Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Long Bát Bộ

Chương 56 – Thảo mộc tàn sinh lô chú thiết (2)

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

A Tử nở một nụ cười duyên dáng nói:

– Hay lắm! Từ nay ngươi phải vâng lời ta, không cưỡng lại thì không sao, bằng không ta sẽ chặt tay ngươi, nhớ không nào?

Du Thản Chi đáp:

– Vâng! Vâng!

A Tử lại tiếp:

– Ngươi đúng là một thằng ngu, ta cứu mạng ngươi, ngươi lại không biết ơn. Tiêu đại vương muốn băm vằm ngươi ra, ngươi không biết hay sao?

Du Thản Chi đáp:

– Y là kẻ thù giết cha tôi, dĩ nhiên không thể tha tôi được.

A Tử nói:

– Ông ta giả vờ tha ngươi ra, nhưng lại sai người đuổi theo bắt lại để băm ngươi ra thành tương. Ta thấy ngươi không đến nỗi tệ lắm, giết đi thật tội nghiệp, nên cố gắng che đậy cho ngươi. Thế nhưng nếu như Tiêu đại vương bắt gặp thì liệu ngươi có sống được hay chăng? Ngay cả ta cũng phải chịu liên lụy rất lớn.

Du Thản Chi lập tức hiểu ra bèn đáp:

– À, thì ra cô nương đúc cái đầu sắt này cho tiểu nhân đội chính là vì có lòng tốt, cốt để cứu mạng cho tôi. Tiểu nhân… tiểu nhân thật là cảm kích, thật thế… hết sức cảm kích.

A Tử đánh lừa được y khiến cho y biết ơn mình nên rất đắc ý, mỉm cười nói:

– Vì thế lần sau ngươi gặp Tiêu đại vương thì không được nói năng gì để ông ta không nhận ra tiếng ngươi. Nếu như ông ta biết được là ngươi, hừ, hừ, thì sẽ chặt ngay tay trái, một hồi sau lại chặt luôn tay phải. Thất Lý, ngươi mau đem y ra thay đổi y phục Khất Đan, tắm cho y một cái chứ người đầy máu mủ tanh hôi, nặng mùi quá.

Thất Lý đáp lời dẫn y ra ngoài. Chẳng mấy chốc, Thất Lý lại đưa Du Thản Chi vào, đã thay đổi quần áo Khất Đan cho y. Thất Lý muốn A Tử vui lòng cố ý mặc cho y thật sặc sỡ, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ, trông như một thằng hề.

A Tử nhếch mép cười:

– Để ta đặt cho ngươi một cái tên, gọi là… gọi là… Hề Sắt. Từ nay ta gọi Hề Sắt ngươi phải dạ nghe chưa. Hề Sắt!

Du Thản Chi vội vàng đáp:

– Dạ!

A Tử cực kỳ sung sướng, đột nhiên nghĩ ra một việc nói:

– Thất Lý, nước Đại Lương bên Tây Vực có đem qua một con sư tử, phải không? Ngươi bảo huấn sư đem nó qua đây, lại gọi thêm mười vệ sĩ.

Thất Lý vâng lời ra ngoài truyền lệnh. Mười sáu tên vệ sĩ tay cầm trường mâu tiến vào trong điện, quay về phía A Tử khom lưng hành lễ, rồi đứng lên, mười sáu mũi giáo chĩa ra ngoài, bảo vệ chủ nhân. Chẳng mấy chốc đã nghe ngoài cửa điện có tiếng sư tử gầm, tám người đàn ông khỏe mạnh khiêng một cái chuồng bằng sắt lớn, trong chuồng là một con sư tử đực đi qua đi lại, chòm lông đuôi dài rủ xuống, răng nhọn vuốt sắc, thần tình thật là uy võ. Người luyện thú đi trước, tay cầm roi da.

A Tử thấy con sư tử đó thật là hung dữ đáng sợ, vui mừng nói:

– Hề Sắt, mồm ngươi nói thì nghe hay lắm nhưng chẳng biết có thật hay không. Để ta thử xem cho biết, coi ngươi có nghe lời ta chăng.

Du Thản Chi đáp:

– Vâng!

Y vừa trông thấy con mãnh sư đã hoảng thầm, không biết có dụng ý gì nghe nàng nói thế, lập tức tim đập thình thình. A Tử nói:

– Không biết chiếc lồng trên đầu ngươi có chắc chắn hay không, ngươi thử thò đầu vào trong chuồng cho sư tử cắn mấy cái, xem nó có cắn vỡ được cái lồng sắt đó hay không?

Du Thản Chi hoảng hốt ấp úng:

– Cái đó… cái đó chẳng nên thử làm gì. Nếu nó cắn vỡ thì đầu tiểu nhân…

A Tử nói:

– Cái đồ ngươi thật là vô dụng. Có một việc như thế mà cũng sợ, nam tử hán đại trượng phu thì phải xem cái chết như trở về nhà(28.4) mới phải chứ. Ta xem chừng nó cắn không vỡ được đâu.

Du Thản Chi năn nỉ:

– Cô nương, việc này đâu phải trò đùa, ví như nó cắn không vỡ, con súc sinh này lại làm cái lồng méo đi thì cái đầu tiểu nhân…

A Tử cười khanh khách nói:

– Thì cùng lắm cái đầu ngươi cũng bị méo thôi. Tên tiểu tử này thật lắm chuyện, vốn dĩ ngươi cũng đâu có đẹp đẽ gì, dù đầu có méo thì cũng vẫn còn ở trong cái lồng có ai nhìn thấy đâu mà lo, sợ gì đẹp hay xấu.

Du Thản Chi vội đáp:

– Tiểu nhân nào có thích đẹp hay không đẹp…

A Tử mặt sầm xuống nói:

– Ngươi không nghe lời ta, được, thôi ta biết rồi. Ngươi có ý đánh lừa ta, vậy ta sẽ vứt ngươi vào trong lồng cho sư tử ăn thịt.

Nàng dùng tiếng Khất Đan dặn dò Thất Lý, Thất Lý liền đáp:

– Vâng!

Rồi lập tức xông lên nắm tay Du Thản Chi. Du Thản Chi nghĩ thầm: “Nếu như mình bị đẩy vào chuồng sư tử thì còn sống sao nổi, chi bằng nghe lời cô nương, đút cái đầu sắt vào thử, may nhờ rủi chịu.” Y liền kêu lên:

– Đừng kéo! Đừng kéo! Cô nương, tôi xin nghe lời.

A Tử cười nói:

– Có thế mới ngoan ngoãn chứ! Ta bảo này, từ rày ta bảo ngươi làm gì là phải làm ngay, đừng có lừng khừng để cô nương phải bực mình. Thất Lý, đánh cho y ba chục roi.

Thất Lý đáp:

– Tuân lệnh!

Y cầm chiếc roi da trong tay người dạy sư tử, nghe chát một tiếng đã quất vào lưng Du Thản Chi. Du Thản Chi đau quá, kêu lên oai oái. A Tử nói:

– Hề Sắt, ta bảo này, ta sai người đánh ngươi là coi trọng ngươi đó. Ngươi kêu toáng lên như thế tức là không thích ta đánh chứ gì?

Du Thản Chi đáp:

– Tiểu nhân thích lắm chứ, đa tạ ân điển cô nương.

A Tử nói:

– Thế thì được, đánh đi.

Thất Lý đánh chát chát luôn một chập mười roi, Du Thản Chi chỉ đành nghiến răng cố chịu, không dám hé răng, thế nhưng nhờ có chụp cái lồng sắt nên roi không đánh vào đầu, còn roi da đánh vào ngực bụng cũng đành phải ráng chịu. A Tử thấy y không kêu nữa cảm thấy vô vị nói:

– Hề Sắt, ngươi bảo ngươi thích ta cho người đánh ngươi, phải không nào?

Du Thản Chi đáp:

– Chính thế!

A Tử nói:

– Ngươi nói thế là thật hay giả? Hay chỉ là nói quấy nói quá để lừa ta?

Du Thản Chi đáp:

– Đúng là thế, tiểu nhân nào dám đánh lừa cô nương.

A Tử nói:

– Nếu quả là ngươi thích thú, sao không cười lên? Sao không nói là được đánh thật sướng quá?

Du Thản Chi bị nàng hành hạ đến hết hồn hết vía, quên cả phẫn nộ, chỉ đành xuôi theo:

– Cô nương đối với tiểu nhân thật là tử tế, lại sai người đánh thật là sướng đời.

A Tử nói:

– Nói thế nghe được đấy, để thử xem sao.

Chát một tiếng, y lại bị thêm một roi, Du Thản Chi vội kêu:

– Đa tạ ơn cứu mạng của cô nương, roi này đánh sướng lắm.

Chẳng bao lâu đã bị đánh hơn hai chục roi, tính cả trận đòn trước thì đã quá ba chục. A Tử xua tay nói:

– Thôi hôm nay thế đủ rồi. Ngươi mau đút đầu vào chuồng ta coi.

Du Thản Chi toàn thân đau như dần, khập khiễng bước tới bên chuồng sư tử, nghiến răng đút đầu qua song sắt. Con sư tử thấy y dám tiến lên khiêu khích như thế, sợ quá giật mình lùi lại hai bước, lom lom nhìn chiếc đầu sắt một hồi, lại lùi thêm hai bước nữa, miệng gừ gừ ra oai. A Tử quát:

– Bảo sư tử cắn đi, sao nó chưa cắn?

Gã dạy thú quát lên mấy tiếng, sư tử nhận được hiệu lệnh, liền chồm tới, há mồm ra, ngoạm vào đầu Du Thản Chi, tiếp theo là tiếng kèn kẹt răng sư tử cạ vào lồng sắt. Du Thản Chi nhắm chặt hai mắt, cảm thấy một luồng hơi nóng theo lỗ mắt, lỗ mũi, lỗ mồm phà vào, biết rằng đầu mình đã lọt thỏm trong mồm con mãnh thú, rồi sau ót và trán đau nhói lên.

Khi y bị chụp cái lồng sắt vào đầu, mặt mũi đầu tóc y đã bị chiếc lồng nóng đỏ đốt cháy, sau mấy ngày bắt đầu liền da, bây giờ lại bị sư tử cắn, bao nhiêu vết thương lại vỡ tung ra.

Con sư tử cố sức cắn mấy cái nhưng không được, ngược lại răng còn bị ê ẩm, bèn ra oai giơ chân phải lên chộp lên vai Du Thản Chi. Du Thản Chi đầu vai đau điếng, kêu “a” lên một tiếng. Con sư tử đột nhiên thấy vật trong mồm mình bỗng rống lên, kinh hoảng nhả đầu y ra, lùi về nép tại một góc lồng.

Gã dạy sư tử lớn tiếng quát tháo, giục sư tử xông đến cắn Du Thản Chi lần nữa. Du Thản Chi giận quá, đột nhiên vươn tay ra, chộp luôn ót gã huấn sư, đẩy mạnh một cái, dúi luôn đầu y vào trong chuồng sư tử, khiến gã kêu lên inh ỏi. A Tử vỗ tay reo hò nói:

– Hay quá! Hay quá! Không ai được can thiệp, để hai đứa vật nhau xem ai sống ai chết.

Bọn lính Khất Đan đang định tiến lên nắm tay Du Thản Chi lôi ra, nghe A Tử nói thế đều đứng tại chỗ không động tĩnh gì. Gã dạy sư tử hết sức dãy dụa, nhưng dã tính của Du Thản Chi nổi lên, nói gì thì nói nhất định không buông. Gã huấn sư chỉ còn nước nhờ sư tử giúp mình, kêu lên:

– Cắn! Cắn y ngay!

Con sư tử thấy y thúc giục, gầm lên một tiếng chồm tới. Con vật chỉ nghe chủ nhân bảo nó cắn đi, nhưng nào có biết cắn cái gì, hai hàm răng nhọn hoắt há ra ngoạm luôn một nửa đầu gã dạy thú, khiến cho máu lẫn óc tung tóe đầy mặt đất.

A Tử cười nói:

– Hề Sắt thắng rồi!

Nàng bèn bảo sĩ binh đem cái xác gã dạy thú và lồng sư tử ra ngoài, nói với Du Thản Chi:

– Thế là phải! Ngươi làm cho ta hoan hỉ, phải thưởng gì mới được! Thưởng cái gì đây nhỉ?

Nàng chống tay vào cằm nghiêng đầu suy nghĩ. Du Thản Chi nói:

– Cô nương, tiểu nhân không mong cô thưởng tiền, chỉ cầu xin một việc.

A Tử hỏi:

– Ngươi cầu xin gì?

Du Thản Chi đáp:

– Xin cô cho tiểu nhân được ở bên cạnh hầu hạ, làm đầy tớ cho cô nương.

A Tử ngạc nhiên:

– Làm đầy tớ cho ta ư? Sao lại thế? Có gì thích thú đâu? Ồ, ta biết rồi, ngươi định đợi Tiêu đại vương đến thăm ta, thừa cơ hạ thủ, báo thù cho cha mẹ chứ gì?

Du Thản Chi vội đáp:

– Không! Không! Không phải thế đâu.

A Tử nói:

– Không lẽ ngươi không định báo thù hay sao?

Du Thản Chi đáp:

– Không phải không nghĩ đến, có điều một là báo thù không được, hai là không muốn để cô nương bị dính líu vào.

A Tử hỏi:

– Thế sao ngươi lại thích làm đầy tớ cho ta?

Du Thản Chi đáp:

– Cô nương là tiên trên trời hạ phàm, là người đẹp nhất trong thiên hạ. Tiểu nhân… tiểu nhân… mong được ngày ngày trông thấy cô nương.

Câu đó cực kỳ vô lễ, ở vào tình trạng y lúc này, thì lại cũng thật là lớn mật. Thế nhưng A Tử nghe vào tai thì lại rất vừa ý. Nàng tuổi còn nhỏ, dung mạo tuy đẹp đẽ thật nhưng thân thể chưa trưởng thành, lại thêm trọng thương mới khỏi, tiều tụy xanh xao mà bảo là “người đẹp nhất trong thiên hạ” thì thật quá đáng, nhưng nghe một người vì nhan sắc mình mà đắm đuối như thế cũng không khỏi mở cờ trong bụng.

Nàng đang toan bằng lòng lời thỉnh cầu của Du Thản Chi thì bỗng nghe một tên cung vệ lên tiếng báo:

– Đại vương đến thăm.

A Tử đưa mắt cho Du Thản Chi, hạ giọng hỏi:

– Tiêu đại vương đến rồi kìa, ngươi có sợ không?

Du Thản Chi sợ đến mất vía nhưng vẫn run run nói cứng:

– Không sợ!

Điện môn mở toang ra, Tiêu Phong mặc khinh cừu đai lỏng,(28.5) chậm rãi đi vào. Ông vừa vào cửa điện đã thấy trên sàn đầy những máu tươi, lại thêm Du Thản Chi đầu đeo lồng sắt đứng đó, hình dáng hết sức lạ lùng bèn vừa cười vừa hỏi A Tử:

– Hôm nay khí sắc cô trông tươi tỉnh lắm, lại có trò chơi gì mới chăng? Người này trên đầu đeo cái gì lạ thế?

A Tử cười đáp:

– Đây là “người đầu sắt” do nước Cao Xương bên Tây Vực tiến cống, tên là Hề Sắt. Đầu y cứng lắm, đến sư tử cắn còn không vỡ, anh coi nè, đây là vết răng sư tử đó.

Tiêu Phong coi kỹ chiếc lồng sắt, quả nhiên còn dấu răng mãnh thú thật. A Tử lại tiếp:

– Tỉ phu, anh có cách gì gỡ cái lồng sắt này ra được không?

Du Thản Chi nghe nói thế, sợ đến hồn phi phách tán. Y đã từng chính mắt trông thấy thần dũng của Tiêu Phong một mình đấu với quần hùng Trung Nguyên, song chưởng đánh ra khiến cương thuẫn của cả bá phụ và phụ thân đều văng đi, nếu như muốn gỡ cái lồng trên đầu mình thì thật dễ như trở bàn tay. Khi bị người ta gắn chiếc lồng sắt vào đầu, y đau khổ thất vọng, đến bây giờ thì lại mong rằng cái lồng sắt đó sẽ mãi mãi ở trên đầu mình để Tiêu Phong không nhìn thấy bộ mặt thật.

Tiêu Phong giơ ngón tay búng nhẹ vào cái lồng sắt mấy cái, phát tiếng leng keng cười nói:

– Cái lồng sắt này thật chắc chắn, thật tinh vi, làm hỏng thì uổng lắm.

A Tử nói:

– Sứ giả nước Cao Xương nói rằng, gã đầu sắt này sinh ra mặt xanh nanh vàng, ba phần người, bảy phần quỉ, ai trông thấy cũng phải hoảng hồn tránh xa thành thử cha mẹ y mới đúc cái lồng này cho y đội để khỏi làm cho người khác tởn thần. Tỉ phu ơi, em muốn xem bộ mặt thực của y thế nào, có thực là kinh khủng dễ sợ hay không?

Du Thản Chi sợ quá run lẩy bẩy, răng đánh bò cạp kêu lách cách. Tiêu Phong thấy y kinh hoảng dị thường bèn nói:

– Gã này sợ đến mất vía, thôi đừng bửa đầu y ra làm chi. Người này từ nhỏ đội đã quen, nếu cố gắng lấy ra e rằng y không sống được.

A Tử vỗ tay reo lên:

– Thế thì thật thú vị. Mỗi khi em thấy con rùa em đều bắt nó đem lột mai ra để xem rùa không mai có sống được không?

Tiêu Phong chau mày, nghĩ đến con rùa bị lột vỏ, quả là tàn nhẫn nói:

– A Tử, sao ngươi lại cứ thích những trò tàn ác khiến cho người ta sống dở chết dở như thế?

A Tử hứ một tiếng nói:

– Anh không thích em chứ gì? Em làm sao tốt được như chị A Châu? Em mà được như chị A Châu thì đâu có đến nỗi mấy ngày anh không thèm đến thăm.

Tiêu Phong nói:

– Làm cái chức khốn khổ Nam Viện Đại Vương này, suốt ngày bận tối tăm mặt mũi. Thế nhưng chẳng phải ngày nào ta cũng đến chơi với cô một lúc hay sao?

A Tử phụng phịu:

– Chơi với cô một lúc? Hứ, chơi với cô một lúc? Em chẳng thích cái lối vờ vĩnh “đến chơi với cô một lúc” cho có chuyện của tỉ phu đâu? Giá như em là chị A Châu thì ắt hẳn anh luôn luôn ở bên cạnh em không rời một bước chứ đâu phải chỉ “một lúc”, “nửa lúc” mà thôi.

Tiêu Phong nghe nàng nói quả không sai nên không sao trả lời được, chỉ đành cười trừ nói:

– Tỉ phu là người lớn, đâu có thích chơi đùa với trẻ con, sao em không kiếm một cô gái nhỏ tuổi nào để trò truyện giải sầu?

A Tử hậm hực đáp:

– Trẻ con, trẻ con… em nào có còn là trẻ con nữa? Anh không thích chơi với em, sao còn đến đây làm gì?

Tiêu Phong đáp:

– Ta đến xem cô đã khỏe chưa? Hôm nay uống mật gấu rồi chứ?

A Tử cầm chiếc nệm trên ghế quăng mạnh xuống đất, giơ chân đá một cái nói:

– Trong lòng em không được vui, dù mỗi ngày uống hàng trăm cái mật gấu thì cũng chẳng khỏe được.

Tiêu Phong thấy nàng lại giở trò hờn mát, nếu là A Châu ông ắt sẽ dỗ dành để nàng bớt giận làm lành, còn cô bé điêu ngoa ác độc này thì càng nghĩ càng chán ghét nên chỉ nói:

– Thôi em đi nghỉ đi thôi.

Ông đứng lên đi ra. A Tử nhìn theo sau lưng ông, ngơ ngẩn muốn khóc, chợt nhìn thấy Du Thản Chi, cơn giận bùng lên, bao nhiêu bực dọc muốn trút lên đầu y bèn quát:

– Thất Lý, đánh thêm cho nó ba mươi roi nữa.

Thất Lý vội đáp:

– Vâng!

Y cầm chiếc roi lên. Du Thản Chi thất thanh kêu lên:

– Cô nương, tôi làm lầm lỗi gì thế?

A Tử không đáp, vẫy tay nói:

– Đánh mau!

Vút một tiếng, Thất Lý liền đánh xuống. Du Thản Chi lại kêu:

– Cô nương, quả thực tiểu nhân phạm tội gì, xin cô cho biết để lần sau khỏi tái phạm.

Thất Lý cứ vút một roi rồi lại một roi nữa. A Tử nói:

– Ta muốn đánh là đánh, ngươi không được hỏi là tội gì, không lẽ ta đánh sai hay sao? Ngươi hỏi là mình phạm tội gì ư? Thì chính vì ngươi hỏi cho nên ta mới đánh.

Du Thản Chi nói:

– Tại cô nương đánh trước, tiểu nhân mới hỏi. Tôi chưa hỏi cô nương đã sai đánh rồi mà.

Vút một roi, lại vút vút vút thêm ba roi nữa. A Tử cười nói:

– Ta đoán là ngươi sẽ hỏi cho nên ta sai người đánh trước. Quả nhiên ngươi hỏi thật, có đúng là ta liệu sự như thần hay không? Cái đó chứng minh là ngươi đâu có hết lòng hết dạ với ta. Cô nương bỗng nhiên muốn đánh người, nếu quả ngươi trung thành thì phải xông lên, tự động hiến thân cho ta đánh mới phải. Ngươi lầu bầu như thế đủ biết trong lòng không phục. Được rồi, ngươi không thích ta đánh, thì thôi không đánh cũng chẳng sao.

Du Thản Chi nghe nàng nói “không đánh cũng chẳng sao” mà sợ run lên, người nổi da gà, biết rằng A Tử sẽ nghĩ ra những hình phạt còn đau đớn khổ sở gấp mười lần đánh, chi bằng ngoan ngoãn chịu ba chục roi còn hơn, vội nói:

– Tiểu nhân biết sai rồi! Cô nương đánh là đại ân đại đức, có ích cho thân thể tiểu nhân, xin cô nương đánh thêm nữa, càng nhiều càng tốt.

A Tử nở một nụ cười tươi như hoa nói:

– Xem ra ngươi kể cũng thông minh nhưng ta đâu có để cho người khác giăng bẫy được, ngươi bảo đánh càng nhiều càng tốt là để cho ta cao hứng tha cho ngươi chứ gì?

Du Thản Chi đáp:

– Nào có dám thế, tiểu nhân quả không dám giăng bẫy đánh lừa cô nương.

A Tử nói:

– Thế ngươi bảo đánh càng nhiều càng tốt là phát xuất tự đáy lòng đấy chăng?

Du Thản Chi đáp:

– Quả đúng như thế, chính là tâm nguyện của tiểu nhân.

A Tử nói:

– Nếu đúng như vậy thì thôi ta cũng chiều ý ngươi. Thất Lý, đánh cho nó một trăm roi, y thích đánh cho thật nhiều.

Du Thản Chi sợ đến mất mật, nghĩ bụng: “Đánh một trăm roi thì mạng mình còn sao nổi?” Thế nhưng việc đã đến nước này, dù y bảo mình không muốn, nhưng người ta đánh là đánh cãi lại có ích gì đâu, nên đành lặng thinh không dám nói gì cả.

A Tử hỏi:

– Sao ngươi không nói gì cả? Có phải trong lòng không phục chứ gì? Ta sai người đánh ngươi, ngươi thấy không công bình chăng?

Du Thản Chi đành gượng đáp:

– Tiển nhân vui lòng thành khẩn, biết là cô nương đánh là do lòng tốt muốn thành toàn cho tiểu nhân.

A Tử nói:

– Thế sao ngươi không nói gì cả?

Du Thản Chi không còn cách gì trả lời, ngập ngừng một hồi rồi đáp:

– Cái đó… cái đó… tiểu nhân nghĩ đến ơn đức cô nương nặng tày non, trong lòng cảm kích, không còn biết nói sao nữa, chẳng biết tương lai làm thế nào để báo đáp.

A Tử nói:

– Tốt lắm! Ngươi hỏi làm cách nào báo đáp ta ư? Mỗi roi ta đánh ngươi, ngươi lại thêm hận thù một chút nhớ kỹ trong lòng chứ gì.

Du Thản Chi liên tiếp lắc đầu:

– Không! Không! Không đâu! Tiểu nhân nói báo đáp là nói chuyện báo đáp chân chính. Tiểu nhân một lòng một dạ mong được vì cô nương tan xương nát thịt, dẫu phải nhảy vào nước sôi, xông vào lửa bỏng cũng không từ.

A Tử nói:

– Được, thế thì đánh đi.

Thất Lý vội đáp:

– Vâng.

Nghe chát một tiếng, roi da đã quất xuống. Đánh đến hơn năm chục roi thì Du Thản Chi đau đến tê người, hai đầu gối nhũn đi, từ từ sụm xuống. A Tử cười khì khì đứng coi, chỉ đợi cho y mở miệng van xin một tiếng là nàng sẽ kết tội y nói láo, tăng thêm năm chục roi đòn. Có ngờ đâu lúc này Du Thản Chi đã nửa tỉnh nửa mê, chẳng còn biết gì nữa, chỉ rên khe khẽ nhưng không van xin câu nào. Đánh đến bảy chục roi thì y đã ngất xỉu, Thất Lý vẫn không nương tay, đánh cho đủ một trăm roi lúc đó mới ngừng.

A Tử thấy Du Thản Chi chỉ còn thoi thóp, chín chết một sống không khỏi cụt hứng. Nàng nghĩ đến thái độ của Tiêu Phong chẳng thèm để ý đến mình, trong bụng ấm ức nói:

– Lôi y đi! Gã này chẳng có gì vui! Thất Lý, có trò chơi mới nào nữa không?

Du Thản Chi bị trận đòn đó phải dưỡng thương một tháng trời mới khỏi. Người Khất Đan thấy A Tử đã quên y rồi nên không lôi y ra hành hạ nữa, bỏ y vào ở chung với một đám người Tống bị bắt khác, bắt y phải làm những việc hạ tiện nặng nhọc hơn cả, dọn hố xí, rửa chuồng cừu, nhặt phân bò, phơi da thú chuyện gì cũng đến tay.

Du Thản Chi đầu đội cái lồng sắt nên ai ai cũng đem y ra chửi mắng làm trò cười, đến cả đồng bào người Hán cũng coi y như con quái vật. Thế nhưng y việc gì cũng nhịn, tưởng như biến thành người câm. Người khác đánh chửi, y cũng không kháng cự, chỉ có khi nào có ai cưỡi ngựa đi qua thì mới ngửng đầu lên nhìn, trong lòng khắc khoải duy nhất một chuyện: “Không biết đến chừng nào cô nương mới gọi mình lên đánh đòn?” Y chỉ mong được nhìn thấy A Tử cho dù phải chịu roi vọt cũng cam lòng chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý định đào tẩu.

Cứ như thế hơn hai tháng trời, khí hậu ấm dần. Hôm đó Du Thản Chi theo mọi người ra phía nam thành Nam Kinh xúc đất khiêng gạch để đắp thêm cho tường thêm chắc chắn, bỗng nghe thấy tiếng chân ngựa lộp cộp, mấy người từ trong Nam môn đi ra, có tiếng cười trong trẻo nói:

– Ô kìa, tên Hề Sắt còn sống nhỉ? Ta vẫn tưởng y chết ngỏm từ đời nào! Hề Sắt, ngươi lại đây.

Chính là tiếng của A Tử. Du Thản Chi ngày mong đêm nhớ, canh cánh mong tới giờ phút này, nghe tiếng A Tử gọi, hai chân như đóng chặt xuống đất, không sao di động được, chỉ thấy tim trong ngực đập thình thình, lòng bàn tay toát mồ hôi.

A Tử lại gọi:

– Hề Sắt, đáng chết thực! Ta gọi ngươi lại đây, ngươi điếc hay sao?

Du Thản Chi lúc ấy mới đáp:

– Thưa cô nương, vâng.

Y đi đến trước đầu ngựa của cô gái. A Tử trong lòng thật vui vẻ, cười nói:

– Hề Sắt, sao ngươi chưa chết hả?

Du Thản Chi đáp:

– Tiểu nhân vẫn mong… vẫn mong báo đáp ân điển cô nương mà chưa được nên không thể chết.

A Tử càng thêm vui, cười khanh khách mấy tiếng nói:

– Ta đang đi tìm một đứa đầy tớ trung thành một lòng một dạ để làm một chuyện, chỉ sợ người Khất Đan chân tay vụng về làm hỏng việc, nếu ngươi chưa chết thì thật tốt quá. Ngươi đi theo ta.

Du Thản Chi đáp ngay:

– Vâng!

Lập tức đi theo sau ngựa nàng. A Tử vẫy tay bảo Thất Lý và ba tên vệ sĩ Khất Đan quay trở về, không phải theo nữa. Thất Lý biết rằng nàng đã nói gì thì người khác không thể nào khuyên giải được, cũng may tên đầu sắt này nhút nhát khiếp nhược, đi theo nàng ắt không có chuyện gì xẩy ra bèn nói:

– Xin cô nương sớm quay về phủ.

Bốn người bèn nhảy xuống ngựa đứng đợi bên cửa thành. A Tử giục ngựa chạy chậm chậm, đi chừng bảy tám dặm, càng lúc càng hoang dã rẽ vào một sơn cốc tối om om, gió lạnh từ một khe núi thổi qua khiến hai người da thịt như se lại.

A Tử nói:

– Thôi, ở đây được rồi!

Nàng ra lệnh cho Du Thản Chi buộc ngựa tại một gốc cây rồi bảo:

– Những chuyện ngươi trông thấy ngày hôm nay, không được tiết lộ cho ai một tí gì, ngay cả với ta cũng không được đề cập tới, nhớ chưa?

Du Thản Chi vội đáp:

– Vâng! Vâng!

Trong bụng vui muốn phát điên, A Tử chỉ cho một mình mình đi theo, đến một nơi hẻo lánh như thế, dẫu cho nàng có đánh cho y một chập thật đau thì cũng vẫn còn cảm thấy ngọt như đường. A Tử cho tay vào bọc lấy ra một chiếc đỉnh nhỏ bằng gỗ màu vàng sậm, để trên mặt đất nói:

– Lát nữa nếu có côn trùng gì quái lạ bò ra, ngươi không được la lối om sòm, nhất định không được lên tiếng nghe chưa?

Du Thản Chi vội vàng đáp:

– Vâng!

A Tử lại cho tay vào túi lấy ra một cái gói vải nhỏ, mở ra thấy có mấy cục hương liệu màu vàng, màu đen, màu tím, màu đỏ. Nàng bẻ mỗi cục một miếng nhỏ, bỏ vào trong đỉnh, dùng hỏa đao, hỏa thạch đánh lên châm lửa đốt, sau đó đậy nắp lại nói:

– Mình ra dưới gốc cây kia ngồi rình xem.

A Tử ngồi dưới gốc cây, Du Thản Chi đâu dám ngồi bên cạnh nàng, ra một tảng đá dưới chiều gió. Gió lạnh hiu hiu, trong hơi gió có thoang thoảng mùi thơm từ người nàng bay ra, Du Thản Chi không khỏi mê mẩn tâm hồn, thấy rằng được một lúc như thế này, bao nhiêu khổ sở dày vò y phải chịu những ngày qua kể cũng không uổng. Y mong sao A Tử vĩnh viễn ngồi dưới gốc cây, còn mình được đời đời kiếp kiếp ở nơi đây hầu bên cạnh.

Y còn đang say sưa lãng đãng, bỗng nghe thấy có tiếng loạt soạt, một vật gì đỏ chót đang động đậy trong bụi cỏ xanh, chính là một con rết thật lớn, toàn thân lấp lánh, trên đầu lồi ra một cái bướu nhỏ, trông khác xa những con rết thường.

Con rết đó ngửi thấy mùi hương trong mộc đỉnh lập tức trườn tới, chui theo cái lỗ dưới chiếc đỉnh mà vào rồi không thấy ra nữa. A Tử lấy trong bọc ra một vuông gấm dày, rón rén tới gần, chụp mảnh gấm lên trên chiếc đỉnh bao lại thật chặt sợ con rết chui ra mất rồi bỏ vào trong chiếc bao da treo bên cổ ngựa cười nói:

– Thôi đi!

Nàng lập tức lên ngựa khởi hành. Du Thản Chi lẽo đẽo theo sau nghĩ thầm: “Cái tiểu mộc đỉnh đó thật là kỳ quái, nhưng chắc hẳn là vì đốt hương liệu mà dụ được con rết đó chui vào. Không biết con rết đó có cái gì vui mà cô nương lại lận đận vào tận trong sơn cốc để bắt nó?”

A Tử về đến Đoan Phúc Cung sai thị vệ dọn một cái phòng nhỏ ở bên cạnh làm nơi ở cho Du Thản Chi. Du Thản Chi mừng quá, biết rằng rồi đây mình sẽ được gặp A Tử luôn. Quả nhiên sáng hôm sau, A Tử đã sai gọi Du Thản Chi đến, dẫn y vào bên cạnh điện, tự tay đóng cửa, trong điện chỉ còn hai người. A Tử sang phía tây lấy một chiếc hũ bằng sành, mở nắp ra cười nói:

– Ngươi xem này, coi có hùng tráng không?

Du Thản Chi thò đầu vào nhìn, thấy chính là con rết bắt được hôm qua đang chạy lăng quăng trong đó. A Tử lấy ra một con gà trống đã để sẵn bên cạnh, rút đoản đao chặt đứt mỏ và cựa, vứt vào trong hũ. Con rết kia liền nhảy lên đầu con gà cắn cổ hút máu, chẳng bao lâu con gà trúng độc chết liền. Mình con rết từ từ căng lên, cái đầu màu đỏ tưởng như muốn bật máu ra. A Tử vẻ mặt đầy vui sướng nói nhỏ:

– Thành rồi! Thành rồi! Môn công phu này có thể luyện thành công được rồi!

Du Thản Chi nghĩ thầm: “Thì ra cô đi bắt rết là để luyện một môn công phu. Công phu đó chắc tên là Ngô Công Công.” Cứ như thế nàng nuôi nó bảy ngày, mỗi ngày cho con rết hút máu một con gà trống lớn. Đến ngày thứ tám, A Tử lại gọi Du Thản Chi vào trong điện, cười hì hì hỏi:

– Hề Sắt, ta đối với ngươi thế nào?

Du Thản Chi đáp:

– Cô nương đối đãi tiểu nhân ơn nặng tày non.

A Tử hỏi thêm:

– Ngươi từng bảo sẽ vì ta tan xương nát thịt, nhảy vào nước sôi, xông vào lửa bỏng cũng không từ, cái đó thực hay giả thế?

Du Thản Chi đáp:

– Tiểu nhân chẳng dám nói láo cô nương. Cô nương sai bảo chuyện gì tiểu nhân nhất định không từ chối.

A Tử nói:

– Thế thì hay lắm. Để ta nói cho ngươi hay, ta muốn luyện một môn công phu nhưng phải có người giúp mới xong được. Ngươi có bằng lòng giúp ta luyện công không? Nếu như luyện thành rồi, ta thể nào cũng trọng thưởng cho ngươi.

Du Thản Chi đáp:

– Tiểu nhân đương nhiên nghe cô nương bảo gì làm nấy, chẳng cần phải thưởng.

A Tử nói:

– Thế thì hay lắm, mình luyện công được rồi.

Nàng ngồi xuống xếp bằng, hai tay xoa vào nhau, nhắm mắt vận khí, một hồi sau mới nói:

– Ngươi thò tay vào trong hũ, con rết đó thể nào cũng cắn ngươi, ngươi giá nào cũng không được động đậy, phải để cho nó hút máu, càng nhiều càng tốt.

Bảy ngày qua ngày nào Du Thản Chi cũng thấy con rết đó hút máu gà, chỉ giây lát, một con gà trống đang khỏe mạnh đã ngã ra chết ngay, đủ biết con rết này độc kinh khủng, nghe A Tử bảo thế, không khỏi ngần ngừ không trả lời. A Tử mặt sầm xuống hỏi lại:

– Chờ gì nữa? Ngươi không muốn làm hay sao?

Du Thản Chi đáp:

– Không phải không muốn, có điều… có điều…

A Tử ngắt ngang:

– Cái gì? Có điều con rết này độc tính lợi hại, ngươi sợ chết chứ gì? Ngươi là người hay ngươi là gà trống?

Du Thản Chi đáp:

– Tiểu nhân không phải là gà trống.

A Tử nói:

– Đúng thế, gà trống bị rết hút máu thì chết, ngươi không phải là gà, sao lại chết được? Ngươi bảo sẵn lòng vì ta nhảy vào nước sôi, xông vào lửa bỏng, tan xương nát thịt, vậy mới để rết hút có một chút máu thì đã gọi là tan xương nát thịt hay chưa?

Du Thản Chi ứ họng không trả lời được, ngẩng đầu nhìn A Tử, thấy nàng khóe miệng hơi trĩu xuống ra chiều khinh miệt, lập tức ý loạn tình mê như bị ma nhập liền khẳng khái đáp:

– Được, tiểu nhân nghe lời sai bảo của cô nương.

Y nghiến chặt hàm răng, nhắm mắt lại, tay phải chầm chậm thò vào trong cái chóe. Bàn tay y vừa lọt vào trong hũ, đầu ngón tay giữa liền bị đau nhói như kim chích khiến y nhịn không nổi rụt tay lại. A Tử kêu lên:

– Giữ yên đó! Không được động đậy!

Du Thản Chi cố gắng chịu đựng, mở mắt ra, thấy con rết kia đang cắn đầu ngón tay giữa của mình hút máu. Du Thản Chi toàn thân nổi gai ốc, chỉ muốn kéo tay ra vẩy cho con rết rơi xuống lấy chân đạp cho chết. Thế nhưng tuy y không quay đầu lại cũng biết đôi mắt sắc như dao của A Tử đang nhìn sau lưng mình, chẳng khác gì hai lưỡi kiếm đâm tới thì làm sao dám cử động?

Cũng may khi con rết hút máu không đau lắm chỉ thấy con vật từ từ phồng lên, còn đầu ngón tay giữa của Du Thản Chi thì mờ mờ phủ một lớp màu tím thẫm. Màu tím đó từ nhạt chuyển sang đậm, rồi từ từ biến thành màu đen, một lát sau, từ ngón tay lan sang bàn tay, rồi chạy lên cánh tay.

Du Thản Chi lúc này không còn coi sống chết vào đâu, ngược lại còn thản nhiên như không, mép nở một nụ cười, có điều nụ cười đó dấu sau tấm mặt nạ thép nên A Tử không nhìn thấy được.

A Tử hai mắt đăm đăm nhìn con rết, hết sức chăm chú không dám sao nhãng chút nào. Sau cùng con rết nhả tay Du Thản Chi ra, nằm bất động dưới đáy hũ. A Tử kêu lên:

– Ngươi nhè nhẹ bắt con rết bỏ vào mộc đỉnh cho ta, cẩn thận đó, đừng làm nó tổn thương.

Du Thản Chi y lời nhặt con rết lên, bỏ vào trong chiếc tiểu mộc đỉnh để ở trước cẩm đôn. A Tử liền đóng nắp lại, chỉ trong giây lát, từ trong chiếc lỗ có những giọt máu đen nhỏ ra. A Tử vẻ mặt vui mừng, vội đưa tay hứng máu đó, ngồi xếp bằng vận công, hút những giọt máu độc đó vào trong lòng bàn tay. Du Thản Chi nghĩ thầm: “Đây là huyết dịch của ta, bây giờ đi vào trong người nàng. Thì ra cô nương đang luyện Ngô Công độc chưởng.”

Một lúc lâu sau, máu đen từ chiếc đỉnh đã chảy ra hết, A Tử mở nắp ra thấy con rết kia đã chết rồi. A Tử hai tay xoa vào nhau, nhìn lại bàn tay thấy chẳng khác gì bạch ngọc không một tì vết, cũng không có vết máu, biết rằng phương pháp luyện công nàng nghe lóm được của sư phụ không sai chút nào, trong bụng sung sướng, bưng chiếc một đỉnh lên, trút con rết ra rồi hấp tấp ra khỏi điện, chẳng thèm nhìn nhõi gì đến Du Thản Chi, coi y không khác gì con rết chết, không còn dùng vào việc gì được nữa.

Du Thản Chi nhìn theo sau lưng A Tử cho tới khi nàng đi khuất, lúc ấy mới cởi áo ra xem thấy sắc đen đã lan lên tới nách, đồng thời cả cánh tay ngứa ngáy khó chịu, chỉ giây lát đã tưởng chừng như có muôn ngàn con rận cùng cắn một lượt.

Y kêu rầm lên, nhảy choi choi, đưa tay gãi, nhưng càng gãi thì càng ngứa, tưởng như từ trong xương tủy, phế phủ đều có sâu bọ chui vào, ngo ngoe ngọ ngoạy khắp nơi. Đau thì có thể chịu đựng nhưng ngứa lại thật khó mà nín nhịn. Y nhảy lên nhảy xuống, vừa nhảy vừa kêu, lấy chiếc đầu sắt húc mạnh vào tường, nghe kêu boong boong, chỉ mong mình ngất đi, mất hết tri giác, để khỏi phải chịu cái cơn ngứa ngáy kinh khủng này.

Đập đầu thêm mấy cái nữa, nghe cạch một tiếng, cái gói bằng vải dầu từ trong bọc rơi ra, lộ ra một cuốn sách bìa đã vàng, chính là bản kinh thư bằng tiếng Phạn hôm nọ y nhặt được. Lúc này trong cơn ngứa ngáy kịch liệt, y cũng chẳng nghĩ tới chuyện nhặt lên làm gì, chỉ thấy cuốn sách mở tung. Du Thản Chi toàn thân khó chịu, lăn lộn dưới đất vùng vẫy như con cá mắc lưới. Một lúc sau, y chỉ còn nằm gục một chỗ thở hồng hộc, nước mắt, nước mũi, nước dãi từ các chỗ hổng trên chiếc lồng sắt chảy ra, rơi cả xuống cuốn kinh chữ Phạn.

Trong cơn mơ màng, y thiếp đi không biết bao lâu, cuốn sách dính đầy dãi nhớt, không hiểu vì sao bỗng từ trên những hàng chữ cong cong quẹo quẹo, hiện ra hình của một nhà sư. Tăng nhân đó tư thức cực kỳ quái dị, đầu cúi xuống chui qua háng thò ra ngoài, hay tay đưa xuống nắm hai cổ chân.

Y nào còn tâm trí đâu mà xem hình thế cổ quái trong sách, chỉ thấy người ngứa ngáy tưởng chừng thở không nổi, đành lăn ra đất, cào gãi lung tung, xé vụn quần áo đang mặc trên người để cọ da thịt lên nền đá cho đỡ ngứa, chỉ chốc lát da dẻ đã rướm máu. Y lăn qua lộn lại ma sát như thế, đột nhiên vô ý sao, đầu chui tọt vào giữa hai bắp đùi. Đầu y có mang cái rọ sắt, trong cơn gấp gáp không rút lại được, giơ tay tính đẩy trở ra, tay phải quều quào sao nắm ngay cổ chân.

Đến lúc đó Du Thản Chi đã mệt ngất ngư chẳng còn hơi sức gì nữa, không thể động đậy, chỉ đành nghỉ một chốc thở vài hơi, vô tình sao nhìn thấy cuốn sách mở dưới đất, trong sách vẽ hình một nhà sư gầy gò, tư thức cũng na ná như y đang làm, trong bụng vừa kinh dị lại cảm thấy tức cười. Kỳ quái làm sao, y theo tư thức này, tuy thân thể vẫn còn ngứa ngáy như cũ nhưng hơi thở đã dễ dàng hơn, thành thử cũng không vội chui đầu ra khỏi háng, mà đành nằm phục dưới đất như hình vẽ, tay trái cũng đưa ra nắm luôn cổ chân phải, cằm chống xuống đất. Thế là y và đồ hình của nhà sư trong sách hoàn toàn giống nhau, hơi thở lúc này đã dễ dàng hơn nhiều.

Y nằm phục như thế, đôi mắt để gần ngay cuốn sách, nhìn vào tăng nhân thấy ở bên cạnh nhà sư có hai chữ màu vàng cực lớn, hình dáng quái lạ cong cong quẹo quẹo, nhưng trong nét bút lại có vô số những mũi tên đỏ nhỏ xíu bắn ra. Du Thản Chi lúc này đang nằm gục xuống hết sức mỏi mệt nên buông tay ra đứng lên. Y vừa đứng dậy, lập tức lại ngứa đến ngạt thở, vội vàng lại cúi xuống chui đầu vào giữa hai đùi, hay tay nắm cổ chân, cằm chống xuống đất. Chỉ có tư thế cổ quái đó y mới lại thấy dễ chịu mà thôi.

Du Thản Chi không dám động đậy gì nữa, một lúc sau không có việc gì làm, đưa mắt nhìn nhà sư vẽ trên sách rồi nhìn qua hai chữ quái dị ở bên cạnh đồ hình. Y xem những mũi tên trên hai chữ đó, tự nhiên đưa mắt theo những đầu mũi tên quan sát nét bút, bỗng thấy những chỗ ngứa trên tay phải biến thành một luồng khí ấm, từ cổ họng chạy xuống ngực bụng, chạy quanh vài vòng theo hai vai lên đỉnh đầu rồi chầm chậm biến mất.

Y thử nhìn vào đầu mũi tên trên hai chữ quái dị vài bận, lần nào cũng có một luồng khí ấm chạy lên trên óc, còn cánh tay thì lại bớt ngứa đi một chút. Du Thản Chi kinh ngạc nhưng chẳng hơi đâu nghĩ đến nguyên nhân vì sao, cứ theo thế mà làm đến hơn ba chục lần thì cánh tay chỉ còn hơi ngứa, làm thêm mươi lần nữa, ngón tay, lòng bàn tay, cánh tay không chỗ nào còn cảm giác gì khác lạ.

Y rút đầu ra khỏi hai đùi, giơ tay xem, hắc khí trên bàn tay đã hoàn toàn biến mất, y vui mừng khôn xiết đột nhiên kinh hoảng kêu lên:

– Chết rồi, không xong. Chất kịch độc của con rết đều chạy lên óc cả rồi.

Thế nhưng lúc đó cơn ngứa quái lạ kia đã hết, y nghĩ thầm nếu sau này có chuyện gì thì cũng không đến nỗi nào. Du Thản Chi tự hỏi: “Cuốn sách này rõ ràng nào có hình vẽ gì đâu, sao tự nhiên lại có một hòa thượng cổ quái hiện ra? Ta chỉ vô ý sao lại thành tư thế giống hệt như nhà sư này? Nhà sư này hẳn là bồ tát đến cứu mạng ta đây.” Y bèn quì xuống đất, cung kính khấu đầu trước vị quái tăng trong quyển sách, chiếc lồng sắt gõ xuống đất kêu boong boong.

Y nào có biết hình trong quyển sách vẽ bằng một chất thảo dược pha với nước, khi ướt thì hiện ra, còn khô thì biến mất, thành thử cả A Châu lẫn Tiêu Phong đều không nhìn thấy. Thực ra tuyến lộ luyện công của hình vẽ trong quyển sách đều có chú thích rõ ràng ở bên cạnh, những nhà sư Thiếu Lâm thời trước biết chữ Phạn tuy không biết bí mật của đồ hình vẫn theo đúng lời chỉ bằng chữ luyện thành Dịch Cân Kinh thần công. Du Thản Chi khi bị cơn ngứa kỳ quái không chịu nổi kia, nước mắt ràn rụa rơi xuống trang sách nên làm hình vẽ hiện ra. Đây là một môn diệu pháp trong việc hóa giải ma đầu từ bên ngoài xâm nhập, là bí thuật trong phép Du Già(28.6) của Thiên Trúc thời cổ.

Y đột nhiên làm được tư thức đó cũng chẳng phải ngẫu nhiên xảo hợp mà ăn nhanh thì nghẹn, ăn quá thì ói. Trong khi y bị ngứa quá đỗi, đầu chúi xuống đất cũng là tự nhiên không có gì lạ, có điều nước mắt y chảy vào đúng quyển sách thì cái đó mới thật khéo làm sao. Y ngơ ngẩn một hồi, mệt mỏi quá lăn ra đất ngủ thiếp đi.

Sáng sớm hôm sau khi y còn chưa trở dậy, A Tử hấp tấp đi vào trong điện thấy y trần truồng nằm đó, kêu lên một tiếng hỏi:

– Sao ngươi còn chưa chết?

Du Thản Chi kinh hãi ấp úng:

– Vì… tiểu nhân… tiểu nhân còn sống.

Y trong lòng chua xót: “Thì ra cô nương mong ta chết cho rồi.” A Tử nói:

– Ngươi chưa chết thì càng hay. Mau đi kiếm quần áo mặc vào theo ta đi bắt độc trùng lần nữa.

Du Thản Chi đáp:

– Vâng!

Đợi cho A Tử đi ra khỏi điện, y mới đi kiếm mấy tên lính Khất Đan hỏi xin quần áo. Binh sĩ Khất Đan thấy quận chúa có vẻ tử tế với y hơn một chút liền đi kiếm một bộ quần áo khô sạch cho y mặc.

A Tử dẫn Du Thản Chi đến một nơi hoang dã, lại dùng Thần Mộc Vương Đỉnh để bắt độc trùng, dùng máu gà để nuôi, sau đó lại cho hút máu Du Thản Chi rồi dùng để luyện công. Lần thứ hai là một con nhện màu xanh, lần thứ ba là một con bò cạp lớn. Du Thản Chi lần nào cũng theo đúng đồ hình trong quyển sách hóa giải chất độc.

Năm xưa A Tử nhìn trộm sư phụ luyện thần công, lần nào cũng thấy có người chết, đều là dân chúng trong vùng bị đệ tử bản môn theo lệnh sư phụ đi bắt về, nên tưởng Du Thản Chi trúng độc thể nào cũng chết, ngờ đâu thấy y vẫn bình thường, không khỏi lấy làm lạ.

Cứ như thế liên tiếp bắt độc trùng luyện công, ba tháng sau, chung quanh thành Nam Kinh trong vòng hơn mười dặm độc vật càng lúc càng hiếm, những con bị hương khí dụ được toàn là con nhỏ bé yếu đuối, không vừa ý A Tử chút nào. Hai người đi bắt độc trùng càng lúc càng phải đi xa hơn.

Hôm đó họ đi về hướng tây thành Nam Kinh hơn ba chục dặm, A Tử đốt hương trong mộc đỉnh rồi, chờ đến hơn một giờ, mới nghe tiếng sột soạt trong cỏ, xem ra có rắn rết gì đây. A Tử kêu lên:

– Nằm xuống!

Du Thản Chi y lời nằm mọp xuống, thấy tiếng động càng lúc càng lớn, xem ra không phải bình thường. Tiếng động lạ đó kèm theo một mùi tanh hôi khiến người ta muốn mửa. Du Thản Chi nín hơi không cử động, thấy đám cỏ cao rẽ ra, một con đại mãng xà(28.7) mình trắng vằn đen lượn mình bò tới. Đầu con trăn hình tam giác, trên mọc một cục bướu sần sùi. Phương bắc rắn rết vốn không nhiều, con mãng xà này hình dáng lạ lùng như thế xưa nay chưa từng thấy.

Con rắn bò đến bên cạnh chiếc đỉnh, trườn quanh. Mãng xà dài đến hai trượng, to bằng bắp tay, làm sao chui vào trong đỉnh được? Thế nhưng nó ngửi thấy mùi hương liệu cùng mùi chiếc đỉnh nên không ngớt đưa cái đầu to lớn húc vào.

A Tử có ngờ đâu lần này lại dụ được một con vật to đến thế, hết sức kinh hãi, nhất thời không biết phải làm sao, rón rén bò đến bên cạnh Du Thản Chi nói nhỏ:

– Làm sao đây? Nếu như con trăn làm vỡ mất chiếc đỉnh thì thật hỡi ôi!

Du Thản Chi nghe nàng ăn nói dịu dàng như thế quả không ngờ tới, tự nhiên hăng máu lên nói cứng:

– Cô nương chớ lo, để tôi ra đuổi con rắn đi.

Y bèn đứng lên, hùng dũng đi ra chỗ con trăn. Con mãng xà nghe thấy có tiếng động, lập tức nằm cuộn lại, vươn cao đầu, le chiếc lưỡi đỏ chót, phát tiếng sì sì, thủ thế mổ ra. Du Thản Chi thấy nó hung dữ như thế, chột dạ không dám tiến tới nữa.

Ngay lúc đó, bỗng có một trận gió lạnh thổi qua, từ phía tây bắc có một đường lửa cháy thẳng tới, chỉ giây lát đã tới ngay trước mặt. Đốm sáng đó chạy tới nơi, nhìn rõ hơn thì ra không phải là một vệt lửa, mà là trong đám cỏ có một con gì đó chạy tới, cỏ xanh gặp phải lập tức sém vàng, đồng thời hàn khí càng lúc càng nhiều.

Y lùi lại mấy bước, thấy đường sém vàng đó chạy tới chiếc đỉnh, hóa ra là một con tằm. Con tằm đó trắng tinh như ngọc, hơi ẩn sắc xanh, so với tằm thường phải to gấp đôi, lại dài như một con giun, thân hình sáng bóng như thủy tinh. Con mãng xà vốn dĩ thật hung tợn, lúc này lại xem chừng sợ đến mất vía, rút đầu chui vào dưới thân.

Con tằm trong như thủy tinh kia nhanh nhẹn dị thường bò thẳng một mạch lên người con trăn, chẳng khác gì một đường lửa nóng xẻ dọc theo xương sống con mãng xà, đến đầu thì con rắn đã bị cắt ra làm hai. Con sâu liền rúc vào túi nọc độc ở hai bên mang con mãng xà hút độc dịch, chỉ giây lát thân đã căng phồng lên, từ xa nhìn tới thấy giống như một cái bình trong suốt chứa đầy một thứ nước màu xanh tím.

A Tử vừa mừng vừa sợ, nói nhỏ:

– Con tằm này lợi hại đến thế, xem ra là chúa của các loài độc vật.

Du Thản Chi bụng lại lo thầm: “Một con tằm kịch độc như thế này nếu như hút máu ta thì lần này tính mạng mình chắc không còn.” Còn sâu đó chạy vòng quanh chiếc mộc đỉnh rồi bò lên, chỗ nào nó đi qua, chiếc đỉnh liền hiện ra một cái ngấn cháy sém. Thế nhưng dường như nó có linh tính, bò quanh chiếc đỉnh một vòng, biết là nếu chui vào trong đỉnh thì chỉ còn nước chết nên lại bò xuống chạy về hướng tây bắc.

A Tử vừa cao hứng vừa nóng ruột, kêu lên:

– Đuổi theo ngay! Đuổi theo!

Cô ta lấy vuông gấm bọc cái đỉnh lại rồi chạy đuổi theo con sâu. Du Thản Chi theo sát đằng sau, cứ theo đường lửa cháy sém mà đuổi. Con tằm đó tuy nhỏ bé như thế nhưng bò nhanh như gió, chỉ nháy mắt đã xa đến mấy trượng, cũng may nó đi đến đâu đều để lại một cái ngấn nên không mất dấu.

Hai người chỉ một thoáng đã đuổi đến ba bốn dặm, nghe phía trước có tiếng nước chảy róc rách đến bên một dòng suối. Vết cháy sém đến suối liền biến mất, nhìn qua bờ bên kia không thấy ngấn bò của con tằm đâu, hiển nhiên con vật đã chui xuống nước trôi đi rồi. A Tử dậm chân than thở:

– Ngươi đuổi chậm quá, bây giờ biết đi đâu mà tìm? Ta không biết, ngươi phải tìm cách bắt nó đem về cho ta.

Du Thản Chi trong lòng lo lắng, nhìn ngang nhìn ngửa nhưng nào có thấy bóng dáng nó đâu? Hai người tìm kiếm một hồi lâu, trời đã sâm sẩm tối, A Tử cảm thấy mỏi mệt, lại không kiên tâm, giận dữ nói:

– Bằng giá nào ngươi cũng phải bắt nó đem về cho ta, nếu không thì đừng gặp ta nữa.

Nói xong nàng quay trở về đường cũ một mình về thành. Du Thản Chi thấp thỏm đành men theo bờ suối đi xuôi xuống hạ lưu, tìm kiếm đến bảy tám dặm, trong ánh sáng lờ mờ bỗng thấy bờ trên mặt cỏ bên kia lại có dấu cháy sém. Du Thản Chi mừng quá, mở miệng gọi to:

– Cô nương! Cô nương! Tôi tìm thấy rồi!

Thế nhưng A Tử đã đi thật xa. Du Thản Chi lội nước đi qua, lần theo vết cháy khô. Chỉ thấy đường sém đó chạy thẳng đến một thung lũng ở phía trước. Y ráng sức đuổi tới mãi tận cuối thì ra là một tòa cổ miếu kiến trúc hùng vĩ, rảo bước đến gần thấy biển ngạch trên đề năm chữ “Sắc Kiến Mẫn Trung Tự” thật lớn. Du Thản Chi không có thì giờ đâu mà xem xét miếu này ra thế nào, chỉ tiếp tục đi theo đường ngấn cháy. Vết cháy sém đó vòng quanh một bên miếu, chạy ra phía sau. Chỉ nghe thấy tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh ở trong chùa vang lên từng chập, tiếng này dứt tiếng kia nổi lên, quần tăng chính đang vào giờ công khóa.

Y đầu đội lồng sắt, tự xấu hổ mình hình dạng không ra gì, sợ người trong chùa nhìn thấy, nên chỉ men theo tường mà lần đi, thấy vết cháy vượt qua một khu đất lầy lội, chạy vào một vườn rau.

Y trong lòng thật vui mừng, chắc mẩm hẳn không có người, chỉ có con tằm ăn rau mà thôi thì thể nào cũng bắt được nó. Y đi đến bên hàng rào nghe văng vẳng bên trong vườn rau ai đó đang lớn tiếng chửi mắng vội vàng đứng lại. Chỉ nghe người kia nói:

– Ngươi cớ sao không biết giữ qui củ, một mình dám đi ra ngoài chơi khiến cho ông phải lo lắng cả buổi, chỉ sợ mày đi mất không quay về. Ông đường sá xa xăm mang mày từ đỉnh núi Côn Lôn tới đây, vậy mà mày chẳng biết phải quấy, không hiểu được rằng lão tử chăm lo cho mày biết là dường nào. Cứ cái ngữ này, đời mày còn ra thế nào nữa, mai sau chắc chẳng làm nên trò trống gì, không ai thương đâu con ạ!

Ngữ khí người kia đầy vẻ phẫn nộ nhưng lại có ẩn chút lòng thương xót kỳ vọng, tưởng chừng như lời của phụ huynh dạy dỗ con cái. Du Thản Chi nghĩ thầm: “Y nói gì mà từ đỉnh núi Côn Lôn xa xôi diệu vợi đem đến đây, xem chừng chắc là sư phụ hay trưởng bối chứ không phải phụ thân.” Y rón rén đến sát bờ giậu, thấy người đang nói kia là một nhà sư. Nhà sư đó thật là mập mạp, thân hình lại lùn xủn, trông chẳng khác gì một trái cầu thịt thật lớn, tay chỉ xuống đất, mồm thì rủa sả liên hồi. Du Thản Chi theo tay y nhìn xuống, vừa mừng vừa lo, hòa thượng mập kia đang mắng chửi chính là một con sâu lớn sáng lấp lánh.

Hình dáng nhà sư lùn mập kia kỳ dị thì đã đành nhưng cái lối chửi sa sả con tằm kia lại còn lạ lùng hơn. Con sâu chạy loăng quăng dưới đất cực kỳ nhanh nhẹn, tưởng chừng như toan đào tẩu. Có điều dường như nó chạm phải một bức tường vô hình nào đó nên lại quay đầu qua hướng khác. Du Thản Chi cố gắng nhìn kỹ hơn, thấy dưới đất có vẽ một cái vòng màu vàng, con tằm tả xung hữu đột nhưng vẫn không sao qua khỏi được cái vòng đó, lập tức hiểu ra: “Cái vòng đó dùng một loại thuốc vẽ thành, dược vật hẳn là khắc tinh của con sâu.”

Gã hòa thượng lùn mập chửi một hồi xong, lôi trong bọc ra một vật gì đó, đưa lên miệng ăn nhồm nhoàm, hóa ra một cái đầu dê đã luộc chín, xem chừng ngon lành lắm. Y lại lấy từ trên cột xuống một cái hồ lô, mở nắp ra, ngửa cổ lên, ọc ọc uống một mạch. Du Thản Chi ngửi thấy tửu hương, biết là quả bầu đó đựng đầy rượu nghĩ thầm: “Hóa ra đây là một nhà sư hổ mang. Xem ra con tằm này là của y nuôi, được y cưng chiều lắm lắm. Làm cách nào ăn trộm được đây?”

Còn đang nghĩ ngợi bỗng nghe từ phía bên kia vườn rau có tiếng người gọi:

– Tuệ Tịnh! Tuệ Tịnh!

Gã sư lùn mập nghe thế giật mình hoảng hốt, vội vàng đem cái đầu dê và bầu rượu dấu vào trong bụi cỏ. Lại nghe người kia giục giã:

– Tuệ Tịnh! Tuệ Tịnh! Sao ngươi không tụng kinh chiều, trốn ở đây làm gì?

Nhà sư lùn mập vội vàng vớ ngay cái cuốc dưới chân, bổ hùng hục lên luống rau đáp:

– Đệ tử ở đây đang cuốc rau.

Người đi đến là một hòa thượng trung niên, khinh khỉnh nói:

– Kinh sớm kinh chiều, ai ai cũng phải dự. Sao lúc khác không trồng rau, đến lúc đọc kinh chiều thì lại giở giói ra cuốc đất? Mau lên! Mau lên! Bao giờ tụng kinh chiều xong, trở lại cuốc cũng vừa. Ở chùa Mẫn Trung chấp tác thì phải theo qui củ của chùa Mẫn Trung, không lẽ chùa Thiếu Lâm nhà ngươi không có miếu qui gia pháp gì hay sao?

Nhà sư lùn mập tên Tuệ Tịnh vội đáp:

– Vâng!

Y bỏ cuốc xuống, lật đật đi theo, không dám quay đầu lại nhìn con tằm, xem chừng sợ nhà sư trung niên phát giác. Du Thản Chi nghĩ thầm: “Gã sư lùn mập này vốn ở chùa Thiếu Lâm. Sư chùa Thiếu Lâm ai ai cũng biết võ công, mình ăn cắp con tằm của hắn thì phải thật cẩn thận mới được!”

Y đợi cho hai người đi xa, nghe ngóng chung quanh không có gì, vội vàng chui qua hàng rào, thấy con tằm vẫn chạy loanh quanh trong cái vòng màu vàng, tự hỏi: “Làm sao bắt được nó đây?” Y suy nghĩ một hồi tìm ra một cách, lấy trong bụi cỏ cái bầu rượu ra, lắc lắc thử mấy cái, còn chừng nửa bình bèn uống luôn mấy ngụm, còn bao nhiêu đổ vào luống rau, đưa cái miệng hồ lô đến gần cái vòng màu vàng. Miệng bầu rượu vừa lọt vào trong vòng tròn, chỉ nghe tách một tiếng, con tằm đã chui tọt vào trong hồ lô. Du Thản Chi mừng quá, vội vàng lấy cái nắp gỗ đóng chặt lại, hai tay bưng bầu rượu, chui qua hàng rào, ba chân bốn cẳng chạy về đường cũ.

Ra khỏi chùa Mẫn Trung chừng vài chục trượng bỗng thấy chiếc hồ lô lạnh một cách khác thường, xem ra còn hơn cả một khối băng, Du Thản Chi đưa cái bầu rượu từ tay trái sang tay phải, rồi lại từ tay phải đưa qua tay trái nhưng vẫn lạnh thấu xương không sao chịu nổi. Y không còn cách gì khác hơn bèn để hồ lô đội lên đầu nhưng lại càng khó chịu, khí lạnh truyền qua chiếc lồng sắt chui vào trong óc khiến y chịu không nổi, tưởng như huyết dịch toàn thân đã đóng thành băng. Tình cấp trí sinh, y liền cởi dây lưng buộc vào chỗ thắt trên hồ lô xách trên tay. Dây lưng không truyền hơi lạnh nên y cầm được, thế nhưng khí lạnh từ trong cái bầu tỏa ra, chỉ trong giây lát bên ngoài hồ lô đã bao phủ một tầng sương mỏng.

Chọn tập
Bình luận
× sticky