Ở ta, sự bù đắp của khảo cổ học vào các phần trống vắng của lịch sử lại còn cần thiết hơn nhiều nơi khác vì các tài liệu hoặc muộn màng, hoặc quá sơ lược như đã nói. Nhưng vấn đề đi sâu vào cuộc sống tinh thần càng không dễ dàng một khi các bằng cớ khai quật – đối tượng chủ yếu của khảo cổ học – đã được các nhà khoa học ngày nay sử dụng tuy với nhiều thiện chí nhưng lại khoác thêm một bộ áo phù thuỷ.
Người Pháp đã lật ra trang tiền sử nước Việt với các nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Nhưng cho dù có những khám phá nối tiếp sau này của các nhà khảo cổ học Việt Nam, chúng ta vẫn chưa thấy được mối liên hệ của chúng với tập đoàn cư dân thời sơ sử mà dấu vết thờ đá của một bộ phận trong đó không cần phải được nối kết thật xa trong thời gian. Nền văn minh Đông Sơn cũng là của Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ phát hiện, nghiên cứu và tìm tiếp trợ để hiểu sâu sắc hơn.(8) Người ta tranh luận về nguồn gốc của nền văn minh này, nhưng trong cách giải mã các hình chạm trên trống đồng liên quan đến tang lễ của người Dayak (Borneo), V. Goloubew (1929) đầu tiên đã đưa gần đến ý niệm về một nền văn minh riêng của Đông Nam Á có mặt trên vùng đất Việt cổ vào những thế kỉ đầu trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu ở Trường VĐBC bị lôi cuốn bởi các đền tháp của Khmer, Champa nên lãng quên các kiến trúc Việt. Parmentier sau này có tiếc là trong khi vội vã lo cho Mĩ Sơn hồi đầu thế kỉ đã quên không tìm cách đề nghị liệt vào hạng cổ tích phải giữ gìn một ngôi nhà trạm ở Phan Rang mà ông đã ghé vào trên đường đi và tấm tắc khen quy mô, đặc sắc của nó – mà chắc không biết đến ông thần ở đó. L. Bezacier nói về “nghệ thuật Annam” từ các vật chứng rải rác, trên đền đài, miếu vũ, lăng tẩm, và chú ý đến cái đình làng nhưng ta thật khó đi sâu vào tâm hồn người xưa với những trang sách ấy.
Tuy nhiên những khảo sát về các vương quốc Khmer, Champa không phải là không có ích đối với vấn đề ta đang bàn. Nếu không dừng lại ở quan điểm hoài cổ và địa phương hạn hẹp, thì việc những người Việt ở phương Nam thay đổi trong khi tiếp xúc với sinh hoạt và tín ngưỡng Chàm, Khmer cũng phải được coi là điều quan trọng tạo nên bản sắc dân Việt của thời cận, hiện đại. Các hiện vật tuy nằm dưới đất nhưng cũng từng có đời sống di chuyển qua rất nhiều đường đất, do đó đã dẫn các học giả gắng đi tìm nguồn gốc thật xa với quan điểm “ngã ba, ngã tư quốc tế” yểm trợ thêm. O. Janse đem vào nền văn minh Việt cổ các yếu tố Ấn Hi, Hi La dựa trên cách giải thích những hiện vật tìm thấy trong các mộ cổ. Ông đã thất bại vì không theo sát lịch sử Việt vào thời kì nhà Hán đã ngự trị trên đất này, nhưng các phân tích đi từ hiện vật đến tâm hồn người đã cho ta những gợi ý rất quý.
Người Việt xưa cũng đã tìm thấy cổ vật trên đất nước mình và sự ghi nhận đã lộ ra khuynh hướng liên hệ đến cõi vô hình, thiêng liêng. Lê Hoàn cày bật hũ vàng, hũ bạc trong khi làm lễ tịch điền – một cách nói của sử quan nho gia về việc ông chủ ruộng cao quý này cúng thần đất của ông. Lí Thái Tông thấy tận mắt hòm đựng xá lị của chùa Pháp Vân – chẳng biết có giống với các hòm xá lị trên đất Triều Tiên còn lại trong bảo tàng hay không. Và bộ xương người xác định là nhạc công trên núi Thất Diệu, chắc vì có kèm theo “nhạc cụ” (cái lục lạc?), không biết phát hiện vào lúc nào mà được sử dụng trong câu chuyện An Dương Vương trấn áp yêu quái khi xây cất thành Loa…
Trong hơn 30 năm qua, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện khá nhiều những di vật của người xưa từ trong lòng đất của xứ sở. Từ Miền Bắc, sau 1975, hoạt động của họ trải rộng khắp lãnh thổ mà trong 20 năm, tình trạng mất an ninh đã ngăn chặn một số người muốn đi sâu tìm hiểu – không riêng gì ở lãnh vực khảo cổ học. Sự nhiệt thành của những người thực hiện và các thành quả đã đem lại sự tự tín và óc tự phụ một mình, không cho họ thấy những sơ hở có khi rất là ấu trĩ. Tính chiến đấu, thay vì làm chất men kích thích sự nghiên cứu học hỏi đưa đến khám phá mới, lại lấn át tính khoa học cho nên các công trình chỉ là làm việc triển khai một xác định có trước của nhà chính trị thiếu khả năng học vấn.(9)
Ở di chỉ Phùng Nguyên có một đồ vật đời Hán không được xác định; lớp đất cho là thuộc cuối văn hoá Phùng Nguyên ở Tiên Hội (Hà Nội) có đồ sắt mà được bỏ qua. Dấu vết tục ăn thịt người thấy từ những năm 60, mới được đặt ra một cách dè dặt từ hội nghị Ngành năm 1984 dù chứng cớ đã rõ rệt ỏ Đồng Đậu (1983) và dấu vết muộn trong lịch sử là ở thế kỉ X, triều Đinh. Ở Gò Mun có một ngôi mộ sớm nhất là thuộc thế kỉ XV, theo căn cứ hiểu biết về cổ tiền học Việt Nam. Ngôi thành Cổ Loa như trong hiện tại, đắp bằng đất Hán là sớm nhất, vậy mà vẫn được các nhà nghiên cứu có tầm cỡ vẽ hoạ đồ quả quyết là của An Dương Vương, làm như các tướng lãnh, quan lại Hán, Lục Triều là người kế tục ông vua này… Hãy bỏ qua nhiều chứng dẫn để đến một thời đại gần ta hơn, đang cũng cần một tính chiến đấu để bênh vực như thế: Pho tượng chùa Bộc được gọi là của Quang Trung chỉ vì có hai chữ đó trong vế đối, trong khi năm Bính ngọ ghi trên tượng là năm 1786 chỉ mới có ông Long Nhương Tướng quân! Và khi thấy ra điều này, người ta lôi đến giáp tí sau: 1846, để càng chứng tỏ người dân Bắc Hà vẫn nhớ ơn người anh hùng cứu nước, dù xương cốt ông vẫn đang bị giam, dù năm đó thuộc thời đại một ông vua Nguyễn đã sai đào mồ Công chúa Ngọc Hân, cựu Bắc Cung Hoàng Hậu, được chôn lén nơi quê nhà Phù Ninh, hẳn cách chùa Bộc không xa so với con đường đến kinh đô Huế.
Chúng ta dễ dàng thấy sức hấp dẫn của các tài liệu đưa ra một cách nhiệt thành với đủ cung cách nghiêm túc như thế đối với những người ở xa không thể kiểm chứng được nguồn gốc và bằng cuộc sống thực tế.(10) Đành phải chấp nhận và để người khác chấp nhận như thế, vì như lời ông Viện trưởng Khảo cổ học Phạm Huy Thông, sau khi nhận định nghiêm khắc về một số sự việc xảy ra có tiếng nói khác biệt với tiếng nói chính thức, đã cho rằng “chúng ta chưa thể yên tâm (!) bật đèn xanh cho tranh luận, dù là tranh luận học thuật”, nhất là đối với những luận điểm sử học “nhờ những công trình khoa học mà đã trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc… không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện”.(11)
Hai điểm tabou được ông kể ra – vua Hùng và Hai Bà Trưng – chúng ta sẽ phải phạm tới, bởi không biết tránh vào đâu, tuy chưa bàn hết vì chưa đặt trọng tâm vào các đề tài đó.
Cũng thuộc vấn đề ta đang bàn tới trong tình hình đối kháng, hội nhập giữa văn hoá bản địa (đương thời) và văn hoá Trung Hoa, khảo cổ học tiền và sơ sử khi xác định được tính chất tộc người trên vùng Việt cổ sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, tuy ta không quên rằng tập họp tộc người không trùng với tập họp văn hoá. Nhưng ở đây ta cũng gặp các nghiên cứu trên quan điểm được gọi là khoa học mà không theo “khách quan chủ nghĩa”, chiếm địa vị chỉ đạo. Trong một lãnh vực chuyên sâu như nhân loại học với các con số đo đạc và từ ngữ chuyên môn rối rắm, người ta thường dễ dàng nghe theo các chuyên viên nếu không thấy luận chứng có những sơ hở quá lộ liễu.(12)
Thực ra thì ngay cả với các phát hiện được coi là có liên quan tới “Thời đại Hùng Vương”, các chứng cớ khảo cổ học phần nhiều chưa được liên hệ sít sao với tài liệu sử đã có, và một khi có bàn bạc thì tinh thần phe phái, dân tộc chủ nghĩa vẫn chiếm ưu thế đáng kể. Tinh thần của thời đại đó thấy rõ trong quyển Lịch sử Việt Nam tập I của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (tái bản 1977), tập sách như một bản trường ca chống Bắc bình Nam (mà cố tình lãng quên một số người có trách vụ lịch sử đó). Thói quen biện minh cho một chân lí được coi là đã “trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc” khiến ông Viện trưởng Viện sử học đem tên Vân Nga đẹp đẽ của điện phủ, kịch bản, tuồng cải lương gán cho bà Dương Thái hậu của thế kỉ X, để xứng với tinh thần vì nước quên tình riêng của con người thực ra là đại diện cho truyền thống đương thời.(13)
Sự sùng kính này dẫn đến sự sùng kính khác làm hạn chế sự tìm tòi: L. Bezacier không thực hiện được ý định xem thử dưới đền Hùng ngày nay có các nền móng nào khác không, còn các nhà chuyên môn của chúng ta thì không những không quan tâm xem phía dưới các ngôi mộ gọi là của Kinh Dương Vương, Triệu Việt Vương, vua Ân… có cái gì trong đó, mà còn muốn sử dụng các hiện vật đó như những bằng chứng lịch sử cho các chuyện cổ tích. Về phía Nam, không ai đọc chuyện thần Thiên Mụ của sử quan, chú ý đến chi tiết Cao Biền đào đứt long mạch, để nghi ngờ có ý nghĩa phá tháp cũ trong đó và gợi tò mò cho nhà khảo cổ xem dưới chân tháp ngày nay, có tượng thần Garuda, Kinari… nào không.
Tuy nhiên tinh thần khoa học đã chỉ ra khía cạnh tích cực của sự hoài nghi, cho nên hướng sử dụng các tài liệu vẫn rộng mở với tất cả sự bấp bênh của thành quả, lần này lại tuỳ thuộc khả năng của người nghiên cứu.
Chú thích
Về bộ (Đại)Việt sử lược, xem bài giới thiệu của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong Nam phong tạp chí 83(1924), ttr. 388 – 395. Chúng tôi sử dụng bản dịch của ông Trần Quốc Vượng, Hà Nội 1960. Có bản dịch mới của ông Nguyễn Gia Tường, TP. Hồ Chí Minh 1993.
Đã có bản dịch ở Hà Nội từ 1966, 4 tập, sửa lỗi, in ấn khá kĩ. Bản dịch thứ hai căn cứ trên bản Chính Hoà, hoàn thành năm 1993, 4 tập với bản gốc chụp lại. Các sự kiện về lịch sử Việt Nam của chúng tôi, nếu không dẫn riêng, đều lấy từ bản dịch lần thứ nhất, gọi tắt là Toàn thư.
Chúng tôi sử dụng các bản dịch có phần dẫn nhập, chú thích, in kèm bản chữ Hán (sắp chữ lại) của ông Lê Hữu Mục, Sài Gòn 1960, 1961.
L. Cadière, “Religions non annamites et annamites” trong Un empire colonial francais: L’Indochine, G. Maspero chủ biên.
R. Stein, “Jardin en miniature d’Extrême Orient”, BEFEO XLI (1941), ttr. 1 – 104.
Trần Quốc Vượng, “Từ huyền thoại thánh Gióng đến hội khoẻ Phù Đổng”, báo Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, Xuân 1987, tr. 5.
A. Woodside, Vietnam and the Chinese Model –A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century (Harvard University Press 1971). Cũng phải công bình mà nhận rằng Phan Huy Chú trong nghiên cứu của mình, Lịch triều hiến chương loại chí (bàn dịch Hà Nội, 3 tập), đã có liên hệ đến các thể chếcủa Trung Hoa, nhưng điều ông làm có tính cách của một loại tìm-về-nguồn hơn là đối chiếu phê phán.
Việc tóm gọn các lí thuyết về những nguồn văn hoá ảnh hưởng đến văn minh Đông Sơn cùng các tài liệu thiết yếu giải thích của các tác giả người Âu, thấy ở G. Coedès, Les peuples de la péninsule indochinoise (Paris 1962), ttr. 24 – 26, 39 – 40. Ý kiến tổng hợp của O. Janse thấy trong “Việtnam, carrefour de peuples et de civilisations”, France-Asie, Nlle série, Vol. XVII, No 160 (Tokyo Janv.-Fév. 1960).
Về các khai quật ở những địa điểm làm căn cứ cho chuỗi hệ thống tiến triển lịch sử Việt cổ được trở thành chính thống ở Việt Nam ngày nay, ngoài những bài rải rác, còn có các tập họp chuyên biệt: Hoàng Xuân Chinh – Nguyễn Ngọc Bích, Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên (1978); Hà Văn Phùng – Nguyễn Duy Tì, Di chỉ khảo cổ học Gò Mun (1982); Lê Xuân Diệm – Hoàng Xuân Chinh, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (1983).
Chỉ có địa điểm Đồng Đậu là được khai quật kĩ tiếp trong năm 1984 và lần này được xác định niên đại tuyệt đối bằng cách ghép với cuộc khai quật thành Dền (1983, 1984), nhưng các văn bản đã hà tiện lời và hình ảnh nên vẫn cứ phải tạm tin vào các thông tin bản thân chúng tôi nắm được (trong Những phát hiện mới về khảo cổ học các năm 1983, 1984) với những thắc mắc đã có.
Các tài liệu văn học Miền Bắc đã xâm nhập trong một tình trạng không bình thường vào trường Đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975. Hệ thống thời đại Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn đi vào vài quyển giáo khoa sử lớp 12, dự định cho kì thi cuối niên khoá 74-75. Ông Lê Văn Hảo có Đi tìm An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ (Trình bầy xb. 1966). Và chúng tôi cũng từng bàn đến khuôn mặt Nguyễn Huệ chỉ bằng vào bức hình pho tượng chùa Bộc trong sách của ông Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn.
Phạm Huy Thông, “Điểm thời sự”, Khảo cổ học 1(1985), ttr. 4 – 5.
Chỉ xin lấy một ví dụ không chọn lựa: Nguyễn Đình Khoa, Nhân chủng học Đông Nam Á (Hà Nội 1963). Xem cuộc tranh luận về sọ cổ Châu Can giữa Viện trưởng Phạm Huy Thông và ông Nguyễn Quang Quyền trên Khảo cổ học và báo chí năm 1976.
Văn Tạo, “Một vài suy nghĩ về tính bản địa và đặc sắc của văn hoá Việt Nam”, Nghiên cứu lịch sử 1(1986), tr. 5.
Ở ta, sự bù đắp của khảo cổ học vào các phần trống vắng của lịch sử lại còn cần thiết hơn nhiều nơi khác vì các tài liệu hoặc muộn màng, hoặc quá sơ lược như đã nói. Nhưng vấn đề đi sâu vào cuộc sống tinh thần càng không dễ dàng một khi các bằng cớ khai quật – đối tượng chủ yếu của khảo cổ học – đã được các nhà khoa học ngày nay sử dụng tuy với nhiều thiện chí nhưng lại khoác thêm một bộ áo phù thuỷ.
Người Pháp đã lật ra trang tiền sử nước Việt với các nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Nhưng cho dù có những khám phá nối tiếp sau này của các nhà khảo cổ học Việt Nam, chúng ta vẫn chưa thấy được mối liên hệ của chúng với tập đoàn cư dân thời sơ sử mà dấu vết thờ đá của một bộ phận trong đó không cần phải được nối kết thật xa trong thời gian. Nền văn minh Đông Sơn cũng là của Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ phát hiện, nghiên cứu và tìm tiếp trợ để hiểu sâu sắc hơn.(8) Người ta tranh luận về nguồn gốc của nền văn minh này, nhưng trong cách giải mã các hình chạm trên trống đồng liên quan đến tang lễ của người Dayak (Borneo), V. Goloubew (1929) đầu tiên đã đưa gần đến ý niệm về một nền văn minh riêng của Đông Nam Á có mặt trên vùng đất Việt cổ vào những thế kỉ đầu trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu ở Trường VĐBC bị lôi cuốn bởi các đền tháp của Khmer, Champa nên lãng quên các kiến trúc Việt. Parmentier sau này có tiếc là trong khi vội vã lo cho Mĩ Sơn hồi đầu thế kỉ đã quên không tìm cách đề nghị liệt vào hạng cổ tích phải giữ gìn một ngôi nhà trạm ở Phan Rang mà ông đã ghé vào trên đường đi và tấm tắc khen quy mô, đặc sắc của nó – mà chắc không biết đến ông thần ở đó. L. Bezacier nói về “nghệ thuật Annam” từ các vật chứng rải rác, trên đền đài, miếu vũ, lăng tẩm, và chú ý đến cái đình làng nhưng ta thật khó đi sâu vào tâm hồn người xưa với những trang sách ấy.
Tuy nhiên những khảo sát về các vương quốc Khmer, Champa không phải là không có ích đối với vấn đề ta đang bàn. Nếu không dừng lại ở quan điểm hoài cổ và địa phương hạn hẹp, thì việc những người Việt ở phương Nam thay đổi trong khi tiếp xúc với sinh hoạt và tín ngưỡng Chàm, Khmer cũng phải được coi là điều quan trọng tạo nên bản sắc dân Việt của thời cận, hiện đại. Các hiện vật tuy nằm dưới đất nhưng cũng từng có đời sống di chuyển qua rất nhiều đường đất, do đó đã dẫn các học giả gắng đi tìm nguồn gốc thật xa với quan điểm “ngã ba, ngã tư quốc tế” yểm trợ thêm. O. Janse đem vào nền văn minh Việt cổ các yếu tố Ấn Hi, Hi La dựa trên cách giải thích những hiện vật tìm thấy trong các mộ cổ. Ông đã thất bại vì không theo sát lịch sử Việt vào thời kì nhà Hán đã ngự trị trên đất này, nhưng các phân tích đi từ hiện vật đến tâm hồn người đã cho ta những gợi ý rất quý.
Người Việt xưa cũng đã tìm thấy cổ vật trên đất nước mình và sự ghi nhận đã lộ ra khuynh hướng liên hệ đến cõi vô hình, thiêng liêng. Lê Hoàn cày bật hũ vàng, hũ bạc trong khi làm lễ tịch điền – một cách nói của sử quan nho gia về việc ông chủ ruộng cao quý này cúng thần đất của ông. Lí Thái Tông thấy tận mắt hòm đựng xá lị của chùa Pháp Vân – chẳng biết có giống với các hòm xá lị trên đất Triều Tiên còn lại trong bảo tàng hay không. Và bộ xương người xác định là nhạc công trên núi Thất Diệu, chắc vì có kèm theo “nhạc cụ” (cái lục lạc?), không biết phát hiện vào lúc nào mà được sử dụng trong câu chuyện An Dương Vương trấn áp yêu quái khi xây cất thành Loa…
Trong hơn 30 năm qua, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện khá nhiều những di vật của người xưa từ trong lòng đất của xứ sở. Từ Miền Bắc, sau 1975, hoạt động của họ trải rộng khắp lãnh thổ mà trong 20 năm, tình trạng mất an ninh đã ngăn chặn một số người muốn đi sâu tìm hiểu – không riêng gì ở lãnh vực khảo cổ học. Sự nhiệt thành của những người thực hiện và các thành quả đã đem lại sự tự tín và óc tự phụ một mình, không cho họ thấy những sơ hở có khi rất là ấu trĩ. Tính chiến đấu, thay vì làm chất men kích thích sự nghiên cứu học hỏi đưa đến khám phá mới, lại lấn át tính khoa học cho nên các công trình chỉ là làm việc triển khai một xác định có trước của nhà chính trị thiếu khả năng học vấn.(9)
Ở di chỉ Phùng Nguyên có một đồ vật đời Hán không được xác định; lớp đất cho là thuộc cuối văn hoá Phùng Nguyên ở Tiên Hội (Hà Nội) có đồ sắt mà được bỏ qua. Dấu vết tục ăn thịt người thấy từ những năm 60, mới được đặt ra một cách dè dặt từ hội nghị Ngành năm 1984 dù chứng cớ đã rõ rệt ỏ Đồng Đậu (1983) và dấu vết muộn trong lịch sử là ở thế kỉ X, triều Đinh. Ở Gò Mun có một ngôi mộ sớm nhất là thuộc thế kỉ XV, theo căn cứ hiểu biết về cổ tiền học Việt Nam. Ngôi thành Cổ Loa như trong hiện tại, đắp bằng đất Hán là sớm nhất, vậy mà vẫn được các nhà nghiên cứu có tầm cỡ vẽ hoạ đồ quả quyết là của An Dương Vương, làm như các tướng lãnh, quan lại Hán, Lục Triều là người kế tục ông vua này… Hãy bỏ qua nhiều chứng dẫn để đến một thời đại gần ta hơn, đang cũng cần một tính chiến đấu để bênh vực như thế: Pho tượng chùa Bộc được gọi là của Quang Trung chỉ vì có hai chữ đó trong vế đối, trong khi năm Bính ngọ ghi trên tượng là năm 1786 chỉ mới có ông Long Nhương Tướng quân! Và khi thấy ra điều này, người ta lôi đến giáp tí sau: 1846, để càng chứng tỏ người dân Bắc Hà vẫn nhớ ơn người anh hùng cứu nước, dù xương cốt ông vẫn đang bị giam, dù năm đó thuộc thời đại một ông vua Nguyễn đã sai đào mồ Công chúa Ngọc Hân, cựu Bắc Cung Hoàng Hậu, được chôn lén nơi quê nhà Phù Ninh, hẳn cách chùa Bộc không xa so với con đường đến kinh đô Huế.
Chúng ta dễ dàng thấy sức hấp dẫn của các tài liệu đưa ra một cách nhiệt thành với đủ cung cách nghiêm túc như thế đối với những người ở xa không thể kiểm chứng được nguồn gốc và bằng cuộc sống thực tế.(10) Đành phải chấp nhận và để người khác chấp nhận như thế, vì như lời ông Viện trưởng Khảo cổ học Phạm Huy Thông, sau khi nhận định nghiêm khắc về một số sự việc xảy ra có tiếng nói khác biệt với tiếng nói chính thức, đã cho rằng “chúng ta chưa thể yên tâm (!) bật đèn xanh cho tranh luận, dù là tranh luận học thuật”, nhất là đối với những luận điểm sử học “nhờ những công trình khoa học mà đã trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc… không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện”.(11)
Hai điểm tabou được ông kể ra – vua Hùng và Hai Bà Trưng – chúng ta sẽ phải phạm tới, bởi không biết tránh vào đâu, tuy chưa bàn hết vì chưa đặt trọng tâm vào các đề tài đó.
Cũng thuộc vấn đề ta đang bàn tới trong tình hình đối kháng, hội nhập giữa văn hoá bản địa (đương thời) và văn hoá Trung Hoa, khảo cổ học tiền và sơ sử khi xác định được tính chất tộc người trên vùng Việt cổ sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, tuy ta không quên rằng tập họp tộc người không trùng với tập họp văn hoá. Nhưng ở đây ta cũng gặp các nghiên cứu trên quan điểm được gọi là khoa học mà không theo “khách quan chủ nghĩa”, chiếm địa vị chỉ đạo. Trong một lãnh vực chuyên sâu như nhân loại học với các con số đo đạc và từ ngữ chuyên môn rối rắm, người ta thường dễ dàng nghe theo các chuyên viên nếu không thấy luận chứng có những sơ hở quá lộ liễu.(12)
Thực ra thì ngay cả với các phát hiện được coi là có liên quan tới “Thời đại Hùng Vương”, các chứng cớ khảo cổ học phần nhiều chưa được liên hệ sít sao với tài liệu sử đã có, và một khi có bàn bạc thì tinh thần phe phái, dân tộc chủ nghĩa vẫn chiếm ưu thế đáng kể. Tinh thần của thời đại đó thấy rõ trong quyển Lịch sử Việt Nam tập I của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (tái bản 1977), tập sách như một bản trường ca chống Bắc bình Nam (mà cố tình lãng quên một số người có trách vụ lịch sử đó). Thói quen biện minh cho một chân lí được coi là đã “trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc” khiến ông Viện trưởng Viện sử học đem tên Vân Nga đẹp đẽ của điện phủ, kịch bản, tuồng cải lương gán cho bà Dương Thái hậu của thế kỉ X, để xứng với tinh thần vì nước quên tình riêng của con người thực ra là đại diện cho truyền thống đương thời.(13)
Sự sùng kính này dẫn đến sự sùng kính khác làm hạn chế sự tìm tòi: L. Bezacier không thực hiện được ý định xem thử dưới đền Hùng ngày nay có các nền móng nào khác không, còn các nhà chuyên môn của chúng ta thì không những không quan tâm xem phía dưới các ngôi mộ gọi là của Kinh Dương Vương, Triệu Việt Vương, vua Ân… có cái gì trong đó, mà còn muốn sử dụng các hiện vật đó như những bằng chứng lịch sử cho các chuyện cổ tích. Về phía Nam, không ai đọc chuyện thần Thiên Mụ của sử quan, chú ý đến chi tiết Cao Biền đào đứt long mạch, để nghi ngờ có ý nghĩa phá tháp cũ trong đó và gợi tò mò cho nhà khảo cổ xem dưới chân tháp ngày nay, có tượng thần Garuda, Kinari… nào không.
Tuy nhiên tinh thần khoa học đã chỉ ra khía cạnh tích cực của sự hoài nghi, cho nên hướng sử dụng các tài liệu vẫn rộng mở với tất cả sự bấp bênh của thành quả, lần này lại tuỳ thuộc khả năng của người nghiên cứu.
Chú thích
Về bộ (Đại)Việt sử lược, xem bài giới thiệu của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong Nam phong tạp chí 83(1924), ttr. 388 – 395. Chúng tôi sử dụng bản dịch của ông Trần Quốc Vượng, Hà Nội 1960. Có bản dịch mới của ông Nguyễn Gia Tường, TP. Hồ Chí Minh 1993.
Đã có bản dịch ở Hà Nội từ 1966, 4 tập, sửa lỗi, in ấn khá kĩ. Bản dịch thứ hai căn cứ trên bản Chính Hoà, hoàn thành năm 1993, 4 tập với bản gốc chụp lại. Các sự kiện về lịch sử Việt Nam của chúng tôi, nếu không dẫn riêng, đều lấy từ bản dịch lần thứ nhất, gọi tắt là Toàn thư.
Chúng tôi sử dụng các bản dịch có phần dẫn nhập, chú thích, in kèm bản chữ Hán (sắp chữ lại) của ông Lê Hữu Mục, Sài Gòn 1960, 1961.
L. Cadière, “Religions non annamites et annamites” trong Un empire colonial francais: L’Indochine, G. Maspero chủ biên.
R. Stein, “Jardin en miniature d’Extrême Orient”, BEFEO XLI (1941), ttr. 1 – 104.
Trần Quốc Vượng, “Từ huyền thoại thánh Gióng đến hội khoẻ Phù Đổng”, báo Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, Xuân 1987, tr. 5.
A. Woodside, Vietnam and the Chinese Model –A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century (Harvard University Press 1971). Cũng phải công bình mà nhận rằng Phan Huy Chú trong nghiên cứu của mình, Lịch triều hiến chương loại chí (bàn dịch Hà Nội, 3 tập), đã có liên hệ đến các thể chếcủa Trung Hoa, nhưng điều ông làm có tính cách của một loại tìm-về-nguồn hơn là đối chiếu phê phán.
Việc tóm gọn các lí thuyết về những nguồn văn hoá ảnh hưởng đến văn minh Đông Sơn cùng các tài liệu thiết yếu giải thích của các tác giả người Âu, thấy ở G. Coedès, Les peuples de la péninsule indochinoise (Paris 1962), ttr. 24 – 26, 39 – 40. Ý kiến tổng hợp của O. Janse thấy trong “Việtnam, carrefour de peuples et de civilisations”, France-Asie, Nlle série, Vol. XVII, No 160 (Tokyo Janv.-Fév. 1960).
Về các khai quật ở những địa điểm làm căn cứ cho chuỗi hệ thống tiến triển lịch sử Việt cổ được trở thành chính thống ở Việt Nam ngày nay, ngoài những bài rải rác, còn có các tập họp chuyên biệt: Hoàng Xuân Chinh – Nguyễn Ngọc Bích, Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên (1978); Hà Văn Phùng – Nguyễn Duy Tì, Di chỉ khảo cổ học Gò Mun (1982); Lê Xuân Diệm – Hoàng Xuân Chinh, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (1983).
Chỉ có địa điểm Đồng Đậu là được khai quật kĩ tiếp trong năm 1984 và lần này được xác định niên đại tuyệt đối bằng cách ghép với cuộc khai quật thành Dền (1983, 1984), nhưng các văn bản đã hà tiện lời và hình ảnh nên vẫn cứ phải tạm tin vào các thông tin bản thân chúng tôi nắm được (trong Những phát hiện mới về khảo cổ học các năm 1983, 1984) với những thắc mắc đã có.
Các tài liệu văn học Miền Bắc đã xâm nhập trong một tình trạng không bình thường vào trường Đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975. Hệ thống thời đại Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn đi vào vài quyển giáo khoa sử lớp 12, dự định cho kì thi cuối niên khoá 74-75. Ông Lê Văn Hảo có Đi tìm An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ (Trình bầy xb. 1966). Và chúng tôi cũng từng bàn đến khuôn mặt Nguyễn Huệ chỉ bằng vào bức hình pho tượng chùa Bộc trong sách của ông Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn.
Phạm Huy Thông, “Điểm thời sự”, Khảo cổ học 1(1985), ttr. 4 – 5.
Chỉ xin lấy một ví dụ không chọn lựa: Nguyễn Đình Khoa, Nhân chủng học Đông Nam Á (Hà Nội 1963). Xem cuộc tranh luận về sọ cổ Châu Can giữa Viện trưởng Phạm Huy Thông và ông Nguyễn Quang Quyền trên Khảo cổ học và báo chí năm 1976.
Văn Tạo, “Một vài suy nghĩ về tính bản địa và đặc sắc của văn hoá Việt Nam”, Nghiên cứu lịch sử 1(1986), tr. 5.