Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Long Bát Bộ

Chương 90 – Khô Tỉnh Để, Ô Nê Xứ (2)

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Đáy khô má tựa lòng thêm ấm,

Lá mục môi kề dạ ngát hương.

* * *

Mộ Dung Phục cười nhạt:

-Ngươi đáng lẽ sớm nhận ra hay bây giờ mới nhận ra thì cũng đâu có trễ.

Vương Ngữ Yên vội nói:

-Biểu ca, hôm đó tiểu muội trúng phải hơi độc của bọn võ sĩ Tây Hạ, may được Đoàn công tử cứu, giữa đường gặp mưa ướt hết cả quần áo, thành thử mới phải vào trong nhà máy xay đó đụt mưa, biểu ca …biểu ca … chớ có đa nghi.

Mộ Dung Phục đáp:

-May sao lại có cái nhà máy xay lúa để đụt mưa. Vậy mà khi ta đến nơi rồi, hai đứa vẫn còn lấp la lấp ló, gã họ Đoàn đưa tay sờ mặt ngươi, ngươi nào có tránh né. Khi đó ta nói những gì, ngươi có còn nhớ được hay chăng? Chỉ e ngươi toàn tâm toàn ý chỉ còn biết đến gã họ Đoàn, lời ta nói nào có lọt vào tai đâu.

Vương Ngữ Yên hơi xao xuyến, nhớ lại cảnh tượng ở trong nhà xay lúa, những lời của gã võ sĩ Tây Hạ bịt mặt Lý Diên Tông còn rõ mồn một bên tai, lẩm bẩm:

-Khi đó.. khi đó … biểu ca cười khẩy mấy tiếng, nói gì nhỉ? Biểu ca nói … nói … là “Ta bảo ngươi lên học võ công để giết ta chứ có bảo hai đứa chúng bay … hai đứa chúng bay …”.

Nàng nhớ rành rọt hôm đó Mộ Dung Phục còn nói: “… hai đứa chúng bay lên đó cười cợt, ôm ấp nhau đâu.” nhưng không sao nói ra được.

Mộ Dung Phục nói:

-Hôm đó ngươi cũng bảo là nếu như ta giết gã tiểu tử họ Đoàn thì ngươi sẽ quyết ý giết ta báo thù cho y. Vương cô nương, ta nghe cô nương nói mấy câu đó nên mới tha mạng cho y, ngờ đâu dưỡng hổ di hoạn, để đến nỗi trước mặt bao nhiêu anh hùng hảo hán trên núi Thiếu Thất bị nhục nhã không còn mặt mũi gì.

Vương Ngữ Yên thấy y đột nhiên không còn gọi mình là “biểu muội” nữa mà đổi giọng thành “Vương cô nương”, trong lòng xót xa, run run nói:

-Biểu ca, hôm đó nếu như em biết được đó là biểu ca thì không bao giờ lại nói những điều như thế. Quả thực, biểu ca ơi, em … nếu em biết được… quyết chẳng dám nói. Chàng cũng biết em một lòng một dạ đối với chàng … hết sức thương yêu.

Mộ Dung Phục nói:

-Ví phỏng như vì ta đeo mặt nạ ngươi không nhận ra tướng mạo, ví như ta giả vờ ú ớ, ngươi không nhận ra khẩu âm, thế nhưng không lẽ đến cả võ công ngươi cũng nhận không ra? Ha ha! Trong võ học ngươi là kẻ uyên bác phi phàm, ai sử chiêu gì thế gì, ngươi biết ngay lai lịch, gia số, thế mà ta cùng tiểu tử kia động thủ đến trên trăm chiêu, ngươi cũng vẫn không nhận ra ta ư?

Vương Ngữ Yên nói nhỏ:

-Tuy thiếp có nghi tâm thật, nhưng … nhưng biểu ca, chúng ta lâu lắm không gặp nhau, võ công tiến cảnh của biểu ca thiếp đâu có nghĩ …

Mộ Dung Phục không lấy làm căm giận, mấy câu đó của Vương Ngữ Yên, rõ ràng cho rằng võ công của mình tiến bộ quá chậm, không như nàng mong đợi, bèn nói:

-Hôm đó ngươi nói: “Lúc đầu ta thấy đao pháp ngươi phức tạp quả có bội phục thật, nhưng coi độ năm chục chiêu rồi thấy chẳng qua cũng chỉ đến đó, bảo là “Kiềm lô kỹ cùng” thì có hơi khắc bạc nhưng nói trắng ra hiểu biết của ngươi còn kém xa ta.”. Vương cô nương, hiểu biết của ta kém cô nương xa thật, … ngươi … ngươi viêc gì mà phải di theo ta? Trong bụng ngươi đã coi ta chẳng vào đâu, đúng thế, Mộ Dung Phục này đường đường trượng phu, vậy mà lại để một cô nương coi chẳng ra gì.

Vương Ngữ Yên tiến lên mấy bước, dịu dàng nói:

-Biểu ca, hôm đó quả là em nói sai, thôi để tiểu muội bồi tội nơi đây.

Nói rồi khom lưng quì xuống hành lễ, nói tiếp:

-Thiếp thật không biết đó là biểu ca … chàng đại nhân đại lượng, chẳng nên để trong lòng. Thiếp từ nhỏ kính trọng biểu ca, từ nhỏ vẫn một niềm ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy, từ nay không dám vi phạm điều gì. Hôm đó thiếp nói năng lăng nhăng, xin chàng niệm tình xưa nghĩa cũ, tha thứ cho thiếp một phen.

Những lời nói của Vương Ngữ Yên nơi nhà máy xay lúa, Mộ Dung Phục tâm cao khí ngạo, nghe rồi hết sức khó chịu, hậm hực mãi không quên. Từ đó đến nay, hai người tuy gần nhau lâu ngày nhưng y vẫn để bụng, đối với nàng không khỏi có phần gượng gạo.

Bây giờ nghe nàng dịu dàng cầu khẩn, dưới ánh trăng một cô nương xinh đẹp tuyệt trần mà tình ý triền miên với mình như thế, lại biết chắc giữa nàng và Đoàn Dự không có gì, nói năng đụng chạm chẳng qua vô tâm, nghĩ đến tình thanh mai trúc mã, Mộ Dung Phục không khỏi động tâm bèn giơ tay ra cầm lấy tay Vương Ngữ Yên gọi nhỏ:

-Biểu muội!

Vương Ngữ Yên mừng quá, biết rằng biêåu ca đã tha thứ cho mình rồi, bèn sà vào lòng y, tựa đầu lên vai Mộ Dung Phục, nói khẽ:

-Biểu ca giận em, muôán đánh muốn chửi gì cũng được, nhưng đừng bao giờ dể trong lòng không nói ra nhé.

Mộ Dung Phục ôm tấm thân mềm mại ấm áp của nàng vào lòng, nghe những lời dịu ngọt thiết tha, không khỏi tâm thần lãng đãng, đưa tay vuốt tóc Vương Ngữ Yên ôn tồn nói:

-Ta đời nào lại mắng chửi em? Ấy là trước kia ta giận đấy thôi chứ bây giờ hết giận rồi.

Vương Ngữ Yên nói:

-Biểu ca, chàng đừng đi làm phò mã Tây Hạ nữa nhé?

Mộ Dung Phục nghe vậy toàn thân rúng động, nghĩ thầm: “Chết rồi! Không được! Mộ Dung Phục ơi! Sao ngươi nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản như thế, suýt nữa thì làm hỏng đại sự. Đến chút tình riêng ngươi còn không bỏ được thì còn nói gì đến chuyện “đả thiên hạ” để gây dựng đại nghiệp nữa?”.

Nghĩ như thế y bèn giơ tay đẩy Vương Ngữ Yên ra, cứng rắn trở lại, lắc đầu:

-Biểu muội, duyên phận đôi ta đến đây chấm dứt. Cô biết chứ, ta xưa nay thù dai lắm, những gì cô đã nói ra, những gì sai quấy, ta không đời nào quên được.

Vương Ngữ Yên buồn bã nói:

-Vừa rồi biểu ca mới nói là hết giận rồi mà.

Mộ Dung Phục đáp:

-Ta không giận nữa nhưng có điều … có điều cuộc đời này chúng ta không đi xa hơn tình anh em cô cậu được.

Vương Ngữ Yên nói:

-Như thế anh nhất định không tha thứ cho tôi ư?

Trong lòng Mộ Dung Phục “tư tình” và “đại nghiệp” hai đàng giằng xé, y ngần ngừ một phút, rồi cương quyết lắc đầu. Vương Ngữ Yên bao nhiêu tâm tình tắt lịm, hỏi thêm lần nữa:

-Anh định đi lấy công chúa Tây Hạ nên không ngó ngàng gì đến tôi nữa chứ gì?

Mộ Dung Phục thu hết can đảm, gật đầu. Vương Ngữ Yên trước đây biết chuyện Mộ Dung Phục định ứng tuyển phò mã Tây Hạ là do Công Dã Can nói lại, tuyệt vọng định tìm cái chết nên cố ý rơi lại phía sau, tránh được bọn Đặng Bách Xuyên rồi bèn nhảy xuống vực tự tận, may được Vân Trung Hạc cứu thoát.

Đến lúc này do chính miệng ý trung nhân cự tuyệt, nàng đau lòng như điên như cuồng, tưởng chừng hộc máu, đột nhiên nghĩ ra: “Đoàn công tử đối với ta một dạ si mê, vậy mà từ trước tới giờ, đến liếc mắt đưa tình vờ vịt ta cũng chưa làm, lần này y lại bỏ mạng vì ta, quả đãi anh ta hết sức bạc bẽo. Thôi bây giờ ta cũng không muốn sống nữa làm gì, Đoàn công tử chết nơi chiếc giếng sâu, ắt bên dưới là mỏm nhọn đá cứng. Chi bằng ta chết cùng một chỗ với anh ta, để đáp đền lại phần nào mối thâm tình”.

Nàng nghĩ thế bèn từ từ đi đến bờ giếng, quay lại nói:

-Biểu ca, tôi chúc cho anh được toại nguyện, lấy được công chúa Tây Hạ để mai này lên ngôi Đại Yên hoàng đế.

Mộ Dung Phục biết Vương Ngữ Yên đi tìm cái chết, tiến lên một bước định nắm lấy cánh tay nàng, toan ngăn lại: “Không được!”. Thế nhưng trong lòng y lại biết rằng nếu mình lên tiếng, giơ tay giữ lại thì từ nay có thể thoát ra khỏi tấm nhu tình quấn quít của biểu muội nữa hay không quả khó mà biết được. Biểu muội ôn nhu xinh đẹp, trên đời khó kiếm, được người vợ như vậy còn ân hận nỗi gì? Huống chi nàng từ bé với mình ái tình thâm trọng, nếu như một phút yếu lòng, kết thành mối nghiệt duyên thì việc hưng phục Đại Yên sẽ bị sứt mẻ. Y trong lòng nghĩ thế, miệng há ra nhưng không thành tiếng, tay vươn ra nhưng lại không giữ ghịt Vương Ngữ Yên.

Vương Ngữ Yên nhìn thần sắc Mộ Dung Phục cũng đoán được tâm tình, những tưởng dẫu không còn đằm thắm thì cũng vẫn còn là anh em cô cậu chí thân, nào ngờ thấy mình đi tìm cái chết y vẫn không có ý gì ngăn trở, thật còn kém cả đứa cùng hung cực ác là Vân Trung Hạc, kẻ bạc bẽo như thế thì còn nói gì thêm, nên kêu lên:

-Đoàn công tử, thiếp xin được chết ở bên chàng!

Nàng tung mình nhảy lên, lao đầu xuống miệng giếng. Mộ Dung Phục kêu lên một tiếng tiến lên, giơ tay định nắm lấy chân nàng. Với võ công như y, muốn chộp được Vương Ngữ Yên thật dễ như trở bàn tay nhưng vì ngần ngừ chưa quyết nên vẫn để mặc cho nàng tự tận. Y thở dài một tiếng, lắc đầu:

-Biểu muội, lòng ngươi vốn yêu thương Đoàn công tử, hai người sống không được thành vợ chồng nhưng khi chết chôn chung một huyệt, thế cũng thỏa nguyện rồi.

Đột nhiên sau lưng có tiếng người nói:

-Giả dối thật! Ngụy quân tử!

Mộ Dung Phục kinh hãi: “Sao có người đến bên cạnh mình mà mình không hề hay biết?”. Y vung tay đánh ngược lại một chưởng, rồi mới quay đầu, dưới ánh trăng thấy một bóng mờ theo chưởng bay đi, thân pháp khinh linh thực là hiếm có.

Mộ Dung Phục phi thân tới, không đợi cho người kia rơi xuống, vừa đánh thêm một chưởng vừa giận dữ quát lên:

-Ai đó? Sao đám đùa rỡn với công tử nhà ngươi?

Người kia ở trên không cũng đánh xuống, chạm phải chưởng lực của Mộ Dung Phục, lại bay vọt ra ngoài thêm hơn một trượng nữa mới rơi xuống đất, hóa ra là quốc sư nước Thổ Phồn Cưu Ma Trí.

Lại nghe y nói tiếp:

-Rõ ràng ngươi bức bách Vương cô nương lao đầu xuống giếng tự tận, vậy mà dám mở mồm nói là để cho nàng thỏa nguyện. Mộ Dung công tử, như thế liệu có âm hiểm tàn nhẫn quá hay chăng?

Mộ Dung Phục cáu tiết đáp:

-Đó là chuyện riêng của ta, ai khiến ngươi phải rỗi hơi xen vào?

Cưu Ma Trí đáp:

-Ngươi làm chuyện thương thiên hại lý như thế, hòa thượng này đành phải chen vào. Huống chi ngươi lại còn toan ứng tuyển phò mã Tây Hạ thì đó đâu còn là chuyện riêng nữa?

Mộ Dung Phục nói:

-Thế bộ hòa thượng như ngươi mà cũng mong được làm phò mã hay sao?

Cưu Ma Trí cười rộ lên đáp:

-Hòa thượng đi làm phò mã, làm gì có chuyện đó bao giờ?

Mộ Dung Phục cười nhạt:

-Ta vốn đã biết nước Thổ Phồn có bụng bất lương, có phải ngươi vì tiểu vương tử mà ra mặt hay không?

Cưu Ma Trí hỏi lại:

-Cớ gì mà lại bảo là “có bụng bất lương”? Nếu định cưới công chúa Tây Hạ làm vợ là có bụng bất lương, thế thì các hạ lương hay không lương thiện nào?

Mộ Dung Phục đáp:

-Ta muốn cưới công chúa Tây Hạ đều do năng lực bản thân để tranh đoạt chức phò mã chứ không phải sai thủ hạ hô phong hoán vũ, quấy rối làm càn khiến cho anh hùng hào kiệt ở Linh Châu này ai ai cũng mỉa mai khinh bỉ.

Cưu Ma Trí cười nói:

-Bọn ta đánh dẹp hết những đứa du thủ du thực để cho kinh thành Linh Châu bớt đi những kẻ quang côn, mặt dày mày dạn, rơm rác bụi bậm, không lượng sức mình, trông mà phát ghét. Thế cũng là dọn đường giúp cho các hạ còn mong gì nữa?

Mộ Dung Phục đáp:

-Nếu quả là như thế thì thật đẹp. Vậy chắc vương tử nước Thổ Phồn sẽ dùng bản lãnh chân thực mà tranh đoạt với người ta chăng?

Cưu Ma Trí đáp:

-Chính thị.

Mộ Dung Phục thấy y nhơn nhơn ra chiều không ngại ngùng gì, làm như chắc ăn rồi, trong bụng không khỏi nghi nan, bèn hỏi:

-Như thế tiểu vương tử quí quốc hẳn là võ công cao cường, anh hùng vô địch, đã cầm chắc cái thắng trong tay chăng?

Cưu Ma Trí đáp:

-Tiểu vương tử điện hạ là học trò ta, võ công tuy không dở, anh hùng vô địch thì chưa hẳn nhưng bảo là chắc ăn thì có thể.

Mộ Dung Phục lại càng kinh ngạc nghĩ thầm: “Nếu ta hỏi thẳng chắc y không trả lời đâu, chi bằng khích tướng mới được”. Y bèn nói:

-Thế thì lạ thật, tiểu vương tử quí quốc cũng chắc ăn mà ta đây cũng chắc ăn, không biết hai người ai mới thực là ăn chắc.

Cưu Ma Trí cười đáp:

-Tiểu vương tử chúng ta có cái gì mà bảo là chắc thắng, hẳn ngươi cũng muốn biết qua, phải vậy chăng? Chi bằng ngươi nói trước cái phương cách của ngươi ra, sau đó ta sẽ cho biết cách của ta. Hai bên trao đổi xem bên nào cao minh hơn bên nào.

Mộ Dung Phục tự thị vốn chỉ là võ công cao cường, hình mạo tuấn nhã, còn như bảo là cách nào chắc thắng thì chưa có, bèn nói:

-Ngươi là kẻ ngụy kế đa đoan, nói ra không ai tin được. Nếu ta nói phương pháp của ta ra, rồi ngươi không chịu nói có phải mắc hỡm ngươi hay không?

Cưu Ma Trí cười khà khà nói:

-Mộ Dung công tử, bề gì ta cũng quen biết lệnh tôn lâu năm, hai bên tương kính lẫn nhau. Nói quá một chút, ta dẫu sao cũng là trưởng bối của các hạ, ngươi nói thế không phải là đi quá phận mình hay sao?

Mộ Dung Phục khom lưng hành lễ:

-Minh Vương trách cứ quả là đúng lẽ, kẻ hậu sinh mong được tha thứ một phen.

Cưu Ma Trí cười đáp:

-Công tử thông minh thật, đã chịu nhận là vãn bối rồi, ta nể tình cha ngươi nên không thể nào chiếm tiện nghi được. Cái điểm tất thắng của tiểu vương tử nước Thổ Phồn, nói ra cũng chẳng đáng đồng xu. Ấy là những ai định tranh chức phò mã, ta sẽ giải quyết từng người một. Nếu như không còn ai tranh giành thì lẽ nào tiểu vương tử lại không trúng tuyển? Ha ha, ha ha!

Mộ Dung Phục lập tức biến sắc ấp úng:

-Nếu nói như thế, ta …

Cưu Ma Trí cướp lời:

-Ta với lệnh tôn giao tình không phải nhẹ, dĩ nhiên không lấy mạng ngươi đâu. Ta thành ý khuyên công tử, lập tức rời Tây Hạ ngay đi, đó là thượng sách.

Mộ Dung Phục nói:

-Nếu như ta không chịu bỏ đi thì sao?

Cưu Ma Trí mỉm cười:

-Ta cũng chẳng thèm giết công tử, chỉ cần móc hai mắt, hay chặt một chân một tay thành người tàn phế. Công chúa Tây Hạ dĩ nhiên chẳng đời nào hạ mình đi lấy một đứa ngũ quan không đủ, chân tay què quặt dù cho có là bậc anh hùng hảo hán.

Y dài giọng khi nói đến bốn chữ “anh hùng hảo hán”, ra chiều châm chọc mỉa mai.

Mộ Dung Phục hết sức tức tối nhưng còn e ngại y võ công cao cường, không dám tiến lên động thủ, cúi đầu suy tính xem phải đối phó cách nào. Dưới ánh trăng bỗng thấy bên chân có vật gì hơi rung động, ngưng thần quan sát, hóa ra đó là bóng cánh tay phải của Cưu Ma Trí. Mộ Dung Phục kinh hãi, cho rằng đối phương đang ngựng tụ công lực, trong chớp mắt sẽ đánh ra, lập tức cũng ngầm vận kình, chuẩn bị chống đỡ. Lại nghe Cưu Ma Trí nói tiếp:

-Công tử bức bách lệnh biểu muội tự tận, quả là thương tổn âm đức quá nhiều. Nếu như ngươi rời khỏi Tây Hạ ngay thì chuyện bức tử Vương cô nương, ta sẽ bỏ qua không truy cứu.

Mộ Dung Phục hừ một tiếng đáp:

-Ấy là cô ta đâm đầu xuống giếng tuẫn tình, có liên can gì đến ta đâu?

Tuy mồm y nói thế nhưng vận chăm chăm nhìn vào cái bóng dưới đất, thấy hai tay Cưu Ma Trí vẫn rung động liên tiếp. Mộ Dung Phục trong lòng khởi nghi: “Võ công của y cao cường như thế, nếu như muốn ra tay đả thương người, việc gì phải liên tiếp ngưng tụ chân lực? Không lẽ y khệnh khạng ra chiêu định dọa cho mình bỏ chạy hay sao?”.

Y chăm chăm nhìn kỹ hơn nữa, thấy vạt áo, ống quần của ông ta cũng hơi rung động đủ biết đang run lên không tự chủ được. Mộ Dung Phục chợt nghĩ ra: “Hôm trước nơi Tàng Kinh Các trong chùa Thiếu Lâm, lão tăng vô danh có nói rằng Cưu Ma Trí luyện bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm rồi, lại gắng gượng luyện thêm Dịch Cân Kinh chi đó, đã bảo ông ta “thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối”, nếu tu luyện tuyệt kỹ Thiếu Lâm mà không giữ tâm từ bi, lại vun trồng lệ khí thì họa sẽ không sao lường được. Vị lão tăng đó đã nói đúng bệnh của gia gia và Tiêu Viễn Sơn, cực kỳ linh nghiệm, vậy thì những lời nói về Cưu Ma Trí xem ra cũng chẳng phải hư ngôn”. Y nghĩ đến đó bỗng dưng hết sức vui mừng: “Ha ha, gã hòa thượng này chính mình đại họa lâm đầu, vậy mà còn dở trò dọa dẫm ta, bảo nào là khoét mắt, cắt chân chặt tay”.

Thế nhưng y không dám chắc, bèn thử một chuyến, liền nói:

-Ôi, thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối! Đã luyện môn công phu thượng thừa này mà lâm vào đường tẩu hỏa nhập ma thì thật ghê gớm biết mấy.

Cưu Ma Trí đột nhiên kêu rống lên như tiếng sói tru, như bò rống, thanh âm cực kỳ ghê rợn, giơ tay chộp Mộ Dung Phục, quát lên:

-Ngươi nói gì? Ngươi … ngươi bảo ai?

Mộ Dung Phục nghiêng người tránh ra, Cưu Ma Trí liền quay người lại, dưới ánh trăng chiếu lên khuôn mặt y thấy hai mắt đỏ ngầu, lông mày dựng ngược, sắc mặt cực kỳ hung tợn, thần khí tuy dũng mãnh thật nhưng không dấu được vẻ hoảng hốt.

Mộ Dung Phục không còn hoài nghi gì nữa nói:

-Ta có một câu lương ngôn thành ý khuyên ông. Minh Vương tức tốc rời khỏi Tây Hạ trở về Thổ Phồn, miễn là đừng vận khí, không nổi giận, chẳng ra tay đánh nhau thì may ra hồi qui cố thổ, còn không, lời vị thần tăng Thiếu Lâm kia xem chừng ứng nghiệm rồi.

Cưu Ma Trí kêu lên khè khè, cái vẻ ung dung bình thời không còn đâu nữa, lớn tiếng:

-Ngươi … ngươi biết những gì? Ngươi biết những gì?

Mộ Dung Phục thấy vẻ mặt y hết sức hung dữ, chẳng còn chút gì ra vẻ thánh tăng, không khỏi sợ hãi, vội lùi lại một bước. Cưu Ma Trí quát lên:

-Ngươi biết những gì? Mau nói ra cho ta nghe.

Mộ Dung Phục cố gắng trấn tĩnh, thở dài một tiếng:

-Nội tức Minh Vương chạy vào đường rẽ rồi, đang lúc cực kỳ hung hiểm, nếu không lập tức quay về Thổ Phồn thì hãy chạy lên chùa Thiếu Lâm xin vị thần tăng kia cứu chữa, may ra cũng còn chút hi vọng.

Cưu Ma Trí cười nham hiểm nói:

-Làm sao ngươi biết được là nội tức ta chạy vào đường rẽ? Chỉ nói năng tầm bậy tầm bạ.

Nói xong vươn tay trái ra chộp vào mặt Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục thấy năm ngón tay ông ta hơi run run nhưng trảo pháp nghiêm cẩn, trầm ổn lão luyện chẳng có vẻ gì là nội lực bất túc, trong bụng kinh hãi thầm: “Không lẽ mình đoán trật hay sao?”. Y lập tức vận nội lực lên, ngưng thần tiếp chiến, tay phải gạt ra rồi lập tức biến thành móc nắm lấy cổ tay Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí quát lớn:

-Nghĩ đến cha ngươi, trong mười chiêu đầu ta không dùng sát thủ, ấy là giữ chút tình hương hỏa với cố nhân.

Nghe vù một tiếng đấm thẳng vào vai bên phải Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục nhẹ nhàng tránh được, chiêu thứ hai của Cưu Ma Trí đã đến rồi, giữa hai chiêu không có chút gì sơ hở. Mộ Dung Phục tuy giỏi về Đẩu Chuyển Tinh Di dùng sức đánh sức nhưng chiêu số đối phương quá ư tinh diệu, mỗi chiêu chỉ sử dụng một nửa, còn nửa sau biến hóa, y những toan tá lực thì không biết phải tựa vào đâu, chỉ đành nghiêm thủ những chỗ yếu hại để chờ cơ hội đánh trả.

Thế nhưng chiêu số của Cưu Ma Trí cực kỳ linh động, quả là bình sinh chưa thấy bao giờ, quyền đánh ra giữa chừng lại biến thành chỉ, thủ trảo ra đến bên người lại chuyển thành chưởng. Đến khi mười chiêu xong rồi, Cưu Ma Trí liền quát lên:

-Hết mười chiêu, ta lấy mạng mi đây!

Mộ Dung Phục chỉ thấy mắt hoa lên, bốn phương tám hướng chỗ nào cũng thấy bóng của Cưu Ma Trí, bên trái đá một cái, bên phải đấm một quyền, đằng trước đánh một chưởng, phía sau đâm một chỉ, dường như mọi chiêu số cùng đến một lượt, không biết chống đỡ cách nào, đành múa song chưởng, ngưng vận nội lực, thủ mà không công, dùng quyền pháp tự bảo lấy mình.

Bỗng nghe Cưu Ma Trí thở hồng hộc, tiếng nghe phì phò, càng thở càng nhanh, Mộ Dung Phục lên tinh thần nghĩ thầm: “Lão hòa thượng này nội tức loạn rồi, thở không ra hơi nữa. Ta chỉ cần giữ cho được một hồi lâu không để cho y đánh ngã, thời khắc diên trì, y thể nào cũng ngã lăn ra chết”.

Thế nhưng tuy Cưu Ma Trí thở rốc thật, chiêu số càng lúc càng gia tăng, đột nhiên quát lên một tiếng, Mộ Dung Phục thấy huyệt Tích Trung ngang hông, Thương Khúc ở bụng đồng thời đau nhói, đã bị điểm trúng, chân tay liền tê bại, không còn cử động được nữa.

Cưu Ma Trí cười khẩy mấy tiếng, vẫn thở hổn hển, nói:

-Ta đã bảo ngươi cút đi, vậy mà không chịu nghe, không còn trách gì được ta nữa nhé. Ta … ta … ta phải làm gì đây nhỉ?

Y chúm môi huýt lên một tiếng. Một hồi sau, từ trong rừng bốn võ sĩ Thổ Phồn chạy ra, khom lưng hỏi:

-Xin cẩn nghe pháp chỉ của Minh Vương.

Cưu Ma Trí nói:

-Đem gã tiểu tử này chặt đầu.

Bốn tên võ sĩ đáp:

-Tuân lệnh!

Mộ Dung Phục không cử động được nhưng tai vẫn nghe rõ mọi chuyện, trong bụng kêu khổ thầm: “Mới đây giá như ta nhận lời biểu muội, không đi tranh chức phò mã Tây Hạ, hai bên khắng khít vui vầy thì đâu có bị cái họa rơi đầu? Ta chết đi rồi thì còn gì là hi vọng khôi phục Đại Yên nữa?”. Y cố gắng mở miệng định tình nguyện rời khỏi Linh Châu không tranh cái chức phò mã nữa, khổ nỗi không sao nói được thành lời mà Cưu Ma Trí lại quay đi nơi khác không nhìn nhõi gì đến y, thành thử Mộ Dung Phục muốn đưa mắt van xin cũng không sao làm được.

Bốn tên võ sĩ Tây Hạ nắm lấy Mộ Dung Phục, một tên rút phắt loan đao, toan chặt cổ. Cưu Ma Trí bỗng kêu:

-Khoan đã! Ta với phụ thân tiểu tử này vốn quen biết nhau, thôi cho y chết được toàn thây. Các ngươi đem vứt y xuống dưới cái giếng khô kia, rồi đi tìm mấy tảng đá lớn chèn miệng giếng lại để y khỏi xung khai huyệt đạo bò ra được.

Các võ sĩ Thổ Phồn liền đáp:

-Tuân lệnh!

Rồi cầm Mộ Dung Phục bỏ xuống giếng khô, nhìn quanh quất bốn bề chẳng thấy khối đá nào lớn, vội vàng chạy ra sau núi kiếm đá tảng. Còn Cưu Ma Trí đứng bên bờ giếng, thở hổn hển không ngớt, ngực tức dường như không chịu nổi.

Hôm đó sau khi y dùng Hỏa Diễm Đao ám toán Đoàn Dự rồi, sợ các cao thủ vây đánh, lập tức bỏ chạy xuống núi, chưa khỏi núi Thiếu Thất đã thấy trong đan điền hơi nóng như sôi lên, lập tức ngừng lại điều hòa hơi thở nhưng thấy nội lực vận chuyển khó khăn, không khỏi kinh hãi thầm: “Lão giặc trọc kia bảo là ta cưỡng luyện bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm, đã nhiễm lệ khí khiến cho mầm họa sinh ra rồi, sau lại còn luyện Dịch Cân Kinh, gốc ngọn đảo ngược, đại nạn chỉ trong sớm tối. Không lẽ … không lẽ lời lẽ quái quỉ của lão trọc kia, lại ứng nghiệm thực hay sao?”. Y vội vàng đi tìm một sơn động, tĩnh tọa nghỉ ngơi, nếu không vận nội công thì hơi nóng dần dần bình phục, còn như chỉ hơi sử kình, thì từ đan điền hơi nóng lại bốc lên, tưởng như lửa đốt.

Đến tối hôm đó, không thấy chùa Thiếu Lâm có ai đuổi theo, y mới chậm rãi xuôi nam. Những thám tử liên lạc của Thổ Phồn trên đường tìm được y, cho hay quốc vương đã sai tiểu vương tử sang Linh Châu cầu thân, ứng tuyển phò mã. Thám tử còn nói rằng tiểu vương tử lần này ra đi dẫn theo rất đông cao thủ võ sĩ, kim ngân châu báu và các đồ vật quí giá, danh mã bảo đao. Ngựa tốt đao quí là để dâng lên hoàng đế Tây Hạ đồ vật quí giá là để biếu công chúa, còn tiền bạc châu báu là để đút lót hậu phi thái giám và các quan lớn nhỏ.

Cưu Ma Trí là quốc sư nước Thổ Phồn, lo liệu mọi việc quân chính đại sự, tuy thân mang bệnh nhưng việc cầu thân thành hay bại liên quan đến hưng suy của Thổ Phồn nên lập tức lên đường đi Tây Hạ ngay để chủ trì toàn cục, điều đồng sai phái các cao thủ đối phó với những địch thủ toan tranh giành chức phò mã của tiểu vương tử.

Vào khoảng trên dưới mồng mười tháng tám, võ sĩ Thổ Phồn đã đánh đuổi đến mấy trăm thanh niên dị tộc, giang hồ hào khách. Những người đến đây tuy đông thật nhưng phần lớn chỉ là có ý định riêng tư, khi chạm địch nào có giúp đỡ gì nhau thành thử chẳng một ai có thể chống được với bọn võ sĩ Thổ Phồn vây đánh.

Cưu Ma Trí đến Linh Châu rồi liền tìm nơi tĩnh dưỡng, hơi nóng bừng bừng như lửa trong người dần dần dịu trở lại, thế nhưng mỗi khi tâm thần khích động thì chân tay mình mẩy lại run lên, không tự chủ được. Đến về sau, dẫu cho tâm định thần nhàn mà ngón tay, lông mày, khóe miệng, đầu vai vẫn cứ giật giật, không lúc nào yên.

Y không muốn cho ai thấy cái tình trạng quái lạ ấy nên bình thời sống riêng rẽ không chung đụng với ai, rất ít tiếp xúc. Hôm đó y nghe võ sĩ thủ hạ bẩm báo là Mộ Dung Phục đã đến Linh Châu, rồi có mấy võ sĩ Thổ Phồn bị thủ hạ của y đả thương. Cưu Ma Trí nghĩ bụng Mộ Dung Phục dung mạo anh tuấn, văn võ toàn tài, là một nhân vật tài ba vào bậc nhất đương thời, nếu không đánh đuổi y đi, tiểu vương tử thể nào cũng phải cùng y tỉ thí. Xét trong đám võ sĩ thủ hạ, Cưu Ma Trí không thấy người nào có thể địch lại Mộ Dung Phục, nên y đành phải tự mình xuất mã. Y nghĩ võ công mình cao siêu cỡ nào, Mộ Dung Phục cũng đã biết rồi, chắc chẳng cần động thủ chỉ dọa cho y bỏ đi cũng đủ cho nên mới tìm vào tân quán.

Khi y đến nơi thì Mộ Dung Phục đã bắt được Đoàn Dự đem đi rồi. Chung quanh nhà khách có võ sĩ Thổ Phồn mai phục giám thị, Cưu Ma Trí liền hỏi phương hướng theo đó đuổi theo. Khi đến khu rừng thì Mộ Dung Phục đã ném Đoàn Dự xuống giếng, đang nói chuyện với Vương Ngữ Yên. Sau dó hai bên động thủ, tuy Cưu Ma Trí bắt được Mộ Dung Phục nhưng nội tức cũng dâng tràn như sóng biển, xung đột lung tung nơi các kinh mạch huyệt đạo, muốn bung khỏi cơ thể nhưng không có đường ra, quả là khó chịu.

Y giơ tay cào trên ngực nhưng nội tức vẫn tiếp tục bành trướng, tưởng như đầu, ngực, bụng các nơi đều phình ra sắp sửa nổ tung, vỡ tan thành mảnh nhỏ. Y cúi đầu xem xét bụng ngực thấy vẫn bình thường, không phồng thêm chút nào vậy mà trong người thì thấy căng tròn như quả bóng, nội tức vẫn cuồn cuộn đổ thêm vào.

Cưu Ma Trí hết sức kinh hoàng, giơ ngón tay đâm vào vai trái và hai bên đùi, để mong chân khí theo ba cái lỗ đó tiết ra. Ba vết thương đó máu chảy như suối nhưng nội tức lại chẳng bớt đi chút nào. Lời của vị lão tăng Thiếu Lâm nơi Tàng Kinh Các như vang vọng bên tai, lúc này mới biết không phải hư ngôn, vì mình tham lam muốn được cho thật nhiều, luyện sai bảy mươi hai tuyệt kỹ và Dịch Cân Kinh, gốc ngọn ngược ngạo, đại họa đã đến rồi.

Y tuy hoảng hốt nhưng dẫu sao cũng đã tu luyện lâu năm, công phu thiền định Phật gia thâm hậu, thành thử thần trí không đến nỗi thác loạn, trong đầu chợt thoáng một ý nghĩ: “Y … y tự mình sao không luyện? Sao y chỉ luyện một vài môn, còn bao nhiêu bí quyết của bảy mươi hai tuyệt kỹ giao lại cho ta? Ta với y chỉ bèo mây gặp gỡ, dẫu có trò chuyện tâm đầu ý hợp, nhất kiến như cố thì cũng đâu đã có giao tình đến vậy?”.

Cưu Ma Trí gặp phải nguy nan mới hiểu rõ dụng ý của Mộ Dung Bác khi trao tặng cho mình “Thiếu Lâm thất thập nhị tuyệt kỹ bí quyết”. Khi Mộ Dung Bác trao tặng cho y bí quyết rồi, y cũng suy nghĩ rất lâu, e ngại đối phương không có hảo ý. Thế nhưng khi đọc đi đọc lại, môn tuyệt kỹ nào cũng vô cùng tinh diệu, với kiến thức cao siêu như y, thật giả biết ngay, nhìn kỹ lại bí cập, thấy giấy không tẩm thuốc độc nên bao nhiêu nghi ngại đều tan biến, lập tức khổ luyện, mỗi khi xong một môn thì lại cảm kích Mộ Dung Bác thêm một phần.

Đến lúc này sống không được, chết không xong, y mới hiểu rõ dụng tâm độc ác của Mộ Dung Bác: “Y ẩn phục trong chùa Thiếu Lâm mấy chục năm, chắc hẳn cũng đã nghe các nhà sư bàn luận là các tuyệt kỹ không thể luyện hết, nên khi gặp mình, thấy võ công tài lược có phần đáng ngại nên mới đem bí quyết giao lại cho ta. Y vốn dĩ một mặt muốn thử xem nếu luyện hết mọi tuyệt kỹ thì hậu hoạn thế nào, hai nữa muốn ta kết thù oán với chùa Thiếu Lâm, khích bác cho Thổ Phồn và Đại Tống hai bên tranh chấp. Khi đó họ Mộ Dung sẽ đục nước béo cò, hưng phục Yên quốc. Bảy mươi hai tuyệt kỹ hẳn y cũng sao lục phó bản rồi, điều đó hiển nhiên chẳng nói cũng biết”.

Y mới rồi bắt được Mộ Dung Phục, không khỏi không nghĩ đến ân tình phụ thân y tặng mình bí cập bảy mươi hai tuyệt kỹ, nên tuy biết y là mối lo tâm phúc nhưng cũng không lập tức chém đầu, chỉ vứt y xuống giếng cho được toàn thây. Bây giờ hiểu rõ cái dụng ý của Mộ Dung Bác khi tặng sách cho mình, nghĩ bụng mình phải chịu khổ sở thế này toàn là ác quả y gieo cấy, tức tối đến điên cuồng, cúi xuống miệng giếng liên tiếp đánh ra ba chưởng.

Ba chưởng đánh ra bên dưới không nghe tiếng gì cả, đủ biết giếng sâu lắm, chưởng lực không thể tới đáy được. Cưu Ma Trí vẫn như điên dại, lại một quyền hết sức đấm xuống. Quyền đó đánh ra rồi, nội tức lại bùng lên như nước vỡ bờ, tưởng như đang muốn theo mười vạn tám nghìn lỗ chân lông trào ra, nhưng lại chạm phải bức tường chặn lại không thoát được.

Y đang kinh hãi lại thêm giận dữ, đột nhiên trước ngực rung động, một vật gì đó từ trong áo rơi vào trong miệng giếng. Cưu Ma Trí đưa tay ra bắt nhưng không kịp, vội vàng vận “Cầm Long Thủ” lăng không chộp ra. Nếu phải bình thời, y đã giựt lại được vật đó rồi nhưng lúc này nội kình không thể sử dụng như ý muốn, chỉ phồng lên căng ra nhưng không vận vào chưởng tâm được, nghe bạch một tiếng, vật đó đã rơi xuống đáy. Cưu Ma Trí kêu thầm: “Hỏng rồi!”, giơ tay mò vào bọc, quả nhiên vật vừa rơi xuống chính là cuốn Dịch Cân Kinh.

Y biết rằng nội tức của mình vận hành lệch lạc cũng bởi luyện Dịch Cân Kinh mà ra, người buộc chuông mới có thể cởi chuông được, muốn trừ tai họa này thì cũng phải nghiên cứu Dịch Cân Kinh mới xong. Đây là một vật liên hệ đến sống chết, làm sao có thể để thất lạc được? Y không nghĩ ngợi gì nữa, lập tức tung mình nhảy vào trong giếng.

Y sợ dưới đáy có đá nhọn hay cành cây gì chăng có thề làm đau chân, lại sợ Mộ Dung Phục có khi giải huyệt được rồi, mai phục đánh lén nên khi hai chân chưa rơi tới đất, tay phải đã đánh trước hai chưởng cho giảm sức rơi, tay trái sử chiêu Hồi Phong Lạc Diệp bảo vệ các chỗ yếu hại chung quanh người.

Có ngờ đâu nội tức của y đã biến đổi hẳn, chiêu số tuy tinh vi nhưng lực đạo đánh ra đã tản mạn xiêu vẹo, không còn chuẩn xác nữa. Hai chưởng đó không những không giảm được lực đạo rơi xuống, lại khiến cho thân hình y nhồi một cái, bình một tiếng, đầu va mạnh vào lớp gạch lót ở thành giếng.

Với công lực của một người như y, tuy không dám nói là đã luyện thành mình đồng da sắt, nhưng đầu đập vào như thế cũng không đến nỗi bị thương, trái lại gạch còn vỡ tan mới phải. Thế nhưng lúc này thật là chó cắn áo rách, chỉ có vậy mà mắt nổ đom đóm, đầu óc quay cuồng, nằm mọp xuống đáy giếng.

Cái giếng này bỏ không dùng đã lâu, lá khô cỏ mục chất đống nát mủn thành bùn, mấy chục năm qua, bùn đọng dưới đáy càng lúc càng dày. Cưu Ma Trí vừa ngã xuống, mặt lao ngay vào đống bùn đen, rồi thân hình từ từ chìm xuống, cố gắng vùng vẫy để ngoi lên nhưng chân tay không có hơi sức. Y còn đang kinh hoàng, bỗng nghe bên trên có tiếng người gọi:

-Quốc sư! Quốc sư!

Chính là bốn tên võ sĩ Thổ Phồn. Cưu Ma Trí vội kêu:

-Ta ở dưới này!

Y vừa mở mồm, bùn đất liền tràn vào mồm làm sao kêu ra tiếng được? Chỉ loáng thoáng nghe bốn tên võ sĩ ở bên trên nói với nhau:

-Quốc sư không có ở đây, không biết ngài đi đâu?

Người khác nói:

-Chắc là quốc sư đợi lâu quá không chờ được, lão nhân gia đã dặn mình lấy đá chèn miệng giếng, mình cứ theo lệnh mà làm là xong.

Gã khác đáp:

-Đúng thế!

Cưu Ma Trí kêu lớn:

-Ta ở dưới đây, mau cứu ta lên!

Y càng hoảng hốt, bùn chui vào mồm càng nhiều, chưa kịp lưu thần đã nuốt mất hai ngụm, thối tha không chịu nổi. Chỉ nghe bình bình mấy tiếng thật lớn, bốn tên võ sĩ Thổ Phồn đã vần một tảng đá lớn chặn miệng giếng. Mấy gã đó xưa nay kính trọng Cưu Ma Trí như thần, quốc sư đã ra lệnh thật đâu có kém gì chỉ dụ của quốc vương, một khối đá e chưa đủ, lại vần thêm khối nữa chồng lên, trong giây lát đã bịt kín miệng giếng tổng cộng phải đến mười hai mười ba cục mỗi cục nặng cả trăm cân.

Bọn võ sĩ vần đá lấp giếng xong rồi, reo hò ra đi. Cưu Ma Trí nghĩ thầm mấy nghìn cân đá tảng chặn miệng giếng rồi, đừng nói mình võ công đã mất, dẫu còn như xưa ở bên dưới dễ gì đẩy lên được, e rằng đành bỏ mạng nơi chiếc giếng khô này.

Y võ công Phật học, tài ba mưu mẹo, không phải chỉ xưng hùng một cõi Tây Vực mà còn đứng đầu đương thế, ai có ngờ đâu lại chết rục nơi một đống bùn đen. Trên đời có ai mà không chết, thế nhưng chết như vầy thì thật không vẻ vang chút nào? Nhà Phật coi thân thể chỉ là một cái túi da hôi thối, sắc là vô thường mà vô thường là khổ, cái thân này nào phải là chân ngã nên phải chán ghét xa rời, cái đạo lý cơ bản đó, Cưu Ma Trí đã từng thuyết pháp, biện bác rõ ràng minh bạch, chỗ nào cũng đầy đạo lý, người nghe có ai không hoan hỉ tán thán?

Thế nhưng lúc này thân ở dưới đáy chiếc giếng khô, trên đầu bị đá bịt cứng, miệng đầu bùn đất, so với nơi pháp đàn hương trầm nghi ngút, mùi sen ngào ngạt thật khác nhau xa, những gì thường lạc ngã tịnh nơi cõi niết bàn, tự tại vô ngại tất cả đều bỏ ra ngoài thọ tưởng hành thức, chỉ thấy ngũ uẩn đều là thực cả, tâm hữu quái ngại đâm ra hết sức hoảng hốt, yết đế yết đế, ba la tăng yết đế, không sao qua khỏi được cái nguy khốn khổ sở ở chốn giếng sâu.

Nghĩ đến chỗ bi thương đó, nước mắt không khỏi trào ra. Người y đầy bùn đen, vốn dĩ không còn ra hình thù gì, nhưng theo thói quen, giơ tay gạt nước mắt, tay giơ lên bỗng mò thấy một vật gì đó, thuận tay cầm lên chính là cuốn Dịch Cân Kinh. Đến nước này thật dở khóc dở cười, kinh thư tìm được rồi nhưng bây giờ có còn dùng được việc gì nữa đâu?

Bỗng nghe có tiếng đàn bà nói:

-Chàng xem, võ sĩ Thổ Phồn dùng đá bịt miệng giếng lại rồi, chúng mình làm sao ra được?

Nghe giọng nói chính là Vương Ngữ Yên. Cưu Ma Trí nghe thấy tiếng người, tinh thần phấn khởi, nghĩ thầm: “Thì ra nàng ta chưa chết, không biết đang nói chuyện với ai? Nếu có thêm người khác, mấy người hợp lực lại, may ra có thể đẩy được đá thoát ra được”. Lại nghe tiếng đàn ông trả lời:

-Chỉ cần được ở bên cạnh nàng, chẳng cần phải ra cũng có sao đâu? Nếu có nàng ở kề bên, giếng bùi hôi hám cũng thành Chúng Hương Quốc. Dù cho Đông Phương Lưu Ly thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới, hay là cung trời Đâu Suất, Dạ Ma các thiên đường lạc thổ, cũng không sung sướng được như nơi đây.

Cưu Ma Trí hơi kinh hãi: “Cả gã họ Đoàn cũng chưa chết hay sao? Tên này bị trúng Hỏa Diễm Đao, ta với y cừu hận cực thâm. Hiện giờ nội lực ta vận lên không được, nếu như y thừa cơ báo thù thì biết làm thế nào đây?”.

Người đang nói chuyện chính là Đoàn Dự. Khi chàng bị Mộ Dung Phục vứt xuống thì đã ngất xỉu, chân tay không cử động gì được, tuy rơi vào đống bùn nhưng không đến nỗi bị khốn khổ như Cưu Ma Trí. Đáy giếng địa thế nhỏ hẹp, đến khi Vương Ngữ Yên nhảy xuống rồi, thật may làn sao, đầu nàng va phải lại đúng ngay huyện Đãn Trung trên ngực Đoàn Dự, chàng liền tỉnh lại. Vương Ngữ Yên rơi đúng ngay lòng Đoàn Dự nên không bị thương, đến bùn nhơ cũng không bị dính nhiều.

Đoàn Dự thấy trong lòng mình có thêm một người, hết sức ngạc nhiên, bỗng nghe từ trên miệng giếng tiếng Mộ Dung Phục vọng xuống:

-Biểu muội, lòng ngươi vốn yêu thương Đoàn công tử, hai người sống không được thành vợ chồng nhưng khi chết chôn chung một huyệt, thế cũng thỏa nguyện rồi.

Mấy câu đó truyền vào trong giếng rõ rành rành, Đoàn Dự nghe thế, không khỏi ngơ ngẩn, lẩm bẩm:

-Cái gì? Không, không! Ta … ta … Đoàn Dự ta nào có được may mắn đến thế?

Đột nhiên người nằm ở trong lòng chàng dịu dàng nói:

-Đoàn công tử, thiếp quả thực hồ đồ không đâu cho hết, chàng xưa nay đối với thiếp tử tế dường nào, thiếp … thiếp lại …

Đoàn Dự ngạc nhiên đến đờ người ra, hỏi lại:

-Vương cô nương đấy ư?

Vương Ngữ Yên đáp:

-Chính thiếp đây.

Đoàn Dự đối với nàng vốn dĩ mười phần tôn kính, không bao giờ dám có ý sỗ sàng, nghe tiếng vừa mừng vừa sợ, vội vàng trỗi dậy, buông nàng ra. Thế nhưng đáy giếng rất hẹp, lại đầy bùn nhơ, Đoàn Dự vừa đứng lên, hai chân liền tụt xuống, bùn dâng lên đến tận ngực, nếu buông Vương Ngữ Yên vào trong đống bùn thì thật không ổn chút nào nên đành bồng nàng nằm ngang, luôn mồm xin lỗi:

-Đắc tội! Đắc tội! Vương cô nương, chúng mình đang ở trong đống bùn đành phải tòng quyền vậy.

Vương Ngữ Yên thở dài một tiếng, trong lòng cảm kích. Nàng hai lần từ cõi sống sang cõi chết, lại từ cõi chết trở về cõi sống, bụng dạ Mộ Dung Phục nàng hiểu quá rõ rồi, bây giờ dẫu có muốn tự tận lần nữa cũng không còn năng lực, lại thêm Đoàn Dự đối với mình thành tâm thành ý, so sánh hai bên thấy rõ một bên tình sâu nghĩa nặng, một bên bạc bẽo như vôi. Từ trên miệng giếng xuống đến đáy, tuy chỉ trong chớp mắt, nội tâm thay đổi biết bao nhiêu, khi trước tự thương thân mình, quyết tìm cái chết báo đền ân tình của Đoàn Dự, có ngờ đâu cả chàng lẫn mình đều không chết, thật ra ngoài dự liệu, trong lòng hết sức hân hoan. Nàng trước nay nhàn nhã lễ độ, đoan trang giữ gìn, nhưng lúc này qua cơn biến chuyển trong lòng khích động, nhịn không nổi phải thổ lộ nỗi niềm cùng Đoàn Dự:

-Đoàn công tử, thiếp lại tưởng chàng đã qua đời, nghĩ lại đối với thiếp bao nhiêu ân nghĩa, thành thử đã hết sức thương tâm, lại thêm hối tiếc, cũng may trời già có mắt, gia hộ cho chàng được bình an. Thiếp ở trên kia nói những gì, chắc hẳn chàng cũng đã nghe rồi?

Nàng nói đến đây không khỏi thẹn thùng, dụi đầu vào cổ Đoàn Dự. Đoàn Dự trong một thoáng, cảm thấy tâm hồn bay bổng lên tận mây xanh, như vào cõi mộng. Cái cảnh tượng mà chàng ngày đêm trông đợi kia bây giờ đã thành sự thực, trong cơn mừng rỡ, hai chân bủn rủn, đứng không vững, lưng tựa vào thành giếng, hai tay ôm lấy người Vương Ngữ Yên. Ngờ đâu mấy sợi tóc của Vương Ngữ Yên lại chạm vào mũi chàng, khiến cho Đoàn Dự phải liên tiếp “Ách xì” mấy cái. Vương Ngữ Yên hỏi:

-Chàng … chàng sao thế? Bị thương ư?

Đoàn Dự đáp:

-Không … không đâu … ách xì …ách xì … ta không có bị thương, ách xì … cũng không trúng gió, chỉ vì vui quá. Vương cô nương … ách xì … ta sướng đến muốn xỉu luôn.

Trong cái giếng tối đen như mực, hai bên nào có nhìn thấy nhau. Vương Ngữ Yên mỉm cười không nói gì, trong lòng cũng hết sức êm đềm hoan lạc. Nàng từ bé si mê biểu huynh thế nhưng chưa bao giờ được y yêu lại, cho đến lúc này mới được hưởng cái phong vị hai kẻ yêu nhau.

Đoàn Dự ấp úng hỏi:

-Vương cô nương, lúc nãy nàng ở trên kia nói những gì? Ta không nghe thấy.

Vương Ngữ Yên mỉm cười:

-Thiếp vẫn tưởng chàng là người quân tử chí thành, hóa ra cũng biết ỡm ờ. Chàng rõ ràng nghe thấy rồi, lại còn muốn thiếp nhắc lại hay sao? Mắc cở lắm, thiếp không nói đâu.

Đoàn Dự vội nói:

-Ta … ta quả thực không nghe thấy, nếu ta nghe được thì trời phạt …

Chàng đang tính thề thốt thì môi bỗng ấm đi, Vương Ngữ Yên đã đưa tay bịt miệng rồi nghe tiếng nàng nói:

-Không nghe thấy thì thôi, đâu có phải chuyện gì to lớn mà phải thề thốt?

Đoàn Dự mừng quá, từ khi biết nàng tới nay, nàng chưa bao giờ đối với mình ân cần như thế liền nói:

-Thế thì khi ở trên kia nàng nói những gì?

Vương Ngữ Yên đáp:

-Thiếp nói …

Nàng bỗng thấy e thẹn, mỉm cười nói:

-Thôi để chuyện đó mình nói sau, ngày rộng tháng dài, có gì mà phải gấp gáp?

“Ngày rộng tháng dài, có gì mà phải gấp gáp?” Câu nói đó lọt vào tai Đoàn Dự, thật không khác gì được uống thuốc tiên, e rằng bao nhiêu chim Già Lăng nơi chốn tây phương cực lạc cùng cất tiếng hót cũng nghe không êm ái được như thế, ý rõ ràng muốn bảo là từ nay hai người sẽ chung sống mãi mãi bên nhau. Đoàn Dự nghe thế dường như không tin nổi tai mình hỏi lại:

-Nàng bảo từ nay lúc nào mình cũng kề cận bên nhau chăng?

Vương Ngữ Yên giơ tay bá cổ chàng, ghé vào tai nói nhỏ:

-Đoàn lang, chỉ cần chàng đừng ghét bỏ em, không giận em trước đây hờ hững với chàng, thiếp nguyện chung thân sẽ ở bên chàng, không … không bao giờ lìa xa chàng nữa.

Trái tim Đoàn Dự tưởng như muốn nhảy ra ngoài, vội vàng hỏi lại:

-Thế còn biểu ca nàng thì sao? Nàng vốn dĩ … vốn dĩ yêu thương Mộ Dung công tử mà?

Vương Ngữ Yên đáp:

-Trước nay y đâu có để ý đến thiếp. Cho đến giờ phút này thiếp mới hiểu ra rằng ở trên đời ai là người thực bụng yêu thương thiếp, thương xót thiếp, ai là người coi mạng thiếp hơn mạng mình.

Đoàn Dự run run hỏi lại:

-Nàng nói đến ta chăng?

Vương Ngữ Yên rưng rưng đáp:

-Đúng thế! Biểu ca thiếp cả đời chỉ mơ làm hoàng đế Đại Yên. Thế nhưng cũng chẳng trách y được, họ Mộ Dung đời này sang đời khác, người nào cũng mang giấc mơ đó cả. Tổ tông mấy chục đời nhà y đã mơ tưởng chuyện đó rồi, truyền đến đời y, làm sao nghĩ rằng y có thể tỉnh thức được? Biểu ca thiếp vốn dĩ không phải là người xấu, chỉ vì quá mơ tưởng được làm hoàng đế Đại Yên, nên không coi việc gì vào đâu nữa.

Mộ Dung Phục nghe Vương Ngữ Yên dường như muốn trần tình cho Mộ Dung Phục, trong bụng bồn chồn hỏi lại:

-Vương cô nương, nếu như biểu ca nàng hồi tâm, bỗng dưng tốt lại với nàng, liệu … liệu sẽ ra sao?

Vương Ngữ Yên thở dài:

-Đoàn lang, thiếp tuy là một người đàn bà ngu xuẩn nhưng đâu có phải là kẻ đức hạnh chẳng ra gì. Hôm nay thiếp đã cùng chàng đính ước tam sinh, nếu như vẫn còn lòng kia dạ nọ luống chẳng hoen ố danh tiết hay sao? Như thế thì làm sao bù đắp được thâm tình hậu ý của chàng?

Đoàn Dự như cởi tấm lòng, ôm lấy Vương Ngữ Yên nhảy lên, nghe bọp bẹp một tiếng, lại rơi phịch xuống đống bùn, ghé mồm định hôn lên môi nàng một cái. Vương Ngữ Yên cũng theo đà đáp lại, hai miệng vừa sắp chạm nhau, đột nhiên trên đầu có tiếng gió vù vù, vật gì đó đang rơi xuống.

Hai người cực kỳ kinh hãi, vội vàng nép vào một bên, bình một tiếng ai đó đã rơi vào trong giếng. Đoàn Dự hỏi:

-Ai đó?

Người kia hừ một tiếng đáp:

-Ta đây!

Chính là Mộ Dung Phục. Thì ra sau khi Đoàn Dự tỉnh lại rồi, cùng Vương Ngữ Yên trò chuyện, hai người toàn tâm toàn ý chỉ nghĩ đến nhau, thật dẫu có trời long đất lở cũng không nghe thấy, thành thử Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí ở trên kia hô hoán ác đấu, cả hai đều không biết gì cả. Đến khi Mộ Dung Phục rơi xuống rồi, cả hai cùng kinh hoàng, tưởng y nhảy xuống tính xen vào chuyện của mình.

Vương Ngữ Yên run run hỏi:

-Biểu ca … biểu ca xuống đây làm gì? Tấm thân em giờ đây đã thuộc Đoàn công tử, nếu như biểu ca định giết anh ta, thì giết luôn cả tiểu muội nữa đi.

Đoàn Dự mừng quá, chàng vốn không sợ Mộ Dung Phục nhảy xuống gia hại mình, chỉ sợ Vương Ngữ Yên gặp lại Mộ Dung Phục rồi, tình cũ trỗi dậy, lại quay về với biểu ca. Chàng nghe nàng nói thế bấy giờ mới yên lòng, lại thấy Vương Ngữ Yên đưa tay ra nắm lấy tay mình, lại càng tin tưởng gấp bội bèn nói:

-Mộ Dung công tử, ngươi đi tranh chức phò mã Tây Hạ đi, ta nhất quyết không ngăn trở. Biểu muội nhà ngươi nay thuộc về ta rồi, ngươi không đoạt lại được đâu. Ngữ Yên, nàng xem có phải không?

Vương Ngữ Yên đáp:

-Chính thế. Đoàn lang, bất luận dù sống dù chết, thiếp lúc nào cũng theo chàng.

Mộ Dung Phục bị Cưu Ma Trí điểm trúng huyệt đạo, nghe được nói được nhưng lại không cử động được, thấy hai người nói thế nghĩ thầm: “Hai đứa này đâu đã biết Cưu Ma Trí đánh ta xơ xác, bị chế ngự rồi, ngược lại đâm ra úy kỵ, sợ ta ra tay làm hại. Thế thì tốt quá, ta phải tính kế dùng họ làm viện thủ”. Nghĩ thế y bèn nói:

-Biểu muội, ngươi thành hôn với Đoàn công tử rồi, chúng mình thành người nhà với nhau, Đoàn công tử sẽ thành em rể ta, lẽ nào ta còn hại y nữa?

Đoàn Dự tâm tính trung hậu còn Vương Ngữ Yên tính tình ngây thơ, cả hai đều không thông hiểu chuyện đời, nghe y nói thế, cả hai hết sức mừng rỡ một người nói:

-Đa tạ Mộ Dung huynh.

Còn người kia nói:

-Đa tạ biểu ca.

Mộ Dung Phục nói:

-Đoàn huynh đệ, chúng mình đã thành người nhà, nếu như ta đi ứng tuyển phò mã Tây Hạ, ngươi sẽ không xen vào nữa chứ?

Đoàn Dự đáp:

-Cái đó dĩ nhiên rồi. Tiểu đệ đã cùng lệnh biểu muội thành quyến thuộc thật không còn tâm nguyện gì khác nữa. Dù có là thần tiên, là la hán tiểu đệ cũng không màng.

Vương Ngữ Yên khe khẽ tựa vào người chàng, vui mừng vô hạn. Mộ Dung Phục ngầm vận khí định xung khai những huyệt bị Cưu Ma Trí điểm nhưng nhất thời không sao làm được nhưng lại không muốn Đoàn Dự giúp mình, trong lòng hơi tức tối: “Người ta đã bảo đàn bà có mới nới cũ, quả nhiên đúng thật. Nếu lúc bình thời, biểu muội đã chạy đến bên ta, đỡ ta dậy rồi, còn bây giờ chẳng thèm ngó ngàng gì đến”.

Đáy giếng đó chẳng qua chỉ tròn chưa đầy một trượng, ba người rất gần bên nhau. Vương Ngữ Yên thấy Mộ Dung Phục nằm trên đống bùn nhưng cũng không ngồi dậy. Nàng chỉ cần tiến lên một bước là đã đến bên cạnh Mộ Dung Phục đỡ y dậy được rồi nhưng lại sợ Mộ Dung Phục có mưu kế gì để hại Đoàn Dự, lại e ngại Đoàn Dự nghĩ ngợi nọ kia nên dù một bước cũng không tiến tới.

Mộ Dung Phục trong lòng bấn loạn, huyệt đạo càng khó mở ra hơn nên vội vàng định tâm, vận khí giải khai những huyệt đạo bị phong, đưa tay vịn vào thành giếng đứng lên, nghe bạch một tiếng, có vật gì đó rơi xuống bên cạnh mình, chính là cuốn Dịch Cân Kinh của Cưu Ma Trí. Trong bóng tối y không biết đó là vật gì nên vội tránh sang một bên. Cũng may nhờ tránh ra như thế nên Cưu Ma Trí nhảy xuống mới không đạp lên người y.

Cưu Ma Trí nhặt được quyển kinh rồi, đột nhiên cười ha hả. Cái giếng đó cực kỳ chật hẹp, tiếng cười cứ chạy loanh quanh chấn động ở bên trong khiến ba người tai ù ù, thật là khó chịu. Tiếng cười của Cưu Ma Trí không sao ngừng được, nội tức bành trướng, thần trí hỗn loạn, ở trong đống bùn tay đấm chân đá, chân tay đụng vào thành gạch, khi thì sức mạnh vô cùng khiến cho gạch vỡ tan tành, có khi lại hoàn toàn không một chút khí lực.

Vương Ngữ Yên cực kỳ kinh hãi, nép chặt vào người Đoàn Dự, nói nhỏ:

-Y điên rồi! Y điên rồi!

Đoàn Dự đáp:

-Quả là y điên thật.

Mộ Dung Phục vội vàng thi triển công phu Bích Hổ Du Tường theo thành giếng trèo lên. Cưu Ma Trí vẫn cười sằng sặc, rồi lại thở hổn hển, quyền cước càng lúc càng nhanh. Vương Ngữ Yên cố thu hết dũng khí khuyên giải:

-Đại sư ngồi xuống nghỉ một lát cho định thần lại.

Cưu Ma Trí chửi mắng:

-Ta … ta định.. định thần được thì đã phúc. Có định cái đầu ngươi này.

Y vung tay chộp vào nàng. Trong khuôn viên đáy giếng, làm gì có chỗ nào tránh né? Trảo chụp tới trúng ngay đầu vai Vương Ngữ Yên. Vương Ngữ Yên kinh hoảng kêu lên một tiếng, vội vàng rụt về. Đoàn Dự vội vàng xông lên che cho nàng kêu lớn:

-Nàng ẩn vào sau lưng ta.

Ngay khi đó, hai bàn tay Cưu Ma Trí đã chộp được yết hầu chàng, dùng sức bóp lại. Đoàn Dự thấy bị nghẹt thở, không nói ra lời. Vương Ngữ Yên kinh hãi, vội vàng đưa tay ghì lấy cánh tay y. Khi đó Cưu Ma Trí như điên như cuồng, nội tức tuy không vận dụng như ý được, khí lực vẫn đâu phải tầm thường, Vương Ngữ Yên vít tay y xuống thật chẳng khác gì chuồn chuồn lay cột đá, không sao chuyển động được chút nào lại càng kinh hãi, sợ Cưu Ma Trí giết Đoàn Dự bèn kêu lên:

-Biểu ca, biểu ca! Mau mau giúp một tay, hòa thượng này … hòa thượng này giết Đoàn công tử mất.

Mộ Dung Phục nghĩ thầm: “Gã tiểu tử Đoàn Dự trên núi Thiếu Thất đánh ta không còn mặt mũi nào, khiến cho uy danh ta trên giang hồ từ nay trôi theo dòng nước, y chết mặc y, ta ra tay cứu y làm gì? Huống chi gã hung tăng đó võ công vô cùng cao cường, ta làm sao sánh kịp, chi bằng để hai đứa đánh nhau lưỡng bại câu thương, tốt nhất là đồng qui ư tận. Ta bây giờ mà chen vào thì quả là bất trí”. Y nghĩ thế năm ngón tay vẫn bấu chặt vào khe gạch, dán cứng bên thành giếng, không nói tiếng nào. Vương Ngữ Yên gọi đến rát cả cổ, Mộ Dung Phục vẫn làm như không nghe tiếng.

Vương Ngữ Yên nắm tay đấm loạn xạ lên đầu lên lưng Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí vừa thở hồng hộc, vừa cười sằng sặc, bóp cổ Đoàn Dự càng lúc càng mạnh thêm.

Chọn tập
Bình luận
× sticky