Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Thần, Người Và Đất Việt

Lời Giới Thiệu : Giáo sư Nguyễn Thế Anh

Tác giả: Tạ Chí Đại Trường
Chọn tập

Tuy sớm xâm nhập vào Việt Nam, Tam giáo đã không hề xoá nhoà ảnh hưởng của một vũ trụ quan đậm màu sắc vật linh luận trong cuộc sống tâm linh của người dân Việt. Có thể nói rằng dưới lớp phủ của các lễ thức, lễ nghi của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, nền tảng tín ngưỡng bản địa hầu như đã không biến dạng. Quả vậy, gắn bó với đất đai và tuỳ thuộc các lực lượng thiên nhiên chi phối đời sống hàng ngày, người nông dân Việt từ xa xưa đã nhân cách hoá và sùng bái các lực lượng siêu nhiên ấy. Mặc dù bị các tôn giáo lớn đồng hoá phần nào, những hình thức tín ngưỡng dân gian sơ khai này, đặt căn bản trên quan niệm một thế giới của thần luôn luôn có quan hệ, ảnh hưởng với thế giới của người, vẫn tồn tại dai dẳng, gắn liền với những phong tục nghi lễ địa phương.

Nhằm mục đích quy tụ tất cả uy thế của thần linh vào uy thế của vương quyền, các triều đại vua chúa đã chú trọng đến việc hệ thống hoá các thần thoại, bằng cách cho ghi chép thành thần tích lai lịch hành trạng bách thần, cùng thể lệ về việc thờ cúng bách thần ở các miếu, đền. Do đó, các nhà nho, vốn không muốn tin vào những sự quái dị theo quan điểm “bất ngữ quái, lực, loạn, thần” và “quỷ thần kính nhi viễn chi” đã phải lưu tâm đến việc biên soạn các thần thoại, đặc biệt là gạn lọc và biến chế các truyền thuyết để củng cố tín ngưỡng thành hoàng ở các làng, xã. Trên cơ sở ấy, đầu thế kỉ thứ XIV, Lí Tế Xuyên đã dựa vào những bản thần tích trong các đợt phong thần của các vua nhà Trần và các lời truyền tụng trong dân chúng để soạn Việt điện u linh tập, chủ trương chép lại sự tích các vị thần có công “cứu giúp sinh linh”. Cuối thế kỉ thứ XV, sách Lĩnh Nam chích quái được hoàn thành, do nhiều thế hệ soạn giả sưu tập một số truyện dân gian có tính chất thần thoại dần dần viết nên. Đó là những bản văn cổ nhất mở đầu cho nhiều công trình biên soạn thần thoại dưới hình thức truyền thuyết, dã sử trong những tập sử kí, nhân vật chí, địa phương chí, truyền kì, tạp văn, và dưới hình thức những thần tích, ngọc phả.

Thế nhưng, qua những sự đổi thay, thêm bớt, thần thoại còn truyền lại được đến ngày nay chẳng những không còn phản ảnh được tình hình thực của thần thoại xưa kia, mà lại còn chứa đựng những ảnh hưởng của các đời sau. Cho nên ta không thể hiểu rõ quá trình hình thành hệ thống thần thoại, nếu không giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: thần thoại đã nẩy sinh như thế nào? đã phát triển và lưu truyền ra sao? có ý nghĩa gì? Đây là những vấn đề mà Tạ Chí Đại Trường cố gắng làm sáng tỏ trong tác phẩm Thần, Người và Đất Việt. Giới khoa học biết tác giả nhiều hơn qua những công trình nghiên cứu sử đề cập đến cả những khía cạnh thật đặc biệt như cổ tiền học. Song ông cũng đã có những đóng góp đáng kể về cách thức suy nghĩ và ứng xử của người dân Việt trong cuộc sống tâm linh *. Chính trong một bài biên tập đã xuất bản ấy mà đã được xác định phương pháp nghiên cứu sẽ áp dụng trong quyển sách được giới thiệu ở đây: “Người ta đã đi từ sự quá đà coi thần tích như là hiện thân toàn vẹn của lịch sử, đến sự quá đà khác là bác bỏ hoàn toàn, hay ít ra cũng đi đến sự hoài nghi sâu đậm. Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau phản ảnh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó; nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật, nếu được đặt kề nhau, sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành hình ảnh nhân vật đó. Ở đây chúng ta không tìm một khuôn mặt nhạt nhoà qua thời gian, mà đi tìm một khuôn mặt hình thành qua thời gian, và lẽ tất nhiên sẽ thấy được khuôn mặt lúc khởi đầu.”**

Tạ Chí Đại Trường không tự hạn định trong một quan điểm duy vật lịch sử đồng hoá tín ngưỡng tôn giáo với tấm gương phản chiếu một cơ chế kinh tế xã hội, bắt buộc mọi sự phân loại các hiện tượng tôn giáo phải đặt cơ sở trên khía cạnh xã hội. Bởi vì, coi tín ngưỡng như một kiến trúc thượng tầng liên kết chặt chẽ với sự biến chuyển của các phương thức sản xuất nhưng chỉ phảng phất trên các thực tế khách quan mà nó là một hình ảnh méo mó, duy vật biện chứng phủ nhận tác dụng đòi hỏi của tâm hồn cần có một thế giới siêu linh. Trái lại, như tác giả đã viết tại một nơi trong sách, “tính cách chung trong sự vọng tưởng về thiêng liêng của con người giải thích sự tồn tại và đổi dạng của thần linh qua thời đại, qua thể chế xã hội.” Cho rằng câu chuyện thần linh căn bản là câu chuyện văn hoá, Tạ Chí Đại Trường nhấn mạnh lên các sự liên tục văn hoá, để thấu hiểu, bên trên sự hỗn độn của các dữ kiện thần thoại, hiện tượng tín ngưỡng trong tính đơn nhất sống động của nó, như là một hoạt động văn hoá diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự nghiên cứu của ông là một sự nghiên cứu các sự đổi thay: tín ngưỡng tôn giáo chuyển hoá hơn là tan biến, với những đổi thay nghi thức phụng thờ đi đôi với sự lệ thuộc thần quyền vào thế quyền, với những niềm tin mới phát xuất từ sự gặp gỡ với những văn hoá ngoại lai.

Tác phẩm Thần, Người và Đất Việt, như thế, vạch lại chi tiết lịch sử các sự biến chuyển qua các thời đại của quan niệm thần linh tại Việt Nam. Và, nếu tác giả khảo sát cặn kẽ hệ thống thần linh thời quân chủ, ông đã không dừng lại với sự tàn tạ của hệ thống này tiếp theo sự sụp đổ của nhà Nguyễn. Ông còn tìm hiểu thêm về chiều hướng và kết quả tập họp thần linh mới trong hiện đại, để chứng minh rằng người ta chỉ có thể đổi thay mà không thể huỷ thần linh. Tại vì, bên trong tâm thức người dân Việt, còn triền miên một quan niệm về sự tồn tại của một thế giới siêu nhiên, làm mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới. Và Tạ Chí Đại Trường kết luận là quá khứ sâu đậm ảnh hưởng thần linh, “có đất phát triển trong một xã hội bị kéo lùi, nông thôn hoá trong suy nghĩ, lí luận, bị hấp dẫn bởi tiền bạc thúc bách, khiến cho một trình độ giả khoa học không đủ sức ngăn chặn dù có quyền lực tiếp tay”.

Câu kết luận này biểu lộ tất cả một thái độ lạc quan trước sự bất lực của cái chế độ vô thần ngự trị trên đất Việt ngày nay.

NGUYỄN THẾ ANH

* “Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên vương”(…), Đường mới, số 5 (Pháp) (1986), tr. 174 – 200; “Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng”, Văn học, số 8-9 (Mĩ) (10/1986), tr. 5 – 17; số 10 (11/1986), tr. 44 – 67. Cả hai đã được tập họp lại trong Những bài dã sử Việt, Thanh văn xuất bản (Mĩ) 1997 (Chú thêm 1999).

** Bài “Lịch sử một thần tích” dẫn trên, trang 176 – 177.

Một trang riêng:

Con khỉ Tôn Hành Giả xuất thân từ đá nứt, vướng víu cái kim cô, một lần trả lời Tam Tạng, thầy mình, đang dùng dằng trên đường thỉnh kinh

Tôi đi về phía trước.

Vị Đấu Chiến Thắng Phật đó là của “truyện Tàu” truyền kì, nhưng lại nói như một người dân Chàm bình thường

Đi về phía trước không nhìn lại sau thì anh sẽ được giàu sang.

Chính cái chất người trong lốt khỉ, trong hào quang của bậc thần linh khiến nhân vật này vẫn hiện diện giữa trần thế, nơi cửa miệng những người kể chuyện thỉnh kinh qua một bản văn quốc ngữ đọc dưới ánh đèn điện, trong buổi lễ tống ôn miền quê Nam Bộ và thấp thoáng trên những trang sách Ramayana hay trong buổi diễn Riêm-kê, bên cạnh Hanuman còn lại dáng hình bà con xưa cũ. Chính một vòng thác sinh văn hoá như thế, có vinh quang riêng của nó bởi vì nó cứ đi về phía trước mà ta có thể mượn làm hình tượng cho lí trí dõi theo tìm dạng thần hồn người trên đất Việt.

21-6-2006: Câu của Tề Thiên trích ở trên là nhớ từ truyện Tàu của nhà Trí Đức thư xã, câu nói của Chàm là từ một bài của P. Mus ở BEFEO, không nhớ chi tiết.

Tuy sớm xâm nhập vào Việt Nam, Tam giáo đã không hề xoá nhoà ảnh hưởng của một vũ trụ quan đậm màu sắc vật linh luận trong cuộc sống tâm linh của người dân Việt. Có thể nói rằng dưới lớp phủ của các lễ thức, lễ nghi của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, nền tảng tín ngưỡng bản địa hầu như đã không biến dạng. Quả vậy, gắn bó với đất đai và tuỳ thuộc các lực lượng thiên nhiên chi phối đời sống hàng ngày, người nông dân Việt từ xa xưa đã nhân cách hoá và sùng bái các lực lượng siêu nhiên ấy. Mặc dù bị các tôn giáo lớn đồng hoá phần nào, những hình thức tín ngưỡng dân gian sơ khai này, đặt căn bản trên quan niệm một thế giới của thần luôn luôn có quan hệ, ảnh hưởng với thế giới của người, vẫn tồn tại dai dẳng, gắn liền với những phong tục nghi lễ địa phương.

Nhằm mục đích quy tụ tất cả uy thế của thần linh vào uy thế của vương quyền, các triều đại vua chúa đã chú trọng đến việc hệ thống hoá các thần thoại, bằng cách cho ghi chép thành thần tích lai lịch hành trạng bách thần, cùng thể lệ về việc thờ cúng bách thần ở các miếu, đền. Do đó, các nhà nho, vốn không muốn tin vào những sự quái dị theo quan điểm “bất ngữ quái, lực, loạn, thần” và “quỷ thần kính nhi viễn chi” đã phải lưu tâm đến việc biên soạn các thần thoại, đặc biệt là gạn lọc và biến chế các truyền thuyết để củng cố tín ngưỡng thành hoàng ở các làng, xã. Trên cơ sở ấy, đầu thế kỉ thứ XIV, Lí Tế Xuyên đã dựa vào những bản thần tích trong các đợt phong thần của các vua nhà Trần và các lời truyền tụng trong dân chúng để soạn Việt điện u linh tập, chủ trương chép lại sự tích các vị thần có công “cứu giúp sinh linh”. Cuối thế kỉ thứ XV, sách Lĩnh Nam chích quái được hoàn thành, do nhiều thế hệ soạn giả sưu tập một số truyện dân gian có tính chất thần thoại dần dần viết nên. Đó là những bản văn cổ nhất mở đầu cho nhiều công trình biên soạn thần thoại dưới hình thức truyền thuyết, dã sử trong những tập sử kí, nhân vật chí, địa phương chí, truyền kì, tạp văn, và dưới hình thức những thần tích, ngọc phả.

Thế nhưng, qua những sự đổi thay, thêm bớt, thần thoại còn truyền lại được đến ngày nay chẳng những không còn phản ảnh được tình hình thực của thần thoại xưa kia, mà lại còn chứa đựng những ảnh hưởng của các đời sau. Cho nên ta không thể hiểu rõ quá trình hình thành hệ thống thần thoại, nếu không giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: thần thoại đã nẩy sinh như thế nào? đã phát triển và lưu truyền ra sao? có ý nghĩa gì? Đây là những vấn đề mà Tạ Chí Đại Trường cố gắng làm sáng tỏ trong tác phẩm Thần, Người và Đất Việt. Giới khoa học biết tác giả nhiều hơn qua những công trình nghiên cứu sử đề cập đến cả những khía cạnh thật đặc biệt như cổ tiền học. Song ông cũng đã có những đóng góp đáng kể về cách thức suy nghĩ và ứng xử của người dân Việt trong cuộc sống tâm linh *. Chính trong một bài biên tập đã xuất bản ấy mà đã được xác định phương pháp nghiên cứu sẽ áp dụng trong quyển sách được giới thiệu ở đây: “Người ta đã đi từ sự quá đà coi thần tích như là hiện thân toàn vẹn của lịch sử, đến sự quá đà khác là bác bỏ hoàn toàn, hay ít ra cũng đi đến sự hoài nghi sâu đậm. Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau phản ảnh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó; nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật, nếu được đặt kề nhau, sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành hình ảnh nhân vật đó. Ở đây chúng ta không tìm một khuôn mặt nhạt nhoà qua thời gian, mà đi tìm một khuôn mặt hình thành qua thời gian, và lẽ tất nhiên sẽ thấy được khuôn mặt lúc khởi đầu.”**

Tạ Chí Đại Trường không tự hạn định trong một quan điểm duy vật lịch sử đồng hoá tín ngưỡng tôn giáo với tấm gương phản chiếu một cơ chế kinh tế xã hội, bắt buộc mọi sự phân loại các hiện tượng tôn giáo phải đặt cơ sở trên khía cạnh xã hội. Bởi vì, coi tín ngưỡng như một kiến trúc thượng tầng liên kết chặt chẽ với sự biến chuyển của các phương thức sản xuất nhưng chỉ phảng phất trên các thực tế khách quan mà nó là một hình ảnh méo mó, duy vật biện chứng phủ nhận tác dụng đòi hỏi của tâm hồn cần có một thế giới siêu linh. Trái lại, như tác giả đã viết tại một nơi trong sách, “tính cách chung trong sự vọng tưởng về thiêng liêng của con người giải thích sự tồn tại và đổi dạng của thần linh qua thời đại, qua thể chế xã hội.” Cho rằng câu chuyện thần linh căn bản là câu chuyện văn hoá, Tạ Chí Đại Trường nhấn mạnh lên các sự liên tục văn hoá, để thấu hiểu, bên trên sự hỗn độn của các dữ kiện thần thoại, hiện tượng tín ngưỡng trong tính đơn nhất sống động của nó, như là một hoạt động văn hoá diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự nghiên cứu của ông là một sự nghiên cứu các sự đổi thay: tín ngưỡng tôn giáo chuyển hoá hơn là tan biến, với những đổi thay nghi thức phụng thờ đi đôi với sự lệ thuộc thần quyền vào thế quyền, với những niềm tin mới phát xuất từ sự gặp gỡ với những văn hoá ngoại lai.

Tác phẩm Thần, Người và Đất Việt, như thế, vạch lại chi tiết lịch sử các sự biến chuyển qua các thời đại của quan niệm thần linh tại Việt Nam. Và, nếu tác giả khảo sát cặn kẽ hệ thống thần linh thời quân chủ, ông đã không dừng lại với sự tàn tạ của hệ thống này tiếp theo sự sụp đổ của nhà Nguyễn. Ông còn tìm hiểu thêm về chiều hướng và kết quả tập họp thần linh mới trong hiện đại, để chứng minh rằng người ta chỉ có thể đổi thay mà không thể huỷ thần linh. Tại vì, bên trong tâm thức người dân Việt, còn triền miên một quan niệm về sự tồn tại của một thế giới siêu nhiên, làm mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới. Và Tạ Chí Đại Trường kết luận là quá khứ sâu đậm ảnh hưởng thần linh, “có đất phát triển trong một xã hội bị kéo lùi, nông thôn hoá trong suy nghĩ, lí luận, bị hấp dẫn bởi tiền bạc thúc bách, khiến cho một trình độ giả khoa học không đủ sức ngăn chặn dù có quyền lực tiếp tay”.

Câu kết luận này biểu lộ tất cả một thái độ lạc quan trước sự bất lực của cái chế độ vô thần ngự trị trên đất Việt ngày nay.

NGUYỄN THẾ ANH

* “Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên vương”(…), Đường mới, số 5 (Pháp) (1986), tr. 174 – 200; “Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng”, Văn học, số 8-9 (Mĩ) (10/1986), tr. 5 – 17; số 10 (11/1986), tr. 44 – 67. Cả hai đã được tập họp lại trong Những bài dã sử Việt, Thanh văn xuất bản (Mĩ) 1997 (Chú thêm 1999).

** Bài “Lịch sử một thần tích” dẫn trên, trang 176 – 177.

Một trang riêng:

Con khỉ Tôn Hành Giả xuất thân từ đá nứt, vướng víu cái kim cô, một lần trả lời Tam Tạng, thầy mình, đang dùng dằng trên đường thỉnh kinh

Tôi đi về phía trước.

Vị Đấu Chiến Thắng Phật đó là của “truyện Tàu” truyền kì, nhưng lại nói như một người dân Chàm bình thường

Đi về phía trước không nhìn lại sau thì anh sẽ được giàu sang.

Chính cái chất người trong lốt khỉ, trong hào quang của bậc thần linh khiến nhân vật này vẫn hiện diện giữa trần thế, nơi cửa miệng những người kể chuyện thỉnh kinh qua một bản văn quốc ngữ đọc dưới ánh đèn điện, trong buổi lễ tống ôn miền quê Nam Bộ và thấp thoáng trên những trang sách Ramayana hay trong buổi diễn Riêm-kê, bên cạnh Hanuman còn lại dáng hình bà con xưa cũ. Chính một vòng thác sinh văn hoá như thế, có vinh quang riêng của nó bởi vì nó cứ đi về phía trước mà ta có thể mượn làm hình tượng cho lí trí dõi theo tìm dạng thần hồn người trên đất Việt.

21-6-2006: Câu của Tề Thiên trích ở trên là nhớ từ truyện Tàu của nhà Trí Đức thư xã, câu nói của Chàm là từ một bài của P. Mus ở BEFEO, không nhớ chi tiết.

Chọn tập
Bình luận