Hơn hai mươi năm về trước, đã có thời kỳ tôi ở huyện Yên Mỹ. Hồi ấy, tôi mới độ chín mười tuổi.
Vì ngoài phố ít ao, vả giếng gánh nước ở xa, nên nhân dân, ai tắm giặt, phải vào nhờ ao trong huyện cho tiện. Lối từ cổng đến ao, đi sau tư thất của quan phụ mẫu, nên mỗi khi tôi vắt bộ quần áo sạch lên vai, và cầm chiếc gáo sắt tây ở tay để đi tắm, là tôi lại đứng trước chuồng ngựa, ngắm nghía ngựa rất lâu.
Ông huyện nuôi ba con ngựa, một con hồng, một con bạch, và một con ô.
Trong ba con ấy, hai con kể trên không có gì đáng chú ý. Nhưng còn con ngựa ô, bao giờ tôi cũng phải nhìn nó bằng đôi mắt kính phục. Nó cao lớn, trông bề ngoài cũng biết là sắc mắc, bất kham. Nhất là tôi được nghe rất nhiều chuyện về nó.
Con ngựa ô ấy, ông huyện, hồi ở Yên Dũng, đã mua lại của ông phó công sứ Bắc Giang, sắp về Tây. Vì lẽ đó, nó cũng có tên là ngựa tây. Và cũng vì là ngựa tây nên nó không hiền lành như ngựa ta. Nó dữ, khỏe mạnh và hung hăng lắm.
Đã có lần nó cắn anh bồi ngựa một miếng vào tay, máu chảy lênh láng, khi anh ta đang tắm cho nó. Anh bồi đã là tay giỏi ngựa, vậy mà một đôi khi phải chịu nó. Nó có một tính lạ, hễ thấy người đem đồ lại gần để đóng xe, là nó hí lên rầm rĩ, và đá vung vít. Có bận, ba bốn người lính lực lưỡng mới đóng nổi nó vào xe; một người giữ chặt dây hàm thiếc, cho nó khỏi quay lại cắn, hai người bẻ khuỵu hai chân trước, để hễ nó đá bằng hai chân sau, thì nó ngã. Lúc ấy, nó mới chịu. Nhưng động thấy đôi càng xe làm trĩu dây da quàng lưng, là nó phi liền. Vì vậy, người ta phải đóng đồ rõ nhanh, và ai ngồi xe, phải lên ngồi sẵn sàng cả trên đệm. Vì nó mà đã chạy, thì có trời ghìm nổi!
Lần đầu tiên, anh bồi chưa biết tính nó như thế, nên để nó đánh đổ xe, gẫy tan mất một bánh. Lại lần nữa, nó đã cứ xe không, thẳng đường, tế một mạch cho đến tận bến đò, xéo vung vít cả vào người ở chợ, rồi kéo thẳng xe xuống sông. Lại một lần nữa, anh bồi lúng túng, chưa kịp nắm chặt cương, nó đã cuốc. Bà huyện ngồi trên, kêu la rầm rĩ. Nhưng may, khi đến cổng, vì nó quành non quá, đầu càng xe vập vào bờ tường, bà huyện ngã lộn nhào ra đằng trước, sây sát cả mặt mũi. Song, nếu không thế, nó chạy chưa biết đến đâu, và chắc gây nên tai nạn còn lớn hơn nhiều.
Khi con ngựa ô chạy đã xâm xấp mồ hôi, thì nó càng hăng. Nó tế nhanh và dai sức lắm. Có lần nó đã phi ngang xe lửa từ ga Đình Dù đến Phú Thuỵ. Rồi vì tàu phải đỗ ở Phú Thuỵ, nên nó chạy vượt lên. Người bồi nói rằng hôm ấy, hành khách xe lửa, ai cũng phải thò đầu ra cửa để xem cuộc chạy thi của sức máy móc và sức giống vật.
Không những con ngựa ấy khỏe mà thôi, nó lại khôn nữa. Ai lại gần nó thì nó hục hặc, cắn đá, nhưng đến ông huyện đứng cạnh, thì nó hiền lành như con bò. Tha hồ ông vuốt ve, thò tay vành răng nó ra, hai tai nó vẫn cứ cúp ra đằng trước một cách ngoan ngoãn.
Lính huyện còn ca tụng mãi cái việc nó cứu chủ. Một đêm, ông huyện cưỡi nó đi tuần. Xảy gặp một toán đông người, có khí giới. Không biết chúng là bọn cướp, hay chúng thù ông huyện, biết ông đến chỗ ấy, nên đón đường định hại. Chúng ồ ra, chặn lối đi. Bị tai nạn bất thần, ông huyện cuống quít. Nhưng con ngựa ô đá vung vít, giải vây được, và cắm đầu tế một mạch về nhà.
Lại một lần nữa, trong mùa nước to, lý trưởng làng Lực Điền phi báo ông huyện khúc đê sạt bốn mươi trượng, ông huyện cưỡi con ngựa ô đến chỗ xung yếu thì được độ năm phút, ôtô ông sứ đến. Ông sứ cho là ông huyện chăm chỉ, lấy làm bằng lòng lắm. Giá dùng con ngựa hồng hay bạch, tất ông đến sau ông sứ, và sẽ bị quở trách là lười biếng việc quan.
Bởi thế, duy chỉ có ông huyện là quý con ngựa ô, còn cả nhà coi nó như kẻ thù, vì ghét nó quá. Bà huyện bảo đem bán quách nó đi, để tránh những sự nguy hiểm. Người bồi động đến gần nó, là quất trước ít ra là năm chiếc roi gân bò vào mặt nó, để thị uy. Ai có việc phải đến gần nó, cũng trống ngực thình thình, cố mau chóng để tránh cho xa cái hàm răng và cẳng chân ghê gớm của nó.
Những điều tôi kể trên kia, là tôi nghe người bồi ngựa nói lại. Nhưng chính mắt tôi đã trông thấy con ngựa ô ấy chạy nhiều lần. Mỗi khi ở ngoài đường, có hồi nhạc rung đều, là tôi phải bỏ cả sách vở hoặc bát đũa, tức tốc ra đứng ở hè nhà, để dúm miệng lại mà vừa nhìn, vừa sợ. Con ngựa chạy như băm, như bổ. Cát đường bụi mù. Tôi hồi hộp, nhảy lên chồm chồm mà reo:
– Ngựa ô của quan!
Mà chẳng những một mình tôi mới lố bịch như thế. Hàng trăm trẻ con khác còn lố bịch hơn tôi. Chúng chạy theo. Và khi con ngựa đã vào đến sân, chúng thập thò ở ngoài cổng huyện, ngó vào, nhìn con vật thở ì ạch mà bàn tán về nó đến trăm chuyện!
+
Nhưng mấy năm nay, con ngựa ấy già, sức lực nó yếu đi. Nó kém hung hăng và bớt cắn, đá. Song, mỗi khi đi tắm, tôi không thể nào không đứng trước chuồng nó mà ngắm nghía nó bằng đôi mắt kính phục.
Thế rồi một hôm, tôi thấy đồn con ngựa ô ốm.
Tôi đi qua chuồng thấy nó lử thử, nằm duỗi bốn cẳng một cách uể oải. Thúng thóc và bó lá tre để ở phía trong, vẫn còn nguyên. Vài hôm sau, một ông thú y người An Nam ở tỉnh về huyện. Người bồi ngựa nói rằng:
– Quan cho mời quan Đốc về chữa, nhưng quan Đốc bảo nó già và phải bệnh đau ruột, không thể chữa được.
– Thế nó chết à?
Người bồi gật đầu:
– Tại mấy năm trước nó khỏe và làm nhiều quá, nên về già, động ốm là nặng. Quan Đốc bảo đến đốc tờ tây cũng không thể cứu được. Mà có khỏi, nó không thể kéo xe và cưỡi được nữa!
– Con ngựa ấy chết thì hoài nhỉ!
– Chết thì chôn!
Người bồi thản nhiên nói thế. Còn tôi, khi nghe thấy tiếng “chôn”, tôi lại chỉ mong cho con ngựa ô ấy chết thực, để được xem đám ma ngựa nó ra làm sao. Thực vậy, tôi tưởng tượng đến một cái hòm kếch xù là quan tài, trong có xác con ngựa. Rồi vì nặng, nên tất phải đến ba bốn mươi người khênh trên vai mới nổi. Theo sau áo quan, chắc người bồi dắt con ngựa hồng và con ngựa bạch đi theo để đưa ma.
Nhưng sự thực không phải thế.
Sáng hôm sau, khi ông thú y về, bỗng tôi thấy ở cổng huyện một lũ người lôi một cái gì nặng nề, có lũ trẻ phố đứng xem xúm xít. Tôi liền chạy ra, thì ra lính trong huyện với con ngựa ô.
Người ta lôi nó đi chôn.
Thế là đám ma ngựa.
Con ngựa ô bị trói bốn cẳng làm một, đầu thừng có mười người kéo. Cổ nó cũng buộc vào một dây, năm người lôi. Nó nặng lắm. Mười lăm người co hết sức, dô ta rõ đều, mà nhúc nhích được rất chậm. Tôi len vào chỗ trẻ con, đứng lại gần để nhìn, thì bỗng tôi nhủn cả người. Con ngựa ô vẫn chưa chết. Hai mắt nó còn mở, và có lẽ bị đau đớn, nên nó mở to ra, lộn cả lòng trắng ở xung quanh. Nó thở phì phò, và thỉnh thoảng còn cố cựa quậy để chống lại việc bị chôn sống.
Nhưng hễ nó ngóc cổ, hay co chân, là lập tức bị những ngọn gậy thẳng cánh giáng xuống.
Người ta hết sức lôi xềnh xệch con ngựa dần dần đến được bãi cỏ cách huyện độ năm mươi thước tây. ở đấy, đã có một cái hố mới đào. Người ta kéo nó xuống hố.
Nhưng cái mả ấy đào ngắn và hẹp. Khi con ngựa nằm, thì cẳng nó duỗi thẳng, và cổ nó vươn dài. Người ta thử cố ấn cả xuống huyệt; nhưng không được. Đầu nó vẫn ghếch trên mặt bãi, bốn chân nó vẫn lêu đêu chỏng lên trời.
– Đào rộng thêm ra.
Một người lính bảo thế. Nhưng người khác tặc lưỡi, đáp:
– Làm gì có mai có cuốc ở đây. ấn mẹ đầu nó xuống.
– Phải đấy.
Tức thì, người ta lấy chão buộc chặt đầu con vật và lôi gò trở lại. Cổ nó như bị gập đôi, và người ta cố nhét cả cho vừa vào huyệt. Con ngựa đau, thở hừ hừ, lưỡi thè ra ngoài miệng.
Nhưng bỗng người ta lại nói:
– Đấy, đã bảo mà, đi mượn mai đào rộng ra. Lười thế nào được. Còn chân nó vẫn ở trên kia kìa.
Anh bồi nhìn xung quanh, thấy một người có con dao rựa, vội reo lên:
– Được rồi!
Dứt lời, anh giật lấy dao và giơ thẳng cánh, chặt đôm đốp vào đầu gối con vật. Nó đau quá, giãy lên. Nhưng độ mười phút, bốn cẳng nó lủng lẳng, rồi cụt dần. Xương trắng và thịt đỏ chồi ra.
Song, bọn lính được một trò cười nôn ruột. Chắc lúc ấy, con ngựa tưởng có thể chạy trốn sự đau đớn, nên nó dùng hết sức tàn để băm bằng bốn cẳng cụt. Nó băm nhanh biến, như lúc nó phi nước đại. Tiếng cười và vỗ tay giòn tan. Bọn lính pha trò:
– ái chà, đến tỉnh rồi đấy!
Họ lại cười ầm ĩ. Con ngựa chạy không như thế, trước rất khỏe và nhanh, sau yếu và chậm dần, và sau hết, muốn chừng kiệt lực, nó không cử động nữa. Tôi chăm chắm nhìn trò ngộ nghĩnh. Khi không được cười nữa, người ta lại bổ lưỡi dao vào mặt nó để nhắc nó chạy đi. Quả nhiên, nó lại lắp bắp bốn cẳng trên không, và tiếng cười lại nổi lên rầm rĩ.
Tôi cười, nhảy lên mà cười, vỗ tay mà cười. Vui quá! Rồi mỗi khi con ngựa mệt, nằm im, lại có người cho một nhát dao mạnh vào thân nó, để cho nó lại khua bằng bốn chân cụt.
Mãi đến một giờ sau, khi trò ấy nhắc đi nhắc lại đến năm sáu lượt, không được người ta hoan nghênh nhiệt liệt nữa, bọn lính mới quẳng bốn đẫn chân xuống hố, và bắt đầu lấp đất lên. Lúc ấy, mắt con ngựa vẫn còn mở trừng trừng, và bụng nó vẫn còn phập phồng thở…
1938
PTBNS số 61; 16-6-1940
Hơn hai mươi năm về trước, đã có thời kỳ tôi ở huyện Yên Mỹ. Hồi ấy, tôi mới độ chín mười tuổi.
Vì ngoài phố ít ao, vả giếng gánh nước ở xa, nên nhân dân, ai tắm giặt, phải vào nhờ ao trong huyện cho tiện. Lối từ cổng đến ao, đi sau tư thất của quan phụ mẫu, nên mỗi khi tôi vắt bộ quần áo sạch lên vai, và cầm chiếc gáo sắt tây ở tay để đi tắm, là tôi lại đứng trước chuồng ngựa, ngắm nghía ngựa rất lâu.
Ông huyện nuôi ba con ngựa, một con hồng, một con bạch, và một con ô.
Trong ba con ấy, hai con kể trên không có gì đáng chú ý. Nhưng còn con ngựa ô, bao giờ tôi cũng phải nhìn nó bằng đôi mắt kính phục. Nó cao lớn, trông bề ngoài cũng biết là sắc mắc, bất kham. Nhất là tôi được nghe rất nhiều chuyện về nó.
Con ngựa ô ấy, ông huyện, hồi ở Yên Dũng, đã mua lại của ông phó công sứ Bắc Giang, sắp về Tây. Vì lẽ đó, nó cũng có tên là ngựa tây. Và cũng vì là ngựa tây nên nó không hiền lành như ngựa ta. Nó dữ, khỏe mạnh và hung hăng lắm.
Đã có lần nó cắn anh bồi ngựa một miếng vào tay, máu chảy lênh láng, khi anh ta đang tắm cho nó. Anh bồi đã là tay giỏi ngựa, vậy mà một đôi khi phải chịu nó. Nó có một tính lạ, hễ thấy người đem đồ lại gần để đóng xe, là nó hí lên rầm rĩ, và đá vung vít. Có bận, ba bốn người lính lực lưỡng mới đóng nổi nó vào xe; một người giữ chặt dây hàm thiếc, cho nó khỏi quay lại cắn, hai người bẻ khuỵu hai chân trước, để hễ nó đá bằng hai chân sau, thì nó ngã. Lúc ấy, nó mới chịu. Nhưng động thấy đôi càng xe làm trĩu dây da quàng lưng, là nó phi liền. Vì vậy, người ta phải đóng đồ rõ nhanh, và ai ngồi xe, phải lên ngồi sẵn sàng cả trên đệm. Vì nó mà đã chạy, thì có trời ghìm nổi!
Lần đầu tiên, anh bồi chưa biết tính nó như thế, nên để nó đánh đổ xe, gẫy tan mất một bánh. Lại lần nữa, nó đã cứ xe không, thẳng đường, tế một mạch cho đến tận bến đò, xéo vung vít cả vào người ở chợ, rồi kéo thẳng xe xuống sông. Lại một lần nữa, anh bồi lúng túng, chưa kịp nắm chặt cương, nó đã cuốc. Bà huyện ngồi trên, kêu la rầm rĩ. Nhưng may, khi đến cổng, vì nó quành non quá, đầu càng xe vập vào bờ tường, bà huyện ngã lộn nhào ra đằng trước, sây sát cả mặt mũi. Song, nếu không thế, nó chạy chưa biết đến đâu, và chắc gây nên tai nạn còn lớn hơn nhiều.
Khi con ngựa ô chạy đã xâm xấp mồ hôi, thì nó càng hăng. Nó tế nhanh và dai sức lắm. Có lần nó đã phi ngang xe lửa từ ga Đình Dù đến Phú Thuỵ. Rồi vì tàu phải đỗ ở Phú Thuỵ, nên nó chạy vượt lên. Người bồi nói rằng hôm ấy, hành khách xe lửa, ai cũng phải thò đầu ra cửa để xem cuộc chạy thi của sức máy móc và sức giống vật.
Không những con ngựa ấy khỏe mà thôi, nó lại khôn nữa. Ai lại gần nó thì nó hục hặc, cắn đá, nhưng đến ông huyện đứng cạnh, thì nó hiền lành như con bò. Tha hồ ông vuốt ve, thò tay vành răng nó ra, hai tai nó vẫn cứ cúp ra đằng trước một cách ngoan ngoãn.
Lính huyện còn ca tụng mãi cái việc nó cứu chủ. Một đêm, ông huyện cưỡi nó đi tuần. Xảy gặp một toán đông người, có khí giới. Không biết chúng là bọn cướp, hay chúng thù ông huyện, biết ông đến chỗ ấy, nên đón đường định hại. Chúng ồ ra, chặn lối đi. Bị tai nạn bất thần, ông huyện cuống quít. Nhưng con ngựa ô đá vung vít, giải vây được, và cắm đầu tế một mạch về nhà.
Lại một lần nữa, trong mùa nước to, lý trưởng làng Lực Điền phi báo ông huyện khúc đê sạt bốn mươi trượng, ông huyện cưỡi con ngựa ô đến chỗ xung yếu thì được độ năm phút, ôtô ông sứ đến. Ông sứ cho là ông huyện chăm chỉ, lấy làm bằng lòng lắm. Giá dùng con ngựa hồng hay bạch, tất ông đến sau ông sứ, và sẽ bị quở trách là lười biếng việc quan.
Bởi thế, duy chỉ có ông huyện là quý con ngựa ô, còn cả nhà coi nó như kẻ thù, vì ghét nó quá. Bà huyện bảo đem bán quách nó đi, để tránh những sự nguy hiểm. Người bồi động đến gần nó, là quất trước ít ra là năm chiếc roi gân bò vào mặt nó, để thị uy. Ai có việc phải đến gần nó, cũng trống ngực thình thình, cố mau chóng để tránh cho xa cái hàm răng và cẳng chân ghê gớm của nó.
Những điều tôi kể trên kia, là tôi nghe người bồi ngựa nói lại. Nhưng chính mắt tôi đã trông thấy con ngựa ô ấy chạy nhiều lần. Mỗi khi ở ngoài đường, có hồi nhạc rung đều, là tôi phải bỏ cả sách vở hoặc bát đũa, tức tốc ra đứng ở hè nhà, để dúm miệng lại mà vừa nhìn, vừa sợ. Con ngựa chạy như băm, như bổ. Cát đường bụi mù. Tôi hồi hộp, nhảy lên chồm chồm mà reo:
– Ngựa ô của quan!
Mà chẳng những một mình tôi mới lố bịch như thế. Hàng trăm trẻ con khác còn lố bịch hơn tôi. Chúng chạy theo. Và khi con ngựa đã vào đến sân, chúng thập thò ở ngoài cổng huyện, ngó vào, nhìn con vật thở ì ạch mà bàn tán về nó đến trăm chuyện!
+
Nhưng mấy năm nay, con ngựa ấy già, sức lực nó yếu đi. Nó kém hung hăng và bớt cắn, đá. Song, mỗi khi đi tắm, tôi không thể nào không đứng trước chuồng nó mà ngắm nghía nó bằng đôi mắt kính phục.
Thế rồi một hôm, tôi thấy đồn con ngựa ô ốm.
Tôi đi qua chuồng thấy nó lử thử, nằm duỗi bốn cẳng một cách uể oải. Thúng thóc và bó lá tre để ở phía trong, vẫn còn nguyên. Vài hôm sau, một ông thú y người An Nam ở tỉnh về huyện. Người bồi ngựa nói rằng:
– Quan cho mời quan Đốc về chữa, nhưng quan Đốc bảo nó già và phải bệnh đau ruột, không thể chữa được.
– Thế nó chết à?
Người bồi gật đầu:
– Tại mấy năm trước nó khỏe và làm nhiều quá, nên về già, động ốm là nặng. Quan Đốc bảo đến đốc tờ tây cũng không thể cứu được. Mà có khỏi, nó không thể kéo xe và cưỡi được nữa!
– Con ngựa ấy chết thì hoài nhỉ!
– Chết thì chôn!
Người bồi thản nhiên nói thế. Còn tôi, khi nghe thấy tiếng “chôn”, tôi lại chỉ mong cho con ngựa ô ấy chết thực, để được xem đám ma ngựa nó ra làm sao. Thực vậy, tôi tưởng tượng đến một cái hòm kếch xù là quan tài, trong có xác con ngựa. Rồi vì nặng, nên tất phải đến ba bốn mươi người khênh trên vai mới nổi. Theo sau áo quan, chắc người bồi dắt con ngựa hồng và con ngựa bạch đi theo để đưa ma.
Nhưng sự thực không phải thế.
Sáng hôm sau, khi ông thú y về, bỗng tôi thấy ở cổng huyện một lũ người lôi một cái gì nặng nề, có lũ trẻ phố đứng xem xúm xít. Tôi liền chạy ra, thì ra lính trong huyện với con ngựa ô.
Người ta lôi nó đi chôn.
Thế là đám ma ngựa.
Con ngựa ô bị trói bốn cẳng làm một, đầu thừng có mười người kéo. Cổ nó cũng buộc vào một dây, năm người lôi. Nó nặng lắm. Mười lăm người co hết sức, dô ta rõ đều, mà nhúc nhích được rất chậm. Tôi len vào chỗ trẻ con, đứng lại gần để nhìn, thì bỗng tôi nhủn cả người. Con ngựa ô vẫn chưa chết. Hai mắt nó còn mở, và có lẽ bị đau đớn, nên nó mở to ra, lộn cả lòng trắng ở xung quanh. Nó thở phì phò, và thỉnh thoảng còn cố cựa quậy để chống lại việc bị chôn sống.
Nhưng hễ nó ngóc cổ, hay co chân, là lập tức bị những ngọn gậy thẳng cánh giáng xuống.
Người ta hết sức lôi xềnh xệch con ngựa dần dần đến được bãi cỏ cách huyện độ năm mươi thước tây. ở đấy, đã có một cái hố mới đào. Người ta kéo nó xuống hố.
Nhưng cái mả ấy đào ngắn và hẹp. Khi con ngựa nằm, thì cẳng nó duỗi thẳng, và cổ nó vươn dài. Người ta thử cố ấn cả xuống huyệt; nhưng không được. Đầu nó vẫn ghếch trên mặt bãi, bốn chân nó vẫn lêu đêu chỏng lên trời.
– Đào rộng thêm ra.
Một người lính bảo thế. Nhưng người khác tặc lưỡi, đáp:
– Làm gì có mai có cuốc ở đây. ấn mẹ đầu nó xuống.
– Phải đấy.
Tức thì, người ta lấy chão buộc chặt đầu con vật và lôi gò trở lại. Cổ nó như bị gập đôi, và người ta cố nhét cả cho vừa vào huyệt. Con ngựa đau, thở hừ hừ, lưỡi thè ra ngoài miệng.
Nhưng bỗng người ta lại nói:
– Đấy, đã bảo mà, đi mượn mai đào rộng ra. Lười thế nào được. Còn chân nó vẫn ở trên kia kìa.
Anh bồi nhìn xung quanh, thấy một người có con dao rựa, vội reo lên:
– Được rồi!
Dứt lời, anh giật lấy dao và giơ thẳng cánh, chặt đôm đốp vào đầu gối con vật. Nó đau quá, giãy lên. Nhưng độ mười phút, bốn cẳng nó lủng lẳng, rồi cụt dần. Xương trắng và thịt đỏ chồi ra.
Song, bọn lính được một trò cười nôn ruột. Chắc lúc ấy, con ngựa tưởng có thể chạy trốn sự đau đớn, nên nó dùng hết sức tàn để băm bằng bốn cẳng cụt. Nó băm nhanh biến, như lúc nó phi nước đại. Tiếng cười và vỗ tay giòn tan. Bọn lính pha trò:
– ái chà, đến tỉnh rồi đấy!
Họ lại cười ầm ĩ. Con ngựa chạy không như thế, trước rất khỏe và nhanh, sau yếu và chậm dần, và sau hết, muốn chừng kiệt lực, nó không cử động nữa. Tôi chăm chắm nhìn trò ngộ nghĩnh. Khi không được cười nữa, người ta lại bổ lưỡi dao vào mặt nó để nhắc nó chạy đi. Quả nhiên, nó lại lắp bắp bốn cẳng trên không, và tiếng cười lại nổi lên rầm rĩ.
Tôi cười, nhảy lên mà cười, vỗ tay mà cười. Vui quá! Rồi mỗi khi con ngựa mệt, nằm im, lại có người cho một nhát dao mạnh vào thân nó, để cho nó lại khua bằng bốn chân cụt.
Mãi đến một giờ sau, khi trò ấy nhắc đi nhắc lại đến năm sáu lượt, không được người ta hoan nghênh nhiệt liệt nữa, bọn lính mới quẳng bốn đẫn chân xuống hố, và bắt đầu lấp đất lên. Lúc ấy, mắt con ngựa vẫn còn mở trừng trừng, và bụng nó vẫn còn phập phồng thở…
1938
PTBNS số 61; 16-6-1940