Những kiến giải về các thần linh địa phương Việt cổ ở trên rõ ràng phần lớn đã phải chứa đựng một mớ chồng chất những quan niệm ngôn từ của phương Bắc đem xuống. Ảnh hưởng lịch sử 1 000 năm Bắc thuộc là điều không thể coi nhẹ, dù có những quan niệm thời đại khiến cho những lập luận phủ nhận nổi lên nhưng rồi vẫn phải chạy quanh sự công nhận ảnh hưởng đó – chưa kể những ảnh hưởng gián tiếp, tự nguyện về sau.
Vấn đề thời kì Bắc thuộc bắt đầu từ lúc nào cũng là điều làm nổi bật các quan điểm khác nhau tuy có lúc không trình bày rõ rệt. Tác giả Việt sử lược (VSL – 1377) không nói đến nhà Triệu như người khởi đầu trong khi tập thể sử quan Toàn thư giữ lại một lời Lê Văn Hưu tán tụng Triệu Vũ Đế, còn Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII) thì tuy không thêm hiểu biết gì mới, lại đổi mục của Toàn thư ra thành chương “Ngoại thuộc nhà Triệu” trong Việt sử tiêu án của ông. Cách viết theo đường lối này hay đường lối khác đã kéo dài hay thu ngắn thời gian Bắc thuộc đến cả 100 năm, một thời gian không lấy gì làm dài so với tổng số, nhưng lại đụng chạm đến cách giải thích về các tài liệu khảo cổ học như một phù trợ cho sử học. Tuy nhiên quan điểm khảo cổ học tranh đấu đi quá đà đã khiến cho đôi khi ngành này không còn giữ được tính cách độc lập của nó.
Nhìn ở quan điểm “vương hoá”, các triều vua Trung Quốc vẫn coi những triều vua độc lập của Đại Việt như là xuất phát từ nước Nam Việt của Triệu Đà. Lời chiếu của Tống Thái Tông sau cuộc thất trận (981) đi đến chỗ vỗ về, đã nhắc đến việc Triệu Đà thần phục và được nhà Hán phong tước như là một tiền lệ cho cách đối xử với mảnh đất phương Nam.(1) Ranh giới Giao – Quảng còn nhập nhoà trong trận chiến Lí – Tống (1075 – 1077) khi Lí đem quân qua châu Khâm, châu Liêm có người giúp đỡ, nội ứng cũng là một bằng cớ không nhận ra ở thời sau về phạm vi quyền hành của một nước Nam Việt xưa kia. Chưa kể việc Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng…
Nước Nam Việt vẫn nằm trong sử Việt rành rẽ không phải vì sự thần phục của vua quan buổi đầu nhà Hậu Lê về phương diện chính trị mà là do một tình hình chấp nhận văn hoá Trung Quốc phù hợp với ý thức kiêu hãnh quốc gia sau lần thoát ách ngoại thuộc ở thế kỉ XV dẫn đến việc chấp nhận một hệ thống Hùng Vương. Bởi vì, đã cho cương vực phía bắc nước Văn Lang lên đến hồ Động Đình thì kinh đô Phiên Ngung ở Quảng Đông (ngày nay) của Nam Việt và nước Việt của Triệu là thuộc truyền thống Đại Việt, đâu có gì phải thắc mắc?
Trong khi các sử quan ngày xưa chấp nhận một quan điểm duy văn hoá như thế mà không để hại cho tinh thần dân tộc, lại nâng cao ý thức ấy bằng việc biểu dương vai trò của Hai Bà Trưng (như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên phê phán trong Toàn thư) thì một sử gia ở Miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 60 đã đưa ra một giải thích táo bạo về nguồn gốc dân Việt. Ông đặt vai trò quyết định của thời kì Bắc thuộc trong việc hình thành dân tộc Việt Nam, một dân tộc mới, gốc Hán, tạo dựng trong khung cảnh địa lí xa đất mẹ, khác hẳn đám dân bị trị có các anh hùng là Hai Bà Trưng và nền văn minh Đông Sơn. Luận thuyết đó cũng được trình bày trong một hội nghị quốc tế, nhưng chìm lấp trong các biến cố chính trị to lớn lúc bấy giờ, tuy cũng gặp một phản ứng trên tầng lớp trí thức, lịch sự mà không sâu sắc lắm.(2) Một đề xuất giải thích mang tính cách cá nhân bình thường như thế – dù có thể không đồng ý về lập luận thì vẫn không thể bài bác tính chất cá nhân cần phải có trong một nghiên cứu – một đề xuất như thế, không ngờ lại trở thành sức nặng cản trở cả một công trình nghiên cứu cổ nhân học ở Miền Bắc có dáng không theo chủ trương chính trị vạch sẵn. Một số nhà khoa học nghiên cứu sọ cổ Châu Can nhận ra ở đó có những dấu vết australoid – có thể được giải thích là không-Việt – đã bị buộc tội tiếp tay cho nhà sử học trên – được coi như là đại biểu uỷ nhiệm của một chế độ xấu xa.(3)
Người ngoài ngành không đủ thẩm quyền để xác định trình độ chuyên môn của những nhà nhân học lớp mới nhưng quả cũng khó chấp nhận một quan điểm của nhà chính trị bảo khoa học không được mang tính cách “khách quan chủ nghĩa”. Các kết luận của cổ nhân học Việt về sự vàng-hoá mạnh trong thời kì đồng-sắt đã góp thêm vào chứng liệu lịch sử về sự biến đổi nhân chủng đáng kể trong thời Bắc thuộc. Nhưng Lí Bí lại cũng không phải là “người Việt đầu tiên” (Nguyễn Phương), vì một kẻ nổi dậy bao giờ cũng phải có một vị thế mang quyền uy mới thực hiện được điều đó – một người lai bản xứ hoá đúng là ở vị thế tốt nhất. Ở vào vấn đề ta đang bàn, có thể nói Lí Bí là người đầu tiên mang lại hệ thống thần linh đầu tiên mà sau này người ta sẽ tiếp tục khai triển theo với những điều kiện mới.
Có thể nhìn sự xâm nhập văn hoá Hán từ trên xuống như trường hợp các Lạc tướng chịu làm huyện lệnh mang ấn đồng thao xanh, hay nơi các công tào (Khu Liên, Phan Hâm), các thổ hào (Phùng Hưng, Đỗ Anh Sách, Phạm Đình Chi) mà dấu vết bản xứ vẫn không thể xoá mờ. Lại còn có thể nhìn sự xâm nhập khác biệt giữa vùng đồng bằng và vùng rừng núi, giữa khu vực các lị sở và khu vực bên ngoài các trung tâm đó. Hãy nhìn huyền thoại nhân vật Bà Triệu (248). Nhân vật lịch sử mang đậm tính bản xứ này (một người đàn bà lãnh tụ) nhanh chóng trở về với khu vực văn hoá khác-Hán, có vú dài ba/năm thước, chuyện hẳn là được hình thành về sau, có thể mãi đến thế kỉ VII – IX, thuộc thời đại thành hình phần lớn truyện của VĐULT, thời gian đủ cho sự thoát xác đó được người Trung Quốc ghi nhận ở Thái bình hoàn vũ kí (thế kỉ X). Bà Triệu mang hình ảnh hai bà họ Tẩy trên vùng Nam Trung Hoa, một của thời Triệu Đà, một ở vào thế kỉ VI(4) thuộc vào nửa phần phía bắc có hệ thống người khổng lồ trong nền văn minh Man, theo tên đề nghị của E. Porée-Maspéro.
Tính chất khổng lồ đó được nhấn mạnh ở sự khác thường của cơ quan sinh dục. Nhưng trong khi nhân vật nữ ở Phnom Ci (Kampuchia) được biểu hiện thô tục, gần với tính cách nguyên thuỷ hơn, thì Bà Triệu được tả thanh nhã hơn, bởi đám người chịu ảnh hưởng Hán rõ ràng không chấp nhận một hình ảnh “dâm bôn” tuy họ đã chịu nói đến cặp vú dài (kể cả đủ vắt lên vai!) Nghĩa là dấu vết nguyên thuỷ, bản xứ còn được giữ lại ở hình ảnh Bà Triệu huyền thoại trên vùng rừng núi, trên đất Cửu Chân xa, trong khi Hai Bà Trưng trên vùng đồng bằng phía Bắc vẫn chỉ là người-thần bình thường. Còn ông khổng lồ ở Tống Bình – Đại La thì bị lờ đi dấu vết cơ quan sinh dục nơi người nam Phnom Ci, chỉ có một số đo khác thường về chiều cao mà một phần đặc tính đó của thân xác lại được chuyển qua khu vực lí tưởng hoá để làm nên phần cao quý cho con người Lí Thân. Rồi muộn hơn, nhưng ông khổng lồ Phù Đổng “trở về nguồn” cũng thoát vai thổ địa, hộ pháp để trở thành người anh hùng cứu nước sau thời độc lập.
Những kiến giải về các thần linh địa phương Việt cổ ở trên rõ ràng phần lớn đã phải chứa đựng một mớ chồng chất những quan niệm ngôn từ của phương Bắc đem xuống. Ảnh hưởng lịch sử 1 000 năm Bắc thuộc là điều không thể coi nhẹ, dù có những quan niệm thời đại khiến cho những lập luận phủ nhận nổi lên nhưng rồi vẫn phải chạy quanh sự công nhận ảnh hưởng đó – chưa kể những ảnh hưởng gián tiếp, tự nguyện về sau.
Vấn đề thời kì Bắc thuộc bắt đầu từ lúc nào cũng là điều làm nổi bật các quan điểm khác nhau tuy có lúc không trình bày rõ rệt. Tác giả Việt sử lược (VSL – 1377) không nói đến nhà Triệu như người khởi đầu trong khi tập thể sử quan Toàn thư giữ lại một lời Lê Văn Hưu tán tụng Triệu Vũ Đế, còn Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII) thì tuy không thêm hiểu biết gì mới, lại đổi mục của Toàn thư ra thành chương “Ngoại thuộc nhà Triệu” trong Việt sử tiêu án của ông. Cách viết theo đường lối này hay đường lối khác đã kéo dài hay thu ngắn thời gian Bắc thuộc đến cả 100 năm, một thời gian không lấy gì làm dài so với tổng số, nhưng lại đụng chạm đến cách giải thích về các tài liệu khảo cổ học như một phù trợ cho sử học. Tuy nhiên quan điểm khảo cổ học tranh đấu đi quá đà đã khiến cho đôi khi ngành này không còn giữ được tính cách độc lập của nó.
Nhìn ở quan điểm “vương hoá”, các triều vua Trung Quốc vẫn coi những triều vua độc lập của Đại Việt như là xuất phát từ nước Nam Việt của Triệu Đà. Lời chiếu của Tống Thái Tông sau cuộc thất trận (981) đi đến chỗ vỗ về, đã nhắc đến việc Triệu Đà thần phục và được nhà Hán phong tước như là một tiền lệ cho cách đối xử với mảnh đất phương Nam.(1) Ranh giới Giao – Quảng còn nhập nhoà trong trận chiến Lí – Tống (1075 – 1077) khi Lí đem quân qua châu Khâm, châu Liêm có người giúp đỡ, nội ứng cũng là một bằng cớ không nhận ra ở thời sau về phạm vi quyền hành của một nước Nam Việt xưa kia. Chưa kể việc Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng…
Nước Nam Việt vẫn nằm trong sử Việt rành rẽ không phải vì sự thần phục của vua quan buổi đầu nhà Hậu Lê về phương diện chính trị mà là do một tình hình chấp nhận văn hoá Trung Quốc phù hợp với ý thức kiêu hãnh quốc gia sau lần thoát ách ngoại thuộc ở thế kỉ XV dẫn đến việc chấp nhận một hệ thống Hùng Vương. Bởi vì, đã cho cương vực phía bắc nước Văn Lang lên đến hồ Động Đình thì kinh đô Phiên Ngung ở Quảng Đông (ngày nay) của Nam Việt và nước Việt của Triệu là thuộc truyền thống Đại Việt, đâu có gì phải thắc mắc?
Trong khi các sử quan ngày xưa chấp nhận một quan điểm duy văn hoá như thế mà không để hại cho tinh thần dân tộc, lại nâng cao ý thức ấy bằng việc biểu dương vai trò của Hai Bà Trưng (như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên phê phán trong Toàn thư) thì một sử gia ở Miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 60 đã đưa ra một giải thích táo bạo về nguồn gốc dân Việt. Ông đặt vai trò quyết định của thời kì Bắc thuộc trong việc hình thành dân tộc Việt Nam, một dân tộc mới, gốc Hán, tạo dựng trong khung cảnh địa lí xa đất mẹ, khác hẳn đám dân bị trị có các anh hùng là Hai Bà Trưng và nền văn minh Đông Sơn. Luận thuyết đó cũng được trình bày trong một hội nghị quốc tế, nhưng chìm lấp trong các biến cố chính trị to lớn lúc bấy giờ, tuy cũng gặp một phản ứng trên tầng lớp trí thức, lịch sự mà không sâu sắc lắm.(2) Một đề xuất giải thích mang tính cách cá nhân bình thường như thế – dù có thể không đồng ý về lập luận thì vẫn không thể bài bác tính chất cá nhân cần phải có trong một nghiên cứu – một đề xuất như thế, không ngờ lại trở thành sức nặng cản trở cả một công trình nghiên cứu cổ nhân học ở Miền Bắc có dáng không theo chủ trương chính trị vạch sẵn. Một số nhà khoa học nghiên cứu sọ cổ Châu Can nhận ra ở đó có những dấu vết australoid – có thể được giải thích là không-Việt – đã bị buộc tội tiếp tay cho nhà sử học trên – được coi như là đại biểu uỷ nhiệm của một chế độ xấu xa.(3)
Người ngoài ngành không đủ thẩm quyền để xác định trình độ chuyên môn của những nhà nhân học lớp mới nhưng quả cũng khó chấp nhận một quan điểm của nhà chính trị bảo khoa học không được mang tính cách “khách quan chủ nghĩa”. Các kết luận của cổ nhân học Việt về sự vàng-hoá mạnh trong thời kì đồng-sắt đã góp thêm vào chứng liệu lịch sử về sự biến đổi nhân chủng đáng kể trong thời Bắc thuộc. Nhưng Lí Bí lại cũng không phải là “người Việt đầu tiên” (Nguyễn Phương), vì một kẻ nổi dậy bao giờ cũng phải có một vị thế mang quyền uy mới thực hiện được điều đó – một người lai bản xứ hoá đúng là ở vị thế tốt nhất. Ở vào vấn đề ta đang bàn, có thể nói Lí Bí là người đầu tiên mang lại hệ thống thần linh đầu tiên mà sau này người ta sẽ tiếp tục khai triển theo với những điều kiện mới.
Có thể nhìn sự xâm nhập văn hoá Hán từ trên xuống như trường hợp các Lạc tướng chịu làm huyện lệnh mang ấn đồng thao xanh, hay nơi các công tào (Khu Liên, Phan Hâm), các thổ hào (Phùng Hưng, Đỗ Anh Sách, Phạm Đình Chi) mà dấu vết bản xứ vẫn không thể xoá mờ. Lại còn có thể nhìn sự xâm nhập khác biệt giữa vùng đồng bằng và vùng rừng núi, giữa khu vực các lị sở và khu vực bên ngoài các trung tâm đó. Hãy nhìn huyền thoại nhân vật Bà Triệu (248). Nhân vật lịch sử mang đậm tính bản xứ này (một người đàn bà lãnh tụ) nhanh chóng trở về với khu vực văn hoá khác-Hán, có vú dài ba/năm thước, chuyện hẳn là được hình thành về sau, có thể mãi đến thế kỉ VII – IX, thuộc thời đại thành hình phần lớn truyện của VĐULT, thời gian đủ cho sự thoát xác đó được người Trung Quốc ghi nhận ở Thái bình hoàn vũ kí (thế kỉ X). Bà Triệu mang hình ảnh hai bà họ Tẩy trên vùng Nam Trung Hoa, một của thời Triệu Đà, một ở vào thế kỉ VI(4) thuộc vào nửa phần phía bắc có hệ thống người khổng lồ trong nền văn minh Man, theo tên đề nghị của E. Porée-Maspéro.
Tính chất khổng lồ đó được nhấn mạnh ở sự khác thường của cơ quan sinh dục. Nhưng trong khi nhân vật nữ ở Phnom Ci (Kampuchia) được biểu hiện thô tục, gần với tính cách nguyên thuỷ hơn, thì Bà Triệu được tả thanh nhã hơn, bởi đám người chịu ảnh hưởng Hán rõ ràng không chấp nhận một hình ảnh “dâm bôn” tuy họ đã chịu nói đến cặp vú dài (kể cả đủ vắt lên vai!) Nghĩa là dấu vết nguyên thuỷ, bản xứ còn được giữ lại ở hình ảnh Bà Triệu huyền thoại trên vùng rừng núi, trên đất Cửu Chân xa, trong khi Hai Bà Trưng trên vùng đồng bằng phía Bắc vẫn chỉ là người-thần bình thường. Còn ông khổng lồ ở Tống Bình – Đại La thì bị lờ đi dấu vết cơ quan sinh dục nơi người nam Phnom Ci, chỉ có một số đo khác thường về chiều cao mà một phần đặc tính đó của thân xác lại được chuyển qua khu vực lí tưởng hoá để làm nên phần cao quý cho con người Lí Thân. Rồi muộn hơn, nhưng ông khổng lồ Phù Đổng “trở về nguồn” cũng thoát vai thổ địa, hộ pháp để trở thành người anh hùng cứu nước sau thời độc lập.