn thể, chứ không phải chỉ mình “ta” Bao Bất Đồng này mà thôi.
Y quay lại nói với Công Dã Can:
-Nhị ca, bọn họ thua rồi, cất bảng văn đi.
Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Ngươi đi vòng vèo, nói qua nói lại, chẳng qua cũng chưa quên cái sỉ nhục bị thua nơi ngoài thành Vô Tích”. Y bèn vòng tay nói:
-Hôm xưa Bao huynh tay không đánh với Hề trưởng lão của bản bang cầm cương trượng nặng sáu mươi cân mà cũng hơn đứt. Tệ bang thấy không địch nổi mới kết “Đả … đả … đả …” cái trận pháp đó, mới chế ngự nổi Bao huynh. Bang chủ tệ bang thời đó là Kiều Phong phải đem hết những quân tinh nhuệ nhất xông lên, vậy mà cũng phải đấu một hồi lâu mới miễn cưỡng thắng được nửa chiêu.
Đến khi Bao huynh hùng tráng vừa hát vừa phiêu nhiên ra đi, đấu đã cao minh, đi cũng tiêu sái, tệ bang trên dưới mỗi khi nhắc tới, ai cũng tấm tắc quả là người khoáng đạt, không thể không không phục. Bao huynh sao lại quá khiêm, nói trớ ra là thua dưới tay tệ bang, àm gì có chuyện đó cho được. Gã Kiều Phong kia giờ này không còn liên quan gì đến tệ bang nữa, thậm chí có thể nói là kẻ thù chung rồi.
Y có biết đâu Bao Bất Đồng nói hươu nói vượn, chẳng qua chỉ để bắt bẻ cái câu sau cùng của y, chứ không phải vì cái nhục đánh thua nơi rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, cũng chẳng phải để vặn mấy tiếng “có gì cần nói thì nói chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa”. Bao Bất Đồng luôn luôn dùng cái thuật tiện đâu đánh đó, lựa gió giương buồm, bèn nói:
-Nếu đã thế thì thật tốt quá. Vậy chúng mình cùng chung cừu địch, ngươi tất lãnh huynh đệ trong bang tóm cổ gã Kiều Phong lại. Khi đó bọn ta sẽ niệm tình bằng hữu mà đem bảng văn hai tay dâng lên. Lão huynh nếu không biết thứ văn tự hi kỳ cổ quái kia, Công Dã nhị ca ta sẽ nghĩ tình làm ơn cho trót, từ đầu chí cuối, không sót một chữ giảng giải cho nghe, ngươi nghĩ sao?
Trần trưởng lão đưa mắt nhìn Tống trưởng lão, lại dò ý Ngô trưởng lão, chưa biết tính sao. Đột nhiên có người cao giọng nói:
-Cứ thế mà làm còn nghi ngại gì nữa?
Mọi người cùng nhìn qua thấy kẻ vừa nói đó chính là Thập Phương Tú Tài Toàn Quan Thanh. Y lúc đó đã được thăng lên trưởng lão chín túi, lại nghe y tiếp tục:
-Liêu quốc là tử cừu đại địch của Đại Tống ta. Cha Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn đã thú nhận là y ẩn trốn trong chùa ba mươi năm qua, tham duyệt hết võ công bí tịch của Thiếu Lâm tự. Nếu hôm nay mình không đồng tâm hiệp lực trừ đi, để y trở về nước Liêu, truyền bá võ công thượng thừa của Trung Thổ, người Khất Đan như hổ thêm cánh, lúc đó trở sang tấn công Đại Tống, bọn con cháu Viêm Hoàng chúng ta lúc đó sẽ thành kẻ vong quốc mất thôi.
Quần hùng nghe y nói quả là hữu lý, có điều Huyền Từ viên tịch rồi, Trang Tụ Hiền đã gãy chân, hai cây cột lớn của võ lâm Trung Nguyên là Thiếu Lâm và Cái Bang nay như rắn mất đầu, không còn ai chủ trì đại cuộc.
Toàn Quan Thanh tiếp:
-Vậy xin mời ba vị cao tăng chữ Huyền của phái Thiếu Lâm, với Tống Trần Ngô ba vị trưởng lão Cái Bang chung phát hiệu lệnh, tất cả mọi người cùng nghe sai khiến. Trước hết phải giết cho được cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong để trừ cái đại hoạn trong gan ruột của Đại Tống. Những việc khác cần làm, từ từ tính sau.
Y thấy Du Thản Chi thân bại danh liệt, mình đã mất chỗ dựa trong bang rồi, việc giết Dịch Đại Bưu và những người kia đã bị tiết lộ, trong lòng hết sức lo lắng nên vội vàng xúc xiểm gây chuyện phong ba để che lấp tội lỗi để hòng tìm cách thoát thân. Y tuy cũng nằm trong tứ trưởng lão của Cái Bang nhưng lúc này không dám đứng ngang hàng với Tống Trần Ngô ba người nữa.
Quần hùng liền nhao nhao lên:
-Lời đó nghe phải lắm, xin mời ba vị cao tăng, ba vị trưởng lão ra lệnh.
-Chuyện này liên quan đến an nguy thiên hạ, lục vị tiền bối đương nhân bất nhượng , nghĩa bất dung từ.
-Chúng ta cùng nghe hiệu lệnh xông lên giết cho được hai tên Liêu cẩu.
Chỉ trong giây lát, tiếng loảng xoảng vang lên, ai nấy rút binh khí, có người đã toan xông vào giết mười tám võ sĩ Khất Đan. Dư bà bà kêu lên:
-Các vị huynh đệ Khất Đan, xin qua đây nói chuyện.
Mười tám võ sĩ chưa biết Dư bà bà có dụng ý gì nên không đi qua, người nào cũng cầm đao trên tay, đứng xếp hàng, quả bất địch chúng nhưng cũng quyết một phen tử chiến. Dư bà bà quát:
-Bát bộ Linh Thứu Cung hãy hộ vệ mười tám vị bằng hữu.
Chư nữ tám bộ liền xông lên chặn trước mặt mười tám võ sĩ Khất Đan, các động chủ, đảo chủ cũng xếp chung quanh. Các môn nhân phái Tinh Tú muốn lập công cho chủ mới, lập tức phất cờ la ó, thanh thế trông thật dữ dội.
Dư bà bà khom lưng nói với Hư Trúc:
-Chủ nhân, mười tám võ sĩ này là hạ thuộc của nghĩa huynh chủ nhân, nếu để họ bị loạn đao phân thi trước mặt chủ nhân thì quả là mất mặt cho cung Linh Thứu. Chúng ta nên trông coi lo liệu cho họ, kính xin chủ nhân phát lạc.
Hư Trúc đau thương cha mẹ vừa mất, không còn lòng dạ nào mà nghĩ ngợi điều gì, liền gật đầu đáp:
-Cung Linh Thứu ta và phái Thiếu Lâm là bạn chứ không phải địch, mọi người đừng để tổn thương hòa khí, tàn sát lẫn nhau.
Huyền Tịch thấy thanh thế của cung Linh Thứu như vậy, biết đây là một đại kình địch, nghe Hư Trúc nói liền bảo:
-Mười tám võ sĩ Khất Đan này giết họ hay không cũng chẳng liên quan gì đến đại cuộc, nể mặt Hư Trúc tiên sinh, tạm để đó đã. Hư Trúc tiên sinh, chúng ta cầm sát Tiêu Phong, tiên sinh tương trợ phe nào?
Hư Trúc trù trừ đáp:
-Phái Thiếu Lâm là xuất thân chi địa của tại hạ, Tiêu Phong là nghĩa huynh của tại hạ, một bên thì là ân, một bên thì là nghĩa. Tôi … tôi … chẳng tương trợ bên nào. Chỉ mong … mong …, tại hạ mong sư thúc tổ để cho Tiêu đại ca ra đi, tại hạ sẽ khuyên y không đem quân công đả Đại Tống.
Huyền Tịch nghĩ thầm: “Uổng cho ngươi võ công cao cường, lại là chủ của một phái, nói năng nghe như đứa con nít lên ba”. Ông bèn đáp:
-Ba chữ “sư thúc tổ”, từ nay Hư Trúc tiên sinh đừng đề cập đến nữa.
Hư Trúc đáp:
-Vâng, vâng, tại hạ quên mất.
Huyền Tịch nói:
-Linh Thứu Cung hai bên không tương trợ bên nào, phái Thiếu Lâm cùng quí phái là bạn chứ không phải thù, hai bên không tổn thương hòa khí lẫn nhau.
Ông quay sang nói với ba trưởng lão Cái Bang:
-Ba vị trưởng lão, tất cả chúng ta cùng đến tệ tự xem động tĩnh ra sao, được chăng?
Tống Trần Ngô ba trưỡng lão cùng đáp:
-Hay lắm! Hay lắm! Chúng huynh đệ Cái Bang, tất cả cùng lên chùa Thiếu Lâm.
Thế là tăng lữ Thiếu Lâm đi trước, Cái Bang cùng quần hùng Trung Nguyên tất cùng reo hò đi lên trên núi. Đặng Bách Xuyên vui mừng nói:
-Tam đệ, ngươi quả giỏi thật, chỉ mấy câu của ngươi mà khiến cho chúa công cùng công tử có thêm bao nhiêu người giúp đỡ.
Bao Bất Đồng đáp:
-Sai bét rồi! Không phải vậy! Tiểu đệ nói dây dưa bấy lâu, không biết ấy là họa hay phúc cho chúa công và công tử, ai được ai thua.
Vương Ngữ Yên vội nói:
-Mau đi theo! Đừng có lải nhải “phi dã, phi dã” nữa.
Nàng vừa nói vừa rảo bước đi lên, đã thấy Đoàn Dự đi lẽo đẽo bên cạnh bèn hỏi:
-Đoàn công tử, công tử định giúp nghĩa huynh để làm khó biểu ca tôi phải không?
Giọng nói có vẻ bực bội. Mới rồi Mộ Dung Phục hoành kiếm tự vẫn, suýt chết cũng chỉ vì thua Đoàn Dự và Tiêu Phong, thẹn quá hóa liều, Vương Ngữ Yên hỏi thế là có vẻ giận Đoàn Dự. Đoàn Dự ngẩn ngơ, dừng chân lại. Chàng từ khi quen biết Vương Ngữ Yên đến nay, đối với nàng thiên y bách thuận, biết bao lần vì nàng xả thân nguy hiểm không nề sống chết, chưa bao giờ thấy nàng có vẻ không vui với mình như thế, nhất thời hoảng hốt cuống quít, bụng rối như tơ vò, một lúc lâu sau mới đáp:
-Tôi … tôi nào có định làm khó cho Mộ Dung công tử …
Khi chàng ngửng lên chỉ thấy quần hùng đang lũ lượt kéo qua, Vương Ngữ Yên và bọn Đặng Bách Xuyên đã rời từ hồi nào, chẳng biết đi đâu.
Anh chàng lại ngơ ngẩn nghĩ thầm: “Vương cô nương đã có bụng nghi ngờ, mình hà tất phải đi lên cho thêm khó chịu?”. Nhưng Đoàn Dự lại nghĩ: “Cả nghìn người như đàn ong kéo lên, định vây đánh Tiêu đại ca, anh ta ở vào cảnh ngộ cực kỳ hung hiểm. Hư Trúc nhị ca đã nói rõ là không giúp bên nào, nếu ta không hết sức ra tay giúp đỡ thì cái tình kim lan kết nghĩa còn đâu? Dẫu cho Vương cô nương có giận thì mình cũng đành chịu vậy thôi”. Chàng bèn đi theo quần hào chạy lên trên núi.
Khi đó Đoàn Chính Thuần thấy Đoàn Diên Khánh gườm gườm nhìn mình, lập tức để tay lên đốc kiếm, vận khí chờ địch. Quần hào Đại Lý cũng chăm chăm dè chừng nên việc Đoàn Dự tất tưởi chạy đi chẳng một ai chú ý.
Đoàn Dự đến được chùa Thiếu Lâm rồi một mình đi vào trong cổng. Chùa Thiếu Lâm khuôn viên cực rộng, tiền điện hậu xá, không biết bao nhiêu trăm nghìn gian, chỉ thấy tăng lữ và quần hùng Trung Nguyên qua qua lại lại nơi các điện đường, lao xao bàn tán đi tìm cha con Tiêu Viễn Sơn và cha con Mộ Dung Bác.
Một số người nhảy lên mái nhà từ trên cao nhìn xung quanh, bốn phía người chạy lung tung, loạn cả lên. Mọi người vào phòng này, sang phòng khác, chạy qua chạy lại ai ai cũng hỏi nhau:
-Ở đâu thế? Đã kiếm thấy chưa?
Tòa Thiếu Lâm cổ sát trang nghiêm bỗng chốc ồn ào náo nhiệt như phiên chợ. Đoàn Dự chạy lăng quăng một hồi, đột nhiên trông thấy hai Hồ tăng lẻn từ cửa hông ra, mắt chấp chới nhìn ngang nhìn ngửa, lấp ló thập thò. Đoàn Dự trong lòng chợt động: “Hai nhà sư người Hồ này không phải sư chùa Thiếu Lâm, họ đang lén lút làm trò gì đây?”. Bụng hiếu kỳ nổi lên, lập tức thi triển Lăng Ba Vi Bộ lẳng lặng theo sau hai người chạy ra ngoài khu rừng bên cạnh chùa.
Đi hết một con đường mòn, chạy về hướng tây bắc, qua mấy chỗ ngoẹo, trước mắt bỗng thấy một khoảng không, nghe tiếng nước chảy róc rách, bên cạnh giòng suối là một tòa lầu, trên lầu có một biển ngạch viết ba chữ: “Tàng Kinh Các”. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Tàng Kinh Các của chùa Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, thì ra kiến lập ở nơi đây. Phải rồi, tòa nhà này xây ngay bên cạnh giòng suối, xa cách chùa chiền để phòng khi có hỏa tai không hủy mất những kinh điển trân quí”.
Hai gã Hồ tăng rùn người xuống len lén lần tới Tàng Kinh Các, Đoàn Dự lập tức đuổi theo. Đột nhiên có hai nhà sư trung niên ở đâu vọt ra, cùng tằng hắng một tiếng nói:
-Hai vị đến nơi đây có việc gì?
Một người Hồ tăng đáp:
-Sư huynh ta đã ngưỡng mộ Tàng Kinh Các của chùa Thiếu Lâm từ lâu, nên muốn đến ngắm một chút.
Người nói đó chính là Ba La Tinh. Y và sư huynh Triết La Tinh thấy chùa Thiếu Lâm đang lúc hỗn loạn, toan bề nước đục thả câu, định lẻn đến Tàng Kinh Các ăn trộm kinh. Một nhà sư Thiếu Lâm nói:
-Kính xin đại sư lưu bộ, đây là trọng địa tàng kinh của bản tự, người ngoài không thể vào được.
Còn đang nói qua lại thì đã thấy thêm bốn nhà sư cầm thiền trượng, chặn ngay cửa. Triết La Tinh và Ba La Tinh hai người đưa mắt nhìn nhau, biết rằng mưu tính khó mà thành công, đành bỏ cuộc lui ra. Đoàn Dự cũng quay lại, đang định đi kiếm Tiêu Phong bỗng nghe một giọng già cả từ trên lầu cao truyền xuống:
-Ngươi trông thấy y chạy về hướng nào?
Y nhận ra đó chính là giọng của Huyền Tịch. Lại một người khác nói:
-Chúng đệ tử bốn người canh tại đây thì nhà sư áo xám xông vào, ra tay điểm huyệt mê của cả bọn, đến khi sư bá cứu tỉnh thì nhà sư áo xám kia đi đâu không biết.
Lại một giọng già nua khác nói:
-Ở đây cửa sổ bị rách, chắc hẳn y chạy ra hậu sơn.
Huyền Tịch nói:
-Đúng vậy!
Lão tăng kia lại tiếp:
-Nhưng không biết bọn chúng có ăn trộm cuốn kinh thư nào trong các hay không?
Huyền Tịch nói:
-Hai gã này tiềm phục nơi bản tự mấy chục năm rồi thế mà cả chùa từ trên xuống dưới ngu ngơ có ai biết gì đâu, đủ biết mình chẳng tài cán gì cả. Bọn họ muốn ăn trộm kinh, mấy chục năm qua ngày nào chẳng được, việc gì phải đợi đến hôm nay?
Lão tăng kia nói:
-Sư huynh nói phải lắm.
Hai nhà sư cùng buông tiếng thở dài. Đoàn Dự nghĩ chừng hai người đang nói về chuyện mất mặt của chùa Thiếu Lâm, không tiện nghe lóm, có biết đâu các nhà sư nói rất khẽ, chỉ vì chàng nội lực thâm hậu nên mới nghe được mà thôi. Đoàn Dự chầm chậm lẻn ra nghĩ thầm: “Bọn họ nói Tiêu đại ca đi ra sau núi, mình đi xem ra thế nào?”.
Sau núi Thiếu Thất địa thế hiểm trở, rừng rậm đường khó đi, Đoàn Dự đi được mấy dặm thì không còn nghe tiếng lao xao từ trong chùa truyền ra nữa, núi rừng tĩnh mịch, chỉ còn tiếng chim ríu rít trên cành cây. Trong rừng sâu giữa núi không có ánh mặt trời, nên hơi lành lạnh. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Cha con Tiêu đại ca đã ra đến đây thì thoát thân quá dễ dàng, quần hùng khó mà vây đánh được”. Chàng thấy yên tâm hơn nhưng nghĩ đến vẻ mặt oán hờn của Vương Ngữ Yên, trong lòng lại bàng hoàng: “Nếu như đại ca giết được Mộ Dung công tử, thì … thì … mình phải làm sao đây?⬙. Sau lưng không khỏi toát mồ hôi lạnh, nghĩ thầm: “Nếu như Mộ Dung công tử chết rồi, Vương cô nương hẳn đau lòng, cả đời uất hận khôn nguôi”.
Chàng như tỉnh như mê đi lang thang trong rừng rậm, lúc thì nghĩ đến Mộ Dung Phục, lúc lại nghĩ đến Tiêu đại ca, khi nghĩ đến gia gia, má má và bá phụ nhưng nghĩ đến nhiều hơn cả vẫn là Vương Ngữ Yên, nhất là gương mặt oán hận của nàng nhìn mình.
Không biết chàng suy nghĩ miên man như thế trong bao lâu, bỗng nghe theo gió truyền đến văng vẳng có tiếng niệm Phật tụng kinh:
Tâm kia tức là Phật,
Phật kia cũng là tâm.
Tâm sáng thì thấy Phật,
Thấy Phật ắt minh tâm.
Rời tâm không còn Phật,
Rời Phật đâu còn tâm …
Thanh âm rõ ràng hồn hậu nhưng trước nay chàng chưa hề nghe bao giờ. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Thì ra ở đây lại có một nhà sư, mình thử đến hỏi xem ông ta có gặp Tiêu đại ca không?” rồi lần theo thanh âm đi tới.
Qua khỏi một khu rừng trúc thấy trên một bãi cỏ tụ tập không ít người. Một nhà sư mặc thanh bào đã cũ ngồi trên một tảng đá xoay lưng lại, tiếng niệm kinh chính là do ông ta phát ra, phía trước thật đông người ngồi, trong đó có cả cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, rồi cả hai nhà sư người Hồ là Ba La Tinh, Triết La Tinh chàng mới thấy ở Tàng Kinh Các, những cao tăng từ các chùa khác đến, và vài nhà sư chữ Huyền của chùa Thiếu Lâm, tất cả cùng ngồi dưới đất chắp tay, rủ mi cúi đầu, cung kính nghe thuyết pháp. Bên ngoài xa chừng năm sáu trượng đứng lố nhố có cả quốc sư nước Thổ Phồn Cưu Ma Trí, vẻ mặt khinh khỉnh xem chừng trong lòng bất phục.
Đoàn Dự xuất thân từ nơi Phật quốc, từ bé đã cùng các cao tăng tìm hiểu Phật pháp, nghĩa lý kinh điển thông hiểu khá nhiều, có điều Phật pháp Đại Lý từ phương nam truyền lên, gần với tiểu thừa, không phải Thiền tông như của Thiếu Lâm, sở học có chỗ không giống nhau, nghe nhà sư đọc kệ, tưởng như nông cạn nhưng bao hàm lý lẽ thâm sâu, nghĩ thầm: “Nhìn phục sắc vị cao tăng này thì có vẻ là tăng lữ trong chùa Thiếu Lâm nhưng chức vị thấp kém, chỉ là loại tạp dịch quét nhà pha nước, sao các cao tăng lẫn Tiêu đại ca cũng đều lắng nghe ông ta giảng kinh thuyết pháp là sao?”.
Chàng mon men đến, muốn xem thử vị cao tăng này dung mạo ra sao, là hạng người gì. Thế nhưng nếu muốn nhìn tận mặt vị cao tăng kia thì phải đi vòng ra phía sau lưng bọn Tiêu Phong, chàng không dám kinh động mọi người, rón rén đi vòng một quãng xa, đang định rùn người lẻn tới gần bên, đột nhiên thấy Cưu Ma Trí quay người lại mỉm cười. Đoàn Dự cũng cười đáp lại.
Đột nhiên một luồng kình phong cực kỳ lăng lệ xốc tới ngực, Đoàn Dự kêu lên:
-Chao ôi!
Đang muốn dùng Lục Mạch Thần Kiếm để choáng đỡ nhưng không kịp nữa rồi, chỉ thấy ngực nhói lên, trong cơn mơ màng nghe tiếng người niệm A Di Đà Phật rồi không còn biết gì nữa.
* * *
Mộ Dung Bác bị Huyền Từ vạch rõ chân tướng là người năm xưa giả truyền tin tức gây ra vụ huyết án Nhạn Môn Quan, biết rằng chẳng những hai cha con họ Tiêu phải bắt được mình mới cam tâm mà cả quần hào Trung Nguyên cũng không tha nên lập tức phi thân chạy về hướng chùa Thiếu Lâm.
Chùa Thiếu Lâm phòng ốc rất nhiều, ông ta quen thuộc địa hình nên dù ẩn náu nơi đâu thì cha con họ Tiêu cũng chưa dễ tìm ra được. Thế nhưng Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hận ông ta tận xương tủy, như bóng với hình đuổi nà theo. Tiêu Viễn Sơn và ông hai người tuổi tác tương đương, công lực cũng ngang ngửa, Mộ Dung Bác chạy trước một chút, Tiêu Viễn Sơn không dễ gì đuổi kịp. Thế nhưng Tiêu Phong đang lúc tráng niên, võ công tinh lực đến mức tuyệt đỉnh, ra sức đuổi theo nên khi Mộ Dung Bác chạy đến cổng chùa rồi, Tiêu Phong từ xa mấy trượng đánh ra một chưởng, chưởng lực đã đến sau lưng.
Mộ Dung Bác hồi chưởng chống đỡ, toàn thân chấn động, cánh tay ngâm ngẩm đau, không khỏi kinh hãi: “Tên tiểu cẩu Khất Đan này công lực lợi hại thật”. Ông ta liền nghiêng người lách vào trong cửa chùa.
Tiêu Phong đâu để ông ta thoát thân, vọt lên chặn lại. Thế nhưng Mộ Dung Bác đã vào trong chùa rồi, chỗ nào cũng có điện đường hành lang, chưởng lực Tiêu Phong tuy mạnh thật nhưng đánh cũng không trúng ông ta được.
Ba người một chạy trước, hai đuổi theo, trong chốc lát đã chạy đến Tàng Kinh Các. Mộ Dung Bác phá cửa sổ nhảy vào, vừa ra tay đã điểm huyệt mê bốn nhà sư canh giữ các, quay người lại cười khẩy nói:
-Tiêu Viễn Sơn, cả hai cha con ngươi cùng tiến lên hay lại vẫn hai lão già đơn đả độc đấu một phen sống chết?
Tiêu Viễn Sơn chặn ngay cửa các nói:
-Hài nhi, con chặn cửa sổ đừng để y chạy thoát.
Tiêu Phong đáp:
-Vâng!
Ông nhảy đến bên cửa sổ, giang tay, hai cha con cùng vây lại, xem chừng Mộ Dung Bác không cách gì thoát thân được. Tiêu Viễn Sơn nói:
-Thâm cừu đại oán của ta với ngươi, không chết thì không cởi được. Đây không còn là tỉ thí võ công xem ai cao ai thấp mà là hai cha con ta cùng xông vào lấy mạng của ngươi.
Mộ Dung Bác cười ha hả, đang định trả lời bổng nghe tiếng chân người ở cầu thang rồi thấy một người đi lên, chính là Cưu Ma Trí. Y quay sang Mộ Dung Bác chắp tay chào nói:
-Mộ Dung tiên sinh, năm xưa từ biệt, đến sau lại nghe tiên sinh tây qui, tiểu tăng đau lòng khôn xiết, thì ra tiên sinh ẩn cư không ra ngoài là có thâm ý, hôm nay được trùng phùng khiến cho tiểu tăng vui mừng khôn tả.
Mộ Dung Bác ôm quyền hoàn lễ cười nói:
-Tại hạ vì chuyện nước chuyện nhà đành phải giả chết, phiền đại sư phải mong nhớ, quả đáng hổ thẹn xiết bao.
Cưu Ma Trí đáp:
-Không dám, không dám! Năm xưa tiểu tăng cùng tiên sinh giải cấu tương phùng, đàm võ luận kiếm, may được tiên sinh chỉ điểm cho mấy ngày, bao nhiêu nghi nghĩa bình sinh đều khai thông cả, lại được tiên sinh tặng cho yếu chỉ bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, vẫn hằng khắc tạc trong lòng.
Mộ Dung Bác cười đáp:
-Cái chuyện nhỏ nhặt đó có đáng gì mà phải nhắc tới?
Ông ta quay sang cha con họ Tiêu nói:
-Tiêu lão hiệp, Tiêu đại hiệp, đây là Cưu Ma Trí thần tăng, Đại Luân Minh Vương của nước Thổ Phồn, Phật pháp đã cực kỳ uyên thâm mà võ công còn cao hơn tại hạ bội phần, có thể nói trên đời hiếm ai sánh kịp.
Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người nhìn nhau, nghĩ thầm: “Gã phiên tăng này chưa chắc đã hơn Mộ Dung Bác đâu nhưng chắc cũng phải tài giỏi lắm. Y với Mộ Dung Bác uyên nguyên thật sâu xa, thể nào chẳng tương trợ y, cuộc chiến này ai thắng ai thua cũng còn khó nói lắm”.
Cưu Ma Trí đáp:
-Mộ Dung tiên sinh quá khen. Đương niên tiểu tăng nghe tiên sinh luận kiếm pháp, nói là Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn Đại Lý là thiên hạ đệ nhất, tiếc rằng chưa được xem qua để cho trở thành mối hận bình sinh. Tiểu tăng nghe tin chẳng lành của tiên sinh, nên đã đến chùa Thiên Long Đại Lý, mong xin được kiếm phổ Lục Mạch Thần Kiếm đem về phàn hóa trước mộ tiên sinh, báo tình tri kỷ. Ngờ đâu lão sư già Khô Vinh của chùa Thiên Long giảo hoạt mưu mô, gặp lúc khẩn cấp quan đầu liền dùng nội lực thiêu hủy kiếm phổ. Tiểu tăng tuy vẫn mong được theo gương Quí Trát treo gươm, ngờ đâu không được toại nguyện, quả là mối hận sâu xa.
Mộ Dung Bác nói:
-Đại sư có ý đó tại hạ cũng đã cảm kích lắm rồi. Huống hồ Lục Mạch Thần Kiếm họ Đoàn vẫn còn tồn tại nơi dương thế, mới rồi Đoàn công tử nước Đại Lý cùng khuyển tử giao đấu, kiếm khí tung hoành, quả là danh bất hư truyền cái tiếng thiên hạ đệ nhất kiếm.
Ngay lúc đó một bóng người thấp thoáng, trong Tàng Kinh Các đã có thêm một người, chính là Mộ Dung Phục. Y chậm hơn mấy bước, khi đến chùa thì đã mất dấu phụ thân và cha con Tiêu Phong, khi tìm được Tàng Kinh Các thì Cưu Ma Trí đã đến trước rồi. Y nghe loáng thoáng cha mình nói chuyện mình bị Đoàn Dự dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh thắng không khỏi cực kỳ ngượng ngập.
Mộ Dung Bác lại tiếp:
-Ở đây cha con họ Tiêu nhất định phải giết mỗ mới cam lòng, chẳng hiểu ý của đại sư ra sao?
Cưu Ma Trí đáp:
-Cái tình tri kỷ, lẽ nào lại tụ thủ được sao?
Tiêu Phong thấy Mộ Dung Phục đã đến, biến thành bên địch ba người mà mình chỉ có hai, Mộ Dung Phục tuy kém hơn một chút nhưng cũng không phải là dở, e rằng cái chuyện không thể không giết Mộ Dung Bác lại biến thành hai cha con bỏ mạng nơi gác chứa kinh. Thế nhưng ông can đảm dũng mãnh, chẳng vì chuyện thân lâm nghịch cảnh mà sờn lòng, quát lớn:
-Chuyện hôm nay không kẻ sống người chết thì không xong. Tiếp chiêu đây!
Nghe vù một chưởng, Tiêu Phong đã nhắm Mộ Dung Bác đánh tới. Mộ Dung Bác phất tay trái, ngưng vận công lực, định hóa giải chưởng lực của ông. Lách cách lách cách, một giá sách phía bên trái đã vỡ tan nát thành mấy mảnh, sách vở kinh điển trên kệ rơi ập xuống.
Chưởng của Tiêu Phong kình lực hùng hồn, Mộ Dung Bác tuy đã đẩy giạt ra được nhưng không tiêu giải, chỉ có thể chuyển hướng phương vị đánh vào cái kệ sách.
Mộ Dung Bác mỉm cười nói:
-Nam Mộ Dung, bắc Kiều Phong quả nhiên tiếng đồn không ngoa. Tiêu huynh, ta có một lời, không biết huynh đệ có chịu nghe không?
Tiêu Viễn Sơn đáp:
-Ngươi đừng có định dùng hoa ngôn xảo ngữ mà bảo ta bỏ qua mối thù giết vợ.
Mộ Dung Bác nói:
-Ngươi định giết ta báo thù, với cục diện hôm nay e rằng chưa chắc gì làm được. Bên ta ba người địch với cha con ngươi hai người, thử hỏi xem bên nào thắng thế hơn?
Tiêu Viễn Sơn đáp:
-Đương nhiên bên ngươi thắng thế. Đại trượng phu dĩ quả địch chúng, có gì mà phải sợ?
Mộ Dung Bác nói:
-Cha con họ Tiêu anh danh cái thế, trên đời này còn sợ gì nữa? Có điều sợ thì chẳng sợ, hôm nay muốn giết được ta quả khó lắm thay. Ta muốn đánh đổi với ngươi một chuyện, ta để cho ngươi toại nguyện báo thù nhưng cha con ngươi phải bằng lòng làm cho ta một việc.
Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hết sức ngạc nhiên: “Lão tặc này không biết có ngụy kế gì đây?”. Mộ Dung Bác lại tiếp:
-Miễn là cha con ngươi bằng lòng làm cho ta một việc thì lập tức tiến lên giết ta báo thù. Tại hạ bó tay chịu chết, quyết không kháng cự, Cưu Ma sư huynh và Phục nhi cũng không được tiến lên cứu viện.
Y vừa dứt lời, cha con Tiêu Phong ngỡ ngàng mà Cưu Ma Trí và Mộ Dung Phục cũng không hiểu nổi. Mộ Dung Phục kêu lên:
-Gia gia, bên ta đông, bên kia ít …
Cưu Ma Trí cũng nói:
-Mộ Dung tiên sinh sao lại nói thế? Tiểu tăng còn một hơi thở cũng không bao giờ để người ta đụng một ngón tay vào tiên sinh.
Mộ Dung Bác đáp:
-Cao nghĩa của đại sư, tại hạ được kết giao với một bằng hữu như thế, có chết cũng còn gì mà tiếc nuối nữa? Tiêu huynh, tại hạ có một chuyện thỉnh giáo. Năm xưa ta giả truyền tin tức để đến nỗi gây ra đại họa, thế Tiêu huynh có biết tại hạ làm một việc vô hạnh bại đức như thế là vì cớ gì chăng?
Tiêu Viễn Sơn giận bừng bừng, chỉ tay mắng chửi:
-Ngươi là kẻ ti bỉ tiểu nhân, làm điều càn rỡ, hạnh tai lạc họa thì còn có dụng ý gì nữa?
Ông tiến lên một bước bụp một tiếng đánh ra một quyền. Cưu Ma Trí nghiêng qua chặn lại, song chưỡng đẩy ra biïch một tiếng quyền phong chưởng lực chạm nhau, dội ngược lên trên khiến bụi trên mái lả tả rơi xuống. Quyền chưởng đụng nhau tuy chưa phân cao hạ nhưng hai bên đều phục ngầm lẫn nhau.
Mộ Dung Bác nói:
-Tiêu huynh tạm dằn nộ khí, để nghe tại hạ nói hết lời. Mộ Dung Bác tuy là kẻ chẳng vào đâu nhưng trên giang hồ cũng tạo được chút danh con con, chưa từng quen biết Tiêu huynh, ắt là vô oán vô cừu. Đến như Huyền Từ phương trượng của phái Thiếu Lâm, tại hạ cũng có tình giao hảo lâu năm, vậy mà tại hạ hết công hết sức xúc xiểm gây rối để cho hai bên lưỡng bại câu thương, cứ theo lý thường mà nói, ắt phải có một nguyên do cực kỳ trọng đại.
Tiêu Viễn Sơn đôi mắt dường như đổ lửa, quát lớn:
-Còn có nguyên do trọng đại gì? Nói … nói mau!
Mộ Dung Bác nói:
-Tiêu huynh là người Khất Đan, còn Cưu Ma Trí minh vương là người nước Thổ Phồn. Bọn võ nhân Trung Thổ kia đều bảo các vị là phiên bang di địch, không biết ăn mặc theo thượng quốc y quan. Lệnh lang rõ ràng là bang chủ Cái Bang, tài lược võ công đều vượt trội, hơn hẳn mọi người, quả là một anh hùng hào kiệt xưa nay hiếm có trong Cái Bang. Thế mà trong bang vừa mới biết y là dòng dõi Khất Đan dị tộc, lập tức lật mặt không còn tình nghĩa gì, chẳng nhận y là bang chủ nữa đã đành, mà còn nhất định phải giết cho bằng được mới cam tâm. Tiêu huynh thử nghĩ chuyện đó có công bằng không?
Tiêu Viễn Sơn đáp:
-Tống Liêu đời đời oán thù, hai nước chiến tranh công phạt đã hơn một trăm năm. Ở nơi biên cương, người Tống người Liêu gặp nhau là giết, trước nay vẫn thế. Người Cái Bang biết được con ta là người Khất Đan, làm sao có thể tôn kẻ thù làm chủ được? Cái đó cũng là thường lý mà thôi, có gì bảo là không công bằng đâu?
Ông ngừng một chút lại tiếp:
-Huyền Từ phương trượng, Uông Kiếm Thông bọn họ giết vợ ta, thuộc hạ ta vốn không phải do bản ý. Mà dẫu có cái bụng dạ đó chăng nữa, thì cũng là Tống Liêu tương tranh, không có gì lạ, còn như ngươi bày mưu tính kế hãm hại thì không thể bỏ qua cho được.
Mộ Dung Bác nói:
-Cứ như ý kiến Tiêu huynh, hai nước tương tranh, giao chiến sát phạt, chỉ cần làm sao thắng địch lập nên đại công, chứ không cần phải nói chuyện nhân nghĩa đạo đức chứ gì?
Tiêu Viễn Sơn đáp:
-Binh bất yếm trá, từ xưa đến nay vẫn vậy. Ngươi nói chuyện không liên quan gì đến là làm sao?
Mộ Dung Bác mỉm cười nói:
-Tiêu huynh thử xem Mộ Dung Bác mỗ đây là người nước nào?
Tiêu Viễn Sơn hơi kinh ngạc nói:
-Ngươi Cô Tô Mộ Dung thị, hẳn phải là người Hán Nam triều chứ còn gì nữa, không lẽ lại là người ngoại quốc hay sao?
Huyền Từ học thức uyên bác, khi nghe Mộ Dung Bác ngăn trở Mộ Dung Phục đừng tự sát, chỉ qua vài câu ông ta nói ra liền đoán ngay ra thân thế lai lịch. Tiêu Viễn Sơn là một võ nhân Khất Đan, không biết chuyện xưa tích cũ nên chẳng biết bên trong nghĩa lý thế nào.
Mộ Dung Bác lắc đầu đáp:
-Tiêu huynh đoán thế là sai rồi.
Ông ta quay sang nói với Mộ Dung Phục:
-Hài nhi, chúng ta là người nước nào thế?
Mộ Dung Phục đáp:
-Chúng ta họ Mộ Dung vốn là bộ tộc Tiên Ti, năm xưa nước Đại Yên danh chấn Hà Sóc, lập nên giang sơn gấm vóc, tiếc rằng kẻ địch hung hiểm tàn ác, lật đổ bản quốc.
Mộ Dung Bác hỏi tiếp:
-Cha đặt tên con dùng một chữ “Phục” là có hàm nghĩa gì?
Mộ Dung Phục đáp:
-Gia gia bảo hài nhi không giờ phút nào được quên di huấn của liệt tổ tông, phải cố hưng phục Đại Yên lấy lại giang sơn.
Mộ Dung Bác nói:
-Ngươi đem truyền quốc ngọc tỉ của nước Đại Yên ra cho Tiêu lão hiệp xem.
Mộ Dung Phục đáp:
-Vâng!
Y cho tay vào túi lấy ra một quả ấn tạc bằng một khối ngọc đen. Chiếc ngọc tỉ đó trên núm khắc một đầu báo rất sinh động, Mộ Dung Phục lật lên để lộ ấn văn. Cưu Ma Trí thấy chữ trên đó khắc thành sáu chữ Đại Yên Hoàng Đế Chi Bảo. Cha con họ Tiêu không biết chữ triện nhưng thấy ngọc tỉ điêu khắc tinh mỹ, các góc cũng đã sứt mẻ, đủ biết có từ lâu, qua nhiều trắc trở, tuy không biết thật giả ra sao nhưng không phải vật tầm thường, cũng không phải mới chế tạo.