Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Truyện Ngắn Nguyễn Công Hoan

Người vợ lẽ bạn tôi

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Cái lần tôi đến thăm anh Quý ở Bắc Ninh, vào hồi sáu tháng trước đây, là lần tôi thấy anh ấy đối với tôi nhạt nhẽo và ngượng nghịu nhất.

Tôi không ngờ và cũng không để ý đến thái độ ấy. Vì hai chúng tôi thân với nhau từ thuở để chỏm. Có thể nói theo lối thiếu vệ sinh nhưng đầy thi vị, là “con chấy cắn đôi”.

Vì chúng tôi đã lâu mới gặp nhau, nên bao nhiêu chuyện để trong bụng bấy nay, tôi lôi hết ra để nói. Và cố nhiên, khi chuyện đã hết, tôi thấy đói. Tôi ngồi yên, ngáp vặt, đợi cơm trong buồng khách tranh tối tranh sáng. Bỗng anh Quý ngập ngừng, rồi cười và bảo:

– Này, anh ạ, cái “trống cà rùng” hồi ấy, tôi mới cho về ở đây.

Nói xong, anh lại cười, bằng cái cười chữa thẹn. Mà tôi thì sực nhớ ra.

Nguyên từ ngày Quý đổi về Bắc Ninh, anh không đem vợ đi theo nữa. Anh thường phàn nàn ở bên quê lắm việc, mà cha mẹ thì già, nên vợ anh phải ở lại để trông nom cửa nhà và đồng áng.

Bởi vậy, nghề thế, được thả lỏng, anh đâm ra chơi bời. Và không hiểu tí toáy thế nào, mà cô đầu Huệ có mang với anh.

Hồi ấy, anh có cho tôi biết. Và trong thư, anh gọi Huệ là “Trống cà rùng”.

Cho nên vừa nghe ba tiếng “Trống cà rùng”, tôi vội nói:

– Thế à? Đã đẻ rồi kia à?

Quý thấy tôi không tỏ ý gì, cười rõ to, vui vẻ đáp:

– ồ, đã hơn hai tháng nay.

– Con trai hay con gái?

– Con trai. Tôi mới cho mẹ con nó về đây hôm qua.

Rồi bùi ngùi, anh tiếp:

– Bởi vì dưới ấy, nhà ở thiếu vệ sinh, mình trông thấy đứa bé mà không yên tâm chút nào. Gia dĩ, con mẹ chủ nó cứ doạ đuổi.

– Phải, làm cô đầu lại có con, thì ai người ta nuôi báo cô.

– Không phải thế. Từ ngày nó có mang, tôi vẫn phải cấp tiền. Nhưng mình thì tốn kém mà nó phải chịu rúc trong cái chái nhà ẩm thấp, tối tăm, cửa giả chả có. Nhất là từ ngày nó đẻ, tôi càng không đang tâm cho thằng bé con ở đấy.

– Thế chị ấy đã biết tin này chưa?

Quý thở dài:

– Chưa. Nhưng tôi giấu sao nổi. Nhà tôi chẳng bằng lòng cũng chẳng được.

Nói đoạn, anh đứng dậy, rủ tôi:

– Anh vào mà xem mặt thằng bé. Nó giống tôi lắm.

Tôi theo Quý. Đến buồng ngủ, tôi nhìn vào trong giường, nhưng Quý cười, bảo:

– Huệ nó len lét, cả ngày chẳng dám lên nhà trên.

Qua sân xong, chúng tôi cúi đầu cho khỏi đụng mái bếp. Đứng trong nhà mà ngọn lửa lập loè của mấy thanh củi cháy lom dom không đủ làm cho đỡ tối, tôi bị khói làm cay cả mắt, và rất khó thở.

Tôi dừng lại để nhận kỹ. Cạnh lò, người bếp đương thổi cơm, và tận góc phản ngả mâm, một người quần áo thâm đen ngòm, ngồi bế con. Quý đến gần, đánh diêm soi vào mắt thằng bé đang ngủ say. Tôi nhìn nó, nhân tiện liếc trộm vào mặt Huệ. Người đàn bà thấy có khách lạ, lại bị ánh sáng chiếu gần, thì bẽn lẽn, cúi gầm xuống, và cũng không dám nhếch mép để chào nữa. Vì chắc người ấy không rõ tôi là bạn hay họ với Quý, và biết chào là gì.

Không muốn đứng đó để Huệ thẹn lâu, tôi quay gót đi lên. Và bảo Quý:

– Trong bếp khói quá, thở rất độc. Anh nên cho thằng cháu lên nhà trên.

Quý chán nản đáp:

– Mặc kệ, bảo mãi chẳng nghe. Biết thế, tôi không cho về đây lại xong. Vì về đây, mà cứ cả ngày chúi xuống bếp, thì cũng thế.

Tôi nói nhỏ:

– Thì buổi đầu về nhà lạ, ai chả ngượng?

– Anh bảo ngượng với ai? Cả nhà chỉ có tôi với thằng Hương, với thằng bếp, còn thẹn thò quái gì nữa?

Viết đến đây, tôi cần ngoặc dấu chua nghĩa để nói rõ rằng thằng Hương là con trai anh Quý, đã lên năm, và người làm bếp là cháu họ xa của anh, theo anh gần mười năm nay để giúp việc thổi nấu. Anh rất tin cẩn hắn, vì hắn thật thà có một. Nội tiền nong, và thìa khóa hòm, tủ, anh vẫn giao cho hắn giữ. Anh coi hắn như cánh tay phải, như người nội tướng đảm đang vậy.

Tôi hỏi:

– Thằng Hương đối với Huệ ra làm sao?

– Nó bé, đã biết quái gì.

– Thế Huệ đối với nó?

Quý tự đắc đáp:

– Huệ sợ cả từ thằng bếp sợ đi!

Vừa lúc ấy, người bếp dọn cơm lên bàn, Quý cười, chỉ vào hắn và nói:

– Chẳng tin, anh cứ hỏi nó mà xem.

Người bếp vui sướng, khoe:

– Thật đấy, thưa cậu. Cô ấy vâng cả với con. Con bảo mãi mà cô ấy vẫn cứ quen mồm. Cô ấy chả dám nhờ con làm việc gì cả. Lắm lúc con rỗi, thấy cô ấy vừa bế em vừa đun nước pha sữa, con tranh làm hộ, nhưng cô ấy nhất định không nghe. Bất đắc dĩ, muốn bảo con làm việc gì, thì cô ấy đến tận nơi, khẽ nói: “Anh làm phúc chịu rầu hộ tôi việc này, việc nọ”. Ăn cơm, cô ấy cũng mời con một cách lễ phép.

Tôi cười nói đùa:

– Phải, bởi vì anh là một nhân vật quan trọng trong nhà này.

Bữa ăn ấy, Huệ không dám ngồi với chúng tôi. Người đàn bà địa vị kém cỏi ấy không rời ra khỏi xó bếp. Vì chắc chị ta tự xét chỉ xứng đáng với nơi thấp hèn ấy mà thôi.

+

  • +

Cách đó hai tháng, một hôm tôi có việc phải qua Bắc Ninh. Nhân tiện, tôi vào thăm anh Quý.

Nhưng lúc ấy, cả Quý lẫn Huệ và người bếp cùng không có nhà. Tôi hỏi thằng Hương về em bé nó, thì nói nói:

– Vú em bế sang chơi nhà bên cạnh.

Tôi chờ trong chốc lát. Bỗng có chiếc xe đỗ phịch trước cửa. Một người đàn bà mở ví tay lấy tiền trả xong, thoăn thoắt mở cửa bước vào. Tôi biết ngay là Huệ, vì còn nhớ mặt, dù lần trước mới thoáng trông trong bóng tối.

Huệ hôm nay không phải là Huệ hai tháng về trước. Huệ hôm nay hoàn toàn là một thiếu phụ tân thời, vợ ông phán trẻ.

Chị ta thấy tôi, cúi đầu xuống chào, và nói một cách bạo dạn:

– Bác mới sang chơi? Nhà em cũng sắp về.

Đoạn Huệ vào buồng ngủ. Tôi để ý, thấy tiếng loẻng xoẻng chùm thìa khoá, và tiếng cánh cửa tủ kẹt mở và đóng đánh sình. Đoạn Huệ gọi bằng tiếng lanh lảnh:

– Vú em ơi!

Không thấy ai đáp, chị ta gọi:

– Hương! Vú em đâu?

– Thưa dì, vú ấy ở bên bà đốc ạ.

– Gọi vú ấy về đun nước bác xơi chứ? Con nhà, chẳng biết gì cả?

Rồi Huệ vui vẻ chạy ra nói với tôi:

– Thưa bác, chúng nó đoảng quá. Bác miễn trách cho. Cả thằng bếp nữa, đi tám nhăm trống canh chưa về!

Hôm ấy, thật tôi rất ngạc nhiên về sự thay đổi từ cử chỉ cho đến cách ăn nói của Huệ. Tôi không thấy tăm bóng người đàn bà sợ sệt, len lét ngồi dưới bếp nữa. Tôi chỉ thấy một người hợm hĩnh, cố khoe tài nội trợ. Người ấy mắng vú em không coi nhà, sai đầy tớ quạt than để là quần áo, và xuống bếp làm giúp đồ ăn. Rồi khi người bếp bưng cơm ra buồng khách, thấy tôi, anh ta ngó cổ vào trong nhà. Khi yên trí rằng không có ai, anh ta mới đứng cạnh tôi, thở dài, bĩu môi, thì thầm than thở:

– Động có khách lạ đến, là làm ra dáng chăm chỉ lắm. Còn lúc không, cả ngày chỉ nằm ăn vạ trên giường để nhổ vặt. Đến nỗi con cũng không nuôi nổi, phải thuê vú em. ấy thế mà còn đài các, lắm lúc mắng vú em như tát nước vào mặt. Thưa cậu, cậu con bây giờ ăn ở khác lắm, không được như trước nữa. Cậu con cả nghe cô ấy lắm, nhiều lần mắng cả anh Hương lẫn con. Ngày trước, nói đến cô ấy, cậu con vẫn gọi là nó, và dặn con nên trông nom cửa nhà cẩn thận, kẻo cậu con không tin cô ấy đâu. Thế mà bây giờ đã giao thìa khoá tủ cho rồi. Con tính nay mai cậu con đưa nốt lương tháng cho cô ấy chi tiêu nữa, là cửa nhà tan nát.

– Thế mợ phán đã biết cậu có vợ lẽ chưa?

– Cũng đã có người nói đến tai. Mà từ lúc cô ấy hỏi dò, biết mợ con hiền lành, thì lại càng giở ra nhiều cái nực cười. Cô ấy làm nũng cậu con, có ý giữ cậu con, chẳng muốn cho đi lại chơi bời với ai. Thỉnh thoảng, đối với con, cô ấy cũng không coi vào đâu. Tưởng chừng như cô ấy muốn coi con như hạng đầy tớ khác. Từ ngày cô ấy về, cậu con không tin cậy con như trước nữa. Mà con làm việc gì, có cô ấy xen vào, con thấy khó chịu lắm. Hình như cô ấy tước cả cái tự do của con vậy.

– Cô ấy thay đổi chóng lắm nhỉ.

– Vâng. Trước kia ai chẳng tưởng cô ấy chỉ cả ngày loanh quanh dưới bếp, sợ hãi từ con trở đi. Chứ có ngờ đâu. Nhưng độ một tuần, cô ấy đã mon men hay lên nhà trên. Rồi đi đứng, nói năng quen đi, không ngượng nghịu nữa. Và đã mấy lần có bạn đến, cô ấy tiếp, nhưng chỉ thì thầm với nhau trong buồng trong. Cô ấy có dám ló mặt ra đến phố đâu. Mà động thấy có ai lạ vào nhà, là thụt cho mau xuống bếp. Nhưng dần dần, độ ngoài một tháng, thì khi vắng cậu con, cô ấy đã mời khách ngồi ở xa lông, nói năng, cười đùa rầm rầm. Song cô ấy sợ con mách, nên nói lót, ngọt ngào lắm. Bây giờ thì bà ấy công nhiên mời khách ngồi ghế bành thả cửa, dù cậu con có nhà cũng vậy. Và thỉnh thoảng lại sĩ diện, quai mồm ra gọi “Bếp ơi!”. Con hầu cậu con, chứ con việc gì phải làm đầy tớ đồ đĩ ấy. Con chẳng ra gì cũng là cháu cậu con. Con gọi cô ấy là cô đã là quá đáng. Vì con sợ cậu con mà nhận cô ấy là vợ lẽ, chứ bất quá cô ấy chỉ ngang hàng với con là cùng!

Bữa cơm hôm ấy, Huệ cùng ngồi ăn với chúng tôi. Nàng cử chỉ lễ phép, không dám nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng săn sóc cơm nước, sai bảo người bếp một cách ngọt ngào mà thôi.

+

  • +

Nhưng hôm nay thì không thế nữa.

Hôm nay, vì anh Quý viết giấy mời tôi về Bắc Ninh để anh hỏi ý kiến về chuyện gia đình, nên tôi đến thăm anh.

Anh nhờ tôi nuôi thằng Hương để dạy dỗ nó, nói thác rằng nó mến tôi, chỉ đòi được ở với tôi. Nhưng tôi biết thừa là thằng bé khốn nạn đã nhiều lần bị vợ lẽ của cha đánh đập tàn nhẫn.

Khi tôi hỏi sao người bếp không ở với anh nữa, thì Quý còn tức giận, đáp:

– Anh tính, bạc ác đến nó là cùng. Nó đi theo tôi từng ấy năm. Trước kia tôi giao cả tiền nong cho nó, mà có một lần, nó nỡ ăn cắp của tôi.

– Anh bắt được?

– Bà cụ nhà tôi, à, bà đẻ ra Huệ ấy mà, rình bắt được. Chứ tôi tin nó quá, nên không ngờ.

Lúc ấy, Huệ ở nhà trong, chạy ra, nói xen vào:

– Vâng, nó lấy của nhà tôi hai chục, giấu trong hòm. Thì ra trước kia, giá nhà tôi có bị nó rút ruột rút gan bao nhiêu cũng không biết.

Quý nhìn vợ, cười nhạt, rồi nói với tôi:

– Cho nên tôi phải giao tiền nong cho nhà tôi giữ. Mình thì bận, còn có lúc nào để mắt đến hết mọi việc được.

Huệ nói:

– Rồi, thưa bác, muốn chừng biết từ nay không thể xơ múi gì nữa, nó mới chán cảnh, và cứ sinh sự với tôi. ấy, đi ăn đi ở mà cứ hỗn với chủ nhà, thì bác tính còn trời đất nào nữa. Tôi mới bảo nhà tôi đánh cho một trận và tống đi.

Thấy Huệ nói giọng lên bộ quá, tôi hiểu tất cả ẩn tình. Đầy tớ trung thành bị đuổi, con rứt ruột phải xa lìa, không rõ Quý có hiểu hiện gia đình anh đương bị một cuộc ngoại xâm ghê gớm hay không? Nhưng vẫn không thấy tình thế nghiêm trọng, anh còn khoe thêm rất tự đắc:

– Bây giờ tôi nuôi thằng bé này, cũng như thằng bếp trước, vì nó là người làng nhà tôi đây. Nó ngoan lắm.

Tôi cười nhạt, không trả lời.

Tôi muốn nói cho Quý rõ về thực trạng gia đình anh. Muốn chừng Huệ hiểu ý. Cho nên, khi ăn cơm xong, như mọi lần, tôi rủ Quý đi chơi phố. Song, thoáng thấy Huệ đưa mắt cho chồng, thì Quý ra ý ngần ngừ, khó chịu. Nhưng đồng thời, người thiếu phụ kêu khó ở, vào buồng nằm.

Quý theo Huệ vào một lát, rồi lúc ra, anh cố tươi cười để lấy lòng tôi, và nói:

– Nhà tôi nó mệt, anh cho đến khi khác.

+

  • +

Tôi biết Quý không còn khi nào để có thể đi chơi với tôi. Vì cả đến cái tự do của anh cũng bị cô vợ lẽ chiếm nốt. Hẳn từ nay, tự nhiên hoàn toàn anh bị tước quyền làm chủ nhân ông.

Thì ra ở đời, mỗi khi nước nọ xâm chiếm nước kia, cuộc chinh phục về mặt kinh tế, về mặt chính trị, cũng đi dần dần từng bước nguy hiểm như vậy.

Tôi đã thấy bao nhiêu ca thế rồi.

PTBNS số 48; 1-12-1939

Cái lần tôi đến thăm anh Quý ở Bắc Ninh, vào hồi sáu tháng trước đây, là lần tôi thấy anh ấy đối với tôi nhạt nhẽo và ngượng nghịu nhất.

Tôi không ngờ và cũng không để ý đến thái độ ấy. Vì hai chúng tôi thân với nhau từ thuở để chỏm. Có thể nói theo lối thiếu vệ sinh nhưng đầy thi vị, là “con chấy cắn đôi”.

Vì chúng tôi đã lâu mới gặp nhau, nên bao nhiêu chuyện để trong bụng bấy nay, tôi lôi hết ra để nói. Và cố nhiên, khi chuyện đã hết, tôi thấy đói. Tôi ngồi yên, ngáp vặt, đợi cơm trong buồng khách tranh tối tranh sáng. Bỗng anh Quý ngập ngừng, rồi cười và bảo:

– Này, anh ạ, cái “trống cà rùng” hồi ấy, tôi mới cho về ở đây.

Nói xong, anh lại cười, bằng cái cười chữa thẹn. Mà tôi thì sực nhớ ra.

Nguyên từ ngày Quý đổi về Bắc Ninh, anh không đem vợ đi theo nữa. Anh thường phàn nàn ở bên quê lắm việc, mà cha mẹ thì già, nên vợ anh phải ở lại để trông nom cửa nhà và đồng áng.

Bởi vậy, nghề thế, được thả lỏng, anh đâm ra chơi bời. Và không hiểu tí toáy thế nào, mà cô đầu Huệ có mang với anh.

Hồi ấy, anh có cho tôi biết. Và trong thư, anh gọi Huệ là “Trống cà rùng”.

Cho nên vừa nghe ba tiếng “Trống cà rùng”, tôi vội nói:

– Thế à? Đã đẻ rồi kia à?

Quý thấy tôi không tỏ ý gì, cười rõ to, vui vẻ đáp:

– ồ, đã hơn hai tháng nay.

– Con trai hay con gái?

– Con trai. Tôi mới cho mẹ con nó về đây hôm qua.

Rồi bùi ngùi, anh tiếp:

– Bởi vì dưới ấy, nhà ở thiếu vệ sinh, mình trông thấy đứa bé mà không yên tâm chút nào. Gia dĩ, con mẹ chủ nó cứ doạ đuổi.

– Phải, làm cô đầu lại có con, thì ai người ta nuôi báo cô.

– Không phải thế. Từ ngày nó có mang, tôi vẫn phải cấp tiền. Nhưng mình thì tốn kém mà nó phải chịu rúc trong cái chái nhà ẩm thấp, tối tăm, cửa giả chả có. Nhất là từ ngày nó đẻ, tôi càng không đang tâm cho thằng bé con ở đấy.

– Thế chị ấy đã biết tin này chưa?

Quý thở dài:

– Chưa. Nhưng tôi giấu sao nổi. Nhà tôi chẳng bằng lòng cũng chẳng được.

Nói đoạn, anh đứng dậy, rủ tôi:

– Anh vào mà xem mặt thằng bé. Nó giống tôi lắm.

Tôi theo Quý. Đến buồng ngủ, tôi nhìn vào trong giường, nhưng Quý cười, bảo:

– Huệ nó len lét, cả ngày chẳng dám lên nhà trên.

Qua sân xong, chúng tôi cúi đầu cho khỏi đụng mái bếp. Đứng trong nhà mà ngọn lửa lập loè của mấy thanh củi cháy lom dom không đủ làm cho đỡ tối, tôi bị khói làm cay cả mắt, và rất khó thở.

Tôi dừng lại để nhận kỹ. Cạnh lò, người bếp đương thổi cơm, và tận góc phản ngả mâm, một người quần áo thâm đen ngòm, ngồi bế con. Quý đến gần, đánh diêm soi vào mắt thằng bé đang ngủ say. Tôi nhìn nó, nhân tiện liếc trộm vào mặt Huệ. Người đàn bà thấy có khách lạ, lại bị ánh sáng chiếu gần, thì bẽn lẽn, cúi gầm xuống, và cũng không dám nhếch mép để chào nữa. Vì chắc người ấy không rõ tôi là bạn hay họ với Quý, và biết chào là gì.

Không muốn đứng đó để Huệ thẹn lâu, tôi quay gót đi lên. Và bảo Quý:

– Trong bếp khói quá, thở rất độc. Anh nên cho thằng cháu lên nhà trên.

Quý chán nản đáp:

– Mặc kệ, bảo mãi chẳng nghe. Biết thế, tôi không cho về đây lại xong. Vì về đây, mà cứ cả ngày chúi xuống bếp, thì cũng thế.

Tôi nói nhỏ:

– Thì buổi đầu về nhà lạ, ai chả ngượng?

– Anh bảo ngượng với ai? Cả nhà chỉ có tôi với thằng Hương, với thằng bếp, còn thẹn thò quái gì nữa?

Viết đến đây, tôi cần ngoặc dấu chua nghĩa để nói rõ rằng thằng Hương là con trai anh Quý, đã lên năm, và người làm bếp là cháu họ xa của anh, theo anh gần mười năm nay để giúp việc thổi nấu. Anh rất tin cẩn hắn, vì hắn thật thà có một. Nội tiền nong, và thìa khóa hòm, tủ, anh vẫn giao cho hắn giữ. Anh coi hắn như cánh tay phải, như người nội tướng đảm đang vậy.

Tôi hỏi:

– Thằng Hương đối với Huệ ra làm sao?

– Nó bé, đã biết quái gì.

– Thế Huệ đối với nó?

Quý tự đắc đáp:

– Huệ sợ cả từ thằng bếp sợ đi!

Vừa lúc ấy, người bếp dọn cơm lên bàn, Quý cười, chỉ vào hắn và nói:

– Chẳng tin, anh cứ hỏi nó mà xem.

Người bếp vui sướng, khoe:

– Thật đấy, thưa cậu. Cô ấy vâng cả với con. Con bảo mãi mà cô ấy vẫn cứ quen mồm. Cô ấy chả dám nhờ con làm việc gì cả. Lắm lúc con rỗi, thấy cô ấy vừa bế em vừa đun nước pha sữa, con tranh làm hộ, nhưng cô ấy nhất định không nghe. Bất đắc dĩ, muốn bảo con làm việc gì, thì cô ấy đến tận nơi, khẽ nói: “Anh làm phúc chịu rầu hộ tôi việc này, việc nọ”. Ăn cơm, cô ấy cũng mời con một cách lễ phép.

Tôi cười nói đùa:

– Phải, bởi vì anh là một nhân vật quan trọng trong nhà này.

Bữa ăn ấy, Huệ không dám ngồi với chúng tôi. Người đàn bà địa vị kém cỏi ấy không rời ra khỏi xó bếp. Vì chắc chị ta tự xét chỉ xứng đáng với nơi thấp hèn ấy mà thôi.

+

Cách đó hai tháng, một hôm tôi có việc phải qua Bắc Ninh. Nhân tiện, tôi vào thăm anh Quý.

Nhưng lúc ấy, cả Quý lẫn Huệ và người bếp cùng không có nhà. Tôi hỏi thằng Hương về em bé nó, thì nói nói:

– Vú em bế sang chơi nhà bên cạnh.

Tôi chờ trong chốc lát. Bỗng có chiếc xe đỗ phịch trước cửa. Một người đàn bà mở ví tay lấy tiền trả xong, thoăn thoắt mở cửa bước vào. Tôi biết ngay là Huệ, vì còn nhớ mặt, dù lần trước mới thoáng trông trong bóng tối.

Huệ hôm nay không phải là Huệ hai tháng về trước. Huệ hôm nay hoàn toàn là một thiếu phụ tân thời, vợ ông phán trẻ.

Chị ta thấy tôi, cúi đầu xuống chào, và nói một cách bạo dạn:

– Bác mới sang chơi? Nhà em cũng sắp về.

Đoạn Huệ vào buồng ngủ. Tôi để ý, thấy tiếng loẻng xoẻng chùm thìa khoá, và tiếng cánh cửa tủ kẹt mở và đóng đánh sình. Đoạn Huệ gọi bằng tiếng lanh lảnh:

– Vú em ơi!

Không thấy ai đáp, chị ta gọi:

– Hương! Vú em đâu?

– Thưa dì, vú ấy ở bên bà đốc ạ.

– Gọi vú ấy về đun nước bác xơi chứ? Con nhà, chẳng biết gì cả?

Rồi Huệ vui vẻ chạy ra nói với tôi:

– Thưa bác, chúng nó đoảng quá. Bác miễn trách cho. Cả thằng bếp nữa, đi tám nhăm trống canh chưa về!

Hôm ấy, thật tôi rất ngạc nhiên về sự thay đổi từ cử chỉ cho đến cách ăn nói của Huệ. Tôi không thấy tăm bóng người đàn bà sợ sệt, len lét ngồi dưới bếp nữa. Tôi chỉ thấy một người hợm hĩnh, cố khoe tài nội trợ. Người ấy mắng vú em không coi nhà, sai đầy tớ quạt than để là quần áo, và xuống bếp làm giúp đồ ăn. Rồi khi người bếp bưng cơm ra buồng khách, thấy tôi, anh ta ngó cổ vào trong nhà. Khi yên trí rằng không có ai, anh ta mới đứng cạnh tôi, thở dài, bĩu môi, thì thầm than thở:

– Động có khách lạ đến, là làm ra dáng chăm chỉ lắm. Còn lúc không, cả ngày chỉ nằm ăn vạ trên giường để nhổ vặt. Đến nỗi con cũng không nuôi nổi, phải thuê vú em. ấy thế mà còn đài các, lắm lúc mắng vú em như tát nước vào mặt. Thưa cậu, cậu con bây giờ ăn ở khác lắm, không được như trước nữa. Cậu con cả nghe cô ấy lắm, nhiều lần mắng cả anh Hương lẫn con. Ngày trước, nói đến cô ấy, cậu con vẫn gọi là nó, và dặn con nên trông nom cửa nhà cẩn thận, kẻo cậu con không tin cô ấy đâu. Thế mà bây giờ đã giao thìa khoá tủ cho rồi. Con tính nay mai cậu con đưa nốt lương tháng cho cô ấy chi tiêu nữa, là cửa nhà tan nát.

– Thế mợ phán đã biết cậu có vợ lẽ chưa?

– Cũng đã có người nói đến tai. Mà từ lúc cô ấy hỏi dò, biết mợ con hiền lành, thì lại càng giở ra nhiều cái nực cười. Cô ấy làm nũng cậu con, có ý giữ cậu con, chẳng muốn cho đi lại chơi bời với ai. Thỉnh thoảng, đối với con, cô ấy cũng không coi vào đâu. Tưởng chừng như cô ấy muốn coi con như hạng đầy tớ khác. Từ ngày cô ấy về, cậu con không tin cậy con như trước nữa. Mà con làm việc gì, có cô ấy xen vào, con thấy khó chịu lắm. Hình như cô ấy tước cả cái tự do của con vậy.

– Cô ấy thay đổi chóng lắm nhỉ.

– Vâng. Trước kia ai chẳng tưởng cô ấy chỉ cả ngày loanh quanh dưới bếp, sợ hãi từ con trở đi. Chứ có ngờ đâu. Nhưng độ một tuần, cô ấy đã mon men hay lên nhà trên. Rồi đi đứng, nói năng quen đi, không ngượng nghịu nữa. Và đã mấy lần có bạn đến, cô ấy tiếp, nhưng chỉ thì thầm với nhau trong buồng trong. Cô ấy có dám ló mặt ra đến phố đâu. Mà động thấy có ai lạ vào nhà, là thụt cho mau xuống bếp. Nhưng dần dần, độ ngoài một tháng, thì khi vắng cậu con, cô ấy đã mời khách ngồi ở xa lông, nói năng, cười đùa rầm rầm. Song cô ấy sợ con mách, nên nói lót, ngọt ngào lắm. Bây giờ thì bà ấy công nhiên mời khách ngồi ghế bành thả cửa, dù cậu con có nhà cũng vậy. Và thỉnh thoảng lại sĩ diện, quai mồm ra gọi “Bếp ơi!”. Con hầu cậu con, chứ con việc gì phải làm đầy tớ đồ đĩ ấy. Con chẳng ra gì cũng là cháu cậu con. Con gọi cô ấy là cô đã là quá đáng. Vì con sợ cậu con mà nhận cô ấy là vợ lẽ, chứ bất quá cô ấy chỉ ngang hàng với con là cùng!

Bữa cơm hôm ấy, Huệ cùng ngồi ăn với chúng tôi. Nàng cử chỉ lễ phép, không dám nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng săn sóc cơm nước, sai bảo người bếp một cách ngọt ngào mà thôi.

+

Nhưng hôm nay thì không thế nữa.

Hôm nay, vì anh Quý viết giấy mời tôi về Bắc Ninh để anh hỏi ý kiến về chuyện gia đình, nên tôi đến thăm anh.

Anh nhờ tôi nuôi thằng Hương để dạy dỗ nó, nói thác rằng nó mến tôi, chỉ đòi được ở với tôi. Nhưng tôi biết thừa là thằng bé khốn nạn đã nhiều lần bị vợ lẽ của cha đánh đập tàn nhẫn.

Khi tôi hỏi sao người bếp không ở với anh nữa, thì Quý còn tức giận, đáp:

– Anh tính, bạc ác đến nó là cùng. Nó đi theo tôi từng ấy năm. Trước kia tôi giao cả tiền nong cho nó, mà có một lần, nó nỡ ăn cắp của tôi.

– Anh bắt được?

– Bà cụ nhà tôi, à, bà đẻ ra Huệ ấy mà, rình bắt được. Chứ tôi tin nó quá, nên không ngờ.

Lúc ấy, Huệ ở nhà trong, chạy ra, nói xen vào:

– Vâng, nó lấy của nhà tôi hai chục, giấu trong hòm. Thì ra trước kia, giá nhà tôi có bị nó rút ruột rút gan bao nhiêu cũng không biết.

Quý nhìn vợ, cười nhạt, rồi nói với tôi:

– Cho nên tôi phải giao tiền nong cho nhà tôi giữ. Mình thì bận, còn có lúc nào để mắt đến hết mọi việc được.

Huệ nói:

– Rồi, thưa bác, muốn chừng biết từ nay không thể xơ múi gì nữa, nó mới chán cảnh, và cứ sinh sự với tôi. ấy, đi ăn đi ở mà cứ hỗn với chủ nhà, thì bác tính còn trời đất nào nữa. Tôi mới bảo nhà tôi đánh cho một trận và tống đi.

Thấy Huệ nói giọng lên bộ quá, tôi hiểu tất cả ẩn tình. Đầy tớ trung thành bị đuổi, con rứt ruột phải xa lìa, không rõ Quý có hiểu hiện gia đình anh đương bị một cuộc ngoại xâm ghê gớm hay không? Nhưng vẫn không thấy tình thế nghiêm trọng, anh còn khoe thêm rất tự đắc:

– Bây giờ tôi nuôi thằng bé này, cũng như thằng bếp trước, vì nó là người làng nhà tôi đây. Nó ngoan lắm.

Tôi cười nhạt, không trả lời.

Tôi muốn nói cho Quý rõ về thực trạng gia đình anh. Muốn chừng Huệ hiểu ý. Cho nên, khi ăn cơm xong, như mọi lần, tôi rủ Quý đi chơi phố. Song, thoáng thấy Huệ đưa mắt cho chồng, thì Quý ra ý ngần ngừ, khó chịu. Nhưng đồng thời, người thiếu phụ kêu khó ở, vào buồng nằm.

Quý theo Huệ vào một lát, rồi lúc ra, anh cố tươi cười để lấy lòng tôi, và nói:

– Nhà tôi nó mệt, anh cho đến khi khác.

+

Tôi biết Quý không còn khi nào để có thể đi chơi với tôi. Vì cả đến cái tự do của anh cũng bị cô vợ lẽ chiếm nốt. Hẳn từ nay, tự nhiên hoàn toàn anh bị tước quyền làm chủ nhân ông.

Thì ra ở đời, mỗi khi nước nọ xâm chiếm nước kia, cuộc chinh phục về mặt kinh tế, về mặt chính trị, cũng đi dần dần từng bước nguy hiểm như vậy.

Tôi đã thấy bao nhiêu ca thế rồi.

PTBNS số 48; 1-12-1939

Bình luận