Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thần, Người Và Đất Việt

I. Một Chỗ Trú Của Thần Linh Nấp Bóng Phật Giáo

Tác giả: Tạ Chí Đại Trường
Chọn tập

Khi Lí Thái Tổ dời đô về thành Đại La, “chỗ hội tụ của bốn phương” (Chiếu dời đô), bỏ đất Hoa Lư chật hẹp mang tính chất co rút, phòng ngự thì địa thế của đô mới Thăng Long cũng hưởng được hệ thống liên lạc thuỷ bộ quen cũ của thời Bắc thuộc. Thế rồi, tổ chức cai trị của một nước độc lập càng làm phát triển cơ cấu giao thông đến mức phồn tạp hơn. Những cung đường đòi hỏi những trạm dừng chân cho người, cho ghe thuyền, một phần do chính quyền tổ chức, một phần do tư nhân – đúng hơn là do các tập đoàn thế lực địa phương lập ra. Chỗ dừng chân đó mượn một từ Hán gọi là đình.

Rải rác trong sử sách, bia đá, ta gặp những cấp bực đình khác nhau cho các đối tượng, từ thứ dân đến bực sang quý. Đình của thứ dân (theo nghĩa “không chức phận nhà nước”) sử dụng để tránh mưa nắng, lập ra do ý thức cưu mang phổ độ của Phật Giáo. Thời gian nghỉ ngơi dài lâu hơn, là đình ở gần những địa điểm quan trọng như ngôi đình gần chùa Linh Xứng (bia chùa 1126). Đình của hệ thống giao thông nhà nước có bề thế, tổ chức thời gian lưu trú dài lâu như trạm Hoài Viễn đặt vào đầu năm 1045 bên bờ sông Gia Lâm để làm chỗ nghỉ cho người nước ngoài “đến chầu”, và 7 trạm lập năm 1047 vừa làm chỗ ghi nhận ranh giới đánh dấu cung đường (“ụ bia”), vừa làm chỗ ngủ đậu cho người “Man Di”. Nhưng có lẽ xây cất có bề thế, tổ chức sang trọng hơn cả là đình của vua mà danh xưng thông thường đương thời chỉ được nhận thấy qua suy đoán gián tiếp trên dấu vết bia (bia Phụng Thánh Phu nhân 1173) và lời sử thoáng qua (năm 1522), còn trên sử sách vẫn được gọi bằng cái tên vương giả: hành cung. Nhận hành cung có tên thông thường vào lúc đương thời là đình, thì ta thấy loại đình này của các ông vua Lí hiện diện khá nhiều trên các khu vực ruộng đất của họ.

Chúng ta không có chứng cớ trực tiếp nào về việc thờ cúng riêng ở các đình này cả – trừ việc thờ Phật ở một bộ phận đình từ thời Trần, sẽ bàn, lại là chứng cớ gián tiếp gợi nên một cách thờ cúng nào đó của dân gian. Số lượng đình của nhà nước trung ương – kể cả đình hành cung – rõ ra là ít hơn đình của các địa phương lập ra, do đó các đình hẳn phải chịu ảnh hưởng ý thức về siêu nhiên của tầng lớp bình dân trong xã hội: một ông tà thần nào đó hoặc vẫn là thần “bậy bạ” hoặc đã khoác tên thổ công…

Như thế có nghĩa là ý thức tín ngưỡng ngoài sự ràng buộc của triều đình vẫn có quá nhiều cơ hội để nảy nở. Các lề lối thờ cúng ở dâm từ đang bị đàn áp vẫn có thể dừng chân ở các đình trạm. Và điều này khiến ta hiểu được một quyết định của ông thượng hoàng (chưa từng làm vua) Trần Thừa năm 1231: Bắt các đình trạm dựng tượng Phật thờ. Lí do chính thức nêu ra là do một kỉ niệm thời hàn vi, nhưng xét sự kiện bài trừ dâm thần của tầng lớp cầm quyền Lí, Trần thì thấy quyết định trên quả là ăn khớp với một chủ trương chung, áp dụng vào lớp thần linh đang ngự trị ở đình trạm. Có thể họ đã có mặt ngay từ lúc thành lập đình trạm, nhưng khuất lấp và rồi dần dần phát triển trong hai thế kỉ, đủ thành một hiện tượng khiến người có quyền lực đầu Trần phải chú ý.

Nhưng những chứng cớ về sau cho ta thấy các thần linh đó vẫn giữ tính riêng biệt dù là có cả một thời gian dài nấp bóng Phật Giáo và tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của tôn giáo này. Đình có ông Phật ngự trị vẫn là nơi tiếp đón người nghỉ chân, người trọ, đồng thời mang nặng thêm dấu vết của một ngôi nhà thiêng liêng. Tuy nhiên chức năng thế tục được diễn tiến thường xuyên, hàng ngày nên dù tính chất lưỡng dụng của đình vẫn được duy trì nhưng ưu thế lại nghiêng về phần thế tục.(1)

Chúng ta không thấy những dấu vết khác cho biết đặc tính của đình trong các thế kỉ XIII, XIV. Chỉ đến 1/4 cuối thế kỉ XV mới thấy có sự chuyển tiếp về sự quản trị đình do sự “lạm phát” đình đã gây những rối loạn trong xã hội khiến nhà nước phải can thiệp vào. Từ một quy định (“lệ”) năm 1474, ta biết một hình thức đình mang nặng tính chất thờ cúng, phần lớn là do tư nhân lập ra.

Theo lệnh năm 1474 đó, người ta xác nhận đình là của tư nhân giàu có lập ra để “làm phước”. Tuy không thấy nói rõ nhưng hẳn chủ đích ban đầu vẫn còn giữ: để giúp người trú, trọ trên cung đường – chủ đích này còn thấy rõ ở sự xây cất đình quán trong thế kỉ XVIII được phân công cho làng, và ở nơi các nhà công quán còn hiện diện ở nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng đến thế kỉ XV đó thì đình đã là nơi thờ thần, được người ta góp ruộng đất làm hậu để nhận cúng giỗ sau khi chết đi. Hậu thần đã bắt chước từ hậu Phật. Cơ chế hậu thần khiến cho việc lập đình không phải là việc làm phúc nữa mà trở thành một cách làm ăn có lời. Lệnh 1474 trên cho biết người xướng suất xây đình, lập hậu thần có thể thu tiền đủ giải quyết cả những việc tầy đình như bồi thường nhân mạng! Thần đã đủ uy tín như là Phật. Cho nên đến năm 1474 đó thì đình không cần nấp bóng Phật nữa mà đã tách ra một dòng riêng, hẳn phải là khá lâu vì cơ chế đình rõ ra đã có tính chất độc lập vững vàng. Đình lúc này còn có dáng của những cơ sở nó tách ra, nhưng cũng không còn thuần tuý là đình trạm, không phải đình trạm có tượng Phật nữa. Ông tà thần hay ông thổ công của thế kỉ XI, đến thế kỉ XV đã trở thành một vị thần có uy thế.

Khi Lí Thái Tổ dời đô về thành Đại La, “chỗ hội tụ của bốn phương” (Chiếu dời đô), bỏ đất Hoa Lư chật hẹp mang tính chất co rút, phòng ngự thì địa thế của đô mới Thăng Long cũng hưởng được hệ thống liên lạc thuỷ bộ quen cũ của thời Bắc thuộc. Thế rồi, tổ chức cai trị của một nước độc lập càng làm phát triển cơ cấu giao thông đến mức phồn tạp hơn. Những cung đường đòi hỏi những trạm dừng chân cho người, cho ghe thuyền, một phần do chính quyền tổ chức, một phần do tư nhân – đúng hơn là do các tập đoàn thế lực địa phương lập ra. Chỗ dừng chân đó mượn một từ Hán gọi là đình.

Rải rác trong sử sách, bia đá, ta gặp những cấp bực đình khác nhau cho các đối tượng, từ thứ dân đến bực sang quý. Đình của thứ dân (theo nghĩa “không chức phận nhà nước”) sử dụng để tránh mưa nắng, lập ra do ý thức cưu mang phổ độ của Phật Giáo. Thời gian nghỉ ngơi dài lâu hơn, là đình ở gần những địa điểm quan trọng như ngôi đình gần chùa Linh Xứng (bia chùa 1126). Đình của hệ thống giao thông nhà nước có bề thế, tổ chức thời gian lưu trú dài lâu như trạm Hoài Viễn đặt vào đầu năm 1045 bên bờ sông Gia Lâm để làm chỗ nghỉ cho người nước ngoài “đến chầu”, và 7 trạm lập năm 1047 vừa làm chỗ ghi nhận ranh giới đánh dấu cung đường (“ụ bia”), vừa làm chỗ ngủ đậu cho người “Man Di”. Nhưng có lẽ xây cất có bề thế, tổ chức sang trọng hơn cả là đình của vua mà danh xưng thông thường đương thời chỉ được nhận thấy qua suy đoán gián tiếp trên dấu vết bia (bia Phụng Thánh Phu nhân 1173) và lời sử thoáng qua (năm 1522), còn trên sử sách vẫn được gọi bằng cái tên vương giả: hành cung. Nhận hành cung có tên thông thường vào lúc đương thời là đình, thì ta thấy loại đình này của các ông vua Lí hiện diện khá nhiều trên các khu vực ruộng đất của họ.

Chúng ta không có chứng cớ trực tiếp nào về việc thờ cúng riêng ở các đình này cả – trừ việc thờ Phật ở một bộ phận đình từ thời Trần, sẽ bàn, lại là chứng cớ gián tiếp gợi nên một cách thờ cúng nào đó của dân gian. Số lượng đình của nhà nước trung ương – kể cả đình hành cung – rõ ra là ít hơn đình của các địa phương lập ra, do đó các đình hẳn phải chịu ảnh hưởng ý thức về siêu nhiên của tầng lớp bình dân trong xã hội: một ông tà thần nào đó hoặc vẫn là thần “bậy bạ” hoặc đã khoác tên thổ công…

Như thế có nghĩa là ý thức tín ngưỡng ngoài sự ràng buộc của triều đình vẫn có quá nhiều cơ hội để nảy nở. Các lề lối thờ cúng ở dâm từ đang bị đàn áp vẫn có thể dừng chân ở các đình trạm. Và điều này khiến ta hiểu được một quyết định của ông thượng hoàng (chưa từng làm vua) Trần Thừa năm 1231: Bắt các đình trạm dựng tượng Phật thờ. Lí do chính thức nêu ra là do một kỉ niệm thời hàn vi, nhưng xét sự kiện bài trừ dâm thần của tầng lớp cầm quyền Lí, Trần thì thấy quyết định trên quả là ăn khớp với một chủ trương chung, áp dụng vào lớp thần linh đang ngự trị ở đình trạm. Có thể họ đã có mặt ngay từ lúc thành lập đình trạm, nhưng khuất lấp và rồi dần dần phát triển trong hai thế kỉ, đủ thành một hiện tượng khiến người có quyền lực đầu Trần phải chú ý.

Nhưng những chứng cớ về sau cho ta thấy các thần linh đó vẫn giữ tính riêng biệt dù là có cả một thời gian dài nấp bóng Phật Giáo và tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của tôn giáo này. Đình có ông Phật ngự trị vẫn là nơi tiếp đón người nghỉ chân, người trọ, đồng thời mang nặng thêm dấu vết của một ngôi nhà thiêng liêng. Tuy nhiên chức năng thế tục được diễn tiến thường xuyên, hàng ngày nên dù tính chất lưỡng dụng của đình vẫn được duy trì nhưng ưu thế lại nghiêng về phần thế tục.(1)

Chúng ta không thấy những dấu vết khác cho biết đặc tính của đình trong các thế kỉ XIII, XIV. Chỉ đến 1/4 cuối thế kỉ XV mới thấy có sự chuyển tiếp về sự quản trị đình do sự “lạm phát” đình đã gây những rối loạn trong xã hội khiến nhà nước phải can thiệp vào. Từ một quy định (“lệ”) năm 1474, ta biết một hình thức đình mang nặng tính chất thờ cúng, phần lớn là do tư nhân lập ra.

Theo lệnh năm 1474 đó, người ta xác nhận đình là của tư nhân giàu có lập ra để “làm phước”. Tuy không thấy nói rõ nhưng hẳn chủ đích ban đầu vẫn còn giữ: để giúp người trú, trọ trên cung đường – chủ đích này còn thấy rõ ở sự xây cất đình quán trong thế kỉ XVIII được phân công cho làng, và ở nơi các nhà công quán còn hiện diện ở nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng đến thế kỉ XV đó thì đình đã là nơi thờ thần, được người ta góp ruộng đất làm hậu để nhận cúng giỗ sau khi chết đi. Hậu thần đã bắt chước từ hậu Phật. Cơ chế hậu thần khiến cho việc lập đình không phải là việc làm phúc nữa mà trở thành một cách làm ăn có lời. Lệnh 1474 trên cho biết người xướng suất xây đình, lập hậu thần có thể thu tiền đủ giải quyết cả những việc tầy đình như bồi thường nhân mạng! Thần đã đủ uy tín như là Phật. Cho nên đến năm 1474 đó thì đình không cần nấp bóng Phật nữa mà đã tách ra một dòng riêng, hẳn phải là khá lâu vì cơ chế đình rõ ra đã có tính chất độc lập vững vàng. Đình lúc này còn có dáng của những cơ sở nó tách ra, nhưng cũng không còn thuần tuý là đình trạm, không phải đình trạm có tượng Phật nữa. Ông tà thần hay ông thổ công của thế kỉ XI, đến thế kỉ XV đã trở thành một vị thần có uy thế.

Chọn tập
Bình luận