Chúng ta từng thấy Lí Cao Tông (giữ ngôi 1176 – 1211) xưng là Phật, bị Lê Văn Hưu chê là “không theo phép ở đâu mà thích tự khoe khoang.” Nhưng người chủ của ông sử thần này, Trần Thái Tông, vẫn được tôn là Điều Ngự Vương Phật, là Phật Hoàng, cái “phép ở đâu” đấy không thể tìm được ở phương Bắc của nhà nho mà phải là ở các nước phía Nam chịu ảnh hưởng Ấn Độ, với quan niệm nhìn vua như một thần linh cao cấp – không phải loại thần linh thứ cấp, loại chỉ là con Trời mang xác phàm, phải tế Cha hàng năm qua lễ Giao. Trên đất nước của vương quốc Chàm, Angkor, vua chính là thần linh với yếu tính nhập vào cây trụ đá linga, và quan niệm devarajah đó, có thể dịch rất sát qua chữ Thiên Vương, đã để dấu ấn đậm nơi dân chúng và những người cầm đầu đất Đàng Trong.
Nguyễn Hoàng chỉ là một ông quan của vua Lê – kẻ chỉ dám xưng là con Trời – và với căn bản nho học được đào tạo ở một mức độ nào đó ta không rõ, lúc đầu, ông không thể xưng – hoặc nhận tôn xưng – một cái gì đó vượt lên trên người ban chức tước cho ông. Các sử quan nhà Nguyễn của Thực lục tiền biên không nhắc đến tên chúa Tiên của người đương thời gán cho, theo bằng cớ của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1736 ) trong tác phẩm của ông (1719), nhưng lại không dừng được, phải xác nhận thêm một sự kiện lí thú: “Đời gọi [ông] là Thiên Vương,”(3) nghĩa là nhận lời tôn xưng của đám dân chúng dưới quyền chịu ảnh hưởng quan niệm về tính cách thần linh của người chủ tể, quan niệm từ đám dân chúng bại trận truyền sang – mà đối với những người này thì đó lại là điều hiển nhiên. Năm 1689, dưới đời cháu ông, Nguyễn Phúc Trăn, khi tướng Mai Vạn Long vào Đồng Nai đánh Cao Miên, luôn tiện thanh toán Hoàng Tiến, thì một tướng Minh lưu vong, thuộc quyền Vạn Long, đi dụ Hoàng Tiến đã dùng chữ Thiên Vương để gọi chúa Nguyễn.(4) Với hai chúa, ta gặp cùng một xưng tụng trên hai vùng đất xưa kia thuộc hai quyền bính khác nhau. Và sự việc một người ở một vùng có quan niệm rõ rệt về thuyết trị nước của Nho Giáo mà gọi người chủ đất di trú của họ như thế chứng tỏ quan niệm bản xứ mạnh mẽ đến chừng nào.
Ảnh hưởng đó lên đến tận tột đỉnh quyền lực, thâm nhập vào các chúa Nguyễn. Từ truyền thống sẵn có của vùng đất, họ nhận ra họ cần một sự thần phục tuyệt đối của đám dân chúng dưới quyền bao gồm những người cùng dòng giống dân tộc nhưng không dễ gì ràng buộc, và lớp người khác chủng tộc dù đã quy hàng, nhưng sự cách biệt sâu sắc với những người này về nhiều yếu tố cũng khiến họ phải đề phòng. Trong trường hợp đó, mượn quan niệm thần thánh của địa phương sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn, vì vừa cắt đứt được với quá khứ, vừa thâm nhập với hiện tại, chưa kể những thu hoạch của tương lai. Nguyễn Hoàng chấp nhận khá muộn, tuy đã có dáng rành rẽ sau chuyến trở lại năm 1600 (vấn đề Thiên Mụ bàn sau) nên Nguyễn Phúc Nguyên ý thức ngay được vị thế thần linh sẽ có ích lợi như thế nào trong việc thực hiện di huấn của người cha. Tuy ông không xưng là Thiên Vương, mà là Phật Chủ (chúa Sãi), nhưng nội dung thần linh muốn đạt tới cũng là một, như trước ông, những vị chủ nước xây dựng Đồng Dương, Angkor Vat.
Thời gian qua đi, có nhiều đổi thay nhưng nội dung ấy vẫn còn đấy. Họ Nguyễn cần một lớp thư lại để tổ chức cai trị Đàng Trong phụ tá cho lớp người xứ gốc “Quý huyện, Quý hương” Tống Sơn Gia Miêu, nên mở ra nhiều khoa thi khiến ảnh hưởng nho xâm nhập càng nhiều, cùng lúc với tác động của đám Minh thần lưu vong và dân Trung Hoa phiêu lưu tìm danh vọng, tiền bạc nơi xứ này. Nguyễn Phúc Chu muốn lập một nước riêng, đã xưng là Đại Việt Quốc Vương (1695) theo đúng cung cách của một vương quyền Nho Giáo như ở phía Bắc. Thế mà nửa thế kỉ sau, khi Nguyễn Phúc Khoát lấy vương hiệu thực thụ (1744), thì danh xưng Thiên Vương vẫn xuất hiện. Theo bằng cớ còn lại, xưng Thiên Vương lúc này là để dùng với các lân bang được coi là thuộc quốc,(5) sự kiêu ngạo của nước tự coi là lớn thật là rõ rệt nhưng ẩn khuất bên trong vẫn còn có nội dung của truyền thống mới xác lập từ ông chúa đầu tiên.
Ý nghĩa đó theo thời gian có bị phai lạt phần nào trên tột đỉnh quyền bính, lại vẫn đậm đà trong dân chúng, nơi chứng cớ xuất hiện gần ba mươi năm sau với một nhóm người đối nghịch rồi sẽ lập vương triều mới. Nguyễn Nhạc vẫn có danh hiệu Thiên Vương trên sách vở chữ Hán, nhưng nhờ các giáo sĩ ghi lại, ta biết danh hiệu đúng của dân chúng tôn xưng: Vua Trời. Nguồn gốc địa phương hẻo lánh của anh em Tây Sơn và thành phần tiểu lại cường hào của họ khiến danh xưng nôm na này càng phản ảnh được quan niệm về quyền bính tối cao mang tính thiêng liêng riêng biệt của lớp dân chúng đương thời theo họ nổi dậy – cũng như đã từng theo kẻ họ sẽ lật đổ. Tập đoàn li khai Đàng Trong tuy không tìm được một nguyên tắc tổ chức xã hội nào mới ngoài khuôn khổ của các đế quốc Đông Á, nhưng cũng phải bị thực tế của địa phương nhỏ uốn nắn, thành ra có mang màu sắc riêng biệt để trong khi hoà nhập vào cái chung của toàn thể, vẫn có con đường định mệnh của mình, gây tác động đến cái chung đó.
Chúng ta từng thấy Lí Cao Tông (giữ ngôi 1176 – 1211) xưng là Phật, bị Lê Văn Hưu chê là “không theo phép ở đâu mà thích tự khoe khoang.” Nhưng người chủ của ông sử thần này, Trần Thái Tông, vẫn được tôn là Điều Ngự Vương Phật, là Phật Hoàng, cái “phép ở đâu” đấy không thể tìm được ở phương Bắc của nhà nho mà phải là ở các nước phía Nam chịu ảnh hưởng Ấn Độ, với quan niệm nhìn vua như một thần linh cao cấp – không phải loại thần linh thứ cấp, loại chỉ là con Trời mang xác phàm, phải tế Cha hàng năm qua lễ Giao. Trên đất nước của vương quốc Chàm, Angkor, vua chính là thần linh với yếu tính nhập vào cây trụ đá linga, và quan niệm devarajah đó, có thể dịch rất sát qua chữ Thiên Vương, đã để dấu ấn đậm nơi dân chúng và những người cầm đầu đất Đàng Trong.
Nguyễn Hoàng chỉ là một ông quan của vua Lê – kẻ chỉ dám xưng là con Trời – và với căn bản nho học được đào tạo ở một mức độ nào đó ta không rõ, lúc đầu, ông không thể xưng – hoặc nhận tôn xưng – một cái gì đó vượt lên trên người ban chức tước cho ông. Các sử quan nhà Nguyễn của Thực lục tiền biên không nhắc đến tên chúa Tiên của người đương thời gán cho, theo bằng cớ của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1736 ) trong tác phẩm của ông (1719), nhưng lại không dừng được, phải xác nhận thêm một sự kiện lí thú: “Đời gọi [ông] là Thiên Vương,”(3) nghĩa là nhận lời tôn xưng của đám dân chúng dưới quyền chịu ảnh hưởng quan niệm về tính cách thần linh của người chủ tể, quan niệm từ đám dân chúng bại trận truyền sang – mà đối với những người này thì đó lại là điều hiển nhiên. Năm 1689, dưới đời cháu ông, Nguyễn Phúc Trăn, khi tướng Mai Vạn Long vào Đồng Nai đánh Cao Miên, luôn tiện thanh toán Hoàng Tiến, thì một tướng Minh lưu vong, thuộc quyền Vạn Long, đi dụ Hoàng Tiến đã dùng chữ Thiên Vương để gọi chúa Nguyễn.(4) Với hai chúa, ta gặp cùng một xưng tụng trên hai vùng đất xưa kia thuộc hai quyền bính khác nhau. Và sự việc một người ở một vùng có quan niệm rõ rệt về thuyết trị nước của Nho Giáo mà gọi người chủ đất di trú của họ như thế chứng tỏ quan niệm bản xứ mạnh mẽ đến chừng nào.
Ảnh hưởng đó lên đến tận tột đỉnh quyền lực, thâm nhập vào các chúa Nguyễn. Từ truyền thống sẵn có của vùng đất, họ nhận ra họ cần một sự thần phục tuyệt đối của đám dân chúng dưới quyền bao gồm những người cùng dòng giống dân tộc nhưng không dễ gì ràng buộc, và lớp người khác chủng tộc dù đã quy hàng, nhưng sự cách biệt sâu sắc với những người này về nhiều yếu tố cũng khiến họ phải đề phòng. Trong trường hợp đó, mượn quan niệm thần thánh của địa phương sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn, vì vừa cắt đứt được với quá khứ, vừa thâm nhập với hiện tại, chưa kể những thu hoạch của tương lai. Nguyễn Hoàng chấp nhận khá muộn, tuy đã có dáng rành rẽ sau chuyến trở lại năm 1600 (vấn đề Thiên Mụ bàn sau) nên Nguyễn Phúc Nguyên ý thức ngay được vị thế thần linh sẽ có ích lợi như thế nào trong việc thực hiện di huấn của người cha. Tuy ông không xưng là Thiên Vương, mà là Phật Chủ (chúa Sãi), nhưng nội dung thần linh muốn đạt tới cũng là một, như trước ông, những vị chủ nước xây dựng Đồng Dương, Angkor Vat.
Thời gian qua đi, có nhiều đổi thay nhưng nội dung ấy vẫn còn đấy. Họ Nguyễn cần một lớp thư lại để tổ chức cai trị Đàng Trong phụ tá cho lớp người xứ gốc “Quý huyện, Quý hương” Tống Sơn Gia Miêu, nên mở ra nhiều khoa thi khiến ảnh hưởng nho xâm nhập càng nhiều, cùng lúc với tác động của đám Minh thần lưu vong và dân Trung Hoa phiêu lưu tìm danh vọng, tiền bạc nơi xứ này. Nguyễn Phúc Chu muốn lập một nước riêng, đã xưng là Đại Việt Quốc Vương (1695) theo đúng cung cách của một vương quyền Nho Giáo như ở phía Bắc. Thế mà nửa thế kỉ sau, khi Nguyễn Phúc Khoát lấy vương hiệu thực thụ (1744), thì danh xưng Thiên Vương vẫn xuất hiện. Theo bằng cớ còn lại, xưng Thiên Vương lúc này là để dùng với các lân bang được coi là thuộc quốc,(5) sự kiêu ngạo của nước tự coi là lớn thật là rõ rệt nhưng ẩn khuất bên trong vẫn còn có nội dung của truyền thống mới xác lập từ ông chúa đầu tiên.
Ý nghĩa đó theo thời gian có bị phai lạt phần nào trên tột đỉnh quyền bính, lại vẫn đậm đà trong dân chúng, nơi chứng cớ xuất hiện gần ba mươi năm sau với một nhóm người đối nghịch rồi sẽ lập vương triều mới. Nguyễn Nhạc vẫn có danh hiệu Thiên Vương trên sách vở chữ Hán, nhưng nhờ các giáo sĩ ghi lại, ta biết danh hiệu đúng của dân chúng tôn xưng: Vua Trời. Nguồn gốc địa phương hẻo lánh của anh em Tây Sơn và thành phần tiểu lại cường hào của họ khiến danh xưng nôm na này càng phản ảnh được quan niệm về quyền bính tối cao mang tính thiêng liêng riêng biệt của lớp dân chúng đương thời theo họ nổi dậy – cũng như đã từng theo kẻ họ sẽ lật đổ. Tập đoàn li khai Đàng Trong tuy không tìm được một nguyên tắc tổ chức xã hội nào mới ngoài khuôn khổ của các đế quốc Đông Á, nhưng cũng phải bị thực tế của địa phương nhỏ uốn nắn, thành ra có mang màu sắc riêng biệt để trong khi hoà nhập vào cái chung của toàn thể, vẫn có con đường định mệnh của mình, gây tác động đến cái chung đó.